Tây Phương Đã Tiếp Nhận Đạo Phật Như Thế Nào (Phần 2)
Quán Như
01/03/2011 10:38 (GMT+7)


 

Hai Phật tử da trắng đóng góp quan trọng trong việc phục hưng Phật giáo ở Ấn Độ và sau đó ở Á Châu. Người thứ nhất là “Đại tá’ Henry Steel Olcott, người cùng sáng lập ra hội Thông Thiên Học thế giới với Madam Helena Petrova Blavatsky, gốc Nga. Cả hai chưa biết nhiều về giáo lý Đức Phật mà chỉ chú ý tới những hiện tượng ‘thần bí’. Sau nội chiến Nam Bắc ở Mỹ, dù xương sống tôn giáo ở Mỹ là Tin Lành, hiện tượng cầu hồn và ‘đối thoại’ với người ở bên kia ‘cõi âm’ khá phổ biến, có lẽ là một như cầu để làm nhẹ nỗi đau của thân nhân của các chiến sĩ trận vong. Hiện tượng gọi là ‘ngoại cảm’ không liên hệ, nếu không muốn nói là tương phản, với giáo lý vô ngã của đạo Phật, nhưng được ngay cả các nhật báo lớn ở Mỹ đề cập và ‘nghiên cứu’ về các ‘hiện tượng tâm linh’ huyền bí. Và có huyền bí nào hơn các nhà tu khổ hạnh yogi râu tóc bạc phơ sống trong các hang động ở Tây Tạng trên dãy Hy Mã Lạp Sơn, có thể đạt tới trình trạng ‘xuất hồn’ đi trên mặt nước. Chỉ thiếu có chuyện biến nước thành rượu!

 

Colonel Olcott gặp Madam Blavatsky (bà thích được gọi tắt là HPB) tại một trang trại ‘nghe đồn’ là có nhiều hồn ma bóng quế và được các nhà ‘ngoại cảm’, tức là các bà đồng bóng, tụ tập nghiên cứu. Các báo Mỹ ở New York cho đây là một sự lừa bịp trắng trợn, nhưng trình độ dân trí lúc bấy giờ, nhiều người vẫn bán tín bán nghi. Đại tá Olcott quyết định tự mình điều tra. Mối hội ngộ này đã làm nẩy nở một sự hợp tác ‘tinh thần’ nhiều năm trong quá trình phục hưng Phật giáo. Vào ngày 17 tháng 11 năm 1875 Hội Thông Thiên Học (Theosophical Society) được thành lập, mục đích nhằm nghiên cứu ‘luật lệ điều hành vũ trụ’, thành lập một Cộng Đồng Huynh Đệ không phân biệt chủng tộc, giới tính, giai cấp’ để nghiên cứu tôn giáo, triết lý và khoa học hiện đại! Quan trọng hơn nữa mục đích của Hội nhằm nghiên cứu những hiện tượng ‘không giải thích’ được trong thiên nhiên và khả năng tiên tri của con người. (1) Hội Thông Thiên Học gần gũi với hội Sấm Trạng Trình, Bà Chúa Xứ hay Đức Thánh Mẫu hơn là một hội Phật học!

 

Sau khi bị các nhà phê bình tôn giáo Mỹ chỉ trích tác phẫm Isis Unveiled của bà là thứ rác rưới đáng vứt bỏ, HPB có ý định muốn đem Hội Thông Thiên Học gia nhập Hội Tam Điểm (Masonic), một đối thủ của Thiên Chúa Giáo ở Tây phương. Duyên nghiệp giữa hai nhân vật này với Phật giáo còn nhiều khi cả hai quyết định làm chuyến phiêu lưu qua Ấn. HPB và Olcott đến Ấn vào năm 1879 và vì bị nghi ngờ có liên hệ đến các nhân vật trong phong trào quốc gia Ấn, họ bị mật thám Anh theo dõi. Trong một thời gian ngắn, cả hai không đạt được tiến bộ đáng kể nào trong việc truyền bá Thông Thiên Học trong giới trí thức thực dân Anh cũng như Ấn, cả hai quyết định qua Sri Lanka (bấy giờ là Ceylon), nơi Phật giáo hưng thịnh nhờ nổ lực truyền bá đạo Phật của con trai hoàng đế Asoka. Ceylon bị các nhóm thực dân Bồ Đào Nha và Hoà Lan thống trị trước đó và các thừa sai Thiên Chúa đã tìm cách cải đạo tập thể dân chúng Ceylon như tại Nam Mỹ và Việt Nam, nhưng đa số dân chúng vẫn giữ lòng tin vào chánh pháp, trừ một thiểu số trong sắc tộc Tamils. Các giáo sĩ Tin Lành tuy không hung hăng như các thừa sai Thiên Chúa, nhưng lúc cặp bài trùng này đến Ceylon, trên toàn quốc chỉ có 4 trường học được xem chịu ảnh hưởng của Phật giáo trong khi có 805 trường ‘đạo’. Khi hai người tới thành phố ven biển Galle vào ngày 25 tháng Năm 1880, các hàng ngàn thuyền nhỏ treo cờ xí phất phới và hàng ngàn Phật tử với trang phục mặc trong các ngày đại lễ trãi thảm ‘trắng’ đón hai người. Giống như trường hợp kỳ diệu của Hoàng Đế A Dục ngày xưa, ngày 25 tháng Năm, HPB và Đại Tá Olcott quỳ dưới chân một nhà sư Tích Lan trong một ngôi chùa làm lễ thọ Tam Quy Ngũ Giới bằng tiếng Pali. Họ là hai công dân Mỹ (HPB mới nhập tịch Mỹ vào năm trước) đầu tiên chính thức thọ tam quy ngũ giới theo nghi thức Phật giáo.

   

Tuy nhiên nhận thức về Phật giáo của hai Phật tử Tây Phương đầu tiên vẫn còn có ‘vấn đề’. HPB nghĩ Phật giáo là hệ thống tín ngưỡng ‘tâm truyền’ (esoteric) có trước thời Vệ Đà (!), còn Đại tá Olcott thì nghĩ Phật giáo tương tợ như ‘túi khôn’ của Áo Nghĩa Thư (Upanishads). Đại tá nói “Phật giáo của chúng tôi nghĩ không phải là tín ngưỡng mà chỉ là một hệ thống triết lý”. (2) Dù là nhận thức của cặp Phật tử này có chính thống hay không, họ cũng được mời giảng pháp ở các chùa có hàng vạn Phật tử tham dự. Hội Thông Thiên Học được thành lập ở Colombo trở thành môi trường xúc tác trong việc thành lập hàng trăm trường Phật giáo khác và có ảnh hưởng quyết định trong việc phục hồi Phật giáo ở Ấn độ Lá cờ ngũ sắc do Olcott thiết kế dưới sự đồng ý của vị vị sư cả Tích Lan sau này trở thành biểu tượng cho sự thống nhất Phật giáo thế giới. Tác phẩm Buddhist Catechism do Olcott viết nhằm giáo dục cho trẻ con đã được dùng giảng dạy trong các trường Phật giáo ở Tích Lan.

 

Tình trạng Phật giáo ở Ấn và Tích Lan cũng tiêu điều. Trừ một số ít vị chân tu, các vị sư Sinhalese hầu hết đã bỏ truyền thống ngồi Thiền. Tăng già chỉ còn nghiên cứu và tụng kinh và giữ giới, hy vọng ‘kiếp sau’ sinh vào một cõi khác tốt hơn. Chỉ còn một ít các chân tu ở Miến Điện còn giữ thực tập truyền thống Thiền quán. Quần chúng Phật tử thì rất ít biết về giáo lý do đó không đủ khả năng phản biện những luận điệu phỉ báng mà các nhà truyền giáo Tin Lành cố tình vo tròn bóp méo. Vào thế kỷ 12 ở Ấn Độ, sau khi 10 ngàn tăng già bị quân Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ tàn sát, và nhất là thiếu việc tham dự của quần chúng trong việc hành trì, nên Phật giáo hầu như không còn dấu vết gì, trừ mấy thánh tích tiêu điều hoang phế. 

 

Olcott quyết định viết Buddhist Catechism (Cũng như Bible, Catechism là từ ngữ của Ky Tô) giới thiệu các quan niệm căn bản trong Phật giáo. Để sửa soạn cho tác phẩm này, Olcott đã đọc hàng ngàn trang sách nghiên cứu Phật giáo bằng Anh Ngữ và Pháp ngữ. Nhờ thế hiểu biết về Phật giáo của Olcott bắt đầu có vẻ chính thống hơn, ông không còn nhắc đến những hiện tượng tâm linh huyền bí nữa cũng như không còn giải thích Phật giáo dưới mầu sắc của Vệ Đà. Olcott đề nghị dùng từ ngữ Buddha-Dharma thay cho Buddhism, vì ‘ism’ thường mang tánh cách giáo điều, trong khi Phật giáo là tôn giáo ‘chống giáo điều’. Nói theo Alan Watts, Phật giáo là tôn giáo khô ng tôn giáo (a religion of no religion).

 

Một may mắn khác cho Phật giáo Tích Lan là sự hiện diện của một viên thẩm phán trẻ tuổi Anh được bổ nhiệm làm việc, Rhy-Davids. Ông thường được yêu cầu giải quyết các tranh chấp luật pháp về những tranh chấp liên hệ đến tôn giáo. Rhys-Davids quyết định học tiếng Pali để có thể đọc được giới luật Vinaya, để tránh những quyết định vi phạm đến luật lệ truyền thống. Vị giáo thọ, sư cả Unnanse Yatramulle, không những dạy Rhys-Davids Pali mà còn khuyến khích ông học kinh điển Phật giáo. Thán phục kiến thức và phong thái giản dị của vị giáo thọ này, Rhys-Davids tìm cách thu thập tam tạng Pali lúc đó còn lưu trữ trên lá bối. Khi trở lại Anh vào năm 1881, ông thành lập hội Pali Text Society. Hội này sưu tầm những sách viết về Phật giáo ở các thư viện Âu Châu và kinh điển viết bằng Pali ở Tích Lan và phiên âm ra mẫu tự La Tinh. Phu nhân của ông, Bà Carolyn Rhys-Davids là một cánh tay đắc lực trong việc sưu tầm các Thánh điển Đông phương (Sacred Books of the East), sau này do Max Muller biên tập và xuất bản.   

 

Dựa vào kinh điển Pali, các học giả Âu Châu thường xem Tích Lan là quê hương của một dòng Phật giáo nguyên thủy ‘tinh khiết’ nhất ở Á Châu- gần gũi nhất với những gì Đức Phật dạy các đệ tử đầu tiên, trong khi xem Phật giáo Đại Thừa, nhất là đạo Phật Trung Hoa, bị vướng mắc trong các triết lý siêu hình và tập tục mê tín. Kinh điển hệ Pali của Nam tông phản ảnh tinh hoa những lời dạy của Đức Phật, vừa có tánh cách khoa học, duy lý và đầy nhân tình. Theo họ, Phật giáo Bắc tông cũng giống như giáo Hội Thiên Chúa La Mã tràn ngập nghi lễ và thần thánh (Bồ Tát) và do giới ‘tư tế’  (Tăng già) kiểm soát và điều khiển. Còn Nam tông giống như thệ phản Tin Lành, thường duy lý và chú trọng đến đạo đức. Việc các nhà nghiên cứu Tây phương đầu tiên chú trọng đến Phật giáo nguyên thủy để phát hiện ra tinh hoa của đạo Phật là một điều dễ hiểu.

 

Quan điểm của Pali Text Society đúng hay sai là chuyện khác, nhưng hạnh nguyện của Olcott là đoàn kết các tông phái Phật giáo duới một lá cờ, theo nghĩa đen cũng như nghĩa bóng. Olcott nghĩ là một phong trào Phật giáo thống nhất sẽ có khả năng giúp các nước theo Phật giáo có thêm quyền lực chính trị hơn là quan tâm đến vấn đề kinh điển hay giáo lý. Lá cờ Phật giáo được ông vẽ kiểu và năm 1889 dưới sự hướng dẫn của sư cả Sumangala, phản ảnh có quyết tâm này. Tác phẩm Buddhist Chatechism đề cập đến những điểm tinh yếu mà các môn phái đều có thể chấp nhận. Tác phẩm này được dịch ra tiếng Nhật và Sankrit và hầu hết các ngôn ngữ Âu châu. Olcott hy vọng tất cả các môn phái đều chấp nhận là cờ này như một biểu trưng cho lòng tin của Phật tử và phục vụ mục tiêu tương tự như biểu tượng Thập Giá cho các tín đồ Ky Tô. (3) Và trong lễ Phật đản năm 1889, lần đầu tiên là cờ Phật giáo tung bay trên tất cả mọi ngôi chùa và tư gia tại Tích Lan và Olcott tự hào đây là lá cờ ‘đẹp nhất’ trong số các cờ quốc tế. Nếu Olcott còn sống đến năm 1963, ông có lẽ còn thêm chữ ‘linh thiêng’, khi Phật tử Việt Nam đồng thanh nhấn mạnh “cờ Phật giáo không thể bị triệt hạ” trong phong trào chống chánh sách kỳ thị tôn giáo của chánh phủ Diệm.                      

 

Vận động phục hưng Phật giáo của Olcott lan tận bên Nhật. Năm 1988 Nhật gởi một sứ giả sang Colombo mời Olcott sang Nhật. Noguchi phát biểu trước hội nghị hàng năm của Thông Thiên Học họp ở Adyar là họ mong Olcott đến Nhật để “phục hồi hy vọng cho người già, làm tăng can đảm trong tim thanh niên, để chứng tỏ là các sinh viên được đào tạo trong các trường đại học và cao đẵng của chúng tôi hay những sinh viên du học ở các nước Mỹ và Âu Châu là, khoa học Tây phương không phải là không sai lầm và không thể thay thế cho tôn giáo (truyền thống) tự nhiên của chúng tôi”. (4) Olcott chấp nhận lời mời và Phật giáo Tích Lan tổ chức một buổi tiễn biệt trọng thể chưa bao giờ có. Tăng thống Sumangala cầu nguyện tam bảo gia hộ cho sứ mạng của Olcott thành công. Điều ngoạn mục nhất là tăng thống gởi cho Ủy Ban Phật giáo Nhật một bức thư biểu lộ tình pháp hữu giữa Phật giáo Tích Lan và Nhật. Đây là cuộc giao tiếp đầu tiên sau nhiều thế kỹ lạnh nhạt giữa hai tông phái Nam và Bắc tông.

 

Khi đến Nhật Olcott khám phá tông phái bảo trợ chuyến sang Nhật là Tịnh Độ (Shin shu). Để thể hiện mục tiêu đoàn kết tôn giáo, Olcott yêu cầu ban bảo trợ phải mời thêm các đại diện của các tông phái khác. Hố chia rẻ của các tông phái Nhật Bản rất sâu xa nhưng cuối cùng họ cũng phải nhượng bộ để thành lập một ủy ban liên tôn Phật Giáo Nhật. Trong buổi gặp mặt đầu tiên, Olcott đọc bức thư của Tăng thống Tích Lan đã được phiên dịch ra tiếng Nhật cho các đại biểu trong ủy ban. 

 

Trong 3 tháng tiếp đó Olcott trình bày chừng 75 lần Pháp thoại và theo ước tính của ông, có chừng 187 ngàn phật tử Nhật tham dự. Phật tử Nhật yêu cầu ông lập lại nghi lễ thọ Tam Quy Ngũ Giới bằng tiếng Pali. Khi Olcott trở về Tích Lan vài tháng sau đó, có ba nhà sư Nhật theo ông để học tiếng Pali và tìm hiểu Phật Giáo Nam Tông. Thực ra trước đó hai năm đã có một nhà sư Nhật trẻ khác đến Tích Lan học đạo, Soyen Shaku. Ông sau này là đại biểu của Nhật trong Hội nghị Phật giáo thế giới, Một đệ tử của Soyen Shaku, vài chục năm sau đã gây một phong trào thực hành Thiền tại Mỹ. Người đó là Đại Sư D.T. Suzuki. 

 

Khi HPB qua đời và Thông Thiên Học bị các nhóm học giả thân Ấn giáo thao túng, Olcott nẫy ra ý tưởng thành lập Hội Liên Hữu Phật giáo (Budhist League). Ông kêu gọi các đại diện Phật giáo các nước họp tại Adyar. Năm 1890 các đại biểu Phật Giáo Tích Lan, Miến Điện và Nhật thảo luận trong vòng 2 tuần lễ về dự thảo giáo lý chính của Phật giáo (Xem Chương Phật Giáo dước góc độ Hiện Đại) Soyen nhận xét là giáo lý Đại thừa còn nhiều điểm hơn là 14 điều do Olcott đề nghị. Olcott sau đó còn phải nổ lực thuyết phục các tông phái khác như Zen, Bạch Liên , Tào Động và Thiên Thai chấp nhận.        

           

Người Hộ pháp không nhà

 

Tuy nhiên thành quả lớn nhất của hai Phật tử da trắng đầu tiên và hội Thông Thiên Học là đã nuôi dưỡng một nhân vật đóng vai trò chính yếu trong việc hồi sinh Phật giáo ở Tích Lan và Ấn độ, cư sĩ Anagarika Dharmapala, nghĩa đen là người Hộ Pháp không nhà.

 

Thế danh của ông hộ pháp này là David Hewavitarne, sinh vào ngày 14 tháng 9 năm 1864 có cơ duyên tiếp xúc với Olcott và Madam Blavatsky lúc mới 16 tuổi. Dù là Phật tử thuần thành, David được gởi theo học một trường đạo (và có tên thánh là David!). Cũng như các ‘trường đạo’ tại các thuộc địa khác, học sinh phải tham gia thánh lễ hàng ngày và dĩ nhiên phải học kỹ thánh kinh. Tuy nhiên nhờ kiến thức về thánh kinh này, nhờ tinh thần phân tích, Dharmapala có dịp nhìn thấy những mâu thuẫn và phi lý trong thần học Ky Tô. Có lần chàng học sinh trẻ này bị phạt vì dám lấy một ngày nghỉ để dự lễ đản sinh của Đức Phật. Một lần khác chính David chứng kiến cảnh các tín đồ cuồng tín Tin Lành, vẽ thập giá trên trán, tấn công một đám rước lễ Phật giáo diễn hành ngang trường. David sau đó không chịu trở lại học các trường đạo. Với sự đồng ý và bảo trợ của cha và gia đình, David xin gia nhập hội Thông Thiên học và được Madame HPB đỡ đầu.

 

Dharmapala đi từ làng này sang làng khác và càng ngày càng thấm thía những bất công do chế độ thực dân gây ra. Về mặt kinh tế và xã hội, các thành phần ‘cải đạo’ theo ngoại bang (phần lớn là Tamils) chiếm địa vị ăn trên ngồi trước. Về mặt tinh thần, các giáo sĩ thừa sai tìm mọi cách bứng gốc rễ văn hóa của sắc tộc Sinhalese tại Ceylon, nơi đã hãnh diện về truyền thống Phật giáo hàng ngàn năm, nhờ những nổ lực hoằng pháp của các giáo đoàn do con trai của hoàng đế A Dục thành lập. Năm 1886, David Hewavitarne quyết định từ bỏ các mục tiêu quyền lợi trần thế và quyết đem cả đời mình để phục vụ người khác. Dharmapala có nghĩa là ‘hộ pháp’ và Anagarika là kẻ không nhà. Những gì mà nhà ‘hộ pháp không nhà’ truyền giảng là một thứ tôn giáo quốc gia nhắm thức tỉnh quần chúng khỏi tình trạng ù lì của đám đông bị áp bức, đã phải chịu đựng nghèo khó hàng mấy thế kỷ. Ông đã tiêm vào đầu óc dân chúng Tích Lan khả năng tự trọng và hãnh diện về tôn giáo truyền thống (5)

 

Một công lớn nữa của Dharmapala là hồi phục Phật Giáo Ấn Độ, hay ít nhất là thắng tích Bồ Đề đạo tràng. Ông qua thăm Ấn lần đầu vào năm 1891 với một nhà sư Nhật đang ở Tích Lan học đạo. Cả hai đọc tác phẩm Ánh Sáng Châu Á (The Light of Asia) của Edwin Arnold. Tác phẩm này đã in 80 phiên bản khác nhau và số phát hành từ nửa triệu bản đến một triệu bản. Thi phẩm này trình bày căn bản giáo lý của Đức Phật như Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo nhờ đó không ai có thể trình bày Đạo Phật một cách sai lạc có ác ý. Arnold viết những bài báo cảnh báo về sự điêu tàn của các thánh tích như Bồ đề Đạo Tràng Gaya và vuờn Lộc Uyển ở Sarnath nơi Phật thuyết pháp lần đầu tiên. Arnold viết trên the London Telegraph: “Tôi đã chứng kiến tượng Phật cao chừng một thước còn nguyên vẹn đang bi chôn vùi dưới đống rác. Các trụ đá Asoka, những di vật khảo cổ lâu đời nhất rãi rác làm đá trãi đường và làm trụ chống nhà bếp của Mahant (ông ‘chủ’ mới của thánh địa)”. Bài báo của Arnold làm hàng triệu Phật tử cảm động và được mọi người lưu ý ngay. Sau khi thảo luận với tăng thống Sumagala, Arnold và Olcott tập hợp cộng đồng Phật tử quốc tế làm kiến nghị Nữ Hoàng mua lại Bồ Đề Đạo Tràng và phục hồi thánh tích này.     

 

 

   Đạo Phật hầu như đã biến mất ở Ấn Độ từ thế kỷ 12 hay 13 sau khi đoàn kỵ mã Hồi giáo Thổ giết hơn 10 ngàn tăng già và thiêu hủy hầu hết các chùa chiền. Ấn giáo lẳng lặng ‘đồng hoá’ Phật giáo bằng cách xem Đức Phật là hóa kiếp lần thứ 3 hay thứ 4 của thần Vishnu. Nơi Đức Phật thành đạo, Gaya, biến thành nơi thờ phượng của Ấn giáo. Quì trước tượng Phật cổ, Dharmapala nguyện là sẽ tìm mọi cách hồi phục đạo tràng Gaya và những thánh tích khác cho Phật giáo cũng như phục hưng đạo Phật tại Ấn Độ. Trong nổ lực thực hiện mục tiêu này ông thành lập hội Maha Bodhi (Đại Giác Ngộ) và xuất bản Tập San Maha Bodhi. Những thánh tích hiện nay được phục hồi và mỗi năm có hàng vạn người chiêm bái là nhờ công của người Hộ Pháp không nhà này.

 

Tuy nhiên biến cố khiến Dharmapala thành người đại diện cho phong trào phục hưng Phật giáo ở Đông và Đông Nam Á là Quốc Hội Tôn Giáo Quốc Tế được tổ chức tại Chicago vào năm 1893. Chủ tịch hội nghị này là Mục Sư J.H. Barrows nhờ đọc các bài báo của Dharmapala trên tập san Maha Bodhi nên viết thư mời ông tham dự. Với hậu thuẫn của Tăng Thống Sumagala, Dharmapala quyết định lên đường sang Mỹ và mang theo hàng ngàn văn bản tam quy ngũ giới mà HPB và Olcott đã đọc lúc quy y.

 

Phần lớn đại biểu hội nghị nhiều giáo phái Tin Lành đang tranh chấp nhau, Thiên Chúa , Anh Giáo nhưng các tôn giáo phi-Ky tô như Nhật, Ấn Độ (Hindu, Parsis, Silks và Jains), Thái Lan, Ceylon. Lãnh sự Trung Quốc đại diện Khổng và Phật. Hội nghị nhằm phản ảnh tinh thần khám phá của Columbus và nhiều thính đường được xây dựng mới toang bên cạnh hồ Michigan. Anagarita Dharmapala được vinh dự ngồi hàng ghế đầu bên cạnh Hồng Y Gibbon của Thiên Chúa, đại sư Swami Vivekananda và được đọc diễn văn kết thúc trong ngày khai mạc. Với mái tóc quăn đen để ngang vai, mắt sáng quắc tự tin nhìn thẳng vào thính giả hội trường, giọng nói sang sảng của người truyền giáo, lứu loát trong diễn đạt Anh Ngữ, Dharmapala chinh phục ngay được các đại diện như một đại biểu thống nhất các tôn phái Phật Giáo đang gieo truyền Ánh Sáng Á Châu vào thế giới văn minh Ky Tô. Nhiều người so sánh phong thái của Dharmapala với chúa Jesus (6) Ngoài Dharmapala, có lẽ chỉ có đạo sĩ Vivekenanda được các đại biểu khác chú ý và kính trọng nhất.

 

Dharmapala không bỏ lỡ dịp này để xác nhận vị trí độc đáo của Phật giáo so với Ấn Giáo và Ky Tô giáo. Vì không cóThượng đế, đấng Sáng tạo, nên Phật giáo không cần phải biện chính bằng bất cứ một ‘phép lạ’ nào mâu thuẫn với khám phá khoa học và Phật giáo chính là tôn giáo nối liền với khoa học. Dharmapala cũng phê bình thái độ mập mờ của Ân giáo, xem Phật giáo như một phần của tôn giáo truyền thống, trong khi giữa Ấn Giáo và Phật có nhiều sai khác không thể nào ‘hòa giải' được: “Hai mươi lăm thế kỷ trước đây Ấn Độ đã chứng kiến một cuộc cách mạng tri thức và tôn giáo nhằm lật đổ tôn giáo độc thần, do các đẵng cấp giáo sĩ ích kỹ độc quyền tế tự để thành lập một tôn giáo tổng hợp, một hệ thống đời sống và tư tưởng có tên thích hợp là Dharma”(7)

 

Dharmapala và đại biểu Nhật, Soyen Shaku tìn được người ‘tri kỷ’, Dr Paul Carus, biên tập tập san The MonistOpen Court Press trong việc giới thiệu đạo Phật vào Mỹ (Carus là một di dân gốc Đức). Carus cũng tin rằng Phật giáo có thể ‘sống chung’ với khoa học hơn là các tôn giáo độc thần khác như Ky Tô và Ấn Giáo. Carus mời Soyen dịch và biên tập một số tác phẩm Đông phương. Soyen nhũn nhặn từ chối vì khả năng Anh Ngữ của mình, thay vào đó giới thiệu một người học trò trẻ, Daisetz Teitaro Suzuki, người đóng vai trò trọng yếu trong việc giới thiệu Thiền vào đất Mỹ sau này. Vào ngày cuối của đại hội, một tin giật gân được loan báo: Ông Charles T. Strauss, một thương gia gốc Do Thái tại New York, quì trước Dharmapala, thọ tam quy ngũ giới do người hộ pháp không nhà đọc bằng tiếng Pali. Strauss là người đầu tiên được nhận vào cộng đồng Phật tử chính trên đất Mỹ.

 

Một chi tiết khác về Dharmapala là ông vẫn sống và làm việc như một người cư sĩ (tương tự như cư sĩ Ambedkar, người đã làm lễ quy y cho gần một triệu người Intouchables vào năm 1956). Vào những ngày cuối đời (1933) Dharmapala mới yêu cầu một tăng đoàn Tích Lan làm lễ quy y cho ông vào năm 1931. Ông nguyện là sẽ trở lại cõi ta bà ‘25 lần’ để truyền bá chánh pháp và phục hưng Phật giáo tại Ấn độ. Hơn 15 năm sau, vào năm 1949, chánh phủ Ấn độ dành được độc lập từ thực dân Anh đồng ý trả Bồ Đề Đạo Tràng và các thánh tích khác lại cho Phật tử cai quản.

 

Khi Hồng Hạc bay về…

 

Sau đại hội, Phật giáo được xem như đại diện tinh hoa của văn hóa Á Châu nói chung. Nhờ các tài liệu càng ngày càng chính xác, kinh điển được dịch ra các ngôn ngữ Tây phương và chế độ thực dân gần tới giai đoạn cáo chung, nên các luận điệu của các thừa sai không còn ảnh hưởng như trong các thế kỷ trước. Nhà Hộ Pháp không nhà Dharmapala nói Anh ngữ sành sõi, với phong thái của một đạo sĩ Đông Phương theo trí tưởng tượng của người Mỹ, trình bày Phật giáo theo quan niệm Tây phương đã khiến quần chúng tiếp nhận sứ điệp về Phật giáo một cách thiện cảm. Trong bài diễn văn trong buổi lễ khai mạc Dharmapala đã xác nhận vị trí độc đáo của đạo Phật: “Đấng tạo hóa không có vị trí nào trong đạo Phật do đó đạo Phật không cần bịa đặt ra bất cứ huyền thoại hay ‘phép lạ’ nào trái ngược với khám phá khoa học. Trong một bài diễn thuyết thứ hai, ‘Món Nợ của Thế giới đối với Đức Phật’, Dharmapala tuyên bố: Đối tượng tư tưởng khai sáng hiện nay không còn nhắm về thần học nữa nhưng về triết lý và tâm lý.” (8)                 

 

Nhà xã hội học Arnold Toynbee tuy không đến dự Hội nghị nhưng gởi một bức thư ủng hộ. Toynbee có một tiên đoán quan trọng là, đối với những nhà lịch sử trong tương lai, một trong những biến cố ngoạn mục nhất trong thế kỷ 20, là sự gặp gỡ giữa Phật giáo và Ky Tô giáo. Sự giao lưu văn hóa này chưa biết sinh ra hợp lưu nào, nhưng chắc chắn phải là ngoạn mục. (9)

 

Từ đầu thế kỷ đến chừng năm 1935, các công trình nghiên cứu Phật giáo thường được chia làm 3 trường phái. Trường phái thứ nhất do các nhà nghiên cứu Anh-Đức như T.W. Rhys Davids và H.Oldenberg, thường dựa trên kinh điển Pali mà họ xem như phản ảnh trung thực nhất giáo thuyết của đức Phật. Cho tới ít nhất năm 1914 các nhà nghiên cứu này băn khoăn đi tìm dấu vết của một thứ Phật giáo ‘nguyên thủy’, ‘tinh khiết’ và ‘chân thật’. Khi các nhà ngôn ngữ khám phá ra ngôn ngữ giảng pháp của Đức Phật là Maghadi, không phải là Pali. Pali cũng chẳnh qua là một phương ngữ khác như Sanskrit, nên các học giả Pali không còn cơ sở để khẳng quyết Phật giáo Pali là ‘nguyên thủy nhất’.

 

Khoảng năm 1916 một nhóm nhà nghiên cứu khác ở Nga, thường gọi là ‘trường phái Leningrad’ do Stcherbatsky, Rosenberg và Obermiller nghiên cứu kinh điển để tìm ra một thứ Phật giáo khách quan hơn là Phật giáo do các nhà nghiên cứu Âu châu ‘tái cấu trúc’. Trường phái này nhìn Phật giáo theo góc độ khoa học và đã có công giới thiệu những từ ngữ Phật học như Dharma cho những người không chuyên môn. Tiếc thay trong kỳ hỗn mang của tình hình chánh trị tại cộng hoà Sô Viết (cũ), không còn để lại vết tích gì đáng kể ngoài các tác phẩm như The Buddhist Logic của Stcherbatsky và History of Buddhism của Obermiller

 

Trường phái cuối cùng mà các học giả Việt nam biết nhiều là trường phái Pháp-Bỉ gồm các học giả như de la Valleé-Possin, Sylvian Levi, Paul Demiéville và nhất là Etienne Lamotte. Trường phái Pháp- Bỉ phân tích các nguồn về ngôn ngữ, triết lý, xã hội…để tái cấu trúc giáo pháp và hiện nay được các học giả các trường đại học Âu Châu chấp nhận như là nguồn có giá trị. (10)

 

Khi Hồng Hạc bay về…

 

Các công trình nghiên cứu có tánh cách kinh viện chú trọng đến kinh điển Pali thường thiếu mức hấp dẫn đại chúng và nhất là trong giới thanh niên càng phai nhạt khi con Hồng Hạc bay về một quốc gia non trẻ. Con Hồng Hạc đó là D.T. Suzuki.

 

Suzuki là người phiên dịch cho Soyen Shaku trong Hội Nghị Phật giáo Quốc Tế ở Chicago. Thuộc dòng Võ Sĩ Đạo nhưng từ khi triều Minh Trị bãi bỏ độc quyền của giai cấp này, Suzuki sống một  thời thơ ấu hàn vi. Cha mất khi mới lên 6, nhờ mẹ tảo tần nuôi con và nhờ anh trai tìm được một một chân dạy trẻ, ông cũng được học xong tiểu và Trung học. Sau đó ông xin được một công việc dạy học ‘đủ môn’, từ toán đến đọc viết và Anh Ngữ. Suzuki tự học tiếng Anh bằng sách vỡ và sau này sang Mỹ, mới khám phá ra là mình đã dùng ‘ngữ pháp’ Nhật để ‘viết tiếng Anh’!

 

Sau khi mẹ mất, ông về kinh đô Tokyo và theo học đại học the Imperial University, tuy không theo một quy trình nhất định nào để lấy bằng. Trong thời gian này ông ngẫm nghĩ về nghiệp dĩ và thân phận của mình: tại sao cha lại mất quá sớm? tại sao cuộc đời của mình toàn những nghịch cảnh. Gia đình thuộc giai cấp võ sĩ đạo và thực hành Thiền Lâm Tế, nên không ai lấy làm lạ khi thấy ông thực hành pháp thiền này. Ông tập thiền dưới sự hướng dẫn của thiền sư Setsumon, nhưng vị thầy quan trọng nhất là Kosen, cha đẻ của Thiền Nhật Bản hiện đại, người trước đây đã đến Tích Lan học. Suzuki không thọ giới mà cả đời chỉ sống như một cư sĩ. Qua sự giới thiệu của Kosen, Suzuki qua Mỹ làm việc với Carus, tác giả The Gospel of Buddha. Tập san Monist do Carus làm chủ bút là nơi tập hợp nhiều triết gia lỗi lạc như John Dewey, Bertrand Russell và MaxMuller. Chính trong thời gian làm việc với Carus, Suzuki dịch tác phẩm The Awakening of Faith in the Mahayana (Tín Tâm Minh của Mã Minh), Kinh Tứ Thập Nhị Chương và soạn tác phẩm đầu tiên Outline of Mahayana Buddhism.

 

Suzuki trở về Nhật và lập gia đình với một người phụ nữ Mỹ, bà Beatrice Erskine Land tại Nhật năm 1911. Sau đó ông dời về đế đô Kyoto, dạy môn triết lý tôn giáo ở đại học Otani. Tên ông trở nên quen thuộc với các nhà nghiên cứu Phật giáo trên thế giới khi nhà xuất bản Rider tại Anh xuất bản bộ Essays in Zen Buddhism (Bộ thứ nhất) (Do Trúc Thiên và sau này Tuệ Sĩ dịch ra Việt Ngữ), và sau sau đó bộ Hai và bộ Ba. Năm 1936 ông lại làm chuyến Tây du ký lần thứ hai. Với kiến thức phong phú và nhân cách quyến rũ, Suzuki đã thu hút được nhiều học giả khác trên thế giới. Alan Watts nhận xét ‘ông (Suzuki) là người thanh lịch và nhiều kiến thức nhất mà trước giờ tôi chưa hề gặp”.

 

Vào thập niên 50 Suzuki đã trở thành một thần tượng làm hứng khởi cả một thế hệ trí thức và văn nghệ sĩ trẻ đầy tài năng và mở đầu cho phong trào gọi là Zen Boom. Các văn nghệ sĩ trong Beat Generation như Allen Ginsberg, Jack Kerouac và Gary Snyder đều xem Suzuki là thần tượng. Jack Kerouac trong buổi chiều ăn mừng xuất bản tác phẩm Dharma Bums, đã gọi điện thoại xin gặp và được Suzuki đãi một chén trà xanh. Kerouac hỏi: “Ý chỉ của Đạt Ma đông độ là gì?” Suzuki không trả lời, Trước khi từ giã, Kerouac nói: “Tôi muốn ở lại với ngài mãi mãi’. Những cuộc gặp gỡ ‘định mệnh’ là giữa Suzuki và một số học giả Phật giáo sau này, trong đó có Phillip Kapleau. Chứng kiến những thảm cảnh trong chiến tranh, và những cuộc giết người tập thể, chàng thanh niên Kapleau  diện kiến Suzuki tại thiền viện Kamakura. Hình ảnh thanh tịnh giải thoát của Suzuki đã làm người sĩ quan trẻ này trở lại Nhật 5 năm để vào tu tại một thiền viện. (11)  

 

Năm 1953 Suzuki trở lại Mỹ và phát khởi một thời kỳ thường gọi là Zen Boom, trăm đóa hoa Thiền nở rộ. Ông dạy các lớp Triết lý Thiền vào buổi chiều tại đại học Columbia và sinh viên phần lớn là họa sĩ, các nhà sáng tác nhạc, thi sĩ, các bác sĩ tâm thần, giáo sư triết lý. Kapleau nhận xét: “ sự hiện diện của Suzuli gây nên chất men của đời sống tân linh-trí thức ở New York vào đầu các năm 50. Mặc dù chỉ là một học giả-cư sĩ đã 80 tuổi, không phải là tiếng nói sư tử hống của một thiền sư, nhưng Suzuki đã thực hiện được những thành tựu đáng kể. Một thân một mình, ông đã giới thiệu giai đoạn đầu tiên về trí thức và thực tập Thiền ở Mỹ. (12)  Tập san The New Yorker viết về Suzuki vào năm 1957: “Ông là một học giả nổi tiếng và ăn nói lưu loát về Phật giáo Thiền tông, chi nhánh có hàng triệu cư sĩ Nhật tu tập và đã thu hút được nhiều nghệ sĩ, trí thức và tâm lý gia ở Tây phương…trong đó có nhà xã hội học Arnold Toynbee, Aldous Huxley, Martin Heidegger, C.G. Jung và Karen Horney. (13)    

 

Một trong những ‘đồ đệ’ tâm linh của Suzuki sau này dính líu tới lịch sử chiến tranh Việt Nam là Richard Gard, lúc đó đang nghiên cứu luận án về Phật giáo. Gard là người lo thủ tục để đưa Suzuki qua Mỹ dạy học tại Claremont Graduate School. Khi ‘vụ Phật Giáo’ bùng nổ tại Miền Nam, và khi Thầy Quảng Đức tự thiêu ở ngã tư Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt ngày 11 tháng Năm năm 1963, Bộ ngoại giao Mỹ và chính Kennedy ngỡ ngàng hỏi: “Họ là ai? Tại sao chúng ta không biết gì về họ cả?”. Bộ Ngoại Giao Mỹ thành lập một đơn vị gọi Văn Phòng Phật giáo Sự Vụ (Office of Buddhist Affairs) do Richard Gard phụ trách. Khi tân đại sứ mới vừa được bổ nhiệm, Cabot Lodge, muốn biết về Phật giáo, người trình bày cho Lodge không ai khác hơn là Gard. Theo chương trình Gard chỉ được trình bày cho tân đại sứ 10 phút. Nhưng khi nhân viên tuỳ tùng nhắc nhở, Lodge vẫy tay ra dấu cho người tùy tùng đi chổ khác và nói ‘chuyện này quan trọng. Tôi cần nghe để hiểu thêm’. Lodge tâm sự là ông cũng biết ít nhiều về Phật giáo nhờ một người anh em họ đang tu tập như một Phật tử, người đó là William Sturgis Bigelow, một chuyên viên trước đây đã cố vấn chánh phủ Mỹ về Phật giáo Nhật! Gard đề nghị Lodge nên gặp các nhà lãnh đạo Phật giáo Việt Nam. (14) Tất cả đều nhờ sự sắp xếp của Phật tử Richard Gard. 

 

Một trong những học trò tâm đắc khác của Suzuki là Robert Aitken. Khi chiến tranh vừa xảy ra Aitken đang làm việc như là một kỹ sư xây dựng tại Guam, bị chánh quyền Nhật bắt vào trại tập trung. Trong trại tình cờ Aitken được đọc tác phẩm Zen and English Literature của R.H. Blyth. Năm 1944 Blyth đột nhiên hội ngộ Blyth trong trại tập trung ở Kobe. Blyth gốc Anh trước đó được gởi đi Ấn Độ nhưng ông không chịu được chế độ thực dân nên xin đổi sang Đại Hàn. Ông dạy Anh Ngữ cho một trường do một người Nhật quản lý và năm 1940, dù lập gia đình với một phụ nữ Nhật, ông vẫn bị đưa vào tại tập trung dành cho những kiều dân của các nước thù nghịch. Khi được phóng thích, Aitken trở về Hawai và theo học ngành văn chương và sau đó nghiên cứu tại đại học Berkeley, California. Thoạt tiên ông theo học thiền thoại đầu với Senkazai, nhưng sau đó với sự giúp đỡ của Suzuki, vào năm 1950 ông xin được học bỗng học một năm ở Nhật. Aitken đã học được Thiền Tào Động ‘chỉ ngồi Thiền’ thay vì lo giải đáp mấy công án. Vào năm 1953 Suzuki còn ảnh hưởng được một vài nhân vật khác, đặc biệt là Linh mục Thomas Merton, một nhà huyền học Thiên Chuá dòng Trappist. Merton sau này cùng với một số linh mục trappists khác như anh em Berrigans tham gia phong trào chống chiến tranh. Daniel Berrigans cùng Nhất Hạnh mạn đàm về bạo động trong chiến tranh trong tác phẩm The Raft is Not the Shore xuất bản năm 1975 trước khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt. (15)

         

Trong giai đọan nở rộ, ảnh hưởng rõ ràng nhất của Thiền là phân tâm học. Trong hội nghị về Zen Buddhism and Psychoanalysis (Thiền và Phân Tâm Học) vào năm 1957, Suzuki là một diễn giả chính. Từ năm 1934 Carl Jung đã nhìn thấy Zen và Phân Tâm Học có cùng một mối quan tâm, đó là chữa trị tâm linh (Spiritual healing) và chuyển hóa tâm thanh tịnh. Cũng như tâm lý học, Thiền Phật giáo đề cập đến Tâm (Mind) và Thức (Consciousness). Trong sự giao lưu này Suzuki đã cố gắng dùng những thuật ngữ của tâm lý Tây phương để giải thích Thiền. Trong khi Thiền là khoa về ‘tâm linh’, các phân tích tâm lý học có những giới hạn riêng. Các nhà phân tâm học như Erich Fromm nhận xét là sau 2 ngày đầu của hội nghị, không khí đã thay đổi rõ rệt. Mọi người trở nên chăm chú và tĩnh lặng hơn. Ảnh hưởng hỗ tương giữa Thiền Phật giáo và Phân tâm học ngày nay đã đi một bước dài, phản ánh qua sự hợp tác giữa Đức Đạt Lai Lạt Ma và các nhà thần kinh học trong các chương trình nghiên cứu ảnh hưởng hỗ tương giữa não bộ và tâm thức. Suzuli ngưng giảng dạy tại đại học Columbia và nghỉ hưu năm 1957.

 

Không phải người nào cũng thỏa mãn với hình thái Thiền mà Suzuki giảng dạy cho trí thức Tây phương. Hồ Thích chỉ trích là hình thái Thiền mà Suzuki quảng bá không phải là loại Thiền mà người Nhật và Trung Quốc hiểu, và không dính líu tới gốc rễ lịch sử. Hồ Thích là một sử gia nên muốn biết Thiền xuất hiện thế nào và biến chuyển ra sao, Suzuki xem Thiền vượt không và thời gian và vì là một phương pháp trị liệu ‘tâm linh’ phổ biến. Thiền cần phải được ‘bắt giữ’ từ bên trong không phải là một sự kiện ‘lịch sử’ bên ngoài và nhất là phải hành Thiền nếu muốn hiểu Thiền. Thiền dù xuất phát từ Phật giáo, nhưng không phải chỉ dành cho Phật tử, mà có thể liên hệ đến bất cứ truyền thống tâm linh nào. (16) Conze có nhận xét là Thiền được phát sinh và thực hành để đạt tới mức ‘vô niệm’ như Lục Tổ Huệ Năng phát biểu trong bài kệ “Bổn lai vô nhất vật’ và công án Vô là công án lớn nhất trong Thiền. Hoàn cảnh văn hóa Tây phương sau thời kỳ khai sáng là văn hóa hoàng hôn của những thần linh, như tựa một tác phẩm của Nieztsche, và văn hóa Ky Tô- Do Thái đã lạc mất truyền thống huyền nhiệm tâm linh và đang đứng trên bờ vực thẳm của chủ nghĩa hư vô. Thiền đáp ứng với tâm trạng của giới trí thức (và thanh niên trong phong trào Beats) và không ai ngạc nhiên khi thấy Thiền phát triển nhanh chóng ở Mỹ. Lối biện luận nghịch lý, sắc tức thị không, không tức thị sắc, vô không phải là hữu mà cũng không phải là vô rất lôi cuốn với trí thức Tây phương lúc nào cũng duy lý. Wez Nisker nói đùa là Thiền đã lật ngược câu tuyên bố của Descartes: thay vì ‘tôi suy nghĩ nên tôi hiện hữu’, Thiền tuyên bố ‘tôi suy nghĩ nên tôi không hiện hữu!’. Tưởng là đùa nhưng có thể là thực, ai biết được. Bồ Đề Đạt Ma ngồi im lặng ngó vách đá 9 năm, một trong những tổ Thiền tông Việt nam là ‘Vô Ngôn Thông’. Một chỉ trích khác là thiền Lâm Tế chú ý đến công án thoại đầu nên dễ dẫn tới trình trạng có những người chưa ngồi Thiền mà vẫn nói Thiền và muốn người khác gọi mình là Thiền Sư! Những tác phẩm liên hệ đến thiền Tào Động thường được trình bày một cách kém cõi và bằng một thứ Anh Ngữ ‘ba rọi’ nên không được người Tây phương tiếp nhận. Tào Động chủ trương ngồi Thiền đã ‘just sitting’. Thực hành xong rồi muốn nói gì thì nói! Tôi chợt để ý tới một thuật ngữ quảng cáo của Nike ‘Just Do It’. Người quảng cáo tiếp thị này có lẽ thực hành Thiền Tào Động!? Quý độc giả và tôi còn ở trong thế giới ta bà, nên còn người viết và người đọc Thiền! Nói láo mà chơi nói láo chơi. Khi nào chưa chịu để bàn toạ trên gối, theo dõi hơi thở và cảm thọ, tất cả đều đáng ‘vất xuống sông’! Just Do It! Bàn luận công án thoại đầu lam chi cho mất thì giờ.

 

  

 

Phát triển đột phát của Thiền còn có thể giải thích bằng lý do liên hệ đến lịch sử và địa lý chánh trị. Một phần nước Mỹ kề cận Châu Á, nhất là chế độ đặc biệt của lãnh thổ Hawaii và cuộc chạy đua tìm vàng ở bang California vào thế kỷ 19. Những Phật tử da trắng cũng đã sớm thành lập các Thiền đường ở San Francisco ngay từ năm 1928 và ở Los Angeles vào năm 1929 và First Zen Institute ở New York vào năm 1931. Mục tiêu chính yếu của Suzuki là truyền bá Zen cho trí thức Tây Phương dĩ nhiên là ông cần một hình thái Zen thích hợp với tâm cảnh người Tây phương. Những tên như Lâm Tế hay Tào Động không quan trọng gì mấy, chỉ trừ khi muốn đem đạo Phật trồng trong chậu như một thứ cây cảnh.                

 

Như tựa một quyển sách của thầy Huyền Diệu, khi hồng hạc bay về… đất Mỹ, vùng đất mới trù phú và cởi mở hơn đã khởi đầu cho thời kỳ chuyển luân lần thứ tư. Sau Nguyên Thủy, Đại Thừa và Kim cương thừa, Phật giáo Mỹ với tinh thần khoa học của thời hiện đại và văn hóa Ky Tô-Do Thái khi giao lưu với Phật giáo sẽ sản sinh một thứ ‘tân thừa’ nào? Lời tiên đoán cuả Toynbee sẽ được đáp ứng đến mức nào?

 

Beat Zen: từ hippies phản chiến

 

Beat Generation là từ ngữ dùng cho một nhóm văn nghệ sĩ nổi tiếng vào thập niên 50. Các nghệ sĩ có ảnh hưởng chính là thi sĩ Ellen Ginsberg, Jack Kerouac, Gary Snyder. Mặc dù Jack Kerouac nhận xét hóm hỉnh là ‘ ba người không thể làm ra một thế hệ’ nhưng trong vòng một hai thập niên nhóm đã gây ảnh hường rộng lớn, không những trên bình diện nghệ thuật, cung cách sống, lề lối tư duy mà còn lan rộng đến lĩnh vực chính trị, nhất là quan hệ đến phong trào chống chiến tranh Việt nam và liên hệ đến mục tiêu của chương này, phổ biến ảnh hưởng của Phật giáo, nhất là Thiền Tông ở Mỹ. Bài thơ Howl của Ginsberg, hai tác phẩm On the Road và Dharma Bums của Kerouac và những bài thơ dịch Hàn San (Cold Mountain) của Garry Snyder đã là những dấu mốc của thế hệ Beat. Nhân vật khai dựng phong trào Beat là hai sinh viên ở đại học miền Đông nước Mỹ, Columbia University, nhưng về sau hưởng ứng phong trào “Go West’, Beat ‘dời đô’ về California với sự tham dự của một nhóm sinh viên văn nghệ sĩ ở đây trong đó có Garry Snyder. Kerouac giới thiệu cụm từ the Beat Generation vào năm 1948 có nghĩa là một thế hệ ‘mệt mõi’, ‘thua cuộc’ (beaten down’ hay bị đánh mất), và cuối cùng đồng ý với từ ngữ Beat. Từ ngữ sau này đồng nghĩa với người lữ hành không nhà (homeless bohemien), rồi thành thế hệ thanh niên nổi loạn hippies, nhưng khác với hành ảnh của James Dean, hippies nổi loại có nhiều lý do và khi chiến tranh Việt Nam leo thang đến cực điểm, hipies trở thành sinh viên phản chiến Vietniks. Về phương diện tôn giáo họ là những Dharma Bums, giúp cho Thiền bùng nổ hay bùng nở tại Mỹ. Nói như một tác giả trên Wikipedia, tác giả Dharma Bums giúp Phật giáo trở nên quen thuộc tại Mỹ. (17)  

 

Năm 1982 Ginsberg tóm tắt những ‘ảnh hưởng quan trọng’ của Beat Generation như sau:

  • Giải phóng khỏi những trói buộc truyền thống: giải phóng tâm linh, tình dục hay là những trào giải phóng phụ nữ, giới tính, da mầu như phong trào dân quyền của Martin Luther King hay ngay cả phong trào da đen như Black Panther…
  • Giải phóng kiểm soát tư tưởng (qua hình thức kiểm duyệt)
  • Giải hoặc những huyền thoại về các loại cần sa ma tuý và các loại LSD…
  • Phong trào âm nhạc da mầu (Jazz) và thanh niên (Rock and Roll) như nhóm Beatles và Bob Dylan sau này.
  • Tạo một ý thức về môi sinh (Gaia- Fresh Planet)
  • Chống đối ảnh hưởng của guồng máy khổng lồ quân sự-kỹ nghệ
  • Thành hình một ý thức mới về tôn giáo tương ứng với văn minh hiện đại
  • Khuynh hướng ‘vô tổ chức’ bột phát thay vì khuồn khổ cứng nhắc trong văn chương và triết lý (ảnh hưởng của Thiền) Tôn trọng văn hóa bản địa.(18)

 

Chương này chỉ chú trọng mối liên hệ giữa Beat Movement và sự bùng nở của Thiền tại Mỹ và những hoạt động chống chiến tranh của thanh niên Hippies Mỹ, từ Dharma Bums tới sinh viên biểu tình chống chiến tranh, do guồng máy quân sự- kỹ nghệ ở Mỹ điều khiển. 

 

Sau thế chiến thứ Hai, Mỹ đã trở thành cường quốc số một, đóng vài trò lãnh đạo các nước đồng minh Âu Châu cũ. Nhưng chiến tranh lạnh làm căng thẳng mối liên hệ giữa hai khối Tư bản và Cộng sản. Về kinh tế Mỹ chưa có thời nào phồn thịnh đến thế. Mức sống của một người dân bình thường còn hơn những ông hoàng bà chúa của thế kỷ trước. Chủ nghĩa tư bản biến hình thành chủ nghĩa tiêu thụ. Phần lớn thanh niên trong thập niên 60 từ chối bị giam hãm trong.một hệ thống làm việc, sản xuất, tiêu thụ, làm việc sản xuất, tiêu thụ’ (19) Chủ nghĩa kinh tế Keynes áp dụng hữu hiệu sau thế chiến dần dần bị thay thế bỡi chủ thuyết neo-cons; ý niệm công ích và công dân thay thế cho tư lợi và người tiêu thụ. Các nước Âu châu ảnh hưởng bởi truyền thống công bằng nên trên thực tế là một thứ chủ nghĩa xã hội trá hình, xem chánh phủ có nhiệm vụ phục vụ công ích cho dân chúng. Kinh tế, văn hóa và chính trị giữa Mỹ và đồng minh Âu Châu càng ngày càng xa cho đến gần đây cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ Rumsfelt gọi các nước không chịu tham gia chiến tranh Iraq là ‘Âu châu cũ”. Thực ra các nước ‘Âu châu cũ’ đã từ chối tham gia vào chiến tranh Việt Nam do tổ hợp Quân Sự và Kỹ Nghệ Mỹ giật dây. Không có một người lính nào của Pháp, Anh hay Gia Nã Đại chịu đến Việt nam để bảo vệ tiền đồn thế giới tự do!

 

Chiến tranh lạnh cũng có cái giá của nó: tuân phục chánh sách của chánh phủ về chánh trị và khuôn mẫu xã hội và văn hóa. Dân chúng Mỹ đã hưởng tiện nghi trước giờ chưa từng có, nhà nước chỉ đòi hỏi ‘hy sinh’ nho nhỏ: tuân phục ‘ý’ của chánh phủ. Nếu không, chánh phủ có thể dùng một chánh sách truy lùng phù thủy như McCarthyist, hay một câu mà Bush nhắc đền trước khi khởi đầu chiến tranh Iraq: ai không theo ta là chống ta. Năm 1953 Tổng thống Eisenhower ra sắc lệnh 10450, ra lịnh chánh phủ phải cách chức những người nào ‘nhẹ nhàng’ khi đối phó với cộng sản, cũng như những người nào ghiền cần sa và ma túy, có khuynh hướng tình dục bất thường, những người bị bệnh tâm thần, ngay cả những hội viên hội khỏa thân (20)

 

Một điều quan trọng nữa là thế hệ thanh niên thuộc thời kỳ hay gọi là tiền- và thế hệ Boomers, sinh ra vừa trước và sau thế chiến hai, đã không còn tin tưởng vào tôn giáo định chế và nhất là không còn tin vào Chúa của Ky Tô và Do Thái giáo. Như Wes Nisker thú nhận, thế hệ của ông là thế hệ ‘rối loạn’, một thế hệ ‘không nhà’ về phương diện tâm linh (spiritual homelessness). (21) Đối với họ Chúa chỉ là một nhân vật bịa đặt như ông già Nô-en và xem thế hệ cha mẹ tin tưởng vào huyền thoại tôn giáo là chuyện buồn cười và lố bịch.

