Ngàn năm TL-HN và PGVN: Sức mạnh chính nghĩa từ đầu nguồn văn hóa TL
HT. Thích Chơn Thiện
22/05/2010 00:38 (GMT+7)


Khi vua Trần Thái Tông bỏ ngôi báu vào núi Yên Tử xuất gia, thiền sư Viên Chứng khuyên rằng: “Trong núi vốn không có Phật. Phật ở trong tâm ta. Nếu tâm lắng, tuệ hiện, đó chính là Phật. Nếu bệ hạ giác ngộ được tâm ấy thì thành Phật ngay tại chỗ, không phải đi tìm Phật cực khổ ở bên ngoài. Phàm làm đấng nhân quân, thì phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, và tâm của thiên hạ làm tâm của mình. Nay thiên hạ muốn bệ hạ về, bệ hạ không về sao được? Chỉ mong bệ hạ đừng xao lãng việc nghiên cứu Phật học”.

Thuận lời thiền sư, vua Thái Tông trở về vừa  nhiếp chính, vừa học, vừa tu niệm giải thoát. Ông là vị vua đầu tiên của Việt Nam nhuần nhuyễn hai mặt đạo đời, mở ra hướng đi riêng cho Phật giáo Việt Nam. Tự thân vua Thái Tông và triều đình Trần Thái Tông là biểu hiện sinh động: Dân tộc Việt Nam và Phật giáo Việt Nam là một.

Dĩ thiên hạ tâm vi tâm, dĩ thiên hạ dục vi dục (… lấy ý muốn thiên hạ  làm ý muốn của mình và tâm thiên hạ làm tâm của mình) - lời khuyên của thiền sư Viên Chứng (Trúc Lâm quốc sư) với Trần Thái Tông, theo ngôn ngữ thời nay là: hãy lắng nghe ý dân và phục vụ ý dân.

Ở chính điểm này, tư duy của nhà Trần và tư duy của Hồ Chủ tịch gặp gỡ nhau. Hồ Chủ tịch nói: “ngoài việc phục vụ đất nước, nhân dân, Đảng ta không còn lợi ích nào khác”.

Câu  nói của Trúc Lâm Quốc sư rất Đại thừa Phật giáo mà rất chính trị. Câu nói của Hồ chủ tịch rất chính trị, nói theo ngôn ngữ mới, bối cảnh mới của phương thức cách mạng mới mà rất đạo.

Tư tưởng lớn gặp  nhau, văn hóa và linh hồn văn hóa dân tộc gặp nhau - Tư tưởng hoàn toàn Việt Nam từ đầu nguồn văn hóa Thăng Long.

Suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, suốt chiều dài nghìn năm Thăng Long, con đường của dân tộc không thay đổi, mục tiêu của dân tộc không thay đổi mà chỉ thay đổi tư duy và phương thức, đổi mới ngôn ngữ...

Đấy là cội rễ chính nghĩa bám sâu vào cội rễ của dân tộc. Sức mạnh diệu kỳ, sức mạnh để chiến thắng các thế lực ngoại bang của Việt Nam không có gì thần bí. Sức mạnh không từ trên không xuống, không từ phía ngoài đến. Sức mạnh ở ngay trong lòng dân tộc, ngay dưới thời lãnh đạo của Trần Nhân Tông.

Sức mạnh ấy đến từ: sức mạnh tinh thần của nhân dân, sức mạnh tinh thần của giai cấp lãnh đạo, sức mạnh của đoàn kết vua tôi trên dưới một lòng bảo vệ chính nghĩa, bảo vệ nền tự chủ.

Vua quan và tướng lĩnh đời Trần thấm nhuần giáo lý thiền định, trí tuệ Phật giáo, vô ngã, vô úy, vô chấp. Bởi thế, rất dễ hiểu, thời điểm này có Hội nghị Diên Hồng, Bình Than tẩy sạch các mâu thuẫn cá nhân, tạo nên sức mạnh tâm lý.

Chiến thắng quân Nguyên Mông của nhà Trần không phải là một phép lạ. Nếu nói chiến thắng là một phép lạ thì phép lạ đó chính là sức mạnh của nguồn năng lượng tâm lý của dân tộc được khơi gợi. Nguồn tâm lý này được thuật ngữ Phật giáo gọi là tâm giải thoát (sức mạnh của định lực, của thiền định...).

Sức mạnh của chính nghĩa. Chính nghĩa quyết định thành công. Chính nghĩa là linh hồn của dân tộc, trí tuệ là trí tuệ của dân tộc.

Phật giáo đến Việt Nam từ thế kỷ thứ nhất, thứ hai Tây lịch, phát triển mạnh từ Trung tâm Phật học Luy Lâu. Từ quyết sách tôn giáo của Lý Thái Tổ, Phật giáo phát triển huy hoàng đến tận cuối đời Trần, liên tục 400 năm lịch sử. Nhân dân chịu ảnh hưởng đậm đà từ văn hóa Phật giáo từ thời Lý, thời Trần đã nuôi sống và làm mạnh thêm ý chí độc lập, tự chủ, tự tín, lòng nhân ái, tình đồng bào, đặc biệt là nuôi dưỡng tâm lý ghét bỏ nô lệ và không sợ hãi.

Vào thời điểm lịch sử quyết định sinh tồn, thì sức mạnh tinh thần ấy bung dậy, bốc cháy. Làm sao lại có thể không bốc cháy để đốt cháy đội quân xâm lược?

Thơ văn Lý Trần, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, năm 1988 đã nhận định: “Ông (Trần Nhân Tông) sáng lập ra dòng thiền Trúc Lâm ở Việt Nam đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tinh thần của người Việt đương thời, mặt khác cũng góp phần xây dựng một nước Đại Việt có quy mô bề thế, có văn hóa, văn minh, độc lập, chống lại những ảnh hưởng ngoại lai, phi dân tộc”.

Ý thức phát huy tư tưởng, triết lý, giáo lý đạo Phật của triều Lý - Trần là ý thức chính trị của các cấp lãnh đạo đất nước. Và bởi vậy, Phật giáo đồng hành với dân tộc.

Ngày nay Phật giáo Việt Nam đang đi những bước tiếp nối giữa lòng đất nước đang phát triển.

Theo: Người đại biểu Nhân dân

Các tin đã đăng: