Mồ côi cha mẹ từ lúc 6 tuổi, danh y Tuệ
Tĩnh (tên thật là Nguyễn Bá Thành) được các nhà sư chùa Hải Triều và
chùa Giao Thủy nuôi cho ăn học. Năm 22 tuổi, ông đậu Thái học sinh dưới
triều vua Trần Dụ Tông, nhưng không ra làm quan mà ở lại chùa đi tu lấy
pháp hiệu là Tuệ Tĩnh. Những ngày đi tu cũng là những ngày ông chuyên
học thuốc, làm thuốc, chữa bệnh cứu người. 45 tuổi ông đỗ Hoàng Giáp
nhưng vẫn không ra làm quan.
Tuệ Tĩnh đã chăm chú nghề thuốc: trồng cây thuốc, sưu tầm kinh nghiệm
chữa bệnh trong dân gian, huấn luyện y học cho các tăng đồ. Ông đã tổng
hợp y dược dân tộc cổ truyền trong bộ sách giá trị là bộ Nam dược thần
hiệu chia làm 10 khoa. Đặc biệt, ông có bộ Hồng Nghĩa giác tư y thư (2
quyển) biên soạn bằng quốc âm, trong đó có bản thảo 500 vị thuốc nam,
viết bằng thơ Đường luật (nôm), và bài Phú thuốc Nam 630 vị cũng dùng
quốc ngữ. Thơ văn Nôm đời Trần rất hiếm, nếu quả thực đó là tác phẩm của
ông thì Tuệ Tĩnh không những có vị trí trong lịch sử y học mà cả trong
lịch sử văn học.
Năm 55 tuổi, lúc này danh tiếng của
thiền sư Tuệ Tĩnh đã ngày càng vang xa, thậm chí có nhiều gia đình lúc
này lập bàn thờ sống ông để bày tỏ lòng biết ơn, khâm phục tài năng của
một đại danh y thiền sư lỗi lạc. Nhưng ông bị cống sang triều đình nhà
Minh.
|
Tượng Thái y thiền sư Tuệ Tĩnh. |
Theo sách Gương sáng trời Nam
của tác gủa Lê Thái Dũng, phải rời khỏi quê hương đi đến đất nước xa lạ,
Tuệ Tĩnh rất đau lòng, ông tìm mọi cách để được trở về. Tại nước Minh,
Tuệ Tĩnh vờ là người không có tài, luận bàn y thuật rất lỏm bõm, giản
lược khiến người Minh coi thường. Chúng giam lỏng ông một thời gian rồi
dự định trả về nước. Thế nhưng một sự kiện đã làm thay đổi mong muốn
cháy bỏng của ông. Khi ấy, trong hoàng cung nhà Minh, Tống vương phi,
một người vợ yêu của vua Minh sau khi sinh bỗng lâm bệnh nặng. Tất cả
các thầy thuốc giỏi nhất được mời đến đều không chẩn được nguyên nhân
bệnh cũng như đưa ra được cách thức chữa trị. Trước cảnh người bệnh đang
trong cơn nguy cấp. Tuệ Tĩnh không thể không cứu. Lòng từ bi của đạo
Phật và y đức của người thấy thuốc đã hối thúc ông đứng ra chữa khỏi
bệnh cho vương phi.
Vua Minh vô cùng mừng rỡ đã phong cho
Tuệ Tĩnh danh hiệu Đại y thiền sư và giữ lại làm việc tại Thái y viên.
Thế là ông không còn cơ hội để trở về nhưng cho đến khi mất, thân xác
nằm lại trong đất bụi Giang Nam, Tuệ Tĩnh vẫn khắc khoải giấc mơ quê
nhà. Trên tấm bia mộ tại đền thờ ông mà người dân nơi đây dựng lên để
thờ phụng vị thần y vì thế có khắc dòng chữ: “Sau này bên nước Nam có ai
sang, cho di cốt tôi về với”.
Năm Kỷ Mão (1699) sứ thần nước Việt là
Nguyễn Danh Nho khi đi sứ, tình cờ biết được đã đến viếng mộ và tìm cách
đưa di cốt của Tuệ Tĩnh về nước nhưng không được. Ông đành thuê người
đục đá làm bia, dập lại dòng chữ trên bia mộ rồi bọc gấm mang theo.
|
Đền thờ Danh y Tuệ Tĩnh. Ảnh: Đất Mũi. |
Tương truyền, khi về đến biên giới,
những dòng chữ trên bia đã vụt sáng. Mọi người trong đoàn sứ bộ như nghe
thấy tiếng người thổn thức trong tiếng gió. Tấm bia này sau được đưa về
dựng tại đền Bia (thuộc làng Văn Thai, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải
Dương), một trong những nơi thời phụng vị danh y lỗi lạc.
Từ điển Bách khoa toàn thư mở có
ghi, Tuệ Tĩnh là một nhân vật đời Trần. Ông chính tên là Nguyễn Bá
Thành, biệt hiệu là Tráng Tử Vô Dật, quê ở làng Xưa, tổng Văn Thai,
huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng (nay là thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ,
huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương).
Từ bao đời nay, giới y học Việt Nam và
nhân dân đều công nhận Tuệ Tĩnh có công lao to lớn trong việc xây dựng
một quan điểm y học độc lập, tự chủ, sát với thực tế Việt Nam. Câu nói
của ông: "Nam dược trị Nam nhân" thể hiện quan điểm đầy biện chứng về
mối quan hệ mật thiết giữa con người với môi trường sống xung quanh.
Quan điểm ấy dẫn dắt ông lên ngôi vị cao nhất của nền y học cổ truyền
Việt Nam: Ông Thánh thuốc Nam.