Tư tưởng Đại thừa ra
đời như một bước ngoặt mới của sự phát triển Phật giáo mà nổi bật nhất
là lý tưởng hình tượng Bồ tát ngày càng chiếm ưu thế trong niềm tin của
hàng Phật tử theo Phật giáo Đại thừa. Trong vô số các vị Bồ tát, chỉ có
những vị Bồ tát hàng Thập địa mới được tín đồ ngưỡng mộ, thờ tự và cầu
nguyện. Và, Bồ tát Quán Thế Âm là một trong những vị Bồ tát thuộc hàng
Thập địa nhận được sự sùng bái và kính trọng bậc nhất. Sở dĩ vị Bồ tát
này có được sự tôn kính như thế là nhờ vào những đặc tính mà Ngài đại
diện như từ bi, phát nguyện cứu độ tất cả chúng sanh đang trầm luân
trong biển khổ,...
Chính những điều này đã giải quyết được những nhu cầu trong hiện thực
cũng như thỏa mãn phần lớn những đòi hỏi về tâm linh của con người. Hầu
như ở tất cả các quốc gia trên thế giới, nếu như nơi đó có cộng đồng
Phật tử theo Phật giáo Đại thừa thì hình ảnh Bồ tát Quán Thế Âm đều có
mặt. Chính vì thế, Ngài cũng là đối tượng được giới học giả trong lẫn
ngoài Phật giáo quan tâm nghiên cứu. Tín ngưỡng Quán Thế Âm phát triển
sang các nước châu Á khá mạnh mẽ sau khi đã hình thành và truyền bá rộng
rãi khắp xứ Ấn. Việc truyền bá tín ngưỡng Quán Thế Âm theo con đường
buôn bán đến các nước phía Đông theo hai hướng: con đường biển xuyên qua
các nước Nam và Đông Nam Á rồi sang vùng Viễn Đông và Con đường tơ lụa
từ Trung Á băng qua sa mạc Gobi đến phía Đông Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn
Quốc, Bắc Việt Nam. Như thế, việc giao thương buôn bán đã trở thành điều
kiện thuận lợi để tín ngưỡng Quán Thế Âm lan tỏa khắp nơi. Giới Tăng sĩ
Phật giáo đã theo đoàn người buôn bán trên Con đường tơ lụa để vượt qua
sa mạc, hay theo các thương thuyền để đến Nam, Đông Nam Á rồi sang vùng
Viễn Đông, và chính những thương nhân cũng là lực lượng góp phần quan
trọng trong quá trình truyền bá này.
Đến bất cứ vùng nào, Bồ tát Quán Thế Âm cũng được thể hiện thông qua
sự kết hợp thêm những tính chất của các vị thần linh bản địa. Thực tế,
tín ngưỡng Quán Thế Âm là một hình thức pha trộn những nét đặc trưng
giữa Phật giáo và các tín ngưỡng, tôn giáo thịnh hành trong thời gian
này. Vì thế, Ngài có những nét đặc trưng không chỉ của Phật giáo mà còn
của các vị thần thời Veda như Purusa, Siva, Indra, Vishnu, Surya và của
những vị thần bản địa khác. Chính những điểm này đã là chiếc cầu lấp đầy
khoảng cách giữa Hindu giáo, Phật giáo và tín ngưỡng bản địa. Sự tổng
hòa các đặc trưng đó làm cho Bồ tát Quán Thế Âm được đông đảo tín đồ
sùng kính, phổ biến hơn cả Đức Phật Thích Ca trong niềm tin của một số
cộng đồng dân cư.
Việc buôn bán quốc tế trên đường biển xuyên qua Đông Nam Á trở nên
thường xuyên vào khoảng cuối thế kỷ thứ II. Từ đó, khu vực Đông Nam Á
được thế giới biết đến như một vùng đất thần bí, nơi sản xuất hương liệu
gia vị. Trong nhiều thế kỷ, Đông Nam Á là nơi trung chuyển, kết nối và
tham gia vào quá trình buôn bán trên con đường này. Cũng nhờ tiến trình
thương mại đó mà các quốc gia ven biển vùng Đông Nam Á đã ra đời và phát
triển mạnh. Sự thịnh suy về phương diện kinh tế, văn hóa… của họ cũng
lệ thuộc khá nhiều vào con đường buôn trên biển.
Nhìn ở góc độ văn hóa, nhờ đường buôn phát triển mà các nước Đông Nam
Á đã tiếp thu văn hóa Ấn Độ, trong đó có tín ngưỡng tôn giáo. Lịch sử
ghi nhận, Phật giáo cũng theo con đường này mà hòa nhập vào đời sống của
người dân bản địa. Ban đầu, chỉ giới thương nhân Phật tử tham gia
truyền bá. Về sau, giới Tăng sĩ Phật giáo mới tham gia khi họ đi nhờ
trên thuyền buôn giữa Trung Hoa và Ấn Độ.
Phật giáo đến với vùng đất Đông Nam Á theo nhiều thời kỳ khác nhau,
tùy theo quốc gia, dân tộc nào tiếp cận sớm hay muộn. Với hình tượng Bồ
tát Quán Thế Âm, sau khi hình thành và phát triển mạnh ở trên đất Ấn,
thì đến thế kỷ thứ V, Ngài mới bắt đầu “vượt biển” để đến với các quốc
gia phía Đông Nam Á. Như thế, nhờ vào con đường giao thương, việc thờ
phụng Quán Thế Âm đã được truyền đến và phát triển mạnh ở Sri Lanka và
những quốc gia Đông Nam Á lục địa khác.
Đến bất cứ vùng đất nào, hình ảnh từ bi của Bồ tát Quán Thế Âm cũng luôn
giữ một vai trò quan trọng trong cộng đồng Phật giáo. Các nền văn hóa
khác nhau có những lựa chọn khác nhau để thể hiện Ngài. Thông qua quá
trình tiếp biến, các nước trong khu vực này có cách tôn thờ Bồ tát Quán
Thế Âm thật đặc trưng.
Những quốc gia trong khu vực Nam và Đông Nam Á lục địa phần lớn theo
truyền thống Phật giáo Theravada. Mặc dù vậy, việc thờ tự Quán Thế Âm
xuất phát từ Phật giáo Đại thừa (Mahàyana) cũng chiếm được tình cảm của
quần chúng trong các quốc gia như Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan,
Campuchia, Indonesia,... Có thể, trong khi giáo lý Theravada tạo được sự
hấp dẫn đối với hàng đệ tử Tỳ kheo tu khổ hạnh thì niềm tin Đại thừa
tương đối tự do và có tư tưởng thông thoáng hơn, hơn nữa, đặc tính từ bi
của Bồ tát Quán Thế Âm, giúp đỡ tất cả những ai đang gặp bất hạnh, đã
thỏa nguyện ước vọng quần chúng, lan tỏa rộng rãi trong dân chúng.
Trên đường phát triển sang Đông Nam Á, hình tượng Bồ tát Quán Thế Âm
đã đến với đảo quốc Sri Lanka. Họ gọi Ngài với tên Natha Deviyo. Ở vùng
đất này, Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Di Lặc dường như là đại biểu cho
hai mặt của niềm tin trong thế kỷ thứ VII. Chutiwongs đã nhận định rằng,
Guàabhadra (394-468) hay Pháp Hiển, những vị sùng kính Quán Thế Âm, đã
truyền bá tín ngưỡng này đến Sri Lanka. Guàabhadra đã đến Trung Quốc
theo con đường buôn trên biển và có ghé qua vùng Sri Lanka vào năm 435.
Cao tăng Pháp Hiển, cũng trong khoảng thời gian này, đã hành hương sang
đất Ấn thỉnh kinh. Khi về, ngài đã đi đường biển và có ghé lên đảo quốc
Sri Lanka, Indonesia. Đây là hai vị sư trí thức của Phật giáo Đại thừa
rất tín phụng Bồ tát Quán Thế Âm.
Bên cạnh hàng Tỳ kheo trí thức Theravada, Sri Lanka đã sản sinh những
nhà truyền giáo Đại thừa vĩ đại. Trong lịch sử, Vajrabodhi (671-741) đã
viếng thăm Sri Lanka trước khi ngài đến Trung Hoa. Hơn nữa, Amoghavajra
(705-774), đệ tử của ngài và là một vị pháp sư nổi tiếng của Trung Hoa,
là cư dân Sri Lanka. Điều này chứng tỏ, ở Sri Lanka có một thời kỳ hưng
thịnh của Phật giáo Đại thừa và có sức lan tỏa rất mạnh.
Tín ngưỡng dân gian Natha, từng phổ biến ở Sri Lanka, dường như cũng
bị hình ảnh Quán Thế Âm che khuất hay đồng hóa. Trong thời gian tín
ngưỡng Quán Thế Âm hưng thịnh, quốc gia này đã tạo nên những hình ảnh
tuyệt đẹp về Ngài, dấu tích hiện còn là những hình tượng bằng đá hay
bằng đồng đang được trưng bày trong các viện bảo tàng quốc gia trong và
ngoài nước.
Hiện nay, tại Viện Bảo tàng Quốc gia ở thủ đô Columbo của Sri Lanka còn
lưu giữ bức tượng Bồ tát Quán Thế Âm. Tượng mạ vàng, mắt gắn hạt đá
thạch anh trong suốt, mình trần đóng khố, tư thế ngồi của bậc vương giả,
tóc búi cao và trước búi tóc, trên vùng trán có hình Phật. Tay phải bức
tượng đang ở tư thế cầm một biểu tượng và tay trái chống xuống bàn
thạch để đỡ thẳng thân người, một chân thả lỏng, một chân chống trên bệ.
Như Sri Lanka, Myanmar đón nhận Phật giáo trực tiếp từ Ấn Độ vào
khoảng đầu thế kỷ thứ III trước Tây lịch. Hai tông phái Phật giáo
Mahàsanghikas và Theravada đã tạo nên ở Myanmar một pháo đài Phật giáo
kiên cố trong thế kỷ thứ II, thứ III.
Triều đại Pagan (1044 – 1287) tại Myanmar đã đánh dấu một thời kỳ mới
của sự thờ phụng tín ngưỡng Quán Thế Âm khi Ngài đến và trở thành một
đối tượng sùng bái như một vị linh thần độc lập. Trong khoảng thời gian
đó, Myanmar chịu ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa khác nhau. Mặc dù vua
Aniruddha theo Phật giáo Theravada, nhưng ông vẫn tín phụng Quán Thế Âm.
Vì thế, ông thường tôn xưng Ngài là Lokanàtha(1). Rất tiếc, những dấu
ấn một thời của tín ngưỡng Bồ tát Quán Thế Âm trên đất nước Myanmar chỉ
còn lại trên sách vở. Chúng tôi chưa tìm thấy một tác phẩm nghệ thuật
nào miêu tả về hình tượng của Ngài như những quốc gia khác trong khu vực
Đông Nam Á.
Vào thế kỷ thứ VII, Dvaravati (miền Trung Thái Lan) trở thành một
trong những vương quốc hùng mạnh trong vùng Đông Nam Á. Điều đó được ghi
nhận cùng với những hình ảnh Đức Phật vượt trội so với các di chỉ văn
hóa khác của Dvaravati. Chúng tiêu biểu cho những đặc tính của quá trình
ảnh hưởng văn hóa Andhradesa và Sri Lanka hòa lẫn với số lượng đáng kể
ảnh hưởng văn hóa thời kỳ cuối và hậu Gupta từ phía Bắc Ấn và
Mahàrashtra. Cho dù các vùng dân cư Dvaravati phần lớn theo Phật giáo
Theravada, nhưng tư tưởng Đại thừa vẫn phát triển. Có thể, theo chân sự
ảnh hưởng của nghệ thuật Ấn Độ, tư tưởng Phật giáo Đại thừa đã đến vào
khoảng thế kỷ thứ VII. Niềm tin Đại thừa đã lan tỏa mạnh trong dân chúng
trong vài thế kỷ sau đó. Diện mạo của Bồ tát Quán Thế Âm xuất hiện
trong nghệ thuật Dvaravati và tạo nên những nét sinh động mới.
Ở Campuchia, Phật giáo được truyền đến từ rất sớm. Sự thờ phụng Quán
Thế Âm cũng thắng thế vào đầu thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ VIII.
Campuchia là quốc gia tiêu biểu nhất cho nét văn hóa truyền thống tín
ngưỡng Vua – Thần. Angkor là thời kỳ hưng thịnh nhất trong lịch sử
Khmer. Họ đã xây dựng cho mình một vương quốc hùng mạnh, tạo nên một nền
văn minh Angkor nổi tiếng, lan tỏa sự ảnh hưởng sang các vùng xung
quanh, kéo dài hàng thế kỷ. Các vị vua trong triều đại Angkor luôn tự
xưng mình là một vị vua được hóa thân từ một vị thần mà họ ngưỡng mộ,
sùng kính. Trong giai đoạn đầu, Angkor theo Hindu giáo, thần Siva được
ngưỡng mộ và trở thành vị thần được ưu ái nhất. Hầu hết các vị vua
Campuchia đều đồng nhất mình với thần Siva.
Khi Phật giáo được truyền bá vào đất nước này, hình ảnh của Phật hay của
một vị Bồ tát mà họ ngưỡng mộ đã thế chân các vị thần bản địa hay các
vị thần Hindu xuất hiện trước đó. Từ đó, danh xưng của họ cũng gắn liền
với tên tuổi của vị Phật hay Bồ tát mà họ ngưỡng mộ. Đó là giai đoạn cai
trị của vua Jayavarman VII (1181-1201), một trong những vị vua xuất sắc
và nổi tiếng nhất của thời kỳ văn minh Angkor. Sau khi giành lại đất
nước từ quân xâm lược Champa, năm 1181, ông đã thực hiện một cuộc chuyển
hướng mạnh mẽ về mặt tín ngưỡng. Thay vì tôn thờ các vị thần Hindu như
các vị vua trước, ông đặc biệt đề cao và tôn thờ Phật giáo Đại thừa. Ông
cho xây dựng nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc mang đậm dấu
ấn Phật giáo và cũng tự nhận mình là hóa thân của Bồ tát Quán Thế Âm.
Từ đó, Bồ tát Quán Thế Âm được xưng tụng dưới nhiều danh hiệu khác nhau
trong các bi ký, như Vrah Kamrateu, Sri Avalokitesvara, Avalokitesa,
Avalokita,... Những danh hiệu này xuất hiện trong thời kỳ Angkor. Hình
ảnh của Ngài xuất hiện riêng biệt cũng được tạo dựng ở đây trong thế kỷ
thứ VII. Văn hóa Campuchia đã tạo nên những nét đặc trưng hấp dẫn riêng
về Bồ tát Quán Thế Âm trong khoảng thế kỷ thứ IX đến thế kỷ thứ X.
Triều đại của vua Jayavarman VII đánh dấu đỉnh cao của nghệ thuật Khmer.
Là một Phật tử thuần thành, ông củng cố lại vương quyền Khmer hùng
mạnh, xây dựng nên một vương quốc của lòng từ bi vô bờ bến. Những bức
tượng về Đức Phật và Bồ tát Quán Thế Âm hầu như có mặt khắp các ngôi đền
linh thiêng trên toàn quốc. Kể từ khi ông tuyên bố nhận mình là hóa
thân của Bồ tát Quán Thế Âm, tín ngưỡng này bắt đầu lan tỏa và phát
triển mạnh trên toàn vương quốc và đây là thời gian hưng thịnh nhất của
tín ngưỡng Quán Thế Âm trên vùng đất của người Khmer.
Vì thế, thành tựu nổi bật nhất của thời kỳ này và cũng là của toàn bộ
nền văn minh Angkor có dấu ấn rất đậm của tín ngưỡng Quán Thế Âm, đặc
biệt nhất là thời kỳ Bayon (1177-1230). Những bức tượng bốn mặt cùng nụ
cười bí hiểm và khó hiểu đã làm ngây ngất những ai đã từng đến đây chiêm
ngưỡng, từ những du khách bình thường đến những nhà nghiên cứu, đền
Bayon được xem là đỉnh cao nghệ thuật trong quần thể kiến trúc Angkor.
Trong những quan điểm khác nhau về bức tượng Bayon, có ý kiến giải thích
Bayon là những bức tượng bán thân Quán Thế Âm bốn mặt, tượng trưng cho
bốn hạnh nguyện của Bồ tát: từ, bi, hỷ, xả. Bởi vì, đền Bayon được xây
dựng vào thời kỳ hưng thịnh nhất của tín ngưỡng Quán Thế Âm trong lịch
sử Campuchia. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đó cũng chính là khuôn mặt
của vua Jayavarman VII. Điều đó cũng có lý vì chính ông tự nhận mình là
hiện thân của Bồ tát Quán Thế Âm. Hơn nữa, trọn quyền quyết định trong
tay, nhà vua tất phải ưu tiên xây dựng những hình tượng thần thánh mà
mình ngưỡng mộ để phục vụ cho mục đích bảo vệ vương quyền của nhà vua.
Từ những nhận định trên, chúng tôi ủng hộ quan điểm cho rằng những bức
tượng trên đền Bayon nổi tiếng là hình ảnh của Bồ tát Quán Thế Âm.
Vừa qua, hình ảnh ngôi đền Bayon đã được Chính phủ Campuchia chọn làm
biểu tượng cho Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN lần thứ 36
diễn ra tại Phnom Penh. Sự kiện hình ảnh ngôi đền Bốn mặt được sử dụng
để thể hiện cho ước nguyện hòa bình và thịnh vượng trong toàn khu vực đã
nói lên tầm quan trọng của hình ảnh này trong tiềm thức của người dân
Campuchia.
Ngoài ra, cư dân Đông Nam Á hải đảo cũng đón nhận và thờ phụng Bồ tát
Quán Thế Âm rất thành kính. Cũng trong thời kỳ nở rộ, hình tượng của
Ngài đã lan đến các vùng đảo của Malaysia và Indonesia. Ngài thậm chí
còn có mặt ở tận đảo quốc Philippines, một quốc gia hải đảo ở về phía
cực Đông của khu vực Đông Nam Á. Hiện nay, các bức tượng của Bồ tát Quán
Thế Âm vẫn còn ở Indonesia và Philippines như những nhân chứng cho sự
hiện hữu của Ngài trong quá khứ trên những đảo quốc này.
Có thể nói, Quán Thế Âm là vị Bồ tát có hình tướng thể hiện cực kỳ linh
động và phong phú bậc nhất trong hệ thống thờ tự Phật giáo nói riêng và
tín ngưỡng dân gian nói chung. Sự phổ biến mạnh mẽ của hình tượng này đã
chứng tỏ sức mạnh vi diệu của từ bi, trí tuệ Phật giáo. Tiến sĩ Vu Quân
Phương, Khoa trưởng Phân khoa Tôn giáo, Đại học Quốc gia New Jersey –
Hoa Kỳ, đã từng nhận xét “Quán Thế Âm là vị Bồ tát của một nửa Á châu”.
Lời nhận xét đó thiết tưởng đã khái quát trọn vẹn sự ảnh hưởng của Ngài
đối với giới Phật tử từ xưa đến nay.
(1) Loka: Thế giới, nàtha: được tôn trọng, Lokanàtha là người đáng
được tôn trọng hơn hết trong các bậc chúng sinh. Từ này thường được dùng
để tôn xưng Đức Phật. Trung Hoa dịch là Thế Tôn.