Đời thực của đại sư mang Phật giáo tới Trung Quốc
25/07/2011 03:38 (GMT+7)


Chính vì lẽ đó, người Trung Quốc mới tôn xưng vị cao tăng “ngoại quốc” này như là ông tổ khai sinh ra Phật giáo nơi đây. Tuy nhiên, có lẽ ít người biết rằng, trước khi trở vị đại sư lừng lẫy ở Trung Nguyên, An Thế Cao đã từng là một ông vua quyền lực xứ Tây Vực xa xôi…

Từ ông vua Tây VựcAn Thế Cao tên là Thanh, tự là Thế Cao, vốn là Thái tử của vương quốc An tức, một vương quốc cổ đại ở Tây Vực, nằm ở phía tây của châu Á, bao gồm khu vực lưỡng hà và cao nguyên Iran (Ba Tư cũ). Bởi vì những người từ nước An tức tới Trung Quốc đều được gọi là “An hầu” nên Thế Cao mới mang họ An, gọi là An Thế Cao. Khi An Thế Cao còn nhỏ đã nổi tiếng hiếu học và thông minh nên dù còn rất trẻ song kiến thức đã rất uyên bác. Trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, ngay cả những tiếng kêu của các loài chim thú, An Thế Cao đều thông thuộc như lòng bàn tay. Một lần, An Thế Cao đang đi trên đường, ngẩng đầu nhìn thấy một đám chim én bay ngang qua. Đột nhiên, An Thế Cao nói với những người bạn đi cùng rằng, bọn chim én nói với ông là một lát nữa sẽ có người mang đồ ăn tới tặng. Một lát sau quả thực lời tiên đoán của An Thế Cao ứng nghiệm. Mọi người đi cùng đều cảm thấy rất kỳ lạ. Một đồn mười, mười đồn trăm, trăm đồn nghìn… danh tiếng của vị Hoàng tử An tức được cả nước biết tới. Chẳng biết có phải vì sự kiện “nói chuyện với chim én” mà Hoàng tử Thế Cao trở thành một người có khả năng thần thánh hay trong mắt người dân xứ An tức hay không, song có một điều chắc chắn rằng, ngay sau đó, người ta đã thêu dệt ra đủ điều huyền bí xung quanh vị hoàng tử này. Một trong những truyền thuyết phổ biến vào thời bấy giờ chính là câu chuyện về kiếp trước của Hoàng tử Thế Cao.Chuyện kể rằng, kiếp trước, An Thế Cao là một người xuất gia. Khi đó, Thế Cao có một người bạn đồng môn rất hay đem lòng thù hận người khác. Mỗi lần đi khất thực nếu như gặp người dân nói những câu không hợp ý mình thì anh ta luôn thầm nguyền rủa họ bằng những lời ác độc. An Thế Cao biết vậy nên thường xuyên khuyên ngăn người bạn của mình. Tuy nhiên, bản tính khó thay đổi, người bạn của An Thế Cao vẫn chứng nào tật nấy.Sau hơn hai mươi năm ở cùng nhau, cuối cùng, An Thế Cao quyết đình chia tay người bạn này. Ông tìm tới gặp người bạn mình và nói: “Tôi giờ phải đi Quảng Châu để kết thúc nghiệp của mình. Sự nghiệp tu hành của ông đều tốt hơn tôi, tuy nhiên bản tính của ông là nóng nảy và hay thù hận vì vậy, sau khi ông chết chắc chắn sẽ đầu thai thành một thứ gì đó xấu xí. Nếu như tôi thành đạo thì nhất định tôi sẽ vì tình bạn lâu năm giữa chúng ta mà hóa độ cho ông”. An Thế Cao tới Quảng Châu thì gặp đúng lúc giặc giã hoành hành. Đang đi trên đường, bỗng An Thế Cao gặp một thiếu niên đằng đằng sát khí cầm giao tiến lại phía mình hét lớn: “Cuối cùng ta đã tìm được người rồi!”.An Thế Cao cười nói: “Trước đây ta thiếu cậu một mạng vì vậy mới đi hàng ngàn dặm tới nơi đây để trả lại món nợ này. Hiện giờ cậu đang rất giận dữ, chẳng qua là vì sự oán giận đã được tích tụ từ kiếp trước”. Nói xong, An Thế Cao chìa cổ mình về phía chàng thiếu niên nọ, không hề tỏ vẻ lo sợ. Vị thiếu niên này cũng vung thanh đao sáng lóa lên, không hề chùn tay, giết chết ngay An Thế Cao tại chỗ. Những người đứng xem xung quanh, không ai không cảm thấy ghê sợ.Sau khi cao tăng An Thế Cao của kiếp trước chết, linh hồn ông bay về nước An tức đầu thai trở thành vị hoàng tử nổi tiếng của nước này. Đó chính là lý do vì sao, ngay từ khi còn rất nhỏ, hoàng tử đã có một khả năng dị thường đến như vậy.Khi An Thế Cao lớn lên, gặp đúng lúc cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa các phe phái trong triều đình vương quốc An Tức đang diễn ra một cách quyết liệt. Nhìn thấy cảnh sống xa hoa, giả tạo lại luôn gằm ghè tìm mọi cách hãm hại lẫn nhau, An Thế Cao ngày càng chán nản cuộc sống nơi triều đình

Chính vì vậy, mặc dù sống trong hoàng cung, song An Thế Cao lại một lòng hướng Phật. Tuy chưa xuất gia nhưng trong cuộc sống hàng ngày nhất nhất đều tuân thủ theo những giới luật khắt khe như một đệ tử Phật môn. An Thế Cao còn thường xuyên tổ chức các buổi giảng kinh Phật cho những người tin theo Phật trong hậu cung nước An tức.

Cho tới một ngày, quốc vương nước An Tức qua đời. Vốn là hoàng tử tài năng xuất chúng, danh tiếng lan khắp cả nước, An Thế Cao được triều thần chọn làm người kế vị vua cha. Tuy nhiên, cái chết của người cha mà Thế Cao yêu mến đã có một ảnh hưởng lớn tới vị hoàng tử tài hoa. Đó là lúc An Thế Cao ngộ ra một cách triệt để cái chân lý của nhà Phật về sự vô thường, hư vô của cuộc sống hiện tại.

An Thế Cao

Vốn đã chán ghét cuộc sống xa hoa nơi triều đình giờ đây người cha yêu mến đã mất, Thế Cao không còn lý do gì để ở lại nơi cung cấm nữa. Chính vì vậy, sau khi lo xong đám táng cho cha xong, An Thế Cao trao ngai vàng lại cho người chú của mình rồi một mình rời bỏ hoàng cung An Tức, xuất gia làm sư, quyết tâm tu Phật.

Đến ông tổ Phật giáo Trung Quốc

Sau nhiều năm cầu học ở khắp nơi An Thế Cao cuối cùng cũng đã được các vị cao tăng tại nước An Tức cho phép rời khỏi chùa đi vân du để truyền bá Phật pháp, đồng thời cũng là để học hỏi thêm. Vào thời bấy giờ, Tây Vực nằm trên con đường giao thương buôn bán nối liền từ đông sang tây nên các nhà tu hành Ấn Độ thường xuyên xuất hiện tại đây để truyền bá đạo Phật. Cũng chính vì thế, Phật giáo ở Tây Vực thời điểm bấy giờ phát triển hơn nhiều so với vùng Trung Nguyên. Đó cũng là lý do sau khi học thành, An Thế Cao đã quyết định tới Trung Quốc để truyền bá Phật giáo cho người dân ở xứ sở này.

Thời điểm An Thế Cao tới Trung Quốc là vào đầu đời vua Hán Hoàn Đế (tại vị từ 147 tới 167) đời nhà Hán. Thực tế thì vào thời điểm này, Phật giáo đã theo con đường thông thương tới Trung Nguyên cả trăm năm trước, song người dân nơi đây đều coi Phật giáo như một loại phương thuật thần tiên, coi Phật như một đối tượng thần thánh để cúng tế, cầu sự trường sinh bất lão hay thực hiện những yêu cầu, tham vọng của mình. 

Sau khi đến Trung Nguyên, thấy sự nhầm lẫn của nhiều tín đồ đối với Phật giáo chân chính, An Thế Cao bắt đầu nảy ra ý định tìm cách giúp người dân nơi đây hiểu đúng về thứ Phật giáo nguyên thủy chân chính.
Làm thế nào để tất cả những người tin theo Phật pháp ở xứ sở rộng lớn mà mỗi nơi người ta lai nói bằng một thứ tiếng khác nhau như ở Trung Nguyên? Nếu như một mình có đi khắp các nơi dùng tài hùng biện để thuyết phục giảng giải cho mọi người thì dù có dành cả cuộc đời cho công việc đó cũng làm không xong. 

Tuy nhiên, nếu như viết thành những cuốn sách bằng ngôn ngữ của chính họ thì việc truyền bá sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Chính vì vậy, An Thế Cao mới quyết định rằng sẽ đem những kinh sách Phật giáo dịch từ chữ Phạn ra chữ Hán để người dân ở Trung Nguyên có thể đọc từ đó hiểu một cách đúng đắn về chân lý Phật giáo.

Sau khi học thành thạo chữ Hán, An Thế Cao bắt đầu việc dịch kinh sách Phật ra chữ Hán. Bằng trí thông minh và học vấn uyên thâm của mình, trong một thời gian ngắn, An Thế Cao đã dịch tới 35 bộ, 41 quyển kinh Phật khác nhau. Hầu hết những bộ kinh sách do An Thế Cao dịch từ thời điểm đó, đều trở thành sách kinh điển Phật giáo lưu truyền tại Trung Quốc trong suốt nhiều thế kỷ sau này.

Trong lịch sử, An Thế Cao là người đầu tiên tổ chức dịch kinh sách Phật giáo ra chữ Hán. Bắt đầu tự vị cao tăng ngoại quốc này, Trung Quốc mới xuất hiện Phật học, chính vì vậy, người ta vẫn coi An Thế Cao như là “ông tổ” của Phật giáo Trung Quốc.

Sau khi công việc biên dịch kinh Phật ở Lạc Dương, kinh đô nhà Hán lúc bấy giờ kết thúc, để tránh những cuộc chiến tranh diễn ra liên miên lúc bấy giờ, An Thế Cao rời Lạc Dương đi về phía nam để du ngoạn. Vốn đến từ Tây Vực, biết nhiều thuật lạ nên đi đến đâu, An Thế Cao cũng để lại sự tích huyền bí vẫn còn lưu truyền cho tới tận ngày. 

Người ta kể rằng, chính tại tỉnh Giang Tây, An Thế Cao đã gặp lại người bạn đầy lòng oán hận của kiếp trước trong hình hài một con rắn. Sau khi An Thế Cao hóa độ cho con rắn này, nó đã lột xác trở thành một chàng thiếu niên tuấn tú. 

Tuy nhiên, cuộc đời vị đại sư danh tiếng này lại không hề kết thúc có hậu như nhiều người nghĩ. Khi vân du tới vùng Chiết Giang của Trung Quốc, An Thế Cao đã bị một bọn cướp trên đường bắt rồi giết chết. Nhiều người nói rằng, việc An Thế Cao bị giết là do hiểu nhầm, song nhiều người khác thì lại khẳng định, An Thế Cao bị giết chính là do ông thường xuyên thi triển những bí thuật Tây Vực trong quá trình ngao du truyền bá Phật giáo của mình.

Theo Bằng Hư - Phunutoday

Các tin đã đăng: