1. Tháp Niết Bàn và tháp Xá Lợi
Tháp Niết Bàn và tháp Xá Lợi Ảnh: Tâm Bửu
Khoảng tám giờ tối, đoàn chúng tôi đến Câu Thi Na (Kusinagar)
thuộc bang Bihar, nơi mà hơn 2500 năm về trước đức Thế Tôn từ giã cõi
đời an trụ Vô Dư Niết Bàn, tìm chỗ nghỉ ngơi để chuẩn bị cho công
việc ngày hôm sau. Đêm nay, chúng tôi ngủ tạm tại chùa Linh Sơn, ni
sư Trí Thuận trụ trì, ngôi chùa Việt Nam gần tháp Phật Niết Bàn. Chùa có
mở lớp dạy cho học sinh nghèo Ấn Độ khoảng 400 em. Trong khuôn viên
chùa có xây dựng tứ động tâm thu nhỏ trông rất xinh, nhằm tưởng nhớ
đến bốn sự kiện trọng đại trong cuộc đời đức Phật.
Sau khi dùng cơm sáng, chúng tôi bắt đầu vào nơi tháp Niết Bàn để
làm lễ và ghi hình lưu niệm. Vừa bước vào bên trong khuôn viên của
tháp Niết Bàn, lòng chúng tôi bỗng chùn lại và cảm nhận một nỗi buồn
man mác, khi hình dung lại chính nơi đây đức Phật đã xả báo thân cuối
cùng và an tường thị tịch.
Giai đoạn cuối cuộc đời ai cũng phải trải qua, nhưng sao nghĩ đến
lòng cũng cảm thấy ngậm ngùi chua xót khi phải tiễn biệt người thân
và lo lắng khi điều đó sắp xảy ra với chính bản thân mình. Đức Phật
đã dạy, cái gì có sanh ắt có diệt, có hợp rồi tan, con người ai cũng
một lần được sanh ra và một lần phải chào vĩnh biệt cõi đời. Đó là
một qui luật, là một lẽ thật cho dù phủ phàng nhưng không ai có thể thay
đổi được. Chỉ khác chăng mỗi người trong chúng ta có một cái chết
bình an, có được tự tại như đức Phật hay các vị Thánh để an trụ Vô Dư
Niết Bàn hay không, đó mới là điều quan trọng!
“Cuộc thế trăm năm nghĩ cũng dài,
Nhưng rồi không quá một tầm tay,
Trăm năm là những gì khoảnh khắc,
Chợt mất chợt còn như gió bay”.
Tượng phật Niết Bàn được tôn trí bên trong tháp Niết Bàn. Ảnh: Tâm Bửu
Chúng tôi dự định tiến vào bên trong làm lễ, nhưng vì nhiều đoàn
đến viếng thăm, đang tụng kinh cầu nguyện và kinh hành nên chúng tôi
tạm đứng bên ngoài chờ đợi khoảng nửa giờ. Sau đó đoàn chúng tôi (mặc
dù chỉ có năm người) cũng được vào bên trong làm lễ theo truyền
thống Phật giáo Việt Nam và đi nhiễu ba vòng quanh kim thân Phật Niết
Bàn.
Như chúng ta được biết, gần 200 km từ Tỳ Xá Ly (Vesāli) đến Câu
Thi Na là đoạn đường cuối cùng trong đời mà đức Phật trải qua. Vào
thời Phật, Câu Thi Na là kinh đô của cộng hoà Malla, một thị tứ nhỏ
và nghèo nàn so với các nước hưng thịnh thời bấy giờ nhưng đức Phật lại
chọn nơi này làm nơi đại diệt độ với lý do liên quan đến tiền thân
Ngài. Khi đức Phật quyết định về Câu Thi Na nhập Niết Bàn, tôn giả A
Nan cảm thấy không được tương xứng với oai danh của đức Thế Tôn nên
Ngài liền bạch với đức Phật rằng, tại sao đức Thế Tôn không chọn các
đô thị lớn mà đức Thế Tôn đã từng du hoá và có nhiều đệ tử phú gia
cúng dường lễ hoả thiêu và thân xá lợi của Ngài như Chiêm Bà (Campā),
Vương xá (Rājagaha), Xá Vệ (Sāvatthī), Ba La Nại (Varanasi) .... Đức
Phật từ chối và trả lời rằng, thuở quá khứ Câu Thi Na là kinh đô của
Chuyển Luân Thánh Vương tên là Thiện Kiến, một trong những tiền thân
của Ngài trong quá khứ, là một kinh đô hưng thịnh phú cường. Và cũng
chính nơi đây Ngài đã xả báo thân đến bảy lần. Vì vậy, sự chọn lựa
của Phật hoàn toàn phù hợp với sự quán sát bằng tuệ giác của Ngài.
Những lời huấn thị cuối cùng của đức Thế Tôn và bối cảnh diễn ra lúc đó được ghi lại đầy đủ trong kinh Đại Bát Niết Bàn thuộc Trường Bộ Kinh, kinh Du Hành thuộc Trường A Hàm và những lời dạy trên được tóm tắt trong kinh Di Giáo.
Những lời dạy của đức Phật thật từ bi, thương yêu, lo lắng, quan tâm
đến tăng đoàn sau này như người cha đầy trí tuệ lo lắng cho các con
thơ dại của mình.
Vẫn là một xác thân tứ đại, đức Phật cũng phải chịu luật vô thường
biến hoại như mọi pháp hữu vi có mặt trên cuộc đời. Chúng ta hãy
nghe lời tâm tình giữa Phật và thị giả thân tín nhất của Ngài: “Này A
Nan! Nay ta đã già cả, đã suy yếu, đã đến hạn kỳ cuối của cuộc đời,
ta vừa tròn tám mươi tuổi. Này A Nan, giống như cỗ xe cũ kỹ được làm
cho chạy nhờ đám dây da chằng chịt nâng đỡ; cũng vậy, thân Như Lai
được duy trì và hoạt động nhờ nâng đỡ bằng dây đai”. Đức Phật dạy:
“Này A Nan hãy tự làm hòn đảo cho chính mình, hãy tự làm nơi an
trú cho chính mình, không tìm nơi an trú khác. Lấy chánh pháp làm hòn
đảo, lấy chánh pháp làm nơi an trú, không tìm nơi an trú nào khác”. Trường Bộ Kinh - Đại Bát Niết Bàn.
Còn biết bao lời nhắn nhủ cuối cùng thắm thiết tình sư đồ như những
gì đã từng diễn ra trong cuộc sống thường nhật. Bởi một sự xúc động
trào dâng nên chúng tôi muốn nhắc lại một vài lời dạy đầy thương cảm
của đức Thế Tôn. Giờ đây chúng ta cùng tìm hiểu những di tích kỷ niệm
liên quan đến nơi Niết Bàn của Phật.
Hai cây Sa La song thọ Ảnh: Tâm Bửu
Trong kinh Di Giáo nói rằng: “Trong rừng Sa la, giữa hai
cây song thọ, Ngài sắp Niết Bàn. Bấy giờ là lúc giữa đêm, hoàn toàn
yên lặng, không một tiếng động, Ngài đã vì các đệ tử mà nói tóm tắt
những điều cốt yếu của chánh pháp” - “Ư Sa la song thọ gian, tương nhập
Niết bàn, thị thời trung dạ tịch nhiên vô thanh, vị chư đệ tử lược
thuyết pháp yếu”. Như vậy, đức Phật nhập diệt tại rừng Sa La song thọ.
Sa La hay còn gọi là Ta La, đây là loại cây khá phổ biến tại các tu
viện ở Việt Nam. Chúng có tàng rất đẹp từng đôi đối xứng. Hiện tại,
trong khuôn viên tháp Niết Bàn của Phật ở Câu Thi Na, chúng ta không
còn thấy được rừng Sa La như thời xưa nữa mà chỉ có hai cây Sa La
trồng bên cạnh lối vào tháp, để kỷ niệm sự kiện lịch sử trọng đại
này. Chỗ chính yếu của khu thánh địa này là tháp Niết Bàn và tháp thờ
xá lợi của Phật. Tháp Niết Bàn có kiến trúc mái vòm hình lăng trụ,
được chính phủ Ấn Độ xây dựng lại vào năm 1956 để kỷ niệm lần thứ
2500 đức Phật Niết Bàn, bởi đức Phật nhập Niết Bàn vào ngày rằm tháng
2 năm 544 trước kỷ nguyên Tây lịch. Bên trong ngôi tháp này diện
tích mặt bằng hình chữ nhật, có tượng đức Phật nhập Niết Bàn bằng đá
đen nhưng đã được thiếp vàng, dài khoảng 7m được tôn trí trên bệ thấp
khoảng 5 tấc ngay giữa tháp. Mặt tượng hướng về phía Tây, đầu gối
lên tay phải, tay trái để xuôi theo thân về hướng Nam trong tư thế
nằm nghiêng. Đặc biệt nhất là dường như ít ai kiềm chế được cảm xúc
khi ngắm nhìn bức tượng này. Lần đầu tiên vào năm 2005 theo đoàn du
lịch chiêm bái các thánh tích Phật giáo, tôi bỗng rung động toàn thân
và trào nước mắt khi vừa nhìn thấy kim thân Phật Niết Bàn, đó là
những tình cảm chân thành và lòng kính trọng tuyệt đối mà chúng ta đã
dành cho đức Phật, một con người bằng xương bằng thịt, một con người
lịch sử trên trần gian này. Mặt trước bệ thờ có một vài bức phù điêu
nho nhỏ như: hình ảnh vị sư đang bưng mặt khóc, đó là tôn giả A Nan
rơi lệ dài trên má trước sự ra đi vĩnh viễn của đức Phật, bởi Ngài
chưa đắc quả vị A La Hán, là quả thánh dứt trừ tất cả lậu hoặc, tâm
không còn dao động trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đối xứng với hình ảnh
này có một phụ nữ đang quỳ mọp khóc than là hình ảnh tượng trưng cho
các thiện nam tín nữ khóc nức nở cho lần cuối cùng được ngắm nhìn kim
thân Phật. Và hình ảnh vị sư đang thiền định, biểu trưng cho các
hàng thánh giả và các Tỳ kheo đạt được sự thanh tịnh tuyệt đối trong
tâm hồn.
Nhìn từ phía mặt tiền của tháp Niết Bàn, chúng ta cứ ngỡ rằng tháp
Niết Bàn và tháp Xá Lợi là một cái tháp lớn, có cấu trúc hình lăng
trụ phía trước và hình tròn, đỉnh nhọn cao ở phía sau. Thật ra, hai
tháp này tách biệt nhau trên một nền cách nhau khoảng 3m, tháp Niết
Bàn thờ tượng Phật nhập Niết Bàn ở trước, và tháp xá lợi thờ Xá Lợi
Phật nằm phía sau. Tháp thờ xá lợi là do dòng họ Malla kiến tạo và tôn
thờ phần Xá Lợi Phật. Theo sách sử ghi lại, ban đầu bộ tộc Malla ở Câu
Thi Na không nghĩ rằng xá lợi của Phật phải được phân chia tám nước,
vì họ cho rằng đức Phật niết bàn tại địa phương họ thì họ trọn quyền
thừa hưởng báu vật vô giá này. Cuối cùng, để tránh đi sự tranh chấp
có thể xảy ra bất hoà giữa các nước, bộ tộc Malla nghe theo lời đề
nghị của vị Bà La Môn Dona, người đảm trách lễ hoả tán, phân chia xá
lợi đều cho tám nước:
1- Đại vương A Xà Thế (Ajātasatu) thuộc nước Ma Kiệt Đà (Magadha) thành Vương Xá (Rājagaha).
2- Bộ tộc Licchavi ở Tỳ Xá Ly (Vesāli).
3- Bộ tộc Thích Ca (Sakyā) ở Tân Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu).
4- Bộ tộc Buli ở Allakappa.
5- Bộ tộc Koliya ở Ramagama.
6- Một bà la môn ở Vethadipa.
7- Bộ tộc Malla ở Pava.
8- Bộ tộc Malla ở Câu Thi Na (Kusinagar).
Như vậy, cộng hoà Malla giữ được hai phần ở hai trú xứ khác nhau, đó là Pava và Câu Thi Na.
Tuy vậy, khi xá lợi đã được chia xong thì một sứ giả của bộ tộc
Moriya ở Pipphalivana đến đòi chia phần. Cuối cùng vị ấy đành phải
chịu nhận một ít tro ở giàn hoả. Còn Bà La Môn Dona giữ những gì còn
sót lại trong bình đất đựng xá lợi sau khi hỏa thiêu và được dùng để
chia phần. Như vậy, tổng cộng được tám bình xá lợi và hai bình tro được
tôn trí trong mười ngôi tháp để thờ mười chỗ khác nhau.
Theo nguồn sử liệu cho biết, đến nay hai bình trong số đó đã được
khai quật. Chiếc bình nhỏ hình cầu với lời ghi chú trên nắp mà xưa
kia bộ tộc Thích Ca làm lễ nhập tháp tại Ca Tỳ La Vệ mới (Piprahwa)
được giữ lại trong bảo tàng quốc gia Ấn Độ ở Calcuta. Còn chiếc bình
thứ hai của cộng hoà Licchavi được đào lên tại Tỳ Xá Ly (Vesāli) vào
năm 1958. Bình này chứa phần di cốt tro và nhiều vật khác. Những bảo
vật này đang thuộc quyền giám hộ của ban khảo cổ và bảo tàng chính
phủ quốc gia Bihar ở Patna. Theo quyển Đức Phật Lịch Sử - Tiến sĩ H.W.Schumann.
Giống như các tháp khác tại Ấn Độ, tháp Xá Lợi này có đỉnh rất cao
khoảng 45m. Trong có mái hình vòm, nhọn ở đỉnh. Trên đỉnh tròn của
tháp là một hình trụ cao khoảng 0,5 mét, có một hàng hoa văn và một
tấm bia bằng đồng khắc kinh Nhân Duyên (Nidana) bằng tiếng Sanskrit
và có những dòng chữ ghi lại lịch sử pho tượng Niết Bàn của Đức Phật.
Trong tháp có nhiều tháp nhỏ chứng tỏ nó đã được trùng tu nhiều lần.
Năm 1927 tháp được khôi phục hoàn toàn nhờ sự cúng dường của hai Phật
tử người Miến Điện là U Po Kyu và U Po Hlaing. Xung quanh tháp
chính, có nhiều tháp nhỏ và các nền gạch cũ nằm đan xen chính là nền
của các tu viện thời xưa.
Những ngôi tháp khác bao gồm tháp của Tu Bạt Đà La, người đệ tử
cuối cùng già nhất (120 tuổi), xuất gia với Đức Phật trước khi Ngài
nhập Niết Bàn; tháp Ngài Phú Lâu Na, thánh đệ tử thuyết pháp đệ nhất
.... Tuy nhiên, sau thời kỳ chiêm bái của Ngài Huyền Trang thì Phật
giáo tại thành Câu Thi Na ngày càng mất dần ảnh hưởng. Từ thế kỷ VII đến
thế kỷ XII, sử liệu Ấn Độ không hề đề cập gì đến nơi này nữa. Đến
thế kỷ thứ XIII, sau cuộc xâm lăng của đạo quân Hồi giáo, loạn lạc
khắp nơi, Câu Thi Na hoàn toàn đi vào quên lãng. Bên cạnh đó quân Hồi
sẵn sàng đập phá bất cứ thánh tích Phật giáo nào được khám phá trên
bước đường viễn chinh của họ. Như vậy, số phận thánh tích Câu Thi Na
cũng như các thánh tích khác bị đập phá trong khoảng thế kỷ XII và
XIII. Mãi đến thế kỷ thứ XIX, nhà khảo cổ người Anh tên Wilson (1854)
tình cờ tìm thấy được dấu tích thành Câu Thi Na. Sau đó các nhà khảo
cổ Cunningham và Carlleyle dựa vào tài liệu trong ký sự của Ngài
Huyền Trang, tiến hành những cuộc khai quật chính thức và sau đó
người ta mới khai quật được tháp Niết Bàn và tháp Xá Lợi trên cùng
một nền gạch. Năm 1856 người ta hoàn thành việc tái thiết tháp Niết
Bàn. Năm 1956 Phật giáo Nhật Bản lại hợp cùng các hội Phật giáo khác
tài trợ trùng tu toàn bộ ngôi tháp Niết Bàn, và kiến trúc ấy vẫn được
giữ cho đến ngày nay. Đến những năm đầu thế kỷ XX nhà khảo cổ Vogell
đã tìm thêm được một số di tích khác tại làng Câu Thi Na. Ngày nay
Câu Thi Na cũng chỉ là một thị trấn nhỏ, cách khu vực Kasia chừng 3
cây số về hướng Tây Nam và cách thành phố Gorakhpur chừng 50 cây số
trong bang Uttar Pradesh, thuộc vùng Bắc Ấn Độ. Dân cư quanh vùng rất
thưa thớt, nên cảnh trí vẫn còn chút gì đó phản ánh nơi thanh u, yên
tĩnh như ngày nào đức Thế Tôn đã chọn nơi đây làm địa điểm đại tịch
diệt của Ngài.
2. Tháp Trà Tỳ (Angrachatya), nơi hoả thiêu nhục thân Phật
Tháp Trà Tỳ Ảnh: Tâm Bửu
Từ nơi tháp Niết Bàn hướng về phía Đông cách khoảng 2 km có một
ngôi tháp gọi là tháp Trà Tỳ, tức là nơi đánh dấu vị trí hoả thiêu
nhục thân của Phật. Tháp này trông rất lớn, nhưng không được cao lắm
so với các tháp khác. Theo các nhà khảo cổ nghiên cứu, tháp vẫn còn
cao khoảng vài mét nữa nhưng vì phần dưới chân bị lún sâu trong lòng
đất nên chúng ta chỉ thấy từ mặt đất trở lên như dáng dấp hiện thời.
Khi chúng tôi vào thăm viếng, ngôi tháp đang được mọi người chùi rửa
và tu bổ. Dáng vẻ ngôi tháp giống như một con rùa, rộng phần
chân và mô dần lên đỉnh hay nói thực tế hơn giống như những ngôi mộ
làm bằng đất ở các vùng nông thôn Việt Nam. Đường kính đáy tháp
khoảng 45 m, cao khoảng 15m. Vào năm 1956, ngôi tháp này cũng được
khai quật và tìm thấy rất nhiều di chỉ cùng với niên đại và ký tự
thời xưa, chứng tỏ nơi đây chính là chỗ hoả thiêu nhục thân của Phật.
Căn cứ vào lịch sử Phật giáo, nhục thân của Phật phải hoãn lại bảy
ngày sau đó mới hoả thiêu, vì còn phải đợi ngài Ma Ha Ca Diếp
(Mahakassapa) cùng với các Tỳ kheo đang trên đường đến Câu Thi Na
tham dự tang lễ của Phật. Truyền thuyết kể lại rằng, sau khi đến nơi,
ngài Ma Ha Ca Diếp và các Tỳ kheo đi nhiễu quanh kim thân Phật ba
vòng và quỳ đảnh lễ. Ngay lúc đó đôi chân của đức Phật đã duỗi ra
khỏi kim quan. Ngài Ma Ha Ca Diếp ôm lấy bàn chân của Phật và cúi đầu
thọ nhận mật chỉ cuối cùng của Phật. Cũng như xưa kia tại pháp hội
Linh Sơn, Ngài đã một lần mỉm cười khi đức Phật đưa cành hoa sen,
thầm nhận được yếu chỉ mật truyền từ đức Thế Tôn, trong khi đại chúng
tỳ kheo trong pháp hội đều ngơ ngác nhìn. Đức Phật đã phó chúc cho
Ngài Ma Ha Ca Diếp rằng: “Ta có chánh pháp nhãn tạng, Niết Bàn
diệu tâm, pháp môn mầu nhiệm, chẳng lập văn tự, ngoài giáo lý truyền
riêng, nay giao phó cho ngươi. Ngươi khéo gìn giữ chánh pháp nầy,
truyền trao mãi đừng cho dứt, đến đời sau sẽ truyền cho A Nan”. Như
vậy chúng ta thấy được tầm quan trọng và uy tín của ngài Ma Ha Ca
Diếp đối với đại chúng thời Phật lớn lao như thế nào. Và sau đó
Ngài Ma Ha Ca Diếp được đại chúng cung thỉnh châm lửa hoả thiêu nhục
thân của Phật.
Cạnh ngôi tháp này, hướng bên phải từ cổng chính đi vào, chúng ta
thấy có nhiều tháp nhỏ lóm khóm còn nguyên vẹn, nằm dưới mặt đất
của lối đi cách tháp khoảng 3m và khi đếm thì được tám cái. Những
người hướng dẫn nói rằng tám cái tháp nhỏ biểu trưng cho tám vị quốc
vương của tám nước được chia xá lợi Phật tại nơi Trà Tỳ.
Rời khỏi nơi này chúng tôi cũng cảm thấy một chút gì đó ấm lòng khi
nhìn thấy cảnh vật được mọi người chăm sóc, cỏ được trồng tỉa vén
khéo, tốt tươi. Một tia hy vọng được thắp sáng trong tôi cho ngày mai
Phật giáo sẽ trở lại thời vàng son, đem đến cho người dân Ấn một
cuộc sống bình đẳng, ai cũng có cơm ăn, ai cũng có áo mặc đầy đủ, ai
cũng được hưởng trọn quyền làm người mà xưa kia cả cuộc đời đức Thế
Tôn đã làm. Ngài trở thành nhà cải cách xã hội đầu tiên rất thành
công trên thế giới.
3. Nền nhà của cư sĩ Thuần Đà (Cunda)
Nền nhà cư sĩ Thuần Đà (Cunda) Ảnh: Tâm Bửu
Thuần Đà (Cunda) là tên một người thợ sắt tại làng Pava, người đã
cúng dường bữa cơm cuối cùng trước khi Phật nhập Niết Bàn. Khi đức
Phật và chúng Tỳ kheo ngang qua làng Pava và dừng nghỉ tại khu vườn
xoài, thợ sắt Thuần Đà hay được tin đó liền đến chỗ Thế Tôn đảnh lễ
và ngồi xuống một bên để được nghe pháp yếu của Phật. Sau khi nghe
pháp, thợ sắt Thuần Đà sanh tâm hoan hỷ muốn cúng dường bậc Đạo Sư và
chúng Tỳ kheo vào ngày hôm sau. Đức Thế Tôn im lặng nhận lời. Bữa
ngọ trai hôm đó, đức Thế Tôn nhìn thức ăn, một loại nấm lạ với vẻ
nghi ngờ. Nhưng với lòng tịnh tín, nhiệt tâm của người cúng dường nên
đức Phật đã dùng trọn phần của mình và bảo Thuần Đà đem chôn phần
thức ăn còn lại, vì Ngài biết rằng đó là một loại nấm độc. Trong kinh Đại Bát Niết Bàn
chép rằng: “Này Thuần Đà, món ăn mộc nhĩ còn lại, ngươi hãy đem chôn
vào một lỗ. Này Thuần Đà , Ta không thấy một ai ở cõi Trời, cõi
Người, ở Ma giới, ở Phạm Thiên giới, không một người nào trong chúng
Sa Môn và chúng Bà La Môn, giữa những Thiên, Nhân, ăn món mộc nhĩ này
mà có thể tiêu hóa được, trừ Như Lai”. Sau bữa cơm đó, bữa cơm cuối
cùng, đức Thế Tôn bị bệnh trầm trọng và Ngài quyết định đến Câu Thi
Na. Chúng ta không nên nghi ngờ về hành động của Phật. Ngài thừa biết
nhân duyên đại tịch diệt đã đến, lại thêm lòng từ bi muốn tạo phước
đức cho kẻ cúng dường nên Ngài quyết định dùng bữa cơm này, cho dù
không dùng bữa cơm ấy thì thời giờ Niết Bàn của Phật cũng được Ngài chọn
sẵn như vậy. Để đánh tan nghi ngờ và niềm hối hận trong lòng của cư
sĩ Thuần Đà vì nghĩ rằng chính thức ăn mà mình dâng cúng làm cho đức
Thế Tôn nhập Niết Bàn. Đức Phật bảo Ngài A Nan hãy đến trấn an tinh
thần Thuần Đà với lời rằng: “Đức Thế Tôn đã nói có hai bữa ăn trong
cuộc đời đáng được ghi nhớ và phước báu hơn bất kỳ bữa ăn nào: một là
bữa ăn trước khi Như Lai chứng vô thượng chánh đẳng chánh giác, hai
là bữa ăn trước khi như lai diệt độ Niết Bàn giới, không còn di hưởng
sanh tử. Hai bữa ăn này đồng một quả báo, đồng một dị thục quả, quả
báo lớn hơn, lợi ích lớn hơn các sự cúng dường ăn uống khác”. Kinh Đại Bát Niết Bàn.
Đoàn chúng tôi đến tận làng Pava, nơi được cho là nền nhà của cư
sĩ Thuần đà. Làng Pava hiện nay là một khu thị trấn nhỏ, dân cư quanh
vùng đông đúc. Trước khi đến nền nhà của Thuần Đà phải qua một lối
đi của nhà cư dân, hai bên đường nhà cửa chen chút. Vượt qua xóm nhà
dân là khoảnh đất trống, phía trước có tấm bảng giới thiệu, khoảng
giữa có mô đất trộn lẫn gạch cũ cao khoảng 6m. Trên cùng của mô đất
có những ô gạch vuông cũ và các bức tường đổ ngang dọc. Cách nền gạch
này khoảng 10 m có cây Bồ Đề rất lớn, cành lá sum suê. Người ta cho
rằng đây là nền nhà của Thuần Đà. Nhưng chúng tôi thiết nghĩ, ngôi
nhà xưa không thể quá cao như vậy, rất có thể do một ai đó, có thể là
vua A Dục xây mộ để tưởng niệm giống như mộ kỷ niệm của nàng Su Dà
Ta, và đây chính là đóng gạch vụn của ngôi mộ được kiến tạo sau này?