Đạo An Đại Sư
Lê Bích Sơn (Dịch)
21/11/2011 07:45 (GMT+7)


Lời người dịch: Đạo An Đại Sư (314 – 385) là một trong những bậc “Ưu Kiệt Danh Tăng” của Phật giáo Trung Hoa. Ngài là người đã có công biện soạn bộ “Kinh Điển Mục Lục” (Chúng Kinh Mục Lục / An Lục) để sắp xếp, chỉnh lý lại tất cả những Kinh luận Phật giáo đã được phiên dịch sang Hán văn, kể từ khi Phật giáo du nhập vào Trung Hoa đến thời Ngài. Đạo An Đại Sư cũng là người đầu tiên khởi xướng việc lấy họ THÍCH làm họ chung cho những người xuất gia, và điều này trở thành thông lệ tồn tại mãi đến ngày nay. Xin gởi đến bạn đọc gần xa bài dịch đôi nét giản lược về cuộc đời Ngài.

     Ðạo An Ðại Sư vốn họ Vệ- Danh Tăng thời Ðông Tấn – người ở Phủ Thường Sơn (nay thuộc tỉnh Hà Bắc - Trung Quốc). Cha mẹ qua đời khi Ngài còn rất nhỏ, được người họ Khổng đem về làm con nuôi. Năm lên 7 được nghĩa phụ cho đi học chữ, tương truyền khi đi học mỗi cuốn sách chỉ cần đọc 2, 3 lần là Ðạo An có thể đọc thuộc lòng mà không sai một chữ, chính vì thế mà mọi người đều gọi Ðạo An là "thần đồng".

     Năm lên 12, Ðạo An phát tâm xuất gia đầu Phật, tuy bẩm chất thông minh mẫn cán, nhưng tướng vừa gầy da lại ngâm đen, nên Thầy cho Ðạo An cùng vài vị Tăng lớn tuổi trong chùa làm ruộng suốt mấy năm liền. Tuy bị Thầy cho đi làm công việc tầm thường, nhưng Ðạo An không một chút buồn. Mỗi ngày thức khuya dậy sớm làm lụng, dưỡng tánh trì giới, không cho tâm phóng túng. Vài năm sau, khi đã lớn Ðạo An được cử làm vườn quanh chùa. Một lần Ðạo An xin Sư phụ cho mượn kinh thư để đọc, Sư phụ bèn trao cho Ðạo An bộ "Biện Ý Kinh" (bộ kinh này khoảng 5.000 chữ), sau khi mượn được kinh, Ðạo An đến ngồi ngay thẳng dưới một gốc cây trong vườn chùa chăm chú đọc. Ðến tối, Ðạo An cung kính cầm bộ kinh quỳ mà gởi lại Sư phụ, lại xin mượn bộ kinh khác. Sư phụ thấy vậy cười nói: "Sáng nay mượn kinh đọc còn chưa xong, huống gì nói đến việc học thuộc. Giờ mượn nữa để làm gì?". Ðạo An kính cẩn thưa: "Bộ "Biện Ý Kinh" con đã đọc hết rồi và cũng đã thuộc". Tuy nghi ngờ nhưng Sư phụ cũng trao cho Ðạo An bộ "Thành Cụ Quang Minh Kinh" (bộ kinh này khoảng một vạn chữ). Hôm sau, lại như lần thứ nhất Đạo An cung kính gởi lại kinh cho Sư phụ và lại hỏi mượn tiếp. Khi Sư phụ tiếp bộ kinh rồi, Ðạo An liền đọc không sót chữ nào trong tư thế cung kính...

     Không bao lâu, Ðạo An thọ Cụ túc giới và được Sư phụ gởi du học khắp nơi. Cuối cùng được diện kiến và cầu học cùng Ngài Phật Ðồ Trừng, nhưng lại được Ngài Phật Ðồ Trừng hết sức coi trọng, thường cùng Ðạo An trao đổi sở học, luận bàn điển chương v.v... Ðại chúng trong chùa thấy vậy không bằng lòng mà cười chê Ðạo An. Biết tâm niệm trong chúng như vậy, ngài Phật Ðồ Trừng nhóm chúng mà nói: "Ðạo An tuy diện mạo không đẹp, nhưng kiến thức thì uyên bác vô cùng, trong chúng không ai sánh bằng, các ông không nên coi thường mà chế nhạo". Sau đó, Ngài Phật Ðồ Trừng đăng đàn thuyết pháp, nhờ Ðạo An vì chúng Tăng thuật lại. Ðạo An thuật lại không sót một câu và giải đáp mọi nghi vấn trong chúng. Bấy giờ mọi người mới tâm phục khẩu phục, viết một hàng chữ lớn trước chùa: "Thế Tăng Nhân, Kinh Tứ Lân" (Tạm dịch: Vị Tăng chăm chú bậc nhất, làm kinh động các nước láng giềng) để ca ngợi Ðạo An Ðại Sư.

   Ðến khi nước Tấn lâm vào chiến loạn, mọi người bỏ nhà lánh nạn, Ðạo An hai lần chia chúng cùng mình đi đến vùng đất khác hoằng dương chánh pháp, các chuyến hoằng pháp này có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của Phật Giáo Trung Hoa sau này. Tương truyền: Có một lần Ðạo An cùng Huệ Viễn mang theo 400 đệ tử vượt sông, đi mãi mà không thấy nhà dân, cuối cùng cũng gặp một ngôi nhà, trước nhà có trồng hai cây Mã Liễu, giữa hai cây treo một cái nón ngựa, trong cái nón có chứa một cái hộc đựng đầy lương thực. Ðạo An gọi với vào: "Lâm Bá Thăng thí chủ". Chủ nhà nghe tiếng lạ, từ nhà đi ra; Ðạo An Ðại Sư lại gọi: "Lâm Bá Thăng thí chủ". Chủ nhà ngạc nhiên vô cùng, lòng thầm nghĩ chưa bao giờ gặp mặt nhau tại sao lại gọi chính xác tên mình, cho là gặp được Thần Tăng, bèn thỉnh Ðạo An cùng chúng Tăng vào nhà tiếp đãi nồng nhiệt đến khi Ðạo An ra đi.

   Sau việc này, đồ chúng hỏi Ngài Ðạo An tại sao lại biết đích danh người thí chủ kia, Ngài bèn đáp: "Trước cổng nhà kia có trồng hai cây tức là hai chữ “Mộc”, hợp hai chữ “Mộc” lại tức thành chữ “Lâm”, ở giữa có treo cái hộc, một hộc là mười đấu, mười đấu là 100 thăng (một trăm thăng tức bá thăng) nên góp lại gọi là Lâm Bá Thăng". Nghe vậy mọi người đều vui cười mà càng thêm kính phục.

   Ðạo An Ðại Sư tính tình thông đĩnh, nghe rộng nhớ lâu, lại được Danh sư [1] dạy dỗ, không quản ngại việc tụng học, nghiên cứu kinh điển nhà Phật. Sau này, Ngài đến chùa Ngũ Trùng ở Trường An phó kinh, vì số đông Tăng chúng mà truyền dạy nghĩa lý thâm thúy Phật học. Ðồng thời chủ trì việc phiên dịch kinh Phật, cùng sư đệ Pháp Hòa giúp việc ghi chép. Ngài phiên dịch các bộ kinh: "A Hàm Kinh", "Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ", v.v... Và đọc tất cả các bộ kinh, luận thư, viết chú thích: "Ðạo Hạnh Phẩm Kinh", "An Ban Thủ Ý Kinh", "Nhân Bản Dục Sanh Kinh", v.v... cả thảy 24 quyển, những lời chú thích của Ngài vô cùng phong phú, văn phong gọn gàng, dễ hiểu. Và tập họp tất cả các bộ kinh, luận Phật giáo thành bộ "Kinh Ðiển Mục Lục".

   Ngài Ðạo An thâu nhận đệ tử xuất gia, quy y cửa Phật, chủ trương xóa bỏ tên đời (tục danh) nhất luật lấy họ "THÍCH" của Phật Tổ để gọi cho hàng xuất gia,chủ trương này ảnh hưởng sâu rộng với các nước theo Phật giáo phát triển (Phật Giáo Ðại Thừa) và duy trì đến ngày nay.

    Ngoài ra, Ngài hết mực chú trọng đến việc tạc tượng Phật. Khi Thứ Sử Lương Châu, Dương Hoằng Trung, tặng một vạn ký đồng đỏ, chuẩn bị làm trục thuyền và mui thuyền, Ðạo An Ðại Sư liền kiến nghị dùng số đồng ấy đúc tượng Phật. Sau khi tượng Phật cao lớn 1 trượng 6 thước được làm xong, Ðại Sư vui mừng nói: "Tượng Phật sớm thành, Ðạo An tịch cũng được rồi". Ngài còn cho đúc thêm một tượng Phật Di Lặc cao 7 thước đặt trước phủ Tần Vương; cũng sai đệ tử sang Tây Trúc thỉnh xá lợi Phật Tổ về tôn thờ, lễ bái.

    Ðạo An Ðại Sư không dừng lại ở việc học Phật uyên thâm, dịch kinh viết luận, mà còn trau giồi về phương diện sử học, văn vật. Ðương thời Ðại Sư, tại huyện Lam Ðiền có một cái đĩnh lớn, có thể chứa được 27 hộc [2], trên đĩnh có một bài minh văn cổ, mọi người xem đều không hiểu, bèn thỉnh Ðạo An Ðại Sư đến giải biện. Ðại Sư xem kỹ rồi nói: "Ðây là một bài minh viết bằng chữ triện cổ, bài minh nói rằng cái đĩnh này thuộc thời nhà Lỗ, được đặt tại nơi công sở để thu thuế mỗi năm" và đọc một mạch bài minh ấy. Một lần khác, có người bán ra một cái hộc bằng đồng trông rất đẹp, các hoa văn trên hộc được điêu khắc tinh xảo, trên hộc cũng có một bài minh mà mọi người đều không đọc được, lại thỉnh Ðại Sư đến giảng giải. Ðạo An xem xong, nói: "Bài minh này ghi rằng: đây là dụng cụ thống nhất để cân đong, mọi cái hộc khác phải tuân theo chuẩn này". Mọi người thời bấy giờ hết sức kính phục, các học sĩ trong triều có kiến nghi vấn đề học thuật gì đều tìm đến Ðạo An Ðại Sư thỉnh giáo. Kinh đô Trường An thời bấy giờ truyền tụng câu: "Học bất sư An, nghĩa bất trung nan". Ý nói về phương diện học thuật, nếu không đến Ðạo An Ðại Sư thỉnh giáo, làm sao có thể mở mang tri kiến, nắm bắt tinh túy.

    Mồng 8 tháng 2 năm 385, Ðạo An Ðại Sư vĩnh viễn từ giã cõi trần. Tương truyền, sanh tiền Ðại Sư hết mực tôn sùng, học hỏi phẩm đức của ngài Cưu Ma La Thập (Kumarajiva), nhưng ngài Cưu Ma La Thập đối với Ðạo An Ðại Sư cũng vô cùng kính trọng, gọi Ðạo An là "Ðông Phương Thánh Nhân".

 

Lê Bích Sơn,
Trích dịch từ tập "Thiền Cơ Diệu Ngộ", NXB Học Uyển, TQ, 1999.

GHI CHÚ:

(1) tức chỉ Ngài Phật Ðồ Trừng -Cao Tăng người Ấn Ðộ, đến kinh đô Lạc Dương khoảng năm 310 TL.

(2) hộc là một đơn vị đo lường xưa của Trung Quốc



Các tin đã đăng: