Đầu tiên phải kể đến trường Sông Tra, đặt tại chùa Linh Nguyên.

Sông Tra ở đâu? Theo địa chí của tỉnh Long An thì sông Tra là một
nhánh của sông Vàm Cỏ Đông chảy ngang quận lỵ Đức Hòa, thuộc tỉnh Long
An hiện nay, còn chùa Linh Nguyên do tổ Minh Phương Chơn Hương làm trụ
trì. Chùa thuộc thị trấn Đức Hòa nên hòa thượng lấy sông Tra đặt tên
trường. Phải chăng ngài muốn cho pháp âm lưu bố cùng khắp như dòng sông
mang nước đến mọi miền nó chảy đến.
Đi kèm với lớp học chùa Linh Nguyên còn một lớp học song song ở chùa
Long Thạnh (Bà Hom) do tổ Minh Hòa Hoan Hỷ trụ trì, đứng ra giảng dạy
coi sóc.
Nếu ở Linh Nguyên chuyên dạy kinh luận thì ở Long Thạnh chuyên dạy
luật. Có thể nói Long Thạnh là chi nhánh của trường Sông Tra. Hai vị
trên đều là đệ tử của Tổ Tiên Giác Hải Tịnh. Trường bắt đầu dạy từ năm
1900 đến 1915 mới ngưng nghỉ do hai vị trụ trì quá già yếu (Tổ Minh Hòa
Hoan Hỷ tịch năm 1916 và Tổ Minh Phương Chơn Hương tịch năm 1919).
Ban giáo thọ ngoài hai vị trụ trì hai chùa trên còn cung thỉnh hòa
thượng Trừng Châu ở chùa Long Triều (chợ Đệm) và hòa thượng Hải Lương
chùa Kim Cang (cầu Voi, Long An) giảng dạy.
Học tăng của trường Sông Tra phần lớn là nội trú. Ta phải kể:
- Như Nhãn Từ Phong
- Như Trí Khánh Hòa
- Đạt Thái Chánh Thành
- Trừng Minh Huệ Mạng
- Như Sơn Bửu Chung
- Như Quới Pháp Ấn
- Như Thông Đạt Thanh
- Như Bằng Thanh An
Đặc biệt chỉ có Như Bằng Thanh An (ở chùa Từ Ân) là học tăng ngoại
trú. Sáng ra công phu xong khoảng 5 giờ phải lội bộ từ cầu Tre lên Linh
Nguyên để kịp 8 giờ vào học. Chiều khoảng 4 giờ phải quay về chùa để kịp
7 giờ tối công phu thọ trì. Quãng đường từ chùaTừ Ân đến Linh Nguyên độ
20 km phải đi trong vòng 3 tiếng quả là phải có sức khỏe dồi dào với
một nghị lực phi thường mới đến lui không mệt mỏi như vậy.
Sau khi mãn khóa học ở trường Sông Tra các học tăng phân tán về chùa thầy tổ. Những người nổi tiếng phải kể đến:
Như Nhãn Từ Phong là pháp sư nổi tiếng cả Sài Gòn lục tỉnh, ngài để lại các tác phẩm: Phát bồ đề tâm văn diễn nghĩa, Quy nguyên trực chỉ diễn nghĩa, Tông cảnh yếu ngữ lục diễn nghĩa, v.v. (đều là tác phẩm diễn Nôm)
Như Sơn Bửu Chung là pháp sư nổi tiếng ở miền Tây, đã để lại các dịch phẩm: Nhập đạo yếu môn, Vạn pháp quy tâm lục, Phật học dị giải.
Như Quới Pháp Ấn, đệ tử chùa Linh Nguyên, một học
tăng trường Sông Tra, về sau lãnh chức trụ trì chùa Phước Tường (Thủ
Đức), mở lớp học đào tạo các vị nổi tiếng sau này như: Bửu Ngọc (Phước
Tường), Hồng Tín Huệ Thành (Long Thiền), Diệu Tịnh (Hải Ấn), Diệu Tánh
Hồng Ân (Huê Lâm), Diệu Minh Hồng Huệ (Vĩnh Bửu), Diệu Tấn Hồng Lầu (Kim
Sơn), v.v.
Đạt Thái Chánh Thành (hòa thượng Vạn An) lấy nghĩa bằng chữ Nôm các bộ luật: Sa di luật giải, Qui Sơn cảnh sách, Tứ phần như thích, Di đà sớ sao, v.v. Lối cắt nghĩa của hòa thượng vượt ngoài lối cắt nghĩa: chi chưng, bất chẳng, kỳ thửa, v.v.
mà từ trước các Nho gia dùng để dạy học. Lối cắt nghĩa nầy, mở ra một
lối mới, khiến cho người đọc dễ hiểu hơn, tiếp cận với lối nói thông
thường của văn học. Ví dụ: “Nhân chi bách hạnh” cắt nghĩa là “trăm hạnh
của con người” thay vì “người chưng trăm hạnh”; “kỳ nhân” cắt nghĩa là
“người ấy” thay vì “thửa người” v.v.
Ngộ Đạo Từ Vân (chùa Tân Long, Đồng Tháp) đã mở lớp dạy học, và khắc bản in các kinh luật: Sa di luật giải, Kinh Tam Bảo, Kinh
Kim Cang, Thần chung tịnh độ kinh, Hứa sử truyện vãn, Chư sám quốc âm,
Phục sơ giác bổn diễn ca tập, Tam quy ngũ giới thích nghĩa, Niệm Phật
pháp môn công cứ, Lục tổ bảo đàn diễn nghĩa.
Như Trí Khánh Hòa được coi là học sinh xuất sắc của
trường Sông Tra thời đó, Ngài dự học cả Kinh và Luật. Năm 1905, Như Trí
Khánh Hòa lúc đó 21 tuổi, trùng tuyên kinh Kim Cang ở Trường Hương chùa
Long Huê, Gò Vấp.
Sau khi trường Sông Tra bế giảng, do ảnh hưởng phong trào chấn hưng
Phật giáo Trung Quốc, hòa thượng Khánh Hòa đứng lên vận động phong trào
chấn hưng Phật giáo. Chư tôn hưởng ứng phần lớn là các học trò trường
Sông Tra cả. Năm 1932, hòa thượng đã bán chánh điện chùa Tuyên Linh của
mình đang trụ trì để xây Thích Học Đường ngay tại chùa
Linh Sơn, trụ sở của Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học. Ông Trần Nguyên
Chấn, lúc ấy giữ chức phó hội trưởng của Hội, mật báo với nhà cầm quyền
Pháp là các ông thầy mở trường dạy chủ nghĩa cộng sản. Nhà nước ra lệnh
cấm ngay. May mà quí hòa thượng không ai bị bắt giam.
Thích Học Đường, cơ quan đào tạo tăng tài, xóa bỏ nạn thất học của
tăng đồ, không thực hiện được ở thành phố. Các hòa thượng cố tìm một
phương thức khác.
Không lập trường được ở một điểm cố định, các hòa thượng lập trường với hình thức lưu động, lấy tên là Liên Đoàn Học Xã.
Lớp học lần lượt được tổ chức ở 3 điểm. Mỗi chùa luân phiên đài thọ 3
tháng việc ăn ở cho giáo thọ và các tăng sinh. Đầu tiên là chùa Long Hòa
của hòa thượng Huệ Quang ở Cầu Kè Trà Vinh, điểm kế tiếp là chùa Thiên
Phước của hòa thượng Chánh Tâm ở Trà Ôn và điểm thứ ba là chùa Viên Giác
của hòa thượng Tâm Quang ở Bến Tre. Khác với hai điểm trước, lớp học tổ
chức được tốt đẹp đem lại sự hoan hỉ cho cả Thầy dạy và người học.
Nhưng ở điểm thứ ba, lớp học bị ông Trần Nguyên Chấn viết thư cho chủ
tỉnh Bến Tre là Liên Đoàn hoạt động không giấy phép, hòa thượng Khánh
Hòa là chủ chốt. Lớp học khai giảng được 1 tuần, hòa thượng Khánh Hòa bị
mời tới dinh tỉnh trưởng tra hỏi. Hòa thượng phải trình bày cặn kẽ cho
chủ tỉnh biết mục đích dạy học và cắt nghĩa các kinh đang dạy là không
liên quan đến chính trị. Cuối cùng quan chủ tỉnh xét thấy hợp lý hòa
thượng mới được thả về bình yên.
Sự kiện này gây xôn xao trong học chúng và giáo thọ. Thầy trò không
còn tâm trí nào dạy và học nữa. Theo ý kiến của ban giáo thọ, hòa thượng
Khánh Hòa đành giải tán. Tại sao học chúng tâm trí bất an? Trở lại
những năm 30 của thế kỷ trước, các thanh niên mỗi người phải có một giấy
thuế thân. Các thanh niên tăng hồi đó quá nghèo làm gì có tiền đóng
thuế, vô hình trung là một phần tử trốn thuế đối với chính quyền sở tại.
Có việc gì phải ra làng tổng, họ đã rét run rồi, huống chi việc này tới
tai quan tỉnh trưởng. Vì vậy không thể giữ họ lại trong tâm trạng đầy
ắp lo âu này. Ý thức được nỗi lo sợ của các tăng sinh thời ấy, hòa
thượng Khánh Hòa cùng hòa thượng Huệ Quang cố vận động với các hòa
thượng đồng chí cùng một số Phật tử trí thức có hằng sản hằng tâm ở Trà
Vinh thành lập một hội Phật học hợp pháp khác.
Hội Lưỡng Xuyên Phật học được thành lập có giấy phép do Pierre André Michel Pagès, thống đốc Nam kỳ, ký ngày 13 8 1934.
Có Hội Lưỡng Xuyên hoạt động hợp pháp đỡ đầu, năm 1935 Thích Học Đường Lưỡng Xuyên bắt đầu hoạt động với ban điều hành:
Hòa thượng Khánh Hòa làm đốc học sư (giám đốc)
Hòa thượng Huệ Quang làm đốc giáo
Hòa thượng Khánh Anh làm giáo thọ trưởng.
Thỉnh thoảng có mời các vị Mật Thể, Như Ý, Trí Thuyên, Nhựt Liên từ Huế vào dạy.
Khóa đầu tiên của trường gồm có 30 học viên, trong đó có các vị: Hành Trụ, Huyền Quang, Thiện Hòa, Thiện Hoa, v.v.
Trường có gởi học tăng ra Huế học, như: Thiện Hòa, Thiện Hoa, Hiển Thụy, Hiển Không, Hiển Chơn, v.v.
Năm 1945, trước biến chuyển thời cuộc, nhân tâm xao xuyến, tài chánh eo hẹp, trường đành đóng cửa.
Cũng trong năm 1945, Phật học đường Báo Quốc sau khi dời lên chùa Kim
Sơn, không ổn vì điều kiện kinh tế khó khăn, nên ban giám đốc quyết
định giao cho các vị mãn khóa tốt nghiệp người Nam đưa trường về miền
Nam tiếp tục dạy dỗ. Do thời cuộc không ổn định, sau khi đoàn về tạm trú
tại chùa Vĩnh Tràng (Mỹ Tho), một số theo tiếng gọi Tổ quốc cởi áo ca
sa mặc chiến bào, một số tìm đến trường Lưỡng Xuyên, một số theo thầy
Thiện Hoa xuống chùa Phật Quang Trà Ôn.
Trường Phật học Phật Quang Trà Ôn bắt đầu từ cuối
năm 1945, quy tụ một số học tăng tại địa phương, một số khác từ Huế vào.
Trường do hai vị Trí Tịnh và Thiện Hoa đảm trách việc giảng dạy. Giữa
năm 1946 do thời cuộc bất ổn, thầy Trí Tịnh lên Sài Gòn lập Phật học đường Liên Hải tại chùa Vạn Phước ở Bình Trị Đông (bây giờ là quận Bình Tân).
Trường Liên Hải gồm có 3 lớp:
Mông đẳng: 21 vị
Sơ đẳng 2: 18 vị
Sơ đẳng 3: 7 vị
Giáo thọ, ngoài thầy Trí Tịnh (lúc đó là thượng tọa) còn có thầy Quảng Minh phụ trách lớp Mông đẳng.
Lớp Mông đẳng gồm có: Thiện Phước, Thiện Hậu, Thiện Chơn, Thiện Huê, Chơn Lễ, Minh Cảnh, Tắc Nghiệp, Định Trí, Tắc An, v.v.
Lớp Sơ đẳng 2 gồm có: Tịnh Đức, Tắc Phước, Tắc Minh, Đạt Sanh và một số thầy từ Phật học đường Kim Sơn theo về.
Lớp Sơ đẳng 3 gồm có: Bửu Huệ, Huệ Hưng, Trí Minh, Quảng Liên, Tâm Hòa, Phước Cần.
Năm 1948, ở Huế mở lớp nâng cao, các thầy Quảng Minh, Trí Minh, Quảng
Liên ra Huế học. Hai lớp Sơ đẳng 2 và 3 nhập làm một do thượng tọa Trí
Tịnh giảng dạy.
Năm 1949, thượng tọa Trí Tịnh do lao lực nhiều nên sinh bịnh, thầy Quảng Minh về thay thế.
Trường Tăng Già. Trong khi thượng tọa Trí Tịnh lập
Phật học đường Liên Hải, ngài Hành Trụ hợp cùng các thân hữu thành lập
trường học lấy tên Tăng Già ở Vĩnh Hội gần hãng thuốc lá Bastos, dạy cả
hai chúng tăng và ni, với sự phụ tá của thầy Huệ Phương, một cựu học
tăng của trường Báo Quốc. Trường Tăng Già về sau số ni chúng càng đông.
Năm 1947, ngài Hành Trụ thuê một miếng đất của người Chà ở giữa đồng
cách chùa Tăng Già độ 800m lập nên chùa Giác Nguyên để cho các tăng sinh
tu học.
Trường hoạt động đến năm 1956, các học tăng sang dự thính ở Ấn Quang về nội điển, còn ngoại điển học ở trường tư thục bên ngoài.
Song song với Phật học đường Liên Hải và trường Tăng Già còn hai trường khác:
1- Trường Mai Sơn cách trường Liên Hải độ 2 km về
hướng đông do thầy Huyền Dung, một học tăng của Báo Quốc, vận động một
số Phật tử Chợ Lớn thành lập đầu năm 1947.
2- Trường Ứng Quang do thầy Trí Hữu, người Quảng Nam, mua một miếng đất nhỏ ở ngã ba Vườn Lài lập nên vào năm 1948.
Cuối năm 1950, trường Liên Hải sáp nhập với trường Mai Sơn và Ứng Quang làm Phật học đường Nam Việt,
cử hòa thượng Thiện Hòa làm giám đốc. Khi mới sáp nhập mượn chùa Sùng
Đức làm trụ sở tạm. Sau đó dời về chùa Ứng Quang ở Vườn Lài và đổi tên
thành chùa Ấn Quang. Ban giáo thọ Phật học đường Nam Việt gồm các vị:
Thiện Hòa, Quảng Minh, Quảng Liên, Huyền Dung, Trí Minh, Nhật Liên,
Trí Hữu phụ trách giảng dạy. Từ năm 1952, các vị Quảng Liên, Huyền Dung,
Quảng Minh lần lượt xuất dương du học.
Với đức độ và tài năng của mình, thầy Thiện Hòa sau khi nhận nhiệm vụ
giám đốc Phật học đường Nam Việt, với chương trình hợp lý, ban giáo thọ
nhiệt tâm năng động, học tăng các nơi quy tụ mỗi lúc một đông. Năm 1953
Thầy Thiện Hoa từ Cần Thơ về giữ chức đốc giáo, trường càng được củng
cố vững vàng hơn nữa:
Các học tăng từ Phật học đường Giác Nguyên sang: Trí Phước, Trí Lạc, Thiện Lực, Viên Hạnh, Huệ Bửu.
Các vị ở Phan Rí vào: Đức Hạnh, Đức Thiện, Đức Bổn, Như Hương, Tâm Minh.
Các vị ở Phan rang: Huyền Vi, Huyền Thâm, Tịnh Hạnh, Nguyên Lai, Đổng Triệt, Đồng Tánh.
Các vị ở Quảng Nam: Đồng Huy, Chơn Phát, Như Huệ, Thị Thành, Như Vạn.
Các vị ở các tỉnh phía Bắc vào: Thanh Tuất, Minh Kha, Vĩnh Tuy, Chính Tiến, Quảng Long, Giác Hải, v.v.
Các vị ở hai trường Liên Hải, Mai Sơn nhập lại: Thiện Phúc, Thiện
Hậu, Thiện Đức, Hồng Cơ, Hồng Đạo, Từ Thông, Thiên Định, Nhựt Ân, Lãng
Phổ, Huệ Văn, Hoằng Chiếu, Thiện Tân, Trí Không, Trí Châu, Thiện Bình,
Minh Cảnh, Thiện Tánh, Nhựt Quang, Nhựt Thỉ, Nhựt Tân, Nhựt Thiện, Chơn
Lễ, Thanh Phong…
Hơn 80 người, chia làm 3 lớp, sống trong tinh thần kỷ luật an vui, dưới sự che chở của bóng mát ban điều hành
Kỳ sau: Các trường học Ni ở Nam bộ thế kỷ 20
Tác giả: HT.Thích Minh Cảnh
(Nguồn: Đặc San Suối Nguồn - Số IV - Tu Viện Huệ Quang)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Khánh Anh, Khánh Anh văn sao, 3 tập, Gia Định, 1952.
[2] Thích Thiện Hoa, 50 năm chấn hưng Phật giáo Việt Nam, tập 1, 1970.
[3] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận I II III, Nxb Văn Học, Hà Nội, 2000.
[4] Trí Không, Tổ đình Ấn Quang và lịch sử phát đạt của Phật giáo Việt Nam từ 1950 trở đi, tài liệu lưu hành nội bộ, 2009.
[5] - Tài liệu sống qua lời kể các vị tôn túc như: HT.Thích Huệ Xướng, HT.Thích Thiện Thạnh.
- - Nghiên cứu thực địa: Chùa Giác Hải (HCM), chùa Thiền Lâm (Tây Ninh), chùa Kim Cang (Long An), chùa Tân Long (Đồng Tháp), v.v.