Vào những thế kỷ thứ IV và V, vành đai
truyền giáo Phật giáo Giao Châu chẳng những bủa khắp Giao Châu mà còn
“phủ sóng” đến tận miền Hoa Nam Trung Quốc. Tính giao lưu Phật giáo Luy
Lâu với Đôn Hoàng qua các đời Đông-Tây Tấn, Nam-Bắc triều đã cho thấy
những đóng góp không biên giới từ những bậc danh đức-cao Tăng đương
thời, những mẫu người Chúng Trung Tôn của thời đại, người mà đã có những
liên hệ gần-xa và góp phần phác họa nên bức tranh toàn cảnh Phật giáo
Giao Châu lúc bấy giờ.
Qua những thăng trầm của lịch sử, trong cái nhìn tham chiếu qua các thời
kỳ, nội dung bài nầy xin giới thiệu mấy điều tâm đắc về Phật giáo Giao
Châu vào thế kỷ thứ IV và V.
Sau Khương Tăng Hội mất (280), nhất
là bước sang đầu thế kỷ thứ IV, Phật giáo Giao Châu có nhiều chuyển biến
mới. Trong số những bậc danh đức-cao Tăng đóng góp sự nghiệp truyền
giáo lúc bấy giờ có: Thích Đạo Cao, Thích Pháp Minh và Lí Miễu, Lí Miễu
là thứ sử Giao Châu. Bên cạnh đó còn có sự đóng góp xa-gần có nguồn từ
Phật giáo Lạc Dương Trung Quốc như: Cưu-ma-la-thập (343-413), Thích Huệ
Viễn (344-416), Thích Huệ Lâm, Thích Pháp Cương v.v… Bước sang thế kỷ
thứ V, Giao Châu lại đón nhận thêm những nhà Sư từ Ấn Độ đến, tiêu biểu
trong số nầy có Đạt-ma Đề-bà (Dharmadeva) là một điển hình. Người thừa
kế lỗi lạc từ Đạt-ma Đề-bà là Thích Huệ Thắng (K. 432-502+), Huệ Thắng
là cao Tăng người bản xứ, và Thích Đạo Thiền cũng trong số hội chúng
“tùng địa dũng xuất” của Phật giáo Giao Châu.
Qua những thông tin
hàm chứa trong Sáu Lá Thư, một tư liệu Phật giáo Giao Châu trình bày về
một diễn đàn Phật giáo lúc bấy giờ đã có sự tham dự bàn cãi của Thích
Đạo Cao, Thích Pháp Minh và Lí Miễu về những chủ đề tín ngưỡng đương
thời. Cũng từ đó cho thấy, mặc dù sinh hoạt truyền giáo không có điều
kiện tốt để phát huy mặt nổi nhưng ở mạch ngầm dòng chảy vẫn mang tính
xuyên suốt không ngừng và nền giáo học vẫn tiếp tục vươn lên phát triển.
Một diễn đàn được thành hình, một học phong chủ đạo thời đại được nêu
lên và bàn cãi thật sôi nổi. Nó có sức thu hút nhiều nhà trí thức, lãnh
tụ đương thời để họ cùng về với diễn đàn Phật giáo và qua đó tìm ra một
cương lĩnh nhập thế an sinh xã hội hầu góp phần tranh đấu cho độc lập tự
chủ dân tộc, trong số nầy thứ sử Giao Châu Lí Miễu là một điển hình.
Học phong nhất ban của thời đại bàn cãi nhiều chủ đề mà nổi bật là nêu
lên học lí Cảm ứng, cụ thể là người đương thời “muốn thấy chân hình Phật
ở đời”. Chủ tọa diễn đàn đã trả lời cho người đương thời rằng muốn thấy
Phật cần phải có cảm, có cảm mới có ứng và thuyết cảm ứng hay cách cảm
ứng thì như thế nào và ai là người có được sự cảm ứng với Phật. Từ cơ sở
lí giải như thế, học lí Cảm ứng ra đời. Bàn cãi về học lí Cảm ứng, diễn
đàn Phật giáo Tiên Sơn không phải là nơi sinh hoạt đơn điệu; cùng với
Tiên Sơn từ bên Lạc Dương Trung Quốc, còn có Cưu-ma-la-thập thuộc Phật
giáo Bắc triều với Huệ Viễn thuộc Phật giáo Nam triều, cả hai cũng góp
phần bàn cãi không nhỏ chung quanh chủ đề như thế, điều đó còn được biết
qua tác phẩm Đại thừa nghĩa chương.
Những viện dẫn lí giải về
thuyết Cảm ứng. Có nguồn gốc từ kinh điển mà điển hình là từ kinh Pháp
Hoa; bên cạnh đó cũng không loại trừ yếu tính vận dụng có nguồn gốc từ
nước ngoài mà điển hình là từ La Thập của Phật giáo Lạc Dương, Huệ Viễn
của Phật giáo Núi Lô. Tuy nhiên, với một kiểu vận dụng điển hình “có
người ngồi thiền nơi rừng vắng, có người tu đức bên cạnh thành, họ đều
là làm sáng tỏ chân bản nguyện Phật nơi đời”, đã cho thấy nét riêng mang
tính vận dụng sáng tạo trong cách lí giải giáo học của Thích Đạo Cao.
Ở
đây cũng xin được lạm bàn về một điển tích trong Sáu Lá Thư, điều mà
giáo sư Lê Mạnh Thát tuy có nêu lên nhưng còn bỏ ngỏ chưa bàn rốt ráo,
đó là điển tích “Khí phi sương Dĩnh, vận phi bào Sinh” do Thích Pháp
Minh nêu lên. Câu điển tích nầy có 2 vế: Khí phi sương Dĩnh và vận phi
bào Sinh. Ở đây chúng ta thấy nổi lên cụm từ khí sương Dĩnh và vận bào
Sinh, còn chữ phi trong câu chỉ là từ đệm có nghĩa so sánh. Vậy khí là
khí phách, vận là thời vận; còn hai từ sương bào được hiểu như là mưa
mốc. Dĩnh có thể là tên đất (địa danh) chỉ cho con sông Dĩnh, là vùng
Địa linh, nơi đây sinh ra Nhân kiệt. Điển hình là quê hương của Trí Khải
(Trí Giả 538-597), tổ mở Đạo tông Pháp Hoa cũng ở sông Dĩnh. Việc Thích
Pháp Minh viện dẫn kinh Pháp Hoa cho cách lí giải của mình, từ đó cho
thấy Pháp Minh ít nhiều biết đến vị tổ mở Đạo tông Pháp Hoa chính là Trí
Giả và vì ngưỡng mộ Trí Giả với niềm kính trọng vô bờ nên ông mới tự ví
mình không bằng chút mưa mốc của sông Dĩnh (khí phi sương Dĩnh) đó vậy.
Còn Sinh là tên người (nhân danh), không ai khác hơn đó là Đạo Sanh.
Chính trong liên hệ với Thích Huệ Lâm còn có bài văn khóc Thích Pháp
Cương và bài điếu Thích Đạo Sanh. Khi Huệ Lâm bị tập thể chư Tăng Lạc
Dương tẩn xuất ra khỏi Trung Quốc, Ông đã tìm về núi Lô. Sau đó lại sang
Giao Châu và có đóng góp gần xa cho diễn đàn Phật giáo Giao Châu lúc
bấy giờ. Do đó, Thích Đạo Cao cũng như Thích Pháp Minh biết đến Thích
Huệ Lâm trong niềm kính trọng, rồi qua sự kính mộ ấy, ông tự ví thời vận
mình còn lận đận hơn cả buổi hoàng hôn của vị “tể tướng áo nâu” của nhà
Tề là Thích Huệ Lâm kia nữa. Vì thế, chữ Sinh trong câu “vận phi bào
Sinh” đó không gì khác hơn là tên người và nó chỉ cho Thích Đạo Sanh
vậy. Đạo Sanh còn được biết rộng trong giới nghiên cứu qua điển tích
“điểm đá gật đầu”. Điển tích nầy sẽ bàn ở một bài khác. Do đó, điển tích
“khí phi sương Dĩnh, vận phi bào Sinh” trong câu nói của Thích Đạo Cao,
ở đây ông tự ví mình khí khái không bằng sương sông Dĩnh, thời vận
không có được cái thắng duyên so với mưa mốc của Đạo Sanh ở núi Lô.
Như
vậy, Phật giáo Giao Châu sau Khương Tăng Hội hay tiếp đến, vào những
thế kỷ thứ IV và V không phải là nghèo nàn trống vắng, nhất là từ sau
khi một phát hiện mới về những hoạt động truyền giáo của Thích Đạo Cao,
Thích Pháp Minh và những liên hệ nhà chùa với lãnh tụ kháng chiến Giao
Châu Lí Miễu vào thế kỷ thứ V sau Công nguyên. Có điều là Giao Châu lúc
bấy giờ, một nữa tự trị và một nữa nội thuộc, do đó ít nhiều chịu sự chi
phối chính trị, văn hóa, xã hội, v v… từ phương Bắc: Trung Quốc qua các
đời Tề, Lương, Trần, Tùy. Khi Nhà Tề mà điển hình là Tề Văn Đế “khai
đại thiền luật”, qui tụ các bậc anh tài, kiệt xuất trong bốn biển thì
cũng là lúc Giao Châu đã tự khẳng định vị thế của mình qua những đóng
góp lớn lao cho ngôi nhà chung Phật giáo Viễn Đông, điển hình là những
đóng góp về sau nầy của Thích Huệ Thắng và Thích Đạo Thiền. Như thế đủ
cho thấy rằng, không phải ngẫu nhiên mà Đàm Thiên của Nhà Tề bày tỏ sự
khen ngợi về tính lớn mạnh của Phật giáo Giao Châu như điều Thông Biện
dẫn cho thấy; cũng không phải liều lĩnh khi “tể tướng áo nâu” của nhà
Tề: Thích Huệ Lâm đã lánh nạn sang Giao Châu, chính vì Giao Châu, đất
nầy vốn là nơi “có đủ nhân tố đa văn hóa”. Người Lĩnh Nam lại có cái
nhìn phóng khoáng khi nhận định về tính chất giác ngộ cũng như về những
chủ đề an sinh xã hội khác có liên hệ học lí Phật giáo. Điển hình là Huệ
Năng, bậc Tổ đạo đời thứ 6 của Thiền Nam Đốn của Phật giáo Trung Quốc,
người đã từng nói: “[tánh] Phật không phân chia Nam Bắc, mọi người đều
có thể tu cầu, các loài dù trí hay ngu đều đồng một bản tính giác ngộ”
(Phật vô nam Bắc quân khả tu cầu, tình hữu trí ngu đồng tư giác ngộ).
Cho nên Giao Châu chẳng những là nơi “tìm sang lánh nạn” cho những bậc
“dị nhân phương Bắc” mà cũng là chốn vun thân cho những người “làm lại
cuộc đời” trước những biến cố lịch sử của thời đại trên vùng Hoa Bắc,
Hoa Nam.
Nhìn lại:
2000 năm lịch sử Phật
giáo Việt Nam, mạch ngầm của dòng chảy vẫn tiếp nối xuyên suốt qua các
thời kỳ. Tìm hiểu công hạnh danh đức cao Tăng Phật giáo Giao Châu vào
những thế kỷ thư IV và V, trên cơ sở SÁU LÁ THƯ, một tư liệu lịch sử
Phật giáo Việt Nam cùng những sự kiện lịch sử liên hệ, chúng tôi có mấy
điều tâm đắc sau đây:
+ Tiếp nối nền tảng pháp lí truyền giáo
Phật giáo Giao Châu từ Mâu Tử, Khương Tăng Hội để truyền lại cho đời
sau, Thích Huệ Thắng và Thích Đạo Thiền, những con người đã “giữ lòng
trinh bạch thẳng ngay” trước những biến cố lịch sử để đóng góp phần mình
cho chặng đường “giữ gìn kho tàng con mắt Chánh pháp” của tổ Đạo qua
các đời.
