Vai trò của giáo lý Thiền tông trong sáng tác thơ Thiền Lý- Trần
Trịnh Thị Minh Hương
09/08/2010 21:12 (GMT+7)

Tư tưởng Phật giáo nói chung và giáo lý Thiền tông nói riêng là tư tưởng hướng nội, hướng về con người với đời sống tâm linh, tìm cách giải thoát con người ra khỏi cuộc đời đầy khổ ải, đắng cay. Thiền tông rất chú trọng cái tâm, tâm yên lặng, lắng đọng. Và để đạt đến chân như, niết bàn, đạt đến Phật tính, trong phương pháp tu hành, Thiền tông đề cao trực giác, trực cảm- xem đây là một trong những con đường chủ đạo để đốn ngộ chân lý, đồng thời cũng luôn đặt ra vấn đề bản thể và giải thoát.

       1. Kiểu tư duy Thiền học trong sáng tác

Giáo lý Thiền tông rất độc đáo, nó không muốn người học va vào ngôn ngữ bên ngoài, cũng không rơi vào tâm suy lự bên trong. Trực giác quan trọng hơn logic, sự đốn ngộ bên trong quan trọng hơn những hiểu biết thu nhận từ người khác. Trực giác là năng lực nắm bắt trực tiếp chân lý không cần lập luận logic trước. Tư duy Phật giáo Thiền tông khai thác tận cùng các yếu tố thuộc về tâm chứ không đơn thuần chỉ là sự tìm hiểu để khai thác về mặt tâm lý xã hội. Trực giác là sự kết hợp đặc biệt thuận lợi các liên tưởng, ấn tượng để tạo ra phát hiện tức thời như ánh chớp và đạt được sự uyên thâm.

Trong tư duy nghệ thuật, trực giác đóng vai trò rất quan trọng để nhận thức cái thẩm mỹ trong đời sống. Trực giác trong văn học là những phán đoán cảm tính trực tiếp, tức thời, không có suy lí và không thể chứng minh, nhưng là một hoạt động của trí tuệ (1) Trực giác là yếu tố thường tại của tư duy nghệ thuật. Bên cạnh trực giác, tư duy nghệ thuật cũng vận dụng thêm các yếu tố khác như cảm giác, xúc giác, tri giác và cả nhận thức lí tính, bởi tư duy nghệ thuật là kiểu tư duy mang tính tổng hợp, nhưng trực giác vẫn là yếu tố hàng đầu của người nghệ sĩ.

Trong tư duy Phật giáo Thiền tông, nét chủ đạo nằm ở kích thước của sự không lời (sự vô ngôn). Tư duy ấy chứa đựng bên trong sức sống mãnh liệt, thu phục lòng người từ chiều sâu của sự cảm thụ và tâm thức. Văn chương cũng đi vào lòng người bằng con đường ấy. Đây là sự gặp gỡ giữa tâm thức Thiền và tâm thức văn chương. Không có kiểu tư duy này, người nghệ sĩ khó lòng nắm bắt được cái thần, cái hồn của đối tượng. Hình ảnh cành mai trong thơ Mãn Giác đã đạt đến tinh thần tuyệt diệu đó!

Mạc vị xuân tàn, hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai (2)   

        (Cáo tật thị chúng)

Đừng tưởng xuân tàn, hoa rụng hết

Đêm qua xuân trước một nhành mai.

       (Ngô Tất Tố dịch)

Câu thơ chuyển tải quy luật luân hồi, tuần hoàn của tự nhiên cuộc đời. Thiền sư đã đúc kết được rằng sống chết là một qui luật tất yếu nhưng  nhờ giác ngộ chân lý mà nhà sư vượt khỏi vòng sinh tử, luân hồi đạt đến chân nhân. Trước sân thì sẽ có một cây mai hoặc mấy cành mai, thế nhưng vẫn chỉ là một nhành. “Nhất chi mai” là cái gì đó đã vượt ra ngoài giới hạn của cân đo, đong đếm. Cách nhìn của người đời theo hiện tượng, nên sự quan tâm chỉ giới hạn trong một chu kì của một vòng đời hiện tượng. Người đời muốn níu giữ một mùa xuân để còn mãi một mùa hoa. Nhưng giả sử mùa xuân dừng lại thì mọi vật trong mùa xuân đó đều dừng lại, không phát triển. Như vậy muôn vàn mùa hoa kế tiếp sẽ không phát triển được nữa. Cách nhìn theo hiện tượng này chỉ thấy được cái biểu hiện bên ngoài mà không thấy được bản chất quy luật tồn tại và vận động bên trong hiện tượng và sự vật ấy. Theo cách nhìn này thì mọi sự vật, hiện tượng đều sẽ kết thúc (kết thúc trong hiện tại lẫn tương lai). Vì thế, con người sẽ không tránh khỏi đeo mang những nỗi buồn sầu thiên cổ… Với cách nhìn của nhà sư đã tu hành đốn ngộ, Mãn Giác nhận ra được mối quan hệ tiếp nối thay thế nhau giữa các hiện tượng. Theo quan niệm của đạo Phật, mọi sự vật đều có quan hệ nhân quả, hoa tàn sẽ kết quả, quả chín rụng sẽ nảy mầm, mầm phát triển thành cây, cây lớn lên sẽ lại đơm hoa kết quả. Như vậy, trong sự tàn lụi của hiện tượng trước sẽ nảy sinh sự sống cho hiện tượng sau. Và Thiền sư Mãn Giác đã nhìn các sự vật hiện tượng theo bản chất mang tính biện chứng nhận ra sự sống tiềm ẩn, vĩnh tồn và liên tục phát triển trong lòng mọi vật nên sẽ đón nhận niềm vui bất diệt và sự sống vĩnh hằng. Bởi vì trong qui luật vận động và thay thế, con người cũng không ngoại lệ, vì thế Thiền sư nhắc nhở mọi người: đừng tưởng xuân tàn thì hoa sẽ rụng hết, mà hãy xem kìa đêm qua một nhành mai đã nở trước sân. Lời nhắn nhủ nhẹ nhàng ấy thể hiện một cái nhìn “đốn ngộ” một sự minh triết về bản chất sự vật của một trí tuệ siêu việt. Đó là lúc thi sĩ Thiền đạt được giây phút thăng hoa tinh thần trong trẻo và hồn nhiên nhất, đó là lúc giải thoát khỏi mọi ràng buộc của nghiệp chướng, giây phút viên mãn tột độ của tâm thức Thiền mà người tu hành gọi là trạng thái “nhất tâm” (eka-gia).

Trong yếu chỉ Thiền tông có một phương pháp dùng để đốn ngộ đệ tử là quát tháo. Sự quát tháo được sử dụng khi thầy nhận thấy Phật tâm của đệ tử đã chín mùi, đủ khả năng giác ngộ. Với ý nghĩa này, phải chăng tiếng kêu vang của Không Lộ Thiền Sư là một khát vọng phi thường, giác ngộ vũ trụ để cả cõi thái hư tràn ngập không khí Thiền để khắp nơi đều nhuốm màu Thiền?

 

Hữu thời trực thướng cô phong đỉnh,

Trường khướu nhất thanh hàn thái hư.

(Ngôn hoài)

Có khi xông thẳng lên đầu núi,

Một tiếng kêu vang lạnh cả trời.

(Kiều Thu Hoạch dịch)

Cái “tiếng kêu vang” là biểu hiện sự sống và cho thấy sự đối diện giữa cá thể (con người) và bản thể (vũ trụ).  Hơi thở của cá thể đi vào trong vũ trụ mà cảm nhận được vũ trụ lạnh đi, đó là cảm nhận trong trạng thái “đốn ngộ”, cảm nhận được sự tinh vi nhất của vũ trụ bao la. Từ đó, nhà thơ nhận ra sự sống luôn luôn chuyển hoá, thay đổi hình dạng mà trở nên vĩnh tồn.

Khi các Thiền sư đã nắm rõ được quy luật chuyển hoá của các hiện tượng, họ đã sống có ý thức với quy luật đó khiến lòng trở nên thanh thản vững vàng, không còn điều gì sầu muộn nữa. Câu thơ giải thích sự đốn ngộ trong tu Thiền bằng những hình ảnh dung dị mà kì vĩ, hợp lý và dễ hiểu như hơi thở hoà vào khí vũ trụ mà trường tồn. Như vậy, cái tiếng kêu sang sảng lạnh cả thái hư là tiếng kêu sảng khoái của một tâm hồn khoáng đạt, là phút giây dùng trực giác để con người hoà nhập vào đại ngã của vũ trụ. Đặng Thai Mai gọi tiếng kêu đó là “cảm hứng đạo học”. Có thể nói rằng, phép tu hành trong Thiền tông là một quá trình lao động trí tuệ một cách nghiêm túc, tích tụ đủ “lượng” để đến một thời điểm “lượng” kia biến đổi thành “chất”, nhà tu hành đạt được sự đốn ngộ, hiểu ra điều vi diệu của đạo Phật, bằng phút giây trực giác, trực cảm. Con người có sống với đạo, hành đạo trọn đời, chiêm nghiệm đạo thì mới có thể trực cảm đạo là gì, mới có sự quân bình giữa tâm và trí, thấy được bản thể của chân như.

Bằng lối suy nghĩ khoáng đạt và phương pháp “dĩ tâm truyền tâm”, “trực chỉ nhân tâm” mà các Thiền sư Lý- Trần có sự quân bình giữa tâm và trí, thân ở cuộc đời mà tâm hướng về đạo thanh thản, an nhiên, tự tại. Làm vua mà có thể lìa bỏ ngai vàng dễ dàng như trút bỏ chiếc giày rách (Trần Thái Tông), có thể coi ngôi cao lộc cả là của chung anh em thân tộc (Trần Thánh Tông), dám tin dùng tuyệt đối con của kẻ thù từng thù nghịch mình (Trần Nhân Tông), là Phật tử nhưng không theo gót mòn của Như Lai (Thiền sư Quảng Nghiêm),…

Tóm lại, Thiền tông lấy tâm làm căn nguyên, cội nguồn cho sự tu hành, và mục tiêu của sự giải thoát là chứng ngộ. Để đạt được tâm trống không, Thiền sư phải chiêm nghiệm, lược bỏ cái nhìn nhị nguyên, phát hiện quy luật chuyển hoá, vận hành của vũ trụ, cuộc đời, con người. Trong văn chương nghệ thuật, trực giác cũng là một yếu tố quan trọng. Hạt giống tâm thiền đã gặp được mảnh đất màu mỡ, phù hợp nên đã phát triển tốt tươi. Kiểu tư duy Thiền học đã chi phối mạnh trong sáng tác văn học thời Lý- Trần, đặc biệt là thơ thiền.

 

 

         2 Cảm hứng về bản thể luận

Theo Tự điển Phật học, bản thể là căn bản tự thể của các pháp; mà pháp là từ chỉ chung hết thảy mọi sự vật, hiện tượng, dù là to, nhỏ, hữu hình, vô hình, chân thật, hư vọng, sự vật cũng là vật, đạo lý cũng là vật, tất cả đều là pháp cả. Kinh Hoa Nghiêm viết rằng: Thế giới bản thể gọi là lý pháp giới, thế giới hiện tượng gọi là sự pháp giới”. Đây chính là tinh thần “Nhất đa tương dung, lý sự vô ngại, tương nhập tương tức” (một và nhiều dung hợp nhau, nguyên lý và sự vật cũng như vạn sự, vạn vật không có gì làm trở ngại nhau, cái này có thể nhập vào cái kia, cái kia cũng tức là cái này).

Như vậy, cái chính bản thân sự vật vốn có là cái bản chất tối sơ, nguyên thủy, khởi nguồn của các pháp, mà pháp bao gồm toàn bộ thế giới sự vật, hiện tượng và con người; toàn bộ thế giới thực tướng và giả tướng, hữu hình và vô hình. Bản thể ấy là bản thể chân như và các dạng thức tồn tại biểu hiện ra muôn màu muôn vẻ của các pháp.

Dù dùng nhiều thuật ngữ khác nhau, nhưng các Thiền phái thời Lý- Trần đều thống nhất với nhau một điểm: bản thể và thế giới hiện tượng không tách rời nhau, chúng như nước và sóng, sóng từ nước mà ra rồi trở về với nước, sóng cũng là nước trên bề mặt thì nước cũng là sóng. Bản thể biến thành hiện tượng vạn hữu cũng như nước biến thành sóng. Bản thể không thể nhìn thấy, không đến, không đi, không hình, không tướng, không bóng, không sắc… nhưng có ở khắp mọi nơi, trong mỗi con người.

Bản thể cũng chính là chân tâm vì thế nó nằm trong thế giới trần tục, nhưng người thường không biết lại cứ tìm đâu đâu. Vì thế, trong bài kệ đáp lời sư Đạo Hạnh, Kiều Trí Huyền cho rằng:

Hà sa cảnh thị bồ đề đạo

Nghĩ hướng bồ đề cách vạn tầm

(Đáp Từ Đạo Hạnh chân tâm chi vấn)

Cát sông là cõi bồ đề đó,

Mà tưởng còn xa mấy dăm nghìn.

(Ngô Tất Tố dịch)

Trong sự hỗn mang của bụi đời, bản thể tồn tại; trong từng hạt cát bé nhỏ dưới chân, bản thể hiện hữu. Bản thể không nằm ở một vương quốc mây mù trừu tượng nào, không là một cái gì cao xa, to lớn. Người có tâm Thiền sẽ thấy ra điều đó, còn người có tâm tục lại cứ tưởng bồ đề ở xa xôi mấy ngàn dặm. Thật ra tâm Thiền khi đã được giác ngộ thì bản thể thần diệu ấy vốn là hư vô, ngày ngày vẫn biểu hiện, phơi bày. Nó như làn gió ôn hòa thổi dậy khắp thế giới sa bà, thế giới hiện tượng (ý thơ của Thiền sư Chân Không).

Bản thể tồn tại khắp mọi nơi nên cũng sẽ tồn tại trong mỗi con người. Chẳng cần tìm Phật ở đâu xa, Phật ở ngay trong tâm mình, trong lòng mình nên bản thể còn được mô tả một cách bóng bẩy, hình ảnh như hòn minh châu tồn tại trong mỗi con người, nhưng do vô minh, tham, sân, si mà con người không biết, điều này cũng giống như lão nhà giàu có con ngựa quý hiếm mà không biết lại đi bộ. Ý tưởng này đã được Từ Đạo Hạnh chuyển tải trong bài thơ:

Nhật nguyệt tại nham đầu

Nhân nhân tận thất châu

Phú nhân hữu câu tử,

Bộ hành bất kị câu.

(Thất châu)

Nhật nguyệt tại non đầu,

Người người mất ngọc châu

Kẻ giàu có ngựa tốt

Chẳng chịu dùng ngựa đâu.

      (Ngô Tất Tố dịch)

Trong cuộc sống hàng ngày, mỗi người phải vật lộn để kiếm sống, mải mê bon chen trong cuộc đời, vì những sắc màu phù phiếm của nhân gian mà quên đi cái quý nhất của đời mình. Hạt ngọc châu đại diện cho Phật tính trong lương tâm con người bị những lớp bụi “vô minh” che lấp. Ngày qua ngày, thời gian cứ trôi và nhịp sống cứ chảy, những lớp bụi vô minh càng được phủ dày. Hình ảnh ẩn dụ “lão nhà giàu có con ngựa quý lại đi bộ” vừa buồn cười, vừa đáng thương cho người trần tục bị “vô minh” và “tam độc” vây hãm. Muốn thoát khỏi “vô minh” để trực nhận bản thể phải hướng vào trong chứ không thể hướng ra ngoài, mỗi người phải tự quay về thắp lên ngọn đuốc của chính mình. Với lí do đó, Thiền tông chủ trương “phi hữu phi không, diệc hữu diệc không” (chẳng có chẳng không, vừa có vừa không). Người tham Thiền phải thấy được trong hữu, trong sắckhông, trong hiện tượng có bản chất. Thấy được như thế sẽ đạt được cái tâm không phân biệt, tâm bình đẳng. Lúc này chúng sinh và Phật đều như nhau “Phật và chúng sinh vốn cùng một bộ mặt, lông mày ngang lỗ mũi dọc mà thôi” (Ý thơ Tuệ Trung).  Trong kinh Kim Cương cũng nói rằng: nếu lấy sắc tìm ta, lấy âm thanh kiếm ta, thì đó là người đi theo con đường tà đạo, không thể thấy được Như Lai (Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thanh cầu ngã, thị nhân hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai). Phật tính có trong mỗi chúng sinh, phật tại tâm-  “Bụt ở trong nhà chẳng tìm đâu xa”. Trần Nhân Tông khuyên chớ chạy hỏi Đông, Tây, Nam, Bắc mà hãy nhìn lại tự tâm

Tam thiên pháp môn quy phương thốn,

Hà sa diệu dụng tại tâm nguyên

Sở vị giới môn, định môn, tuệ môn

Nhữ vô phiếm thiếu, ứng phản tự tư.

(Hồi tâm)

Ba ngàn pháp môn đều ở trong gang tấc,

Hằng hà diệu dụng có sẵn ở nguồn tâm,

Nếu giới môn, định môn, tuệ môn các vị đã có đủ rồi,

Thì hãy nhìn lại tự tâm.

Quan điểm “hồi tâm” này của Phật giáo còn chỉ ra rằng: cái tâm của mỗi chúng sinh có hai đường: một là quay về gia hương, trở về nhà (bản thể, bản lai diện mục), từ đó vào niết bàn; hai là cứ theo đà vô minh, ham muốn, khát vọng, tham- sân- si để đi vào địa ngục.

Trở lên đã nói cái tâm là Phật nhưng không phải cái tâm vô minh mà là cái tâm đã giác ngộ. Đối với những người có tâm giác ngộ thì chẳng còn tính với pháp, Phật với tâm. Đạt đến quả vị Phật, sẽ không đến vị Phật nào cả, bởi vì Phật cũng chỉ là danh hiệu. Đạt đến cái tâm không tâm tức là tâm vô tâm. Cho nên Phật hay pháp tính cũng chỉ là phương tiện, vấn đề là chứng ngộ. Đây là tư tưởng chung của Phật giáo cũng như tư tưởng chủ đạo của Thiền tông thời Lý- Trần. Nhờ tư tưởng này mà thời Lý- Trần phát triển rực rỡ ở mọi phương diện dù nền chính trị có sự tham gia của tôn giáo.

Vấn đề thứ hai trong bản thể luận là thế giới hiện tượng, nó được các Thiền sư thể hiện từ khởi điểm sắc- không đến vạn vật nhất thể, nhận thức thực tướng và giả tướng để đạt đến chân như và niết bàn. Họ xem thế giới hiện thực khách quan mà con người đang sống là giả tướng. Cái mà con người trông thấy dù đang hiện hữu, dù có thực chẳng qua là vọng kiến sinh ra. Chúng hiện hữu đó nhưng không có thật. Vạn vật, vạn sự kể cả con người đều là vô thường. Nhà sư Vạn Hạnh đã ví đời mình như ánh chớp, như cảnh tươi héo của cây cối, như cuộc đời thịnh suy, như giọt sương mai trên đầu ngọn cỏ:

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô

Vạn mộc xuân vinh, thu hựu khô

Nhậm vận thịnh suy vô bố uý

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.

(Thị đệ tử)

Thân như bóng chớp có rồi không

Cây cối xuân tươi, thu não nùng

Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi

Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông.

(Ngô Tất Tố dịch)

Thiền sư chỉ coi cái thân là ánh chớp thì thịnh suy bám vào cái thân ấy càng trở nên bé nhỏ đến vô nghĩa. Thịnh suy được nhà sư ví như hạt sương trên đầu ngọn cỏ. Hạt sương buổi sớm mai trên đầu ngọn cỏ long lanh rất đẹp, nhưng khi mặt trời rạng rỡ là lập tức tan. Khi thịnh suy còn ngự trị trong lòng chúng sinh thì nước mắt chúng sinh tràn đầy biển cả. Vì thịnh suy là căn nguyên của mọi sầu tủi, khổ đau của kiếp người. Nếu người học đạo nhận thức được quy luật sinh hóa vô thường của vạn pháp thì sẽ đạt tinh thần “vô uý”, “nhậm vận” và “lý sự vô ngại”.

Nguồn gốc của những rường mối, mọi cái trong thế giới hiện tượng này là do phân biệt kén chọn, tạo ra cái nhìn nhị kiến. Nếu từ bỏ nhị kiến tức không còn đối đãi phải trái, trên dưới, trước sau, tốt xấu, lành dữ, thiện ác… thì làm gì còn phân biệt kén chọn nữa. Nhưng suy cho cùng thì nhị kiến, vọng niệm cũng chính là vô minh. Hay nói khác hơn, đây là tư tưởng xem sự vật là vô thường của Phật giáo “cát bụi rồi sẽ trở về cùng cát bụi”. Mọi sự vật hiện tượng đều biến đổi, sự biến đổi vô cùng nhanh chóng. Vì thế, Giác Hải Thiền sư xem sống hay chết là quy luật tuần hoàn của tự nhiên như xuân đến hoa bướm đua nhau xuất hiện, xuân qua tất cả đều mất, vì đó chỉ là giả tướng, huyễn ảo, con người đừng bận tâm:

Xuân lai hoa điệp thiện tri thì

Hoa điệp ưng tu, cộng ứng kì.

Hoa điệp bản lai giai thị huyễn,

Mạc tu hoa điệp hướng tâm trì.

(Hoa điệp)

Xuân sang hoa bướm khéo quen thì,

Bướm lượn, hoa cười vẫn đúng kì

Nên biết bướm hoa đều huyễn ảo,

Thây hoa mặc bướm để lòng chi.

(Ngô Tất Tố dịch)

Vòng luân chuyển của trời đất cứ liên tục vận hành. Mỗi một sự vật hiện tượng đều đảm nhận một mắc khâu vai trò trong sự vận hành chung của vũ trụ. Nó vận hành theo quy luật của nó, không phụ thuộc vào ý muốn, suy nghĩ và sự phán đoán của con người. Và khi Thiền sư nhận thức được điều này sẽ có thái độ ung dung không hoảng hốt, không lo âu, thậm chí cả khi thói đời thay đổi giống như đám mây trời.

Thế giới hiện tượng là kết quả tạo tác của dòng nhận thức, nên vạn pháp đan bện vào nhau, rắc rối như sắn bìm, bụi cỏ, chúng sinh sinh hoá hoá dời đổi vô thường. Thế giới hiện tượng có đấy nhưng không thật, giống như giấc chiêm bao vừa hư vừa thực. Hư ở chỗ nó không thật, không thể xác định được tính hiện thực của nó. Còn thực ở chỗ nó đã tồn tại dù chỉ như một giấc mơ với tất cả hình danh, sắc tướng. Thế giới hiện tượng trói buộc con người trong vòng luẩn quẩn của nhận thức, chồng chất thêm những mê lầm buộc con người phải lao đao điên đảo chạy tìm Phật tổ ở khắp nơi. Thiền tông không bác bỏ tính hiện thực của thế giới hiện tượng, song cũng không cho rằng nó có tính chân thực bền vững, bất biến. Thế giới hiện thực mù mờ, ảo ảo, nhưng người vô minh cứ tưởng là thực. Họ giống như chú bướm si nhìn hạt móc tưởng mật hoa, giống con chim khát tưởng ánh sáng ban đêm là nước:

Cam lộ lưu phương sĩ điệp tỉnh

Dạ quan lưu thủy khát cầm sầu.

(Tảo mai I- Trần Nhân Tông)

Đêm ngỡ nước trong chim cháy cổ

Sương lùng hương ngát bướm tan mơ.

(Trần Lê Văn dịch)

Thế giới tự nhiên khi chưa hiểu rõ bản chất của nó, còn kẹt trong quan niệm “ Có –Không” thì con người vẫn bị lôi cuốn vào thế giới hiện tượng đó. Nhưng đã đạt đến cái tâm tĩnh lặng, nắm bắt được cái bản chất của vạn pháp, con người trở nên ung dung, tự tại, chẳng cần “có” và “không”. Cuối cùng, tự tính hay pháp, tâm hay phật, phàm hay thánh, đồng nhất hay khác biệt do chính cái tâm con người quyết  định. Tâm tĩnh lặng thì tất cả là một, tự nhiên như nhiên, còn tâm sai biệt thì ngay lập tức xuất hiện thế giới hiện tượng sai biệt. Khi diệt được vô minh thì thiên sai vạn biệt biến mất. Chỉ cần quay về tâm để mọi cách biệt được san bằng thì lúc ấy cảnh giới niết bàn cũng chính là nơi mình đang sống.

Như vậy, vấn đề bản thể luận là một trong những vấn đề trọng tâm của triết  học Thiền tông thời Lí –Trần. Các Thiền sư đã chuyển tải vấn đề bản thể vào thơ thiền để thể hiện niềm say mê đạo, giác ngộ chân lý và minh giải cho đồ đệ. Thái độ chung của các Thiền sư thời kỳ này là một thái độ sáng suốt, can đảm, chấp nhận cái hiện có nhưng không xem nó là vĩnh hằng: từ thế giới hiện tượng hữu hình, Thiền sư thâm nhập và hiểu được thế giới bản chất vô hình. Đây là một vấn đề rất cao siêu, sâu rộng và trừu tượng, phức tạp, tưởng như khó lý giải cho rành mạch lại được các nhà sư diễn đạt bằng những hình ảnh ẩn dụ, lôi cuốn để làm sáng tỏ và bừng vỡ ý nghĩa cốt lõi giữa bản chất và hiện tượng. Bản chất là cái tồn tại vĩnh cữu ở dạng tiềm ẩn là “chân như”, là “không”; còn hiện tượng là cái tồn tại có giới hạn, hữu hình là “giả tướng”, là “sắc”. Dù hiện tượng có đa dạng nhưng bản chất chỉ là một mà thôi.

 

 3. Cảm hứng về giải thoát luận

Đồng thời với việc xác định, kiến giải những quan niệm về bản thể, các Thiền sư thi sĩ còn đề cập tới vấn đề tu chứng và giải thoát. Trong một chừng mực nào đó có thể xem đây là mối quan tâm chủ yếu, bởi lẽ dù có đi sâu biện giải các ý niệm khái quát, cao siêu, trừu tượng về bản thể thì rốt cuộc họ vẫn phải trở về với cuộc đời thực, đối diện với nhiệm vụ thực hành tôn giáo. Con đường tu chứng và giải thoát đã góp phần tạo nên sức hấp dẫn cho Phật giáo Thiền tông khiến nó trở nên phổ cập, gần gũi đời thường và có một sức sống lâu bền.

Theo Từ điển Phật học, Giải thoát là lìa bỏ mọi trói buộc, phiền não, hữu lậu để thoát ra khỏi khổ quả của tam giới, đạt đến chỗ tự tại, chân như, giác ngộ. Nói cách khác, đó là con đường từ bỏ cái ngu tối, mê muội, lầm lạc của thế tục để vươn tới giác ngộ, về cõi vĩnh hằng.

Trên con đường tu chứng để tìm đến giải thoát, các Thiền sư phải hướng nội, đạt tới giải thoát nội tâm. Theo quan niệm Phật giáo, “tâm” vừa là nguồn gốc tạo tác vừa là chủ thể tiếp nhận, tri giác về thế giới. Vì thế Thiền sư Thường Chiếu, trong giới hạn cụ thể, đã xác định mối liên hệ giữa thân và tâm, diễn đạt khả năng huyền diệu và bất định của “tâm” với tư cách là một thực thể:

Tại thế vi nhân thân,

Tâm vi Như Lai tạng,

Chiếu diệu thả vô phương.

Tầm chi cánh tuyệt khoáng.

(Tâm)

Thân, chiếc bóng trên trời,

Tâm, kho báu Như Lai,

Không phương nào không sáng

Tìm kiếm bặt tăm hơi.

(Huệ Chi dịch)

Chính tinh thần hướng nội, tự suy nghiệm, tự thanh lọc nên Thiền sư dễ dàng tự mình giác ngộ và giác ngộ cho người. Nhà sư đã khuyên mọi người tìm về bản thân mình, không truy cầu sắc không ở bên ngoài thiên giới sẽ trở nên mệt mỏi. Lấy điểm xuất phát từ chữ “tâm”, các Thiền sư tập trung phác họa những nẻo tu chứng và giải thoát cho cái tâm, đạt đến đốn ngộ, ngộ đạo, vô vi, nhậm vận. Chính vì khởi phát từ chữ tâm nên các Thiền sư có khi đồng nhất tâm với trí huệ (cái tâm đã khai minh).

