Đúng vào những ngày đầu Xuân năm Kỷ Dậu -
một năm được dự báo là sẽ đầy ắp các sự kiện trọng đại của dân tộc và
của nhân loại, trong lúc toàn dân Việt Nam trong đó có hàng chục triệu
tín đồ Phật tử đang nô nức mừng Xuân, đang phấn khởi đón một năm mới mở
đầu cho một vận hội xương minh mới - một vận hội chấn hưng mạnh mẽ của
dân tộc và đạo pháp thì các phương tiện truyền thông đã truyền đi một
tin khiến mọi người đều phải bàng hoàng. Đó là tin Đại lão Hòa thượng
Thích Tâm Tịch - vị Đệ nhị Pháp chủ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã
trở về cõi Phật
Tuy
ai nấy đều biết vô thường vốn là quy luật không thể nào tránh khỏi,
nhưng việc Người ra đi không khỏi để lại trong lòng mọi người một niềm
tiếc thương vô hạn.
Từ nay, trong đại gia đình Phật giáo Việt Nam sẽ
vắng bóng một bậc xuất trần thượng sĩ luôn luôn thể hiện tinh thần từ bi
hỷ xả vô ngã vị tha, suốt đời theo đuổi lý tưởng cứu khổ độ sinh của
đạo Phật, suốt đời không ngừng phát huy truyền thống.
Đạo để giúp đời, đạo để cứu đời, đó là truyền thống
phụng đạo yêu nước của Phật giáo Việt Nam.
Từ nay, ngôi nhà chung của con Lạc cháu Hồng đã
vắng bóng một vị chân tu suốt đời tận tuỵ góp phần to lớn vào sự nghiệp
trùng hưng của dân tộc vào việc phát triển và củng cố đại đoàn kết của
đại gia đình Việt Nam.
Người đã đi xa! Tuy nhiên âm dung, đức độ của Người
vẫn còn để lại trong lòng mọi người ấn tượng không thể nào phai. Công
tích của Người sẽ còn mãi mãi trong sự nghiệp hoằng dương Phật pháp, lợi
lạc quần sinh trong truyền thống phụng đạo yêu nước của Phật giáo Việt Nam.
Là một người do nhân duyên đặc biệt được may mắn có
nhiều dịp tiếp xúc, gần gũi với Người trong hơn một phần tư thế kỷ, ấn
tượng của tôi về Người thật là sâu sắc. Ở Người, tôi thấy nổi lên lồng
lộng hình tượng của một vi chân tu Phật giáo xả phú cầu bần, xả thân cầu
đạo, suốt đời giữ nếp thanh tu, luôn luôn nghĩ một cách, làm một điều
lợi ích cho đạo, lợi ích cho đời. Sự việc Người được Tăng Ni Phật tử cả
nước suy tôn làm Pháp chủ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, được Nhà nước
trao tặng Huân chương Độc lập hạng nhất, được mặt trận Tổ quốc Việt Nam
trao tặng Huy chương Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân đã phần nào nói
lên được sự trân trọng của đạo và đời đối với các công tích của Người
đóng góp cho đất nước, cho Đạo pháp.
Ở Người, tôi còn thấy toát lên một nét sống thanh
tịnh, giản dị, thành thực, khiêm tốn, hoà nhã, thể hiện đức độ từ bi hỷ
xả vô ngã vị tha của một vị hiền tăng mẫu mực.
Qua nhiều lần đàm đạo của Người, tôi còn nhận thấy
bên trong cái bề ngoài giản dị tới mức tưởng như xuề xòa của người ẩn
chứa một trí tuệ vô cùng sâu sắc. Có lần, nhân tôi hỏi về các tông phái
đạo Phật, sau khi đã giới thiệu tóm tắt về các tông phái chính thống
hiện đang lưu hành ở nước ta và trên thế giới, Người nói: Đạo Phật hiện
có rất nhiều tông phái như vậy nhưng đạo Phật ví như một biển cả bao la,
các tông phái nếu là chính tông, chính phái thì ví như suối đều chảy về
biển cả, đều phải lấy hoằng dương Phật pháp, lợi lạc quần sinh làm cứu
cánh. Lần khác, do nghe nói Người thường tu theo các pháp môn của tông
Tịnh độ, tôi có hỏi về tông này, Người đã giới thiệu kỹ với tôi về tông
này và giảng giải câu “Lục tự Di Đà tiêu vạn tội”. Người nói đừng tưởng
tu theo pháp môn niệm Phật là dễ; nếu tu đúng phương pháp thì pháp môn
tưởng là dễ tu ấy lại có hiệu quả to lớn: đó là tịnh được cả ba nghiệp
thân, khẩu, ý.
Lại lần khác, nhân tôi hỏi về phương pháp tư duy
của người Phật tử, Người đáp: “Như lý tư duy, như thực tư duy, phá chấp
hiển chân”. Có lần Người còn giới thiệu với tôi về tầm quan trọng của sự
hòa hợp trong Tăng già nói riêng và trong Phật giáo nói chung. Người
nói: Tăng già trong Phật giáo phải theo đạo lục hoà. Vì vậy, trong giới
luật do Đức Phật chế định, tội phá hoà hợp Tăng là tội cực nặng. Hòa hợp
trong Phật giáo cũng như đoàn kết trong toàn dân. Trong thế gian, tội
phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân là tội cực nặng. Người Phật tử chân
chính phải tích cực góp phần xây dựng ngôi nhà chung đại đoàn kết của
Phật giáo, cũng như của người Việt Nam. Chân chính tức là phải
góp phần xây dựng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân Việt Nam.
Lại một lần khác, Người giảng về phương pháp giảng
huấn trong việc đào tạo Tăng tài, Người nói: Điều này Phật Tổ đã đích
thân thực hiện rồi; thập nhị bộ kinh chính là những phương pháp giảng
huấn của Phật đấy! Người còn nói: “Tùy duyên phương tiện khế lý khế
cơ, hóa phồn vi giản, như thực tri kiến, đó là những yếu lĩnh trong phép
giảng huấn”. Những ví dụ như trên còn rất nhiều, cũng như kho pháp
tài vô giá của Người chắc chắn còn rất nhiều, hiềm nỗi khuôn khổ bài
viết có hạn, nên chẳng thể kể hết.
Nay Người đã đi xa
và hẳn đang an lạc ở nơi Phật quốc. Tôi xin viết mấy dòng cảm tưởng này
để thay nén tâm hương thành kính dâng lên Giác linh Người! Cầu mong
Giác linh Người ở cõi Tịnh độ hãy phù hộ cho quốc thái dân an, đạo pháp
xương minh, chúng sinh tận độ.
Theo:phattuvietnam.net