Hơn
2000 năm đồng hành cùng dân tộc, Phật giáo Việt Nam đã có ảnh hưởng sâu
sắc tới văn hóa Việt Nam. Trong các công trình khảo cứu về lịch sử
Phật giáo Việt Nam, các nhà nghiên cứu đã xác nhận, chùa Phật Tích,
thuộc huyện Tiên Du, Bắc Ninh, là một trung tâm Phật giáo cổ xưa nhất ở
Việt Nam, cùng với trung tâm phật giáo Luy Lâu thuộc huyện Thuận
Thành, Bắc Ninh.
Chùa Phật Tích - một trong những di tích nổi tiếng thời Lý vẫn còn
giữ nguyên những nét giá trị văn hóa, mỹ thuật cho đến tận hôm nay.
Những kết luận khảo cổ mới đây nhất cho thấy, đây là ngôi chùa có giá
trị bậc nhất trong kho tàng nghệ thuật chùa tháp Việt Nam thời Lý. Dấu
ấn đậm nét nhất là bức tượng Phật Di Đà bằng đá xanh có niên đại gần
ngàn năm, được coi bức tượng cổ nhất và đã được công nhận là báu vật
quốc gia. Cùng với đó là các phát hiện về các tầng nền kiến trúc qua
việc khai quật các nền tháp.
Tại đây, các nhà khảo cổ cũng đã phát hiện thấy các bức chạm đá và
đất nung mang dấu ấn điêu khắc độc đáo đẹp nhất thời Lý. Nhà nghiên cứu
Mỹ thuật Phan Cẩm Thượng cho biết: "Phật giáo vào Việt Nam từ đầu công
nguyên. Thế nhưng đến thế kỷ 11 mới có những di tích, những ngôi chùa
hoàn chỉnh như chùa Phật Tích. Kết cấu đá ở vách tháp trên các viên
gạch và những trạm khắc trên tháp Phật Tích có cấu trúc rất đặc biệt và
nó có quan hệ sâu sắc với kiến trúc của tháp Chàm. Thẩm mỹ Phật giáo
của giai đoạn triều Lý này đã có ảnh hưởng đến sự phát triển của nghệ
thuật Phật giáo của 1000 năm sau.
PGS - TS Nguyễn Lân Cường - người đã có công phục dựng thành công di
hài thiền sư Chuyết Chuyết theo phương pháp phục hồi mặt theo xương
xọ kết hợp với sơn ta cổ truyền thì cho rằng: Đây là lần đầu tiên Việt
Nam tu bổ thành công tượng có di cốt. "Về phát hiện khảo cổ thì đây là
một bằng chứng về Phật giáo về con người. Những tư liệu về triều Lý
thực ra chúng ta chỉ còn lại những hiện vật bằng đá và gốm. Đây là một
bằng chứng nói lên là thiền sư rất có công trong phật giáo của Việt
Nam. Tôi nghĩ đây là báu vô giá cho chùa Phật Tích".
Mới đây nhất, các tham luận tại hội thảo “Phật Tích trong tiến trình
lịch sử" đã làm sáng rõ hơn những giá trị văn hóa, nghệ thuật kiến trúc
và điêu khắc thời Lý đang lưu truyền tại ngôi chùa này. Theo Đại đức
Thích Đức Thiện – Trụ trì chùa Phật Tích, huyện Tiên Du, Bắc Ninh: "Kết
quả khảo cổ cho chúng ta thấy rõ hơn về niên đại tháp Phật Tích, thấy
rõ hơn giá trị mỹ thuật và mối giao lưu văn hóa, tầng văn hóa khác nhau
của chùa Phật Tích trên nền tảng của nền văn hóa Đông Sơn của người
Việt có giao lưu với văn hóa Phật giáo của Ấn Độ, Trung Quốc, văn hóa
Chăm. Những giao lưu văn hóa đó nó cho thấy giao lưu văn hóa quốc tế và
những cái bản sắc của văn hóa Việt Nam được gìn giữ cho đến tận hôm
nay”.
Gần 1000 năm kể từ khi chùa được khởi dựng, cùng với thăng trầm của
thời gian, chùa Phật Tích là một trung tâm Phật giáo cổ nhất và lớn
nhất còn chứa đựng trong nó bề dày trầm tích văn hóa mang đậm bản sắc
văn hóa Việt Nam.
Theo Ngọc Hà - VTV