Phật giáo Trung Quốc và xã hội hiện đại: Vai trò của Thái Hư Đại Sư và HT Ấn Thuận
Ngụy Đạo Nho (魏道儒) – Thích Nguyên Hiệp dịch
04/07/2011 08:09 (GMT+7)

Phong trào Phật giáo nhân gian (人間佛教) xuất hiện vào đầu thế kỷ 20. Từ những năm thập niên 80 thế kỷ trước, phong trào này trở thành một khuynh hướng chính của Phật giáo ở Trung Hoa lục địa, Đài Loan và Hồng Kông, vượt thoát những khác biệt tông phái và vùng miền. Cho dù ở bên trong phạm vi Phật giáo, hay ở trong giới học giả hay các phân khoa hành chính tôn giáo, mỗi khi thảo luận về tình hình hiện nay và việc phát triển Phật giáo Trung Quốc trong tương lai, người ta không thể bỏ qua chủ đề Phật giáo nhân gian. Chúng ta không thể bỏ qua việc xem xét Phật giáo nhân gian nếu chúng ta muốn tìm cách xây dựng Phật giáo Trung Quốc trong thế kỷ mới. Phong trào Phật giáo nhân gian không chỉ duy trì được sức sống mạnh mẽ, nó cũng đã trở thành tên gọi khác của Phật giáo Trung Quốc đương thời. Bài viết này tập trung vào tư tưởng và thực hành của Thái Hư Đại Sư (1890-1947) và HT. Ấn Thuận (1906-2005), thảo luận về những thay đổi và phát triển của Phật giáo Trung Quốc nhằm thích ứng với xã hội đương thời thông qua sự phân tích vắn tắt về nguồn gốc, bản chất và những đặc điểm của Phật giáo nhân gian.

I. Vào đầu thế kỷ 20, sự sụp đổ hoàn toàn triều đại nhà Thanh đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử chính trị Trung Quốc. Chính ở trong tình cảnh ấy, vì để thích ứng với những thay đổi của xã hội, những phong trào Phật giáo nhân gian đã bắt đầu hình thành vào những năm đầu kỷ nguyên Dân quốc.


Theo HT. Ấn Thuận, có hai hiện tượng nổi bật vào lúc bấy giờ. Một là từ những năm đầu Dân quốc, các Tăng Ni và Cư sĩ bắt đầu những công việc giáo dục và từ thiện khác nhau để thích ứng với những thay đổi ở trong xã hội. Ông chỉ ra rằng,“Từ bắt đầu kỷ nguyên Dân quốc, các Tăng Ni và Cư sĩ đã cố gắng thích ứng với xã hội bằng những công việc giáo dục và từ thiện. Dù kết quả thế nào, đó quả thực là một sự hiểu biết và hướng đến sự thật rằng Phật giáo là vì con người.” Thứ hai, xu hướng quan tâm đến “Phật giáo nhân gian” đang trở nên phổ biến và có ảnh hưởng. Hoà thượng Ấn Thuận nói rằng, việc xiển dương Phật giáo nhân gian đã được thực hiện trong suốt thời kỳ Dân quốc. Vào năm Dân quốc 23 (1934), tạp chí “Hải Triều Âm” (
海潮音) đã xuất bản một ấn bản đặc biệt về Phật giáo nhân gian và gây chú ý đối với nhiều người vào lúc đó. Về sau, thầy Từ Hàng (慈航) đã bắt đầu một tạp chí ở Singapore, đó là tạp chí “Phật giáo nhân gian.” Trong suốt cuộc chiến chống Nhật, một huyện ở tỉnh Chiết Giang cũng xuất bản một tạp chí khổ nhỏ có tên “Nguyệt san Phật giáo Nhân gian.”


Từ hai hiện tượng này, cho thấy rằng giai đoạn đầu của “Phật giáo nhân gian” không giới hạn ở nơi công việc của giới Tăng lữ mà với sự tham gia rộng rãi của cả Tăng Ni và Cư sĩ. Từ thời điểm bắt đầu, Phật giáo nhân gian không chỉ dành cho việc nghiên cứu học thuật, mà cũng là việc xem xét song song cách Phật giáo có thể thích ứng với sự phát triển xã hội như thế nào, cả bằng việc phát triển lý thuyết và thực hành. Có thể nói rằng sự ra đời và phát triển Phật giáo nhân gian là một sự phản ánh những thay đổi lịch sử lớn lao trong xã hội Trung Quốc, cũng là kết quả của việc Phật giáo chuyển đổi từ xã hội cũ sang xã hội mới. Những thảo luận ban đầu như vậy về lý thuyết, và những đảm nhận từ thiện và giáo dục trong suốt những năm Dân quốc có thể nói là mô hình sớm nhất thật sự có ý nghĩa của Phật giáo Trung Quốc hiện đại trong việc thích ứng với những thay đổi ở trong xã hội.

II. Đã có những đóng góp sâu xa cho việc nghiên cứu về lý thuyết và thực hành Phật giáo nhân gian. Đến giữa cuối thế kỷ trước, đại diện tiêu biểu nhất là lý thuyết và thực hành của Thái Hư Đại Sư và HT. Ấn Thuận, những người tạo nên nguồn cảm hứng quan trọng cho việc hiện đại hoá Phật giáo ở Trung Quốc trong thế kỷ mới.


Thái Hư Đại Sư là người đầu tiên sử dụng khái niệm “Phật giáo nhân sinh” (
人間佛教), và ông cũng sử dụng khái niệm “Phật giáo nhân gian” (人間佛教). Tuy đặt cơ sở trên hai khái niệm này, ông lại nhấn mạnh hơn vào khái niệm Phật giáo nhân sinh để khái quát hóa toàn bộ tư tưởng của mình. Mặc dù hai khái niệm này phản ánh một vài chiều hướng tư tưởng khác nhau, đối với mục tiêu chính của Thái Hư trong việc xây dựng Phật giáo đương thời là truyền bá phong trào Phật giáo cải cách, không có sự khác nhau căn bản giữa hai khái niệm. Lý thuyết và thực hành Phật giáo nhân sinh của Thái Hư có thể được xem là giai đoạn đầu của phong trào Phật giáo nhân gian.


Đặc điểm nổi bật nhất nơi Phật giáo nhân sinh của Thái Hư Đại Sư là lấy việc thực hành hiện tại làm mục đích, không phải những nghiên cứu mang tính lý thuyết. Dưới sự hướng dẫn của tính khế lý khế cơ, ông nhận diện và thừa kế có chọn lọc di sản quá khứ, và tiến hành một cuộc cải cách tổng thể trong Phật giáo, để có thể thích ứng với chiều hướng xã hội Trung quốc và thế giới. Đây là những nguyên tắc của Phật giáo nhân sinh, và những đặc điểm lý thuyết của ông. Ông nói:

“Ở thời điểm này đây, chúng ta phải thích ứng chánh pháp của đức Phật với thời đại và căn cơ của nhân loại, chúng ta cũng phải chọn lựa điều gì là cốt tuỷ trong số những lời dạy khác nhau của đức Phật, xa hơn nữa kiết tập và sắp xếp lại chúng.” 


Như vậy “Phật giáo nhân sinh” có nghĩa là Phật giáo kiết tập toàn bộ giáo lý Phật giáo và thích ứng chúng với thời đại và căn cơ của con người.


Thái Hư Đại Sư lấy “Phật giáo nhân sinh” làm biểu ngữ để thực hiện một cuộc cải cách tổng thể ở trong Phật giáo. Những nội dung triết học của ông rất bao quát, và bao hàm mọi khía cạnh xây dựng nên một Phật giáo mới. Nói chung, ông đã quảng bá “Ba đại cách mạng”: cách mạng giáo lý, cách mạng giáo hội, và cách mạng giáo sản, xem đó là những điều cốt lõi. Ông nói:

“Giáo lý Phật giáo cần có một hình thức mới để có thể thích ứng với xu hướng tư tưởng trong thời hiện đại, và không nên bảo thủ để chữa trị những căn bệnh mới. Thứ hai, những tổ chức Phật giáo, đặc biệt là hệ thống Tăng lữ, phải nên cải cách. Thứ ba, về tài sản của các chùa viện, nó nên là tài sản chung của tất cả Tăng sĩ, loại trừ tập quán xấu về việc tư hữu dựa trên chùa viện truyền thừa. Chúng ta cần sử dụng tài sản để hỗ trợ những vị Tăng niên trưởng đức độ, đào tạo những vị Tăng trẻ tuổi có triển vọng, và bắt đầu những hoạt động Phật sự khác nhau.”


Hòa thượng Ấn Thuận hết sức ca ngợi “Ba cách mạng” này. Nhiều nhà nghiên cứu cũng cho rằng nhiều trong những kế hoạch tái tổ chức của Thái Hư Đại Sư là hoàn toàn sáng tạo. Từ thời điểm khởi xướng việc truyền bá Phật giáo nhân sinh, Thái Hư Đại Sư nhấn mạnh việc phân tích và phê bình tình trạng Phật giáo đương thời, nắm bắt và chọn lọc di sản Phật giáo, và phác thảo kế hoạch tổng thể cho tương lai Phật giáo.

 

Theo quan điểm của Thái Hư Đại Sư, phong trào “Phật giáo nhân sinh” mà ông xiển dượng là một phong trào “cách mạng”. Ông đã từng đặt tên cho phong trào Phật giáo nhân sinh là “Phong trào Phật giáo cách tân” và thậm chí gọi nó là “cách mạng”. Do đó, điểm cốt tuỷ của Phật giáo nhân sinh là một phong trào Phật giáo cách tân thích ứng được với những thay đổi trong xã hội và phát triển cùng với thời đại. Đây cũng là bản chất cốt tuỷ của phong trào Phật giáo nhân gian, phong trào bắt đầu vào đầu thế kỷ trước và vẫn đang phát triển mạnh ở thế kỷ mới.


            III. Lý thuyết “Phật giáo nhân gian” mà HT. Ấn Thuận xiển dương là đi theo những nguyên tắc cơ bản của Phật giáo nhân sinh do Thái Hư Đại Sư chủ trương, nhưng hình thức lý thuyết của HT. Ấn Thuận thì hoàn bị hơn. Nhìn vào toàn bộ tư tưởng Phật giáo nhân gian của HT. Ấn Thuận, chúng ta có thể thấy ba đặc điểm nỗi bật.


Trước hết, lý thuyết “Phật giáo nhân gian” của HT. Ấn Thuận nhấn mạnh một cách cụ thể vào tầm quan trọng của việc thích ứng Phật giáo với xã hội. Theo quan điểm của ông, từ đầu kỷ nguyên Dân quốc, tiến trình tìm kiếm lý thuyết và thực hành liên quan đến Phật giáo nhân gian là tiến trình Phật giáo thích ứng với xã hội. Do đó, việc thích ứng với xã hội phát triển trở thành một chiều hướng rất được nhấn mạnh trong lý thuyết của ông. Hoà thượng Ấn Thuận giải thích về ý nghĩa của việc thích ứng xã hội, và cách thức Phật giáo nên thích ứng với xã hội. Ông xem việc thích ứng với xã hội là bản chất của Phật giáo truyền thống. Tiến trình thích ứng của Phật giáo với xã hội là tiến trình Phật giáo áp dụng những chức năng của nó và thực hiện những việc làm tốt trong cuộc đời và làm lợi ích con người. Nó cũng là tiến trình tìm kiếm những gì là cốt tủy của Phật giáo; cũng là tiến trình Phật giáo thực hiện cải cách và tịnh hoá tự thân. Ông nói, “lý thuyết, hệ thống, và thể thức (của Phật giáo nhân gian) luôn hướng đến sự thay đổi.”


Theo quan điểm của ông, cho dù là giáo lý hay hệ thống do chính đức Phật trình bày, cũng bắt buộc phải điều chỉnh, và thay đổi để phù hợp với xã hội đang thay đổi. Giáo lý được ghi chép trong kinh sách, không phải đều có thể áp dụng được mọi lúc mọi nơi. Lời xác quyết này giúp bỏ đi chướng ngại để thực hiện Phật giáo nhân gian. Theo những gì HT. Ấn Thuận giải thích về cách Phật giáo nên thích ứng với xã hội, ta có thể thấy tư tưởng của ông rất cởi mở.


Thứ hai, HT. Ấn Thuận đã khai mở những nguồn tâm linh quý giá từ việc nghiên cứu toàn bộ giáo lý Phật giáo. Ông lấy kinh A-hàm làm kinh sách cho Phật giáo nhân gian, lấy những kinh sách thời kỳ đầu làm nền tảng học thuyết cho Phật giáo nhân gian, xem đức Phật Thích Ca Mâu Ni là hình mẩu của việc thực hành Phật giáo nhân gian. Khi nghiên cứu toàn bộ Phật giáo, HT. Ấn Thuận làm sáng tỏ những tư tưởng cốt tuỷ mà Phật giáo nhân gian cần có. Do đó, lý thuyết của nó là có hệ thống và hoàn bị.


Trong những năm gần đây, có nhiều học giả quan tâm đến vấn đề nguồn gốc tư tưởng của Phật giáo nhân gian; và họ đã đưa ra nhiều quan điểm khác nhau. Một vài người nghĩ rằng Phật giáo nhân gian có gốc nơi Thiền tông Trung quốc; một vài nghĩ rằng nó xuất phát từ Phật giáo Đại thừa; một số người cho rằng cốt lõi của khái niệm nằm ở nơi Phật giáo thời kỳ đầu; nhưng số khác nghĩ rằng nó có nguồn gốc từ Phật giáo thời nhà Thanh.


Thứ ba, khi thiết lập nguyên tắc “đặt cơ sở trên con người,” HT. Ấn Thuận đã áp dụng những tư tưởng và giá trị về con người vào trong tất cả lý thuyết của Phật giáo nhân gian. “Vì con người, dựa trên con người và định hướng con người” trở thành tư tưởng cốt tuỷ của Phật giáo nhân gian. Ông sử dụng chủ nghĩa nhân văn làm thước đo để xem xét giáo lý nào là chánh pháp, và làm tiểu chuẩn để định lượng toàn thể Phật giáo. Do đó, nó không chỉ thừa hưởng một cách sáng tạo tinh thần từ bi - luôn quan tâm đến mọi chúng sanh trong Phật giáo truyền thống, mà cũng giúp hình thành tư tưởng có tinh thần phê bình mạnh mẽ.


Nói chung, có năm nội dung chính nơi khái niệm “đặt cơ sở trên con người” mà HT. Ấn Thuận đã truyền bá.

(1) Nhấn mạnh “đặt cơ sở trên con người” từ việc hoàn bị “Phật giáo nhân sinh” của Thái Hư Đại Sư. Đây là một trong những lý do quan trọng mà HT. Ấn Thuận đã thay “Phật giáo nhân sinh” bằng “Phật giáo nhân gian”. 


Như ông tuyên bố nhiều lần rằng, học thuyết “Phật giáo nhân gian” của ông là chịu ảnh hưởng Thái Hư Đại Sư theo nhiều cách. Đồng thời, ông cũng khai sinh nhiều tư tưởng mới bằng nhiều cách.


Khi Thái Hư Đại Sư truyền bá “Phật giáo nhân sinh”, ông cũng nhấn mạnh rằng cần nên “định giá hiện thực.” Nhưng tại sao chúng ta vẫn cần thay thế điều đó bằng “Phật giáo nhân gian”? Hoà thượng Ấn Thuận nghĩ rằng Phật giáo nhân sinh quá chú trọng vào cõi chết và thần linh. Phật giáo nhân gian cố gắng sửa lại niềm tin thiên lệch này và “đồng thời điểu chỉnh lại khuynh hướng quá chú trọng vào thần linh và đời sống bất diệt. Phật giáo chân thực nên tồn tại ở trong cuộc đời này. Chính ở nơi cảnh giới con người mà Phật giáo có thể khai mở được ý nghĩa chân thực của nó.” Vì “Phật giáo nhân sinh” nhấn mạnh vào “định giá hiện thực”, về bản chất nó không chệch ra khỏi nguyên tắc Phật giáo căn bản. Tuy nhiên, Phật giáo nhân gian được bổ sung và làm cho hoàn thiện hơn, chính yếu bởi nó nhấn mạnh vào tư tưởng “đặt cơ sở trên con người”, điều làm sáng tỏ thêm “ý nghĩa chân thực” của Phật giáo. Hòa thượng Ấn Thuận nói:


“Cả thế tục hoá và huyền bí hoá sẽ không đưa đến việc làm hưng thịnh Phật giáo. Phật giáo ở Trung Quốc nói chung quá chú trọng vào cõi chết và thần linh. Thái Hư Đại Sư trình bày “Phật giáo nhân sinh” để sửa lại thói quen xấu này. Phật giáo được đặt cơ sở trên loài người, vì vậy không nên huyền bí nó quá mức; nó càng không phải là một tôn giáo của thần linh. Chỉ có Phật giáo nhân gian vượt thoát khỏi thần linh mới có thể làm hiển lộ được ý nghĩa chân thực của Phật giáo.”


Để hưng thịnh Phật giáo, người ta nên chấp nhận nguyên tắc “đặt cơ sở trên con người.” Phổ biến “Phật giáo nhân gian” rõ ràng là vì lợi ích của tất cả loài người.


(2) Giải thích việc “đặt cơ sở trên con người” bằng cách giải thích những giáo lý Phật giáo khác nhau.

Ông cho rằng bất kể giáo lý mà người ta đang thực hành là gì, thì điều căn bản trước hết là nên thực hiện bổn phận như một con người, và cũng cần dựa vào con người. Việc thiết lập “Phật giáo nhân gian” không bác bỏ những pháp môn tu tập khác. Hoà thượng Ấn Thuận xem Ấn Quang Đại Sư là tấm gương sáng và nói rằng: Suốt cuộc đời của ngài, Ấn Quang Đại Sư đã nỗ lực truyền bá pháp môn niệm “Nam mô A-di-đà Phật”, xem đó là cách sinh về Tịnh Độ. Tuy nhiên ngài không “quên ý nghĩa quan trọng rằng Phật giáo là ở nơi cảnh giới con người.” Ngài dạy “thực hiện bổn phận như một con người là điều kiện tiên quyết giúp sinh về Tịnh độ Tây phương.” Điều này có nghĩa rằng, cho dù giáo lý mà chúng ta đang thực hành là gì, điều quan trọng là chúng ta cần kính trọng con người và dựa trên con người. Chúng ta cũng cần áp dụng tinh thần “Phật giáo nhân gian” vào trong mỗi và mọi việc thực hành giáo lý Phật giáo.

(3) Giải thích “đặt cơ sở trên con người” bằng cái nhìn có nghiên cứu kỹ lưỡng về những gì là cốt lõi của Phật giáo, và sử dụng “đặt cơ sở trên con người” làm tiêu chuẩn để phân biệt và định giá toàn bộ giáo lý Phật giáo.


Hòa thượng Ấn Thuận nói rằng “Thời kỳ sau của Phật giáo ở Ấn Độ đã đi ngược lại ý nghĩa chân thực của Phật giáo. Nó không xem con người là nền tảng, thay vì vậy lai xem sự hư vô là cơ sở, gây nên những thay đổi sâu xa trong giáo lý Phật giáo.”Theo quan điểm của ông, việc đi ngược lại tư tưởng “đặt cơ sở trên con người” có nghĩa là “đi ngược lại ý nghĩa chân thực của Phật giáo.” “Đặt cơ sở trên con người” là tiêu chuẩn mà HT. Ấn Thuận dùng phân biệt sự khác nhau giữa giáo lý chân thực và giáo lý sai lạc.


(4) Việc nhấn mạnh “đặt cơ sở trên con người” từ khía cạnh thực hành.

Quá trình đạt lấy giác ngộ hay những quả vị khác nhau của Phật giáo là vì lợi ích của con người và tiến trình phục vụ loài người. Hoà thượng Ấn Thuận thừa kế tư tưởng của Thái Hư Đại Sư, nhấn mạnh rằng con người cần nên nỗ lực để đạt lấy Phật quả. Tức là, con người đạt lấy Phật quả thông qua việc thực hành Bồ-tát hạnh. Chúng ta đạt lấy Phật quả bằng cách nào? Ông chỉ ra rằng: “Chúng ta đừng nghĩ gì đến bản thân mình ngoài việc khởi lòng từ bi vì người khác, làm lợi ích tất cả chúng sanh. Chúng ta phải thực hành Bồ-tát hạnh, và tiến đến đạt lấy Phật quả.” Do đó, việc đạt lấy Phật quả cho mình chỉ có thể trở thành hiện thực thông qua quá trình phục vụ con người và hành động vì con người.


(5) Việc nhấn mạnh “đặt cơ sở trên con người” từ khía cạnh thiết lập lý tưởng thực hành. Quá trình đạt lấy Phật quả là quá trình thanh tịnh và chuyển đổi tự thân. Nó cũng được gọi là “hoàn thiện nhân cách”. Ông cho rằng quá trình đạt lấy Phật quả ở trong cảnh giới loài người là bắt đầu với hành xử của chính chúng ta. Tức là, nếu chúng ta thực hành Bồ-tát đạo viên mãn, chúng ta sẽ đạt được Phật quả. “Đạt lấy Phật quả” có nghĩa là “sự tịnh hoá và phát triển nhân tính của chúng ta, và hoàn thiện mẩu nhân cách con người cao tột nhất.” Mục đích tối hậu của việc truyền bá “Phật giáo nhân gian” của HT. Ấn Thuận là vì con người.

 

IV. Thái Hư Đại Sư và HT. Ấn Thuận đã trình bày tư tưởng của họ khi họ hiểu thấu vấn đề Phật giáo trong suốt thời đại của họ, và sử dụng tinh thần cốt tuỷ của Phật giáo được nghiên cứu một cách thấu đáo. Dựa trên cơ sở đó, họ cải đổi và hoàn bị tất cả nội dung cốt tuỷ của học thuyết trong khi thích ứng với sự phát triển của xã hội. Họ đã xây dựng những lý thuyết và nguyên tắc quan trọng cho Phật giáo nhân gian, điều được những nhà lãnh đạo Phật giáo ở Trung Hoa lục địa, Đài Loan và Hồng Kông thừa kế và tiếp tục xiển dương. Lý thuyết và thực hành của họ đã tạo nên những đóng góp quan trọng, tạo nguồn cảm hứng cho việc xây dựng Phật giáo ở Trung Quốc trong thế kỷ mới. 


Trước hết, họ hoà nhập vào tình hình thực tế của Phật giáo, và đưa ra những kế hoạch đúng đắn để phát triển Phật giáo, và công bố những cách thức cải cách Phật giáo. 

 

Thái Hư Đại Sư đưa ra học thuyết “Phật giáo nhân sinh” và tuyên bố “ba cách mạng”; và cả ba điều này đều liên quan đến những vấn đề thực tế của Phật giáo thời bấy giờ.

 

HT. Ấn Thuận hoàn bị học thuyết “Phật giáo nhân gian” khi nắm bắt thấu đáo và giải quyết những vấn đề của Phật giáo.


Tình hình Phật giáo ở Trung Quốc hiện nay không giống Phật giáo đầu và giữa thế kỷ 20. Trong thế kỷ mới, Phật giáo ở Trung quốc có thuận lợi về môi trường chính trị, kinh tế, ý thức hệ và văn hoá. Nó có cơ hội lớn để phát triển, nhưng phải gánh vác sứ mệnh mới để thích ứng với sự phát triển của xã hội. Chúng ta nên nhận thức rõ tiến trình xây dựng Phật giáo trong thế kỷ mới và phải đương đầu với thực tế xã hội mới, giải quyết những vấn đề mà trước đây không có, và cần đối diện với những thách thức mới. Cách để giải quyết những vấn đề Phật giáo đối mặt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tiền đồ của Phật giáo. Do đó, trong khi xây dựng Phật giáo trong thế kỷ mới, trước hết, chúng ta phải trải qua một quá trình tìm hiểu và nghiên cứu thấu triệt tình hình Phật giáo hiện nay, và nắm bắt chính xác chủ đề phát triển của Phật giáo trong suốt thời kỳ này, nhanh chóng tập trung vào những vấn đề thực tại để giải quyết, và đề xuất những kế hoạch tương xứng cho sự cải cách.


Thứ hai, Thái Hư Đại Sư và HT. Ấn Thuận hiểu một cách sâu sắc bản chất và ý nghĩa lịch sử của phong trào Phật giáo nhân gian.


Thái Hư Đại Sư đặt tên phong trào phục hưng Phật giáo của mình là “phong trào cách tân”, phong trào “cách mạng”. Điều này cho thấy ông hiểu rõ tầm quan trọng của Phật giáo phục hưng và sự khó khăn của việc xây dựng Phật giáo mới.


“Phật giáo nhân gian” không phải là một vấn đề học thuyết cũng không phải là một vấn đề học thuật. Phong trào này nhằm đến sự chuyển đổi Phật giáo, và quá trình thay đổi thích ứng với xã hội hiện đại.


Từ một cái nhìn lâu dài, phong trào “Phật giáo nhân gian” mà nó vượt qua những rào cản của trường phái và vùng miền, chắc chắn sẽ phát triển mạnh mẽ để hướng đến một tương lai tươi sáng. Nó nhất định sẽ áp dụng vai trò xã hội đa phương diện của mình trong việc làm lợi ích cuộc đời và loài người ở thế kỷ mới, viết nên một chương mới kỳ vĩ trong lịch sử Phật giáo.


Thứ ba, nó định giá tầm quan trọng của việc thích ứng Phật giáo với xã hội và tìm kiếm sự phát triển hoà hợp Phật giáo với xã hội hiện đại.


Hầu hết những người ủng hộ Phật giáo nhân gian, từ những cách nhìn khác nhau, nhấn mạnh vào tầm quan trọng thích ứng với xã hội. Việc xây dựng Phật giáo trong thế kỷ mới không thể thành công được theo cách tự cô lập; cần nên thích ứng với xã hội được dựa trên sự am hiểu về xã hội. Giải thích của HT. Ấn Thuận có thể tạo nguồn cảm hứng cho chúng ta hiểu xa hơn về vấn đề “thích ứng xã hội”.


Theo ông, “thích ứng xã hội” (
適應社會) của Phật giáo không nên đáp ứng “thị hiếu tầm thường” của xã hội, mà “hướng dẫn xã hội” theo con đường đúng đắn. Do đó, quá trình Phật giáo thích ứng với xã hội là quá trình chuyển đổi chính nó và quá trình áp dụng chức năng làm lợi ích cuộc đời và con người ở trong xã hội. Nếu chúng ta hiểu được những vấn đề Phật giáo đối mặt khi thích ứng với xã hội, chúng ta sẽ nối kết một cách có ý thức sự phát triển Phật giáo trong tương lai với sự phát triển của xã hội. Theo lịch sử Phật giáo, thích ứng với xã hội cũng là bản chất của Phật giáo.


Thứ tư, họ kết hợp di sản thừa kế với sự cách tân. Tinh thần phê bình giúp sự thừa kế di sản Phật giáo có sáng tạo.


Từ việc truyền bá những học thuyết và thực hành Phật giáo nhân sinh và Phật giáo nhân gian của Thái Hư Đại Sư và HT. Ấn Thuận, chúng ta có thể thấy rằng, cả hai chú trọng vào việc kết hợp di sản thừa kế và cách tân, và rằng họ đã nhận ra những nguồn tinh thần Phật giáo thông qua việc nghiên cứu toàn bộ Phật giáo. Họ đã phân tích và phê bình toàn diện Phật giáo và phân biệt giữa những gì nên được thừa kế và những gì nên loại bỏ. Họ thừa kế một cách sáng tạo truyền thống tuyệt vời của Phật giáo khi kết nối nó với thực tại xã hội.


Trong thế kỷ mới, Phật giáo đang đối mặt với tình huống mới. Việc phát triển tư tưởng Phật giáo, và những cải cách khác nhau bên trong chính nó cần được thực hiện bằng sự kết hợp giữa kế thừa và cách tân. Đặc biệt, trong quá trình tìm kiếm cải cách, tinh thần phê bình quý giá của Thái Hư Đại Sư và HT. Ấn Thuận thật đáng noi theo. Đây cũng là tinh thần không thể thiếu cho việc xây dựng Phật giáo trong thế kỷ mới ở Trung Quốc./.


Ngụy Đạo Nho (
魏道儒) – Nguyên Hiệp dịch

(http://sac-khong.blogspot.com/2011/05/phat-giao-trung-quoc-va-xa-hoi-hien-ai.html)

 

 

(thuvienhoasen.org)

Các tin đã đăng: