1. Vua Hy-Lạp A-Lịch-Sơn Đại-Đế Chinh phục Ấn-Độ
Mùa Thu năm 334 trước Tây Lịch (TTL), vua A-Lịch-Sơn Đại-Đế
(Alexander the Great) của nước Hy-Lạp bắt đầu cuộc chinh phạt Đông
tiến. Nhà vua thấy nhà hiền triết Aristotle – cũng là ông thầy dậy học
mình – nói về Ấn-Độ như là một dải đất mênh mông xa tít mù tắp tận
chân trời, nên cảm thấy hứng thú phải đi chiếm lấy và để đem nền văn
minh Hy-Lạp reo rắc cho các dân bản xứ.
A-Lịch-Sơn nối ngôi vua cha là vua Phillip II, vua xứ Macedonia (1),
Hy-Lạp, khi đó đã tóm thâu các nước xung quanh, kể cả nước Ba Tư
(Persia) mà làm nên một đế quốc rộng lớn. Vua Phillip II vẫn chưa hài
lòng với đế quốc của mình, theo truyền thuyết, đã bảo con Alexander là:
“Con à! Chắc con phải thấy nước ta chưa đủ lớn cho hoài bão của con. Nước Macedonia quá nhỏ đối với con”
Hưởng thụ một bộ máy chiến tranh vô địch của vua cha, A-Lịch-Sơn
cầm đầu một đội quân sáu chục ngàn người, chưa kể một số tư tưởng gia,
khoa học gia luôn luôn đi theo vua A lich Sơn, Đông tiến, chinh phục
Ấn-Độ. Đoàn quân tiến hành rất chậm. A-Lịch-Sơn đã phải mất 7 năm mới
tới sông Ấn Hà (Indus).
Vương quốc Macedonia (kéo dài từ Greece đến Pakistan ngày nay) của A-Lịch-Sơn Đại đế
Trước đó, đoàn quân đã vượt qua A-Phú-Hãn (Afghanistan), đến miền
Ngũ Hà, tức là Punjab của Pakistan ngày nay. Sau khi vượt qua một con
sông lớn, họ đã tới Taxila, một thị trấn sầm uất có nhiều thương gia đi
qua trên con đường Tơ Lụa. Ở Taxila, A-Lịch-Sơn đã trông thấy nhiều
nhà tu hành và những đệ tử của họ, sống một cuộc đời khổ hạnh, gần như
trần trụi, chỉ quan tâm đến đời sống tinh thần hơn là những tiện nghi
vật chất bên ngoài. Họ là những người Bà La Môn hay theo đạo Kỳ Na Giáo
hay là Jainism Ấn-Độ.
Vua A-Lịch-Sơn rất chú ý đến những người này, khi thấy họ có một sức
chịu đựng mãnh liệt, tự kiểm soát được mình không bị ảnh hưởng ngoại
lai xô đẩy. Vì muốn có một tu sĩ như thế trong đoàn quân viễn chinh
của mình, vua A-Lịch-Sơn cùng quần thần là những tư tưởng gia Hy-Lạp
liền mời một nhà sư đến nói chuyện. Ông này, theo sử sách Hy-Lạp, tên
là Dandamos, đến nhưng không chịu trả lời những câu hỏi của triều đình Hy-Lạp.
Sau cùng ông hỏi lại: “Tại sao Ngài đã phải đến đây từ quá xa
vậy? Tôi cũng có nhiều đất đai như Ngài và như những người khác. Dù
ngài có chiếm giữ được tất cả sông ngòi, Ngài cũng không thể uống nước
nhiều hơn tôi. Bởi vậy, tôi không sợ hãi, tôi không bị thương tích,
tôi không đi phá hủy những thị trấn. Tôi cũng có đất đai, nước uống như
Ngài. Tôi có đầy đủ tất cả. Thưa Ngài! Ngài hãy học điều hiểu biết khôn
ngoan này của tôi. Đó là: đùng có mong cầu điều gì và Ngài sẽ có đầy
đủ mọi chuyện”
A-Lịch-Sơn để ngoài tai lời khuyên đó. Đoàn quân viễn chinh của
A-Lịch-Sơn vẫn tiếp tục sứ mang chinh phục. Một năm sau, khi tới con
sông Beas của vùng Punjab, Pakistan, đoàn quân này đã phải ngưng lại,
rồi phải rút lui, không phải bị ai đánh bại, mà chỉ vì quân đội bắt đầu
chán chường mỏi mệt. Mưòi tám tháng sau, A-Lịch-Sơn đưa quân về đến
Babylon, thuộc Mesopotamia, bây giờ là Irắk, thì ngã bệnh mà qua đời.
Khi ấy ông mới 32 tuổi, chưa kịp thấy Ấn-Độ là thế nào. Ông để lại một
triều đình Hy-Lạp bắt đầu tan rã.
2. Sứ Thần Megasthenes của Vua Hy-Lạp tại triều đình Mauryan.
Trong khi ấy, bên Ấn-Độ, năm 324 trước Tây lịch, tại tiểu bang
Magadha, phía nam của bộ tộc Shakya (Thích Ca) của Đức Phật, bây giờ là
Nepal, một tướng lãnh của bộ tộc Mauryan, tên là
Chandragupta, nổi lên cướp ngôi vua lập ra triều đại Mauryan, đóng đô
tại Pataliputa (Hoa Thị). Đây là một triều đại lớn của Ấn-Độ kéo dài
137 năm.
Công việc đầu tiên của vua Chandragupta là đuổi nốt tàn quân của
A-Lịch-Son đi, giữ gìn biên giới phía Tây tới con sông Indus, ngăn chặn
ngoại xâm, kế đến là dẹp loạn trong nước. Triều đình Hy-Lạp không thể
dùng võ lực xâm chiếm Ấn-Độ như trước nữa, đã phải gửi một sứ giả ngoại
giao đến vua Chandragupta. Ông này tên là Megasthenes sống trên 10 năm tại Ấn-Độ, trước khi mãn nhiệm kỳ. Về nước, ông viết một cuốn hồi ký tên là “Indika” kể lại xứ sở Ấn-Độ, triều đình vua Chandragupta, cùng những nhà hiền triết Ấn Đô.
Vua A Dục (Ashoka) - Sứ thần Hy Lạp Megasthenes - Vương quốc Mauryan
Mặc dầu ông đã sống trên 10 năm tại đây, chỉ ít lâu sau Đúc Phật Thích Ca nhập diệt, Megasthenes trong sách ‘Indika”
không đả động gì đến Phật giáo, bởi lẽ những nhà hiền triết ông gặp
đều là những người Bà La Môn, cũng như là chính vua Chandragupta. Hơn
nữa đạo Phật khi đó đã chưa lan tràn ngay trên lục địa Ấn-Độ, mà vẫn chỉ
loanh quanh vùng đất gần Nepal.
Phải chờ đến năm 273 trước Tây Lịch, khi cháu nội của vua Chandragupta là vua A-Dục
(Ashoka) lên nối ngôi, thay thế vua cha Bindusara, con của
Chandragupta, Phật giáo mới có cơ hội bành trướng ra khắp mọi nơi, đặc
biệt đến những nơi có người Hy-Lạp sinh sống.
Kể từ đấy, chúng ta thấy đã có nhiều người Tây phương theo đạo Phật.
Trong số này có một ông vua người gốc Hy-Lạp là một Phật tử thuần
thành, sau đó đã xuống tóc đi tu, đắc chứng quả A La Hán.
Vua A-Dục là một hoàng đế hăng say chiến tranh để mở mang thêm bờ
cõi vương quốc Mauryan. Vào năm thứ tám sau khi lên ngôi, ông gửi quân
xâm lăng đến vương quốc nhỏ Kalinga, chưa chịu thần phục. Ông đã chiến
thắng. Đây là một trận chiến tranh tàn khốc trong đó 100,000 người bị
tàn sát, 150,000 người bắt làm tù binh và số người bị liên lụy còn đông
hơn nhiều lần như thế. Sau khi nghe được tình trạng tổn thất nặng nề
do đạo binh của mình gây ra, vua A-Dục cảm thấy ăn năn hối hận vì đã làm
một tội ác ngập trời. Ông trở nên một Phật Tử, dành cuộc đời con lại
tận lực gia công hoằng dương Phật Pháp ngay tại trong nước cũng như ra
ngoài xứ Ấn-Độ.
Sau khi trị vì ngôi báu được 36 năm, vua A-Dục già yếu lơ làng việc
triều chính. Ông đã băng hà năm 231 trước Tây lịch để lại một vương
quốc bắt đầu suy tàn. Những lời giáo huấn của Đức Phật như cấm sát
sanh, không gây hấn, giải quyết mọi chuyện bằng đường lối hòa bình,
được vua A-Dục ban ra, là những đường lối chánh trị dường như làm cho
nhóm quân đôi trong triều mỗi ngày một yếu thế, mất quyền lực. Bốn mươi
hai năm sau, vua A-Dục băng hà, vị tướng lãnh cầm đầu quân đội vương
quốc, ông Pushyamitra, nổi lên, ám sát chết nhà vua đương thời, đưa
vương quốc Mauryan vào một cuộc khủng hoảng, rối loạn. Pushyamitra theo
đạo Bà La môn cũng như Chandragupta, thay đổi chính sách, gây ra nhiều
mâu thuẫn trong nước, khiến Pushyamitra phải đánh đông dẹp bắc, để
biên thùy ngỏ cửa cho quân ngoại xâm.
3. Vua Hy-Lạp Demetrius và vua Hy-Lạp Menander
Quân ngoại xâm đến là từ ông vua người gốc Hy-Lạp, Demetrius, đang
trị vì một vương quốc tại Bactria (Đại Hạ), bây giờ là A-Phú-Hãn
(Afghanistan). Demetrius thấy đây là cơ hội ngàn năm một thủa để thực
hiện hoài bão bất thành của hoàng đế Hy-Lạp A-Lịch-Sơn Đại-Đế.
Năm 182 trước Tây Lịch, Demetrius đem quân vào Ấn-Độ, chiếm được
Taxila rồi Gandhara, bây giờ là Pakistan. Chỉnh đốn xong hàng ngũ, vua
Demetrius cùng bộ tướng Menander đem quân Đông tiến tràn vào Ấn-Độ.
Menander – sau này Phật Giáo Nam Tông tiếng Pali gọi ông là Milinda và Hán tạng phiên âm là Di Lan Đà
– là người Hy-Lạp đầu tiên đã qua được sông Beas, nơi mà A-Lịch-Sơn
Đại-Đế đã phải dừng chân, không thể qua sông mà rút quân về. Menander đã
nhanh chóng tiến vào vương quốc Mauryan, chiếm được thủ đô Patiluputra
(Hoa Thị) của vua A-Dục ngày xưa.
Đến đây thì, quân viễn chinh Hy-Lạp đã không còn được may mắn nữa.
Thời lai đồ điếu thành công dị
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa.
Tin tức từ quê nhà đưa đến bản doanh của Demetrius là thủ đô Bactria
(Ðại Hạ) có chính biến do Eucratidès cầm đầu. Nhà Vua ủy thác cho
Menander về đóng giữ vùng Ngũ Hà, còn mình thì trực chỉ về Ðại Hạ để
dẹp nội loạn. Nhưng khi đến gần thủ đô thì vua Demetrius bị Eucratidès
phục kích giết chết. Bấy giờ là năm 167 trước Tây lịch. Từ đó, Vương
quốc Ðại Hạ tách ra làm hai: Vương quốc miền Tây do Eucratidès cai trị,
và vuơng quốc miền Ðông do Apollodots I (em ruột Démétrios) cai trị.
Ðến năm 163 trước Tây lịch, Apollodotes I bị Eucratidès tiến đánh và
giết chết luôn, Menander lên kế vị và dời đô từ Taxila về Sagala (Xá
Kiệt) ở chân núi Hy Mã Lạp Sơn, giữa Udiyama, bây giờ là thung lũng
Swat Valley, Pakistan và Sialkot thuộc Punjab (Ngũ Hà).
Sử sách Hy-Lạp không nói nhiều về ông vua Hy-Lạp Menander này, có lẽ
bởi vì tuy ông giòng giõi Hy-Lạp – cha là người Hy-Lạp, mẹ là người
Trung Á (Miđle East) – nhưng sinh sống và trưởng thành tại A-Phú-Hãn.
Ông chưa bao giờ về Hy-Lạp.
Đồng tiền chạm hình vua Menander - Biểu tượng Phật giáo trên các di khảo thời vua Menander tại Hy Lạp
Tại Sagala, vua Menander đã dành cuộc đòi còn lại nghiên cứu Phật
Pháp. Sử sách Phật giáo Nam Tông bằng tiếng Pali mô tả Menander là một
ông tướng Hy-Lạp tài ba, một nhà lãnh tụ chính trị sáng suốt và là một
Phật Tử Hy-Lạp thuần thành. Cuộc đời hành đạo của vua Menander xẩy ra
thế nào, không ai biết rỏ. Sử sách Pali Phật giáo Nam Tông cho rằng
Menander đã đạt chứng quả A La Hán.
Vua Menander – hay là Milinda theo sử sách Phật Giáo Nguyên Thủy
viết bằng tiếng Pali, hay là Di Lan Đà theo Hán tạng– đã có một cuộc
tham vấn Phật học với một nhà sư đắc đạo theo truyền thống Nguyên Thủy
tên là Nagasena, phiên âm sang tiếng Việt là Tỳ Kheo Na Tiên.
4. Cuôc đối thoại giữa vua Di Lan Đà và Tỳ Kheo Na Tiên
Hình vẽ Tỳ kheo Na Tiên (Nagasena)
Cuộc tham vấn này đã được ghi chép lại để trở thành một một bản kinh
rất nổi tiếng trong giáo lý Nguyên Thủy mà hầu hết Phật tử đều biết.
Bản kinh tiếng Pali gọi là “Milindapanhà”: Milinda là tên vua Menander, hay Di Lan Đà; panhà là hỏi, Minlindapanhà là vua Di Lan Đà hỏi. Bản Kinh chữ Hán gọi là “Na Tiên Tỳ Kheo Kinh”. Hai bản Pali và Hán tạng có đôi chút khác biệt nhưng cơ bản thì như nhau. Ngài Hòa Thượng Thích Trí Thủ(2) đã giới thiệu bộ Kinh này như sau:
“Na Tiên Tỳ kheo Kinh là một bộ Kinh phản ảnh đầy đủ những
đường nét chính của Giáo lý Nguyên Thủy. Nhưng nếu chỉ có thế thôi thì
Kinh này chỉ là một bản trùng tuyên vô vị, không đáng được có một địa
vị Tam Tạng Thánh Giáo.
Ðặc sắc của Kinh này dĩ nhiên không phải ở chỗ trùng tuyên vô bổ ấy. Ðặc sắc của nó là chính ở những
ví dụ rất khế lý và khế cơ mà Ngài Na Tiên đã khéo sử dụng để làm
sáng tỏ các chủ điểm giáo lý căn bản của Phật Giáo Nguyên Thủy.
Các ví dụ rất linh động ấy là hoàn toàn do Ngài sáng chế để đóng góp
vào chánh pháp và thúc đẩy bánh xe Chánh Pháp chuyển mau thêm.”
Tiểu sử của vua Menander (hay Di Lan Đà) đã dược trình bầy nơi trên
Tiểu sử của Ngài Na Tiên, căn cứ vào phần một của Na Tiên Tỳ kheo Kinh, hoặc quyển I của Milindapanhà, đại khái như sau:
Ngài sanh tại làng Casangala (có nơi viết là Kajangala), dưới chân
núi Hy Mã Lạp, ở vùng Tây bắc Ấn Ðộ, trong một gia đình Bà La Môn mà
thân phụ tên là Sonattara. Theo bản Hán dịch thì làng này thuộc nước Kế
Tân (Kashmir). Ngài xuất gia thọ giáo với La hán Lâu Hán (Rohana),
từng được bổn sư cho tháp tùng để học đạo và du hóa tại các Chùa trên
núi Hy Mã Lạp. Tiếp theo, Ngài được gửi đến thọ giáo với La hán Át Bá
Nhựt (Assagutta) tại Chùa Hộ Tân (Vattaniya). Trong
thời gian thọ giáo với La hán Át Bá Nhựt, nhân một thời pháp nói cho
một lão tín nữ nghe, cả Ngài và lão tín nữ bổng nhiên được pháp quả “nhãn tịnh“, và cả hai cùng chứng đắc sơ quả “Dự lưu”
mà siêu phàm nhập Thánh. Sau đó, Ngài được La hán Át Bá Nhựt cho đông
du, đến thọ giáo với La hán Ðạt Ma Ra Khi Ta (Dhammarakhita) tại Chùa
A-Dục (Asokàrama) ở thành Hoa Thị (Pataliputra). Ngài thông suốt Tam
Tạng Thánh Giáo và chứng quả A La Hán tại đây. Từ đó, tiếng tăm lừng
lẫy, Ngài đi giáo hóa khắp đó đây. Cuối cùng, Ngài dừng chân tại Chùa
San Khế Da (Sankkheyà) ở thủ đô Xá Kiệt (Sagala) trong vùng thượng lưu
Ngũ Hà (Punjab). Tại đây, Ngài gặp Vua Di Lan Ðà, trước đó đã quy y với
trưởng lão Dã Hòa La (Ayupàla) mà nhà Vua đã nhiều lần đến hỏi đạo và
không mấy được thỏa mãn. Sự tương ngộ giữa Di Lan Ðà và Ngài là đầu mối
của Kinh Milindapanhà hay Na Tiên Tỳ kheo Kinh.
Vua Di-Lan-Đà (Menander)
Kinh Milindapanhà tiếng Pali hay Na Tiên Tỳ kheo Kinh chữ Hán khá dài vì cuộc tham vấn của vua Menander với nhà sư Nagasena hay Tỳ kheo Na Tiên, có trên 240 câu vấn đáp.
Ở đây chúng ta sẽ chỉ xem 3 câu hỏi đầu, tiêu biểu cuộc đối thoại lý
thú đầy hương vị giáo lý Nguyên Thủy, trich từ bản dịch của Hòa
Thượng Giới Nghiêm(3) (Maha Thera Thita Silo) từ Kinh Milindapanhà tiếng Pali.
“a. Câu hỏi thứ nhất về Danh
Đức vua Mi-lan-đà sau khi đảnh lễ Tăng chúng tám mươi ngàn vị cùng
với đại đức Na-Tiên, ngồi một nơi phải lẽ, đức vua khởi chuyện:
- Bạch đại đức, Trẫm muốn đàm luận với ngài vài điều được chăng?
Tỳ kheo Na-tiên đã quan sát vị vua hữu danh đã từng làm cho các tôn
giáo điên đảo từ bấy lâu nay. Quả thật là không hư truyền, vì ngài chưa
từng gặp một người có tướng mạo phi phàm như thế. Nhưng với thắng
dũng, thắng trí và thắng tuệ, ngài cảm thấy không khó khăn gì khi nhiếp
phục đức vua này.
Khi nghe hỏi, Na-tiên tỳ kheo mỉm cười đáp:
- Tâu đại vương, ngài cứ hỏi, bần tăng sẽ nghe.
- Bạch đại đức, trẫm hỏi rồi, ngài hãy nghe đi.
- Tâu đại vương, bần tăng nghe rồi, ngài hãy nói đi!
- Bạch đại đức, Trẫm hỏi rồi.
- Tâu đại vương, bần tăng đáp rồi.
- Ngài đáp như thế nào?
- Đại vương hỏi như thế nào?
Chỉ vài câu vấn đáp khởi đầu, cử tọa thính chúng gồm tám mươi ngàn
Tăng chúng, năm trăm tùy tùng của đức vua cùng với cận sự nam nữ đông
đặc bên ngoài giảng đường… đều cảm thấy thú vị, họ cất tiếng hô “lành thay!” vang rền như sấm dội.
Đợi cho không khí yên lặng, nhà vua hỏi tiếp:
- Bạch đại đức, ngài tên gì?
- Tâu đại vương! Bần tăng tên là Na-Tiên! Thầy tổ, huynh đệ,
pháp hữu của bần tăng cũng gọi tên bần tăng như thế. Còn cha mẹ của bần
tăng không những gọi tên bần tăng là Na-Tiên, mà đôi khi kêu là
Viranasena, Surasena hoặc Sihasena! Tuy nhiên, dù gọi tên gì đi nữa thì
nó cũng chỉ là cái tên, cái tên suông, chẳng liên hệ gì đến bần tăng
cả. Cái tên ấy chỉ để mà phân biệt giữa người này và người kia, thế
thôi, chẳng có gì là “tôi” là “của tôi” như ngã chấp và tà kiến thế
gian thường nhận lầm, tâu đại vương được rõ!
Đức vua Mi-lan-đà ngạc nhiên, đưa tay lên, phân bua với mọi người xung quanh:
- Xin tất cả các vị hãy làm chứng cho trẫm. Đại đức Na-Tiên
vừa nói rằng, cái tên Na-Tiên là tên do cha mẹ đặt, các vị đồng phạm
hạnh cũng gọi như thế, nhưng chẳng có cái gì là Na-Tiên ở đấy, chẳng có
gì là “tôi” và “của tôi” cả. Mọi người nghe rõ rồi đấy chứ?
Rồi quay sang tỳ kheo Na-Tiên , đức vua phản vấn:
- Bạch đại đức! Nếu không có cái gọi là “ta” và “của ta”
thì những người bố thí cúng dường y bát, vật thực, thất liêu, chỗ ở,
thuốc ngừa bệnh, vật dụng v.v… thì ai là người thọ nhận tứ sự ấy? Ai trì
giới? Ai tham thiền? Ai chứng ngộ đạo quả và Niết bàn? Từ đó suy ra,
những tội ác như sát sanh, trộm cắp, tà hạnh, nói lời hư dối, uống
rượu; cho chí những ngũ nghịch đại tội vô gián địa ngục, cũng chẳng có
ai làm gì cả! Và như vậy thì nghiệp lành, nghiệp ác cũng không, chẳng
có ai tạo tội cả, lành dữ đều không có quả báo. Nếu thế có kẻ giết chết
đại đức họ cũng không phạm tội giết người. Và thầy tiếp dẫn, thầy giáo
thọ, hòa thượng tế độ cho đại đức cũng không có. Các vị đồng phạm hạnh
gọi tên đại đức Na-Tiên là gì đó cũng không có luôn. Vậy cái gọi là
Na-Tiên đó là ai? Mong đại đức giảng giải cho trẫm. Đại đức nghe rõ rồi
đấy chứ.
- Tâu đại vương! Bần tăng nghe rõ rồi!
- Người nghe đó có phải là Na-Tiên chăng?
- Tâu, không phải.
- Chẳng có gì là Na-Tiên cả sao?
- Vâng, chính thế!
- Tóc, lông, móng, răng da… kia là Na-Tiên sao?
- Tâu, đại vương, không phải.
- Thịt, tủy, gân, xương là Na-Tiên chăng?
- Thưa, không phải!
- Sắc, thọ, tưởng, hành, thức là Na-Tiên chăng?
- Tâu, Đại vương, không phải.
- Hay lục căn: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý là Na-Tiên?
- Tâu, không phải thế.
- Vậy ngũ uẩn họp lại là Na-Tiên?
- Tâu, cũng chưa chắc là vậy.
Đến ngang đây chợt đức vua Mi-lan-đà cất giọng nói lớn:
- Bạch đại đức! Hồi nãy giờ trẫm đã cặn kẽ hỏi về ba mươi
hai thể trược, lục căn, ngũ uẩn v.v… có phải là Na-Tiên chăng, tất thảy
đều bị đại đức phủ nhận. Và quả thật, trẫm cũng công nhận như thế. Vì
khi quán tưởng một cách tận tường từng phần được nêu ra trong câu hỏi,
thì chẳng có cái gì được gọi là Na-Tiên cả. Thế tại sao, trước đây khi
trẫm hỏi, đại đức bảo đại đức là Na-Tiên? Té ra là đại đức nói dối!
Này, năm trăm tùy tùng thân tín của trẫm và tám mươi ngàn Tăng chúng tỳ
kheo, xin quý vị hãy làm chứng cho trẫm đấy nhé!
Đại đức Na-Tiên là một Thánh nhân A-la- hán đắc thần thông và đắc cả
4 tuệ phân tích: tuệ về nhân, tuệ về quả, tuệ văn tự, ngữ nghĩa, tuệ
biện tài, biện luận. Tâm ngài như đỉnh núi chúa, trí ngài như mặt trời,
mặt trăng, lòng từ của ngài bao la như biển lớn. Do vậy, ngài độ lượng
với đức vua Mi-lan-đà như mẹ đối với con; với tâm nguyện là phải nhiếp
phục đức vua, tế độ đức vua, đặt đức vua trong Chánh đạo; nên dù đức
vua có nói gì ngài cũng chỉ ngồi làm thinh và mở rộng lòng từ.
Để cho ngạo khí và sự xao động trong tâm trí đức vua yên lắng lại một chút, đại đức Na-Tiên mới chậm rãi nói:
- Tâu đại vương! Ngài là một bậc đế vương nhiều phước báu và
nhiều an vui, tháng ngày sống trong hạnh phúc cao sang. Nhưng vì tâm
cầu đạo, ngài chẳng quản đường xa, đến đây giữa cơn nắng nóng oi bức nên
có lẽ ngọc thể cũng bất an. Lại nữa, từ hoàng cung đến đây mà sao đại
vương không đi bằng xe mà lại đi bằng chân cho mệt?
- Bạch đại đức! Trẫm đến chùa bằng xe chứ! Chỉ đi bộ từ cổng, nhưng vào giảng đường mới đi bằng chân không!
- Thế ra đại vương tới đây bằng xe.
- Vâng, trẫm đến bằng xe.
Đại đức Na-Tiên giờ cũng làm như cách của vua Mi-lan-đà , phân bua với mọi người:
- Năm trăm tùy tùng quan chức, thị vệ của đức vua và tám mươi
ngàn chư tỳ kheo đại chúng hãy xác nhận cho: đức vua đã nói rằng ngài
đến đây bằng xe!
Rồi quay sang đức vua, ngài Na-Tiên hỏi lại:
- Đại vương bảo rằng đại vương đến đây bằng xe, đấy là lời nói thật chứ?
- Chắc chắn là thật.
- Vậy đại vương hãy nói cho rõ về cái xe ấy! Cái gì gọi là xe? Cái gọng chăng?
- Không phải.
- Hay cái trục, cái bánh là xe?
- Cũng không phải.
- Cái thùng, cái mui là xe chăng?
- Chẳng phải đâu.
- Hoặc roi, dây cương là xe?
- Chẳng phải.
- Thế chắc cái ách, căm xe?
- Không phải nốt.
- Vậy cái gì là xe?
Đức vua Mi-lan-đà im lặng.
Đại đức Na-tiên cất giọng chậm rãi:
- Tâu đại vương! Bần tăng đã đưa từng bộ phận một, và hỏi rằng
cái gì là xe thì đều bị đại vương phủ nhận. Mà quả thật, bần tăng cũng
thấy vậy, chẳng có cái gì được gọi là xe trong tất cả các bộ phận chi
tiết ấy. Tuy nhiên, đại vương là vị hoàng đế cao cả, là đấng nhân chủ,
là bậc anh minh cai quản một quốc độ mênh mông; quả thật là không thích
đáng khi đại vương nói dối rằng, ngài đến đây bằng xe! Xin tất cả chư
vị và Chư Tăng đại chúng ở đây hãy làm chứng cho!
Mọi người không ngớt lời tán dương ca ngợi biện tài của đại đức
Na-Tiên . Riêng năm trăm người tùy tùng thì cung thỉnh đức vua tìm cách
luận thắng đối phương.
Sau một hồi làm thinh, đức vua Mi-lan-đà nói:
- Đại đức biện luận hay lắm! Nhưng mà hãy nghe trẫm nói
đây! Tất cả những bộ phận chi tiết như thùng, mui, căm, bánh, trục v.v…
nếu nằm riêng lẻ thì không thể gọi là xe, nhưng chúng kết hợp toàn bộ
lại thì giả danh gọi là xe, có phải thế chăng? Vậy trẫm bảo rằng, trẫm
đến đây bằng xe đâu phải lời nói dối?
- Tâu đại vương! Cũng thế, tất cả những cái gọi là tóc, lông,
móng, răng, da, ngũ uẩn, lục căn… nếu chúng nằm riêng lẻ thì làm sao
được gọi là Na-Tiên? Nhưng nếu được kết hợp lại thì giả danh gọi là
Na-Tiên! Bần tăng nói rằng, bần tăng tên là Na-Tiên thì đâu phải lời
nói dối?
Nghe đến đây, đức vua Mi-lan-đà vô cùng thích thú, hết lòng tán thán đại đức Na-Tiên:
- Hay lắm! Hôm nay, lần đầu tiên trong đời cái lỗ tai của trẫm rất là hoan hỷ, đại đức có biết thế chăng?
Cả đại giảng đường vang lên tiếng “lành thay, lành thay” làm chấn động cả kinh đô Sàgala.
b. Câu hỏi thứ Hai về con số Hạ lạp
Để cho không khí im lắng lại một lúc, đức vua hỏi tiếp:
- Đại đức năm nay được bao nhiêu hạ lạp rồi?
- Thưa, bần tăng tu mới được bảy hạ.
- Con số 7 ấy là đếm luôn cả đại đức vào trong, hay là chỉ
đếm cái hạ không thôi? Con số 7 ấy là con số của đại đức hay con số của
hạ?
Khi ấy, đức vua đang mặc y phục vương giả với những đồ trang sức quý
báu, cái bóng sáng rỡ của ngài rọi vào trong chai đựng nước ai cũng
trông thấy rõ ràng. Đại đức Na-Tiên đưa tay chỉ, rồi hỏi ngược lại
rằng:
- Tâu đại vương! Cái bóng với đồ trang sức rực rỡ trong chai
nước kia là đại vương, hay người đang đối thoại với bần tăng đây là đại
vương?
- Trẫm đây mới thật là trẫm, còn cái bóng kia nương nơi trẫm mà có. Nó có là bởi trẫm.
- Cũng thế, tâu đại vương! Số 7 kia là số hạ lạp chứ không phải
bần tăng, nhưng nó có được là do nương gá nơi bần tăng. Nó có là bởi
bần tăng.
- Hay lắm! Quả thật đúng như vậy! Cục đá quăng qua thì cục chì ném lại. Thật thú vị làm sao!
c. Câu hỏi thứ Ba: Đàm thoại như một Trí giả hay như một Vương giả?
Sau hai câu hỏi mở đầu, đức vua biết là gặp được bậc trí tuệ, nên ngài muốn đi sâu vào giáo pháp, bèn ướm lời:
- Bạch đại đức! Trẫm rất thích đàm đạo với đại đức về nhiều vấn đề khác nữa, nhưng không rõ đại đức có hoan hỷ không?
- Tâu đại vương! Cái đó còn tùy thuộc nơi đại vương! Nếu đại
vương đàm thoại mà lấy tư cách một Trí giả (Panditavàda), thì bần tăng
sẵn sàng hầu đáp. Nhưng nếu đại vương đứng trên tư cách mình là bậc
Vương giả (Ràjavàda), thì xin thưa thẳng, bần tăng sẽ không thể hầu đối
được.
- Tư cách một Trí giả là như thế nào?
- Tâu đại vương! Phàm là Trí giả nói chuyện với nhau, bao giờ cũng nói lời ngay thật, muốn trao đổi hiểu biết, soi sáng hiểu biết cho nhau.
Trong câu chuyện, nếu có những lý lẽ đưa ra, dù đúng, dù sai, dù cao,
dù thấp, dù phải, dù trái v.v… các bậc Trí giả không bao giờ vì thế mà
phiền lòng hay nóng giận. Họ tôn trọng nhau, dù ý kiến, tư tưởng có bất
đồng chăng nữa. Thắng, bại không hề làm cho họ chau mày, mà chính chân
lý, sự thật mới thuyết phục được họ. Nếu gặp phải đối phương là tay lợi
trí, lợi khẩu, hùng biện đại tài, bậc Trí giả không vì thế mà tìm cách
cản ngăn, áp chế, bắt ngừng nói, đuổi ra khỏi chỗ ngồi; hoặc lươn lẹo
dùng những xảo thuật miệng lưỡi, ngụy biện nhằm tranh thắng cho kỳ
được! Đấy là cốt cách, phong thái đầy hiểu biết của bậc Trí giả, tâu
đại vương!
Đức vua gật đầu mỉm cười:
- Đúng bậc Trí giả là vậy! Còn tư cách của bậc Vương giả là thế nào, thưa đại đức?
- Tâu đại vương! Bậc Vương giả vì quen sống trong quyền lực,
nhất hô bá ứng, nên khi đối thoại thường quen áp đảo, bắt buộc kẻ khác
chấp thuận quan điểm của mình. Nếu có ai đó nói một câu không vừa ý,
hoặc đối nghịch với tư kiến của mình; bậc vương giả sẽ không hài lòng,
sẵn sàng dùng quyền uy của mình mà bắt tội, chẳng dựa vào lẽ phải và
công bằng. Những cuộc nói chuyện như thế rồi chẳng đi đến đâu, vì thái
độ và lối xử sự của các bậc Vương giả đã tự ngăn chặn con đường về với sự thật, đốt cháy mối cảm thông và cắt đứt sự hiểu biết. Đối thoại trong tư thế bậc Vương giả thường rơi vào một chiều, phiến diện và ngõ cụt như vậy đấy, tâu đại vương!
Đức vua Mi-lan-đà lại gật đầu nữa:
- Hay lắm, thưa đại đức, trẫm đã hiểu rõ rồi. Trẫm chẳng
thích cách nói chuyện của người Vương giả, trái lại, trẫm sẽ cố gắng
xem mình là người Trí giả để hầu chuyện với đại đức. Khi đối thoại, đại
đức hãy quên cái hào nhoáng cao sang bên ngoài của trẫm đi, mà hãy tiếp
xúc với chính con người của trẫm thôi. Đại đức cứ nói chuyện một cách
tự nhiên, bình thường như đại đức nói chuyện với chư tỳ kheo, tỳ kheo
ni, sa di, sa di ni, cận sự nam, nữ v.v…; thậm chí như nói chuyện với
người hộ tự, người quét rác, người nấu ăn trong ngôi chùa này cũng được
vậy, trẫm không bắt lỗi gì đâu!
- Tâu đại vương! Ngài đã phán những lời rất cao quý, rất hay,
rất đúng đắn, đúng là lời của một bậc minh quân vĩ đại nhất trên thế
gian. Bần tăng rất khâm phục, và bần tăng sẽ rất hoan hỷ, thoải mái để
hầu chuyện với Đại vương như là một bậc Trí giả
- Vậy đại đức hãy nghe Trẫm hỏi.
- Tâu, xin ngài cứ hỏi đi?
- Bạch, trẫm đã hỏi xong rồi.
- Thưa, bần tăng đã đáp rồi.
- Đại đức đáp như thế nào?
- Đại vương hỏi như thế nào?
Đức vua Mi-lan-đà vì vui thích mà thử trí tuệ của đại đức Na-Tiên đó
thôi, các câu hỏi này chỉ lặp lại, nhưng giảng đường thì mọi người
hoan hô, tán thán vang rân.
Đến đây đức vua bảo viên đại thần Devamantiya đến đảnh lễ đại đức Na-Tiên và xin mời ngài vào hoàng cung ngày mai.”
Đến cuối đời vua Menander, trong nước không được yên. Nhà vua lại
phải đem quân đi đánh giặc. Menander đã bi chết trong một cuộc hành
quân. Cái chết của nhà vua đã đem lại tiếc thương của cả nước. Theo
Plutarch, sử gia Hy-Lạp, các bộ lạc trong nước tranh nhau dành ngọc xá
lợi của nhà vua sau khi được hỏa táng.
Sau triều đại Menander, nhiều thế hệ con cháu người Hy-Lạp tiếp tục
cai trị vùng đất vương quốc của Menander. Vương quốc này trở nên suy
yếu, ảnh hưởng của văn minh Ấn-Độ ngày một gia tăng, trong khi những gì
là giá trị Hy-Lạp nhạt dần trong xã hội. Sang đến cuối thế kỷ thứ 2
sau Tây Lịch, nghĩa là 350 năm sau vua Menander băng hà thì người ta
không còn thấy một cộng đồng Hy-Lạp đáng kể nào nữa.
5. Di Tích của người Hy-Lạp tại Ấn-Độ
Người Hy-Lạp đã để lại những gì sau cuộc gặp gỡ Đông Tây suốt trong
chiều dài lịch sử, bắt đầu từ cuộc chinh phạt Đông tiến của vua
A-Lịch-Sơn Đại-Đế?
Nhiều người Hy-Lạp đã trở thành Phật Tử. Dù cho đến 500 năm sau khi
Đức Phật Thích Ca thành đạo, người Ấn-Độ đã không hình dung ra được Đức
Phật như là một thực thể con người. Kinh Phật chỉ chép lại Ngài có 32
tướng tốt với 80 vẻ đẹp. Trong các trụ đá, các hang động, hình tướng về
Đức Phật chỉ là những bánh xe Pháp Luân, gốc cây Bồ Đề, hay cùng lắm
là những vết chân mà người ta nghĩ là của Đức Phật.
Dấu chân Đức Phật - Tượng Đức Phật tóc xoăn, tai dài, vóc dáng theo chuẫn mực của thần Apollo Hy Lạp
Hy-Lạp, ngay từ thế kỷ thứ 5, thứ 6 trước Tây Lịch, đã có một nền
văn minh khá cao, được các sử gia coi là nền văn minh cơ bản cho học
thuật và văn hóa Tây phương, ảnh hưởng nhiều đến văn hóa La Mã và Âu
Châu. Hy-Lạp đã có những nhà điêu khắc, dắp tượng rất giỏi mà tác phẩm
còn lưu truyền mãi đến bây giờ tại các viện bảo tàng danh tiếng trên
thế giới.
Không được trực tiếp nhìn Đức Phật, nghệ nhân Hy-Lạp đã tạc tượng
Đức Phật như là một vị thần, đẹp trai, khỏe mạnh, thần Apollo, vị thần
của ánh sáng, của trí tuệ. Những tượng đó, tóc xoăn, tai dài, vóc dáng
Tây phương, lần lần trở thành những tượng Phật trong các chùa chiền tại
nhiều nước ngày nay.
Đào Viên
Tài liệu tham khảo:
a) The awakening of the West- the Encounter of Buddhism and Western Culture của Stephen Batchlor
b) Nghiên Cứu Phật Học. Triết học Phật giáo- Kinh Na tiên Tỳ kheo viết bởi Cao Hữu Đính
c) Buddha Sasana – Mi Tiên Vấn Đáp (Milinda Panhà)- Dịch Giả Hòa Thượng Giới Nghiêm
1) Macedonia là một đế quốc Hy-Lạp rộng lớn ngự
trị bởi vua Phillip II. Sau khi Phillip II bị ám sát chết, con là
A-Lịch-Sơn (Alexander) lên nối ngôi, tước hiệu là Đại-Đế Hy-Lạp. Đến năm 148 trước Tây Lịch thì bị La Mã (Ý Đại Lợi) xâm chiếm và cai trị.
2) Hòa Thượng Thích Trí Thủ,
thế danh Nguyễn Văn Kính, sinh năm 1909, mất năm 1985, 76 tuổi đời, 56
tuổi đạo, là một cao tăng thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Ngài đã
xuất gia thọ giới năm17 tuổi với Hoà Thượng Viên Thành, chùa Trà Am,
Huế. Năm Ngài 20 tuổi (1929), được Bổn sư cho vào thọ giới Cụ
Túc (Tỳ Kheo) tại Đại giới đàn chùa Từ Vân ở Đà Nẵng. Ngài đã dẫn đầu
nhiều phái đoàn đại biểu Phật giáo Việt Nam tham dự Đại hội Phật Giáo Quốc Tế.
3) Hòa thượng Thích Giới Nghiêm
(Thitasìlamahathera), thế danh Nguyễn Đình Trấn, sinh ngày 5/5/1921
tại làng Giạ Lê Thượng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Ngài
xuất thân trong một gia đình có truyền thống đạo đức lâu đời, tại một
quê hương nghèo khổ, nhưng lại phát tích rất nhiều tu sĩ và cao tăng
thuộc cả hai truyền thừa Nam Bắc tông. Chỉ riêng trong gia đình, bác của
Ngài – Hòa thượng Thích Phước Duyên – và chú của Ngài đều là bậc xuất
gia. Còn vị thân sinh – Hòa thượng Thích Quang Diệu (Nguyễn Đình Tải) –
sau nửa cuộc đời lập gia đình với mẹ của Ngài là cụ bà Huỳnh Thị
Thành, cũng xuất gia, sống đời phạm hạnh.
Nguồn: daovien.wordpress.com