Dấu tích vua Gia Long, Minh Mạng tại nghĩa địa chùa Ba Đồn
Nguyễn Phương
04/08/2012 06:55 (GMT+7)


Đến Huế thăm các di tích văn hóa và lịch sử, du khách không nên bỏ qua cơ hội đến viếng thăm khu nghĩa địa và hiểu thêm về một ngôi chùa độc đáo có tiếng linh thiêng.

Nghĩa địa chùa Ba Đồn tọa lạc tại số 69 đường Tam Thai, thuộc phường An Tây trên đường từ đàn Nam Giao đi về hướng Nam. Ngôi chùa nhỏ, nổi bật, vây quanh là những thảm cỏ xanh rì, bằng phẳng. Ở đó có ba khu mộ cải táng được vua Gia Long cho lập Đàn để cải táng, chôn cất hơn 10.000 thi hài của những người không có thân nhân.

Vua Gia Long cho quy về 3 Đàn lớn

Chùa Ba Đồn trước khi hình thành là khu đất làm nơi cải táng chôn cất các mộ phần không có thân chủ khi vua Gia Long xây dựng kinh thành năm 1803, xây đàn Nam Giao năm 1806 và quan quân, dân chúng tử nạn khi kinh đô thất thủ vào ngày 23 tháng 5 Ất Dậu (1885).

Năm 1803, để xây dựng Kinh thành Phú Xuân, vua Gia Long (1802-1819) cho giải tỏa tám ngôi làng ở bờ bắc sông Hương, nhà cửa và mồ mả phải di dời. Những mồ mả không có người thân được quy tập lên vùng đất này và Cồn mồ tám làng hiện thành. Năm Quý Hợi (1803), tại Cồn mồ tám làng, vua Gia Long cho dựng bia đá ghi ơn vua cho hợp táng những người không người thờ tự, khắc ngày 7 tháng 3 năm Quý Hợi (tức là ngày 27.4.1803).

Thầy Phạm Nguyên- người trông giữ chùa Ba Đồn cho biết: “Ở bia thứ nhất vua cho khắc chữ lớn: “Ân tứ hiệp táng vô tự chi mộ(tạm dịch: Vua ban chôn chung những mộ không có người thờ tự), phía bên trái có lạc khoảng chữ nhỏ: “Vi dĩ bức cận thành trì, thiên táng tại thử(tạm dịch: Bỡi lẽ những ngôi mộ này gần thành nội, được chôn về đây, lạc khoảng bên tay phải: “Tuế thứ Qúy Hợi niên tam nguyệt sơ thất nhật phụng khắc(tạm dịch: phụng mệnh vua khắc bia năm Qúy Hợi tháng 3 ngày 7 năm 1803), ở phía sau bia ghi số lượng hài cốt. Theo đó, bia lớn nhất(gọi là Đồn 1 được ghi có: 3800 hài cốt). Theo thầy Nguyên, khi xây dựng đàn Nam Giao và lăng Gia Long, các mồ vô chủ lại được dời đến tiếp tạo thành Cồn mồ thứ hai nằm về phía nam của Cồn mồ tám làng. Bia Cồn mồ thứ hai có ghi: khoảng 3.700 người an nghỉ ở đây; Cồn mồ thứ ba là: 2550 người.

Đến vua Minh Mạng

Đến năm 1825, vua Minh Mạng cho lập một bàn thờ ở giữa trời (đàn) tại Cồn mồ tám làng để hằng năm nhà nước tổ chức cúng tế. Về sau cho dựng thêm hai đàn nữa để cúng tế những cô hồn của Cồn mồ thứ hai và thứ ba. Dân chúng gọi ba Cồn mồ có ba đàn hằng năm tế lễ đó là Cồn mồ Ba Đàn (Ba Đồn).

Vua Minh Mạng năm thứ 6(1825) xuống dụ: “Ngày xưa Vũ - công đã đem lại sự an định, lấy lại được thần kinh, nhờ hoàng khảo ta lập ra đô kỳ, làm căn bản ức muôn năm của nhà nước. Gián hoặc có mộ cũ của xã dân nào nằm ở khu vực nội thành đã được lòng vua chiếu cố, cấp tuất cho để dời đến chỗ cao ráo sáng sủa; được nhờ lòng chí nhân như trời che đất chỡ không thể nói hết. Đến nay, lâu ngày, mưa gió dãi dầu, trâu dê dày xéo, đến nỗi có chỗ lở hết mà phơi lộ bên trong. Sau khi nghe biết, lòng Trẫm rất lấy làm thương. Vậy giao cho Quan phủ Thừa Thiên đến ngay tại chỗ xem xét cho đắp điếm kiên cố, rồi làm hàng rào các chỗ ấy, không cho người hay súc vật đi qua bừa bãi. Từ nay tở đi, hàng năm đến tháng quý xuân(tháng 3 âm lịch) chọn ngày tốt ban ơn tế một tuần, do quan phủ địa phương sửa soạn lễ phẩm tam sinh”.

Sau ngày thất thủ Kinh đô (23 tháng 5 Ất dậu, 1885) thực dân Pháp đánh chiếm Huế, dân chúng và binh lính trong thành bị giặc Pháp giết hại khi chạy theo vua ra các cửa Nhà Đồ, cửa Hữu làm chết hàng ngàn người. Lúc đầu người chết được dập hai bên lề đường và ngay trong các vườn nhà chung quanh. Về sau người Pháp bắt dân chúng phải cất bốc hết các mồ mả chôn trong và ngoài Kinh thành. Những mồ vô chủ lại được đưa lên Ba Đồn “hợp táng” hình thành thêm một số Cồn mồ nữa. Đó là nơi an nghỉ của quân lính, sĩ quan, thường dân hy sinh trong Kinh thành Huế ngày 23.5 Ất Dậu (5.7.1885), số lượng với hơn 1.500 binh lính và khoảng 7.800 thường dân Huế đã hy sinh trong biến cố Kinh đô thất thủ ngày 23.5.1885 (ÂL).

Từ thời Gia Long, một cái miếu nhỏ được dựng lên để hương khói quanh năm. Sau một thời gian, am được sửa sang lại thành một cái Đền 3 gian, 2 chái và lập ra 3 bàn thờ để thờ tự gọi là Đền Âm linh. Thời gian sau, năm 1958, Phổ thiện nguyện thành phố Huế đứng ra đại trùng tu đúc tượng Phật, đúc chuông để thờ tự trong chùa từ đó thành chùa Ba Đồn.

Điều đáng nói, khi còn chế độ vua chúa có những dụ để lo việc cúng tế hương khói ở Đàn hoang mộ hàng năm. Sau khi vua Bảo Đại thoái vị, nhân dân thành phố Huế tự lo, các bậc thân hào nhân sỹ thành phố đứng ra lập phổ, gọi là phổ thiện nguyện để chăm lo chùa Ba Đồn(1958). Từ đó, lấy ngày 23 tháng 5 âm lịch làm ngày hiệp kỵ chứ không còn tế lễ như các triều vua trước, nhân dân thành phố Huế lần lượt thành lập hiệp hội, nhóm theo ngành nghề lên chùa Ba Đồn để cúng tế như hội tiểu thương may, hàng la gim, hội thợ mộc, thợ nề… dù chùa đã được công nhận là di tích lịch sử.








Các tin đã đăng: