Ngay
từ sáng sớm ngày 5/5 (tức rằm tháng 4 Nhâm Thìn), hàng trăm tăng ni,
Phật tử đã có mặt tại chùa Quán Sứ dự lễ chính thức Đại lễ Phật đản Phật
lịch 2556-Dương lịch 2012 do Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam
phối hợp với Thành hội Phật giáo Hà Nội tổ chức.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, lãnh đạo các ban, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội, các chức sắc tôn giáo cùng dự.
Thay mặt Ban thường trực Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt
Nam, Đức pháp chủ, Hòa thượng Thích Phổ Tuệ đã gửi Thông điệp cầu chúc
đại hoan hỷ, đại an lạc, thành tựu mọi Phật sự tới các chức sắc Phật
giáo, tăng ni, cư sỹ, Phật tử Việt Nam trong nước và nước ngoài.
Thông
điệp nhấn mạnh các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã và đang tiến hành
tổ chức Đại hội Đại biểu các cấp địa phương và tiến tới Đại hội Đại biểu
Phật giáo toàn quốc lần thứ VII vào cuối năm nay. Đây là Phật sự trọng
yếu có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá khách quan, toàn diện những thành
tựu, hạn chế, yếu kém, rút ra những bài học kinh nghiệm trong việc thực
hiện Nghị quyết và Chương trình hoạt động Phật sự của cả nhiệm kỳ vừa
qua. Thông qua đó củng cố hệ thống tổ chức, nâng cao chất lượng các hoạt
động Phật sự trong nhiệm kỳ tới, trong đó chú trọng và quan tâm bảo đảm
yếu tố đoàn kết, hòa hợp, đúng Hiến chương Giáo hội và pháp luật Nhà
nước trong việc suy cử thành phần nhân sự điều hành các cấp Giáo hội và
là nhân tố bảo đảm cho thành tựu mọi Phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt
Nam trong thời gian qua và trong tương lai.
Thông
điệp cũng kêu gọi tăng ni, cư sỹ, Phật tử các cấp thành tâm, tinh tấn,
nỗ lực thực hiện tốt công tác Phật sự ích đời lợi đạo.
Bày tỏ
vui mừng được dự Đại lễ Phật đản, thay mặt Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng
Nguyễn Thiện Nhân gửi tới lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, toàn
thể tăng ni, Phật tử trong và ngoài nước lời chúc sức khỏe và an lạc.
Phó
Thủ tướng khẳng định lễ Phật đản là một trong những lễ quan trọng nhất
không chỉ của Phật giáo Việt Nam mà còn của Phật giáo đồ trên toàn thế
giới, là dịp để mỗi người con Phật tưởng nhớ về Đức giáo chủ Thích Ca
Mâu Ni và những triết lý nhân sinh sâu sắc của Phật giáo đang hiển hiện
trong cuộc sống hàng ngày. Ngay từ buổi đầu tiên với tư tưởng từ bi, trí
tuệ, Phật giáo đã được người dân Việt Nam đón nhận.
Nhìn lại
lịch sử gần 2000 năm có mặt ở Việt Nam, thời nào Phật giáo Việt Nam
cũng có những người con Phật danh tiếng để lại tiếng thơm cho muôn đời.
Điển hình như Đại sư Vạn Hạnh, người có công giúp Lê Đại Hành đánh tan
giặc Tống và cũng là người khuyên Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long để đặt
nền móng lâu dài cho muôn đời con cháu. Hay Đức vua Phật hoàng Trần
Nhân Tông có công lớn lãnh đạo nhân dân đập tan ách xâm lược của giặc
Nguyên Mông, khi đất nước thái bình, Người nhường ngôi, từ bỏ giàu sang,
quyền quý tìm đến nơi non cao Yên Tử để học Phật tu hành, sáng lập nên
thiền phái Trúc Lâm - một dòng thiền riêng của Việt Nam tồn tại cho tới
ngày nay.
Nối tiếp
dòng chảy và truyền thống 2000 năm qua, Phật giáo Việt Nam hôm nay đã
làm được nhiều việc lợi đạo, ích đời thực hiện cứu khổ độ sinh. Thông
qua việc hoằng dương Phật pháp, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã vận động
tăng ni, Phật tử cả nước sống trong chánh tín, thực hiện đúng pháp luật
nhà nước, làm tròn nghĩa vụ của người công dân, gắn bó đoàn kết giữa đạo
với đời, tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện xã hội,
giúp đỡ người già cả, neo đơn, trẻ khuyết tật, mồ côi, người gặp hoàn
cảnh khó khăn; thực hiện xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống mới văn
minh, tiến bộ.
Tán thán
và biểu dương những kết qủa to lớn mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam đạt
được trong thời gian qua, Phó Thủ tướng nhấn mạnh điều đó càng khẳng
định Phật giáo Việt Nam luôn gắn đạo với đời, là một tôn giáo có truyền
thống yêu nước, gắn bó với dân tộc.
Phó Thủ
tướng cũng khẳng định Đảng và Nhà trước sau như một tôn trọng và bảo đảm
quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân bảo đảm các hoạt động tôn
giáo đúng pháp luật, không ngừng chăm lo phát triển kinh tế xã hội, tạo
điều kiện cho đồng bào có đạo và chức sắc các tôn giáo thực hiện tốt
việc tu hành chân chính và làm tròn bổn phận của công dân đối với Tổ
quốc, thực hiện tốt đời, đẹp đạo.
Phó Thủ
tướng tin tưởng với phương châm hành đạo Đạo pháp-Dân tộc-Chủ nghĩa xã
hội, với tinh thần yêu nước hòa hợp trên nguyên tắc thống nhất tổ chức
và hành động, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tăng ni, Phật tử ở trong nước
cũng như nước ngoài sẽ tiếp tục phát huy truyền thống của Phật giáo
Việt Nam, gắn bó với dân tộc, đoàn kết hòa hợp, đóng góp tích cực vào
công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, thực sự xứng đáng với truyền
thống hộ quốc, an dân./.
Theo TTXVN