|
Đại lễ Phật đản năm 1964 tại Sài Gòn - Ảnh tư
liệu |
Hội An Nam Phật học được thành
lập từ năm 1932, do các Thiền sư Phước Huệ, Giác Tiên, Giác Nhiên… chứng
minh, bác sĩ -cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám làm Hội trưởng, trụ sở Hội
đặt tại chùa Từ Đàm, Huế (ban đầu ở chùa Trúc Lâm). Dưới tác động của
phong trào chấn hưng Phật giáo tại Trung Hoa do Thái Hư Đại sư khởi
xướng cùng với niềm tịnh tín Tam bảo của Tăng tín đồ Phật giáo Việt Nam
nói chung, Hội An Nam Phật học từ sau khi thành lập đã phát triển, lớn
mạnh. Từ đây, với sự nỗ lực của Hội, các trường Phật học ra đời
(1933-chùa Vạn Phước, 1935-chùa Trúc Lâm), xuất bản tạp chí Viên Âm
(1933), thành lập Đoàn Thanh niên Phật học đức dục (1940), Gia đình Phật
hóa phổ (1944) tiền thân của tổ chức Gia đình Phật tử Việt Nam và xây
dựng thành công hệ thống khuôn hội làm đơn vị cơ sở của Giáo hội.
Quanh cảnh Lễ Phật đản năm
1964
Trong bối cảnh đất nước bị thực dân Pháp đô hộ, đời sống
nhân dân bị áp bức lầm than, Hội An Nam Phật học dù chỉ mới ba năm sau
khi thành lập, đã tổ chức thành công một Đại lễ Phật đản được xem là quy
mô và hoành tráng nhất thời bấy giờ. Tiếp theo, Đại lễ Phật đản năm
1936 vẫn được Hội An Nam Phật học tổ chức rất trọng thể. Tạp chí Viên Âm
đã tường thuật chi tiết về Đại lễ Phật đản năm 1936 bao gồm: rước Phật,
thuyết pháp, tụng kinh, quy y, chẩn tế, phóng đăng, văn nghệ… thu hút
đông đảo Phật tử và dân chúng trong vùng đồng thời để lại dấu ấn sâu sắc
về mùa Lễ hội Khánh đản trong lòng mọi người.
Theo Tác phẩm của bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, tập IV
(Thích Trung Hậu- Thích Hải Ấn sưu tập và giới thiệu, tr.255) tường
thuật Lễ Phật đản năm 1936 của Hội An Nam Phật học như sau: Bắt đầu từ
chiều mùng 7 tháng Tư (thời ấy chưa tổ chức Phật đản vào ngày 14-15
tháng Tư như bây giờ), khoảng 17 giờ, tại khu vực chùa Diệu Đế, các đoàn
đèn đã sẵn sàng vào vị trí để chuẩn bị cho lễ rước Phật. Gọi là lễ rước
Phật nhưng đồng thời cũng là lễ hội rước đèn, với vô số kiểu dáng lồng
đèn trang trí lộng lẫy, bắt mắt. “Đến 19 giờ 30, bắt đầu cử hành lễ rước
Phật. Đoàn rước gồm có các ngài Chứng minh Đạo sư, các bậc Tăng già,
các học sinh trường Phật giáo đại học, trung học và tiểu học, các nhà
thiện tín nam nữ hội viên, đồng nam, đồng nữ cả thảy dài hơn một cây số.
Từ đầu đến cuối đều rực rỡ những đoàn đèn đi rước Phật. Mỗi đoàn một
cách thức, đèn hoa sen, đèn lư hương, đèn chữ Vạn, đèn tràng phan, kiểu
đèn nào cũng có ngụ ý sâu xa, đều có mỹ thuật, trông rất ngoạn mục”.
Đoàn rước Phật phát xuất từ chùa Diệu Đế rồi diễu hành qua nhiều con phố
trong kinh thành Huế và sau đó quay về Diệu Đế. Đoàn rước Phật vừa đi,
vừa niệm danh hiệu Phật vô cùng trang nghiêm, lòng người ai nấy đều hân
hoan, thành kính và tươi vui. Những nơi đoàn rước Phật đi qua, hai bên
đường đều bày hương án, đốt đèn, kết hoa, trầm xông ngào ngạt… cúng
dường Đức Phật.
Quả là một cảnh tượng vô cùng hùng tráng, trang nghiêm,
tràn ngập ánh sáng và ấm áp đạo tình đón mừng Đản sanh về. Từ chư tôn
Hòa thượng Chứng minh cho đến những Tăng sinh Phật học các cấp, bà con
Phật tử và các em thiếu nhi đều tham gia lễ rước Phật đã kết nối được
đạo tình. Một lễ rước Phật trang nghiêm, trọng thể và lung linh sắc màu
như thế đã làm nao lòng người, khiến cho người chưa phát khởi lòng tin
thì phát khởi lòng tin, người đã có niềm tin Tam bảo rồi thì càng thêm
kiên cố, vững chắc. Xe hoa của chúng ta ngày nay tuy đẹp đẽ, lộng lẫy và
linh hoạt hơn nhưng khó sánh với những cuộc bộ hành rước Phật, rước đèn
ngày xưa về phương diện giáo dục và chuyển hóa. Ngày nay, trong lễ hội
rước Phật, các Phật tử Hàn Quốc vẫn duy trì hình thức diễu hành xe hoa
(do người đẩy). Nên chăng, trong Lễ hội Phật đản, ngoài hình thức xe hoa
diễu hành, chúng ta cần khôi phục lại truyền thống bộ hành rước Phật
như Hội An Nam Phật học từng làm vì những lễ rước ấy mang tính xã hội
hóa rất cao, truyền thông trực quan rộng rãi, kết nối được tình người và
chuyển hóa nhân tâm sâu sắc.
“Sang ngày mùng 8, buổi sáng, đúng 6 giờ, chư Tăng và
Phật tử làm lễ. 7 giờ 30, cụ Chánh Hội trưởng (Tâm Minh Lê Đình Thám)
giảng về “Sự tích Đức Phật Thích Ca giáng sanh”. 9 giờ 30, Hòa thượng
Phước Huệ, Chứng minh Đạo sư, giảng về “Vì nhân duyên gì mà Đức Phật ra
đời”. 12 giờ, cúng Ngọ. Hòa thượng Giác Nhiên, Chứng minh Đạo sư, làm lễ
Quy y cho hơn 100 người. Buổi chiều, lúc 14 giờ 30, cư sĩ Ưng Dự giảng
về Nhân thừa Phật học, giải thích về Tam quy Ngũ giới rất cặn kẽ, rạch
ròi với hội chúng thính giả hơn 3.000 người. Đến 16 giờ 30, cô Sa di ni
Tâm Nguyệt giảng về “Những phương pháp tu hành thích hợp với phái nữ”.
Ngoài những giờ thuyết pháp ra, các Tăng sinh Phật học đại học và trung
học thay phiên tụng kinh, các thiện nam tín nữ đến nghe pháp, lễ Phật
không ngớt. Buổi tối, 19 giờ 30, dưới sông (trước chùa Diệu Đế) có làm
lễ phóng sanh, phóng đăng và chẩn tế. Đến 21 giờ, quan khách và Phật tử
vân tập vào hội trường. 21 giờ 15, Hòa thượng Giác Tiên chủ sám cùng các
Tăng sinh Phật học Đại học và Trung học làm lễ. Kế, các điệu tiểu học
đắp y, tay cầm phan tán tụng công đức Phật, những điệu thức tán tụng cổ
kính và thiền vị khiến người nghe ai nấy đều cảm động. 22 giờ, các em
đồng nam đồng nữ xếp hàng tề chỉnh vừa lễ Phật vừa xưng tán công đức
Phật theo các điệu mới do cụ Ưng Bình và Bửu Bác sáng tác nghe rất du
dương. Sau cùng, đồng ấu hát bài Đăng đàn cung bế mạc. Quan khách ra về,
giữa sông (trước chùa Diệu Đế) đốt ba cây pháo trông rất ngoạn mục…”.
Hơn 70 năm sau (1936-2008), lần giở từng trang sách cũ,
biết thêm về Đại lễ Phật đản mà các bậc ông cha đã tạo dựng trước đây
thật tráng lệ, huy hoàng, ngập tràn ánh sáng Chánh pháp. Trong ngày
chính Lễ Phật đản, Hội có đến bốn thời thuyết pháp, đặc biệt có hai thời
do cư sĩ và một thời do vị Sa di ni thăng tòa thuyết pháp. Thật đáng
khâm phục! Hiện nay, trong ngày Đại lễ Phật đản, có mấy chùa có được một
thời thuyết pháp và có bao nhiêu vị Tỷ kheo ni (chưa nói đến cư sĩ)
thăng tòa ban bố pháp âm? Thiết nghĩ, đây là vấn đề mà chúng ta cần thao
thức, trăn trở thật nhiều để tổ chức, xây dựng lễ hội Phật đản sao cho
tràn đầy tuệ giác, yêu thương và thực sự là “ngày nở hoa cuộc đời”. Mặt
khác, chương trình văn nghệ của Hội cũng rất sáng tạo, trên nền tảng lễ
nhạc Phật giáo, thông qua các điệu thức tán tụng của chư Tăng, xưng tán
công đức Phật, thấm đẫm thiền vị đồng thời kết hợp với âm nhạc cung đình
du dương khiến cho người nghe như đi vào cảnh giới thoát tục, buông xả
hồng trần.
Ngày Phật đản PL.2552 đang gần kề, bàn về Đại lễ Phật
đản của tiền nhân cũng không ngoài mục đích để tự hào, học hỏi và để noi
theo…
Quảng Tánh