Trong
Kinh Bổn Hạnh chép: "Bấy giờ có vị tiên tên là A Tư Đà xin phép vào xem
tướng cho Thái tử... tiên ông báo rằng Thái tử thân tướng có màu hoàng
kim, đầu tròn mũi thẳng, chân đầy vai rộng...lại có đầy đủ 32 tướng tốt,
80 vẻ đẹp, nhất định sẽ xuất gia học đạo, đắc quả A nậu đa la tam miệu
tam bồ đề...".
Chữ
卍 Vạn trên ngực của Phật Đản là một trong 32 tướng tốt của các bậc Đại
Giác, Trong Kinh Kim Cang Bát Nhã chép: "Phật là Pháp vương trong thánh
vương, cho nên đầy đủ 32 đại nhân tướng." Trong Phật Học Đại Từ Điển
chép: "trong kinh Phật dạy tướng chữ 卍 vạn trên ngực, đây là tướng thứ
28 trong 32 tướng tốt của chư Phật, tướng này thể hiện công đức viên
mãn...". Trong Kinh Trường A Hàm dạy: "Tướng chữ 卍 Vạn thuộc 16 đại nhơn
tướng, vị trí nằm ngay trước ngực của Phật. "
Trong
rất nhiều Kinh Điển của Đại Thừa đều có nói đến tướng chữ vạn 卍 trên
thân của Phật. Trong Kinh Lăng Nghiêm có chép: "Lập tức ánh sáng báu từ
chữ 卍 trên ngực của Đức Như Lai phóng ra, trăm ngàn màu sắc, sáng như
ánh sáng của mặt trời". Trong Kinh Quán Phật quyển thứ 3 chép: "cho đến
chữ vạn 卍 trên ngực, cũng nói lên 8 vạn 4 ngàn công đức và hạnh nguyện
của Phật..". Trong Kinh Hoa Nghiêm quyển 39 cũng có chép: "đều từ trong
ngực của đức 卍 tướng trang nghiêm kim cang, phóng ánh sáng lớn, gọi là
năng trừ tất cả ma oán".
Trong
Kinh Hoa Nghiêm quyển 48 chép: "Trong ngực của Như Lai có Đại Nhân
Tướng, hình chữ 卍 tên gọi là Cát Tường Vân Hải." trong Kinh Vô Lượng
Nghĩa chép: "Trên Ngực có chữ 卍 là tướng ngực của Sư Tử . Trong bộ Thập
Địa Luận của Ngài Bồ Đề Lưu Chi quyển 12 chép: "trên ngực của Bồ Tát có
tướng công đức trang nghiêm chữ 卍 vạn, gọi là Vô Tỉ.".
Theo
quan niệm của Bắc Truyền Phật Giáo, cho rằng chữ vạn 卍 nổi trên ngực
của chư Phật là tướng cát tường, còn theo Phật Giáo Nam Truyền thì cho
rằng chữ 卍 vạn trên người của Phật không chỉ có ngực mà còn có ở nhiều
nơi khác. Trong Đại Tạng Kinh Cao Ly và trong sách Huệ Lâm Nhất Thiết
Kinh Âm Nghĩa đời Đường quyển 21 có chép: "Đều là dấu của tướng hữu
chuyển. Nhưng Đại Thừa Kinh cho rằng, đây là một trong 32 tướng tốt, là
tướng cát tường trên ngực của chư Phật và Thập Địa Bồ Tát.
Theo
thuyết của Tiểu Thừa, thì tướng này không những chỉ có ở trên ngực...".
Trong Tỳ Nại Gia Tạp Sự quyển 13 chép: "Đức Thế Tôn đưa bàn tay có hình
chữ 卍 vạn hình tròn biểu hiện thành tựu đức tướng của vô lượng trăm
ngàn công đức, có thể trừ diệt hết các sự sợ hãi, đem đến an ổn cho tất
cả chúng sanh...". Trong Kinh Phương Quảng Đại Trang Nghiêm quyển thứ 3
chép: "trên tóc của Phật có 5 tướng chữ 卍 vạn". Trong Hữu Bộ Tỳ Nại Gia
Tạp Sự quyển 29 chép: "ở nơi hông của Đức Phật có tướng chữ 卍 vạn .".
Trong Kinh Đại Bát Nhã quyển thứ 381 chép: "ở ngực và tay chân của Phật
đều có tướng chữ 卍 vạn".
Tướng
chữ 卍 vạn là phù hiệu của điềm lành được xưng là "Cát Tường Hải Vân"
hoặc là "Cát Tường Hỷ Thí". Chữ 卍 vạn nguyên thủy có nguồn gốc từ ấn Độ,
tại Ấn Độ Giáo dùng chữ 卍 vạn chuyển theo tay phải hoặc tay trái đều có
sự phân định khá biệt rõ ràng, các nam thần thường dùng chữ 卍 vạn
chuyển theo tay phải, các nữ thần thường dùng chữ 卐 vạn chuyển theo tay
trái, ngày nay trong Phật Giáo dấu tích của chữ 卍 vạn được tìm thấy đa
phần thuộc thời kỳ của Vua A Dục, trên tháp cổ ở vườn lộc uyển hoặc
trong các kiến trúc cổ thuộc thời kỳ vua A Dục, đều dùng chữ 卍 vạn
chuyển theo tay phải.
Trong
sách Thuật Ngữ chép: "chữ 卍 là hình vậy, là tiêu tướng chỉ cho cát
tường của người Ấn Độ, tiếng Phạm gọi là Thất Lợi Mạt Sa Lạc Sát Nẵng,
nghĩa là tướng cát tường rộng lớn như biển mây vậy. Ngài Cưu Ma La Thập
và Ngài Huyền Trang dịch là chử Đức. Ngài Bồ Đề Lưu Chi đời Ngụy trong
Thập Địa Kinh Luận quyển thứ 12 dịch là chữ Vạn, vì theo âm Thất Lợi Mạt
Sa có nghĩa là công đức viên mãn, cho nên cũng có nghĩa biển mây lành
vì được dịch là Vạn, từ Lạc Sát Nẵng được dịch là chữ 卍 vậy. Còn có một
danh từ nữa của chữ Vạn là Lạc Sát Nẵng Ác Sát Na, hai danh từ này là do
sự hổn hợp giữa Phạm Âm và tiếng của Ác Sa Na ở đây Lạc Sát Nẵng được
dịch là Tướng và Ác Sát Na được dịch là chữ 卍 vậy, theo sự sắp đặt của
thứ tự thì Vạn là tướng cát tường vậy."
Chữ
卍 Vạn thường có hai cách viết, một là chữ vạn "卍" chuyển theo bên phải,
hai là chữ vạn "卐" vòng theo bên trái, nhưng theo quan niệm của Phật
Giáo lấy chữ Vạn vòng theo bên phải làm chuẩn, vì tất cả các nghi thức
của Phật Giáo đa phần dùng hữu nhiểu là hướng các tường. Trong sách
Thuật Ngữ chép: "vì hình chữ 卍 chuyển theo tay phải nên có nghĩa lễ kính
chư Phật, đi nhiễu ba vòng vậy, tướng lông trắng giữa chặn mày của Phật
cũng chuyển theo tay phải. Cho nên chuyển theo tay phải là hàm ý cát
tường vậy..."
Trong
sách Chánh Trai Tỏa Lục của Lý Điều Nguyên đời Thanh có chép: "chữ 卍
không có đem vào Kinh truyện, duy chỉ có trong Kinh tạng của Phật Giáo.
Phật gia tin rằng, những vị Phật ra đời trên ngực đều có chữ 卍, người
đời sau nhân vì Phật Giáo mà biết đến chữ này, vì vậy họ Mai ở Tuyên
Thành không nhập chử này vào tự khố, từ Ngô Nhậm Thần ở Tiền Đường làm
sách Nguyên Vận Thống Vận, trong quyển cuối có đưa chử này vào..." điều
này cho ta thấy được chữ 卍 không phải là chử của người Trung Hoa. trong
Sấm Đoàn Tân Trước quyển 7 chép: "chử vạn là lấy từ ý 卍 vân (biển mây
lành) vậy". Trong sách Vạn Lư Đạo Nhân chép: "chữ 卍 là chử của người Tây
Vực, là tướng cát tường trên ngực của Phật."
Theo
Phật Giáo Bắc Truyền thì chữ 卍 vạn được truyền vào Đông Độ lúc nào thì
có nhiều thuyết khác nhau, có sách cho rằng chữ 卍 của Phật Giáo được
phiên thích thành chữ vạn của người Trung Hoa vào thời Bắc Ngụy, có sách
cho rằng chữ 卍 được ngài Huyền Trang và các nhà dịch Kinh đời Nhà
Đường, vì muốn tán thán công đức vô lượng vô biên của Phật, nên dịch
thành nghĩa như chữ Đức của Trung Hoa. Đến triều đại của nữ hoàng Võ Tắc
Thiên, sắc lịnh chữ Đức của Phật Giáo định thành chữ 卍 Vạn với ý nghĩa
"Đầy đủ hết thảy công đức, điềm lành trong thiên hạ". Trong sách Danh
Nghĩa Tập Lục Hoa Nghiêm Âm Nghĩa chép: "Đời nhà Châu niên hiệu Trường
Thọ thứ 2, Chúa thượng ra lịnh, vì chữ này có ý như sao xu (ngôi sao thứ
nhất trong sao Bắc Đẩu) trên trời, kết tập hết thảy đức lành Cát Tường,
cho nên âm gọi là Vạn vậy."
Hình
tướng của chữ 卍 vạn trên ngực của Đức Phật sơ sinh cũng được rất nhiều
Kinh sách của Đại Thừa nhắc đến, hình chữ 卍 là hoa văn của tướng cát
tường trên thân của Phật chứ không phải là văn tự. Trong sách Hoa Nghiêm
Âm Nghĩa chép: "hình của chữ 卍 vạn, nay xem lại trong Phạm bổn, là
hình văn của đức tướng, chứ không phải chữ vậy.". Trong sách Huệ Lâm
Nhất Thiết Kinh Âm Nghĩa chép: "...đời nhà Đường gọi là tướng cát tường,
còn gọi là chữ 卍 vạn...không phải là chữ, mà là những hoa văn kiết
tường trong một số điểm trên thân Đức Phật, là tướng đại phúc đức vậy."
Trên
thân một số tượng Phật trước đời nhà Đường không có chữ 卍 vạn, vì trước
đó khi Phật Giáo mới được truyền vào Đông Độ, do trình độ quần chúng,
cũng như khó khăn trong chuyển thể ngôn ngữ, khi dịch kinh Phật có một
số dịch giả vì thời đó, do văn tự của Phật Giáo chưa đủ phong phú để
diễn tả cho nên có lược bớt vì vậy thời kỳ đầu Phật tượng thường không
có tướng chữ 卍 vạn trên ngực.
Trong
sách Hoa Nghiêm Âm Nghĩa thời Nhà Minh quyển 1 chép: "chữ 卍 Vạn của
Phạm thư, tướng các tường trên ngực của Phật là chữ Vạn vậy. Sao lại có
nơi không có? theo chổ biết, vào thời nhà Ngụy khi phiên dịch Thập Địa
Luận, người dịch có lược bớt, do vậy có chổ sai lệt, Lạc Sát Nẵng được
dịch là Tướng và Ác Sát Na được dịch là chữ, nên tướng này đọc thành hai
âm, vì thế đọc theo âm mà không có hình tướng vậy...".
Chữ
卍 vạn là hiện tướng của kiết tường, là chứng tích của các bậc giác ngộ,
tất cả mọi người chúng ta trong tâm luôn có nhân duyên của chữ 卍 vạn,
nếu một ngày nào đó chúng ta phát tâm tu hành, nếu như thành chánh quả,
thì tin chắc rằng chữ 卍 vạn sẽ nổi lên trên ngực của chúng ta, vì nhân
duyên gì mà tin chắc như vậy, bởi vì Đức Phật đã dạy "Tất cả chúng sanh
đều có Phật tánh và đều có khả năng thành Phật. Ta là Phật đã thành,
chúng sanh là Phật sẽ thành."
Đại
lễ Phật Đản trong tinh thần từ bi vô lượng, trong ánh hào quang trí tuệ
tỏa sáng của "Vạn Đức Trang Nghiêm", trong công đức vô lượng của "Vạn
Đức Từ Tôn" chúng con nguyện cầu Phật nhựt tăng huy, Pháp luân thường
chuyển, Việt Nam quốc tộc thạnh trị thái bình, bách tánh trăm họ an cư
lạc nghiệp. Vạn Đức Thế Tôn xuống trần trong tâm tế độ. Trăm họ chúng
dân ngẩng đầu kính lễ Đản Sanh.