Tờ
nhật báo uy tín Le Monde của Pháp ngày 18 tháng 9 năm 2013, trong mục
Địa Lý và Chính Trị và qua một bài viết của ký giả Frédéric Robin đặc
phái viên ở New Delhi, đã nêu lên các mưu đồ và tham vọng quốc tế nhằm
khai thác thánh địa Phật Giáo Lâm-tì-ni (Lumbini). Dưới đây là phần
chuyển ngữ.
Thật là cả một sự tranh giành ảnh hưởng vô cùng khốc liệt hiện đang bùng
lên trong dãy núi Hy-mã-lạp-sơn. Hai nước Trung Quốc và Ấn Độ đang đối
đầu nhau trước biểu tượng của Đức Phật, tượng trưng cho sự đoàn kết
giữa các dân tộc Á Châu. Quả thật đây là một cuộc đọ sức không gây ồn
ào, thật kín đáo và vô cùng bí mật, tuy nhiên không phải vì thế mà kém
phần quyết liệt. Ngoài các mặt trận đã được dàn ra giữa hai siêu cường Á
Châu (như sự tranh chấp biên giới, chạy đua về năng lượng, tranh giành
ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương...) thì một mặt trận mới cũng đang được mở ra
với những "đòn chính trị" thật quy mô. Nếu dựa vào cách nói đang thịnh
hành trong thời buổi ngày nay thì có thể bảo rằng cuộc tranh giành kín
đáo chưa được công bố ấy là cả một mặt trận tranh giành "quyền lực mềm"
("soft power"). "Quyền lực mềm" là một cách mà các siêu cường ngày nay
thường sử dụng để thăm dò phản ứng của nhau, ngoài các hình thức biểu
dương sức mạnh khác. "Quyền lực mềm" Phật giáo với một tầm ảnh hưởng
rộng lớn mang tính cách toàn cầu là cả một tiềm năng mà bất cứ một quốc
gia nào tự cho mình là nước lãnh đạo Á Châu đều phải quan tâm đến.
Trong các phòng khách sang trọng và kín đáo dưới tầng hầm của một
khách sạn năm sao ở New Delhi (thủ đô Ấn Độ) các buổi họp đầu tiên của
International Buddhist Confederation (IBC / Liên đoàn Phật giáo Thế
giới) đã diễn ra từ ngày từ 9 đến 12 tháng 9 vừa qua, đánh dấu giai
đoạn chín muồi của sự tranh chấp trên đây. Trên phương diện chính thức
thì IBC (Liên đoàn Phật giáo Thế giới) chỉ giữ vai trò của một tổ thức
"Liên hiệp quốc Phật giáo" (Nations Unies du Bouddhisme), tức là một
phương tiện nhằm gom tất cả các học phái - Mahayana (Đại Thừa),
Hinayana (Tiểu Thừa), Vajrayana (Kim Cương Thừa) - vào một di sản tâm
linh chung cho 400 triệu tín đồ trên toàn thế giới. Sự hiện diện trong
các buổi họp mặt ở New Delhi của các đại biểu đến từ khoảng bốn mươi
quốc gia trên thế giới đã cho thấy một tiếng vang nào đó. Dầu sao thì
cũng còn quá sớm để tiên đoán tương lai của IBC. Hiện nay, người ta chỉ
có thể biết một cách chắc chắn là dự án trên đây là do nước Ấn đưa ra -
mà người đứng ra tổ chức là Lạt-ma Lobzang, một nhân vật thân cận của
triều đại Nehru-Gandhi - không phải chỉ mang mục đích tôn giáo. Chủ
đích Địa lý Chính trị (Géopolitique / Geo-policy) hiện ra thật rõ rệt.
Tổ chức Liên đoàn Phật giáo Thế giới (IBC) do Ấn Độ thành lập là nhằm
chống lại các sinh hoạt của một tổ chức khác gọi là World Buddhist
Forum (WBF / Diễn đàn Phật giáo Thế giới) dưới sự bảo trợ của Trung
Quốc. Diễn Đàn này được thành lập sau các buổi hội họp được tổ chức ở
Hàng Châu (Hangzou) trong vùng phía nam Thượng Hải (Shanghai) vào năm
2006. WBF (Diễn đàn Phật giáo Thế giới) là một công cụ mà Bắc Kinh sử
dụng để o bế (trong nguyên bản là chữ amadouer / coax / vuốt ve)
các tập thể Phật giáo bằng cách hứa hẹn một sự đỡ đầu thân thiện. Tổ
chức này nằm trong chính sách ngoại giao tích cực nhân danh Phật giáo,
được đưa ra liên tiếp từ mười năm nay qua các cuộc triển lãm lưu động
về chiếc "răng" và đốt "ngón tay" Phật, được xem là xá lợi của chính
Đấng Giác Ngộ mà Trung Quốc đang lưu giữ. Năm 2012 trong lần họp thứ ba
của WBE tổ chức tại Hồng Kông, một mảnh xương sọ được xem là của chính
Đức Phật - khám phá ra hai năm trước đó ở Nam Kinh (Nankin) - được đưa
ra trưng bày một cách trang trọng.
Địa lý Chính Trị trong vùng Hy-mã-lạp-sơn là cả một sự thách đố
Nhìn qua thì các buổi họp của Diễn đàn Phật giáo Thế giới (WBF) do
Bắc Kinh giật dây cũng không đến nỗi nào thua kém so với các buổi họp
của Liên đoàn Phật giáo Thế giới (IBC) được tổ chức ở New Delhi (do Ấn Độ chủ xướng).
Tuy nhiên, thật hết sức khó cho tổ chức Diễn đàn Phật giáo Thế giới
(WBF) vượt xa hơn biên giới của các nước thuộc khối Trung Quốc (gồm
Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và các cộng đồng Đông Nam Á), trong khi
đó thì Liên Đđàn Phật giáo Thế giới (IBC) đã mở ra một chân trời rộng
lớn hơn. Sự khác biệt trên đây một phần là do ảnh hưởng của vấn đề Tây
Tạng. Trong các buổi họp của Diễn đàn Phật giáo Thế giới (WBF / do Trung Quốc tổ chức), Gyancain Norbu tức là vị Panchen-lama [nhân vật đứng hàng thứ hai trong Phật Giáo Tây Tạng - ghi chú trong nguyên bản] do Bắc Kinh chọn lựa (được chỉ định là vị tái sinh của vị tiền nhiệm)
và cố tình mang ra dàn cảnh. Những người ủng hộ Đức Đạt-Lai Lạt-Ma tức
là vị lãnh đạo tối cao của Phật giáo Tây Tạng đang lưu vong ở
Dharamsala (Ấn Độ), không hề công nhận sự hợp pháp của vị này. Một trong các chủ đích của Diễn đàn Phật giáo Thế giới (WBF / do Trung Quốc tổ chức)
là mang Panchen-lama thứ XI ra trưng bày trước cộng đồng thế giới với
mục đích hy vọng có thể chính thức hóa vị này, thế nhưng hy vọng đó cho
đến nay thật hết sức mong manh. Qua những bài diễn văn yêu nước cho
rằng xứ sở Nóc Nhà của thế giới (tức là nước Tây Tạng)
thuộc lãnh thổ Trung Quốc do chính Panchen-lama đọc lên cho thấy vị
này là người ủng hộ Bắc Kinh. Trong khi đó những người trung thành với
Đức Đạt-Lai Lạt-Ma lại hiện diện đông đảo hơn trong tổ chức Liên đoàn
Phật giáo Thế giới (IBC) đặt trụ sở ở New Delhi. Trên thực tế IBC đã
dựa vào ánh hào quang tỏa rộng mà vị "Đại Dương Trí Tuệ" (tức là Đức Đạt-Lai Lạt-Ma XIV)
đã tạo được cho toàn thể gia đình Phật giáo với những biên giới rộng
lớn, vượt xa hơn tầm ảnh hưởng của các học phái Phật giáo Tây Tạng.
Giữa cảnh tranh giành đó, mỗi quốc gia (tức Trung Quốc và Ấn Độ)
đều tìm cách đưa ra đủ mọi bằng chứng nhằm giành chính nghĩa về phần
mình. Trung Quốc không ngớt hô hào rằng mình là quốc gia có số tín đồ
Phật giáo đông đảo nhất thế giới. Về phía Ấn Độ, nơi mà Phật giáo đã bị
Ấn giáo đông đảo hơn lấn lướt qua nhiều thế kỷ, thì cho rằng Đức Phật
đã được sinh ra trên đất Ấn. Phái bộ Azoka giữ trọng trách tổ chức IBF ở
New Delhi tuyên bố rằng "Ấn độ chính là cội nguồn của Phật Giáo". Sự
khẳng định trên đây cần phải được xét lại, bởi vì Lâm-tì-ni nơi Đức
Phật đản sinh vào thế kỷ thứ VI trước Tây lịch, thật ra là thuộc lãnh
thổ của nước láng giềng Nepal, và người dân Nepal thì không hề tán đồng
sự mạo nhận đó của Ấn Độ. Dầu sao các thánh địa khác của Đức Phật và
các đệ tử của Ngài - chẳng hạn như Bồ-đề Đạo Tràng (Bod Gaya), Tiên
Uyển (Sarnath), Na-lan-đà (Nalanda)... - rõ ràng là thuộc vào lãnh thổ
Ấn, và New Delhi bắt đầu đẩy mạnh các kế hoạch khai thác ngành du lịch
tâm linh.
Chính trong lãnh vực này đang diễn ra một trận đấu thật ngoạn mục
giữa Trung Quốc và Ấn Độ xoay quanh "quyền lực mềm" Phật giáo. Nhằm đối
đầu với con đê khổng lồ của Ấn Độ, Trung Quốc đã bọc hậu và tràn ngập
phía sau các thánh địa. Năm 2011, Tổ chức Phi Chính phủ (Organisation
Non Gouvernementale, ONG / Non-governmental Organisation, NGO) đặt tại
Hồng Kông liên hệ với Bắc Kinh là Asia Pacific Exchange and Corporation
Foundation (APECF / Cơ quan Trao đổi và Hợp tác giữa các Quốc gia Á
châu trong vùng Thái Bình Dương) đề nghị với người Nepal là sẽ đầu tư 3
tỉ đô-la (2,25 tỉ euros) - tương đương với 85% thuế thu nhập của toàn
xứ Nepal - để "phát triển" thánh địa Lâm-tì-ni, nơi đản sinh của Đức
Phật. Sáng kiến này bất ngờ làm bùng lên một sự hăng say trong toàn
vùng Hi-mã-lạp-sơn. APECF (tức Cơ quan trao đổi và hợp tác trên đây) chọn ngay Pushpa Kamal Dahal làm người đại diện cho chương trình trên đây ở Nepal, nhân vật này mang bí danh là "Prachanda",
nổi tiếng là một người khuấy động, trước đây từng là thủ lãnh của nhóm
cựu-nổi-loạn theo chủ nghĩa Mao (Maoism) đã được hợp thức hóa sau hiệp
ước hòa bình ký kết vào năm 2006. Prachanda cũng đã từng làm thủ tướng
Nepal vào các năm 2008 và 2009.
Có quá nhiều dự án
Trùng tu Lâm-tì-ni là một câu chuyện cũ mèm, thế nhưng gần đây lại
được hâm nóng trở lại. Câu chuyện bắt đầu từ năm 1970 khi một kiến trúc
sư người Nhật là Kenzo Tange dưới sự bảo trợ của Liên hiệp quốc đã đưa
ra một dự án về vấn đề này. Thế nhưng sự nhiệt tâm ban đầu đã bị sa lầy
nhanh chóng trong các ngõ ngách quan liêu của xứ Nepal và tình trạng
bất ổn nội bộ của một xứ sở bé tí nằm kẹt giữa Trung Quốc và Ấn Độ
trong vùng Hy-mã-lạp-sơn. Năm 2010, bỗng dưng người ta lại quan tâm
đến Lâm-tì-ni với sự hình thành của một dự án mới, do một nhóm người Mã
Lai gốc Trung Quốc theo Phật giáo Tây Tạng đưa ra. Dự án này nhằm biến
Lâm-tì-ni thành một nơi du lịch đại chúng dành vào việc hành hương,
tương tự như thánh địa Mecca (La Mecque / Mecca) của người Hồi Giáo.
Thật rõ ràng đây là một dự án "ăn cắp" của Cơ quan Trao đổi và Hợp
tác giữa các Quốc gia Á châu trong vùng Thái Bình Dương (APECF) do
Trung Quốc giật dây. Bề ngoài chương trình này được điều hành bởi một
nhân vật rất bí mật tên là Xiao Wunan dưới sự chỉ đạo của các cấp cao
trong Đảng Cộng Sản Trung Quốc, và được đẩy mạnh trong các cộng đồng
người Hoa vùng Đông Nam Á. Sự giao hảo thân thiện với nhóm nổi loạn
theo chủ nghĩa Mao của Nepal do Prachanda lãnh đạo cho thấy APCEF phải
chịu một áp lực nào đó và đã biến thành một sức mạnh đang lên trong bối
cảnh sôi sục của thánh địa Lâm-tì-ni. Mùa xuân năm 2011, lại thấy xuất
hiện hai nhân vật mới đưa ra một dự án khác, thế nhưng dự án này lại
cũng chỉ là một sự vay mượn cả đường lẫn bột với dự án của người Mã Lai
trước đây, chỉ khác là được hậu thuẫn bởi một sức mạnh chính trị quan
trọng hơn nhiều. Vài tháng sau đó thì một diễn viên thứ ba lại xuất
hiện: đấy là kiến trúc sư Hàn Quốc Kwaak Young Hoon, là một người đã
từng quan tâm đến Lâm-từ-ni từ lâu trước đó. Người kiến trúc sư này
được sự ủng hộ của Korea International Cooperation Agency (KOICA / Cơ
quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc) là một cơ quan trực thuộc chính quyền
Seoul (Nam Hàn).
Tóm lại hiện nay đang có quá nhiều dự án liên quan đến Lâm-tì-ni nơi
đản sinh của Đức Phật. Giữa cảnh hỗn độn đó, vào năm 2002 lại bắt đầu
xảy ra các cuộc tiếp xúc giữa các nhóm trên đây với mục đích phối hợp
các sáng kiến theo các đường hướng khác nhau nhằm tìm cách lôi kéo sự
chú ý của Liên hiệp quốc. Chẳng phải là di tích Lâm-tì-ni đã được cơ
quan UNESCO đưa vào danh sách di sản của nhân loại hay sao? Thế nhưng
trong đầu óc mỗi người hình như đều phát sinh một thứ cảm tính nghi ngờ
cho rằng chắc hẳn phải có những âm mưu nào đó tàng ẩn phía sau những
sự lèo lái trên đây. Thế nhưng ai lèo lái ai? Và ai tìm cách hất chân
ai? Chính Kwaak Young Hoon (kiến trúc sư Hàn Quốc trên đây)
đã từng tiết lộ một giai thoại cho báo Le Monde với mục đích thăm dò
mức độ nghi ngờ đang tàng ẩn kín đáo trong bối cảnh trên đây. Khi vừa
mới gia nhập vào cuộc chạy đua này, vị kiến trúc sư Nam Hàn đã nhận được
ngay một thông điệp của một vị Bộ trưởng trong chính quyền Katmandou
(Nepal) - tất nhiên là dưới áp lực của nhóm nổi loạn theo chủ nghĩa Mao
- phải trưng ra bằng cớ sẽ "không chống lại Trung Quốc". Kiến trúc sư Kwaak đành phải tuyên bố rằng mình "không chống Trung Quốc".
"Đức Phật là người Ấn"
Trước những sự việc xảy ra trên đây, Ấn Độ cũng bắt đầu cảm thấy nao
núng trước sự khuấy động của tổ chức APCEF thiên Bắc Kinh. Vị chủ tịch
Indian Council for Cultural Relations (ICCR / Hội đồng Quan hệ Văn
hóa Ấn Độ) và đồng thời cũng kiêm nhiệm chức chủ tịch văn phòng Ngoại
giao của Đảng Quốc đại (Parti du Congrès / Congress Parti / một đảng chính trị quan trọng của Ấn Độ) hiện đang cầm quyền, là Karan Singh đã lên tiếng như sau: "Ấn Độ sẽ không thể làm ngơ trước các công trình phát triển Lâm-tì-ni",
tất nhiên điều này cho thấy rằng việc phát triển Lâm-tì-ni là một
trong những công cụ nhằm củng cố "quyền lực mềm" của Ấn Độ. Thế nhưng
vị chủ tịch Singh thì lại xác nhận rằng lý do chính thức là vì "Đức Phật là người Ấn Độ". Dầu sao thì sự kiện này còn là - hay đúng hơn nhất thiết là - một kế hoạch chiến lược.
Dưới con mắt của người Ấn, tham vọng của Trung Quốc về một vùng thánh
địa Phật giáo nổi tiếng là Lâm-tì-ni, chỉ cách biên giới của Ấn vài
cây số, là cả một sự thách thức lớn lao trên phương diện địa lý chính
trị. Phải chăng một mối bức xúc cũng đang bùng lên trong chính quyền
New Delhi hay chăng? Người Ấn rất e ngại là nếu dự án của Cơ quan Trao
đổi và Hợp tác giữa các Quốc gia Á châu thuộc Thái Bình Dương APCEF (thân Trung Quốc)
thành công thì tất nhiên Trung Quốc cũng sẽ gây được ảnh hưởng đối với
các nhà sư trong vùng Hy-mã-lạp-sơn, nhằm chờ đợi sau này khi Đức
Đạt-Lai Lạt-Ma viên tịch sẽ kiểm soát toàn bộ cộng đồng người Tây Tạng.
Một viên chức cao cấp của chính phủ Ấn Độ trước đây là Jayadeva Ranade
hiện đang được thu dụng trở lại trong việc phân tích chiến lược, đã tỏ
ra rất lo ngại khi tuyên bố rằng: "Trung Quốc có thể sẽ mượn Lâm-tì-ni để thành lập một đạo quân thứ năm dàn ra trước cửa ngõ của nước Ấn".
Dự án của APECF cũng đã cho thấy một vài dấu hiệu đuối sức - thế
nhưng chắc là sẽ không bị hủy bỏ - lý do là tình trạng thù địch đang
nghiêm trọng. Các người Phật giáo Nepal hết sức bực tức vì tất cả hai
bên đều không hề quan tâm đến họ, do đó họ cũng huy động các lực lượng
trong tay mình để chống lại "âm mưu cướp đất" (spoliation
foncière / land dispossession) đang hăm dọa tập thể người địa phương
(tức sắc tộc Tharu) đang sinh sống chung quanh Lâm-tì-ni trong vùng
đồng bằng Teraï. Dù chỉ mang tính cách địa phương, thế nhưng Ấn Độ
không hề nhìn phong trào trên đây với con mắt bàng quang. Một thành viên
Phật giáo thuộc phong trào này ở New Delhi thú nhận rằng: "Người Ấn giúp đỡ chúng tôi trên mặt tinh thần". Mọi sự hiện nay cũng đã trở nên sáng tỏ hơn, và một vị lãnh đạo Phật giáo Nepal cũng đã từng tuyên bố như sau: « Lâm-tì-ni đã trở thành tâm điểm của cả một « cuộc chơi lớn » giữa Ấn Độ và Trung Quốc ».
Nơi đang gây ra chấn động và cơn sốt trên đây cũng là điểm gặp nhau
giữa những người tu hành, những tay khuấy động thừa cơ nước đục thả
câu, các chính trị gia, các nhà tranh đấu bản địa (người dân thiểu số thuộc các sắc tộc địa phương), và cả một bọn trục lợi cá mè một lứa.
Vài lời ghi chú của người dịch
Lâm-tì-ni nằm trong vùng đồng bằng Taraï phía nam xứ Nepal và là nơi
đản sinh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Năm 249 trước Tây Lịch vua A-dục
và nhà sư Ưu-bà-cúc-đa (Upagupta) vừa là thầy vừa là quốc sư của đế
quốc của ông, cả hai cùng đến viếng Lâm-tì-ni, lúc đó là một ngôi làng
trù phú. Vua A-dục cho xây dựng tại nơi này bốn ngôi chùa và một trụ đá
cao sáu thước. Trên trụ đá có khắc một câu như sau: " Vị vua yêu quý
của các thiên nhân là Piyadasi (một tên khác của vua A-dục) đã đích
thân đến viếng nơi này vào năm thứ 20 sau ngày đăng quan. Đức Phật
Thích Ca Mâu Ni đã sinh ra tại nơi đây...". Dựa vào các chi tiết khác
khắc trên trụ đá thì Đức Phật sinh vào năm 623 trước Tây Lịch.
Ngược về bốn thế kỷ trước đó, tức là trước khi vua A-dục và nhà sư
Ưu-bà-cúc-đa đến đây thì ngôi làng Lâm-ti-ni là một khu vườn rộng lớn
thuộc xứ Kiều-tát-la (Kosala) của nhà vua Tịnh Phạn (Suddodhana). Kinh
sách bằng tiếng Pa-li cũng như bằng tiếng Phạn đều có nói đến khu vườn
này và cho biết đây là một khu vườn mênh mông, thật thanh tú và có
trồng nhiều cây sala. Sala tên khoa học là Shorea robusta trổ hoa rất đẹp.
Hôm ấy là giữa tháng năm và cũng vào giữa mùa xuân, nơi kinh đô
Ka-tì-la-vệ (Kapilavastu) hoàng hậu Mai Da (Maya Devi) vợ vua Tịnh
Phạn, dù đang có mang thế như vẫn quyết định về thăm cha mẹ sinh ra
mình ở thị trấn Devahada. Nào có ai ngờ được là quyết định bất ngờ ấy
của một bà hoàng hậu một xứ bé tí thu mình duới chân dãy Hy-mã-lạp-sơn
đã đánh dấu một biến cố lớn trong lịch sử nhân loại. Đi được nửa đường,
Hoàng hậu và các người tùy tùng dừng lại nghỉ trong khu vườn Lâm-tì-ni
xinh đẹp. Trong khu vườn có xây một hồ nước trong để dân chúng trong
vùng đến tắm. Hoàng hậu và một vài người hầu cũng xuống tắm. Sau đó
hoàng hậu ngồi tựa vào một gốc cây sala nghỉ ngơi. Thế rồi hoàng hậu
bỗng nhiên cảm thấy chuyển bụng. Bà bèn đứng lên, một tay nắm chặt một
cành cây sala, một tay quàng vai một người hầu và sinh ra thái tử
Tất-đạt-đa Cồ Đàm từ "bên cạnh sườn" (xem hình). Đứng để sinh đẻ là một
tập tục lâu đời ở Á Châu và gần đây vẫn còn thấy ở một vài sắc tộc.
Thái tử Tất-đạt-đa không sinh ra trong chốn cung điện mà sinh ra dưới
một gốc cây trong khu vườn Lâm-tì-ni như bất cứ một kẻ vô gia cư nào
khác. Ba mươi lăm năm sau vào giữa mùa xuân và cũng vào một đêm giữa
tháng năm trăng tròn, dưới một gốc cây trong một khu rừng hoang vắng,
thái tử Tất-đạt-đa đạt được Giác Ngộ và trở thành một vị Phật. Đức Phật
thuyết giảng lần đầu cũng dưới một gốc cây nơi khu vườn Tiên Uyển
(Sarnath). Tám mươi tuổi, kiệt lực, Đức Phật cũng lại nằm xuống đất
giữa hai gốc cây trong một khu rừng,
Từ ngày lánh xa thế tục, Đức Phật chỉ có hai manh áo cà sa thay đổi
trên người, một chiếc bình bát trên tay, và đi chân đất để khất thực.
Ngài luôn dừng lại bên ngoài các khu đô thị hầu tránh xa các cảnh bon
chen. Ngoài giáo lý mà Đức Phật đã để lại cho nhân loại, chính cuộc
sống của Ngài cũng là một tấm gương cho chúng ta cùng soi. Một người tu
tập chân chính có cảm thấy khiếp sợ - nếu không muốn nói là kinh hoàng
- khi đọc những gì mà bài báo trên đây đưa ra hay không? Rồi đây,
Lâm-tì-ni sẽ trở thành một nơi đô hội, một bãi chiến trường giữa những
kẻ âm mưu, một nơi hội tụ của những kẻ thừa cơ nước đục... Ai sẽ thắng,
và ai sẽ thua? Hàng nghìn khách sạn sẽ mọc lên, ngành du lịch tâm linh ở
Lâm-tì-ni sẽ trở thành một kỹ nghệ béo bở. Thánh địa Lâm-tì-ni sẽ trở
thành một "quyền lực mềm" của một quốc gia lãnh đạo nào hay một chủ
nghĩa chính trị nào đây?
Một vài tư liệu cho biết rằng vua A-dục bãi bỏ thuế khóa cho ngôi
làng Lâm-tì-ni, trong khi đó một vài tư liệu khác thì lại cho rằng nhà
vua này chỉ giảm thuế, dầu sao đi nữa thì đấy cũng không hề là một biện
pháp trục lợi. Thật vậy chủ đích chính yếu của bốn ngôi chùa và trụ đá
của vua A-dục là để biến Lâm-tì-ni thành một trong những nơi hành
hương mang lại những xúc cảm tinh khiết cho những người tu hành chân
chính hầu giúp họ đến gần với Đức Phật hơn. Vào thế kỷ thứ IV có một
nhà sư Trung Quốc khác thường là Pháp Hiền, quyết tâm sang Ấn Độ để tu
học. Ông khởi hành bằng đường bộ và rời Trường An năm 399, đi xuyên qua
sa mạc Gobi, các vùng Tân Cương, Khotan, và sau đó là Afghanistan và
Pakistan ngày nay... Ông đi ngang làng mạc và đô thị, nơi nào cũng theo
Phật Giáo, dân chúng tổ chức các lễ hội thật vui và long trọng.
Pháp Hiền đến lãnh thổ Ấn năm 402. Ông lưu lại trong vùng thung lũng
sông Hằng để tu học và viếng các nơi thắng tích Phật Giáo. Sau đó ông
quay lại các vùng Peshawar, Kaboul thuộc Afghanistan ngày nay để viếng
thăm các vùng Phật Giáo này. Trước khi quay về Trung Quốc ông xuống
miền nam nước Ấn và đến Tích Lan, nơi đây ông khám phá ra nhiều kinh
sách chưa hề có ai ở Trung Quốc biết đến. Năm 413 ông rời Tích Lan bằng
đường biển để trở về quê hương. Trên đường ông suýt chết vì ghe bị
đắm. Ông ghé được vào đảo Java của Indonesia, và tại nơi này ông gặp
nhiều người đồng hương sang đây tu học. Lúc đó đảo Java chưa có ngôi đền
Borobudur, vì ngôi đền nổi tiếng này chỉ bắt đầu được xây dựng vào
khoảng thế kỷ thứ VIII. Sau đó ông lại tìm ghe khác để trở về Trung
Quốc. Trong chuyến trở về quê hương này có thêm bốn nhà sư khác tháp
tùng, thế nhưng chỉ có mình ông là sống sót và về đến được Trường An
vào năm 414. Ông để ra hai năm để viết quyển hồi ký mang tựa là "Phật Quốc Ký" thuật lại cuộc hành trình mười lăm năm của mình ở Ấn Độ và Tích Lan. Vài năm sau đó thì ông qua đời.
Hành hương và tu học là ý chí và lòng nhiệt tâm của một con người và
đôi khi cũng là lý tưởng của cả một đời người. Sự thúc đẩy đó không cần
đến sự hậu thuẫn của các diễn đàn, liên đoàn, ngân hàng, hay sự hậu
thuẫn chính trị của các đảng phái hoặc một quốc gia nào cả, cũng không
cần đến các tổ chức du lịch đan vào nhau như một mạng lưới ở khắp các
quốc gia Phật giáo. Chắc hẳn rồi đây chúng ta sẽ có thể đến viếng
Lâm-tì-ni thật dễ dàng theo các tour du lịch rẻ tiền. Trong số những
người hành hương tất sẽ có những người thật thà, dành dụm chắt chiu để
cúng dường, hầu góp phần mang lại lợi nhuận cho những số vốn đầu tư
hàng tỉ đô-la. Thế nhưng cũng có những người giàu có cúng dường để trấn
an lương tâm mình. Dầu sao thì chúng ta cũng rất có thể sẽ đến
Lâm-tì-ni bằng các tour du lịch với chương trình một hoặc hai tuần có
người hướng dẫn chuyên nghiệp có thể nói được nhiều ngôn ngữ khác nhau,
nhằm giúp chúng ta cầu xin được thêm một ít phước lành. Có mấy ai nhớ
được là Đức Phật sinh ra dưới một gốc cây ở một nơi cách biệt với cung
điện của vua cha, và sau này chỉ có một bình bát trên tay, thì làm thế
nào ban phước lành và sự giàu có cho chúng ta được. Âu châu văn minh
ngày nay cũng chẳng khá hơn, chẳng hạn như ở một nước rất sùng đạo,
trong các vùng thôn quê, làng này đồn đại và rỉ tai là làng kia có xảy
ra phép lạ nhờ đi hành hương và uống nước thánh. Bọn trục lợi quả thật
khéo léo và tài tình, xe của các tour du lịch đầy ắp những người nông
dân chất phác và những người lớn tuổi thật thà. Các nước có thánh địa
tiếp rước hàng triệu du khách mỗi năm, mạng lưới du lịch tâm linh thật
nhộn nhịp khắp Âu châu và thế giới. Hình ảnh những người hành hương
thành kính thường xuyên được đưa lên thật khéo léo trên truyền hình.
Đấy vừa là "quyền lực mềm" vừa là một nguồn tài chính khổng lồ cho một
số quốc gia Ấu châu. Cái mô hình đó đang được xuất cảng sang Á châu.
Vào thế kỷ thứ VII, giữa thời kỳ vàng son của nền văn minh Trung Quốc
và sự phát triển cao độ của Phật giáo ở xứ sở này, người ta lại thấy
có một nhà sư khác thường khác là Huyền Trang. Ông rời Trường An vào
năm 629 sang Ấn hành hương và tu học. Ông đi ngang các vùng Tây Vực
theo Phật giáo mà nhà sư Pháp Hiền đã đi ngang trước đó hơn hai thế kỷ.
Vào thời kỳ mà Huyền Trang đi ngang các vùng này thì nhiều nơi đã hoặc
đang trở thành Hồi giáo. Bởi vì tôn giáo này được hình thành ở nước Á
Rập Saudi vào thế kỷ thứ VII đang phát triển rất nhanh trong toàn vùng
Trung và Cận Đông. Nói chung thì những gì nhà sư Huyền Trang trông thấy
đấy là những hiện tượng mà Phật giáo gọi là vô thường.
Huyền Trang quay về Trung Quốc mười sáu năm sau tức là vào năm 645.
Ngoài số kinh sách mang về còn có một quyển nhật ký của ông mang tựa là " Đại Đường Tây Vực Ký"
ghi chép những gì do chính ông tai nghe mắt thấy nơi xứ sở của Đức
Phật và các nơi thắng tích trong thung lũng sông Hằng. Hai quyển sách "Phật Quốc Ký" và " Đại Đường Tây Vực Ký" trên đây là hai tài liệu vô giá về Phật giáo trên đất Ấn và cả lịch sử của quốc gia này. Quyển "Phật Quốc Ký" của Pháp Hiền được dịch sang tiếng Pháp và tiếng Anh rất sớm từ hậu bán thế kỷ XIX.
Một nhà khảo cổ người Đức là Alois-Anton Führer dựa vào quyển "Phật Quốc Ký"
của Pháp Hiền đã tìm được vị trí của Lâm-tì-ni vào năm 1896. Một năm
sau người ta tìm thấy trụ đá và sau đó là các lớp nền của bốn ngôi chùa
do vua A-dục xây dựng. Khởi đầu Lâm-tì-ni là một khu vườn thanh tú dưới
triều đại của vua Tịnh Phạn, sau đó đã trở thành một ngôi làng trù phú
và một thắng tích thiêng liêng dưới triều đại của vua A-dục, và sau
cùng là một vùng hoang sơ và nghèo nàn khi nhà khảo cổ Alois-Anton
Führer đến đây.
Vào thế kỷ XIV nhà vua Ripu Malla của xứ Nepal hành hương nơi này và
đã cho ghi khắc thêm trên trụ đá của vua A-dục một câu đánh dấu cuộc
viếng thăm của mình, và đấy cũng là dấu tích lịch sử cuối cùng của
Lâm-tì-ni. Lý do của sự yên lặng hay quên lãng đó của Lâm-tì-ni cũng
không phải là quá khó hiểu. Các đạo quân Hồi giáo tràn vào đất Ấn vào
thế kỷ XII đã sử dụng mọi phương tiện để tận diệt Phật giáo và cả Ấn
giáo. Thế nhưng đối với Ấn giáo thì hình như các đạo quân Hồi giáo có
phần nương tay hơn. Có thể là vì Ấn giáo cũng là một tín ngưỡng tin vào
Thánh Kinh và một Đấng Toàn Năng gần tương tự như Hồi giáo? Một lý do
khác là Ấn giáo là một tín ngưỡng mang tính cách đại chúng, sự sinh hoạt
ăn sâu vào gia đình và làng mạc, trong khi đó thì Phật giáo có những
tổ chức tập thể lộ liễu hơn, chẳng hạn như tăng đoàn của đại học
Na-lan-đà gồm hơn mười ngàn nhà sư. Sau thế kỷ XIII có thể nói là Phật
giáo đã hoàn toàn biến mất ở Ấn Độ, trong khi đó thì Ấn giáo hồi phục
nhanh hơn. Tóm lại Lâm-tì-ni chìm sâu trong sự quên lãng của lịch sử kể
từ thế kỷ XV cho đến khi nhà khảo cổ người Đức tìm đến nơi này vào
cuối thế kỷ XIX.
Có một nhân vật trong lịch sử Phật giáo ít người chú ý đến, thế nhưng
lại là một trong những nhân vật có công lớn nhất và không thể nào chối
cãi được, ấy là vị quốc sư Ưu-bà-cúc-đa dưới triều đại của vua A-dục.
Ông không nổi danh như Long Thụ, Vô Trước, Bồ-đề Đạt-ma, Huệ Năng hay
Đạo Nguyên... Thật vậy ông không phải là một luận sư hay triết gia và
cũng không hề sáng lập ra một học phái nào cả, thế nhưng chính ông là
người đã giúp vua A-dục đến gần với Phật giáo, đã khuyên vua A-dục xây
cất hàng chục ngàn bảo tháp để phân tán xá lợi ra khắp mọi nơi trong đế
quốc của mình giúp người dân đến gần với Đạo Pháp và Đức Phật hơn.
Thật vậy các phương tiện di chuyển của hơn hai ngàn năm trước có phải
như ngày nay đâu. Ưu-bà-cúc-đa cũng là người chủ xướng việc kết tập Đạo
Pháp lần thứ ba và cũng đã chủ tọa đại hội này để thanh lọc những gì
thêm thắt và dị đoan trong một giai đoạn phát triển hỗn tạp và quá
nhanh của Phật giáo, nhờ vào sự ưu đãi của hoàng triều A-dục. Chinh là
nhờ vào lần kết tập này, Luật Tạng và Kinh Tạng được hình thành thật
tinh khiết và được truyền bá đi khắp nơi. Nếu Ưu-bà-cúc-đa đã đứng bên
cạnh vua A-dục khi nhà vua này ra lệnh xây dựng bốn ngôi chùa và trụ đá
ở Lâm-tì-ni, thì ông cũng đã đứng sau lưng vị vua này trong các chương
trình hoằng pháp xa hơn thung lũng sông Hằng và bên ngoài biên giới của
đế quốc Maurya. Sự âm thầm và khiêm tốn đó của một nhà sư chân chính
thật hết sức tương phản với các âm mưu và những sự khuấy động của các
nhân vật như Pushpa Kamal Dahal, Kenzo Tange, Xiao Wunan, Kwaak Young
Hoon, Karan Singh, Jayadeva Ranade... và cả đám trục lợi cá mè một lứa,
do ký giả Frédéric Robin nêu lên trong bài báo trên. "Vinh dự" duy
nhất mà Ưu-bà-cúc-đa có lẽ cũng không mong muốn và cũng không hề chờ
đợi, là sau này người ta xếp ông với ít nhiều gượng ép, đứng vào hàng
thứ năm trong danh sách các vị tổ của Thiền Tông.
Cách nay ít lâu người dịch có viết một bài ngắn về "Câu chuyện một con đường",
thuật lại cuộc hành trình của một người tu tập. Trên con đường đó có
những người đi ngược chiều mà người tu tập phải tránh ra để không đâm
sầm vào họ. Hai bên vệ đường diễn ra những cảnh cướp giật, đâm chém,
bom nổ, nhà cháy, cầu sập, có những sòng bài, nhà hát tấp nập và cả
những hố sâu, vực thẳm... Chúng ta không nên dừng lại để tham gia vào
những thứ ấy, cũng không nên kéo nhau ra hai bên vệ đường để tả xung
hữu đột. Nói thế không có nghĩa Phật giáo là một tín ngưỡng chủ trương
phải bịt tai, bịt mắt và bịt miệng tương tự như hình ảnh của ba con
khỉ. Bước vào con đường tức đã là một một sự dấn thân rồi, thế nhưng sự
dấn thân ấy không hề bắt buộc chúng ta phải mù quáng, trái lại chúng ta
phải nhìn thấy những gì đang xảy ra ở hai bên vệ đường hầu giúp chúng
ta ý thức được là mình phải nhanh chân và bước những bước vững chắc
hơn. Và đấy cũng chính là mục đích của bài chuyển ngữ bé nhỏ này.
Bures-Sur-Yvette, 26.09.13
Hoang Phong chuyển ngữ