Nơi phát
tích dòng Phật Giáo Vĩnh Nghiêm
Một trong những nghiên cứu về dòng Phật Giáo Vĩnh Nghiêm là giáo sư
Nguyễn Đăng Thục (Thiền học Việt Nam) cho
rằng: “Dòng Phật Giáo Vĩnh Nghiêm nguyên lai phát
tích bắt đầu ở chùa Ðức La, thuộc xã Ðức La, tổng Trí Yên, Phủ Lang
Giang nay là Bắc Giang (Bắc Việt). Tên chữ của chùa là Vĩnh Nghiêm Tự”. Phan Phong Linh khi viết về
Vĩnh Nghiêm Tự (Bán Nguyệt san Văn Đàn - số
37, ngày 12-4-1956) cho rằng:
Ngôi bảo tự này không những là một nơi danh lam thắng cảnh của
tỉnh Bắc Giang mà chính là một cổ tích đệ nhất của địa hạt.
Sự tích của Vĩnh Nghiêm Tự
này, căn cứ theo "Bắc Giang Địa Chí" của ông Trịnh Như Tấn, hiệu
Nhật Nham (Tín Đức Thư Xã xuất bản) tháng 7 năm 1937 viết:
Theo tục truyền trong dân gian địa phương thì
chùa Vĩnh Nghiêm được xây dựng lên từ thời Lý Thái Tổ ( 1010-1028). Chùa
xây trên bờ sông Thương, cách tỉnh lỵ 18 cây số. Căn cứ vào bia ký thì
chùa này nổi tiếng kể từ đời nhà Trần, từ vua Trần Thánh Tông
(1258-1278) trở đi, thời nào cũng có vị Cao Tăng Thiền Sư đến trụ trì,
mỗi ngày một tu bổ thêm phần tráng lệ. Ðặc sắc
nhất là vào thời nhà Trần, chùa này đã đại diện cho dòng Thiền đặc biệt
Việt Nam, ấy là dòng Trúc Lâm Tam Tổ: Trần Nhân Tông (1279-1293) là Đệ
nhất tổ, Kiên Cương Pháp Loa là Đệ nhị tổ, và Huyền Quang là Đệ tam tổ.
Cả ba vị Tổ hiện nay (1937) đều có tượng thờ ở tại chùa Ðức La (Trịnh Như Tấn).
Dòng Phật Giáo Vĩnh Nghiêm
đời Trần
Tháng sáu năm 1293, vua
Trần Nhân Tông sau khi thoái vị nhường cho con là Anh Tông , xuất gia tu
hành ở hai chùa Vĩnh Nghiêm và Yên Tử, hạnh đầu đà quyên cơm áo của
chúng sinh, lấy hiệu là Hương Văn Ðại Ðầu Ðà hàng năm kiết hạ ở chùa
này. Trong dịp nhàn du cầu đạo, Ngài đi tới Nam Sách gặp con của Thuần
Mậu Công, tục gọi là Kiên Cương, là người thông minh có căn duyên bèn
cho thế phát thụ tam thừa giới phẩm và truyền đạo cho, đặt cho tên hiệu
là Pháp Loa, cho đi khắp nơi thuyết pháp giảng bộ "Truyền Ðăng Lục".
Năm Kỷ Hợi (1299) Vua vào
tu ở núi Yên Tử, lập trường giảng pháp độ tăng chùa Ngọc Vân, môn độ lần
lượt tìm đến kể hàng vạn, ngài còn đi khắp nơi sức cho nhân gian hủy bỏ
các dâm từ, khuyên làm điều thiện. Ði theo ngài thường có độ mươi người
đệ tử thân tín trong số có Pháp Loa Thiền Sư. Nhà sư thấy nhà vua nhiệt
thành với Phật Pháp, chịu đi đây đi đó, lặn lội trong quần chúng để tế
độ, nhiều lần có bạch: "Tôn Ðức bây giờ tuổi đã cao mà cứ xông pha mưa
gió vất vả cực khổ như vậy, lỡ khi nóng lạnh bất kỳ thì mạng Phật Pháp
trông cậy vào đâu?"
Ngài liền dạy: "Thời tiết
sắp đến rồi, ta chỉ còn đợi ngày giải thoát thôi".
Mười hôm sau, bà chị gái
Ngài là Thiên Thụy Công chúa đau nặng cho mời Ngài. Ngài đi đến thăm và
nói: "Nếu chị về cõi âm thì xin hãy đợi em!". Rồi Ngài trở về ngọn Tử
Tiêu Phong trên núi Yên Tử. Về núi Ngài dặn lại Pháp Loa mọi sự rồi ngồi
yên lặng mà hóa. Quả nhiên Ngài mất cùng ngày với bà Thiên Thụy. Khi
Ngài sắp tịch ở Am Ngọc Vân, Ngài gọi Pháp Loa bảo: "Ta sắp đi đây!"
Sau khi Ngài Hương Văn
viên tịch rồi, Pháp Loa làm lễ hỏa đàn, vua Anh Tôn cùng đình thần đem
linh cốt về an thờ ở Ðức Lăng, và xây tháp ở chùa Vân Yên, núi Yên Tử,
lấy tên là Huệ Quang Kim Tháp, và dâng tôn hiệu là "Ðại Thánh Trần Triều
Trúc Lâm Ðầu Ðà Tĩnh Tuệ Giác Hoàng Ðiều Ngự Tổ Phật".
Thích Mật Thể sau khi nói
Tự tích Trần Nhân Tông có kết luận rằng: "Xuất Thiền Tông ở ta - nói ở
Bắc thì đúng hơn - còn lưu truyền đến ngày nay là nhờ phái Yên Tử. Phái
Yên Tử được phát đạt là do Trúc Lâm Tam Tổ đứng đầu, mà Trần Nhân Tông
là đệ nhất Tổ vậy. Ngài tịch vào năm Long Hưng thứ 16 (1308) thọ 51
tuổi." (Việt Nam
Phật Giáo Sử Lược)
Sau khi Tổ Hương Vân viên
tịch, Tổ Pháp Loa phụng chiếu về chùa Vĩnh Nghiêm (Ðức La) thuyết pháp,
xếp đặt tăng chức và trông nom hơn một trăm ngôi chùa rải rác khắp trong
nước. Muốn nghiên cứu tường tận về Thiền Học của
phái Trúc Lâm Việt Nam
này, chúng ta phải dành riêng một chỗ khác, nay hãy theo dõi sự tích
chùa Vĩnh Nghiêm. Khoảng năm Canh Ngọ (1330),
niên hiệu Khai Hựu (1329-1341), Tổ Pháp Loa truyền đạo cho Huyền Quang,
rồi về chùa Quỳnh Lâm thuyết pháp. Mồng 3 tháng 3 năm ấy, Tổ Pháp Loa
viên tịch, được phong hiệu là "Tĩnh Chí Tôn Giả". Tháp đề là Viên Thông.
Tổ Pháp Loa là đệ nhị Tổ, còn tượng ở chùa Vĩnh Nghiêm (1937) (Ðức La).
Ngài có độ hơn 15.000 đệ tử Tăng Ni trong số ấy đắc pháp được đến 3000.
Ngài có soạn ra sách "Ðoạn Sách Lục" và "Tham Thiền Yếu Chỉ".
Tổ Huyền Quang, Ngài thuộc
làng Vạn Tải thuộc bộ Vũ Ninh, tỉnh Bắc Ninh bây giờ. Thủy Tổ là Lý Ôn
Hòa làm quan triều Lý Thần Tông, được sáu đời giúp nhà Lý. Ðến Ngài và
cha thì làm quan với nhà Trần. Năm Ngài mới chín tuổi đã thông minh dĩnh
ngộ lạ thường. Năm 21 tuổi, Ðại Tỉ Khoa trúng Trạng Nguyên, được phụng
tiếp sứ Tầu.
Một lần Ngài hộ giá đến
chùa Vĩnh Nghiêm (Ðức La) gặp Tổ Pháp Loa giảng đạo, bất giác Ngài tỉnh
ngộ. Khi về triều hai lần dâng biểu từ quan để xuất gia, rồi đến chùa
Vĩnh Nghiêm thụ giới. Tổ Pháp Loa đặt pháp hiệu là Huyền Quang. Ngài
thường cùng với Ðiều Ngự Giác Hoàng (Vua Nhân Tông) đệ nhất Tổ, Ngài
Pháp Loa đệ nhị Tổ đi chu du và thuyết pháp khắp trong nước. Sau khi Ngài tịch, vua ban hiệu là "Trúc Lâm Ðệ Tam
Ðại Tự Pháp Huyền Quang Tôn Giả". Hiện nay còn tượng ở chùa Vĩnh Nghiêm
(Ðức La).
Như thế cả ba Tổ dòng Trúc
Lâm đều đã lấy chùa Vĩnh Nghiêm làm trung tâm giảng đạo Thiền. Và đạo
Thiền dòng Trúc Lâm Tam Tổ là một nền thiền học dân tộc vậy.
Dòng Phật Giáo Vĩnh Nghiêm
thời Hậu Lê - Nguyễn
Ðến đời Hậu Lê, khoảng
niên hiệu Diên Ninh (1454-1459) có nội thị Tinh Thủ tăng tự là Chí Tín
Thượng Sĩ trùng tu Phật Tự. Ðến đời Lê Thế Tông, niên hiệu Quang Hưng
(1578-1599) có hai vị cư sĩ là Nguyễn Tự Nhiên và Nguyễn Phúc Mạch cùng
trùng tu. Người đứng hưng công Thái Bảo Ðà Quốc Công và Công Chúa Trưởng
Phúc Thành. Chùa Vĩnh Nghiêm mới lại thêm tráng lệ. Niên
hiệu Cảnh Hưng thứ 10, triều Lê Hiển Tông, trong nước loạn ly chùa Vĩnh
Nghiêm xiêu đổ, sau có Ni Sư Vũ Thị Lượng hiệu là Diệu Minh mới trùng
tu lại Phật Tự. Mãi đến cận kim thời đại, năm Minh Mạng thứ 11 (1831)
Hòa Thượng Lâm Tế Chính Tông trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm này, được vua tặng
phong "Giới Ðạo Ðộ Ðiệp Lâm Tế Chính Tông Kim Mã Hòa Thượng". Năm Tự Ðức thứ hai (1849) vị Tổ chùa Phù Lãng Trung
đến trụ trì, sau kế tiếp vị Hòa Thượng Tịnh Phương Sa Môn Pháp Huy tự
Tâm Viên mở trường thuyết pháp.
Ðến mùa xuân năm Thành
Thái thứ nhất (1889 Hòa Thượng Tâm Viên ngọa bệnh, cử đệ tử Thanh Tuyền
làm Chính Giám, và Thanh Hanh làm Phó Giám. Ngài Tâm Viên tịch vào 15
tháng 7 năm 1889. Mãi đến năm 1907 Sư cụ Thanh
Hanh mới đến ở hẳn chùa Vĩnh Nghiêm (Ðức La), tu sửa trong chùa, thuê
thợ khắc mộc bản Kinh Hoa Nghiêm. Cụ là một vị cao tăng Ðại Ðức, nên có
rất nhiều đồ đệ. Năm 1935 Hội Bắc Kỳ Phật Giáo
thành lập với mục đích chấn hưng Phật Giáo toàn quốc. Hội suy tôn cụ làm
Thiền Gia Pháp Chủ. Mùa đông năm 1936 cụ viên tịch ở chùa Vĩnh Nghiêm,
có các thân hào Pháp Nam
và mấy vạn tín đồ đến dự tang lễ.
Ðấy là đại lược sự tích
chùa Vĩnh Nghiêm, không những theo sát với ngàn năm độc lập của dân tộc,
mà còn đại diện cho cả một dòng Phật Giáo có sắc thái đặc biệt dân tộc,
phản chiếu các ý thức hệ dân tộc thời Lý Trần là thời oanh liệt nhất
lịch sử nước nhà. Ngày nay hai chữ Vĩnh Nghiêm đã
từ Việt Bắc di vào Sài Thành mang danh hiệu là miền Vĩnh Nghiêm. Mong
rằng miền Vĩnh Ngiêm này không chỉ là một nơi thờ tự, mà sẽ còn là một
trung tâm Phật Học dân tộc để cho bó đuốc Trúc Lâm Tam Tổ lại một phen
sáng chói với tinh thần "Phật Vô Nam Bắc" của bó đuốc Thiền Học Việt
Nam.
Tổ Vĩnh Nghiêm (Hòa thượng Thích Thanh Hanh, 1840-1936)
Tài liệu của học giả Trần
Văn Giáp (Tri Tân tạp chí 3-1944) có ghi: Tổ Vĩnh Nghiêm thế danh là
Nguyễn Thanh Ðàm, pháp hiệu Thanh Hanh, sinh năm 1840 tại làng Thanh
Liệt, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Ðông trong một gia đình lễ giáo. Năm 7
tuổi (1847), Tổ đã được học chữ nho. Vốn thiên tư đĩnh ngộ, tính hạnh
chuyên cần nên việc học hành tiến triển nhanh chóng. Nhưng Tổ cảm thấy
không thích sống cuộc đời trần tục, mà luôn luôn có hướng muốn xuất gia
độ thế. Sau nhiều lần xin phép song thân cho đi tìm cuộc sống thanh
thoát nơi cửa thiền, cuối cùng, Tổ đã được toại nguyện.
Năm 10 tuổi (1850), Tổ
làm lễ xuất gia với Hòa thượng họ Nguyễn chùa Hòe Nhai (Hòa Giai) Hà
Nội. Năm 18 tuổi (1858), Tổ về chùa Vĩnh Nghiêm
tỉnh Bắc Giang tiếp tục tu học dưới sự chỉ dạy của Hòa Thượng Tâm Viên.
Năm 20 tuổi (1860), Tổ thọ Cụ túc giới Ðại giới đàn chùa Vĩnh Nghiêm,
rồi tiếp tục lưu lại tu tập, nghiên cứu giáo lý. Tổ trở thành nhân vật
rường cột của sơn môn. Năm 30 tuổi (1970), giáo
pháp đã thông, thiền đạo đã thấu, Tổ được Nghiệp sư cử vào Ninh Bình
giảng dạy Phật Pháp cho chư tăng ni. Ròng rã ba mươi năm, khi ở chùa
Phượng Ban, lúc qua chùa Phúc Tỉnh hay về chùa Hoàng Kim... ở đâu, lúc
nào, Tổ luôn tâm niệm:
Hoằng dương chính pháp
bằng giáo hóa tăng ni và làm lợi lạc cho quần sinh là phận sự, sứ mệnh
của người xuất gia. Nhờ vậy, nhiều đệ tử tăng, tục của Tổ trở thành
những bậc đạo hạnh, tín căn kiên cố.
Phật sự của Tổ ngày
càng nhiều hơn. Năm 60 tuổi (1900), Hòa thượng
Thanh Tuyền (sư huynh của Tổ) viên tịch. Khi trở về tổ đình thọ tang, Tổ
được sơn môn bầu vào ngôi vị Kế Ðăng. Từ đó, mọi người thường gọi là Tổ
Vĩnh Nghiêm. Ở ngôi vị Trưởng Thủ Tổ Ðình, một sơn môn lớn vào bậc nhất
miền Bắc, dù công việc điều hành đa đoan, Tổ vẫn luôn vân du hoằng
dương chính pháp, lưu tâm đến việc đào tạo tăng tài, bồi dưỡng lớp kế
thừa. Nhờ vậy, Phật Giáo miền Bắc thời đó tiến triển hơn nhiều.
Tổ thường xuyên tới Trường
Viễn Ðông Bác Cổ (E.F.E.O) ở Hà Nội, tìm tòi Tam Tạng Kinh Ðiển Ðại
Thừa, xin phép sao chép về khắc ván ấn hành phổ biến. Bước đi tiên
phong của Tổ đã gây được phong trào các sơn môn lớn miền Bắc sao chép và
phổ biến kinh sách, giúp các tăng ni, cư sĩ tại gia có tài liệu tham
cứu. Ngoài ra còn liên hệ với Hội Nghiên Cứu Đông Dương (Société
Des Etudes Indochinoises) để tìm kiếm những kinh điển Phật Giáo khác. Các bộ Kinh quý hiếm như: Hoa Nghiêm Sớ Tấu, Ðại Bát
nhã, Ðại Bảo Tích, Duy Ma Cật, Trường A Hàm, cùng các bộ Luật: Tứ Phần
Tu Trì, Trùng Trị Tục Khắc, các Luận về môn Duy thức với bộ: Phụ Giáo
Biên... đều được khắc ván ấn hành với lời Tựa và lời Bạt của Tổ (Theo Tâm Hoà Ngô Mạnh Thu - Kỷ Yếu Vĩnh Nghiêm Hải Ngoại - Năm 2000).
Cũng theo tác giả trên
thì: Một trong những vấn đề Tổ
Vĩnh Nghiêm luôn quan tâm nhất là việc chấn hưng Phật giáo, quy tụ các
sơn môn về một mối. Sự hoạt động của Tổ và các
tăng hữu cho mục đích cao cả đó vang động khắp nơi trong nước. Năm 1928,
Hòa thượng Khánh Hòa ở miền Nam cử thiền sư Thiện Chiếu
ra Bắc gặp Tổ và các sơn môn để bàn việc thành lập Việt Nam Phật Giáo
Tổng Hội. Vì cơ duyên chưa thuận nên chưa tiến triển ngay được. Nhưng Tổ
vẫn âm thầm, miệt mài với nền thống nhất. Những năm sau đó: miền Nam
(1931), miền Trung (1933), miền Bắc (1934), lần lượt các Hội Phật Giáo
được thành lập. Hội Bắc Kỳ Phật Giáo đã cung thỉnh Tổ Vĩnh Nghiêm lên
làm Thiền Gia Pháp Chủ. Lúc đó, Tổ đã chín mươi tư tuổi, sức khỏe đã
giảm sút nhiều. Nhưng vì nguyện ước Thống Nhất Phật Ðạo ấp ủ từ bao năm
đã thành sự thực, nên Tổ hoan hỉ nhận trách nhiệm nặng nề ấy. Trong lễ
suy tôn, tổ chức rất long trọng tại chùa Quán Sứ - Hà Nội - ngày 23
tháng 12 năm 1934, Tổ đã kêu gọi tăng ni hãy theo phép Lục hòa Phật dạy
mà bỏ đi dị biệt của tông nọ phái kia để hết lòng chấn hưng Phật Giáo.
Sau bao năm tận tụy
phục vụ đạo pháp, đào tạo tăng tài, góp công sức cho phong trào Chấn
Hưng Phật Giáo, hòa giải sai biệt, đưa các sơn môn miền Bắc về chung một
mái nhà, ngày Mồng Tám tháng Chạp năm Bính Tý (1936), Tổ an nhiên viên
tịch tại chùa Vĩnh Nghiêm, thọ chín mươi sáu tuổi đời, tám mươi sáu tuổi
đạo.
Ý nguyện của Tổ Vĩnh
Nghiêm: "hòa hợp Tăng già, thịnh hưng Phật đạo để làm mẫu mực cho đời và
giải thoát quần sinh" sẽ còn mãi trong tâm các hàng Phật tử.