Thiền là sự sống của con người
Đạt Ma Phổ Giác
30/04/2017 16:04 (GMT+7)

Thiền trong lúc lái xe làm việc hoạt động hằng ngày

 
Khi lái xe ta dùng tâm biết của mình để điều hành. Mắt nhìn về phía trước để quan sát sự vật, liếc bên phải, bên trái để thấy các phương tiện khác. Tay lái xe, chân đạp thắng, vô ga, giảm ga. Tai lắng nghe tiếng còi xin đường của xe khác để biết mà nhường đường. Trước khi lái xe chúng ta phải tâm niệm mình đang chở biết bao sinh mạng trên xe, do đó ta phải bảo đảm những nguyên tắc sau đây. 

Trước khi lái xe không được uống rượu bia, một người tài xế không được chạy quá 8 tiếng đồng hồ liên tục mà phải đổi ca mới đảm bảo an toàn cho hành khách. Thường thì tai nạn xảy ra do tài xế quá mệt mỏi nên ngủ gật, uống rượu bia hoặc nhớ nghĩ lung tung nên không chú tâm trong khi lái.

Thiền trong làm việc cũng thế, ta làm việc nào chỉ biết việc đó, chỉ chú tâm vào việc đang làm. Từ anh giám đốc cho đến công nhân viên, tất cả đều phải chú tâm vào công việc của mình. Giám đốc sau khi phân công, điều hành xong thì làm nhiệm vụ giám sát, theo dõi, nhờ vậy kịp thời giải quyết những khó khăn, bất trắc. Anh kế toán chú tâm vào việc đánh máy của mình cho nên tính toán chính xác không sai con số. Chị lao công quét dọn chỉ chú tâm vào công việc sẽ nhìn thấy rõ chỗ nào dơ nhiều mà lau chùi cho sạch kỹ càng. 
 
Anh bảo vệ thường quán sát người ra vào trong cơ quan, biết rõ từng người một quan hệ giao dịch gì để kiểm soát và bảo vệ tài sản chung. Và tất cả mọi phòng ban nghành đoàn thể, cứ như thế mỗi người đều có trách nhiệm riêng, chúng ta chỉ chú tâm vào công việc được giao để hoàn thành tốt nhiệm vụ nhờ vậy năng suất lao động được nâng cao và công việc được hoàn thành trước thời gian.

Phương pháp thiền trong công việc cũng là một loại thiền chỉ, giúp cho mọi người ý thức được trách nhiệm của mình, nhờ chú tâm quan sát rõ ràng ta làm việc ít thấy mệt mỏi và không bị thời gian chi phối. Nếu trong làm việc ta không biết tập trung sẽ lãng phí thời gian làm thiệt hại cho cơ quan, vì đi trễ về sớm và trong khi làm việc trông cho mau hết giờ để về nhà. 

Chúng ta làm việc như vậy sẽ tập cho mình thói quen làm biếng, xén bớt giờ của chung, suy nghĩ vớ vẫn lung tung nên hiệu suất làm việc kém chất lượng. Thiền trong làm việc sẽ giúp ta dễ dàng kiểm soát tâm rong rũi chạy tìm giống như con vượn chuyền cành, nhờ chú tâm ta làm tốt công việc được giao và hằng ngày điều phục được tâm ý bất chính như trộm cắp, lừa gạt của người.

Thiền trong lúc mua bán, làm ruộng trồng hoa màu, trong nghiên cứu phát minh, giảng dạy

Người mua bán ngoài chợ cũng phải Thiền, phải ăn nói nhỏ nhẹ, ôn tồn. Khi khách đến không nên nói thách quá, tốt nhất nên nói đúng giá, nếu khách không mua hay trả giá quá thấp cũng nên vui vẻ, cởi mở, đừng nên tỏ thái độ cằn nhằn, bực tức. Nhiều người thậm chí còn mê tín, sáng sớm khách mở hàng mà không mua thì đốt phông lông, la ó, chửi rủa um sùm, bán buôn như vậy dần hồi sẽ mất khách hàng. Cuộc sống này vốn thuận mua vừa bán chứ không có gì bắt buộc, người có Thiền vị sẽ biết cách thu hút khách hàng, giữ mối quan hệ mua bán lâu dài bằng tấm lòng chân thật của chúng ta.

