Khi
bóng đêm lan dần trên đỉnh Hy mã lạp sơn xa xa, tôi vội lao vào trong
đám đông xe cộ ngược xuôi như mắc cửi ở Boudha Tusal, mắt tôi đăm đăm
dán vào chiếc cổng chạm đá bên kia đại lộ.
Lách qua một đám xe máy nổ xình xịch, nhẹ len qua chiếc tắc-xi đang mở
nhạc pop inh ỏi, tôi chen người qua một chiếc xe máy rồi băng qua con
đường, thấy một chiếc xe tải có ca-bin sơn vẽ các vị thần phổ biến của
đạo Hindu ở Nepal như thần Shiva tóc dài, thần Ganesh đầu voi. Khói xe
bốc lên mù trời. Mấy anh cảnh sát nói gì bằng tiếng Nepal đó tôi không
rõ. Tôi nhanh chân nhảy lên lề đường và bước vội trên lối đi về hướng
cổng mái vòm cao có hai con sư tử đá chầu hai bên.
Bỗng nhiên, tôi như đi vào một thế giới khác. Mùi khói ô nhiễm của
dòng xe như tan loãng nhường chỗ cho mùi hương ngọt ngào của nhang trầm
quyện tỏa. Thần Shiva, Ganesh và các thần Hindu đều biến mất. Thay
vào đó, hiện thân của một niềm tin tôn giáo khác hiện ra trong tầm mắt:
đức Thích Ca Mâu Ni, thường được gọi là đức Phật, trên ngôi tháp cao
nhiều tầng nhìn xuống với vẻ trầm lắng. Những điệu nhạc pop Nepal xa
dần, thay vào đó là tiếng tụng kinh vang lên.
Một nhóm chư tăng Tây Tạng trong pháp phục màu nâu đỏ đang trì tụng câu thần chú sáu chữ “Om mani padme hum," nghĩa là “viên ngọc mani của tâm từ đang tỏa sáng trong đóa sen”.
Ẩn mình trong vùng ngoại ô của thành phố Katmandu, Boudhanath là ánh
mắt an tịnh giữa thủ đô huyên náo và bụi bặm và là khu văn hóa Phật
giáo Tây Tạng trang nghiêm giữa một đất nước có đạo Ấn giáo (Hindu)
chiếm ưu thế. Trong số hàng ngàn người dân ở vùng này, rất nhiều người
trực tiếp từ Tây Tạng sang. Từ khi Trung Quốc chiếm Tây Tạng cách đầy
gần 60 năm, người Tây Tạng chạy sang tị nạn ở nước láng giềng Nepal, đã
làm cho khu vực Boudhanath hẻo lánh xưa kia thành một Lhasa Nhỏ sống
động.
Dọc theo con các con đường đất hẹp, chân dung vị lãnh tụ tinh thần
Tây Tạng, đức Dalai Lama mỉm cười được trưng bày trang trọng ở các tu
viện Phật giáo. Các quầy thuốc nam Tây Tạng, các công xưởng thủ công
nghề truyền thống và các nhà hàng phục vụ đủ thứ các món ăn từ bánh
pizza nhân bơ với thịt bò Tây Tạng đến bia nhãn hiệu Everest. Về đêm,
đông đảo người dân Tây Tạng thắp đèn dầu bơ cầu nguyện xung quanh ngôi
tháp cổ to lớn có tuổi thọ đến hàng thế kỷ. Đây là một công trình kiến
trúc Phật giáo quan trọng có cấu trúc mái vòm, màu trắng, trên đỉnh có
một ngôi tháp bằng vàng.
Nhờ vào hai người anh của tôi chuyển đến Boudhanath để nghiên cứu
Phật giáo Tây Tạng vào đầu những năm 1990, gia đình chúng tôi thật sự
trở thành những thành viên của cộng đồng năng động này. Từ khu thánh
địa đến các quán cà phê xiêu vẹo, Boudhanath là trạm giao lưu quốc tế,
nơi những người xa xôi như chúng ta có nhân duyên hội tụ.
Vào một buổi sáng đẹp trời, hàng chục cửa tiệm và các quán xá bán
hàng thủ công bao quanh tháp rộn lên tiếng xì xào mua bán. Những khách
du lịch và khách hành hương thánh tích bắt đầu rút những tờ giấy bạc
100 Rupees gấp trong túi ở các tiệm bán hàng như Trung tâm phát hành
chuông Tây Tạng, tiệm bán tượng lưu niệm và đồ thủ công.
Đến gần giờ ăn trưa, tôi đến mấy chiếc bàn công cộng ở một quán tên
là ‘Bếp Tây Tạng’ và chọn một chỗ ngồi. Như đã nói ở trên, bạn không
phải chủ tâm tìm kiếm ở môi trường này, tình cờ thôi, không khí này
mang phong thái Phật giáo. Một cung cách phục vụ không mấy nhiệt tình
tạo cho ta có một thời gian dài để định tâm, trang trí đơn giản thể
hiện một ý nghĩa mới của khái niệm ‘không’. Thế rồi những người địa
phương bắt đầu dựng hàng quán và trông khởi sắc và hương vị có phần
phong phú hơn. Các món ăn ngon hoặc rẻ hơn bắt đầu có mặt ở Boudhanath.
Bảo tháp Boudhanath, trung tâm văn hóa Phật giáo Tây Tạng ở Katmandu
Trong một bữa ăn theo kiểu Tây Tạng , thường có momo, hay nói đúng
hơn là phải có món này. Đó là một loại bánh bao hấp hình bán nguyệt có
thể tìm thấy trong mọi dịp ăn uống, ở gia đình bình thường cũng như nơi
chùa chiền quanh khu vực Boudhnath. Tôi gật đầu với món tôi khoái
khẩu, thịt trâu, như thường lệ, đó là loại thịt cắt miếng, phơi khô,
rồi đem ướp và hầm kỹ cho mềm.
Kế tiếp đó là một bát thukpa bốc hơi nghi ngút, một chiếc bát dày
đựng súp nấu mì gà, tiếp đó là món tráng miệng pak-tsoe, một loại bánh
mềm và ngọt, làm bằng lúa mạch, ở trên bề mặt có quét một lớp bơ dẻo,
ăn khi bánh còn nóng. Nói chung, một bữa ăn thoải mái kiểu như thế này
thì bà của bạn có thể làm được, nếu bà có tên là Tenzin (tên người Tây
Tạng) và sống ở sườn núi.
Với muôn sắc màu cuộc sống, cũng như mọi nơi khác của Nepal, còn có
nhiều người nghèo khó sống quanh vùng Boudhanath. Năm này qua năm khác,
tôi gặp nhiều người không gia đình trên các ven đường: một người phụ
nữ mù tay gõ chiếc trống nhỏ để xin từng đồng tiền cắc. Một đứa bé đánh
giày không có lấy đôi giày để mang. May mắn là một số người trụ cột
trong cộng đồng đã mạnh dạn giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh để rồi họ
không còn phải sống trên vỉa hè nữa.
Một con đường phía tây ngôi tháp phủ đầy rác đưa tôi đến quán Rokpa
do hội từ thiện Thụy Sĩ điều hành. Nhiều phụ nữ ngồi trên sàn nhà may
các đường kim tuyến lấp lánh vào các tọa cụ dùng để ngồi thiền, ví đựng
tiền, bì đựng tài liệu và khăn choàng cổ. Sự cơ cực trước đây đã tạo
duyên cho họ rèn luyện kỹ năng làm đồ thủ công và bây giờ, họ sống bằng
đồng tiền mỗi ngày nhờ vào kỹ năng sáng tạo của người làm nghề thủ
công.
Trong lối đi đến cơ sở hàng dệt vùng Hy Mã Lạp Sơn đáng tin cậy
(đường tu viện Shechen), đây đó gặp mấy người Tây Tạng, vài người đàn
ông và vài phụ nữ, đang tháo mấy tấm tạp dề cũ, mấy cái lều lưu động, y
áo của chư tăng hay vài cái túi đựng cát. Những sợi vải quý, được làm
từ lông bò Tây Tạng và nhuộm kỹ bằng cây lá, làm mới lại một thời trang
khi các sợi chỉ này được thêu vào các tấm thảm một cách công phu khéo
léo hoặc để treo trang trí trên tường. Đây không chỉ là vải sợi mà tái
tạo một sức sống mới.
“Ít nhiều gì mọi thứ ở đây đều tái chế, kể cả con người”, Pasang
Tsering, một người chủ tiệm và là người thiết kế mẫu, giải thích như
vậy khi ông thuê và giúp đỡ trong việc đưa các thôn nữ nghèo nhập cư
vào Katmandu, những người cứ bị chồng đi uống rượu về rồi đánh đập, trở
về cuộc sống bình thường. Chủ tiệm cũng trả chi phí học hành cho con
những người làm công nữa. Mấy đứa nhỏ này thỉnh thoảng cũng phụ cắt vải
vụn.
Sự tu tập bắt đầu vào mỗi thứ bảy.
Vào một buổi sáng trời quang đãng, tôi cùng với cha mẹ và các anh
cùng với hàng chục người nước ngoài và nhiều người phương tây sống xa
xứ đã lâu đi vào một hội trường giảng giáp của ngôi tu viện màu trắng ở
Boudhanath để tham dự theo truyền thống đã có hàng chục năm của người
địa phương: hằng tuần, có giảng pháp tự do, do Sư Chokyi Nyima, trụ trì
tu viện đảm nhận.
Ngồi xếp chân tư thế hoa sen trên một chiếc ghế chạm có trải đệm, sư
Chokyi Nyima bắt đầu đề tài thuyết giảng của ngày hôm đó “tội lỗi và
khổ đau”. Sư giảng rõ ràng về quan điểm của Phật giáo rằng, ác và khổ
là kết quả tất yếu của tinh thần bị quấy nhiễu. Tham lam, sân hận, tâm
nhỏ nhen ích kỷ, ganh tỵ, tự hào, kiêu căng là những thứ độc hại cho
tâm.
Qua lời người thông dịch viên, Sư giảng tiếp : “Thế nhưng, mục
đích cứu cánh không chỉ thành tựu hạnh phúc cá nhân mình, một loại bình
an ích kỷ. Chúng ta phải nhìn vào tất cả chúng sanh và thấy rằng tất
cả đang khổ đau. Tận sâu trong đáy lòng, chúng ta mong mỏi tất cả họ
được hạnh phúc và có được tất cả nguyên nhân để có được đời sống hạnh
phúc. Tôi sẽ có trách nhiệm làm việc này, vì tôi coi đây là nhiệm vụ
của mình.”
Ở một phòng xa đằng kia trong tu viện, tiếng kèn vang lên, tiếng
chuông ngân dài và tiếng trống gióng lên. Không một thính giả nào trong
hội chúng để tai đến những âm thanh này. Tất cả chăm chú vào từng lời
vị Sư nói ra.
“Đây là điều đáng quý nhất mà chúng ta có thể làm,” vị Sư
tiếp tục bài giảng. Ánh sáng chiếu lên và tiếng các pháp khí đặc trưng
vùng núi Hy Mã Lạp Sơn đằng xa vang vọng tràn ngập cả căn phòng. Sư
nói, “đây là món quà cao quý nhất chúng ta có thể ban tặng.”
Seth Sherwood - Ngọc Đoan dịch (theo IHT)