Kỷ niệm 1,000 năm Thăng Long mà không ghi nhớ và làm sáng tỏ đầy đủ công ơn của Thiền sư Vạn Hạnh, người đã đào luyện cậu bé Lý Công Uẩn thành minh quân Lý Thái Tổ, người đã chuyển đổi thời đại để mở một sinh lộ chiến lược cho nước ta vào đầu thiên niên thứ nhất, là một thiếu sót văn hóa và lịch sử lớn. Chúng tôi đăng lại bài viết dưới đây của một người bạn hiền nay đã giải nghiệp, anh Lý Khôi Việt, để nhấn mạnh điểm nầy. – GĐOL
Sau đêm dài man rợ, rùng rợn của thời đại Bắc Thuộc, sau thời kỳ loạn lạc suy tàn của ba chế độ pháp trị và bạo trị ngắn ngủi Ngô, Đinh, Lê, tất cả đều phải được làm lại, tất cả đều phải được bắt đầu lại, đó là sứ mạng của thời đại. Trước họa nội chiến, trước nạn ngoại xâm, trước chế độ độc tài, tàn bạo, dân tộc cần được cứu nguy, đất nước cần được quang phục, con người cần được giải phóng. Đó là tiếng kêu, đó là nhật lịnh của lịch sử. Dưới sự cai trị bạo ác của chế độ Lê Long Đỉnh dân tộc ta bị kéo lê lết, lầm lũi đi xuống vực thẳm, họa nội chiến chực xô đẩy dân tộc xuống đồng lầy, nạn ngoại xâm chực đạp đầu dân tộc xuống bùn đen.
Thế rồi, trong cơn nguy biến ấy, trong giờ phút hấp hối ấy, bỗng nhiên, Thiền Sư Vạn Hạnh xuất hiện, thần tốc vung tay, siêu việt chuyển hóa, dũng mãnh hành hoạt đem
“Trụ tích trấn Vương kỳ”
(Dùng gậy nhà Phật để trấn giữ Kinh kỳ của nhà Vua)
Bằng cái thiền trượng mầu nhiệm ấy, Thiền Sư Vạn Hạnh đã tung mình bay đến đứng trên bực thẳm, hùng tráng nhảy vọt qua hố thẳm, bay bổng qua cánh đầm lầy và Thiền Sư đã mang cả dân tộc vượt thắng, vượt qua, vượt lên hố thẳm diệt vong và đầm lầy suy vi. Không những mang cả dân tộc cùng đi, Thiền Sư Vạn Hạnh còn cõng cả thời đại trên lưng để bay đi kỳ vĩ - từ vực sâu bạo trị, vô trị của các nhà Ngô, Đinh, Lê đến đỉnh cao Văn Trị và Đức Trị của thời đại Lý, Trần, thời đại hưng thịnh nhất, tuyệt vời nhất và vinh quang nhất của dân tộc.
THIỀN SƯ VẠN HẠNH LÀ AI ?
Thiền Sư là một con rồng lớn, bóng dáng hùng vĩ của Thiền Sư ngã dài che mát cả giòng lịch sử, nhưng hình tướng của Thiền Sư thì ẩn, khi hiện, sử sách chỉ để lại vài ba dấu vết đơn sơ, đơn sơ như một bức tranh thủy mạc, đơn sơ như tâm hồn Việt Nam.
Con người lịch sử của Thiền Sư Vạn Hạnh quá vĩ đại, lại bàng bạc như hư không nên các sử gia không thể nào thấy trọn, thấy hết, không những thế, nhiều sử gia đã không hề thấy. Các sử gia ghi rằng:
“Cuối triều Lê, khi Ngọa Triều chết, Vạn Hạnh cùng với triều thần, đứng đầu là Đào Cam Mộc, mưu lập Lý Công Uẩn lên ngôi”.
“Khi Lý Công Uẩn còn bé, sáng suốt tinh khôn, phong tư tuấn tú khác thường, Vạn Hạnh thấy biết ông sẽ làm nên nghiệp lớn và nói rằng: “Người nầy không phải là người thường, lớn lên tất làm vua giỏi một nước”.”
“Vạn Hạnh, thiền sư ở chùa Lục Tổ, thuở nhỏ ông đã khác thường, thông hiểu ba môn học, nhưng coi công danh phú quý lạt lẽo, năm 21 tuổi xuất gia với Thầy Đinh Huệ, theo học thiền ở Chùa Lục Tổ, ngoài giờ phục vụ, học hỏi quên mệt mỏi. Sau khi tu hành đắc đạo, nói câu nào ắt thành lời sấm”.
Đời sau, nói đến Thiền Sư, người ta thường nhớ tới bài thơ tán dương của Vua Lý Nhân Tôn, người lãnh đạo quốc gia, đại diện cho Đời, đối với Thiền Sư Vạn Hạnh, người đại diện cho Đạo:
Vạn Hạnh dung tam tế,
Chân phù cổ sấm thi,
Hương quan danh Cổ Pháp,
Trụ Tích trấn vương kỳ
(Thiền sư Vạn Hạnh hợp nhất ba cõi quá khứ, hiện tại, tương lai;
Đúng như lời thơ tiên tri thời cổ xưa;
Quê hương danh tiếng của thiền sư là làng Cổ Pháp;
Thiền sư đã đem gậy nhà Phật để bảo vệ lãnh thổ Quốc Gia).
Trước khi có cuộc cách mạng năm 1009, Thiền Sư Vạn Hạnh đã đóng một vai trò quan trọng trong triều đình như là cố vấn của nhà vua. Khi quân Tống sang xâm lăng nước ta năm 980, Vua Lê Đại Hành hỏi Thiền Sư nếu đánh thì thắng hay bại, thiền sư trả lời là nội trong ba, bảy ngày thì giặc phải thua chạy. Rồi năm 982, khi quân Chiêm Thành bắt hai sứ giả của ta, Thiền Sư đã khuyên Vua cấp tốc xuất quân Nam chinh thì sẽ đại thắng. Quả nhiên, đối với hai vấn đề trọng đại sinh tử nầy là đương đầu với đế quốc phương Bắc và đánh dẹp phương Nam vào thời ấy đều đúng như lời Thiền Sư tiên đoán.
Hai việc chính sự kể trên mà Thiền Sư Vạn Hạnh đã tham dự đều xảy ra dưới thời Vua Lê Đại Hành, là một vị minh quân. Đến thời Lê Long Đỉnh, sử sách không nói gì đến vai trò của Thiền Sư, có lẽ Thiền Sư đã đứng ra cố vấn cho minh quân Lê Đại Hành, nhưng đến thời hôn quân bạo chúa Lê Long Đỉnh, lên ngôi làm những việc bạo ác và dã man, xúc phạm nặng nề đến Phật Giáo như dùng dao róc mía trên đầu các sư, nên Thiền Sư đã rút về ẩn trong bóng tối để âm thầm chuẩn bị một cuộc đại hành hoạt đưa dân tộc đến kỷ nguyên ánh sáng. Chính Thiền Sư Vạn Hạnh là linh hồn của cuộc cách mạng bất bạo động vào năm 1009, Thiền Sư đã âm thầm, kiên trì chuẩn bị và vận động cuộc cách mạng nầy từ lâu.
Từ thuở Lý Công Uẩn còn là một chú bé tóc để chỏm đi làm chú tiểu ở Chùa Cổ Pháp, gặp chú tiểu nầy, Thiền Sư bằng tuệ giác đã biết sau nầy chú bé sẽ trở thành một minh quân, một bậc vĩ nhân của dân tộc. Sử chép rằng Lý Công Uẩn là con nuôi của Thiền Sư Lý Khánh Vân, trụ trì Chùa Cổ Pháp và là đệ tử của Thiền Sư Vạn Hạnh từ thuở còn thơ. Bằng sử liệu đơn sơ nầy, ta có thể quả quyết rằng Lý Công Uẩn từ thuở bé đã lọt vào mắt xanh của Thiền Sư Vạn Hạnh và đã được Thiền Sư giáo dục, un đúc, hướng dẫn để trở thành một con người lịch sử, làm tròn sứ mệnh mà dân tộc và đạo pháp đã giao phó. Khi làm như thế, Thiền Sư Vạn Hạnh không phải làm vì Phật Giáo, vì thời đó, qua ba chế độ độc lập Ngô, Đinh, Lê thì Phật Giáo đã là quốc giáo ở Việt Nam, rõ ràng Thiền Sư đã làm là vì dân tộc, vì muốn chuyển hóa xã hội bạo trị thành một xã hội đức trị, biến một Quốc Gia Việt Nam mong manh, suy vi thành một Quốc Gia Việt Nam hùng cường, hưng thịnh.
Thiền Sư đã ra tay hành động, vừa để tránh cho dân tộc khỏi rơi vào vực thẳm, khỏi trầm luân trong đầm lầy và vừa để xây dựng trên đống tro tàn, gạch vụn đổ nát của thời Bắc Thuộc và thời chiến tranh, loạn lạc, độc tài, bạo trị, một lâu đài Việt Nam nguy nga, tráng lệ, một sự nghiệp Việt Nam trường tồn bất tử ngàn năm. Tuy đã âm thầm chuẩn bị và vận động cuộc cách mạng 1009 từ lâu và chuẩn bị trên mọi mặt, từ sự giáo dục bản thân Lý Công Uẩn, biến cậu bé khôi ngô tuấn tú, thông minh khác thường nầy thành một người tài đức vẹn toàn, đồng thời thấm nhuần chánh pháp để có thể trở thành một Quân Vương Bồ Tát, để trị quốc an dân theo chánh pháp, đến sự khai thị nhân tâm, chuẩn bị dư luận quần chúng, tuyên truyền vận động chính trị bằng sấm truyền về vai trò lịch sử tất yếu của Lý Công Uẩn, qua việc thăm dò, móc nối và tổ chức nhân sự để thực hiện cuộc đảo chánh và sau đó là để tiến hành cuộc cách mạng.
Trong thời kỳ tiền cách mạng, chính Thiền Sư đã làm tất cả thể theo một kế hoạch dài hạn, với một kỷ thuật siêu việt, nhưng đến khi cách mạng xảy ra thì Thiền Sư không làm gì cả. Người ta không thấy Thiền Sư cầm quyền lãnh đạo. Thiền Sư chỉ ngồi yên, mỉm cười bên chén trà hay lặng lẽ cuốc đất hay đã biến mất vào hư không. Sử ghi lại rằng ngày cuộc cách mạng xảy ra thành công tốt đẹp và Lý Công Uẩn được suy tôn lên làm Hoàng Đế thì Thiền Sư Vạn Hạnh đang ngồi uống trà ở Chùa Lục Tổ. Thiền Sư đã biết trước việc nầy và nói cho mọi người trong chùa nghe. Họ vội vàng chạy về kinh đô để nghe tin, thì quả đúng như lời Thiền Sư nói.
Sử sách và thế gian chỉ ghi rằng Lý Công Uẩn lên làm vua, Đào Cam Mộc dẹp yên các phe phái trong triều đình và quần chúng ủng hộ cuộc cách mạng. Còn Thiền Sư Vạn Hạnh, người như hạc vàng, đã bay vào vô tận, không để lại dấu vết, hình tướng, chỉ để lại hương thơm muôn thuở trong lòng người và lòng dân tộc. Không những đối với cuộc cách mạng năm 1009, và đối vớt tất cả sự nghiệp vĩ đại khác mà Thiền Sư Vạn Hạnh đã làm như dời kinh đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, kiến thiết kinh thành Thăng Long..., Thiền Sư đều làm với tinh thần vô kỷ, vô công, vô danh và vô hành. Giúp dân dựng nước hay hoằng pháp độ sanh, Thiền Sư đều làm một cách bình dị, tự nhiên như uống trà, cuốc đất, thở ra, thở vào, nằm, ngồi, đi, đứng.
Qua thời đại nhà Lý từ bi, nhân bản và nhân chủ đức trị, qua thành Thăng Long, qua huyền thoại Rồng Tiên và huyền thoại Hồng Bàng, đâu đâu ta cũng thấy bóng dáng siêu thoát, kỳ vĩ của Thiền Sư Vạn Hạnh. Chính Thiền Sư Vạn Hạnh đã hoàn thành sự nghiệp Việt Nam một cách quy mô nhất, toàn diện nhất, ở mức độ cao đẹp nhất, bao trùm nhất. Sự nghiệp của Thiền Sư Vạn Hạnh không phải là sự nghiệp của Phật Giáo Việt Nam mà thôi, mà còn là và chính là sự nghiệp Việt Nam. Thiền Sư Vạn Hạnh qua những công nghiệp phi thường nầy, đã không làm cho riêng mình, đã làm rất ít cho Phật Giáo và đã làm tất cả cho dân tộc Việt Nam.
Điều kỳ diệu là sau khi hoàn thành sự nghiệp lớn lao vô song nầy và giữa thời đại thịnh của dân tộc Việt và Đạo Phật Việt, Thiền Sư Vạn Hạnh đã để lại cho đời bốn câu thơ siêu thoát và bay mất hút trong cõi vô cùng của lịch sử:
Thân như sấm chớp, có rồi không
Cây cối Xuân tươi, Thu héo hon
Nhìn cuộc thịnh suy đừng sợ hãi
Thịnh suy: ngọn cỏ, giọt sương hồng
Lý Khôi Việt
[Source : http://saigontimesusa.com/bai/tongiao/thiensuvanhanh.shtml ]
Phụ Lục
Chiếu Dời Đô
Bản chữ Hán:
昔商家至盤庚五遷。周室迨成王三徙。豈三代之數君徇于己私。妄自遷徙。以其圖大宅中。爲億万世子孫之計。上謹天命。下因民志。苟有便輒改。故國祚延長。風俗富阜。而丁黎二家。乃徇己私。忽天命。罔蹈商周之迹。常安厥邑于茲。致世代弗長。算數短促。百姓耗損。万物失宜。朕甚痛之。不得不徙。
况高王故都大羅城。宅天地區域之中。得龍蟠虎踞之勢。正南北東西之位。便江山向背之宜。其地廣而坦平。厥土高而爽塏。民居蔑昏墊之困。万物極繁阜之丰。遍覽越邦。斯爲勝地。誠四方輻輳之要会。爲万世帝王之上都。
朕欲因此地利以定厥居。卿等如何。
Bản phiên âm Hán-Việt:
Tích Thương gia chí Bàn Canh ngũ thiên, Chu thất đãi Thành Vương tam tỉ. Khởi Tam Đại chi sổ quân tuẫn vu kỷ tư, vọng tự thiên tỉ. Dĩ kỳ đồ đại trạch trung, vi ức vạn thế tử tôn chi kế; thượng cẩn thiên mệnh, hạ nhân dân chí, cẩu hữu tiện triếp cải. Cố quốc tộ diên trường, phong tục phú phụ. Nhi Đinh Lê nhị gia, nãi tuẫn kỷ tư, hốt thiên mệnh, võng đạo Thương Chu chi tích, thường an quyết ấp vu tư, trí thế đại phất trường, toán số đoản xúc, bách tính hao tổn, vạn vật thất nghi. Trẫm thậm thống chi, bất đắc bất tỉ.
Huống Cao Vương cố đô Đại La thành, trạch thiên địa khu vực chi trung; đắc long bàn hổ cứ chi thế. Chính Nam Bắc Đông Tây chi vị; tiện giang sơn hướng bối chi nghi. Kỳ địa quảng nhi thản bình, quyết thổ cao nhi sảng khải. Dân cư miệt hôn điếm chi khốn; vạn vật cực phồn phụ chi phong. Biến lãm Việt bang, tư vi thắng địa. Thành tứ phương bức thấu chi yếu hội; vi vạn thế đế vương chi thượng đô.
Trẫm dục nhân thử địa lợi dĩ định quyết cư, khanh đẳng như hà?
Bản dịch tiếng Việt:
Xưa nhà Thương đến đời Bàn Canh năm lần dời đô, nhà Chu đến đời Thành Vương ba lần dời đô[, há phải các vua thời Tam Đại[ ấy theo ý riêng tự tiện dời đô. Làm như thế cốt để mưu nghiệp lớn, chọn ở chỗ giữa, làm kế cho con cháu muôn vạn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện thì dời đổi, cho nên vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh. Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng, coi thường mệnh trời, không noi theo việc cũ Thương Chu, cứ chịu yên đóng đô nơi đây, đến nỗi thế đại không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ tổn hao, muôn vật không hợp. Trẫm rất đau đớn, không thể không dời.
Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng chầu hổ phục, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời.
Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà định nơi ở, các khanh nghĩ thế nào?
(Bản dịch của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, in trong Đại Việt sử ký toàn thư, Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993. - Source: Wikipedia)