Trần Thái Tông và vấn đề cải cách đất nước thời Trần
30/12/2021 19:04 (GMT+7)


Trần Thái Tông, là vị vua lấy đức trị dân, là ông tướng ‘trực tiếp cầm quân đánh giặc Nguyên Mông”, vừa có thể là vị Thiền sư làm tốt đạo đẹp đời, và sống hồn nhiên giữa dân tộc, đạo pháp. Thế nhưng, nhắc đến Trần Cảnh người ta vẫn luôn chỉ trích rằng, một ông vua không có quyền hành, bị Trần Thủ Độ thao túng. Một ông vua vì trốn chuyện giang sơn xã tắc bỏ lên núi Yên Tử …


Đất nước chúng ta đã trải qua hơn bốn ngàn năm lịch sử dựng nước-giữ nước. Từ khoảng thời gian đầu của Hùng Vương cho đến thời kỳ xây dựng quốc gia phong kiến độc lập, trải qua các triều đại tưởng chừng như rơi vào tay của ngoại xâm lấn chiếm. Nhưng, với ý chí tự lực tự cường của dân tộc chúng ta đã viết nên trang sử hào hùng, rạng danh đến tận ngày nay.

Nhìn lại thời phong kiến của nước ta, từ con đường quyền lực dẫn đất nước ra khỏi sự mục nát, tiến đến đỉnh cao của sự hưng thịnh có phần khác nhau, nhưng nguyên nhân thì khác nhau là mấy. Do những nhà cầm quyền, tài năng yếu kém, thêm vào đó là đạo đức suy vi.  Đối với sự thịnh suy của đất nước thì đạo đức cũng như tài năng của một vị lãnh đạo, phải biết dùng đúng người với đúng vị trí. Nhà Trần là một minh chứng cho một triều đại với hào khí Đông A, nhiều vị minh quân tài đức vẹn toàn trong việc an bang trị quốc.

Trong thời gian tồn tại của “vương triều vào thế kỷ XIII và nửa đầu thế kỷ XIV, nhà Trần tiếp tục đẩy mạnh phục hưng, bắt đầu tiến hành một cách toàn diện trên qui mô lớn từ đời Lý. Nền kinh tế, văn hoá của nước Đại Việt phát triển mạnh mẽ đạt nhiều thành tựu mới”. Về quân sự, ba lần chúng ta ngăn vó ngựa của quân Mông Cổ. Về văn hiến, đã nhúm lên ngọn lửa mở ra trào lưu tư tưởng Thiền học sâu sắc, đỉnh cao là sự xuất hiện của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Nhắc đến triều đại nhà Trần phần nhiều người đời đều biết đến đến và ca ngợi “Phật Hoàng Trần Nhân Tông”, người sáng lập ra “thiền phái Trúc Lâm Yên Tử” như anh hùng dân tộc.

Về phần Trần Thái Tông, là ông vua lấy đức trị dân, là ông tướng ‘trực tiếp cầm quân đánh giặc Nguyên Mông”, vừa có thể là vị Thiền sư làm tốt đạo đẹp đời, và sống hồn nhiên giữa dân tộc, đạo pháp. Thế nhưng, nhắc đến Trần Cảnh người ta vẫn luôn chỉ trích rằng, một ông vua không có quyền hành, bị Trần Thủ Độ thao túng. Một ông vua vì trốn chuyện giang sơn xã tắc bỏ lên núi Yên Tử …

Có thể nói ông là “một tác giả lớn trong dòng chảy lịch sử văn học Việt Nam từ xưa cho đến nay”. Chính tư tưởng tu hành- giác ngộ này của ông đã “hình thành mẫu người Phật tử biết đem đạo ứng dụng vào đời và cũng là người chủ trương đặt nền móng cho thiền phái Trúc Lâm ra đời”.

Từ đó, ông đã đưa ra các chính sách đúng đắn, nhằm cải cách quốc gia hưng thịnh rực rỡ về mọi mặt. Người viết sử dụng phương pháp so sánh, đối chiếu giữa các nguồn tài liệu. Ngoài ra, người viết xin đóng góp những ý kiến của mình để làm nổi bật hơn nữa công lao của Vua Trần Thái Tông đối với đất nước đặt biệt là với Phật Giáo trong thời gian trị vị.

Yên Tử, nơi phát tích Thiền phái Trúc Lâm, ảnh: T.V

Bối cảnh lịch sử trong giai đoạn cuối đời Lý đầu đời Trần.

  • Sự suy yếu của nhà Lý và bối cảnh chuyển giao vương quyền.  

Khoảng giữa thế kỷ XII triều đình nhà Lý bắt đầu suy đồi, các vua lên ngôi còn trẻ, lớn thì ham chơi, hưởng lạc. Minh chứng là Lý Cao Tông (1175-1210) lên ngôi lúc 2 tuổi, lớn lên thích xây dựng cung điện, đàn hát, đam mê tửu sắc, lơ là  việc triều chính. Lý Huệ Tông (1210-1224) nhu nhược lại mắc bệnh cuồng, không có con trai nối ngôi. Trong triều, kẻ gian thì lộng hành, xã hội bên ngoài nạn mất mùa dẫn đến đói kém, loạn lạc dấy lên khắp nơi làm yếu đi chính quyền.

Đầu thế kỷ XIII, xảy ra nạn hỗn chiến giữa các bè phái phong kiến,  các tướng lĩnh đem quân vây đánh với nhau, uy hiếp triều đình nhà Lý. Trong bối cảnh đó, Thái tử Sảm con vua Cao Tông phải bỏ kinh thành chạy về vùng biển Thái Bình lẫn trốn và lấy con gái họ Trần. Năm 1210, Thái tử Sảm về lại kinh đô nối ngôi sau khi vua cha chết, lấy hiệu Huệ Tông. Trong lúc này đất nước ngày một càng suy yếu, cứ thế hình thành ba thế lực lớn Đoàn Thượng (Hải Dương, Hải Phòng); Nguyễn Nộn (Sơn Tây) và Trần Tự Khánh (anh vợ Huệ Tông, vùng Thái Bình, Nam Định) là thế lực hùng mạnh nhất.  Trần Tự Khánh dẫn quân về đánh Thăng Long, một mặt là phò tá mặt khác là hiếp đáp vua Lý.. Sau khi Trần Tự Khánh chết, “Trần Thủ Độ lên thay, ông là một người nhiều mưu lược, giữ chức Điện tiền chỉ huy sứ”.

Năm 1225, trước sức ép của Trần Thủ Độ, Lý Huệ Tông nhường ngôi cho con gái là Lý Chiêu Hoàng lên ngôi lúc mới 7 tuổi. Trần Thủ Độ tính kế cho cháu là Trần Cảnh năm ấy mới 8 tuổi vào chơi với Lý Chiêu Hoàng.  Đầu năm 1226, Trần Thủ Độ đạo diễn một cuộc đảo chính và tuyên bố Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng. Nhà Lý  chính thức sụp đổ, nhà Trần được thiết lập. Đây có thể xem là một cuộc chuyển giao vương triều êm đềm nhất trong lịch sử vì không có một binh, một tốt nào phải đổ máu cho sự việc này, nói một cách khác “Lý Chiêu Hoàng đã nhận thức rõ vận mệnh của đất nước nên nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh” 

  • Trần Thái Tông và những năm đầu lên ngôi

Trần Thái Tông (陳 太 宗) khai sinh là Trần Cảnh (陳 煚), vị vua đầu của triều đại nhà Trần nước Đại Việt. Ông giữ ngôi từ ngày 10 tháng 1 năm 1226 tới ngày 30 tháng 3 năm 1258, sau đó làm Thái thượng hoàng cho đến khi qua đời năm 1277. Người vợ là “Lý Chiêu Hoàng và ngôi năm lên tám tuổi”, đến năm 20 tuổi vì vợ là Lý Chiêu Hoàng chưa sanh được thái tử để nối ngôi, sợ đại sự bất thành, Trần Thủ Độ ép Trần Thái Tông cưới công chúa “Thuận Thiên đang có thai (là vợ của anh mình tức Trần Liễu) và ép giáng Chiêu Thánh xuống làm công chúa”.

Bấy giờ vì Trần Thủ Độ nắm nhiều quyền lực, Vua không khước từ được, lại thêm anh là Trần Liễu vì phẫn giận, dấy binh làm loạn: “12 năm sau, Trần Thủ Độ ép Thái Tông phế Chiêu Thánh vì không sinh được người kế vị, và lập chị Chiêu Thánh là Thuận Thiên lên thay. Thuận Thiên vốn là vợ của anh Thái Tông là Trần Liễu, và khi ấy đang có thai với Trần Liễu 3 tháng. Việc này đã khiến Trần Liễu làm loạn ở sông Cái, nhưng cuối cùng bị thất thế, Trần Thủ Độ muốn giết nhưng Thái Tông can thiệp, tha chết cho anh mình”(2).  Bấy giờ làm vua nhưng tuổi còn non trẻ nên bị thái sư Trần Thủ Độ nắm quyền, thêm vào đó là nỗi thống khổ và lòng bất an, không tỏ bày được với ai. Ngài quyết định bỏ ngôi, lên Yên Tử tìm chốn tịnh tu niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình thứ VI, ngày 3 tháng 4 năm 1236 và bảo với tả hữu ta muốn đi để nghe dư luận dân gian mà biết được sự mong cầu của nhân dân để dễ bề trị nước. Đến tối hôm sau, Vua nghỉ trong chùa Giác Hạnh, đợi đến sáng lại đi. Khó khăn trèo núi hiểm, lội suối sâu, Vua phải bỏ ngựa bám vào các tảng đá, leo lên chân núi Yên Tử. Bình minh hôm sau, Vua đến đỉnh núi vào dự kiến “Thiền sư Đạo Viên”.

Lúc đó, Trần Thủ Độ hay tin vua bỏ ngai vàng, thăm dò sau đó vội đem quân đến núi Yên Tử đón về, Vua từ chối và nói rằng “ta còn trẻ tuổi, chưa gánh nổi việc nặng nề, thì phụ hoàng đã vội xa lìa, sớm mất chỗ trông cậy, ta không giám ở ngôi vua mà làm nhục xã tắc”. Thuyết phục mãi mà Thái Tông không đổi ý, Trần Thủ Độ nói với các quan, quân: “Vua ở đâu thì lập triều đình ở đó” , nhận thấy tình thế căng thẳng giữa Vua và Trần Thủ Độ, ngài Đạo Viên khuyên: “Phàm làm đấng nhân quân, thì phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, và lấy tâm của thiên hạ làm tâm của mình. Nay thiên hạ muốn đón Bệ hạ trở về, Bệ hạ không về sao được? Tuy nhiên sự nghiên cứu nội điển, xin Bệ hạ đừng phút nào quên” Sau Vua trở về chăm lo việc triều chính, chủ trương “Phàm làm đấng nhân quân, thì phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, và lấy tâm của thiên hạ làm tâm của mình” mà sư Đạo Viên chỉ bảo, tiếp nối kiến tạo triều Trần xứng danh tinh thần hào khí Đông A. Khi nhà Trần giành chiến thắng kháng chiến chống quân Mông Nguyên, khí thế chiến đấu của quân dân nhà Trần được gọi hào khí Đông A.

Trần Thái Tông và vấn đề cải cách đất nước 

Sự thịnh suy của triều đại phụ thuộc vào chính sách cai quản của vị Vua anh minh, tướng lĩnh tài đức, tồn vong cua dân tộc cũng nhờ vào các chính sách trị nước mà dân chúng được ấm no, cuộc sống an bình. Cũng như các vị Vua khác, Trần Thái Tông lên ngôi cũng cải cách chính sách mới trị nước để phát triển Đại Việt, tạo sức mạnh đoàn kết dân tộc, khẳng định chủ quyền lãnh thổ, văn hóa, tín ngưỡng, ngôn ngữ, kinh tế. Vào tháng 10 âm lịch năm 1226 Vua Thái Tông tôn Trần Thừa làm Thái thượng hoàng. Trong 9 năm đầu thời vua Thái Tông, Thượng hoàng Trần Thừa nắm quyền chính sự, còn Trần Thủ Độ được phong giữ chức Thái Sư Thống Quốc Hành Quân Vụ Chinh Thảo. Sau khi thượng hoàng mất (1234), Trần Thủ Độ được phong chức Thống quốc Thái sư, trở thành người có ảnh hưởng lớn nhất đến các chính sách của triều Trần.

Ảnh minh hoạ

Từ năm 1226 đến 1258, với sự giúp đỡ của Thượng hoàng, Thái sư và các đại thần, vua Trần Thái Tông đã ban hành nhiều biện pháp cải cách chính sách về kinh tế, nông nghiệp, giáo dục, văn hóa và luật pháp nhằm củng cố, cải tạo phát triển đời sống nhân dân, khẳng định cương vị nước Đại Việt ta với các nước lâng bang ngày càng vững mạnh. Dưới sự cai trị của “vua Trần Thái Tông”, Ngài đã mở khoa thi, đặt lễ nghi, định luật lệ, tu sửa Văn Miếu, khi quân Nguyên xâm lược nước Đại Việt lần thứ nhất, ngoài ra Ngài còn thân chinh cầm quân đánh giặc giành được nhiều thắng lợi. Ngài đã đặt nền móng vững chắc cho các vị vua sau này của nhà Trần có thể tiếp tục kế thừa, phát triển. Trong các triều đại, Nhà Trần là ngôi nhà vững chắc nhất, Trần Thái Tông được xem là viên gạch lớn của nền móng triều đại, bằng sự tinh tường Phật học, trí tuệ anh minh, tinh thần từ bi lợi tha, tầm nhìn xa trông rộng tạo dựng bước khởi đầu kiên định của triều đại.

  • Cải đổi bộ máy quan chức

Sau khi lên ngôi, nhận thấy sự thay đổi cần thiết về quan chức triều đình Vua Trần Thái Tông đã đổi mới, cải đổi quan chế, được tổ chức chặt chẽ từ trung ương đến địa phương. Chia lại tất cả các đơn vị hành chính trong nước. Có hệ thống quan lại gồm các văn võ đại thần (Tam thái, Tam thiếu, Thái úy, Tư mã, Tư đồ, Tư không), Tể tướng, thứ tướng, các chức quan văn trong triều (Thượng thư các bộ, Viên ngoại lang, Ngự sử đại phu), quan võ trong triều (Phiêu kỵ thượng tướng quân, Cấm vệ thượng tướng quân…), quan văn địa phương (An phủ sứ, Tri phủ, Thông phán, Thiêm phán). Năm 1230 Bộ sách quốc triều thông chế ra đời ( những quy chế chung của triều đình.)

Năm 1235, Vua Trần Thái Tông lệnh cấp lương cho bá quan văn võ trong triều, ngoài địa phương và các quan coi cung thất, lăng tẩm đều được hưởng mức lương xứng đáng với công trạng, khuyến khích tinh thần phục vụ, hi sinh vì xã tắc. Năm 1244 Vua lại đặt thêm chế độ lương bổng cho các quan túc vệ. Năm 1246, Vua Thái Tông ra lệ: “ Cứ 15 năm thì khảo công lại một lần, cứ 10 năm thì thăng lên 1 tướng cho các quan, và cứ 15 năm thì thăng lên 1 chức. Cơ quan nào bị thiếu chức phó, thì người giữ chức chánh sẽ kiêm nhiệm chức phó; còn nếu thiếu cả chánh lẫn phó thì cử quan khác làm tạm một thời gian, đến kỳ xét duyệt mới chính thức cho làm chức đó ”.  Xuân, năm 1250, Trần Thái Tông cho đổi Đô vệ phủ ( cơ quan coi việc kiện tụng của nhà nước ) làm Tam ty viện ( tức ba viện Phụng tuyên, Thanh túc, Hiến chính ), cử Ngự sử trung tướng Lê Phụ Trần trông coi Tam ty viện. Vua Trần Thái Tông đã đổi mới truyền thống chọn người trong tôn thất làm Tả hữu Tướng quốc Bình Chương Quân Quốc Trọng Sự, người ngoài hoàng tộc dù có giỏi đến mấy vẫn không được giữ chức đó.  Vua dụng người tài đức đứng ra giúp Vua trông coi xã tắc, xóa bỏ chế độ chọn người trong tôn thất. Đây là bước ngoặc lớn trong quyết định thay đổi việc chọn quan chức đầy minh dũng của vị Vua.

Trong thời điểm này, Vua và bầy tôi có quan hệ thân mật, không đặt nặng lễ nghi, khi có yến tiệc, các quan uống cho say xong rồi đứng lên nắm tay nhau cùng hát. Sử gia Ngô Sĩ Liên đã bình luận: “Xem thế đủ thấy, tuy bấy giờ vua tôi cùng vui, không gò bó vào lễ pháp, cũng là điều giản dị, chất phát của phong tục, nhưng không còn chừng mực gì nữa. Hữu Tử nói: Biết được hòa đồng rồi hòa đồng, nhưng không lấy lễ mà tiết chế, thì cũng không thể làm được… kỷ cương của triều đình để đâu?” Tháng 5 năm 1254, vua Thái Tông quy định về kiểu áo mũ, xe kiệu và số người hầu của vương hầu, văn quan, võ tướng như sau: “Từ tông thất cho đến quan ngũ phẩm đều được đi kiệu, ngựa và võng. Tôn thất thì kiệu đầu đòn chạm phượng sơn son, tướng quốc thì kiệu đầu đòn chạm vẹt sơn đen, lọng tía; từ tam phẩm trở lên thì kiệu đầu đòn chạm mây, lọng xanh; từ tứ phẩm đến lục phẩm thì kiệu đầu đòn bằng dầu; ngũ phẩm trở lên thì lọng xanh; lục thất phẩm thì lọng giấy đen. Người theo hầu nhiều thì 1.000 người, ít thì 100 người”

  • Đổi mới hành chính luật pháp

Năm 1228, Trần Thủ Độ và Vua Trần Thái Tông cho kiểm tra tổng số dân tại Thanh Hóa, vẫn tiếp tục duy trì chính sách cũ của triều Lý, sai các quan địa phương lập sổ trường tịch để thống kê số lượng trai tráng, người già, người bệnh tật, , người đến định cư, người đã làm quan văn, quan võ, binh sĩ, thư lại…mỗi làng. Thực hiện chính sách này đã giúp triều đình nắm rõ nhân khẩu, thu thuế, tuyển mộ lính tráng và phát động nhân dân cả nước chống ngoại xâm. Tất cả mỗi lộ đều có quyển Dân Tịch riêng, ở xã thì gọi là Trướng Tịch.  Năm 1242, Vua Trần Thái Tông chia Đại Việt làm 12 lộ, mỗi lộ gồm nhiều xã hợp thành, đặt ra 2 chức quan văn là An phủ chánh, phó sứ để trấn thủ các lộ. Dưới An phủ sứ có các chức đại tư xã, tiểu tư xã cai quản 3-4 xã, mỗi xã do quan xã chánh và xã giám quản lý.

Đối với kinh đô, năm 1231, Vua Trần Thái Tông chia Thăng Long làm 61 phường. Năm 1230, vua Thái Tông sai nghiên cứu luật pháp thời Lý,  để soạn ra bộ luật Quốc triều thông chế gồm 20 quyển. Thấm nhuần giáo lý nhà Phật, “giữ gìn năm giới căn bản của người tại gia” mà Vua Trần Thái Tông nghiên cứu đã soạn cuốn Khóa Hư Lục, cho nên luật nhà Trần chú trọng đặt nặng tội ăn trộm quy định các tội phạm trộm, cướp xăm lên trán 2 chữ phạm đạo và bồi thường: “ phép nhà Trần đặt ra, hễ người nào phạm tội trộm cắp đều phải chặt tay, chặt chân hay cho voi giày. Xem như thế thì hình luật thời bấy giờ nặng lắm.” Nạn đói, nạn mù chữ đều có thể đề ra giải pháp cải tạo tuy nhiên nếu trong nhà, trong nước xảy ra nạn trộm cướp sẽ khiến lòng dân bất an, tạo xã hội thiếu đạo đức khiến luôn đề cao cảnh giác, trông coi tài sản thì không còn đủ tinh thần góp phần đánh đuổi giặc ngoại xâm, chăm lo kinh tế… Bởi lẽ dù triều đại nào phải trên tinh thần “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” mới mong xã tắc yên ổn, nhân dân ấm no, nhà nhà hạnh phúc, thể hiện truyền thống nhân đạo, phù  hợp với tư tưởng “ lấy dân làm gốc ” mà nhà sư Viên Chứng từng nói với Vua.

  • Cải đổi về mặt Văn hóa- giáo dục

Năm 1227, Vua Thái Tông cho khôi phục lễ hội thề đền Đồng Cổ (nay thuộc làng Yên Thái, Hà Nội) từ thời Lý. Vua còn là một cư sĩ mộ đạo của Phật giáo. Năm 1231, Vua và thượng hoàng hạ chiếu cho dựng tượng thờ Phật ở các quán trạm trong nước. Năm 1248, Trần Thái Tông cho xây cầu Lâm Ba ở chùa Chân Giáo, chạy qua hồ Ngoạn Thiềm, tới quán Thái Thanh và cung Cảnh Linh (Thăng Long), Vua cũng cho tu sửa chùa Diên Hựu vào năm 1249. Kiến tạo nguồn nguyên khí quốc gia vững mạnh bằng tri thức, Vua đóng góp cho sự lớn mạnh của nền giáo dục Nho giáo. Từ năm 1232 đến 1239,  tổ chức các khoa thi Thái học sinh lần đầu vào năm 1232, lần thứ hai vào năm 1239 để tuyển nho sĩ giỏi ra giúp nước. Những người thi đỗ được xếp 3 hạng trong Tam giáp (đệ nhất giáp, đệ nhị giáp và đệ tam giáp) chẳng hạn, kỳ thi năm 1232 có Trương Hanh và Lưu Diễm đỗ đầu, trúng đệ nhất giáp, Đặng Diễn và Trịnh Phẫu trúng đệ nhị giáp, Trần Chu Phổ trúng đệ tam giáp. 

Năm 1236, Vua cho người nho thi đỗ vào triều đình làm việc, việc này sau trở thành lệ không phân biệt đạo Nho, Phật, thân tộc…có tài đều được trọng dụng thông qua các kì thi. Năm 1247, Vua Thái Tông đặt lệ thi và thay tên gọi lấy Tam khôi gồm 3 người đỗ đầu là Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa và quy định cứ 7 năm mở 1 khoa thi. Bên cạnh việc tiến hành các khoa thi Nho học, Vua cũng tổ chức thi Tam giáo, năm 1247 để chọn người am hiểu 3 đạo Phật, Nho và Lão làm quan. Ngô Thì Sĩ nhận xét: “ điều lệ khoa thi ngày thêm đầy đủ, ân điển ngày một long trọng, ở đó mới sản xuất lắm nhân tài, so với triều Lý thịnh hơn nhiều” . Trong “Sách Đại Nam thực lực chính” có đoạn: “năm Kiến Trung thứ VII (1231) vua Thái Tông sắc cho dân vẽ hình Phật ở khắp nơi công quán và các nơi công chúng hội họp”.  Năm 1253, Trần Thái Tông cho xây dựng Quốc học viện, và có tượng thờ Chu Công Đán, Khổng Tử, Mạnh Tử, và mời gọi sĩ phu trong nước về Quốc tử viện giảng Ngũ kinh, Tứ thư thúc đẩy mạnh mẽ nguồn nguyên khí quốc gia bằng tầng lớp tri thức trẻ, nhiệt huyết

  • Thúc đẩy phát triển kinh tế

Kinh tế là một phần quyết định thế mạnh của một quốc gia đối với các nước lân bang. Nhận thấy sự suy thoái về kinh tế nước nhà từ cuối thời Lý, để cải cách phát triển kinh tế, vua Thái Tông không những hỗ trợ viêc đào kênh rạch mà còn ban hành một loại thuế mới, dựa trên diện tích ruộng dân thuế được nộp bằng quan tiền, đấu thóc. Vua còn chú trọng đến thủy lợi nông nghiệp lúa nước, do nước ta sòng ngòi nhiều đến mùa nước lũ thường bị mất mùa. Năm 1231 Vua sai Nguyễn Bang Cốc đôn đốc quân bản phủ đào kênh Trầm, kênh Hào từ Thanh Hóa tới Diễn Châu. Năm 1244 ban lệnh cho đắp đê ở bờ sông Cái. Năm 1248, Vua sai đào kênh sông Mã, sông Lễ và đục núi Chiếu Bạch ở Thanh Hóa, tạo thành con kênh để dẫn nước phục vụ cho việc trồng lúa của nhân dân.

Đến năm 1256, vua sai dọn sông Tô Lịch hỗ trợ giao thông thuỷ lợi, cũng tạo nguồn tưới tiêu cho các nông dân địa phương quanh kinh thành. Đối với việc hạn hán xảy ra trong các năm, triều đình thường ban hành luật miễn thuế khóa, mở lương thóc rồi đại xá…và khuyên khích nhân dân tăng gia sản xuất, phát triển ngành nông nghiệp, trở nên phồn thịnh và thái bình. Nhìn chung nền kinh tế nhà Trần do vua Trần Thái Tông đứng đầu, đã đổi mới, nhận thấy rõ sự khó khăn của nền nông nghiệp, kịp thời hỗ trợ nông dân trong việc đào kênh rạch thuận lợi cho việc nông nghiệp trồng trọt, thông qua đó khuyến khích nông dân tăng gia sản xuất tạo nguồn kinh tế vững mạnh cho nước nhà, cải thiện đời sống nhân dân ấm no. Phong cảnh thanh bình của làng quê sau lũy tre đượm mùi lúa mạ non. Vua Trần Nhân Tông sau này làm bài thơ ca ngợi cảnh thanh bình quê hương:

   “Trước xóm, sau thôn, tựa khói hồng

   Bóng chiều man mác có dường không

    Một hồi sáo vẳng trâu về hết 

    Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng.” 

Nhận định cá nhân

Có thể thấy rằng Trần Thái Tông quyết định từ bỏ ngai vàng cho đến việc tiếp nhận lời chỉ dạy của quốc sư Đạo Viên rồi trở lại ngai vàng, Ngài đã đấu tranh tư tưởng rất lớn giữa sự an bình của bản thân và nguy nan của quốc gia, dân tộc. Nhưng bậc vĩ nhân vẫn luôn có cái lượng của vĩ nhân, cái mà người thường không lượng nổi, Ngài đã quên đi lợi ích cá nhân để giữ vững đại cuộc đất nước, thật đúng với tinh thần đạo Phật “vô ngã vị tha”. Chính tinh thần khởi đầu cho sự nghiệp đế vương này đã giúp Trần Thái Tông có những bức phá trong cách lãnh đạo một quốc gia mà trước đó trong lịch sử Đại việt Chưa từng xảy ra. Hơn bao giờ hết, nhờ tinh thần dung hợp tư tưởng Nho và Phật mà vua Trần Thái Tông chú trọng và chuyên học: “Trần Thái Tông đã học nho như môn học chính trị và xã hội cần thiết cho sự trị dân và học Phật như đường lối siêu thoát cho tâm linh và tình cảm.” đã xây dựng một bộ máy nhà nước thống nhất, hoàn chỉnh, tinh giản và hoạt động có hiệu lực.

Từ trung ương đến dưới địa phương gắn liền nhau, chặt chẽ. Nhờ vào tinh thần lấy dân làm gốc, biết vận dụng nguồn nguyên khí quốc gia từ các học sĩ trẻ, không phân biệt hoàng tộc, tôn giáo, tất cả đều được cống hiến dựa trên tinh thần yêu nước, vì nước bằng tri thức và sức lực vốn có. Lê Quý Đôn thán phục: “ Nhà Trần đãi ngộ sĩ phu rộng rãi mà không bó buộc, hòa nhã mà có lễ độ, cho nên nhân vật trong một thời có chí khí tự lập, hào hiệp cao siêu, vững vàng vượt qua thói thường, làm rực rỡ trong sử sách, trên không thẹn hổ với trời, dưới không thẹn với đất. Ôi như thế, người đời sau còn có thể theo kịp thế nào được”.

 Vị vua đặt nền móng vững chắc đầu tiên cho nhà Trần chính là vua Trần Thái Tông. Bằng trí tuệ, minh dũng, quyết trạch, chứng đắc đã phát triển, khẳng định cương vị nước Đại Việt ta với các nước lâng bang ngày vững mạnh trên nhiều phương diện. Dưới sự cai trị của vua, thiền gia Trần Thái Tông với chính sách “lấy dân làm gốc” đã kết hợp sức mạnh nội tại dân tộc Đại Việt và giáo lý thiền tông nhuần nhuyễn, hướng đến một quốc gia hưng thịnh và đạo pháp trường tồn.

Xuyên cả không gian thời gian, đạo pháp và dân tộc chiếu sáng trên trang sử vàng hình ảnh vua Trần Thái Tông bỏ ngôi vị để lại cho hậu thế hình ảnh sống động qua từng trang sử. Mang đậm nét Thiền tông, kiến tạo đặt nền móng sự thống nhất Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam thể hiện trí tuệ của bậc chứng đắc, tầm nhìn quảng kiến vĩ đại của bậc thiền gia, vua Trần Thái Tông mà hàng hậu học mãi noi theo. 

Cho đến ngày nay, tấm gương sáng Trần Thái Tông vẫn luôn là đề tài nổi bật cho sự nghiên cứu của các nhà sử học, cá nhà chính trị, văn hoá để tìm hiểu sâu hơn về một thời vàng son của trang sử Việt, để học hỏi những tố chất đáng quý, hiếm có của một nhà lãnh đạo dân tộc cả về đời sống và tinh thần. Trần Thái Tông như một tượng đài vĩ đại bất diệt với thời gian, ngài mãi là tấm gương sáng hi sinh một đời “vì nước vì dân”, những đóng góp của Ngài giữ vai trò vô cùng lớn lao và ý nghĩa đối với quốc gia, giúp Đại Việt có một nền tảng vững chắc về địa lý, văn hoá, tinh thần đoàn kết toàn dân và một đời sống tâm linh an lạc cho đến ngày nay.

Tác giả: Thích Chúc Hoà

 (1)Thích Phước Đạt, “Trần Thái Tông và Khoá Hư Lục nhìn từ góc độ văn học”, Nxb Hồng Đức, 2010, tr. 9.

 (2)Ngô Thì Sĩ, “Việt sử tiêu án”, Nxb Văn Sử, 1991, tr. 60-72.

(3)Nguyễn Lang, “Việt Nam Phật giáo sử luận”, Nxb Phương Đông, 2012, tr.176.

 (4)Sđd, tr. 177.

 (5)Ngô Sĩ Liên, “Đại Việt sử ký toàn thư, Nội các quan bản”, Nxb Khoa học Xã hội, 1993, tr. 168.

(6)Sđd, tr. 170.

(7)Sđd, tr. 171.

(8)Trần Trọng Kim, “Việt Nam sử lược”, Nxb Thanh Niên, 2013, tr 131.

(9) Ngô Thì Sĩ, “Hội Việt Nam Nghiên cứu Liên Lạc Văn Hóa Á Châu”, Nxb Văn Sử, 1991, tr 70.

(10) Nguồn:  http://www.tuvien.com/lich_su/index.php?id=78pgvnsuluocII0, truy cập: 15/1/2020. 

(11) Thích Minh Châu, “Chánh Pháp Và Hạnh Phúc, Đạo Phật với nếp sống thiên nhiên”, Tôn Giáo, Hà Nội, 2001, tr. 165.

(12) Nguyễn Lang, “Việt Nam Phật giáo sử luận”, Nxb Phương Đông, 2012, tr 178.

    THƯ MỤC THAM KHẢO

  1.  Thích Minh Châu, Chánh Pháp Và Hạnh Phúc, Đạo Phật với nếp sống thiên nhiên, Tôn Giáo, Hà Nội, 2001.
  2.  Thích Phước Đạt, Trần Thái Tông và Khoá Hư Lục nhìn từ góc độ văn học, Nxb Hồng Đức, 2010.
  3.   Lê Qúy Đôn toàn tập,Kiến văn tiểu lục, Nxb khoa học xã hội, 1997.
  4.  Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Nxb Thanh Niên, 2013.
  5.  Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Phương Đông, 2012.
  6. Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, Nội các quan bản, Nxb Khoa học Xã hội, 1993.
  7.  Nguồn:http://www.tuvien.com/lich_su/index.php?id=78pgvnsuluocII0, truy cập: 15/1/2020.
  8. Ngô Thì Sĩ, Hội Việt Nam Nghiên cứu Liên Lạc Văn Hóa Á Châu, Nxb Văn Sử, 1991.

Các tin đã đăng: