Tư
duy hướng nội của Phật giáo là một sản phẩm đặc thù của lịch sử tư duy
Ấn Độ từ thời Cổ - Trung đại, đồng thời là một trong những đặc trưng
nổi bật của tư duy phương Đông. Phật giáo ra đời khi Ấn Độ đã có một
nền tảng triết học và tôn giáo bề thế với lịch sử hơn 1500 năm trước CN
và đã chuyển sang giai đoạn tư duy thứ ba, nghĩa là vượt qua các giai
đoạn thần (huyền) thoại và thần quyền để đến giai đoạn nhân bản, tức
là đến giai đoạn bắt đầu giải thiêng, giải thần quyền và chuyển dần
sang lấy con người làm trung tâm.
Như vậy, ngay từ đầu, Phật giáo “nguyên thủy” không còn là hệ tư duy
“nguyên thủy” với tư cách sơ khởi của văn minh loài người. Thậm chí, có
thể nói, Phật giáo có tư duy triết học trước khi hoàn chỉnh tư duy tôn
giáo. Nhờ vậy, tư duy hướng nội của Phật giáo không còn ở trình độ
thấp, mà đã vượt qua giai đoạn cảm tính, bản năng đơn giản. Vậy, thực
chất tư duy hướng nội của Phật giáo là gì? Việt Nam là một trong những
nước du nhập Phật giáo từ rất sớm và do đó, cũng tiếp thu đặc trưng tư
duy này của Phật giáo. Vậy, ảnh hưởng của loại tư duy này trong tư duy
và lối sống của người Việt Nam trong lịch sử và hiện nay ra sao?
1. Tư duy hướng nội của Phật giáo
Trong kinh điển Phật giáo, đặc biệt là trong Phật học và Thiền học,
thuật ngữ “nội quán” (vipssana) là một khái niệm chuyên chỉ tư duy
hướng nội, có từ thời đức Phật. Người đã tiếp thu và phát triển phương
thức tư duy hướng nội này từ truyền thống Bà La Môn giáo - một tôn giáo
thần quyền của Ấn Độ. Ngày nay, phương thức tư duy hướng nội của Ấn Độ
vẫn tồn tại trong các khóa tu tập cũng như trong các sách chuyên luận
về thiền (Dhyana, Zen, Ch’an, Meditation) và Yoga, hay trong Kinh Yoga
(Yoga Sutra) nổi tiếng của Ấn Độ do Patanjali biên tập từ thế kỷ thứ II
sau CN. Nhiều tôn giáo phương Đông cũng thực hành phương thức này trong
tu luyện, như Bà La Môn giáo (Ấn Độ giáo), Mật giáo Tây tạng, Đạo Lão,
Phật giáo.(*)
Nội quán được thể hiện một cách có hệ
thống trong giáo lý Phật giáo. Có thể nói, toàn bộ giáo lý Phật giáo là
một “tập kỳ đại thành” có hệ thống về con người như một chỉnh thể hướng
nội/nội quán. Trước hết, Phật giáo quan niệm con người là con người -
khổ với những quy định tâm - sinh lý (dục vọng, ngu dốt) từ bên trong.
Để diệt được khổ phải hướng vào bên trong để diệt nguyên nhân của khổ
trong mỗi người. Tứ diệu đế quyết định hướng tư duy của toàn bộ giáo lý
Phật giáo là con người hướng nội. Trong đó, bản thể của vũ trụ gắn liền
với bản thể con người ở tầm phổ quát qua các phạm trù: duyên khởi, vô
thường và vô ngã.
Cả ba phạm trù này đều phản ánh nguồn gốc,
bản chất và quy luật không (tức duyên khởi, vô thường, vô ngã) của sự
vận động của con người. Không không có nghĩa là trống không, mà là
không có một thuộc tính hay sự vật riêng biệt, bất biến, vì chúng chỉ
tồn tại thật trong các quan hệ (duyên khởi) có tính tương đối, nhất
thời của các yếu tố tạo nên chúng. Do tồn tại của vũ trụ cũng như con
người là sự hình thành, biến đổi, thay thế các quan hệ, nên chúng không
có thuộc tính bất biến và do vậy, chúng là “vô thường”. Trên cơ sở đó,
Phật giáo khẳng định bản thể người là không, tức vô ngã; vì đó chỉ là
sự hợp tan trong quan hệ của các yếu tố (vật chất và tinh thần) trong
các điều kiện (ngẫu nhiên, cần và đủ), nên nguồn gốc khổ đau của con
người chính là do không hiểu quy luật phổ quát của vũ trụ, không hiểu
con người cùng các quan hệ của nó luôn vận động, biến đổi (vô thường),
mà cứ tưởng là có một ngã/ta đích thực tồn tại vĩnh viễn. Ý nghĩa tôn
giáo ở đây là, khi con người giác ngộ được bản chất vô thường của vũ
trụ, của tồn tại cũng như vô ngã của chính mình thì tức là đã giác ngộ
được nguồn gốc của khổ và từ đó, chủ động, tự giác thoát được khổ.
Tứ diệu đế của Phật giáo gồm bốn phần.
