Hòa thượng Narada (1898-1983) (Narada Maha
Thera) có thế danh là Sumanapala. Ngài sinh vào ngày 17 tháng 7, 1898 tại
Kotahena, ngoại ô thành phố Colombo, thủ đô của nước Tích Lan (Sri Lanka). Ngài
xuất thân từ một gia đình trung lưu trí thức, và được gửi đi học cấp tiểu học
và trung học của nhà dòng La-san đạo Gia-tô. Dù rằng ngài đã được đào tạo trong
môi trường đạo Thiên Chúa, ngài lúc nào cũng hâm mộ đạo Phật và học tập Phật
Pháp từ một người chú, và ngài học thêm tiếng Sanskrit từ Hòa thượng Palita,
tham dự nhiều khóa giáo lý vào các ngày cuối tuần tại chùa Paramananda trong
vùng.
Năm 18 tuổi ngài quyết định xuất
gia, thọ giới Sa di với pháp danh là Narada, vị thầy bổn sư là Hòa thượng
Vajiranana, một vị danh tăng vào thời đó. Thầy truyền giới là Hòa thượng
Revata, và thầy truyền pháp là Tỳ kheo Pelene. Sau đó, ngài theo học các khóa
Vi Diệu Pháp và Ngữ học Ðông phương.
Sa di Narada thọ giới cụ túc (tỳ
kheo) vào năm lên 20 tuổi. Ngài được gửi đi học các khóa Ðạo đức học và Triết
học tại Ðại học Tích Lan (Ceylon University College), với nhiều giáo sư danh
tiếng như Ðại đức Sumangala, Tiến sĩ Chandrasena, và Bác sĩ Pereira (về sau
xuất gia, và trở thành Ðại đức Kassapa rất nổi tiếng).
Năm 30 tuổi, ngài được cử đi tham dự
lễ khánh thành chùa Mulagandhakuti tại Saranath (Xa-nặc), Benares (Ba-na-lại),
Ấn Ðộ, và tham gia các công tác hoằng pháp tại đó. Trong thời gian này, ngài có
dịp công tác với ông Jawaharial Nehru mà về sau trở thành vị thủ tướng đầu tiên
của Ấn Ðộ.
Ít lâu sau ngài được cử đi truyền
giáo tại Trung Quốc và các nước Ðông Nam Á -- Cam Bốt, Lào, Việt Nam, Nam
Dương, Mã Lai. Tại những nơi này, ngài thường được tiếp đón rất nồng hậu. Quốc
vương Cam Bốt tôn vinh ngài là Ðức Ðại Tôn Giả (Sri Maha Sadhu).
Ngoài ra ngài còn có nhiều chuyến đi
truyền đạo tại các nước Tây phương. Năm 1955, ngài sang Úc, và giúp tổ chức các
hội Phật Giáo địa phương tại các bang New South Wales, Victoria, Tasmania và
Queensland. Năm 1956, ngài du hành sang Anh quốc, tổ chức cử hành lễ Tưởng Niệm
2.500 năm sau ngày Ðại Bát Niết Bàn của Ðức Phật. Sau đó ngài giúp củng cố Phật
sự và xây dựng ngôi chùa danh tiếng mang tên Chùa Phật Giáo Luân Ðôn (London
Buddhist Vihara). Ngài sang Hoa Kỳ hoằng pháp, và được cung thỉnh thuyết giảng
về đề tài "Ðức Phật và Triết lý đạo Phật" tại đài kỷ niệm Washington
(Washington Memorial) trước một cử tọa rất đông đảo. Ngài là một sứ giả Như Lai
rất hăng hái và nhiệt tình, thu hút được nhiều người nghe, và lúc nào cũng
khuyến khích thành lập các hội Phật Giáo địa phương để bồi đắp công trình hoằng
dương đạo pháp.
Ngài có nhiều gắn bó với đất nước và
Phật tử Việt Nam. Ngài đã từng đến Việt Nam vào đầu thập niên 1930, mang theo
nhiều nhánh cây bồ đề để trồng tại nhiều nơi trong nước: Phú Lâm (Chợ Lớn), Cần
Thơ, Châu Ðốc, Vĩnh Long ở miền Tây Nam bộ, Biên Hòa, Phước Tuy, Vũng Tàu ở
miền Ðông Nam bộ, ra đến miền Trung (Ðà Lạt, Huế) và miền Bắc (Vinh, Hà Nội).
Trong thập niên 1950, khi Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam được thành
lập, ngài đến Việt Nam nhiều lần để thuyết pháp, hằng tuần tại chùa Kỳ Viên
(Quận Ba, Sài Gòn) thu hút đông đảo Phật tử đến nghe, và có rất nhiều người đến
xin quy y với ngài. Ðặc biệt là vào năm 1963, ngài đã khuyến khích ủng hộ công
tác xây cất bảo tháp Thích Ca Phật Ðài tại Vũng Tàu, ngày nay được xem như là
một di tích lịch sử. Ngoài ra, ngài còn giúp xây dựng một bảo tháp khác ở Vĩnh
Long.
Ngoài các thời thuyết pháp và công
tác tổ chức Phật sự, ngài còn hướng dẫn các lớp Vi Diệu Pháp và các khóa hành
thiền, khuyến khích việc phiên dịch các sách Phật Pháp sang Việt ngữ để truyền
bá rộng rãi. Các tập sách nhỏ sau đây đã được chuyển dịch:
- Hạnh Phúc Gia Ðình (Parents and
Children),
- Phật Giáo - Di Sản Tinh Thần của Dân Tộc Việt Nam (Buddhism - Heritage of
Vietnam),
- Phật Giáo Tóm Lược (Buddhism in a Nutshell),
- Tứ Vô Lượng Tâm (Brahma Vihara),
- Những Vấn Ðề của Kiếp Nhân Sinh (The Problems of Life),
- Những Bước Thăng Trầm (The Eight Worldly Conditions),
- Kinh Niệm Xứ (Satipatthana Sutta),
- Kinh Pháp Cú (The Dhammapada)
v.v.
Ðặc biệt nhất là quyển "Ðức
Phật và Phật Pháp" (The Buddha and His Teachings) đã được xuất bản tại
Sài Gòn bằng hai thứ tiếng: Anh và Việt. Bản Việt ngữ do ông Phạm Kim Khánh
chuyển dịch, với 4.000 quyển đầu tiên được in ra vào năm 1970, và sau đó một
năm, lại được tái bản thêm 4.000 quyển. Từ đó đến nay, quyển này đã được in lại
rất nhiều lần, trong nước cũng như tại hải ngoại, và đã được xem như là một
trong những tài liệu căn bản quan trọng trong các khóa Phật học. Gần đây
(1999), ông Khánh đã hiệu đính lại bản dịch đó, dựa theo ấn bản Anh ngữ cuối
cùng trước khi ngài viên tịch.
Ngài viên tịch vào ngày Chủ Nhật 2
tháng 10, 1983, hưởng thọ 85 tuổi, tại chùa Vajirarama nơi ngài làm Tăng trưởng
Chưởng quản trong những năm cuối của đời ngài. Tang lễ được chính phủ và Phật
tử Tích Lan cử hành trọng thể như là một quốc táng.
Theo lời của ông Phạm Kim Khánh,
"...Phần đóng góp của ngài vào công trình hoằng dương giáo pháp thật mênh
mông rộng lớn. Ngài là một vị cao tăng nổi tiếng là một nhà truyền giáo lỗi
lạc, một giảng sư có tài diễn giải những điểm thâm sâu của Phật Giáo một cách
giản dị và rõ ràng. Ngài làm việc không biết mệt để rải khắp mọi nơi bức thông
điệp hòa bình đượm nhuần từ bi và trí tuệ của Ðức Bổn Sư. Ngài cũng là tác giả
của nhiều quyển sách Phật Giáo đã được truyền bá rộng rãi khắp thế giới."
Và ông Premadasa, thủ tướng Tích Lan năm 1979, kết luận: "...Ngài đã dành
trọn cuộc đời mình -- qua một cách vị tha bất cầu lợi -- để phụng sự cho hòa
bình trên thế giới và đem lại hạnh phúc an lành cho nhân loại."
Sau đây là lời nhắn nhủ của Hòa
thượng Narada, gửi đến các Phật tử Việt, trong Lời Mở Ðầu của quyển "Ðức
Phật và Phật Pháp":
Nước Việt
Nam tương đối bé nhỏ, nhưng người Việt Nam dũng cảm, cần mẩn, tinh xảo, đủ trí
năng và đạo hạnh.
Chia rẽ,
quí vị sẽ yếu dần. Ðoàn kết, quí vị sẽ mạnh lên. "Samagga hotha" --
Hãy đoàn kết lại -- là lời kêu gọi thiết tha của Ðức Phật.
Ðược một
vị Phật ra đời là hi hữu !
Ðược một giáo lý cao minh là hi hữu !
Ðược tái sanh làm người là hi hữu !
Ðời sống,
mặc dầu quí, quả thật là bấp bênh, vô định. Cái chết, trái lại, là điều không
thể cưỡng, và nó sẽ đến, chắc như thế. Vậy, quí vị hãy sử dụng xứng đáng khoảng
thời gian ngắn ngủi của kiếp sống nầy, cố gắng trở thành nguồn hạnh phúc cho
chính mình, cho quê hương mình, và cho toàn thể nhơn loại.
Phục vụ để trở nên hoàn toàn. Hoàn toàn để phục vụ.
Với Từ Bi,
Narada Maha Thera,
Sài gòn, 1970
Tham khảo:
1- Piyadassi Thera, Ed. (1979).
Narada Felicitation Volume. Buddhist Publication Society, Kandy, Sri Lanka.
2- Phạm Kim Khánh (1991). Narada Maha Thera. Seattle, Hoa Kỳ.
Bình Anson
Perth, Western Australia, tháng 10-1999