A. Bề Lưng của bán đảo Ấn Trung: Việt Nam
là cái lưng của bán đảo Ấn Trung, vị trí của bán đảo nầy nằm giữa Ấn Ðộ và
Trung Hoa. Vì địa thế nằm giữa hai nước lớn có nền văn hóa cổ xưa nhất của nhân
loại nên đương nhiên Việt Nam có ảnh hưởng cả hai nền văn hóa đó, kể cả tôn
giáo.
Từ phương Bắc, Trung Quốc đã tràn xuống
chiếm cứ đất đai với âm mưu đồng hóa dân Việt, biến Việt Nam thành một phần
lãnh thổ của họ. Do đó dân Việt chiến đấu không ngừng để sống còn và giữ gìn sự
độc lập của mình, thế nhưng không tránh khỏi sự ảnh hưởng qua lại về ngôn ngữ,
văn hóa và tôn giáo ...
Từ
phía Tây, Ấn Ðộ trong cao trào bành trướng văn minh văn hóa, tôn giáo của họ ra
các nước chung quanh có tính cách ôn hòa, hòa bình, vì lúc đầu chỉ là mục đích
giao thương qua lại, sau đó nhờ giáo lý cao sâu bất bạo động của Phật Giáo đã
đi vào lòng người một cách tự nhiên, dễ dung hợp với các nền văn hóa địa
phương. Do đó người Ấn Ðộ đã gây được ảnh hưởng rất sâu rộng ra các nước chung
quanh. Bằng chứng cho thấy rằng Phật Giáo có số tín đồ đông nhất trên thế giới
hiện nay.
Từ
trước đến nay có rất nhiều giả thuyết về thời điểm và phương hướng của sự du
nhập Phật Giáo vào Việt Nam. Thông thường có nhiều sách sử cũ tin rằng Phật
Giáo từ Trung Hoa truyền vào Việt Nam. Ðiều đó không đúng.
Khởi
nguyên Phật Giáo Việt Nam phải nói là được thương nhân theo đạo Phật và các
Tăng sĩ người Ấn Ðộ trực tiếp truyền vào Việt Nam.
Sau
đây xin được dẫn chứng các dữ kiện lịch sử, các tài liệu để minh chứng những
tuyến đường và thời điểm du nhập của Phật Giáo từ Ấn Ðộ vào Việt Nam.
B. Phương cách và các tuyến đường du nhập
Sau
khi bình phục được toàn cõi Ấn Ðộ, vua A-Dục (Asoka) lên ngôi năm 273 trước Tây
lịch làm vua được 37 năm. Ông là một Phật tử rất thuần thành trị nước an dân
bằng tinh thần Bi Trí Dũng của Phật Giáo. Ấn Ðộ dưới thời ông trị vì rất thái
bình thịnh vượng. Ông rất hăng say trong việc chấn hưng Phật Giáo nên đã cho
dựng trên 84.000 tháp thờ Phật trên toàn cõi Ấn Ðộ. Ðồng thời nhà vua cũng cho
dựng vô số những trụ đá tại những nơi di tích của Ðức Phật như tại vườn Lâm Tỳ
Ni nay nằm trong địa phận nước Nepal nơi Ðức Phật Ðản Sanh, tại Bồ Ðề Ðạo Tràng
nơi Ðức Phật thành đạo, tại Lộc Uyển nơi Ðức Phật thuyết pháp lần đầu tiên, tại
rừng Ta La Song Thọ nơi Ðức Phật nhâp Niết Bàn ...
Nhờ
những trụ đá A-Dục các nhà khảo cổ mới xác định được một cách rõ ràng các thánh
tích của Ðức Phật. Ngoài ra các nhà khảo cổ còn tìm được 35 di tích ngự chỉ có
đánh số của vua A Dục dặn dò con cháu mai sau phải tiếp tục phụng thờ Ðức Phật
và phát huy truyền bá Phật Pháp. Trong số đó có ngự chỉ số 4 tìm được tại núi
Kandahar ngày nay thuộc địa phận Afghanistan có ghi những lời dạy của nhà vua
là phải tổ chức đại lễ Phật Ðản hằng năm cho trọng thể và truyền bá lời dạy của
Ðức Phật đến mọi người... Ngự chỉ số 6 được tìm thấy tại núi Gimar miền tây Ấn
Ðộ có ghi rõ hơn lời dặn về việc phụng thờ Ðức Phật bằng cách tổ chức rước
tượng Ðức Phật và di tích trọng thể trong ngày đản sanh...
Sử
Tích Lan (Sri-Lanka) Mahavamsa có ghi rằng vua A Dục (Asoka) cho Hoàng tử
Mahinda qua Tích Lan để truyền bá Ðạo Phật và kể từ đó về sau mỗi năm đại lễ
Phật Ðản được tổ chức trọng thể. Mặc dầu Tích Lan đã bị Anh xâm lăng và bị áp
lực của hội truyền giáo Thiên Chúa Tây phương bỏ ngày lễ Vesak từ năm 1815
nhưng Phật tử Tích Lan đã tranh đấu và đã đòi lại được ngày nghỉ lễ Phật Ðản từ
ngày 17.4.1885. Kể từ đó Ðạo Phật rất hưng thịnh tại đảo quốc nầy.
Từ
phong trào chấn hưng Phật Giáo dưới thời vua A Dục, Phật Giáo có đầy đủ năng
lực, nhiều nhân tài trí thức kể cả Phật tử tại gia và nhiều trí thức lỗi lạc
thuộc hàng tăng lữ nên đã là thuận duyên cho việc truyền bá đạo Phật ra nước
ngoài.
Nói
tiếp từ thời A Dục, theo nhiều sử liệu được kiểm chứng cho thấy rằng vào thế kỷ
thứ hai trước công nguyên tại Ấn Ðộ có tư trào Phật Giáo Ðại Thừa rất phóng
khoáng, rất năng động, rất hăng say hoạt động truyền giáo trong nước và truyền
sang nước ngoài nhất là theo đường biển truyền sang các nước chung quanh.
Sự
truyền bá Ðạo Phật từ Ấn Ðộ cùng trong tư trào truyền bá văn minh Ấn ra các
nước chung quanh. Trong thập hùng ca Ramayana của Ấn Ðộ có nói đến tên các xứ
như Sumatra, xứ của vàng (Suvanna Bhumi), Java ...
Theo
các tư liệu của W. Cohn trong Buddhha in der Kunst des Ostens, Leipzig 1925;
F.M. Schnitger trong The Archaellogy of Hindoo Sumatra, Leyde 1937 và G.
Ferrand trong tạp chí Journal Asiatique Juillet - Aout 1919 ... Người ta đã tìm
thấy các dòng chữ Sanskrit của Mulavarman tại các vùng Kutei ở Borneo và các
bia đá khắc chữ Sanskrit của Purnavarman ở Tây Java. Các tượng Phật thuộc
trường phái Amaravati được tìm thấy ở Sampaga (Célèbes) phía nam tỉnh Giember
(Ðông Java) trên đồi Se Guntang ở Pelembang (Sumatra) là xưa nhất có thể là
trước công nguyên. Do đó người ta đã kết luận rằng những bước đầu văn minh và
tôn giáo từ Ấn Ðộ đã truyền qua Indonesia phải xảy ra trước công nguyên. Do đó
hệ luận đương nhiên là nền văn minh và tôn giáo từ Ấn Ðộ xuôi buồm đến Giáo
Châu cũng cùng thời điểm và cùng đi theo đường biển lên phương Bắc.
Văn
minh và tôn giáo từ Ấn Ðộ cũng đã truyền qua Mã Lai tại các vùng như Perak,
Xêlebơ ..., qua Thái Lan, Campuchia, Miến Ðiện ... Tại Campuchia các nhà khảo
cổ đã tìm thấy được 4 bia đá có khắc chữ Sanskrit.
Theo
V. Rougier trong sách Nouvelles Découvertes Chames au Quang Nam, Befeo XI, đã
viết rằng các nhà khảo cổ đã tìm thấy tượng Phật Ðông Dương một trong những tác
phẩm điêu khắc đẹp nhất thuộc trường phái Amaravati Ấn Ðộ. Ðiều nầy cho thấy
chính người Ấn Ðộ đã truyền đạo Phật thẳng vào Việt Nam chứ không phải từ Trung
Hoa truyền vào.
Theo
H.G. Quaritch Wales trong A. Newly Explored Route of Ancient Indian Cultural
Expansion Indian Art and Letters, các nhà truyền giáo và thương nhân người Ấn
còn dùng những con đường vừa thủy vừa bộ từ nam Ấn thay vì phải qua eo biển
Malacca về phía nam xa xôi họ đã qua eo đất Kra và bán đảo Mã Lai, họ có thể
vượt mấy tiếng đồng hồ đường bộ là có thể từ biển Ấn Ðộ để vào biển Mã Lai. Họ
dùng thủy đạo giữa Andaman và Nicobar, hoặc dùng thủy đạo giữa Nicobar và Achin
để đến Kedah, tại những địa điểm nầy các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều đồ vật
cổ của nền văn minh Ấn Ðộ. Họ tiếp tục đường bộ nầy đến Thái Lan, Campuchia và
vào Viêt Nam.
Ðồng
thời những người Ấn phát xuất từ Trung Ấn còn dùng tuyến đường bộ quang qua đèo
Hasse Des Trois Pagodes, theo sông Kanburi xuống châu thổ sông Menam, từ đó đến
sông Mekong qua đất Lào rồi vào Thanh Hóa, Nghệ An và đến Luy Lâu của Giao
Châu. Trên tuyến đường nầy các nhà khảo cổ cũng đã tìm được các cổ vật của nền
văn minh Ấn Ðộ và di tích Phật Giáo.
Về
Thiền Tông nếu phân tích các văn thơ thiền sớm nhất tại Việt Nam như các dòng
thiền thuộc hệ Tỳ Ni Ða Lưu Chi (Vinitaruci, năm sanh không rõ như Sư mất năm
594, Sư người miền nam Ấn Ðộ, qua Việt Nam truyền bá thiền tông. Thiền sư hành
đạo tại chùa Pháp Vân thường gọi là chùa Dâu tại Luy Lâu hiện nay vẫn còn tại
xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Hà Bắc. Ðây là một trong những ngôi
chùa được thành lập sớm nhất tại trung tâm Phật Giáo Luy Lâu) và dòng thiền Vô
Ngôn Thông (năm sanh không rõ chỉ biết Thiền sư mất năm 826) chẳng hạn ta thấy
rõ ràng là trực tiếp ảnh hưởng tư tưởng Bát Nhã từ Ấn Ðộ.
Trong
sách Thuyền Uyển Tập Anh, có ghi đoạn văn Thiền sư Tỳ Ni Ða Lưu Chi gọi đệ tử
Pháp Hiền bảo rằng:
"Ðại
phàm tâm ấn của chư Phật không lừa dối ta. Tâm ấn tràn đầy như thái hư, không
thiếu, không thừa, không đi, không tới, không được không mất, chẳng một chẳng
khác, chẳng thường chẳng đoạ; vốn không ở chỗ sinh, cũng không ở chỗ diệt,
không lìa xa mà cũng chẳng không lìa xa vì phải đối lập các nhân duyên hư vọng
mà phải đặt giả ra các tên như vậy. Cho nên chư Phật ba đời đều do đó mà đắc
pháp, Tổ các đời cũng do đó mà đắc pháp, ta cũng do đó mà đắc pháp, ngươi cũng
do đó mà đắc pháp. Ðến như những loài hữu tình hay vô tình cũng do đó mà đắc
pháp".
Ðó
là tư tưởng Bát Nhã, nếu ai đã từng nghiên cứu kinh Bát Nhã đều rõ, như đối
chiếu với Bát Nhã Tâm Kinh ta cũng hiểu được điều đó.
Theo
K. Mukerji trong sách Indian Literature in China and the Far East, ở Trung Hoa
phải đợi đến đầu thế kỷ thứ V, Cưu Ma La Thập (Kumarajiva) đến Trung Hoa dịch
kinh Bát Nhã và sau đó mới có ảnh hưởng sâu rộng của bộ kinh nầy. Trong khi đó
bộ Bát Thiên Tụng Bát Nhã (Astasahasrika) do Khương Tăng Hội dịch tại Giao Châu
vào đầu thế kỷ III được các nhà Phật học đánh giá là bộ kinh từ Ấn Ðộ xuất hiện
xưa nhất trong toàn bộ văn hệ Bát Nhã. Trong khi đó kinh Bát Nhã Damasahasrika
do Lokasema dịch tại Trung Quốc cuối đời nhà Hán là bộ kinh xuất hiện chậm hơn
nhiều, có thể nói là vào thời kỳ thứ hai của văn hệ Bát Nhã tại Ấn Ðộ (tham
khảo Jaidava Singh trong sách An Introduction to Hadhyamaka (Trung luận)
Philosophy).
Ðiều
nầy cho thấy bộ Bát Thiên Tụng Bát Nhã do Khương Tăng Hội dịch ra chữ Hán là do
các Tăng sĩ từ Ấn Ðộ trực tiếp đưa sang Giao Chỉ vào thời điểm sớm hơn lúc dịch
kinh rất nhiều. Vì để có đủ trình độ ngôn ngữ và kiến thức về Bát Nhã để có thể
dịch kinh được, chắc chắn tại Giao Chỉ phải có các viện nghiên cứu và giảng dạy
Phật Pháp nhất là về kinh Bát Nhã và dạy tiếng Pali, Sanskrit do các Tăng sĩ
người Ấn giảng dạy.
Có
nhiều lối giải thích về nguyên nhân của sự truyền bá văn minh và tôn giáo từ Ấn
Ðộ ra các nước chung quanh trong đó từ việc di dân từ Ấn Ðộ ra nước ngoài cũng
là những nguyên nhân quan trọng.
Vào
những năm đầu công nguyên có các cuộc xâm lăng của người Kushans cũng có thể là
nguyên nhân gây ra những đợt di tản người Ấn ra nước ngoài. Những người Ấn ra
nước ngoài đã truyền bá tôn giáo và văn minh của họ cho dân địa phương trên quê
hương mới đó là lẽ đương nhiên và nó đã trở thành như vết dầu loang dần dần
rộng ra khắp các vùng lân cận.
Thế
nhưng theo G. Coedes tác giả sách Histoire Ancienne Des États Hindouisée
d'Extrême Orient, 1944, thì nguyên nhân sâu xa của sự bành trướng nền văn minh
và tôn giáo của Ấn Ðộ trước công nguyên là kinh tế, thương mại, sự giao dịch
giữa Viễn Ðông và Ðịa Trung Hải. Kế đến là sự đông tiến của Alexandre, sự thành
lập triều đại Maurya, sau đó là triều đại Kaniskha ở Ấn Ðộ... Nhất là đế quốc
La Mã ở phương Tây đã kích thích mạnh mẽ nền goại thương Ấn Ðộ (tham khảo E.H.
Warminton trong sách The Commerce Between The Roman Empire and India, Cambridge
1928). Những món hàng giao thương chính yếu là tiêu, quế, gỗ trầm hương và
vàng...
Từ
những thế kỷ trước công nguyên Ấn Ðộ vẫn mua được vàng ở Xibêri đi bằng con
đường xuyên qua Bactriane nhưng từ thế kỷ thứ hai trước công nguyên vì các đợt
di dân lớn ở Trung Á đã làm chướng ngại con đường chuyên chở đó. Sau đó họ
chuyển hướng nhập vàng từ La Mã thế nhưng chẳng bao lâu La Mã không bán vàng ra
nước ngoài nữa nên Ấn Ðộ mới chuyển qua các nước phía Ðông và lên tận Giao Châu
để mua những tiêu, quế, gỗ trầm hương, vàng bạc và các loại ngọc thạch. (Tham
khảo sách Roman coins found in India của R. Sewell, 1904).
Vì
địa thế của Việt Nam nằm trên trục giao thông từ Nam Á lên Bắc Á và gần như nằm
giữa các nước Ðông Nam Á nên các tàu buôn Ấn Ðộ theo gió Tây Nam lên trước khi
đến Trung Quốc họ phải ghé qua Giao Châu như trạm dừng chân để nghỉ ngơi cũng
như học Hán văn và làm quen với phong tục của Việt Nam và Trung Hoa trước khi
đi sâu vào lục địa Trung Quốc.
Ðể
có đủ những thương phẩm kể trên cung ứng cho thị trường rộng lớn ấy, các thương
gia Ấn phải theo gió mùa Tây Nam dong thuyền đến các nước như Mã Lai,
Indonesia, Việt Nam... Chuyến về họ phải đợi năm sau mới có gió mùa Ðông Bắc để
xuôi buồm về Ấn Ðộ.
Những
thương gia Ấn Ðộ cố nhiên họ không phải là những Tu sĩ Phật Giáo nhưng vì đường
đi quá xa và lênh đênh trên biển cả lâu ngày nên họ thường thờ và cầu nguyện
Ðức Quán Thế Âm (Avalokitedvara) Bồ Tát và Ðức Phật Nhiên Ðăng (Dipankara) để
cầu che chở cho tai qua nạn khỏi trên biển cả. Những người Ấn Ðộ rất tin tưởng
vào Ðức Phật Nhiên Ðăng che chở cho họ khi họ chí thành niệm danh hiệu của Ngài
(Tham khảo A. Fouchet trong sách Iconographie Bouddhique)
Phẩm
Phổ Môn trong kinh Pháp Hoa có những câu như sau: Trì niệm danh hiệu Quan Âm
Ðại Sĩ thì vào lửa dữ, lửa ấy không đốt được, và đó là thần lực của vị Ðại Sĩ
nầy. Nếu bị nước lớn cuốn trôi mà trì niệm danh hiệu Quan Âm Ðại Sĩ, thì tức
khắc được vào chỗ nước cạn. Trăm ngàn vạn ức người, vì kiếm bạc, vàng, lưu ly,
xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, trân châu, và những thứ quí báu khác..., phải
ra biển cả; giả sử bị trận gió lớn trong bầu trời u ám thổi bạt thuyền tàu sa
vào đảo quốc la sát, trong những người ấy đến nỗi chỉ có một người trì niệm
danh hiệu Quan Âm Ðại Sĩ, những người ấy cũng vẫn thoát được cái họa la sát. Vì
những lý do như vậy mà vị Ðại Sĩ nầy có danh hiệu là Quán Thế Âm".
Bởi
lẽ những thương thuyền Ấn Ðộ luôn luôn đem những tượng Phật và Bồ Tát theo họ
để thờ phụng nên khi họ đến Giao Châu lưu lại để chờ đến năm sau xuôi theo gió
Ðông Bắc trở về, trong khoảng thời gian dài hăng năm đó họ đã gây ảnh hưởng một
cách tự nhiên đến dân bản xứ Giao Châu. Ngoài ra còn có một số người đã định cư
ở lại Giao Châu làm ăn lấy vợ lấy chồng. Những người Ấn đó đã là những hạt nhân
truyền bá Phật Giáo tại Giao Châu trong thời kỳ phôi thai ban đầu.
Ngoài
ra cũng vì lý do cầu nguyện cho tai qua nạn khỏi trên biển nước mênh mông đầy
sóng to gió lớn nguy hiểm như vậy nên những thương gia người Ấn thường mời một
vài vị tu sĩ Phật Giáo cùng đi trên thuyền với họ để cầu nguyện. Chính những vị
tu sĩ Phật Giáo nầy đã lưu lại Giao Châu và do những sinh hoạt tín ngưỡng của
họ đã dần dần ảnh hưởng một cách tự nhiên đến dân địa phương mà họ có dịp tiếp
xúc. Như thế là Phật Giáo đã được thâm nhập vào dân Việt Nam một cách rất ôn
hòa và được đón nhận đầy thiện cảm của dân địa phương. Do đó mà Phật Giáo đã
phát triển nhanh chóng và được lan dần ra các địa phương khác của Giao Châu lúc
bấy giờ. Nhờ những thuận duyên như vậy nên trung tâm Phật Giáo Luy Lâu được
hình thành tại Giao Châu rất sớm.
Sau
đó Phật Giáo từ Luy Lâu được truyền sang Trung Quốc, từ Trung Quốc truyền qua
bán đảo Triều Tiên và từ bán đảo nầy truyền qua nhật Bản. (Tham khảo sách Trung
Quốc Phật Giáo Thông Sử của nhà sử học Nhật Bản Kamata, Tokyo 1981).
C. Thời gian và sự hiện hữu của Phật Giáo tại Việt
Nam
Hai
thế kỷ trước công nguyên các trung tâm Phật Giáo tại miền duyên hải Ðông Nam Ấn
Ðộ như Amaravati và Nagarjunakonda... đã trở thành những trung tâm Phật Giáo
Ðại Thừa rất hưng thịnh. Chính từ phong trào Phật Giáo Ðại Thừa hưng thịnh tại
Ấn Ðộ các vị Tăng sĩ đã lên các thương thuyền qua truyền đạo Phật và do đó
trung tâm Phật Giáo Luy Lâu tại Giao Chỉ (Việt Nam thời bấy giờ) được thành
lập. Hiện nay tại Luy Lâu còn những di tích lịch sử trong đó chùa Dâu còn gọi
là chùa Pháp Vân, nơi mà sau nầy vào khoảng năm 580 Thiền sư Tỳ Ni Ða Lưu Chi
(người Ấn Ðộ) đã hành đạo tại đây.
Phật
Giáo từ Ấn Ðộ được truyền trực tiếp qua Việt Nam trước rồi sau đó mới truyền
qua Trung Quốc chứ không phải Phật Giáo từ Trung Quốc truyền qua Việt Nam như
những sách cũ đã ghi (Theo sách "Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, quyển I,
của Nguyễn Lang, 1994).
Theo
sử gia Nhật Bản, ông Kamata, trong sách Trung Quốc Phật Giáo Thông Sử, xuất bản
tại đại học Ðông Kinh năm 1981, đã nhiều lần xác nhận rằng Phật Giáo đã du nhập
vào Trung Quốc từ Việt Nam, có đoạn ông gọi là Việt Nam, có đoạn gọi là Giao
Chỉ. Ðề cập đến Phật Giáo Giao Chỉ tức là đề cập đến trung tâm Phật Giáo tại
Luy Lâu.
Do
đâu mà có từ Luy Lâu ? Tiếng Việt gọi là Dâu, tiếng Hán phiên âm ra Luy Lâu còn
gọi là Liên Lâu, nằm ở trung tâm đồng bằng sông Hồng nay là huyện Thuận Thành,
tỉnh Hà Bắc, Bắc Việt.
Ngày
xưa Việt Nam có 3 thị trấn cổ là Luy Lâu, Long Biên và Cổ Loa. Riêng Luy Lâu
nằm trên bờ sông Dâu cách sông Ðuống 5 cây số về phía Bắc. Dân Luy Lâu có nghề
trồng dâu nuôi tằm và dệt lụa rất nổi tiếng.
Về
địa thế, có nhiều đường thủy bộ chạy ngang qua Luy Lâu khiến nơi đây thành một
trung tâm giao dịch rất quan trọng. Có những đường bộ như con đường đi Phả Lại,
Ðông Triều đến biên giới Việt Trung (nay là đường số 18). Ðường thủy từ Dâu nối
sông Ðuống, sông Hồng ra biển, hoặc nối với sông Lục Ðầu, sông Thái Bình rồi ra
biển.
Vì
địa thế thuận lợi cho việc giao thông như thế nên Dâu là trung tâm thương mại
rất sầm uất đương thời. Các thương gia Ấn Ðộ và Trung Quốc đều đổ về đây để mua
bán các nông sản, lâm sản, vải vóc và các hàng công kỹ nghệ khác rất thạnh
hành. Họ mua hàng tại đây để đem về nước hoặc trên đường buôn bán tiếp tục qua
các nước khác trong vùng.
Luy
Lâu còn là trung tâm chính trị, là thủ phủ của Giao Châu qua nhiều thời đại của
chính quyền đô hộ từ phương Bắc. Thủ phủ nầy có thể được xây dựng từ thời Triệu
Ðà, 179 năm trước công nguyên. Sau khi nhà Hán chiếm được Nam Việt của Triệu
Ðà, họ vẫn giữ nguyên Luy Lâu làm trị sở của Giao Chỉ. Trong sách biên niên của
nhà Hán ghi 10 huyện của quận Giao Chỉ trong đó Luy Lâu là đứng đầu.
Nhờ
vào vị thế như vậy nên chẳng những các thương nhân mà các vị Tu sĩ Phật Giáo Ấn
Ðộ cũng đến đây để truyền bá Phật Giáo, học chữ Hán và dịch kinh điển từ tiếng
Phạn ra Hán văn trước rồi mới tiếp tục công việc công việc truyền bá dễ dàng
hơn để đi sâu vào lục địa Trung Quốc.
Từ
Luy Lâu Phật Giáo được lan truyền ra khắp vùng đồng bằng sông Hồng, và khắp
vùng đồng bằng Bắc Bộ lúc bấy giờ. Phật Giáo đã tạo cho Luy Lâu một phong tục
tốt đẹp, một hình ảnh thân thương mà dân chúng nơi nầy rất tự hào không bao giờ
quên qua những câu ca dao như sau :
"Dù ai buôn
bán trăm nghề
Nhớ ngày
mùng tám thì về hội Dâu"
hay
là
"Dù ai đi đâu
về đâu
Hễ trông
thấy tháp Dâu thì về"
Như
thế là Phật Giáo Luy Lâu đã gắn liền với tín ngưỡng dân gian, được dân gian hóa
và phong tục hóa. Nó thể hiện tâm lý dân gian, thế giới quan và lòng mong ước,
tính hiền hòa của dân quê vùng Dâu và cả vùng đồng bằng Bắc Việt cho mãi đến
ngày nay vẫn giữ được nét đặc thù của Phật Giáo dân gian.
Ngược
về quá khứ lúc bấy giờ tại Ấn Ðộ nhằm thời kỳ vua A Dục (Asoka lên ngôi vào năm
273 trước Tây lịch và làm vua được 37 năm, theo Phật Giáo Từ Ðiển của Ðoàn
Trung Còn) bình phục được toàn cõi Ấn Ðộ, đóng đô tại Pâliputra, Ngài mời hàng
ngàn vị Thánh Tăng để lo việc kết tập Kinh Luật Luận và cử nhiều phái đoàn ra
nước ngoài truyền đạo đến các nước phương Tây, phương Ðông cũng như vùng Ðông
Nam Á.
Sử
liệu Miến Ðiện có chép rằng, một phái đoàn do hai Cao Tăng Uttara và Sona đã
đến Miến Ðiện để truyền bá Ðạo Phật. Sử liệu Phật Giáo Thái Lan cũng có ghi hai
Cao Tăng nói trên cũng đã qua Thái Lan để truyền bá Ðạo Phật. Thế nhưng hai Cao
Tăng đó tiếp tục hành trình đến Việt Nam và Trung Quốc hay không, không thấy sử
liệu nào ghi lại.
Theo
sử liệu Trung Hoa có ghi rằng ở Giao Châu tại thành Nê Lê (chính là Ðồ Sơn hiện
nay) có bảo tháp của vua A Dục. Ðiều đó có thể nói lên rằng Phật Giáo được
truyền trực tiếp từ Ấn Ðộ qua Việt Nam rất sớm có thể vào thời vua A Dục bên Ấn
Ðộ.
Chúng
ta vẫn biết rằng từ Bắc Ấn Ðộ có những đường bộ có thể qua Trung Quốc nhưng đến
Lạc Dương, Bành Thành và các thành phố khác của Trung Quốc rất xa xôi, đường đi
qua núi non hiểm trở đầy thú dữ và tiếp đến phải qua những sa mạc mênh mông,
mùa hè rất nóng bức và mùa đông thì băng giá cực lạnh, rất nguy hiểm về nhiều
mặt không tiện lợi cho việc giao thương. Hơn nữa lúc bấy giờ đi đường bộ chỉ có
thể dùng ngựa, do đó việc chuyên chở hàng hóa không thuận tiện. Bởi những lý do
đó mà đường bộ không được các thương nhân và các Tu sĩ Phật Giáo sử dụng.
Theo
George Coedes trong sách "Histoire ancienne des états hindouisés d'Extrême
Orient" viết rằng: Hầu hết các vùng ở Ấn Ðộ đều tham gia vào việc truyền
bá nền văn minh Ấn Ðộ ra ngoài lục địa Ấn, nhưng phần tham gia lớn nhất thuộc
về vùng Nam Ấn.
Khi
nhìn vào bản đồ thế giới, ta thấy rằng sự truyền bá trên phải đi bằng đường biển
mới có thể đến Việt Nam và các nước trong vùng Ðông Nam Á được.
Giáo
sư Louis De La Vallée Puossin trong sách "Dynasties et histoire de
l'Inde" viết rằng: Tất cả các hải cảng vùng Ðông Ấn đều có tham gia vào sự
nghiệp chung truyền bá nền văn minh Ấn Ðộ ra các nước ngoài, nhưng các hải cảng
Nam Ấn cống hiến nhiều nhất cho sự nghiệp đó.
Cả
hai sử liệu trên đều cho ta thấy rằng sự truyền bá nền văn minh Ấn Ðộ, đương
nhiên là trong đó có cả Phật Giáo, ra các nước lân cận phải là đường biển, có
nghĩa là Phật Giáo phải được truyền vào Việt Nam trước rồi mới vào Trung Quốc
sau.
Vào
thế kỷ thứ V có Pháp Hiển và vào cuối thế kỷ thứ VII có Nghĩa Tịnh của Trung
Quốc đều lên thuyền tại Tamralipti cũng gọi là Tamluk, cửa sông Hằng để trở về
Trung Hoa. Như vậy không phải những thế kỷ trước kỷ nguyên mà mãi về sau đến
thế kỷ thứ VII đường biển vẫn là phương tiện giao thông thuận lợi nhất từ Ấn Ðộ
đi Ðông Nam Á và lên đến Trung Quốc.
Những
điều kể trên nói lên rằng sự truyền bá nền văn minh Ấn trong đó có cả Phật Giáo
được truyền ra các nước lân cận bằng đường biển thuận lợi hơn là đường bộ. Như
vậy càng làm rõ nét hơn sự truyền bá Phật Giáo từ Ấn Ðộ qua Việt Nam lúc bấy
giờ bằng đường biển và như thế hệ luận đương nhiên là sớm hơn qua Trung Quốc
rất nhiều năm.
Trong
sách "Lĩnh Nam Chích Quái" có câu chuyện Ðồng Tử và Tiên Dung
như sau:
"Ðồng Tử và Tiên Dung lập phố xá
buôn bán, giao thiệp với nhiều nhà buôn nước ngoài. Một hôm Ðồng Tử theo một
khách buôn ngoại quốc đi bằng thuyền ra khỏi xứ. Họ ghé lại một hòn núi tên là
Quỳnh Viên để lấy nước ngọt. Dưới núi Quỳnh Viên, Ðồng Tử gặp một nhà sư Ấn Ðộ
ở trong một túp lều. Nhà sư giảng cho Ðồng Tử nghe, Ðồng Tử phát tâm ở lại đảo
để học đạo, giao vàng cho bạn để bạn đi buôn dùm mình, hẹn khi về thì ghé lại
đón cùng về. Khi về, Ðồng Tử được nhà sư cho một cây gậy và một nón lá, bảo
rằng với những vật nầy có thể làm phép lạ. Sau khi về nước, Ðồng Tử giảng Phật
Pháp cho Tiên Dung nghe, cả hai đều được giác ngộ, bỏ chuyện buôn bán, tìm thầy
học đạo...".
Trong
câu chuyện trên thấy nói đến khách buôn nước ngoài đó là những người Ấn Ðộ.
Ðồng thời việc Ðồng Tử và Tiên Dung bỏ nghề buôn bán để tầm thầy học đạo cho
thấy đạo Phật rất được dân chúng mến mộ. Câu chuyện càng làm sáng tỏ thêm Phật
Giáo được truyền bá vào Việt Nam trực tiếp từ Ấn Ðộ, và do chính các Tu sĩ
người Ấn truyền vào.
Trong
sách "Ngô Chí" có chép bức thư của Viên Huy gửi cho thượng thư lệnh
Tuân Húc năm 207, trong đó có đoạn khen Sĩ Nhiếp giữ gìn quận Giao Châu được
thái bình an ổn hơn 20 năm, và có đoạn viết: "Khi ra vào thì đánh chuông
khánh, uy nghi đủ hết, kèn sáo thổi vang, xe ngựa đầy đường, người Hồ đi sát
bánh xe đốt hương thường có mấy mươi người...".
Người
Hồ tức là các vị sứ người Ấn Ðộ, bấy giờ đã có nhiều ở Giao Châu. Vì Sĩ Nhiếp
rất sùng kính đạo Phật nên trong những lễ lạc đều có các sị sư bản xứ và sư
người Ấn Ðộ tham dự.
Theo
Trần Văn Giáp,. tác giả sách "Le Bouddhism En Annam Des Origines Au XIIIè
Siècle" có đề cập đến Mâu Tử là người Trung Hoa trước theo Lão Giáo, sau
đó nhập tịch Giao Châu, theo đạo Phật và học giáo lý Phật Giáo tại Giao Châu.
Sau đó ông viết sách "Lý Hoặc Luận" (những luận lý để làm tiêu tan
các mối nghi hoặc về Phật Giáo), là sách về Phật Giáo sớm nhất tại Việt Nam
bằng Hán văn. Ðiều đó nói lên rằng Ðạo Phật đã phát triển phổ biến lắm từ nhiều
thế kỷ trước đó nghĩa là từ thế kỷ trước công nguyên. Nếu không như thế tại sao
Mâu Tử lại học Phật tại Giao Châu mà không học Phật Giáo tại nội địa Trung Hoa,
có nghĩa là Phật Giáo tại Trung Quốc lúc bấy giờ chưa được phổ cập đến mọi nơi
hay vừa mới được du nhập vào lục địa nầy chưa lâu nên chưa phát triển bằng đất
Giao Châu, mặc dù vẫn biết rằng lúc bấy giờ tại Trung Quốc có nội loạn nhưng
không vì thế mà hoàn toàn không thể nghiên cứu Phật Pháp được.
Trong
sách "Lý Hoặc Luận" của Mâu Tử được viết vào thế kỷ thứ II Tây lịch
tại Giao Châu có nói nhiều về Tăng Ni tại Giao Châu trong đó có cả Tăng sĩ bản
xứ và Tăng sĩ nước ngoài và những tệ trạng trong giới Tăng Ni như sau: "Sa
Môn ngày nay có kẻ lại thích uống rượu ngon, có khi có vợ con, biết cất giữ
tiền bạc, của quí...".
Trong
đoạn văn trên cho ta những nhận xét như sau: Trước tiên là từ "Sa
Môn". Theo thứ bậc của Tăng Ni Phật Giáo khi xuất gia thọ 10 giới gọi là
Sa Di. Sau nhiều năm tu học có công hạnh, rành rõi về Kinh Luật Luận Phật Giáo
và phải trên 20 tuổi mới có thể thọ 250 giới để trở thành Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni
phải thọ 348 giới. Sau khi thọ Tỳ Kheo hay Tỳ Kheo Ni, mỗi năm phải nhập hạ và
liên tục tu học mấy mươi năm sau và phải có đức hạnh tốt, gương mẫu và thường
là trên 50 tuổi Giáo Hội mới suy tôn lên hàng Thượng Tọa. Quí Thượng Tọa tiếp
tục đạo nghiệp, có đức độ gương mẫu được mọi người kính nể và thường là trên 60
tuổi mới được Giáo Hội lập ra giới đàn truyền giới để suy tôn lên hàng Hòa
Thượng và cao hơn nữa là Ðại Lão Hòa Thượng. Thường thì những Thượng Tọa cao
tuổi hoặc Hòa Thượng trở lên mới được gọi là Sa Môn. Thế nhưng không phải đạo
Phật truyền bá vào Việt Nam một sớm một chiều trong vòng một thế kỷ có thể có
nhiều vị Tu sĩ như Mâu Tử đã viết. Vì để có những bậc Sa Môn theo như quá trình
đào tạo kể trên có thể là phải trải qua mấy thế hệ mới có đủ nhiều bậc chân sư
trưởng thượng, mới có đủ Tam Sư (Hòa Thượng, Yết Ma, Giáo Thọ), và Thất Chứng
(bảy vị Tôn Chứng), và phải có nhiều Tu sĩ có đủ tài đức để có thể thọ Sa Di,
Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni v.v... khi đó giới đàn mới được thiết lập để truyền giới.
Những điều kiện tối cần yếu để đào tạo ra Tăng sĩ là phải có nhiều tín đồ mới
có đủ điều kiện tài chánh để thiết lập chùa chiền và nuôi Tăng chúng để sau đó
họ mới trở thành những bậc trưởng lão có đủ tài đức để thiết lập giới đàn cho
Tăng Ni đến thọ giới.
Như
vậy nếu tính ngược thời gian từ lúc Lý Hoặc Luận ra đời (theo Paul Pelliot nói
rằng Mâu Tử sinh vào khoảng 165-170. Trong bài tựa Lý Hoặc Luận, Mâu Tử nói vì
thời ấy tại Trung Quốc loạn lạc nên ông cùng mẹ đến Giao Châu tỵ nạn, năm 26
tuổi lấy vợ. Theo Hồ Thích và Paul Pelliot thì Lý Hoặc Luận được viết vào cuối
thế kỷ thứ II, nghĩa là những mẩu chuyện về Phật Giáo mà ông đã viết thuộc về
thế kỷ thứ hai và trước đó rất lâu có thể phải tốn trên vài trăm năm mới có đủ
thời gian đào tạo được những Sa Môn như trong sách đã kể.
Ðiều
tiếp theo là Ðạo Phật phải có mặt tại Giao Châu lâu lắm, có rất nhiều chùa
chiền và rất nhiều Tăng Ni, sinh hoạt Phật Giáo cũng rất nhiều thế hệ nên tín
đồ Phật Tử lâu ngày sinh ra lờn đi, xem thường các vị Sa Môn, trong sự thờ ơ
bất kính, quên lãng của tín đồ, các sị Sa Môn mới sinh tật như trong Lý Hoặc
Luận đã viết.
Theo
sử liệu trên ta có thể kết luận rằng đạo Phật đã được các Tu sĩ Ấn Ðộ truyền
vào Việt Nam chậm lắm phải là vào thế kỷ trước công nguyên hoặc sớm hơn mới
sinh ra những hiện tượng tiêu cực mà Mâu Tử đã đề cập đến.
Trường
hợp vị sư Khương Tăng Hội (200-280). Theo sách "Việt Nam Phật Giáo Sử
Luận" quyển I, của Nguyễn Lang từ trang 85, viết như sau:
"Cha
mẹ Tăng Hội người gốc Khương Cư (Sogdiane) cư trú tại Giao Chỉ để buôn bán.
Tăng Hội chắc chắn là sinh trên đất Giao Chỉ, cha mẹ ông mất năm ông lên mười
tuổi. Không biết ai đã nuôi dạy Tăng Hội sau khi cha mẹ ông mất, chỉ biết rằng
lớn lên ông đi xuất gia và tu học rất tinh tiến (Cao Tăng Truyện). Ta cũng
không biết thầy của ông là ai và trong số mười vị Tăng sĩ truyền giới cho ông
có vị nào là Tăng sĩ ngoại quốc không. Ta chỉ biết ông giỏi cả Phạn ngữ lẫn Hán
tự. Trong các tác phẩm của ông ta thấy có tập Nê Hoàng Phạm Bối là một tập thi
ca về đề tài Niết Bàn tuyển dịch từ những bài thi tụng Phạn Ngữ, Lục Ðộ Tập
Kinh của ông văn từ điển nhã, chứng tỏ Hán văn của ông không thua gì người
Trung Hoa thời ấy. Cố nhiên là sinh trưởng tại Giao Châu ông phải nói thạo
tiếng nước ta.
"Sách
Cao Tăng Truyện nói rằng ông đến Kiến Nghiệp thủ đô nước Ngô (nay là Nam Kinh)
vào năm Xích-Ô thứ mười, tức là năm 247. Ông mất vào năm 280, niên hiệu Thái
Khương nguyên niên đời nhà Tấn. Như vậy ông đã ở trên đất Trung Hoa 33 năm. Nhiều
người cho rằng ông đã trước tác và dịch thuật tại đây, nhưng kỳ thực một phần
quan trọng của công việc nầy đã được ông làm tại Giao Chỉ.
"Trong
bài tựa kinh An Bang Thủ Ý do ông viết, ta thấy có một chứng cớ rõ rằng ông đã
viết bài tựa nầy trước năm 229, nghĩa là hồi ông còn hành đạo tại Giao Chỉ. Ðó
là chi tiết An Thế Cao, người đã dịch kinh An Bang Thủ Ý: "Có vị Bồ Tát
tên là An Thanh, tự là Thế Cao, con đích của vua nước An Tức, sau khi nhường
ngôi cho chú lánh nạn qua đất nầy, sau bèn về ở Kinh Sư...". Kinh Sư ở đây
là Lạc Dương, chính ở Lạc Dương mà An Thế Cao đã dịch nhiều kinh vào hậu bán
thế kỷ thứ hai. Nếu bài tựa nầy viết sau năm 229, tức năm Ngô Tôn Quyền xưng đế
thì Kinh Sư phải là Kiến Nghiệp chứ không phải là Lạc Dương nữa. Bởi vì sau ngày
Tôn Quyền xưng đế, nước ta đã nội thuộc Ðông Ngô rồi mà không theo Bắc Ngụy.
"Chi
tiết quan trọng trên còn cho ta một dữ kiện lịch sử nữa: Những cuốn kinh mà An
Thế Cao dịch tại Lạc Dương đã được mang tới và lưu hành tại Giao Chỉ trong thời
gian Tăng Hội hành đạo tại đây. Những kinh nầy ví dụ như kinh An Bang Thủ Ý, đã
được mang xuống do những người Phật tử Lạc Dương tới tỵ nạn tại Giao Chỉ. Trong
số những người Phật tử nầy có Cư sĩ Trần Tuệ, học trò của An Thế cao, người mà
Tăng Hội đã gặp và đã cùng cộng tác để chú sớ kinh An Bang Thủ Ý".
Sau
khi đọc những đoạn trên chúng ta thấy rõ rằng những kinh mà An Thế Cao dịch đã
được lưu hành tại Giao Châu và từ Giao Châu được Phật tử đem đến Lạc Dương cho
An Thế Cao dịch. Ðiều đó một lần nữa khẳng định rằng Phật Giáo đã được truyền
vào Việt Nam sớm hơn vào Trung Quốc rất lâu và đã phát triển cũng như đã có rất
nhiều kinh sách lưu hành tại đây sau đó mới được chuyển sang Trung Quốc.
Trong
bài tựa kinh An Bang Thủ Ý, Khương Tăng Hội viết: "Tôi sinh ra như dấu
tích cuối cùng, vừa mới đủ sức vác củi thì mẹ cha đều mất, bậc Tam Sư cũng viên
tịch, nhìn lên mây trời, buồn thấy mình thiếu người chỉ dạy". Tam Sư tức
là Hòa Thượng, Yết Ma, Giáo Thọ ba chức vị cao nhất trong giới đàn truyền giới
cho Tăng Ni và Phật tử như đã nói phần trên.
Ðiều
nầy một lần nữa cho ta thấy rằng Phật Giáo Việt Nam đã phát triển sớm lắm và đã
có hệ thống hoằng pháp, truyền giới một cách có truyền thống lâu đời. Trong khi
đó có nhiều sử liệu cho thấy rằng đến giữa thế kỷ thứ ba Trung Hoa mới có lễ
truyền giới cần đến bậc "Tam Sư".
Theo
sách "Thiền Uyển Tập Anh Ngữ Lục" (được soạn từ cuối thế kỷ XI đến
đầu thế kỷ XIII, khắc in năm Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715) truyện Quốc Sư Thông Biện
có nói về truyền đạo Phật vào nước Việt Nam với những chi tiết rằng: Nhân ngày
rằm tháng hai, mùa xuân năm Hội Phong thứ 5 (1096), Phù Thánh Cảm Linh Nhân
Hoàng Thái Hậu (tức Y Lan nguyên Phi, mẹ vua Lý Nhân Tông, được phong làm Hoàng
Thái Hậu năm 1073) đến chùa thiết lễ Trai Tăng. Trong khi đàm đạo bà hỏi Thiền
sư Trí Không (tức Quốc Sư Thông Biên) về Ðạo Phật truyền vào nước ta khi nào,
nhà sư đã dẫn lời sư Ðàm Thiên người Trung Quốc trả lời Tùy Văn Ðế về Phật Giáo
Giao Châu như sau: "Xứ Giao Châu có đường thông với Thiên Trúc. Khi Phật
Pháp mới đến Giang Ðông chưa khắp thì ở Luy Lâu đã có tới 20 bảo tháp, độ được
500 vị Tăng và dịch được 15 quyển kinh rồi. Như vậy là Phật Giáo đã truyền đến Giao Châu (Việt Nam) trước nước ta
(Trung Quốc). Hồi ấy đã có các vị Tăng như Ma Ha Kỳ Vực (Mahajivaka, nhà sư
Ấn Ðộ đến Luy Lâu khoảng năm 168-169), Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương
(Kalaruci, nhà sư người nước Nhục Chi (Trung Á) đến Giao Châu đầu thế kỷ thứ
3), Mâu Bác v.v... cư trú tại đó".
Theo
sử liệu Lý Hoặc Luận ta có thể hiểu rằng số kinh đã được dịch tại Giao Châu rất
nhiều chứ không phải chỉ 15 quyển mà thôi.
Trong
Lý Hoặc Luận có đoạn:
"Người
ta hỏi Mâu Tử: Chân lý chí thật thì thường không văn hoa, lời nói chí lý thì
không hoa hòe... cho nên châu ngọc thì quý giá mà ngói vụn thì đồ bỏ. Xưa thánh
nhân chế ra bảy kinh, văn từ không quá ba vạn lời và không gì không đủ trong
từng ấy kinh văn. Ngày nay, chương điển của Phật Giáo có tới hàng ngàn, ngôn từ
có tới hàng ngàn ức, sức một người không thể nào đọc hết được. Tôi chán mà
không muốn đọc".
Ðó
là sách được viết vào cuối thế kỷ thứ hai có thể cho ta hình dung được số lượng
kinh điển đã được dịch và lưu hành tại Giao Châu thời bấy giờ rất nhiều. Ðiều
đó cũng cho ta thấy Phật Giáo đã du nhập vào Giao Châu lâu lắm, đã có nhiều
Tăng sĩ, nhiều học giả lắm mới có đủ thời gian và trình độ dịch kinh nhiều đến
như thế như thế.
Những
kinh mà An Thế Cao đã dịch tại Lạc Dương là do Phật tử mang từ Giao Châu đến đó
là những kinh gì ? Theo sử gia Nhật Bản Kamata. Trong sách đã dẫn là Trung Quốc
Phật Giáo Thông Sử gồm có 35 bộ 41 quyển như sau:
1.
An Bang Thủ Ý kinh, 1 quyển
2.
Ấm Trì Nhập kinh, 1 quyển
3.
Bách Lục Thập Phẩm kinh, 1 quyển
4.
Ðại Thập Nhi Môn kinh, 1 quyển
5.
Tiểu Thập Nhi Môn kinh, 1 quyển
6.
Ðại Ðạo Ðịa kinh, 2 quyển
7.
Nhơn Bổn Dục Sanh kinh, 1 quyển
8.
Ðạo Y Phát Hành kinh, 2 quyển
9.
A Tỳ Ðàm Ngũ Pháp kinh, 1 quyển
10.
Thất Pháp kinh, 1 quyển
11.
Ngũ Pháp kinh, 1 quyển
12.
Thập Pháp kinh, 2 quyển
13.
Phổ Pháp Nghĩa kinh, 1 quyển
14.
Nghĩa Quyết Luật kinh, 1 quyển
15.
Lậu Phân Bố kinh, 1 quyển
16.
Tứ Ðế kinh, 1 quyển
17.
Thất Xứ Tam Quán kinh, 2 quyển
18.
Cửu Hoàng kinh, 1 quyển
19.
Bát Chánh Ðạo kinh, 1 quyển
20.
Tạp Kinh Tứ Thập Tứ Biến, 2 quyển
21.
Ngũ Thập Giảo Kế kinh, 2 quyển
22.
Ðại An Bang kinh, 1 quyển
23.
Tư Duy kinh, 1 quyển
24.
Thập Nhị Nhơn Duyên kinh, 1 quyển
25.
Ngũ Ấm Dụ kinh, 1 quyển
26.
Chuyển Pháp Luân kinh, 1 quyển
27.
Lưu Nhiếp kinh, 1 quyển
28.
Thị Pháp Phi Pháp kinh, 1 quyển
29.
Pháp Thọ Trần kinh, 1 quyển
30.
Thập Tứ Ý kinh, 1 quyển
31.
Bổn Tướng Y Trí kinh, 1 quyển
32.
A Hàm Khẩu Giải, 1 quyển
33.
A Tỳ Ðàm Cửu Thập Bác Kiết kinh, 1 quyển
34.
Thiền Hành Pháp Tưởng kinh, 1 quyển
35.
Nan Ðề Ca La Việt kinh, 1 quyển.
Những
sử liệu đã dẫn đủ để cho chúng ta kết luận được rằng các nhà sư Ấn Ðộ đã trực
tiếp đến nước Việt Nam để truyền bá Phật Giáo và do đó trung tâm Phật Giáo tại
Luy Lâu đã được thành lập, hiện nay còn nhiều di tích trong đó có chùa Dâu là
một trong những trung tâm Phật Giáo rất quan trọng trong những thế kỷ đầu công.
Về
thời điểm du nhập của Phật Giáo như trên đã nói chậm lắm phải là trong thế kỷ
trước công nguyên. Sau đó Phật Giáo đã phát triển khá phổ biến tại Luy Lâu và
những vùng lân cận.