Ngài
lại còn cảm hóa rất nhiều vua chúa, đại thần, trăm họ. Cho nên luôn luôn
Ngài được các vị Tỷ kheo, các vị Tỷ kheo ni, các nam cư sĩ và các nữ cư
sĩ, vua chúa, đại thần, ngoại đạo sư, ngoại đạo đệ đoanh vây tôn trọng,
hỏi pháp, cúng dường.
Điều chúng ta muốn tìm hiểu ở đây là Ngài
đã dùng pháp môn gì trong khi tiếp xúc với nhiều thành phần như vậy, mà
vẫn giữ phong thái giải thoát nhẹ nhàng của một vị "Đã tịnh chỉ tất cả
hành, đã chấm dứt mọi sanh y, đã diệt trừ khát ái, đạt đến ly tham, đoạn
diệt, Niết bàn". Như Ngài thuyết cho chúng ta rõ, Ngài đã an trú nội
không, ngoại không, nội ngoại không, bất động, như đã trình bày trong
Kinh Đại Không, số 122, Kinh Trung Bộ.
Ngài nói : "Những sự an
trú này, này Ànanda, đã được Như Lai hoàn toàn giác ngộ, tức là sau khi
không tác ý tất cả tướng, chứng đắc và an trú nội không. Và này Ànanda
trong khi Như Lai an trú trong an trú này, nếu có nhũng Tỷ kheo, Tỷ kheo
ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ, quốc vương, đại thần, ngoại đạo đệ tử đến yết
kiến, trong khi ấy, này Ananda, Như Lai với tâm hướng đến viễn ly, thiên
về viễn ly, nặng về viễn ly, sống độc cư, hoan hỷ trong ly dục, làm cho
đoạn tất cả pháp, dựa trên ấy các lậu hoặc an trú, nói lên tại chỗ ấy
những lời thuần túy liên hệ đến khích lệ". Như vậy Thế Tôn đã an trú nội
không, và nhờ an trú nội không, nên đã an trú rất nhiều. Và với kinh
nghiệm bản thân như vậy, nên Đức Phật đã dạy cho hàng đệ tử của mình
phương pháp an trú nội không này rất kỹ lưỡng và nhiều chi tiết như đã
ghi rõ trong Kinh Đại Không.
Trước khi an trú nội không, vị Tỷ kheo cần phải an định nội tâm,
tức là cần phải tu thiền, chứng đắc sơ thiền, thiền thứ hai, thiền thứ
ba, thiền thứ tư, chứng tỏ muốn an trú nội không có hiệu quả, vị hành
giả cần dựa trên sức mạnh của thiền lực. Có thiền lực thời an trú nội
không mới có kết quả.
Rồi người hành giả phải tự quan sát mình,
trong khi an trú nội không như vậy, tâm của mình có thích thú, tịnh tín,
an trú và hướng đến nội không, ngoại không, nội ngoại không, và bất
động hay không?
Nếu tâm mình chưa có hân hoan, thì người hành giả
cần phải an trú, an tọa, chuyên nhất và an định nội tâm trên định tướng
đã đề cập đến trước.
Sự hành trì này chỉ chấm dứt khi vi hàng
giả nhận thấy mình an trú nội không với tâm thích thú, hân hoan, tịnh
tín, an trú và hướng đến nội không. Người hành giả liên tục an trú nội
không, ngoại không, nội ngoại không, bất động, vị ấy ý thức rõ ràng như
vậy.
Trong khi vị ấy đang an trú với an trú này, nếu vị ấy hướng
đến đi kinh hành, với tâm an trú rằng: "Trong khi ta đi kinh hành, tham
và ưu, các ác bất thiện pháp không được chảy vào". Vị ấy phải tự mình ý
thức rõ ràng như vậy.
Cũng vậy khi vị ấy đứng lại, ngồi và nằm
xuống, luôn luôn trong uy nghi. Cử chỉ nào vị hành giả cũng giữ gìn
không tham ưu, các ác bất thiện pháp chảy vào. Trong khi vị ấy an trú
này, nếu vị hành giả nói, vị ấy sẽ không nói đến các lời nói phù phiếm
vô ích.
Vị ấy không nói đến các câu chuyện hạ liệt, đê tiện, phàm
phu, không xứng bậc Thánh, không liên hệ đến mục đích, không đưa đến
yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết bàn. Trái
lại, vị hành giả có nói, thời nói đến những lời khắc khổ, khai tâm, đưa
đến nhất hướng yếm ly, ly tham đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ,
Niết bàn, như là thiểu dục luận, tinh cần luận, tri, độc cư luận, bất
chúng hội luận, tinh cần luận, túc luận, giới luận, định luận, tuệ luận,
giải thoát luận, giải thoát tri kiến luận. Vị ấy nghĩ: "Ta sẽ nói những
luận như vậy". Ở đây vị ấy ý thức rõ ràng như vậy.
Lại nữa, vị
hành giả trong khi an trú với an trú như vậy, tâm vị ấy khởi lên những
suy tầm (Vitakka). Vị ấy không suy tầm đến các tầm hạ liệt, đê tiện,
phàm phu, không xứng bậc Thánh, không liên hệ đến mục đích, không đưa
đến yểm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết bàn,
như dục tầm, sân tầm, hại tầm. Trái lại, vị ấy suy tư đến các suy tầm có
khả năng cầu tiến, hướng dẫn người suy tầm đến đoạn trừ hoàn toàn khổ
đau, như dục ly tầm, vô sân tầm, bất hại tầm. Vị ấy nghĩ: "Ta sẽ suy tư
như các loại tầm này". Ở đây vị ấy ý thức rõ ràng như vậy.
Vị
hành giả có ý thức nhận định năm dục trưởng dưỡng (Kàmagunà), tức là sắc
đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon, xúc êm dịu. Nếu vị hành giả thấy
rằng mình còn tham dục đối với năm dục trưởng dưỡng, khả ái này, vị ấy ý
thức rõ ràng mình còn đang tham dục đối với năm dục trưởng dưỡng. Trái
lại, trong khi quan sát như vậy, biết rằng tâm mình không có tham dục
đối với năm dục trưởng dưỡng, thời vị ấy ý thức rõ ràng tâm mình không
có tham dục khởi lên đối với sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon,
xúc êm dịu. Vị ấy ý thức rõ ràng là như vậy đối với năm dục trưởng
dưỡng.
Còn đối với năm thủ uẩn, vị hành giả cần phải tùy quán
chúng để đoạn diệt chúng: Đây là sắc, đây là sắc tập khởi, đây là sắc
đoạn diệt. Đây là thọ, đây là thọ tập khởi, đây là thọ đoạn diệt. Đây là
tưởng, đây là tưởng tập khởi, đây là tưởng đoạn diệt. Đây là hành, đây
là hành tập khởi, đây là hành đoạn diệt. Đây là thức, đây là thức tập
khởi, đây là thức đoạn diệt.
Trong khi vị hành giả an trú tùy
quán sự sanh diệt của năm thủ uẩn này, nếu có ngã mạn (asminàna) nào
khởi lên đối với năm thủ uẩn, ngã mạn ấy được đoạn tận. Sự kiện là như
vậy, thời vị hành giả tuệ tri như sau: "Phàm có ngã mạn nào khởi lên nơi
Ta, Ta sẽ đoạn tận ngã mạn ấy". Ở đây vị ấy ý thức rõ ràng như vậy.
Cuối
cùng Đức Phật nhắc lại cho tôn giả Ànanda, những pháp ấy thuần nhứt,
liên hệ đến thiện, thuộc hiền thánh, siêu thế, vượt khỏi tầm của Ác ma.
Đó là những pháp nằm trong an trú nội không, ngoại không, nội ngoại
không, bất động. Chính nhờ những pháp này, người hành giả y như tu tập
hành trì, nhờ vậy, dầu cho có được người đời tôn trọng, cung kính, cúng
dường, cũng không rơi vào đọa lạc.
Cuối bài kinh này, thế tôn nói lên ba trường hợp khởi lên bất hạnh cho hàng đạo sư, cho hàng đệ tử và cho các vị tu Phạm Hạnh.
Thế
nào là sự bất hạnh cho vị Đạo sư? Có vị Đạo sư (chỉ cho ngoại đạo) lựa
một trú xứ xa vắng, trong rừng, dưới một gốc cây. Trong khi sống viễn ly
như vậy, vị ấy được các Ba La Môn, cả thị dân và nông dân bao vây xung
quanh, tôn trọng cúng dường. Vị Đạo sư ấy sanh tâm phóng dật, khởi lên
tham dục, rơi vào dục vọng, khởi lên tham ái, rơi vào đời sống đầy đủ
vật chất, trở lui lại vào đời sống sung túc. Như vậy được gọi là sự bất
hạnh cho các vị Đạo sư, vì các ác bất thiện pháp, tạp nhiễm, dẫn đến tái
sanh, đáng sợ hãi, đưa đến khổ quả, dẫn đến sanh già chết trong tương
lai, các pháp ấy tấn công vị Đạo sư. Như vậy là sự bất hạnh cho vị Đạo
sư.
Thế nào là sự bất hạnh cho vị đệ tử ? Vị đệ tử bắt chước vị
đạo sư của mình, lựa một trú xứ xa vắng, trong rừng núi thâm sâu. Khi
sống viễn ly như vậy người đệ tử được Bà la môn, gia chủ, cả thị dân,
nông dân bao vây xung quanh để tôn trọng cúng dường. Vị đệ tử ấy được
bao vây như vậy, khởi lên nhiễm tâm, rơi vào dục vọng, khởi lên tham ái,
trở lui lại đời sống sung túc. Như vậy được gọi là sự bất hạnh cho hàng
đệ tử, vì các ác bất thiện pháp tạp nhiễm, dẫn đến tái sanh, đáng sợ
hãi, đưa đến khổ quả, dẫn đến sanh già chết trong tương lai, các pháp ấy
tấn công người đệ tử. Như vậy là sự bất hạnh cho người đệ tử.
Như
thế nào là sự bất hạnh của các vị đồng tu Phạm hạnh? Ở đây, Như Lai
xuất hiện là bậc A La Hán Chánh Đẳng Giác. Ngài sống viễn ly tại một trú
xứ xa vắng, được các Ba la môn, gia chủ, thị dân, nông dân cúng dường
cung kính. Ngài không khởi lên nhiễm tâm, không rơi vào dục vọng, không
khởi lên tham ái, không trở lui lại đời sống sung túc. Có vị đệ tử của
bậc Đạo Sư sống theo hạnh viễn ly tại một trú xứ xa vắng. Trong khi sống
viễn ly như vậy, các Bà la môn, gia chủ, cả thị dân và nông dân đoanh
vây vị ấy để cung kính cúng dường. Được tôn trọng như vậy, vị đệ tử khởi
lên nhiễm tâm, rơi vào dục vọng, khởi lên tham ái, trở lại đời sống
sung túc. Như vậy gọi là bất hạnh cho các vị tu Phạm hạnh, vì các ác bất
thiện pháp, các pháp đáng sợ hãi, đưa đến sanh già chết trong tương lai
tấn công vị ấy. Như vậy là sự bất hạnh cho các vị tu Phạm hạnh.
Trong
ba sự bất hạnh này, nguy hiểm nhất là sự bất hạnh cho các vị đồng tu
Phạm hạnh, vì trước hết là có sự liên hệ trực tiếp đến Giáo hội Tăng già
của Đức Bổn Sư chúng ta. Sau nữa, vị đệ tử đã là đệ tử của Đức Bổn sư
lại không nghe lời giảng dạy của Đức Thế Tôn, không hành trì theo pháp
môn an trú nội không, ngoại không, nội ngoại không, bất động, cuối cùng
khởi lên tâm uế nhiễm và tâm tham ái, rơi vào các dục vọng, và trở lại
đời sống sung túc của một vị tại gia. Tác động của người đệ tử này đem
lại nhiều tai hại cho người đồng tu Phạm hạnh, cũng như đem lại nhiều
bất hạnh cho bản thân. Do vậy cuối cùng Đức Phật khuyên các đệ tử của
mình nên đối xử với Ngài với tâm thân hữu, không với tâm thù nghịch. Tâm
thân hữu ở nơi đây, chỉ có bậc Đạo Sư vì lòng từ mẫn thuyết pháp cho
các đệ tử, nói lên con đường đưa đến hạnh phúc cho người đệ tử. Và đệ tử
ở đây chịu nghe theo, chịu lắng tai, không chú tâm vào hướng khác, và
không ngượi lại đi xa lời dạy của bậc Đạo Sư. Ở trong Kinh này đối xử
với Ngài với tâm thân hữu là an trú nội không, ngoại không, an trú nội
ngoại không, an trú bất động. Chỉ có an trú như vậy, người đệ tử khi
được các Ba la môn, gia chủ, thị dân và nông dân bao quanh tôn trọng
cúng dường, vị đệ tử không có đổi khác, không có rơi vào dục vọng, không
khởi lên tâm tham ái, nhờ vậy không có trở lui đời sống sung túc, không
có hoàn tục.
Ở nơi đây, chúng ta chứng kiến tất cả lòng từ bi
thương tưởng của Đức Phật đối với chúng ta, các chúng đệ tử xuất gia và
tại gia của Ngài. Không những Ngài đã an trú nội không, ngoại không, nội
ngoại không, bất động không để giữ vững trạng thái an nhiên giải thoát
của một vị đã thật sự giải thoát, Ngài còn giảng dạy pháp môn ấy cho các
đệ tử của Ngài, để giúp đệ tử khỏi rơi vào sự bất hạnh của các vị đồng
tu Phạm hạnh. Nghĩa chữ Không trong kinh này được trình bày thật rõ
ràng. Tất cả những cung kính cúng dường đoanh vây vị hành giả, vị hành
giả đều quán với nội không, ngoại không, nội ngoại không, bất động, tức
là vị ấy hành trì hạnh viễn ly, hạnh độc cư, hạnh thiểu dục tri túc, và
đoạn tận các pháp, dựa trên ấy các pháp lậu hoặc có thể sanh khởi, vị
hành giả hoàn toàn đoạn tận các pháp ấy.
Như vậy là thật nghĩa chữ KHÔNG trong kinh Đại không.
(Kinh Đại Không, Trung Bộ 122)
Hòa thượng Thích Minh Châu