Và Trần Nhân Tông đã hiểu một cách rất sâu sắc tính chất vô thường, ngắn ngủi của cuộc sống con người:

Thân như hô hấp tỵ trung khí

Thế tự phong hành lĩnh ngoại vân.

Đỗ uyên đề đoạn nguyệt như trú

Bất thị tầm thường không quá xuân

(Thị tật)

Thân như hơi thở trong mũi khi hô hấp

Cuộc đời như đám mây bay theo gío ngoài núi xa.

Chim quyên kêu đã bao ngày tháng

Chớ để luống qua mùa xuân một cách tầm thường.

Mạng sống con người mong manh như hơi thở, không có bền, không có thật. Cuộc đời hay thế giới này không bền lâu vững chắc giống như gió thổi mây bay trên đỉnh núi xa kia. Những đám mây trôi không dừng lại một chỗ, mây theo chiều gió cứ trôi trôi mãi. Đây cũng là sự diễn tả cái vô thường trôi chảy không dừng. Con người không thể tránh khỏi sinh tử và nhân quả. Không thể tìm ra Niết bàn khi còn quẩn quanh trong sinh tử và nhân quả mà phải ở ngay trong nó để thấu suốt bản tính, để nhận ra sinh tử là không sinh, không tử. Lúc ấy tự nhiên con người sẽ được giải thoát.

Giới luật đối với các Thiền sư được thể hiện ở việc không tham dục, không tham danh lợi, tin ở nghiệp lực, không chấp. Thiền sư Trí Thiền khuyên mọi người:

Tham dục truất trừ thiên lý ngoại

Hi di chi lí nhật bao dung.

(Thoát tục)

Đuổi ngoài ngàn dặm niềm ham muốn

Để lẽ huyền vi chứa ở trong.

(Ngô Tất Tố dịch)

Cái vướng mắc nhất đối với người tu hành là tham dục (ham muốn), tham lam của cải vật chất, tiền tài danh vọng. Cái đó làm lu mờ tâm tính con người và ngăn cản con người đi đến giác ngộ. Bởi vậy, việc đầu tiên khi bước vào con đường tu hành là phải diệt trừ tham dục, phải truất trừ ham muốn. Có như vậy thì lẽ huyền vi mới lộ ra, Phật tính mới xuất hiện, con người đến được Niết bàn.

Bên cạnh đó, thuyết luân hồi nghiệp báo cũng được các Thiền sư đề cập đến. Vì có nghiệp báo nên hành giả khuyên mọi người sống có đức, cấy phúc gieo duyên. Thiền sư Vạn Hạnh đã thể hiện điều đó trong bài thơ đưa cho kẻ muốn hại mình:

Thổ mộc tương sinh cấn cạnh câm (kim)

Vi hà mưu ngã uấn linh khâm

Đương thời ngũ khẩu tu tâm tuyệt

Chân trí vi lai bất hận tâm

(Ký Đỗ Ngôn)

Thổ mộc sinh ra cấn cạnh câm (kim)

Thù ta toan định sẵn mưu ngầm

Tăng này biết chuyện lòng buồn dứt

Cả đến mai sau chẳng oán thầm.

(Huệ Chi dịch)

Người tu hành không oán giận, không câu chấp, chỉ nên sống lặng lẽ, thanh tịnh, cho nên muốn đi đến giải thoát, muốn xuất hiện trí tuệ bát nhã thì phải thanh lọc thân tâm, phải giữ giới nghiêm ngặt, phải thực hành nếp sống đạo đức mà Phật đã chỉ ra. Giới là phương tiện để đi đến tuệ. Không thể có tuệ mà không có giới. Khi đã có tuệ thì không còn chấp vào giới làm gì. Và như thế Niết bàn sẽ hiện ra rất gần.

Với chủ trương diệt dục tất yếu con người phải ý thức được nguồn gốc của mọi tham dục là cái sắc thân ô uế của mình.

Như tư ngoại sức

Chung thị uế căn

(Khoá hư lục – Trần Thái Tông)

Trang sức bề ngoài như vậy

Vẫn là cái gốc nhớp nhơ.

Các Thiền sư Lí –Trần dù phủ nhận giá trị thân xác nhưng không phủ nhận giá trị đời sống, mà họ luôn phấn đấu để đạt đến sự quân bình: cố gắng diệt trừ tham dục để đạt được sự tự do cho tâm hồn, giữ được tinh thần hiện thực để chu toàn bổn phận ở đời. Đó là chủ trương “Phật pháp bất ly thế gian pháp” mà sau này phát triển lên “giải thoát bất ly thế gian”, “ hòa quang đồng trần”.

Có thể thấy con đường giải thoát dựa trên căn bản tâm. Theo  quan điểm duy vật, quan niệm về cái tâm và con đường giải thoát là biểu hiện của cách hình dung về thế giới mang bản chất duy tâm; thế nhưng cùng với việc khẳng định con đường đốn ngộ giải thoát, các Thiền sư còn chỉ rõ trạng thái giải thoát.

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô,

Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô.

Nhậm vận thịnh suy vô bố úy,

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô

(Thị đệ tử- Vạn Hạnh)

Thân như bóng chớp, có rồi không,

Cây cối xuân tươi, thu não nùng.

Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi,

Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông.

(Ngô Tất Tố dịch)

Bậc tu hành đã đạt tới trình độ nhậm vận thì có thể hòa đồng nội tâm và ngoại giới, vượt lên trên sự phân biệt giữa cái ta và cái không phải là ta. Và như thế sẽ không lo ngại trước sự thay đổi, không sợ sự biến động vô thường nữa. “Nhậm vận” như thế là biết trở về với tự tính, an nhiên nằm trong sự vận động của bản thể, một sự vận động vĩnh cửu, vô thủy, vô chung, trong đó đời người chỉ đáng coi là một ánh chớp rất ngắn ngủi, sự thịnh hay suy cũng mong manh và nhỏ nhoi như giọt sương bám ở đầu ngọn cỏ kia. Và theo giáo lý Thiền tông thì thân xác của con người cũng chỉ là pháp tướng, là một dạng thức tồn tại của bản thể; thân xác ấy có chết đi thì chẳng qua cũng chỉ là kết thúc một dạng thức tồn tại mà thôi, chứ bản thể không mất đi đâu mà lo sợ buồn thương”.

Dòng văn học Thiền không chỉ dừng lại ở hình thức bề ngoài là giãi bày giáo lý nhà Phật mà nó còn đạt đến những ý nghĩa và giá trị nhân văn sâu sắc. các bài thơ thấm nhuần tinh thần “đốn ngộ” vừa trực quan thần bí mà lại có tính nhảy vọt của Thiền tông, nhất là tiếp thu được phương pháp tư duy năng động trong nhận thức luận của Phật giáo. Thơ thiền đã trở thành một tiếng nói giác ngộ với cái nhìn biện chứng trước sự vật và góp phần vào việc giải đáp những yêu cầu tư tưởng của xã hội Việt Nam trong bước đầu xây dựng nền tự chủ dưới hai triều đại Lí và Trần.

 

***

Thơ thiền Lí –Trần là một trong những đỉnh cao của thơ ca cổ điển Việt Nam. Nó được ra đời, hình thành và phát triển trong bối cảnh thời đại hào hùng, đầy niềm tự tôn, ý thức bình đẳng và đang cuồn cuộn sức sống. Vì thế, nó mang trong mình những mạch nguồn cảm hứng từ giáo lý Thiền tông vô cùng đa dạng và phong phú. Với mạch nguồn cảm hứng này, thơ thiền đã thể hiện rõ vai trò của loại hình thơ chức năng: giải tỏa sự bừng ngộ và tạo ra trợ lực nhằm giác ngộ tha nhân.

Giáo lý Thiền tông đi vào thơ Thiền chứa đựng nhiều biểu tượng có tác dụng kích thích mạnh vào tri giác nhằm gợi mở, dẫn dắt hoạt động trí tuệ để tiếp nhận chân lý đi nhanh đến giải thoát. Đây thật sự là kho tri thức quan trọng về tư tưởng triết học Thiền tông mà người tu hành rất trân trọng, nâng niu. Thông qua bộ phận thơ thiền này, hệ thống triết học sơ khai của Việt Nam định hình và chiếm một vị trí quan trọng trong nền văn hóa dân tộc.

Có thể nói rằng,  thơ Thiền đã phản ánh được những tinh hoa giáo lý Thiền môn. Nhưng vấn đề chủ yếu là các Thiền sư đã thâu tóm những giáo lý ấy bằng một vài câu ngắn gọn, giàu hình ảnh sinh động làm cho giáo lý đạo Thiền trở nên thi vị hơn, dễ đi vào lòng người hơn. Do đó, những vấn đề đặt ra trở nên gần gũi và bình đẳng, thể hiện được quan điểm và bản lĩnh của con người Đại Việt lúc bấy giờ. Nhờ vậy, nhân dân ta đã ba lần đánh thắng Tống, đẩy lùi đế quốc Nguyên- Mông hung hãn từng gồm thâu hơn nửa địa cầu và có một sự vùng dậy mạnh mẽ chưa từng có trên tất cả các lĩnh vực, tạo nên những trang hùng sử sáng chói của dân tộc.

Th.s Trịnh Thị Minh Hương

GV trường PTTH Phú Nhuận

 

Chú thích:

(1): Lí luận văn học, Phương Lựu (chủ biên), Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1997, trang 133.

(2): Các bài thơ trong bài viết đều trích từ Thơ văn Lý Trần, tập I,II,  Viện Văn học, Nxb Khoa học xã hội, HN, 1977.

Các tin đã đăng: