Nghiên
cứu thời loạn thập nhị sứ quân, chúng tôi để ý một vị sứ quân chiếm cứ
vùng Siêu Loại, có trung tâm Phật giáo Thuận Thành- Luy Lâu; đó là sứ
quân Lý Lãng Công, tức là Lý Khuê, một vị hùng trưởng của miền đất
nằm hai bờ sông Đuống. Lý Khuê hay Lý Lãng Công là sứ quân chiếm cứ
miền đất Thổ Lỗi, sau gọi là Siêu Loại. Năm 967 ông bị tướng Lưu Cơ của
Đinh Bộ Lĩnh ở Hoa Lư đánh bại.
Theo thần tích ở xã Bình Sơn (Thuận Thành, Bắc Ninh) thì Lý Khuê
đánh nhau với quân Đinh Bộ Lĩnh bị thua và tử trận ở làng Dương Xá.
Theo thần tích đền thờ Lưu Cơ, còn ở làng Đại Từ, xã Đại Đồng, tỉnh
Hưng Yên (đất Siêu Loại cũ) thì Đại Từ là nơi tướng Lưu Cơ của Đinh Bộ
Lĩnh đóng quân và đánh dẹp sứ quân Lý Khuê. Thôn Dương Đanh của làng
Dương Xá thờ Lý Lãng Công là thành hoàng của làng. Mộ của vị sứ quân
này ở đâu? Con cháu của Lý Khuê còn không? Sứ quân Lý Khuê không có mối
quan hệ với Phật tử nói chung và Lục Tổ Thiền Ông và thiền sư Vạn Hạnh
nói riêng của chùa Lục Tổ hay sao?
Dòng họ Lý được Phật giáo ủng hộ
Miền Siêu Loại, Cổ Pháp xưa là các hương Thổ Lỗi, Diên Uẩn ở hai bờ
sông Đuống, có trung tâm Phật giáo Luy Lâu, trung tâm đào tạo tăng tài
Tiêu Sơn, đã phát triển hằng trăm năm với nhiều ngôi chùa cổ, với các
vị sư tầm cỡ như Định Không, Thông Thiện, Đinh La Quí An, Thiền Ông,
Vạn Hạnh… Sứ quân Lý Khuê đặt bản doanh ở Siêu Loại, đủ biết vị sứ quân
này được lực lượng tín đồ tam giáo, đứng đầu là Phật giáo ủng hộ...
Qua Thiền uyển tập anh ngữ lục, được biết Thiền sư ĐỊNH KHÔNG (730-808)
thời thuộc Đường, người họ Nguyễn (thực ra là họ Lý), thuộc hương Diên
Uẩn, giỏi thuật số, có khát vọng về hương Diên Uẩn của ngài được củng
cố và phát triển, họ Lý của ngài sẽ làm vua, nước Việt độc lập và Phật
pháp được chấn hưng. Khi sư dựng chùa Quỳnh Lâm ở quê nhà khoảng
(785-805), đào được pháp khí cổ, sư giải đoán họ Lý về sau có người làm
vua, có ý đổi tên hương Diên Uẩn thành hương Cổ Pháp.
Tâm nguyện của thiền sư được ký gửi qua bài kệ:
Pháp lại xuất hiện
Thập khẩu đồng chung
Lý thị hưng vương
Tam phẩm thành công.
Dịch:
Pháp khí hiện ra
Khánh đồng mười tấm
Họ Lý làm vua
Công đầu Tam phẩm
Trong bài kệ dự đoán, câu cuối “Tam phẩm thành công” được dịch “Công
đầu tam phẩm” phải chăng chưa ổn? Họ Lý hưng thịnh, quan đến tam phẩm
mới lập công thì có gì đáng kể mà phải viết thành kệ rồi “truyền thừa”
cả trăm năm! Ở đây có thể hiểu “Tam phẩm” là “ba đời họ Lý uy vọng” mời
thành công nghiệp đế vương.
Sư Định Không đã dặn dò đệ tử là
thiền sư Thông Thiện: “Ta muốn mở mang hương ấp, nhưng sợ ngày sau gặp
nạn, tất có dị nhân đến phá hoại mạch đất của hương ta. Sau khi ta qua
đời, ngươi khéo giữ đạo pháp của ta để sau gặp người họ Đinh thì truyền
lại. Thế là ý nguyện của ta được toại thành”.
Quả “dị nhân đến phá hoại mạch đất” là
Cao Biền. Đệ tử Thông Thiện đã truyền “pháp ý” của sư Định Không cho đệ
tử của mình là Trưởng lão Đinh La Quí An (852-936). Thiền sư họ Đinh
này đã phá thuật yểm đất của Cao Biền ở hương Diên Uẩn (Cổ Pháp), căn
dặn đệ tử là thiền sư Thiền Ông (902-979) (họ Lữ, người hương Cổ Pháp)
về những pháp thuật “tài bồi thiên đức” cho vọng tộc Lý của hương Cổ
Pháp...
Và tất nhiên Thiền Ông đã truyền “tâm nguyện” của các
tổ Định Không, Thông Thiện, Đinh La Quý An cho thiền sư Vạn Hạnh
(939(?)-1025) và Vạn Hạnh đã hoàn thành rất xuất sắc “sứ mạng” mà các
tổ giao phó.
Đưa người họ Lý lên làm vua là “chiến lược trăm năm”
được vạch từ thời thiền sư Định Không. Sứ quân Lý Khuê chiếm cứ vùng
Siêu Loại, sát hương Cổ Pháp, để trở thành sứ quân Lý Lãng Công
(966-967) là một mắt xích trong “chiến lược trăm năm”, được thầy trò
Thiền Ông- Vạn Hạnh đang ở chùa Tiêu Sơn điều hợp…
Khát vọng minh quân
Chùa Thiên Tâm trên núi Tiêu Sơn, vào đầu thế kỷ X, theo Thiền uyển tập
anh, là nơi tập trung các vị sư, có khát vọng về một vị minh quân ra
đời, nhằm chấn hưng xã hội nói riêng và Phật Giáo nói chung và tất
nhiên có niềm khát vọng độc lập cho nước Việt.
Trưởng lão
Đinh La Quý An của chùa Thiên Tâm, biết phong thủy, giỏi Thái ất đã vận
động những người hằng tâm hằng sản, lấp sông, hồ nhằm triệt phá những
huyệt yểm của Cao Biền, bổ cứu long mạch đế vương của hương Cổ Pháp
(Diên Uẩn), thậm chí đã dự đoán họ Lý hương Cổ Pháp sẽ làm vua. Thật
vậy nhà nghiên cứu Nguyễn Minh Khôi từng trích Thiền uyển tập anh: “"…
Trước khi viên tịch, Trưởng lão Đinh La Quý An gọi đệ tử là Thiền Ông
đến dặn rằng, trước đây Cao Biền đắp thành Đại La ở sông Tô Lịch, biết
đất Cổ Pháp ta có khí tượng vương giả bèn đào sông Điền Giang, đầm Phù
Chẩn để cắt yểm long mạch, tất cả 19 nơi. Nay ta đã khuyên Khúc Lãm đắp
lại như cũ. Ta lại trồng một cây gạo ở cách chùa Minh Châu hơn 1 dặm,
đúng chỗ bị cắt long mạch, đời sau nơi này ắt có bậc đế vương xuất hiện
để vun trồng Chánh pháp…Năm Bính Thân, niên hiệu Thanh Thái thứ 3 thời
thuộc Đường (936), khi trồng cây gạo ở chùa Minh Châu, Trưởng lão Đinh
La Quý An có đọc bài kệ:
Đại Sơn long đầu khởi
Cù Vĩ ẩn Minh Châu
Thập bát tử định thành
Miên thụ hiện long hình
Thỏ kê thử nguyệt nội
Định kiến nhật xuất thanh"
(Nguyễn Minh Khôi, Đi tìm gốc tích vua Lý Thái Tổ, Giác Ngộ)
Nguyễn Minh Khôi viết: "Tương truyền, cố GS sử học Trần Quốc Vượng sinh
thời từng dịch bài kệ như sau: "Đầu rồng hiện ở núi lớn/ đuôi rồng
giấu sự thịnh vượng/Họ Lý nhất định thành/khi cây gạo hiện hình
rồng/chỉ trong mấy tháng thỏ, gà, chuột/chắc chắn sẽ thấy mặt trời
(vua) anh minh".
Ông Nguyễn Đình Phúc, Bí thư Đảng ủy xã Tân
Hồng kể: Năm 1992, GS Trần Quốc Vượng điền dã về khảo sát những di tích
ở làng Dương Lôi. Khi tận mắt chứng kiến nền chùa Minh Châu và tìm
hiểu địa danh trong vùng, biết có ngọn núi Đại Sơn ở cách chùa Minh
Châu 1km, GS đã thốt lên: "Tôi đã nhầm khi dịch bài kệ của Trưởng lão
họ Đinh!". Sau đó, GS đã chỉnh lại bản dịch 2 câu đầu là: "Đầu rồng hiện
ở Đại Sơn/đuôi rồng giấu ở chùa Minh Châu".
Chúng tôi tiếp
cận bài kệ của Truởng lão họ Đinh, hoàn toàn nhất trí với cách diễn
giải của cố giáo sư Trần Quốc Vượng với hai câu đầu của bài kệ. Trên
bình diện phong thủy, long mạch ở Cổ Pháp với đầu rồng là Đại Sơn, và
đuôi rồng (rồng non, tức cù) ở chùa Minh Châu (Dương Lôi). Và đuôi rồng
đã ứng phát cho Lý Công Uẩn, tức họ Lý đã trở thành đế vương với Lý
Thái Tổ. Thế thì đầu rồng "Đại Sơn" ứng phát vị họ Lý nào ở hương Diên
Uẩn?
Phải chăng tác giả Thiền uyển tập anh ngữ lục, bắt đầu
được biên tập vào khoảng trước năm 1134 cho đến đầu thế kỷ thứ mười ba,
dựa vào thư tịch ở chùa Thiên Tâm, hoặc truyền ngôn ở vùng Tiêu Sơn,
muốn gửi gắm cho hậu thế một chìa khóa để giải mã bí ẩn tông tích của
Lý Công Uẩn? Rõ ràng con cù (rồng non), đang ẩn ở sau chùa Minh Châu
(chùa Cha Lư) là ứng phát cho Lý Công Uẩn, còn thân rồng đang thời
"tiềm long" ở Đình Bảng-Dương Lôi ứng phát cho Hiển Khánh Vương, Vũ Đạo
Vương, Lý Vạn Hạnh, Lý Khánh Vân….
Còn đầu rồng phải ứng phát
một người họ Lý hương Cổ Pháp, đã khởi nghiệp ở Đại Sơn, thuộc Dương
Lôi mà thôi. Ngọn núi Đại Sơn này có sông Đuống vờn mặt trước, nhìn về
Dương Xá, Đại Từ…của vùng Thuận Thành-Luy Lâu, nơi hoạt động của sứ quân
Lý Khuê, tức Lý Lãng Công vào những năm Bính Dần (966), Đinh Mão
(967).
Hiện nay tại thôn Dương Đanh, xã Dương Xá còn thờ Lý
Lãng Công. Trong khoảng từ 936 đến 974 không có vị nào thuộc họ Lý của
hương Diên Uẩn, ngoài Lý Khuê, đã khởi nghĩa! Vậy Lý Lãng Công là ứng
với đầu rồng đã khởi, nhưng thất bại, và các con cháu của ngài phải ẩn
tu hoặc mai danh ẩn tích, đổi họ Lý thành họ Nguyễn vào thời Đinh
(968-991), thời Tiền Lê (991-1009).
Cuộc vận động trăm năm
Chùa Cha Lư (Minh Châu), nơi thờ Phật và bà Phạm Thị Ngà. Sau chùa là
nơi chào đời của Lý Công Uẩn. Có khả năng trước đó chùa Cha Lư là nơi
thờ những vị quan họ Lư của triều Đường, thường dâng sớ can ngăn vua
Đường phát binh dẹp những cuộc nổi dậy của dân Giao Châu.
Thế
thì Lý Khuê phải là người con kiệt hiệt của dòng họ Lý của hương Cổ Pháp
vậy. Cuộc nổi dậy của sứ quân Lý Khuê ở Siêu Loại, bờ nam sông Đuống
không thể không có sự ủng hộ công khai hoặc bí mật của Lục Tổ Thiền
Ông, thiền sư Vạn Hạnh cùng Phật tử của chùa Tiêu (...)
Và khi
Lý Khuê bị thất bại, nhóm Thiền Ông-Vạn Hạnh phải “cưu mang” đám con
cháu của Lý Khuê, tạo điều kiện cho cha, bác, chú của Lý Công Uẩn mai
danh ẩn tích (tiềm long) để tránh sự bố ráp gắt gao của triều Đinh và
Tiền Lê.
Vì tin vào câu “Cù vĩ ẩn Minh Châu” nên Vạn Hạnh đã
tiến hành việc cưới bà Phạm Thị Ngà cho một người con trai của Lý Lãng
công (tức Hiển Khánh vương). Vì tạo cho Lý Công Uẩn là con thần cháu
thánh, tránh sự truy bắt của triều Đinh, Tiền Lê nên Thiền Ông ẩn tích,
Vạn Hạnh đã giấu tông tích của Lý Khuê và mối quan hệ cháu ông giữa Lý
Công Uẩn với sứ quân họ Lý vậy. Sau khi sứ quân Lý Khuê bị Đinh Bộ
Lĩnh đánh bại, dòng họ Lý của sứ quân Lý Khuê một số bị giết, nhưng số
còn lại phải đi ẩn, ví dụ vào rừng sinh sống, vào tu ở các chùa trong
núi sâu nhằm mai danh ẩn tích. Lý Vạn Hạnh mặc dầu họ Lý nhưng cũng có
thời kỳ phải mang họ Nguyễn.
Đại Nam nhất thống chí từng
chép: “Đời Lý: Nguyễn Vạn Hạnh: người huyện Đông Ngàn, lúc bé thông
minh khác thường, rộng thông ba học phái; xuất gia thâm thuý về thiền
học, nói ra phần nhiều là lời sấm. Lê Đại Hành thường triệu đến hỏi
công việc. Lí Thái Tổ phong làm quốc sư". (tập4,tr146). Ngay vua Lê Đại
Hành cũng rất gờm con cháu họ Lý, có khi suýt bắt được Lý Công Uẩn để
trừ hậu hoạ. Hơn ai hết, Lê Đại Hành thừa biết họ Lý đang được lòng
dân, đa phần là phật tử.
ĐNNTC chép: “Đền thần phụ quốc: ở xã
Tam Tảo huyện Yên Phong. Xưa Lê Đại Hành đắp thành Hoa Lư, Lý Công Uẩn
làm phu đắp, đến đêm Lê Đại Hành mộng thấy thần cho biết là có bậc quý
nhân đương làm việc đắp thành ở đây. Thức dậy sai người đi tìm, thì
Công Uẩn đã đi rồi. Khi Công Uẩn đi đến xã Tam Tảo, thấy hai vợ chồng
già đang cày ruộng, bèn đem duyên do chuyện mình nói cho biết. Ông già
liền bảo Công Uẩn lấy bùn trát khắp mình và cùng cày ruộng; sau đó ông
già mang Công Uẩn về nhà, đào đất làm hầm cho ở và chứa nước ở trên
hầm, Lê Đại Hành xem bói, thấy quẻ bói nói: “Nước ở trên người”. Vì
thế, Lê Đại Hành tưởng là Công Uẩn đã chết ở sông rồi. Đến khi Lý Công
Uẩn được nhà Lê truyền ngôi, bèn phong ông già làm Phụ quốc đại vương
và phong vợ ông làm vương phi, làm nhà cho ở phường Phượng Vũ. Sau khi
ông già chết, người địa phương lập đền thờ ngay ở chỗ ông già ở”
(tr108).
Sự kiện này phản ánh một thực tại; rằng các vua Đinh,
Lê vẫn gờm họ Lý vùng Cổ Pháp-Siêu Loại và bản thân Lý Công Uẩn cũng
biết vai trò, vị thế của mình trong xu thế mới. Sử liệu này cho thấy sự
đùm bọc của nhân dân đối với Lý Công Uẩn, người đại diện cho niềm khát
vọng của họ. Đinh Tiên Hoàng tiếp tục cử tướng Lưu Cơ giữ thành Đại
La, sau khi dẹp loạn thập nhị sứ quân, là để khống chế các tộc họ có uy
vọng ở miền Kinh Bắc, trong đó có họ Lý của Lý Khuê. Sự kiện “sét đánh
cây gạo” không là biến cố ngẫu nhiên.
Từ năm 936 cây gạo đã
được Trưởng lão Đinh La Quý An trồng ở làng Dương Lôi. Nếu sét đánh cây
gạo khoảng năm 1009 hay 1010 trước khi Lý Công Uẩn lên ngôi khoảng
trên dưới một năm thì không hợp lý. Thật vậy, cuộc vận động để đưa dòng
dõi họ Lý lên ngôi phải được tiến hành cả trăm năm, nhưng từ năm 936
cây gạo được trồng, cho đến năm 1009 mới có vụ cây gạo ở Dương Lôi bị
sét đánh và xuất hiện bài sấm ký thì không có chuyện Lý Công Uẩn bị Lê
Đại Hành cho người tìm Lý Công Uẩn nói riêng và họ Lý nói chung để trừ
hại. Có khả năng dư luận về bài sấm ký có thể xuất hiện sớm hơn nhiều
so với năm Lý Công Uẩn lên ngôi.
Theo Trần Việt Điền - Bee.net