 

Thế hệ này cũng sống trong một thời đại có quá nhiều ‘cách mạng’ về khoa học, xã hội, tình dục, giới tính, dân quyền… Thuyết tương đối và sau này là phong trào ‘hậu hiện đại’ đã khiến cho những ý niệm như ‘có thực’, ‘đúng’ hay ‘tốt’ chỉ là những điều ước đoán và thanh niên chấp nhận thái độ sống ‘gì cũng được’ (Whatever!). Đối với họ thế giới và cuộc đời dường như bị kiểm soát bởi luật bất định! Những cái gọi là nguyên tắc đạo đức chỉ là cấu trúc xã hội, không có gì là tuyệt đối. Những khám phá về vũ trụ đã hạ bệ vai trò của con người xuống…vượn và những điều vừa được khám phá về khoa di truyền cho thấy con người chia xẻ hầu hết những genomes của các loài vi khuẩn. Những khám phá về kỹ thuật trong nửa thế kỷ sau của thế kỷ 20 như bom nguyên tử, thuốc ngừa thai, transistor, lasers vân vân khiến con người càng… xa nhà để đi lạc vào những ngôi làng thế giới (global village). Các thanh niên Mỹ và nói chung thanh niên Tây Phương trở thành tỵ nạn tâm linh. Phần lớn quay đầu tìm về đạo học huyền nhiệm Đông phương, nhất là Ấn giáo và Phật giáo Thiền tông. Wes Nisker đi tìm con đường tâm linh từ lúc 12 tuổi khi không còn tin vào sự hiện hữu của ông già Nô-en và…Chúa. Và bắt đầu con đường tâm linh bằng một câu hỏi giản dị: Tôi là ai? Đối với người Phật tử câu hỏi này khá quen thuộc: ‘Tâm của con đâu, đưa ra để ta an tâm cho!”

 

Trong khi phong trào hậu hiện đại Tây phương bắt đầu bằng những phản ứng như triết lý-phản triết lý, văn chương-phản văn chương, các thanh niên Mỹ cũng bắt đầu nổi loạn để thoát khỏi cái mà Nisker gọi là sự ‘cô đơn sâu thẵm’. Khi biết là Chúa không hiện diện, họ muốn đi tìm một điểm tựa tâm linh mà họ không thể gọi tên. Văn hóa của thế hệ thanh niên Mỹ có thể gọi là văn hóa-phản văn hóa. Các nhà tư tưởng thời Khai Sáng đã cướp quyền của Chúa (nếu chúa hiện hữu!) và dựa vào quyền lực của lý trí và chuyển giao lý trí cho khoa học. Các thế hệ tiếp đó phải đối diện với hố thẵm hư vô. Đâu là ý nghĩa của đời sống? Một quốc gia non trẻ như Mỹ với nhiều nhà suy nghĩ tự do nhờ lối suy tư ‘dân chủ’ ‘tự do’ và ý niệm ‘cá nhân’ của Alexis de Tocqueville trong Democracy in America. Quá nhiều chọn lựa nên dễ lạc đường! Các nhà kinh tế thì quảng bá cho chũ nghĩa thực dụng: làm việc cần mẫn theo đạo đức Tin lành, sung túc là ân sủng của Chuá, càng tiêu thụ nhiều càng tốt, cái gì ở Mỹ cũng lớn hơn và tốt hơn, để phục vụ nhu cầu tiêu thụ, càng cần tăng mức sản xuất: từ tư bản (cổ điển) sang tiêu thụ (tân cổ điển). Tâm trạng mà các nhà tâm lý gọi là ‘tự kỷ’ (Narcissism) khiến ‘nhiều người trong chúng tôi đi tìm Trí Tuệ trong truyền thống Á Châu, thoát cái ngã tự kỹ đến một cái ngã liên hệ trong hệ thống duyên khởi chằng chịt’ (22) Và người ta chứng kiến cảnh tượng các thanh niên Mỹ thuộc thế hệ Boomers đổ xô trong cuộc hành trình về phương Đông. Jack Kerouac thấy một viễn kiến về thế hệ tương lai của thanh niên Mỹ trong Dharma Bums : “Tôi có một viễn kiến về một cuộc cách mạng trong tương lai. Hàng ngàn, và có thể hàng triệu thanh niên, với ba lô trên vai, đi lang thang khắp nơi, lên núi cầu nguyện, làm các trẻ em cười, làm người già vui thích, làm thiếu nữ hạnh phúc, làm các phụ nữ già còn hạnh phúc hơn. Tất cả hành giả này là những thiền sư mộ đạo điên cuồng” (Zen lunatics) (23)   

 

Tác giả bài nầy đã ghi lại hiện tượng Đông Du Ký này trong bài điểm sách Bắt Trẻ Đồng Xanh (bản dịch của Phùng Khánh): Một số thanh niên, trí thức, khao khát đi tìm ánh sáng Phương Đông. Tác phẩm On the Road của Jack Kerouac phản ảnh phong trào thanh niên lên đường thời đó: một ba lô rugsack trên vai, một ít tiền, đưa ngón tay cái chỉ lên trời xin quá giang đi khắp nước Mỹ, đi qua biên cương nước Mỹ, tới Ấn Độ, Tây Tạng, Sri Lanka, Nepal, Nhật và Đại Hàn để “tầm đạo và học đạo.”

 

Thế hệ Beat có lối sống hoàn toàn ngược lại với những kỳ vọng của một xã hội Mỹ sau thế chiến: phóng túng ngoài mọi khuôn khổ ‘đạo đức’, tóc dài váy ngắn là một hình thức phản kháng, tìm những cảm giác ‘siêu thực’ psychedelic qua cần sa và nhất là LSD, rày đây mai đó On the road. Thay vì chấp nhận chủ nghĩa cá nhân narcissim và tư lợi, họ chia xẻ tài sản với nhau kể cả tình dục. Nisker gọi đùa đó là một thứ Socialist Zen! Trong Dharma Bums, Kerouac, Snyder và một số hippes khác vừa làm tình tập thể vừa bàn chuyện văn chương triết lý và ngồi thiền! Họ là những American Bohemians (Hobo) mặc áo hoa màu sặc sỡ, chơi nhạc Rock and Roll và twist loạn cuồng. Họ đã đặt nền móng cho ‘cách mạng’ về văn hóa và sự phục hưng tâm linh ở Mỹ trong nửa sau của thế kỷ 20  (24) Họ là thế hệ đã mất-lost generation- thế hệ bị thất bại-Beat Generation, những nhà tâm linh bị gạt ra ngoài lề, hay tự động đứng ngoài lề, của một xã hội chỉ chú trọng vật chất lạnh lùng. Họ là những nhà đạo học huyền nhiệm, ngây thơ đi tìm một viễn kiến tâm linh riêng. Họ là thế hệ Phật tử Mỹ đã đưa vào từ ngữ Phật giáo vào ngôn từ Mỹ như Karma, dharma, nirvana và mantra. Mỗi người theo triết lý Á Châu huyền nhiệm riêng. Trong số 4 nhà sáng lập Beat Generation, Allen Ginsberg bị cuốn hút bởi truyền thống Hindu sặc sỡ nhiều mầu sắc. Đến thập niên 70 vẫn còn những thanh niên thiếu nữ theo Ranakrisna nhảy múa, đánh trống chập chõa ngoài đường phố. Nhờ ba cuốn Thiền Luận và nhân cách của Suzuki, phần lớn các nghệ sĩ khác bị cuốn hút bỡi Thiền, nhất là Thiền Lâm Tế của Nhật.

 

Nhưng trong thập niên 60 và 70 các Hippies trở thành Flower Child, tham dự phong trào phản chiến, mặc áo hoa mầu sặc sỡ, đem hoa cài đầu và cài vào họng súng của các vệ binh quốc gia Mỹ. Trong các cuộc biểu tình chống chiến tranh Ginsberg đã tụng thần chú Om trước hàng ngàn sinh viên tham dự. Đây không phải là một ứng lại chiến tranh Việt nam, vì trong bài thơ mở đầu cho phong trào Beat vào năm 1955. trong bài thơ Howl tại phòng triễn lãm Six Gallery ở San Francisco Ginsberg, đã cực lực tố cáo thần chiến tranh qua tên Moloch:

 

Moloch, đầu óc chỉ là máy móc

Moloch, máu chảy trong người là tiền

Moloch, 10 ngón tay là 10 đạo binh

Moloch, ngực chứa đầy chất nổ.

 

Bài thơ này được đọc trước sinh viên trong buổi ra mắt Beat vào năm 1954 ở San Frnscisco. Mười năm sau, Mỹ tăng gia chiến tranh ở Việt nam và Ginsberg trở thành phát ngôn viên của phong trào phản chiến. Những nhà đạo học thi sĩ như William Blake, Thoreau và Whitman, thần tượng của nhóm Beat, trước đó đã là những người chống lại tổ hợp Quân sự-Kỹ nghệ. Có rất nhiều thanh niên Mỹ quay về hướng Phật giáo không phải vì triết lý trừu tượng về nát bàn, mà là chính vì chiến tranh Việt Nam. Vào giữa thập niên 60 đến đầu thập niên 70, Việt Nam là trọng tâm của nhiều thanh niên, dù chiến đấu cho chánh phủ hay chống chiến tranh. Mỗi đêm trên truyền hình, công chúng thấy cảnh dội bom của không lực Mỹ xuống ruộng làng của một quốc gia phần lớn là nông dân ở bên kia của trái đất, với những cảnh tượng kinh hoàng và mỗi đêm họ nghe truyền hình, nghe thấy con số tổn thất của lính Mỹ càng nhiều thêm, mà chánh phủ không đưa ra biện chính rõ ràng. Thành phần ‘ôn hòa’ thì đâm ra bất bình với chánh phủ, và khi thấy cảnh tượng leo thang chiến tranh, sẽ gia nhập hàng ngũ của thành phần Hippies và cực đoan, hay ít nhất là phong trào chống chiến tranh. Theo lời kể của Wes Nisker, có nhiều bạn của anh thú nhận là họ tham gia phong trào chống chiến tranh chỉ vì trước đó chứng kiến hình ảnh tự thiêu của bồ tát Quảng Đức (25)

 

Những người có ác cảm với Hippies cho là họ sống truỵ lạc, vô ‘luân lý’ hoặc là những thành phần chính trị ‘cực đoan’ phản chiến, tuy nhiên hiểu động cơ đàng sau lối sống nổi loạn này, ngưòi trong cuộc như Nisker có thể khẳng định là hippies, những Hobo không nhà đã tạo ra một môi trường cho sự phục hưng tâm linh của Mỹ. Phong trào Hippies là một hiện tượng tâm linh, không phải chỉ là một phong trào văn hoá, chính trị hay xã hội. Cũng như những nhà cải cách xã hội trước đây, họ có thể họ là những người ngây thơ không tưởng nhưng không thể nào phủ nhận những nổ lực của họ đi tìm một viễn kiến mới cho khủng hoảng tâm linh lúc bấy giờ.

 

Nhưng tại sao Phật giáo, nhất là Zen, lại nổi bật giữa ngôi rừng triết lý Đông phương? Một lý do hiển nhiên là nhờ vai trò của Suzuki, khiến những cánh sen Zen nở rộ. Thứ hai, không như Ấn giáo có trăm ngàn thần linh, Phật giáo, nhất là Zen, không có một thần linh nào. Chỉ có tứ vô lượng tâm mà Tây phương dịch là Big Sky Mind. Trong hội chợ âm nhạc ở Monterey, California vào năm 1967, một tượng Phật cao 3 thước được dựng ở cổng ra vào. Mổi người tham dự được tặng một hoa orchid và chủ đề của hội là “Hoà bình, Tình Yêu và Hoa”. Theo Nisker, cảnh sát không bắt giữ ai vì được các thiếu nữ mỹ miều tặng hoa và hôn. Khi hội chợ bế mạc, hầu hết cảnh sát được cài hoa trên mũ. (26)

 

Trên bình diện triết lý/tôn giáo, thế hệ Beat Generation đã được tư tưởng khai sáng nhắc nhở, những huyền thoại/thần linh chỉ là những câu chuyện ‘văn chương’. Các nhà đạo học Mỹ trước đó như Whitman và Thoreau đã thấy ‘một hạt bụi’ trong thiên thu, nên đã thích ứng với túi khôn của Ánh Châu trong hoàn cảnh xã hội Mỹ. Những người sáng lập Thiền Beat đều tốt nghiệp đại học hay hậu đại học, thấy được ngõ cụt của Triết lý Tây phương và Thiền đã mở ra những khoảng trống thênh thang. Triết lý Thiền đơn giản, nghịch lý, khôi hài và bí nhiệm. Không có gì đề chứng tỏ, để đạt được. Vô chứng diệc vô đắc, dĩ vô sở đắc cố. Ngay cả những nhà nghiên cứu Phật giáo như Alan Watts cũng phê bình là Beat Zen chỉ là một ‘mốt’ thời trang nhất thời, trong khi đó có những người qua Nhật học chỉ muốn tìm một đạo sư để có những giấy chứng nhận treo tường, những người mà Watts gọi là Square Zen. Watts còn nhắc tới Zen, hàm ý là loại Zen trung thực. Vấn đề là ai có đủ tư cách để gọi người khác hay mình là Thiền sư ‘trung thực’?

 

Một yếu tố khác quyến rũ thanh niên thời đó và Phật giáo không có giáo điều. Các nhà tư tưởng Tây phương thường có quan điểm rắn chắc cố định như tư bản, xã hội, Marxist, thần học Ky tô, Tin Lành hay chủ nghĩa quốc gia. Thủ lãnh hippie Abbie Hoffman được hỏi kiến về chủ nghĩa, trả lời là tất cả những isms đều là những giáo điều cứng nhắc. Trong khi Phật giáo, nhất là Thiền, chủ trương bất nhị, không phải hai mà cũng không là một, mẫu thuẫn, nghịch lý, điên rồ. Triệu Châu khi nói con chó có Phật tính khi nói không. Núi có khi không là núi, sông có khi không là sông. Những người vào cửa Thiền theo lối ngang vào tắt, không biết Thiền dựa kinh điển nào. Thoạt nhin giống như thái độ ‘vô chánh phủ’ (anarchist) thích hợp với tâm cảnh nổi loạn của giới trẻ.          

 

Bốn mươi năm sau khi nhìn lại hứng khởi và ảnh hưởng của Beat Generation, ngưòi phát pháo cho phong trào văn hóa- phản văn hóa, khi quán chiếu thâm sâu về lý tưởng từ bi Bồ tát đối với mọi chúng sinh, Ginberg nhận ra rằng, lý tưởng này tương phản với mọi tư tưởng chánh trị của phe tả cũng như phe hữu. Một thế giới càng ngày càng giống luật rừng xanh, ngưòi nào mạnh nhất là những người sống sót như trong giả định của Darwin, ai mạnh hay bền sức sẽ sống sót trong quá trình chọn lựa tự nhiên. Ginsberg nhận xét về xã hội giàu có như Mỹ, đại diện cho xã hội tiêu thụ khác, tài sản càng ngày càng dồn trong tay thiểu số, thiếu cái mà các thiền sư Beat gọi là ‘công lý kinh tế’. Ginsberg tự hỏi, làm thế nào có thể bảo toàn một thế giới văn minh khi mọi người khác ngoài các nước phát triển, đang sống vất va vất vưỡng, nếu không muốn nói là chết đói?! Con đường mà các thiền sư Beat chọn lựa trong thập niên 60 và 70 là con đường ‘giải phóng’. Ginsberg xác nhận là ‘Phật giáo với lượng trí tuệ vô biên có thể đóng góp cho những những vấn đề lưỡng nan về kinh tế và chính trị’. Ông kết luận dứt khoát: Phật giáo là VÀNG RÒNG (pure gold) (27)

 

Chân dung hippies phức tạp, có thể là một người sống phóng túng, muốn phá tung khuôn khổ chật hẹp về tôn giáo, đạo đức hay xã hội, trụy lạc với cần sa và psychedelic, phản chiến hay một người đi tìm lời giải đáp cho khủng hoảng tâm linh. Thế nhưng vào các thập niên này, biểu tượng dễ thấy nhất về tôn giáo của một người hippie là Đức Phật. (27)

 

Kiểm điểm lại những người tham dự Beat chính yếu ta mới hiểu tại sao. Jack Kerouac là tác giả của Dharma BumsScriptures of the Golden Eternity, với lý luận như thể là của Long Thọ. Nhiều người cho Kerouac là Nagarjuna Mỹ! Snyder theo học Zen 10 năm ở Nhật, về nước tiếp tục cặm cụi làm thơ và dịch thơ. Tập thơ Hàn San được giải Pulitzer. Phillip Kapleau với 2 tác phẩm về Thiền, Three Pillars of Zen Zen Dawn in the West, đã trở thành 2 tác phẩm cổ điển về Thiền. Sharon Salzberg và Joseph Goldstein hiện dạy Thiền Vipassana cho phật tử Mỹ; Daniel Goleman viết Destructive Emotions và hiện đang hợp tác với Đức Đạt Lai Lạt Ma trong công trình nghiên cứu sự liên hệ giữa não bộ và ý thức. Robert Thurman dịch kinh Duy Ma Cật và tác giả Inner Revolution, giáo sư về Phật giáo Tây Tạng tại đại học tại Amherst College và trong nhiều năm là thông ngôn riêng của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Robert Aitken, tọa chủ thiền viện Diamond Shanga ở Hawaii, tác giả Taking the Path of ZenThe Mind Clover. Wes Nisker tác giả The Big Bang, the Buddha… được dùng làm nguồn chính nghiên cứu trong chương này. Jack Korfield, Joanna Macy…. chỉ kể một ít tên liên hệ đến nghiên cứu của tác giả. Ở Anh Shangharaksita thành lập Western Buddhist Order và hiện là một phòng trào hoằng pháp quy mô nhất ở Tây phương. Stephen Batchelor tác giả Buddhism Without Beliefs phản ảnh quan điểm mới của Phật tử Tây phương, hiện vẫn còn được tranh luận.

 

Khi chim sắt bay trên trời

 

Vào thế kỷ thứ 9, một nhà ‘tiên tri’ Tây Tạng, Padmasambhava tuyên bố: Khi nào chim sắt bay trên trời, và ngựa chạy trên bánh xe, dân Tây tạng sẽ lưu lạc tứ tán như một đàn kiến trên thế giới. Và Dharma sẽ truyền bá trên đất của người da Đỏ. Thường sấm chỉ là vũ khí chánh trị như sấm của Vạn Hạnh hay Trạng Trinh và thường chỉ được bàn sau khi mọi sự đã xảy ra. Nhưng sự kiện lịch sử là dân Tây Tạng lưu lạc bốn phương trời và Phật giáo Tấy tạng càng ngày càng sáng ngời trên quê hương người da Đỏ, thường được biết bằng tên Hiệp Chủng Quốc

 

Lúc hoàng hôn ngày 17 tháng Ba năm 1959, Tendzin Gyatso, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, giả dạng làm một nông dân, lén ra khỏi Cung điện mùa Hạ và thoát khỏi vòng vây của vệ binh Trung Quốc tại thủ đô Lasha. Ngài được một toán kỵ mã Tây tạng đón trên bờ sông Kyichu và đưa ngài qua rặng Hy Mã Lạp Sơn chập chùng vào Ấn Độ. Khi mà Trung Quốc đóng cửa biên giới, có hàng trăm ngàn người Tây Tạng vượt biên qua Ấn.

 

Ấn là quê hương của Đức Phật và Phật giáo Tây Tạng liện hệ mật thiết với Phật giáo Ấn. Vào thế kỷ thứ 7 Phật tử Ấn đã xây dựng tu viện Tây tạng đầu tiên và cả 4 tông phái Tấy Tạng để có thể liên hệ  về các tổ sư Ấn. Tam tạng kinh điển ở Tây Tạng dịch trực tiếp từ tiếng Phạn nhờ thế mà một số kinh điển vẫn còn sống sót được sau khi quân Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ tàn sát 10 ngàn tăng già và san bằng Đại học Nalanda ở bắc Ấn. Nơi dung chứa tàn tích Phật giáo, Lhasa hiện cũng bị tiêu hủy dưới bàn tay, mỉa mai thay, của con cháu các Phật tử đời Đường.

 

Nửa thế kỷ đã trôi qua. Kim Cương Thừa hiện nay còn phát triển ở Tây phương còn hơn các thừa khác. Với sự hỗ trợ của các trí thức (như Robert Thurman ở Mỹ và Matthieu Ricard ở Pháp), văn nghệ sĩ (quá nhiều để kể tên nhưng hình ảnh Richard Gere nổi bật nhất) đối với quần chúng Phật tử thế giới, đức Đạt Lai Lạt Ma đã nghiễm nhiên trở thành biểu tượng của Phật giáo. Sách vở về Phật giáo Tây tạng được xuất bản nhiều hơn bất cứ một thừa nào khác. Đó là một hiện tượng đáng suy ngẫm khi thấy Kim Cương thừa ở một quốc gia cô lập giữa rặng núi trùng điệp Hy Mã Lạp Sơn đã thích ứng với văn hóa và tôn giáo Ky Tô- Do Thái.  

 

 

Một thiền sư Việt Nam khiêm tốn

 

Đoạn trên chúng tôi có nhắc đến mối liên hệ kỳ thú trong vụ Phật Giáo, đó là việc Đại sứ Cabot Lodge có một người anh em họ là Phật tử, Sturgis Bigelow. Năm 1963 Bigelow là một chuyên viên đặc trách tôn giáo tại bộ ngoại giao và ông cũng là một Phật tử Beat. Khi đến Việt Nam nhậm chức, từ phi trường Lodge đi thẳng đến toà đại sứ và thăm một nhà sư tỵ nạn tại đó. Người đó không ai khác hơn là Trí Quang. Lodge có lẽ được thông tin từ người anh em họ nên sau này đã tỏ có cảm tình với các nhà lãnh đạo Phật giáo Việt nam. Hình ảnh tự thiêu của thích Quảng Đức giữa ngã tư Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt, hai tay chấp ấn được đài truyền hình đưa đến tận mỗi nhà người dân Mỹ. Dù chấp nhận và ủng hộ cuộc tranh đấu của Phật giáo, nhiều người dân Mỹ cũng không hoàn toàn hiểu động tác ‘bạo động’ này. Vào năm 1966 khi thầy Thiên Ân đến Mỹ dạy ở International Buddhist Meditation Centre ở Los Angeles, Thầy giải thích cho các thiền sinh đó là một việc làm khẩn cấp. Thấy kể trong chiến dịch nước lũ vào đêm 20 tháng 8 năm 1963, có 20 ngàn tăng ni và trí thức trên toàn quốc bị nhốt vào tù. Chính Thầy Thiên Ân cũng nhiều lần bị bịt mắt trong khi di chuyển từ nhà tu này sang nhà tù khác. Thầy Thiên Ân Thích Quảng Đức được phật tử và dân chúng tôn thờ như bồ tát và chính nhờ những tăng ni tự thiêu sau đó mà Thấy mới được thả ra một ngày trước khi phái đoàn điều tra của Liên Hiệp Quốc đến Việt Nam. Sự ủng hộ của các phật tử Mỹ đối với phong trào Phật giáo và sau này cuộc vận động hòa bình của Phật giáo Việt nam rất đáng kể. Thiền viện San Francisco và thiền viện Rochester Zen Centre đã làm lễ cầu an cho những nạn nhân chiến tranh và quyên góp tiền bạc cho hoạt động cứu trợ. Tại New York thiền sư Boris Erwitt biểu tình trước trụ sở Liên Hiệp Quốc, được các cơ quan truyền thông đưa lên bản tin chính buổi chiều. Vào cuối thập niên 60 khi chiến tranh tăng gia khốc liệt, nhóm Beat như Gary Snyder, Richard Parker và dĩ nhiên Ginsberg và nhiều hội viên của San Francisco Meditation Centre đã tự còng tay vào hàng rào Hải Quân và ngồi Thiền chống chiến tranh Việt nam. Ở Hawaii Robert Aitken cũng tham gia vào phong trào phản chiến. Nhóm bất bạo động trong phong trào phản chiến trong hội liên hữu và hòa giải Phật giáo hợp tác với Thầy Nhất Hạnh trong chiến dịch vận động hoà bình. (29) Nhìn lại, Phật giáo Việt nam mang ơn nhiều cá nhân và tập thể, trong đó có những người như Bác sĩ Erich Wulff và các hippie Mỹ!

 

Trong số những thiền sư để lại dấu ấn trong lịch sử phát triển Phật giáo ỡ Mỹ, Rick Fields nhắc tới Thầy Thiên Ân, một nhà sư và một học giả. Thầy Thiên Ân đến Mỹ năm 1966 như một giáo sư thỉnh giảng về Ngôn ngữ và Triết lý Đông Phương tại đại học UCLA. Theo dự tính Thầy sẽ về nước một năm sau đó. Khi sắp hết hạn kỳ một số học trò của Thầy mang các mẫu di trú và nói: ‘Ở Việt Nam có rất nhiều Thầy có khả năng dạy Phật pháp trong khi ở Mỹ có rất ít, Thầy về nước ai dạy chúng con?”

Thầy bắt đầu các lớp học tại một căn nhà thuê ở downtown Los Angeles, Hollywood. Thầy đã từng du học ở viện đại học uy tín nhất ở Nhật, Đại học Wasada, và là một thiền sư thuộc dòng Lâm Tế như Suzuki. Thầy rất hiền lành và rất dễ gặp. Thầy sẵn sàng làm bất cứ một điều gì giúp đệ tử với một nụ cười bao dung, dù là khi Thầy ngồi thiền, đổ rác hay đang dạy học. (30)

 

Thầy cho phép tứ chúng đều được thọ giới. Có những người thọ giới như tăng ni, cạo tóc, sống một cuộc đời độc thân như Tỳ kheo hay Tỳ kheo ni. Thầy cũng thọ giới cho những nam và nữ cư sĩ có gia đình và xem vai trò của cư sĩ cũng quan trọng ngang với các tu sĩ trong việc truyền bá Phật giáo ở Tây phương.                        

 

Rick Fields dẫn một nhận xét của đệ tử Thấy:

 

Mối đam mê và quan tâm của Thầy là Phật giáo và Phật tử Mỹ vì Thầy thấy Mỹ như là nơi có thể chấn hưng và tích tụ chánh pháp và hy vọng trong tương lai sẽ mang Phật giáo từ Tây Phương trở lại Đông Phương , khi Á Châu sẵn sàng để tiếp nhận chánh pháp trở lại. Nhưng sau 1975 Thầy không do dự một chút nào khi khuyến khích đệ tử lập những chương trình giúp đỡ thuyền nhân.  Điều này có nghĩa là nhân lực và tài lực trong việc giảng dạy của trung tâm bị phân tán. Nhưng Thầy là hiện thân của lòng từ bi, cho nên Thầy làm bất cứ một điều gì mà Thầy xem là bổn phận của mình. (31)

 

Thầy và các đệ tử tổ chức các trung tâm định cư, gây quỹ mua nhà tạm trú cho tỵ nạn, xây niệm Phật đường để tạo trung tâm sinh hoạt văn hóa cho người Việt tỵ nạn trong các ngày lệ truyền thống. Một thuyền nhân nói là ông không bao giờ nghĩ là mình còn có thể giáo dục con cái theo truyền thông Phật giáo. Cách xa đất nước hàng vạn dặm, các thuyền nhân đã tìm thấy Chùa Phật Giáo Việt Nam như một quê nhà mới.

 

Vào tháng 9 năm 1980, Thầy Thiên Ân cảm thấy trong người không khoẻ, Bác sĩ khám phá Thầy bị bướu não. Sau khi được phẫu thuật và tạm hồi phục, Thầy lại lao đầu vào công việc. Trong buổi chiều ngày 21 tháng 11 năm 1980 thấy gọi sư cô Karuna vì Thầy thấy bệnh trạng trở nên nguy kịch. Thầy thị tịch vào buổi sáng ngày 23 tháng 11 năm 1980. Hàng ngàn Phật tử Việt nam ở Mỹ và Phật tử Mỹ đã mất vị Tổ Phật giáo Việt Nam đầu tiên ở Mỹ và Phật tử Mỹ mất một vị thầy có khả năng đáng kính mến. Có hàng trăm xe nối đuôi nhau tiễn Thầy từ giã cõi vô thường. Sư cô Karuna được cử làm trụ trì Trung Tâm Buddhist Meditation Centre và thầy Mãn Giác được cử làm Hội Chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ.

 

Tác phẩm How the Swans Came to the Lake, Rick Fields cho một tựa đề nhỏ ‘A Narrative History of Buddhism in America’. Một chuyện kể khách quan có tính cách lịch sử, nhưng trong số những người đóng góp trong lịch sử truyền thừa Phật giáo Mỹ, chưa ai nhận được một lời ngợi khen nào ‘chủ quan’ và ‘cảm động’ như lời của sư cô Karuna:

 

Trong tương lai nếu chúng ta nhìn lại lịch sử truyền thừa Phật giáo tại Mỹ, chúng ta thấy Phật giáo Việt nam- một Phật giáo(nhập thế- có ảnh hưởng sâu đậm trong trong lịch sử phát triển Phật giáo tại Mỹ. Một trăm năm sau, tôi nghĩ rằng các sử gia sẽ nói ‘Hãy nhìn đây, một quốc gia nhỏ bé đã mang đếncho chúng ta một vị Thầy gây ảnh hưởng sâu đậm trên Phật giáo Mỹ theo một cách mà chúng ta không bao giờ nghĩ là có thể xảy ra được’. (32)

 

Chỉ tiếc là vẫn còn một số vẫn muốn trồng Phật giáo như một thứ cây kiểng, vẫn hoằng pháp cho Phật tử Việt Nam hay Mỹ một loại vàng giả, thay vì cung cấp những bầu trời cao rộng- Big Sky Mind- như Suzuki và Thầy Thiên Ân đã từng làm.*           

 

Chú thích               

          

(1)    Rick Fields. How the Swans Come to the Lake. Shambala Publications, 1981, Colorado, USW, tr .90

(2)    Sđd, tr 97.

(3)    Sđd, tr 106.

(4)    Sđd, tr 107.

(5)    Rahula, Walpola. Zen & The Taming of the Bull. Towards the Definition of Buddhist Thought. Gorgon Fraser, London, 1978, tr 124

(6)    Rick Fields, sđd, tr 126

(7)    Sđd, tr127.

(8)    Sđd, như trên…

(9)    Jean-Francois Revel & Matthieu Ricard. The Monk and the Philosopher. (translated from the French by John Canti), Thorsons (HaperCollins Publishers), London, 1998, tr148.

(10) Edward Conze. Thirty Years of Buddhist Studies. Munshiram Manoharlal Publishers, New Delhi, 2000. tr 3. 

(11)Phillip Kapleau. Zen: Dawn in the West. Rider, London, 1980 tr 264.

(12) Sđd, tr 265

(13) Tricycal, Winter 1991, tr 7.

(14) Rich Field, Sđd, tr 255.

(15) Nhat Hanh & Daniel Berrigan. The Raft is not the Shore. Orbit Books, New York, 2001 (reprint)

(16) Conze, sách đã dẫn, tr 28.

(17) Wikipedia. đề mục Beat Generation, không có số trang.

(18) Wikipedia, bài đã dẫn.

(19) Jack Kerouac. Dharma Bums. Penguin Classics Deluxe Edition. Trong phần giới thiệu của Ann    Douglas, tr Xiii

(20) Tricycle Fall 1995, Carole Tonkinson, Buddhism & The Beat Generation, tr 59.

(21) Wes Nisker. The Big Bang, the Buddha and the Baby Boom. HarperSanFrancisco, New York, 2003. tr IX.

(22) Sđd, tr 22.

(23) Tricycle, Fall 1995, Rick Fields trích lại từ Dharma Bums, tr 82.

(24) Wes Nisker, sách đã dẫn.

(25) Sđd, tr 40-41

(26) Sđd, tr 48

(27) Tricycle, Số Mùa Thu 1995, tr 70-71

(28) Nisker, sđd, tr 44.

(29) Rick Fields, sđd, tr 256.

(30) Sđd, tr 353.

(31) Sđd, tr 355

(32) Sđd , tr 357

* Để chia xẻ vinh dự mà Phật tử Mỹ đã ca ngợi Thầy Thiên Ân, xin độc giả cho phép tôi được tự khai: tôi thọ tam quy ngũ giới với Thầy Thiên Ân vào Tết năm 1964 tại chùa Linh Sơn Đà Lạt. Thầy chở tôi và một vài thầy nữa trên chiếc xe Peugeot cũ kỹ lên Đà Lat ăn tết và cho tôi làm lễ quy y vào sáng ngày Mồng Một Tết năm Giáp Thìn, với sự chứng kiến của anh Huỳnh Bá Huệ Dương, lúc đó là đoàn trưởng đoàn sinh viên Phật tử Sài Gòn. Thầy ban cho tôi pháp danh là Quảng Trí.   

Các tin đã đăng: