Hang đá Mạc Cao là hệ thống 492 ngôi đền nằm cách trung tâm thành phố Đông Hoàng tỉnh Cam Túc, Trung Quốc khoảng 25 km về phía Đông Nam. Tuy được gọi là hang nhưng thực tế nơi đây không phải là hang động mà là các công trình chạm khắc trong đá, thuộc dạng kiến trúc chạm khắc đá.
Sự hình thành của Hang Mạc Cao bắt đầu từ năm 366. Có một hòa thượng tên là Lạc Tôn du ngoạn đến Đôn Hoàng, khi đến đây bỗng nhiên ông nhìn thấy trên Núi Cát Kêu có ánh sáng lấp la lấp lánh, trong đó ẩn hiện muôn vàn mặt phật trong ánh sáng vàng óng. Bị cuốn hút bởi cảnh tượng này nên thầy Lạc Tôn nghĩ: nơi đây quả là một miền đất lạ. Do đó ông thuê người tiến hành đục chạm hang phật đầu tiên trên vách núi. Sau đó, qua các triều đại, hang động không ngừng tăng thêm, đến đời Đường (thế kỷ 7), hang Mạc Cao đã có hơn 1000 hang phật. Vì vậy nơi đây được gọi là “Hang nghìn phật”.
|
Phía trong hang là cung điện nghệ thuật kết hợp kiến trúc cổ, bích họa và tượng nặn. Trong quá trình xây dựng hang, nhân dân các triều đại đã nặn rất nhiều tượng phật trong hang và vẽ lên đó một loạt bích họa. Trải qua nhiều sự đổi thay của lịch sử và bị con người phá hủy, đến nay hang Mạc Cao vẫn còn giữ được gần 500 hang động, bảo tồn khoangg 50.000 km2 bích họa và hơn 2000 pho tượng phật. Tượng Phật ở hang Mạc Cao có muôn hình muôn kiểu, với các biểu hiện của mỗi pho tượng khác nhau. Bích họa của Hang Mạc Cao nếu nối lại với nhau có thể tạo thành một bức tranh dài gần 30km. Những bức bích họa đều có nội dung kể về sự tích Phật giáo, các buổi giảng kinh, thuyết pháp, trong đó có rất nhiều hình ảnh “phi thiên”. Các học giả Phương Tây coi bích họa Đôn Hoàng là “viện bảo tàng trên vách tường”, phản ánh sinh hoạt của xã hội cổ đại và trung đại từ thế kỷ thứ 4 đến 14. Ngoài tượng Phật còn có tượng vũ nữ, tượng ca kỹ gảy đàn tì bà với một tư thế rất đặc biệt là gảy đàn từ phía sau gáy.
|
Lúc thịnh thời, hang Mạc Cao có hơn 1000 hang Phật lớn nhỏ khác nhau, nay chỉ còn 492 hang, trong mỗi hang đều có tượng Phật đục trong đá và bích họa vẽ trên vách đá. Hiện nay chỉ còn 30 hang mở cửa đón khách tham quan. Tượng Phật lớn nhất là tượng Phật Di Lặc, cao 35,5m. Tinh tế nhất là 5 bức tượng trong hang số 328 gồm tượng Phật tổ Thích ca Như Lai, bên trái là đại đệ tử Maha Ca Diếp, bên phải là đệ tử thân cận của Phật là A-Nan. Bên cạnh hai đệ tử là hai vị Bồ Tát. Các tượng Phật ở đây đều có đường nét mềm mại nhưng rất có uy lực. Bích họa dù đã trải qua cả ngàn năn mà màu sắc vẫn còn tươi mới, đường nét rõ rang.
|
Là của quý của nền văn hóa Trung Quốc nên chính phủ nước này luôn chú trọng công tác bảo vệ. Năm 1950, hang Mạc Cao đã được đưa vào danh sách bảo tồn văn vật trọng điểm của Nhà nước. Năm 1987 được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới . Hiện nay, ở dưới núi Tam Nguy đối diện với Hang Mạc Cao đã xây dựng Trung tâm trưng bày nghệ thuật Đôn Hoàng, mô phỏng lại một số hang động trước đây, vừa bảo tồn được văn vật, lại mang lại nội dung phong phú hơn cho du khách.