+ Trong bối cảnh Giao Châu bị trị thế mà Thích Huệ
Thắng, Thích Đạo Thiền, Thích Đàm Hoằng, họ đã biểu hiện nét “Thao minh
che kín, thường tỏ như ngu”, cũng như trước những biến cố tang thương
của lịch sử đưa đến từ nhiều phía, nhiều lúc, qua nhiều loại hình khác
nhau thật không thể nói hết, ấy thế mà từ nhỏ tới già, lòng Huệ Thắng
trinh bạch thẳng ngay. Thẳng ngay trước mọi thời vận để hoàn thành sứ
mạng đóng góp cho một chặng đường lịch sử xuyên suốt. Từ đó cho thấy
thời vận dù có hưng, suy, Huệ Thắng vẫn luôn giữ vững khí phách mình
theo đường tổ Đạo.
+ Đem người của sông Dĩnh để sánh ví và đồng
cảm thời vận với người núi Lô theo kiểu nói như thế, Thích Pháp Minh đã
tự khẳng định khí phách và thời vận mình để tự vươn lên. Một chặng đường
lịch sử đi qua, vai trò gìn giữ và truyền lại cho thế hệ sau “kho tàng
con mắt Chánh pháp” của tổ Đạo được hoàn thành.
Phật giáo Lưỡng
Tấn Nam Bắc triều của Trung Quốc có những bậc Rồng Voi trong cửa pháp,
những người đã làm nên sự rực rỡ, chẳng những cho Phật giáo Trung Quốc
mà còn cho cả Phật giáo Viễn Đông (Far East) nữa. Tiêu biểu trong số nầy
có Cưu-ma-la-thập (343-413), Thích Huệ Viễn (344-416), Thích Huệ Lâm,
Thích Đạo Sanh v.v… Họ là những ngôi sao trên nền trời Phật giáo
Đông-Tây Tấn; Phật giáo Nam-Bắc triều và họ có liên hệ gần xa với Phật
giáo Giao Châu.
Tranh biện về thuyết “Cảm ứng” cũng như những
chủ đề liên hệ được bàn cãi bởi Thích Đạo Cao, Thích Pháp Minh và Lí
Miễu, tất cả đã tạo nên một diễn đàn Phật giáo Giao Châu vào thế kỷ thứ
IV và nó càng rõ nét hơn khi Phật giáo Giao Châu đón nhận sự có mặt của
“Tể tướng áo nâu” Thích Huệ Lâm, người đến từ Trung Quốc. Khi diễn đàn
bàn cãi đến đỉnh cao, bấy giờ người ta ghi nhận một cuộc khủng hoảng
Phật giáo Giao Châu vào thế kỷ thứ V. Rồi Thích Huệ Thắng, Thích Đạo
Thiền là những ngọn đèn thiền học sau cùng của Phật giáo Giao Châu, cả
hai kết hợp sự đóng góp qua sự tự thiêu mang màu sắc Phật giáo đức tin
Tịnh Độ của Thích Đàm Hoằng, tất cả đã góp phần đưa Phật giáo Giao Châu
qua cơn khủng hoảng đương thời. Nhìn chung, với một nét Thiền học, một
nét Tịnh Độ học, cả hai đã tạo nên nét dung hợp Thiền Tịnh cho Phật giáo
Giao Châu.
Như vậy, Thích Đạo Cao, Thích Pháp Minh, Lí Miễu,
Thích Huệ Thắng, Thích Đạo Thiền, Thích Đàm Hoằng cùng những bậc danh
đức cao Tăng người nước ngoài có mặt đương thời, tất cả đã góp phần mình
xây dựng nên nền tảng học lí Thiền học Phật giáo Giao Châu vào thế kỷ
thứ V. Còn việc phát huy nên một tông phái Thiền học và làm hoàn chỉnh
tổ chức Thiền phái thì đó là sự nghiệp của Tỳ-ni-đa-lưu-chi và Pháp
Hiền. ❑
Tâm Phương
(Tập san Pháp Luân số 10)