Dựa theo sử liệu, thì Trần Nhân Tông lên ngôi báu năm 20
tuổi, năm 36 tuổi làm Thái Thượng Hoàng, nhường ngôi cho Anh Tông và đến
năm 41 tuổi thì xuất gia, là Tổ thứ sáu của thiền phái Yên Tử và là sơ
tổ dòng Thiền Trúc Lâm, chủ trương thống nhất các thiền phái Phật giáo
Việt Nam, mang nét đặc thù Việt Nam, tích cực dấn thân xây dựng hưng
vượng xứ sở bằng trí tuệ, từ bi và đạo đức của Phật giáo.
Nhân Tông biểu hiện rõ là một vị vua anh minh, một nhà lãnh đạo giỏi,
một nhà tôn giáo tài ba và là một thiền sư lỗi lạc.
Vua Nhân Tông học Phật từ nhỏ, học thiền định dưới sự chỉ dẫn của Tuệ
Trung thượng sỹ. Tư tưởng và tư tưởng Phật học của Trần Nhân Tông thể
hiện tuyệt vời trong Cư Trần Lạc đạo phú: “Gia trung hữu bảo hưu tầm
mịch/ Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền” (Trong nhà có báu đừng chạy
kiếm/Vô tâm trước cảnh, hỏi chi thiền). Hoặc: “Tịnh độ là lòng trong
sạch, chớ ngờ hỏi đến Tây phương/ Di Đà là tánh sáng soi, mựa phải nhọc
tìm về Cực lạc”.
Đó là con đường trở về chính mình để thể nghiệm ở tâm thức, sự thật và
hạnh phúc, để khai thác nguồn năng lượng vô hạn của tâm, tuệ, của sáng
tạo. Đấy là triết lý siêu đẳng: sống với thực tại, mà không phải nói về
hay nghĩ về. Và, đấy là con đường sống tự chủ, tự mình làm chủ, không
đánh mất mình, không vọng ngoại, là con đường tự cứu, tự tin.
Đó là sự trở về với “dừng tham ái”, “lắng thị phi” để tâm an nhàn, tịnh
lạc: “Mình ngồi thành thị/ Nết dùng sơn lâm/ Muôn nghiệp lặng/ an
nhàn thể tính/ Nửa ngày rỗi, tự tại thân tâm/ Tham ái nguồn dừng, chẳng
còn nhớ châu yêu ngọc quý/ Thị phi tiếng lặng, được dầu nghe yến thốt,
oanh ngâm”. (Cư Trần lạc đạo phú). Cũng trong Cư Trần lạc đạo phú,
Trần Nhân Tông xác nhận: “…Tranh công danh, lồng nhân ngã, thật ấy phàm
ngu/ Xây đạo đức, dời thân tâm, định nên thánh trí…”.
Vua cũng đã từng xem ngôi báu như một đôi dép cỏ. Đấy là cái nhìn và
thái độ sống đầy trí tuệ của Phật giáo và là tư tưởng, triết lý sống,
giúp tự thân tự tại đi ra khỏi những vướng mắc, giúp xã hội thực hiện
đại đoàn kết dân tộc, giáo hội thống nhất được các bộ phái, làm sống dậy
tiềm năng mạnh mẽ của dân tộc.
Triết lý sống đó, thái độ sống đó là triết lý, là thái độ riêng của
Việt Nam, gọi là siêu vượt triết lý, hay triết lý nhân bản thực tại
luận, vừa giải quyết vấn đề giải thoát của nhân sinh, vừa giải quyết các
vấn đề của quốc gia và xã hội.
Từ thế kỷ XI và vào thế kỷ XIII, Việt Nam đã hình thành một hệ nhân
sinh quan, vũ trụ quan riêng, mang đậm dấu ấn, trí tuệ và đạo đức Phật
giáo. Trong thời hiện tại, trước các khủng hoảng của các tư tưởng hệ,
khủng hoảng môi sinh và đạo đức xã hội, thì triết lý nhân bản thực tại
luận của Trần Nhân Tông đáng được tham cứu.
Cũng giống như thời Lý, đời Trần có nhiều danh tăng Phật giáo như Tuệ
Trung thượng sỹ, Huyền Quang, Pháp Loa, Bảo Phát, Nhất Tông, Viên Chứng.
Tư tưởng siêu thoát của Thượng sỹ ở điểm cao vời của tư tưởng Việt Nam
và phương Đông.
Chuyện là, khi Nhân Tông hỏi về tông chỉ giải thoát của thiền phái Trúc
Lâm Yên Tử, Tuệ Trung Thượng sỹ đáp:
“Hãy quay về tự thân mà tìm thấy tông chỉ ấy, không thể đạt từ ai
khác” – trở về nương tựa mình và nương tựa chính pháp.
Một lần, một vị sư hỏi Thượng sỹ: “Thế nào là đạo?”. Thượng sỹ
đáp: “Đạo không có trong câu hỏi, câu hỏi không có trong đạo”.
Một vị sư khác hỏi: “Thế nào là pháp thân thanh tịnh?”. Thượng
sỹ đáp: “Ra vào vũng nước trâu, nghiền ngẫm trong đống phân ngựa”.
Vị sư lại hỏi: “Theo đâu mà chứng nhập được?”. Thượng sỹ đáp: “Không
có niệm dơ bẩn tức pháp thân thanh tịnh”.
Sao có thể hỏi đạo là gì, Phật là gì, pháp thân thanh tịnh là gì? Bởi:
Đạo bất tại vấn, vấn bất tại đạo – đạo không có trong câu hỏi và câu hỏi
không có trong đạo.
Hỏi Phật là gì – là trật, là dơ dáy đầu óc, dơ dáy trí tuệ. Nếu hỏi
“...là gì” thì bản thân câu hỏi ấy, tư duy ấy chuyên chở cái ngã, là sa
vào thế giới định nghĩa, thế giới của từ điển, sách vở và khái niệm.
Nếu trả lời qua ngôn ngữ khái niệm thì khác nào rơi vào chỗ dơ bẩn
như vũng nước trâu hay đống phân ngựa.
Phật không là gì, mà bao trùm, là nguyên lý sự thật có mặt trong vạn
vật. Đạo có trong tất cả nhưng ở ngoài ý niệm dơ sạch, vì đạo là vô ngã.
Đó là chỗ để chứng đắc, không phải chỗ để “nói về” hay “nghĩ về”.
Tư tưởng của Thượng sỹ siêu thế, lại vừa rất trần thế, thực tại hiện
tiền là vậy. Từ đó có thái độ sống tích cực nhập thế với tâm thức, trí
tuệ vong ngã, vô dục, vô chấp, giải thoát. Đó là sức mạnh mà Tuệ Trung
Thượng sỹ truyền cho Trần Nhân Tông.
Ánh sáng của đạo Phật như là ngọn đèn lớn soi tỏ đạo đức và văn hóa.
Ngọn đèn tạo niềm tin, lòng tự hào dân tộc, làm cho con người không chao
đảo, không bối rối. Đó là linh hồn của văn hóa, của trí tuệ và nhân
văn!
Thời Lý – Trần hoàn toàn thấm thuần tư tưởng Phật giáo Đại thừa. Trần
Nhân Tông đặt tên Trúc Lâm vốn là tên của ngôi chùa đầu tiên thời Đức
Phật, là ý hướng về Phật giáo gốc Ấn Độ và thích ứng với Việt Nam, văn
hóa Việt Nam và Phật giáo Việt Nam.
Phật giáo Việt Nam là Phật giáo Đại thừa (cỗ xe lớn chở nhiều người
đi) chứ không phải là Phật giáo Tiểu thừa (cỗ xe nhỏ chở ít người đi).
Bởi vậy, Phật giáo Đại thừa Việt Nam chủ trương nhập thế ngay vào lòng
dân tộc, giải thoát ngay trong lòng dân tộc.
Theo: Người đại biểu Nhân dân