Lần đầu chiêm bái Bồ Đề Đạo Tràng ở Ấn Độ (kỳ cuối)
20/03/2010 22:34 (GMT+7)

Lúc đến thủ đô New Dehli, Hòa thường Thích Chơn Thiện, đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Giáo hội Phật giáo Việt Nam có lời nhận xét thật sâu sắc: Đến Ấn Độ, văn minh, phong tục và tập quán khác hơn các xứ khác. Thăm một nước có nền văn minh lâu đời trên thế giới, người ta phải hết sức kiên nhẫn và tế nhị mới hiểu phần nào nền văn hóa xứ này.

 Cơ  duyên và nhân duyên

Hôm buổi xế trưa chiếc chuyên cơ đầu tiên của Hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đáp xuống sân bay ở vùng đất Bồ Đề Đạo Tràng.
Lần đầu mới gặp ở thủ đô New Dehli, Thầy Thích Huyền Diệu trụ trì ngôi chùa Việt trên Đất Phật, đã nói: Các vị quả là có cơ duyên và phước lành. Năm xưa, Đường Tăng phải mất hơn sáu năm mới đến được đây. Giờ các vị là những người có mặt ở đây trong những ngày đầu năm. Thật là kỳ diệu và tốt lành cho một năm mới!
Sân bay Gaya mới mở chưa lâu nên khá vắng vẻ, chung quanh lác đác mấy ngôi nhà nhỏ trông khá tiêu điều giữa mênh mông đồng ruộng cằn khô của vùng quê nghèo. Dọc đường Đoàn xe đi qua, người lớn lẫn trẻ em túa cạnh đường  nhìn đoàn khách đến đầy vẻ ngạc nhiên.

 

Cuộc sống người dân ở vùng Bodh Gaya
còn nhiều khó khăn, vất vả
 
Ở Bodh Gaya, chùa Việt Nam Phật Quốc Tự được xây dựng đầu tiên tại vùng đất này. Chùa không rộng rãi như chùa một số nước, nhưng Thầy Thích Huyền Diệu- người sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng điều hành hai ngôi chùa cùng tên tại Ấn Độ và Nepal nói là cao và đẹp nhất, từ đây có thể nhìn thấy tất cả những chùa khác.
Trong ngày có mặt ở Bodh Gaya, chúng tôi có dịp quan sát các ngôi chùa các nước chung quanh. Nhiều người gọi Bodh Gaya là Liên hiệp quốc Phật giáo cũng đúng, vì tại đây có nhiều ngôi chùa do phật tử và chư tăng đến từ Thái- lan, Campuchia, Myanmar, Trung Quốc, Nhật Bản, Nepal, Srilanka, Bangladesh…

Nhìn từ xa, nổi bật tháp nhiều tầng cao
của ngôi chùa Việt ở cạnh cánh đồng thoáng đãng.
Mỗi ngôi chùa ở Bodh Gaya này đều có lối kiến trúc rất đặc thù, nhưng vẫn có nét chung mang dấu ấn kiến trúc truyền thống Phật giáo. Nhìn xa xa, chùa do người Thái- lan xây dựng có mái cong vút, nhiều hoa văn chạm trổ rất công phu và được mạ vàng sáng chói trong ánh nắng đầu xuân.
 Bịn rịn xứ Bodh Gaya
Tháp Bồ Đề Đạo Tràng  cách Việt Nam Phật Quốc Tự chưa tới 10 phút đi xe, Đoàn chúng tôi vòng ra sau khu đền chiêm ngưỡng tán cây bồ đề thiêng. Theo sách Phật, ngày nay mặc dù chỉ là "hậu duệ" của cây bồ đề đầu tiên, cây bồ đề ở Đất Phật ngày nay là một cây đại thụ hàng trăm năm tuổi.


Dãy mái chùa vàng thấp thoáng sau cánh đồng hoa cải vàng
xanh chen lẫn tán cây đang kỳ trổ hoa trông thật nên thơ.

Mùa này, lá cây bồ đề vẫn xanh, chỉ điểm xuyến ít lá non. Người dân và Phật tử từ khắp nơi tụ hội về đây chiêm bái, chực ngóng cơn gió nhẹ thổi qua làm rụng những chiếc lá chỉ bằng bàn tay, rồi kính cẩn nhặt cất mang về.
Ai ai cũng coi chiếc lá bồ đề lấy từ vùng đất Bodh Gaya là kỷ vật quý giá với niềm tin đây là phước lành mà Đức Phật ban cho, trao gửi vào đó nhiều niềm mong ước và hy vọng cho bao điều mầu nhiệm, tốt đẹp và may mắn cho mỗi người và những người thân yêu…
Điều ngạc nhiên khác là đến đây, không ít người tưởng rằng đạo Phật là đạo lớn nhất ở Ấn Độ. Tuy nhiên, Phật giáo ở Ấn Độ vẫn chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ. Đạo Hinđu mới là đạo chính với gần 80% phần trăm người dân nước bạn Ấn Độ theo đạo này. Tiếp đó là đạo Hồi, đạo Cơ đốc, đạo Jaina, đạo Sikh... Đạo Phật vốn là một nhánh của đạo Hinđu, khởi nguồn từ Ấn Độ, rồi truyền đến nhiều nước, trong đó có các nước châu Á.

 

Cây Bồ Đề linh thiêng có gốc cây khoảng ba hay bốn người ôm.
Đây chỉ là một góc nhỏ nhánh cây toả bóng mát trong
nắng xuân ban trưa.

Qua tìm hiểu, mỗi cộng đồng người dân theo đạo nào đều có truyền thống, văn hoá riêng. Họ có nơi hành hương, tổ chức nghi lễ riêng và có những món ăn đặc trưng riêng của mình.
Việt Nam Phật Quốc Tự nằm ở đầu một ngôi làng thật yên tĩnh, thanh bình trong một khuôn viên gần 3,5 ha. Chùa xây ở một vị trí cao hơn các chùa khác, lại có một ngọn tháp cao, cũng sắp xây xong, không chùa nào có. Người dân địa phương cả người lớn và trẻ em bên ngoài cổng chùa Việt và Tháp Bồ Đề Đạo Tràng bận bịu “tay xách nách mang” những món quà lưu niệm mời khách. Thậm chí có người còn bập bẹ câu tiếng Vệt “Năm- trăm- nghìn, hai- trăm- nghìn” và… dùng tay ra hiệu để mặc cả với khách!

 

Cảnh tiếp thị diễn ra thường xuyên
 ngay cửa xe chở khách du lịch người nước ngoài.
 
Hôm chúng tôi rời Việt Nam Phật Quốc Tự, có hai chiếc xe to chở chừng gần 70- 80 bà con người Việt mình làm ăn xa xứ sang đây tụng kinh niệm Phật đầu năm đi chiều ngược lại. Thấy Đoàn chúng tôi vừa đi qua, nhiều cánh tay thò ra ngoài cửa vẫy vẫy đầy lưu luyến, bâng khuâng. Nhiều ánh mắt, nụ cười như thể gửi gắm điều gì thiêng liêng về nơi đất Mẹ vậy…
Lên đường sau vỏn vẹn chưa tới năm ngày đêm lưu lại Đất Phật, chúng tôi nhớ mãi câu nói của một thành viên chính thức đi trong Đoàn, Hoà thượng Thích Chơn Thiện: Văn minh, phong tục và tập quán xứ Ấn khác hơn các xứ khác. Tới một nước có nền văn minh lâu đời bậc nhất trên thế giới, người ta phải hết sức kiên nhẫn và tế nhị lắm, mới hiểu phần nào nền văn hóa xứ này!

Một ngôi chùa nước bạn đang trong quá trình hoàn thiện.
Sâu thẳm trong trái tim mình, chúng tôi không bao giờ quên những lời dặn của Phật Thích Ca (Buddha Sakya Muni) được khắc trên đá tại Mahbodhi Mahavihara của vùng Gaya.
Lời Phật tạc vào đá, ghi rằng:
“ Không phải cao thượng hay thấp hèn, thành công hạnh phúc hay thất bại khổ đau có mặt khi con người được sinh ra. "
Cũng không phải cao thượng hay thấp hèn, thành công hạnh phúc hay thất bại khổ đau khi con người sinh ra trong một gia đình thuộc huyết thống nào đó.
 Cao thượng hay thấp hèn, thành công hạnh phúc hay thất bại khổ đau là do chính mình, chính hành động của mình”.
Mong lắm một cơ duyên may nữa, quay lại nơi đây linh thiêng Đất Phật!

Ghi chép của Văn Nghiệp Chúc (ND)

Các tin đã đăng: