Vùng đất ấy nằm trong Công viên Quốc gia Hải đảo Seto tại miền Trung
Nhật Bản, có diện tích 148 ha, xunh quanh bao bọc bởi 8 ngọn núi, tượng
trưng cho hoa sen 8 cánh. Theo huyền thoại thì vùng đất này đã có thời
được gọi là Thung lũng Mãng xà vương (Vua rắn - Mamushi-dani).
Hòa thượng Shinku Miyagawa, - một giáo phẩm lãnh đạo cao cấp của Niệm
Phật Tông, - kể rằng, trong một đêm nằm mộng, vào lúc tia sáng bình
minh đầu tiên ló rạng, Hòa thượng Tiến sỹ Enshinjoh đã mơ thấy những
con rắn bò ngổn ngang trên khắp mặt đất. Mãng xà vương đang nằm cuộn
tròn lại, đột nhiên ngóc đầu dậy, uốn cong như cây cung, nói với ngài:
“Kính bạch ngài, trong một thời gian dài, chúng con đã chờ đợi để có
ngày hôm nay. Chúng con rất hoan hỷ dâng cúng vùng đất này cho ngài,
vùng đất mà chúng con đã bảo vệ bằng sinh mệnh của chúng con. Xin ngài
hoan hỷ sử dụng vùng đất này. Chúng con nguyện muôn kiếp hộ trì vùng đất
này”. Sau đó, những con rắn dần dần biến mất. Ngài một mình đơn độc
giữa cảnh muôn hoa cây cỏ xanh tươi và ánh sáng rực rỡ.
Chính Điện Vương Đường Phật Giáo
Hòa thượng Miyagawa cho biết: “Biểu tượng bảo vệ chính pháp trong đạo
Phật là mãng xà vương. Ở Nhật Bản, mãng xà vương chính là biểu tượng
của sự bảo vệ chính pháp”. Khi giấc mộng ấy tái xuất hiện, Hòa thượng
Tiến sỹ Enshijoh tin chắc rằng, đó là vùng đất duy nhất, xứng đáng để
kiến tạo một trung tâm quy hướng tâm linh cho đạo Phật trên thế giới.
Vương Đường Phật Giáo tại huyện Binh Khố, Nhật Bản, là một trung tâm
Phật giáo lớn nhất thế giới. Trung tâm này được đánh giá là có các hạng
mục công trình kiến trúc phá kỷ lục thế giới. Cặp đèn đá trước chính
điện cao 12 mét là cặp đèn đá lớn lớn nhất thế giới và nó đã được ghi
vào Sách Kỷ lục Thế giới. Hai bên hông trên đỉnh góc của tầng mái trên
của chính điện trang trí đôi hổ phù (onigawara) lớn nhất Nhật Bản, có
bề ngang 8.8 mét, và chiều cao 9 mét.
Hổ phù (onigawara)
Vương Đường Phật Giáo là tự viện lớn nhất Nhật Bản, gồm hai tầng mái,
chiều cao từ nền lên đến đỉnh là 51.5 mét. Tam quan của Phật Giáo
Vương Đường, cao 11.4 mét, ngang 28.2 mét, tôn trí hai tôn tượng Tỳ Sa
Môn Thiên Vương (Vaisravana) và Tăng Trưởng Thiên Vương (Virudhaka),
vốn là hai trong số Tứ Thiên Vương trong Phật Giáo. Phần bên dưới của
tầng mái trên của Tam quan có 6 lớp kiến trúc hoa văn gỗ đan xen vào
nhau, và nó là mô hình kiến trúc đầu tiên của Nhật, còn phần bên dưới
của tầng mái dưới của Tam quan có 4 lớp kiến trúc hoa văn gỗ đan xen
vào nhau.
Tôn tượng Tỳ Sa Môn Thiên Vương (Vaisravana)
Đôi tượng hộ pháp an vị hai bên Tam quan như đang thúc giục mọi người
quay về hành thiện, lánh dữ. Hai tôn tượng này phủ sơn bóng loáng và
cũng là những tôn tượng to nhất trên thế giới. Tượng hộ pháp nằm bên
cánh phải của Tam quan miệng mỉm cười tượng trưng cho UN (thở vào );
tôn tượng hộ pháp nằm bên cánh trái của Tam quan môi mím lại tượng
trưng cho AH (thở ra). Dọc hai bên con đường dẫn vào Chính Điện, ẩn bên
trong những hoa viên tuyệt đẹp là Điện thờ Thái tử Thánh Đức (Prince
Shotoku Hall). Điện thờ này được nhiều người biết đến như là điện thờ
bát giác lớn nhất Nhật Bản. Bên cạnh Điện thờ Thái tử Thánh Đức là bảo
tháp 5 tầng, một công trình kiến trúc gỗ sơn phết hoàn hảo nổi bật theo
mầu sắc truyền thống tự viện của Nhật Bản.
Điện thờ Thái tử Thánh Đức (Prince Shotoku Hall)
Cầu Như Lai (Tathata Bridge) dài 141 mét bắc qua Hồ Nguyệt Quang
(Moonlight Pond) dẫn khách hành hương đi qua Tam quan chính để bước vào
Tịnh Độ nhân gian. Chính Điện trang nghiêm tọa lạc trên đỉnh đồi được
trang trí 10.450 hoa văn gỗ chạm khắc và 320.000 hoa văn chạm khắc nổi
có dát vàng. Tại trung tâm của nội điện là Điện Vàng (Golden Shrine),
chiều cao 19 mét, chiều ngang 19.98 mét. Trên đỉnh của Điện Vàng trang
trí đôi rồng vàng giữ nhiệm vụ canh gác. Hai bên Điện Vàng là những
công trình nghệ thuật điêu khắc chạm trổ công phu, tỉ mỉ và hoành
tráng, được thiết kế thành bốn tầng để tôn trí 108 tượng A-la-hán và
1008 tôn tượng Phật.
Điện Vàng (Golden Shrine) tại Chính Điện
Bên ngoài mặt tiền Chính Điện có hai
lầu chuông, mỗi lầu treo một Đại hồng chung. Kích thước của Đại hồng
chung chiều cao 5.5 mét, đường kính 3.3 mét, và trọng lượng nặng 48
tấn. Đây là Đại hồng chung to và nặng nhất trên thế giới hiện nay.
Trọng lượng của mỗi Đại hồng chung nặng đến đỗi mà người ta phải dùng
đến 12 trụ, mỗi trụ có đường kính 1.2 mét, và 7 xà ngang gỗ khổng lồ,
thuộc loại gỗ trên 1000 năm tuổi để chống và treo nó.
Hoa văn trang trí trên trần của Điện thờ Thái tử Thánh Đức
Bên ngoài Chính Điện, trong khuôn viên Vương Đường Phật Giáo, là
những hoa viên hữu tình, rộng bao la, bát ngát. Người ta khó có thể phủ
nhận đây là một trong những hoa viên Nhật Bản đẹp nhất trên thế giới.
Không một nơi nào trong các hoa viên ấy mà không điểm xuyết những loài
cây đặc biệt, quý hiếm, trong đó có những cây thông 800 tuổi.
|
Hòa thượng Tiến sỹ Kyuse Enshinjo
|
Ngoài các hoa viên thơ mộng ấy, còn có công viên 500 A-la-hán. Công
viên này tôn trí 500 vị A-la-hán bằng đá trong giống như người thật, và
mỗi vị đều biểu lộ mỗi nét đặc trưng khác nhau. Công viên này cũng là
công viên độc nhất vô nhị trên thế giới.
Giấc mộng của Hòa thượng Tiến Sỹ Enshinjoh đã trở thành hiện thực
cùng với sự thành tựu viên mãn Vương Đường Phật Giáo, một công trình có
tổng trị giá 60 tỷ Yên Nhật.
Hòa thượng Shinku Miyagawa nói: “ Vương Đường Phật Giáo là một tự
viện trang nghiêm hoành tráng chưa từng được kiến tạo trong lịch sử
Nhật Bản kể từ công trình tôn tạo ngôi tự viện chính của Phật giáo
Hoàng bích Tông tại cố đô Kyoto cách đây 350 năm”.
Gần đây, trên 300 đại biểu là các lãnh đạo Phật giáo, các nguyên thủ
quốc gia, các học giả, nhà nghiên cứu Phật học từ 32 quốc gia trên thế
giới cùng với 12.000 Phật tử của Nhật Bản Niệm Phật Tông vân tập về
Vương Đường Phật Giáo tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Thế giới
lần thứ V.
Xem thêm hình ảnh ngôi chùa này:
Thích Minh Trí dịch (CPL)