Khổ đế chỉ ra các loại khổ, đó là:
cái khổ tự nhiên do chính tồn tại có tính vô thường của con người quy
định, như sinh, lão, bệnh, tử; cái khổ do tâm - sinh lý, ý thức của con
người có tính xã hội quy định, như ái biệt ly, cầu bất đắc, oán tăng
hội; cái khổ do tính duyên khởi của các yếu tố (ngũ uẩn) hợp nên, gọi
là ngũ uẩn xí thịnh khổ. Theo Khổ đế, tất cả mọi người đều bình đẳng
với nhau về nỗi khổ. Phàm đã là người thì đều khổ, không có sự loại trừ
về đẳng cấp, xuất thân hay dân tộc. Đó là cái khổ bị quy định từ bên
trong và do vậy, khi con người ta càng hướng ra ngoài để khẳng định cái
ta/ngã thì càng khổ, càng hướng ra ngoài để tìm kiếm, thỏa mãn tham,
sân, si, thì càng chuốc thêm khổ. Cho nên, để diệt được khổ (vô vi, tự
tại, giải thoát), người ta phải trở vào bên trong chính mình (hướng
nội/ nội quán).
Tập đế phân tích căn nguyên của khổ
rằng, chính vì tư duy, ý thức phụ thuộc vào, chấp vào hình thức bên
ngoài, nên con người không tự giác về bản chất đích thực của mình là vô
ngã. Vì bám vào hình thức bên ngoài, nên con người thường nhầm lẫn (vô
minh) tưởng có một ta/ngã đích thực. Một khi con người hướng ra ngoài
thì ngay lập tức vướng vào các nghiệp (thân, khẩu, ý), tạo nên chuỗi
các nguyên nhân gây ra khổ. Chuỗi nguyên nhân gây nên quả khổ đó được
khái quát thành “Thập nhị nhân duyên”(1).
Từ đó, Diệt đế chỉ ra rằng, con người cần phải hướng vào bên trong để diệt nguồn gốc của khổ, đó là diệt vô minh và dục vọng từ trong tâm tưởng. Diệt được vô minh và dục vọng là đạt tới giải thoát.
Tiếp đó, Đạo đế phân tích con đường hướng nội đúng đắn và khả thi để đi tới giải thoát, đó là sự kết hợp tu giới - định - tuệ trong tám bước liên hoàn hướng nội, gọi là Bát chính đạo(2).
Đây là một hệ thống hướng nội kết hợp tu dưỡng thân tâm không tách rời
tu dưỡng trí tuệ, đạo đức và niềm tin theo quy trình trở về bên trong,
trở về cái ban đầu của mọi cái, đó là trở về vô ngã, trở về không.
Có thể nói, quan niệm giải thoát của Phật giáo là nhất quán con đường
hướng nội. Trên con đường đó, mỗi người tự quay trở vào nhận thức về
khả năng, căn cơ, trình độ của bản thân để tự đi, tự tới đích, chứ
không nhờ sự ban ơn, cứu vớt của đấng siêu nhân nào. Một khi giác ngộ
bản chất đích thực của mình, con người sẽ tự giác tránh xa ái dục và
các căn nguyên tạo nên nghiệp báo và luân hồi, đó cũng là đích cuối
cùng của con đường giải thoát.
Giáo lý giải thoát Phật giáo
dựa trên cơ sở lý luận nhận thức về hai loại chân lý và hai con đường
nhận thức chân lý. Phật giáo cho rằng, có hai con đường nhận thức:
hướng ngoại và hướng nội, với hai loại chân lý: chân lý tương đối và
chân lý tuyệt đối. Con đường thứ nhất là con đường của nhận thức thông
thường (hướng ngoại), thường dựa vào kinh nghiệm và khái niệm về thế
giới hiện tượng bên ngoài. Song, do bề ngoài luôn vận động và biến đổi
theo quy luật vô thường nên con đường đó chỉ có thể tiệm cận vô cùng
tới thực tại, chỉ nắm bắt được chân lý tương đối.
Ngược lại,
con đường thứ hai, hướng vào trong để trở về tâm tĩnh lặng đến lúc
không còn cảm giác về thân nữa, không còn cảm thọ nữa, cũng không còn
tưởng nữa, mọi hoạt động của tâm thức đều ngưng nghỉ (vô niệm, hay
tịnh, chỉ), được gọi là “nội quán”. Khi đó, trực giác bừng sáng và nắm
bắt trực tiếp được tồn tại, tức là giác ngộ được chân lý tuyệt đối.
Phật giáo ý thức được rằng, sự phân đôi chủ - khách là chia chẻ, giết
chết thực tại và do đó, không thể nhận thức được thực tại như là chính
nó, là “khi thế giới với mọi thứ phân hai chưa bắt đầu hình thành”(3).
Phật giáo khẳng định nội quán là phương thức khả thi nhất làm cho tâm
bình lặng, “nhờ tâm bình lặng mà nhìn thấy được sự vật như chúng tồn
tại... tâm bình lặng thì dục vọng, tham đắm do thế giới khách quan gây
ra cũng không chi phối được tâm”(4), tức đạt tới giải thoát.
Tư duy hướng nội của Phật giáo nguyên thủy được phát triển liên tục qua
hai trường phái triết học Đại thừa là phái Duy thức (Hữu luận) và phái
Trung quán (Không luận) với những vấn đề cơ bản về bản chất, đối tượng
và con đường của thức. Phái Duy thức phát triển nguyên lý tính không về
bản thể nguyên sơ của vô thức(5) trên cơ sở bảo tồn triết lý duyên khởi
trong Thập nhị nhân duyên mà đức Phật đã chỉ ra. Theo đó, thức cũng chỉ
là sự kết hợp tạm thời của nhiều yếu tố trong các điều kiện (nhân
duyên) nhất định. Phái Duy thức chủ trương đối tượng của thức là A lại
gia thức, tức là vô thức, vô niệm. Con đường nhận thức là trở về với A
lại gia thức vốn có bên trong, chứ không phải thế giới bên ngoài chủ
thể nhận thức. Do vậy, phái này tiếp tục phát triển phương pháp tu
luyện nội tâm của Yoga với mục tiêu tu luyện năng lực trực giác bằng
nội quán, trở về tới tận A lại gia thức.
Phái Trung quán khai
thác và phát triển chủ đề thức tập trung vào vấn đề khả năng và con
đường nắm bắt chân lý. Xuất phát từ triết lý duyên khởi, phái Trung
quán khẳng định rằng, để nắm bắt được bản chất tối hậu của tồn tại là
không thì con người phải thoát khỏi thói quen nhận thức hướng ngoại,
không được nương vào ngôn ngữ, khái niệm và kinh nghiệm, mà phải trở
vào bên trong vắng lặng của vô thức, tại đó trực giác (tức Bát nhã;
Pali: Prajna) sẽ bừng giác ngộ được tồn tại đích thực. Phái Trung quán
tiếp tục khẳng định có hai chân lý: chân lý tương đối là khả năng nắm
bắt tồn tại qua hình thức bên ngoài, nhưng hình thức là cái luôn vận
động, biến đổi theo quy luật vô thường, cho nên nó không thể phản ánh
đúng bản chất đích thực, tối hậu của tồn tại; chân lý tuyệt đối là khả
năng nắm bắt tồn tại đích thực đằng sau hiện tượng bằng trực giác (Bát
nhã). Con đường của trực giác là trực tiếp, không phụ thuộc vào hình
thức, ngôn ngữ, suy lý, mà trở lui, lội ngược dòng tâm thức, cho tới vô
niệm, vô thức. Như vậy, con đường nhận thức là đi ngược, theo cách hiểu
về học của phương Đông là “học cho đến vô học!”.
Đỉnh cao tư
duy nội quán của Phật giáo được thể hiện ở Thiền tông Đại thừa của
Trung Quốc. Đó là sự tiếp thu tổng hợp cả hai trường phái Duy thức và
Trung quán của Phật giáo Ấn Độ, đồng thời kết hợp thêm Đạo của Lão -
Trang để thể hiện thành nguyên tắc nhận thức độc đáo “vô chấp”, “vô
trụ”, “vô trú” trong tư duy và lối sống của thiền sư và tu sĩ Phật giáo.
Tóm lại, từ góc độ lịch sử tư tưởng, tư duy hướng nội luôn có ý nghĩa
khẳng định giá trị độc đáo của tư duy Phật giáo với tư cách một trường
phái tư duy của phương Đông. Nhận thức luận nội quán chính là lý luận
về trực giác Bát nhã của Phật giáo Đại thừa - Thiền tông. Nó không chỉ
góp phần làm phong phú thêm phạm trù trực giác (intuition) trong nhận
thức luận của triết học hiện đại, mà còn mở ra một hướng rèn luyện, chủ
động khai thác tư duy sáng tạo của con người từ một năng lực tiềm ẩn
thành sức mạnh nội năng sẵn có. Ý nghĩa của tư duy hướng nội (nội
quán/trực giác) của Phật giáo có thể đánh giá sơ bộ trên một số vấn đề
của nhận thức luận hiện đại như sau:
Thứ nhất, theo thuyết
tính không của Phật giáo Đại thừa, tư duy hướng nội là loại nhận thức
đặc biệt - trực giác (vượt qua cảm tính bản năng đơn giản và lý tính
trừu tượng). Đó là phương thức nhận thức trực tiếp đối tượng, không
thông qua bất kỳ trung gian nào với một số đặc tính sau: 1) trực tiếp;
2) cụ thể, đặc thù; 3) phi ngôn ngữ; 4) có thể rèn luyện được theo kỹ
thuật thiền định của Phật giáo.
Thứ hai, nhận thức hướng nội
của Phật giáo có thể so sánh và làm phong phú thêm nội dung quan niệm
về trực giác của tư duy phương Tây nói riêng và tư duy nhân loại nói
chung. Trực giác có nhiều loại khác nhau. Song, trực giác (Prajna) của
Thiền Phật giáo đang được coi là cùng tầng, thậm chí cao hơn trực giác
siêu nghiệm. Đây là trình độ trực giác đang còn được nghiên cứu và kiểm
chứng bởi liên ngành một số khoa học hiện đại.
Thứ ba, trực
giác nắm bắt được bản chất thực tại hiện hữu, cá biệt đem lại thường là
đúng đắn. Tuy nhiên, khi có sự can thiệp của suy luận, nhận thức lý
tính, hoặc ảo tưởng, ảo giác, thì trực giác cũng có thể sai lầm.
Thứ tư, trực giác có thể đóng vai trò tích cực và khả thi trong nhận
thức thông thường hay nhận thức khoa học nói chung ở hai khía cạnh: 1)
trực giác góp phần khám phá, phát minh ra tư tưởng mới; 2) trực giác là
sự tổng hợp chuỗi dài các ý niệm được bừng sáng. Khả năng này có thể
rèn luyện bằng thiền định hay tập trung nghiên cứu cao độ.
Sự phê phán của Phật giáo đối với hạn chế của nhận thức hướng ngoại có
mức độ hợp lý nhất định từ góc độ vấn đề tính tương đối của giá trị
nhận thức. Từ cơ sở này, Phật giáo đã triển khai, xây dựng phương pháp
nhận thức hướng nội. Nhìn chung, Phật học và Thiền học đã vận dụng nhận
thức hướng nội trong quá trình phối hợp các yếu tố tâm linh, tâm lý qua
kỹ năng tập trung điều chỉnh, thậm chí đạt tới trình độ dừng dòng suy
nghĩ để khai thác và phát triển năng lực trực giác của cá nhân. Cho đến
nay, đây vẫn là một nội dung thú vị, độc đáo của Thiền học và Phật học
cũng như thực hành thiền định của Phật giáo ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn
Quốc và Việt Nam.
2. Con người Việt Nam đã tiếp thu tư duy hướng nội của Phật giáo như thế nào?
Việt Nam đã tiếp thu Phật giáo từ nhiều hướng, nhiều lần, nhưng sớm
nhất và trực tiếp là từ Ấn Độ, sớm hơn cả Trung Quốc, cho nên ảnh hưởng
của tư duy Phật giáo đối với người Việt Nam không hoàn toàn giống với
người Trung Quốc. Sự tiếp thu đó không đơn tuyến và không phải một lần,
mà còn trong quan hệ với quá trình tiếp thu và ứng dụng Nho, Lão. Và,
đặc biệt, chúng đều là các tư tưởng ngoại lai. Vì thế, khi bàn về Phật
giáo nói chung và tư duy Phật giáo nói riêng của người Việt Nam, chúng
ta không thể tách riêng tuyệt đối Phật giáo, mà phải trừu tượng hóa một
cách tương đối bằng cách nghiên cứu tư tưởng Phật giáo qua một số tác
phẩm của một số đại diện tư tưởng Việt Nam trong các thời kỳ lịch sử.
Lần thứ nhất, Phật giáo vào Việt Nam khi tư duy của người Việt chưa
thoát khỏi thời kỳ thần (huyền) thoại để bước sang thời kỳ thần quyền,
nên sự tiếp thu tư duy Phật giáo đang ở thời kỳ giải (giản) thần quyền
đã để lại dấu ấn sâu đậm trong tư duy của người Việt và tạo nên một
tiền đề mở cho sự tiếp thu những cái mới, cái ngoại lai về sau, như Nho
giáo, Thiền tông, v.v..
Hiện nay, chúng ta không có đủ tư
liệu để phân tích tư duy của người Việt cổ đã có gì và thay đổi gì khi
tiếp thu Phật giáo - Bụt(6) từ Ấn Độ. Nhưng chắc chắn, biểu tượng ông
“Bụt”(7) từ bi với những triết lý về cuộc sống, như lẽ vô thường, khổ,
giải thoát, luân hồi, cùng những lời khuyên con người nên kiềm chế dục
vọng và làm điều thiện, tránh điều ác, tích phúc đức cho kiếp sau...,
đã được tín ngưỡng dân gian của văn minh lúa nước Việt Nam tiếp nhận
rất sớm và được lưu giữ trong một số chuyện cổ tích, huyền thoại, huyền
sử, cũng như trong lễ nghi, lễ hội nông nghiệp lúa nước của người
Việt(8). Tới thời Trần, ta vẫn thấy vua Phật Trần Nhân Tông dùng từ Bụt
nhiều lần trong Cư trần lạc đạo(9), có lẽ vì Bụt đã thành Phật giáo của
người dân Việt.
Các trước tác và dịch phẩm Phật giáo ở Việt
Nam thời kỳ này, như Lý hoặc luận của Mâu Tử, Lục độ tập kinh, Bát
thiên tụng Bát nhã, An ban thủ ý(10)..., đã giới thiệu các
nội dung giáo lý cơ bản của Phật giáo và ảnh hưởng của chúng đến tư
duy, lối sống người Việt rất ấn tượng. Trong các trước tác đó, tư duy
hướng nội cũng là một trong những yếu tố được giới thiệu và được tiếp
thu trong thời kỳ này:
- Lý hoặc luận của Mâu Tử giới thiệu
quan niệm cơ bản của Phật giáo trên tinh thần so sánh với Nho và Đạo để
làm nổi ưu điểm của giáo lý Phật giáo về việc con người tự giác giải
thoát khỏi khổ bằng cách hướng nội. Các phạm trù vô thường, Đạo, Đại
giác, thành Phật, chúng sinh, nghiệp báo, ngũ giới, trì giới, ăn chay,
bố thí, vô vi, giải thoát, Nê Viên(11),... được giới thiệu
như một cách nhìn mới mẻ, độc đáo về thiện ác, về con người và lẽ sinh
tử của Phật giáo cho người Việt Nam.
- Lục độ tập kinh giới
thiệu các khái niệm về vũ trụ, nhân sinh và thiên về luận giải nội tâm,
khuyên người ta tự giác thực hành tu luyện thiền định và giữ giới, đó
là con đường để đạt tới giác ngộ và giải thoát, như bản nguyên, vô số
kiếp, tam giới, hình tướng, bản vô, tồn tại vắng lặng, bố thí, trì
giới, nhẫn nhục, ngũ giới, hạnh Bồ Tát, cứu độ chúng sinh, quy y, Tam
Tôn, Tam Bảo, Như Lai, Tứ Đại, Tứ Thiền,...
- Bát thiên tụng
Bát nhã là bộ kinh thuộc văn hệ Bát nhã, trình bày tư tưởng tính không
- một tư tưởng cơ bản của Phật giáo Đại thừa. Tư tưởng này được phát
triển đặc biệt ở Trung Quốc và là cơ sở hình thành nên xu hướng nội
quán của Thiền tông. Nó “ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ thiền học Việt
Nam nói riêng, cũng như toàn bộ Phật giáo Việt Nam nói chung, đặc biệt
là Phật giáo thời kỳ Lý - Trần”(12).
- An ban thủ ý là cuốn
kinh có ý nghĩa như giáo trình dạy phép đếm hơi thở để điều tâm, thiền
định, chủ yếu là thực hành tu luyện hướng nội(13).
Những lần
du nhập Phật giáo vào Việt Nam tiếp sau chủ yếu tiếp thu Phật giáo Đại
thừa từ Trung Quốc, với các phái thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông
và Thảo Đường(14), chủ yếu qua tầng lớp trí thức, vua chúa, quan lại
trong triều và một số người Trung Quốc di cư sang Việt Nam. Do đó, lần
du nhập thứ hai này đã tạo nên một văn hóa Phật giáo bác học của Việt
Nam với đỉnh cao là dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử thời Trần. Tuy nhiên,
Phật giáo dân gian không hề bị mất đi, mà nó tiếp tục phổ biến trong
các tầng lớp lao động và vùng làng quê qua các lễ nghi, tín ngưỡng Phật
giáo bình dân, thậm chí nhiều yếu tố Phật giáo dân gian còn ảnh hưởng
trở lại một số dòng Phật giáo bác học và tạo nên đặc trưng Phật giáo
Việt Nam như:
- Tỳ Ni Đa Lưu Chi là phái thiền lấy
tên vị thiền sư Ấn Độ. Đây là dòng thiền đầu tiên ở Việt Nam. Dòng
thiền này chú trọng việc tu luyện thiền định để khai thác trí tuệ Bát
nhã (trực giác nội quán) và các nội năng kỳ diệu trên cơ sở thuyết tính
không của Trung quán luận. Thiền phái này chủ trương tư duy siêu việt
ngôn ngữ, với “tinh thần không chấp trước,… vô trú nghĩa là không chấp
có cũng không chấp không, không trú ở có, cũng không trú ở không… cảnh
giới của thiền định siêu việt ngôn ngữ văn tự và tư duy khái niệm”. Các
thiền sư Việt Nam thuộc các thế hệ sau của phái này đều chịu ảnh hưởng
của tư tưởng đó. Điển hình là vua Lý Thái Tông (thế hệ thứ 7), Đạo Hạnh
(thế hệ 12) và Huệ Sinh (thế hệ 13) đều đề cao quan điểm về nhận thức
này.
- Vô Ngôn Thông là phái thiền thứ hai vào Việt
Nam, lấy pháp hiệu của một thiền sư Trung Quốc. Tư tưởng cơ bản của
thiền phái này là tu luyện thiền định để đạt tới cảnh giới vô niệm, vô
ngôn. Đó là “một thế giới nội tâm hoàn toàn vắng lặng, khi dòng suy
nghĩ miên man, liên tục, lộn xộn của tâm thức được chấm dứt. Khi ấy,
trí tuệ vốn có của con người bừng sáng, thực tại sẽ hiển lộ rõ ràng
trước mắt. Đó chính là sự giác ngộ và giải thoát. Đó chính là Niết Bàn”(15).
Các thế hệ sau của dòng thiền Vô Ngôn Thông, như Cảm Thành (tổ thứ 2)
và Thiện Hội (tổ thứ 3), … tiếp tục khẳng định rằng, “chân lý không
phải ở đâu xa, mà ở ngay hiện tiền, ở trong bản thân mỗi người, nhưng
chân lý đó chỉ có thể tu chứng trực tiếp, … mọi sự phân tích lý tính
đều phương hại đến sự ngộ đạo (ngộ tâm – chân như)”(16).
- Thảo Đường là
thiền phái thứ ba của Việt Nam, ra đời trong thời Lý, do sư Thảo Đường
sáng lập và truyền đạo cho vua Lý Thánh Tông (thế hệ thứ nhất), vua Lý
Anh Tông (thế hệ thứ năm). Dòng thiền này chủ yếu phát triển trong
Hoàng gia và giới quý tộc có thế lực thời đó. Do vậy, nó đã có sự tác
động trực tiếp đến tư duy của họ trong đường lối trị nước.
- Trúc Lâm Yên Tử
là dòng thiền Phật giáo của Việt Nam, hình thành vào đời Trần. Vua Trần
Nhân Tông là tổ sáng lập ra thiền phái này trên cơ sở tiếp thu, kế thừa
tư tưởng cơ bản của các phái thiền đã có ở Việt Nam. Do đó, thiền phái
này nằm ngoài đường hướng chung của Thiền tông Đại thừa. Có thể nói,
đây là sự thống nhất giáo hội Phật giáo Việt Nam lần đầu tiên, “dứt bỏ
các truyền thừa từ trước có nguồn gốc bên ngoài”(17). Các
nhà tư tưởng Phật giáo Trúc Lâm đều là các vị vua chúa, hoàng tộc giữ
các trọng trách lớn của quốc gia, đồng thời là các vị anh hùng dân tộc.
Nhiều người đã để lại trước tác thể hiện tư tưởng Phật giáo Việt Nam
thời kỳ này. Từ góc độ tư duy, nổi bật nhất là các trước tác bàn về các
vấn đề bản thể tính không và nhận thức hướng nội đặc sắc của Thiền tông.
“Điểm đáng chú ý là các nhà thiền học thời Trần rất tích cực trong việc
kêu gọi hướng vào tâm mà tìm thấy tính”, “quay đầu nhìn vào phía bên
trong”, coi sự “tìm thấy bản tính là một sự trở về” và “nếu tự mình
không tìm thấy bản tính” thì “chẳng ai có thể truyền tâm cho mình”, do
đó mọi người phải tự tìm lấy!”(18). Trong lời tựa của Thiền
Tông Chỉ Nam, vua Trần Thái Tông đã đề cao vai trò của tư tưởng Phật
giáo như là đường lối trị quốc lúc đó: “…phương tiện để mở lòng mê
muội, con đường sáng tỏ lẽ tử sinh, ấy là đại giáo của đức Phật. Đặt
mực thước cho hậu thế; làm khuôn mẫu cho tương lai, ấy là trọng trách
của tiên thánh… nay lẽ nào trẫm không coi trách nhiệm của tiên thánh là
trách nhiệm của mình, giáo lý của Phật làm giáo lý của mình ư!”(19).
Đến đây, ta có thể thấy khá rõ ràng là, tư duy hướng nội của Phật giáo
đã được vận dụng linh hoạt trong hoạt động chính trị - xã hội ở Việt
Nam thời kỳ phong kiến.
Đến thời kỳ này, có thể nói, Phật giáo Việt Nam đã chấm dứt quá
trình du nhập và đã khẳng định được đường hướng và phong cách độc lập
với những đóng góp to lớn cho dân tộc. Về mặt tư duy, một số phạm trù
cơ bản về con đường hướng nội của Phật giáo bác học đã được nhiều nhà
Phật học và Thiền học giải thích bằng tâm hồn người Việt, khiến chúng
trở nên gần gũi với tư duy của nhiều tầng lớp trong xã hội. Chẳng hạn,
các thuật ngữ “vô chấp”, “vô trụ”, “vô trú” của Thiền Trung Quốc được
luận giải qua các thuật ngữ Việt thông dụng và dễ hiểu hơn, như “trực
nhập”, “vô niệm”, “vô ngôn”, “quay đầu trở vào phía bên trong”, “trở
về”, “mở lòng”,… Giới trí thức, đặc biệt là các quan lại và quân vương
trong triều, đều hiểu hoặc thông thạo Phật học, Thiền học và có thể ứng
dụng những kiến thức đó vào các đối sách ngoại giao, văn hóa với nước
lớn Trung Quốc – cũng là một nước có truyền thống Phật giáo.
Đối với tầng lớp bình dân ở Việt Nam, Phật giáo được coi là tôn giáo
truyền thống, tuy không cao siêu như là Thiền học hay Phật học, nhưng
lại chứa đựng những triết lý nhân sinh, được thể hiện sinh động qua lối
sống và tín ngưỡng của người Việt một cách giản dị. Nói cách khác, tư
duy hướng nội cao siêu khi đi vào tầng lớp dân thường thì được đời
thường hóa, dân gian hóa, nôm na hóa, và thông tục hóa. Đối với Phật
giáo dân gian, có thể thấy rằng, tư duy hướng nội không bàn tới các chủ
đề bản thể hay chân lý tuyệt đối, như Phật tính, tính không, Bát nhã,
chân như, vô ngôn, vô trụ…, mà chú trọng tới việc tu dưỡng đạo đức cá
nhân một cách tự giác theo nguyên tắc hướng nội: “Phật tại tâm”. Việc
đánh giá hành vi đạo đức đúng hay sai, thiện hay ác không phải là từ
người khác, mà phải tự mình ngay thẳng với tâm mình, hay tự “mình làm
mình chịu”. Việc tự đánh giá này luôn phân biệt rõ: coi trọng cái đạo
đức bên trong (tâm) hơn là cái tài có thể thi thố với thiên hạ. Người
dân thường tự nhắc rằng, “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” và thực hiện
phương châm “diệt Tam độc” (tham, sân, si) trong tâm để bỏ các hành vi
gây nghiệp ác của bản thân, như ái, ố, hỉ, nộ; đồng thời coi đó là cách
để xây dựng, bồi đắp các hành vi cao đẹp, như từ bi, bác ái, hỉ xả,… để
tích nghiệp thiện.(18)
Hiện nay, để Phật giáo có
thể đóng góp thực sự cho triết học nói chung, cũng như phù hợp với chủ
trương “tôn giáo đồng hành cùng dân tộc”, thì việc triển khai phương
thức nhận thức hướng nội này phải gắn liền với các vấn đề chung của tôn
giáo dân tộc trên tinh thần “Đạo pháp – dân tộc – chủ nghĩa xã hội” mà
Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã lựa chọn. Từ góc độ tư duy, đối với Phật
giáo bác học của Việt Nam, có thể nói, tư duy nội quán của Phật giáo
được tiếp thu nổi trội trên một số đặc trưng sau: 1) lý luận khái quát
về con người nội tâm - đạo đức tôn giáo (khổ và giải thoát khỏi khổ là
tự chính mình từ bên trong); 2) phương thức tư duy hướng nội, điển hình
nhất là nhận thức trực giác của Thiền tông Phật giáo; 3) nguyên tắc
siêu vượt khái niệm, kinh nghiệm và ngôn ngữ khiến hệ tư duy “mở”, nên
dễ dàng chấp nhận các tư tưởng ngoại lai.
Đồng thời, Phật giáo
bác học Việt Nam vẫn tiếp tục nhấn mạnh đặc trưng con người nội tâm
trên cơ sở thuyết vô thường, vô ngã để khắc phục “tình trạng thiếu cân
đối trầm trọng giữa đời sống vật chất và cuộc sống tâm linh”(20)
nhằm hoàn thiện các chuẩn mực nhân cách hướng nội đặc trưng của một tín
đồ Phật giáo truyền thống, kết hợp với các yêu cầu của tôn giáo dân tộc
trong thời đại mới, đó là góp phần “giữ gìn giềng mối đạo đức kỷ cương,
tránh sự phạm pháp, tránh sự lai căng mất gốc…”(21). Theo đó, biện pháp
thực hiện là phải từ chính mỗi người. Đó là, “giúp con người hiểu rõ sự
thật của tự thân, sự thật của thế giới mà con người đó đang sống, thấy
rõ hướng đi của đời mình, và chịu trách nhiệm về mọi hành vi của mình”,
“hướng tới xây dựng con người toàn diện, nhân bản và trí tuệ”(22).
Hướng nội còn là một nội dung được Phật giáo đặc biệt chú trọng trong
môn Duy thức học, vì môn Duy thức học “chú trọng phân tích nội tâm, kết
hợp với tu tập thiền định”(23). Trong thực tế, Phật giáo Việt Nam đang
tích cực mở thêm nhiều Thiền viện nhằm phổ biến kỹ thuật thiền định để
tu luyện nội tâm và để có được “trực giác nhạy bén”(24).
Đối
với Phật giáo dân gian, ảnh hưởng của tư duy hướng nội chủ yếu dưới sự
hướng đạo của Phật giáo bác học, qua các bộ luận giải về kinh Phật hay
giáo lý Phật giáo của các thiền sư, các nhà Phật học và qua đó, gián
tiếp tác động tới tín đồ bình dân qua các hoạt động tín ngưỡng, như
tụng kinh, nghi lễ hay lễ hội của Phật tử tại gia hoặc trên chùa, dần
dần điều chỉnh hành vi đạo đức và tư duy hướng nội của họ.
Nhìn chung, tư duy hướng nội của Phật giáo đã góp phần tạo nên nét tư
duy riêng, lối sống nhân văn của người Việt. Có thể nói, sức sống của
Phật giáo phần nào cũng chính là sự cân bằng, điều hòa, chuyển giao
giữa Phật giáo bác học với Phật giáo dân gian qua các phép tu luyện nội
quán và đạo lý nhân văn của dân tộc Việt. Cho đến nay, nội quán của
Phật giáo vẫn phát huy một số giá trị độc đáo có tính nhân văn cao.
Chẳng hạn, nếu đặt mục đích để rèn luyện đạo đức từ nội tâm, làm chủ
các cảm xúc, thư giãn tuyệt đối, điều chỉnh dòng ý thức và tập trung tư
tưởng cao độ vượt qua các tác động nhiễu loạn bên ngoài, thì nội quán
của Phật giáo vẫn là một khuynh hướng khả thi. Nó đã được khoa học về
tâm - sinh lý hiện đại (phương Tây) kiểm chứng, chứng minh và đang được
rất nhiều người theo học và thực hành tu tập, kể cả những người không
phải tín đồ Phật giáo./.
Hoàng Thị Thơ, Tiến sĩ, Trưởng phòng Triết học phương Đông, Viện Triết học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam
Tạp chí Triết học
Chú thích:
(1) Thập nhị nhân duyên gồm: vô minh, hành, thức, danh sắc, lục xứ, xúc, thụ, ái, thủ, hữu, sinh, lão, tử.
(2) Bát chính đạo gồm: chính kiến, chính tư duy là quá trình con người
rèn luyện để nắm được một cách đúng đắn bản chất của mình là vô ngã,
nguyên nhân của khổ là vô minh; từ đó, có định hướng rèn luyện lời nói
đúng đắn: chính ngữ; đến hành động, việc làm đúng đắn: chính nghiệp;
lối sống đúng đắn: chính mệnh; và luôn kiên trì, không ngừng tiến bộ:
chính tinh tấn; để gạt bỏ hết mê lầm, nguyên nhân dẫn tới đau khổ:
chính niệm; nhằm đạt tới trạng thái giác ngộ về vô ngã: chính định.
(3) Daisets Teitaro Suzuki. Thiền (người soạn dịch: Thuần Bạch), Nxb TP. Hồ Chí Minh, 2000, tr.234.
(4) Trường Bộ Kinh (Digha-Nikaya) (người dịch: Thích Minh Châu), Viện Đại học Vạn Hạnh xuất bản, Sài Gòn, 1972, tr.56-57.
(5) Theo phái Duy Thức tông, A lại gia thức là trạng thái tiềm tàng
vắng lặng cho 7 thức (5 giác quan, ý thức và mạt na thức) của mỗi
người. Nói cách khác, A lại gia thức chứa đựng mọi mầm mống cho các
hiện tượng tinh thần và tồn tại. Mọi điều diễn ra trong thế giới đều có
sẵn căn nguyên trong A lại gia thức.
(6) Thiền sư Thích Nhất
Hạnh dùng cụm từ Bụt giáo để chỉ Phật giáo du nhập trực tiếp từ Ấn Độ
vào Việt Nam thời kỳ trước Bắc thuộc và dùng cụm từ Phật giáo để chỉ sự
du nhập từ Trung Quốc.
(7) “Bụt” là cách phát âm tiếng Việt đơn giản hóa từ “Buddha” khi Phật giáo Ấn Độ truyền trực tiếp vào Việt Nam.
(8) Chuyện Tấm Cám, chuyện Con muỗi, hay sự tích Man Nương trong Báo
cực truyện và Lĩnh Nam chích quái hoặc huyền sử Cổ Châu Pháp Vân Bản
Hạnh,…
(9) Xem: Thơ văn Lý Trần, tr.506.
(10) Nguyễn Tài Thư (chủ biên). Lịch sử Phật giáo Việt Nam. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998, tr.67.
(11) Nê Viên có nghĩa là Niết Bàn.
(12) Nguyễn Tài Thư (chủ biên). Lịch sử Phật giáo Việt Nam. Sđd., tr.68.
(13) Nguyễn Tài Thư (chủ biên). Lịch sử Phật giáo Việt Nam. Sđd., tr.68.
(14) Tỳ Ni Đa Lưu Chi là một du tăng Ấn Độ, từ Trung Quốc sang Việt Nam
năm Canh Tý (580), tu tại chùa Pháp Vân, là tổ của Thiền phái đầu tiên
của Việt Nam – phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi; Vô Ngôn Thông là một thiền sư
Trung Quốc, thuộc dòng Huệ Năng sang Việt Nam, tới chùa Kiến Sơ lập
phái thiền thứ hai của Phật giáo Việt Nam là phái Vô Ngôn Thông; Sư Vân
Môn từ Trung Quốc sang Việt Nam khoảng giữa thế kỷ XI và thành lập
Thiền phái Thảo Đường.
(15) Nguyễn Tài Thư (chủ biên). Lịch sử Phật giáo Việt Nam. Sđd., tr.110.
(16) Nguyễn Tài Thư (chủ biên). Lịch sử Phật giáo Việt Nam. Sđd., tr.114, 182.
(17) Nguyễn Tài Thư (chủ biên). Lịch sử Phật giáo Việt Nam. Sđd., tr.215.
(18) Nguyễn Tài Thư (chủ biên). Lịch sử Phật giáo Việt Nam. Sđd., tr.220-222.
(19) Lịch sử tư tưởng Việt Nam – Văn tuyển, t.2. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.10.
(20) Xem: Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam (Nhiều tác giả). Kỷ yếu Hội
thảo khoa học “Giáo dục Phật giáo trong thời hiện đại”, Nxb TP. Hồ Chí
Minh, 2001, tr.13.
(21) Xem: Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam (Nhiều tác giả). Sđd., tr.215.
(22) Xem: Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam (Nhiều tác giả). Sđd., tr.63, 67.
(23) Xem: Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam (Nhiều tác giả). Sđd., tr.92.
(24) Xem: Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam (Nhiều tác giả). Sđd., tr.221.