Người làm ruộng, trồng hoa màu để cung cấp thức ăn, thực phẩm cho con người cũng phải biết tu Thiền. Do phải trải qua nhiều công đoạn từ khâu gieo giống, chăm sóc, cày cuốc, tưới tẩm và bón phân theo đúng quy trình, nếu chậm thời gian sẽ không có kết quả tốt nên phải chú tâm vào công việc; do đó cũng là một loại Thiền Chỉ giúp tâm dễ dàng an định, nhờ vậy ta tính toán làm việc theo đúng quy trình, thời gian cho phép. Khi có trải nghiệm trong Thiền vị ta sẽ ý thức không dùng nhiều hoá chất mà dùng theo liều lượng cho phép, nhờ vậy hoa màu đến tay người tiêu dùng không bị ô nhiễm các chất độc hại. 

Nhiều người vì lòng tham, ham lợi nhuận nên bị đồng tiền làm mờ mắt, chiều nay xịt thuốc liều lượng cao, sáng mai đem đi bán nên người ăn dễ bị ngộ độc. Báo chí vẫn thường đăng tin ngộ độc thức ăn hàng loạt, có khi lên đến vài trăm người, nếu không cũng bệnh ung thư, nóng gan, viêm gan siêu vi B, C… Người thời nay bệnh hoạn nhiều cũng do con người không biết tin sâu nhân quả, chỉ biết lợi trước mắt mà làm tổn thương rất nhiều người.

Các nhà khoa học, bác học cũng phải biết cách Thiền. Họ giam mình trong phòng kín lâu ngày để nghiên cứu, phát minh một vấn đề nào đó phục vụ cho xã hội loài người, nếu tâm vọng động, lăng xăng, nhớ nghĩ hết chuyện này đến chuyện kia thì làm sao phát minh được. Nhờ biết tu Thiền nên tâm họ định tĩnh, sáng suốt, làm việc gì cũng có kết quả tốt đẹp.

Thiền trong nghiên cứu, giảng dạy là chú tâm soạn bài giảng, tập trung vào nội dung cần triển khai về đề tài mình muốn nói. Khi soạn xong ta nên đọc lại từ 3 đến 5 lần để nắm khái quát đề tài giảng dạy. Trước khi lên Pháp toà trong vòng một tiếng đồng hồ ta không cần nhớ nghĩ gì nữa mà chỉ cần nhiếp tâm theo dõi hơi thở, thở vô ta biết mình thở vô, thở ra ta biết mình thở ra, chỉ cần nhìn lại hơi thở mà không cần đối trị, nhờ vậy tâm được định tĩnh, sáng suốt, khi lên giảng những gì cần nhớ sẽ nhớ liền nên giúp người nghe nắm bắt nghĩa lý rõ ràng. 

Về phía người nghe cũng vậy, chỉ cần chú tâm khi nghe mà không khởi niệm phân biệt hay-dở, ta nghe chỉ để học hỏi, để biết cách tu tập hay ứng dụng vào trong cuộc sống hằng ngày.

Thiền trong lúc tắm, mặc quần áo, đi tiểu, đi đại

Nhiều người nghe nói Thiền trong lúc tắm rửa, mặc quần áo, đi tiểu, đi đại tưởng là bất kính. Song, chúng ta phải Thiền ngay trong mọi điều kiện sinh hoạt hằng ngày. Quý vị nghe chúng tôi hướng dẫn sẽ thấy giá trị và lợi ích thiết thực của nó. Khi vào trong nhà tắm và lột bỏ hết lớp quần áo bên ngoài ra ta mới thấy rõ con người chân thật của mình. Cũng vậy, khi chúng ta buông bỏ hết phiền não tham-sân-si thì Phật tính sáng suốt mới hiện ra. 

Người phụ nữ khi tắm mất thời gian rất lâu vì phải săm soi, ngắm nghía mình xem còn duyên dáng hay không, nhất là những người đã có chồng, có con. Phụ nữ thì sợ xấu, sợ già, sợ hôi, sợ cô đơn và vô vàn nỗi sợ khác nên khi tắm phải dùng nhiều xà bông, nước thơm, tắm như vậy là đã đánh mất chính mình vì tham đắm, dính mắc vào thân này quá nhiều. Ai mập quá thì rất khốn khổ vì nghĩ mình không còn sức hấp dẫn với chồng hay người yêu, đó là nỗi khổ, niềm đau hay dày vò phái đẹp. Ốm quá thì thân hình lòi xương, trông giống con khô hố, ai chạm đến tưởng như gốc cây. Người nữ mập quá hay ốm quá đều khổ cả. 

Tắm nhằm mục đích rửa sạch chất dơ bẩn sau một buổi hay một ngày làm việc để tẩy đi các chất ô uế bám dính trong người. Khi tắm nước lạnh ta cảm nhận nước mát khắp toàn thân, tắm nước nóng ta cảm nhận sự ấm áp của nó, tắm như vậy là không bị dính mắc vào thân. Con người chúng ta thường hay chấp thân này là thật; tâm suy nghĩ, hiểu biết cũng là thật; từ đó chấp thân tâm làm ngã rồi dính vào đó nên bị phiền não tham-sân-si chi phối, sai sử. Người biết Thiền trong cuộc sống khi tắm chỉ biết mình đang tắm mà không ngắm nghía, săm soi thân hình, nhờ vậy trong lúc tắm cảm nhận được an ổn, nhẹ nhàng. Tắm như vậy là tắm Thiền khoẻ re. 

Mặc quần áo mục đích chính là để che thân không bị loã lồ nhưng ta lại nghĩ mặc quần áo để khoe đẹp với người khác, do đó phải tốn tiền sắm sửa quá nhiều. Phụ nữ Việt Nam thời đại ngày nay đang dần đánh mất chiếc áo bà ba hay áo dài, thay vào đó là áo hở cổ, khoét ngực để khoe sự hấp dẫn, vô tình làm đấng mày râu mê muội, dính mắc vào đó. Phụ nữ nặng về luyến ái, tức tình cảm nặng nề, do đó làm đẹp là bản chất của phái đẹp; nhưng ta phải biết hài hoà cho có chừng mực vừa phải thì đỡ tốn thời gian, ít hao tiền bạc, nhờ vậy giảm bớt lòng tham muốn. 

Ăn mặc giản dị, gọn gàng là nét đẹp văn hoá của người phụ nữ Việt Nam. Cái đẹp của người phụ nữ là đẹp ở tấm lòng, đẹp ở nhân cách đạo đức. Người nam thì đơn giản hơn trong ăn mặc nhưng lại hay dính mắc vào thuốc lá, rượu bia, gái gú, hưởng thụ thức ăn các loài vật quá nhiều. Người uống rượu bia ăn các loài hải sản tươi sống nhiều nên chắc chắn sẽ thiếu lòng từ bi trong đối nhân xử thế, do đó sẽ gánh lấy hậu quả về sau như bệnh hoạn, mất trí nhớ, thần kinh rối loạn và bị nhân quả vay trả thù hằn không có ngày thôi dứt.

Thiền trong việc đi tiểu, đi đại cũng rất quan trọng trong đời sống vì nó gắn liền với chúng ta hằng ngày. Khi đi tiểu ta biết ta đang đi tiểu, nếu trong ngày ta đưa các thức uống vào quá nhiều cũng khổ, nhất là những tay bợm bia đã đưa vô thì phải xả ra, đó là lẽ đương nhiên. Khi tiểu ta không chú tâm vào chỗ tiểu mà nhớ nghĩ lung tung, tiểu trong vội vàng, không có ý thức. Khi tiểu ta chỉ cần nhìn nước tiểu vàng hay trắng sẽ biết được sức khỏe mình ra sao. Nếu nước tiểu vàng quá thì trong người nóng, ta phải biết điều hoà bằng cách ăn uống hay thuốc bổ thận âm. Ngược lại, nếu thấy nước tiểu trắng thì biết người quá yếu, thận bị suy nên hay mắc tiểu đêm ta phải dùng thuốc bổ thận dương để điều trị. Thông qua đó ta sẽ biết cách điều hoà để cảm nhận được niềm vui trong cuộc sống. 

Đi đại cũng vậy, nếu bị bón rặn không ra ta biết mình đang bị nóng gan hay bị trĩ, ta sẽ dùng thuốc trị hoặc ăn đồ mát thì sẽ từ từ hồi phục trở lại. Đi phân đen hay xanh, chảy hay chìm xuống ta biết đường ruột yếu thì phải thức ăn nóng cho có tính cách dương tính, đây cũng là một pháp Thiền trong lúc đi đại. Mình bệnh mà không biết mình bệnh thì nguy cơ cao; ăn vô mà không thải ra chỉ trong vài ngày thì bụng sình chướng khó tiêu, người bứt rức, nóng nảy, chộn rộn thật khổ tâm.

Nếu bị đi chảy nhiều quá thì coi chừng tiêu đời nhà ma. Vậy trong lúc đi tiểu, đi đại mình có tu không? Có chứ, nếu không ngồi trong nhà cầu khốn khổ đủ điều, mùi cặn bả xả ra hôi hám vô cùng mà tâm cứ nghĩ tưởng lung tung. Do đó ta phải biết rõ ràng từng trạng thái của nó mà không bám dính vào chỗ nào, coi như ta đang Thiền trong đi tiểu hay đi đại.

Ngày hôm nay trên đà phát triển ngày càng cao của nhân loại giúp cho con người hưởng thụ tiện nghi vật chất, nhưng ngược lại làm ô nhiễm môi trường, thức ăn uống bị nhiễm độc nặng nề. Các bệnh viện quá tải vì người bệnh quá nhiều, nguyên nhân chính là không biết điều hoà trong ăn uống. Người tại gia với bộn bề công việc nên không biết làm cách nào để điều hoà thân tâm cho tốt, do đó dễ phiền muộn khổ đau, bệnh hoạn và bất an lo lắng, sợ hãi.

Trong cơ thể chúng ta hai bộ phận chủ yếu là thận và gan, thận điều tiết thải độc bằng nước và mồ hôi. Nếu để thận yếu thận suy dễ phát sinh bệnh tim mạch và huyết áp cao, tai biến mạch máu não và đột quỵ. Ăn quá nhiều dầu mỡ đồ nóng từ chiên xào nướng, dùng thức uống kích thích như rượu bia nhiều dẫn đến bệnh nóng gan, sơ gan, viêm gan siêu vi B, ung thư nếu không chết liền cũng làm hao tiền tốn của, làm khổ người thân và khi chết mang theo lòng tham lam ích kỷ nên càng bị đoạ lạc vào chỗ xấu.

Điều hoà trong ăn uống, đi tiểu, đi đại là ta đã biết thiền trong đời sống hằng ngày vì những thứ này nó gắn liền với chúng ta. Ai biết ăn, ai biết uống, ai biết đi tiểu, ai biết đi đại đã đưa vô thì phải xả ra ta chỉ cần kiểm soát chúng chặt chẽ hằng ngày, vừa làm chủ thân tâm và điều phục bệnh hoạn.  

Bốn phương pháp Thiền ngồi, Thiền lạy, Thiền đi, Thiền nằm, hành giả miệng niệm Quán Thế Âm Bồ tát, tai chú tâm lắng nghe, nhờ vậy không bị thất niệm nên phát sinh định lực và trí tuệ. Tới khi đi ngủ thì phải Thiền nằm, miệng tiếp tục niệm Quán Thế Âm Bồ tát, chỉ cần nhiếp tâm vào câu niệm thì từ từ đi vào giấc ngủ mà không bị mộng mị xấu ác. Vậy trong bốn oai nghi đi-đứng-ngồi-nằm ta đều Thiền niệm Quán Thế Âm Bồ tát từ lúc mở mắt thức dậy cho đến khi đi ngủ, khi ăn uống, lái xe, làm việc, mua bán, trồng trọt, nghiên cứu, giảng dạy, tắm rửa hay đi tiểu, đi đại. 

Ta đều Thiền bằng cách chú tâm vào việc mình đang làm, nhờ vậy ta biết rõ ràng bản chất thực hư của nó mà biết cách buông xả để sống đời an vui, hạnh phúc bằng trái tim yêu thương và hiểu biết. Ai biết Thiền như vậy mỗi ngày từ lúc thức dậy cho đến khi đi ngủ, mỗi hành động tạo tác của thân tâm đều biết rõ đúng sai, cái gì đúng thì giữ lại, cái gì sai thì ta gạt bỏ ra, cho nên tất cả chỗ nơi cũng đều là Thiền.
 
Phật dạy trong các Kinh nguyên thuỷ pháp Lục niệm: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Thiên, niệm Giới, niệm Thí. Lục niệm này liên kết với nhau đầy đủ mới thành tựu Phật quả. Niệm Phật để sống với Phật tính sáng suốt, niệm Pháp để nhớ lời dạy vàng ngọc của Phật, niệm Tăng để cung kính và học hỏi, niệm Thiên để được đầy đủ phước, niệm Giới để không làm các việc xấu ác, niệm Thí để biết cách buông xả và giúp đỡ người khác. Sáu niệm này thuần thục thì mới thành tựu Phật pháp viên mãn. 

Niệm Phật và niệm Bồ tát cũng giống nhau về hình thức, ta có thể niệm Phật Thích Ca, Phật A Di Đà hay Bồ tát Quán Thế Âm hay niệm hơi thở đều được vì đây chỉ là phương tiện bước đầu giúp mọi người dừng vọng niệm xấu ác. Trong nhà Phật phương tiện bước đầu phải là Thiền Chỉ. “Chỉ” là cột tâm vào một điểm nào để đánh bật các vọng niệm buồn thương, giận ghét, phải quấy, tốt xấu, hơn thua làm tổn hại thân tâm. Thiền Chỉ có nhiều loại giúp trụ tâm vào hơi thở nên đều là Thiền Chỉ. 

Kế đến là Thiền Quán, tức dùng ý thức để xem xét ta-người-hoàn cảnh, nhờ vậy biết tất cả đều vô thường, cái gì có hình tướng đều bại hoại, do đó phát sinh trí tuệ mà biết cách buông xả phiền não tham-sân-si. Ngày xưa Phật không dạy phương pháp Sổ Tức Quán, có nghĩa là đếm hơi thở, đếm từ một đến mười rồi quay trở lại đếm tiếp. Phật chỉ dạy pháp quán hơi thở là thở vô ta biết thở vô, thở ra ta biết thở ra, chỉ một bề quán sát tường tận như vậy.

Người đời sau vì vọng niệm lăng xăng, dính mắc nhiều quá nên dạy quán hơi thở họ không đủ sức nhiếp tâm, do đó các Tổ phương tiện chế ra Sổ Tức Quán, đếm hơi thở từ một đến mười để mọi người dễ cột tâm vào đó, vừa đếm vừa hít thở. Tất cả chung quy cũng đều là phương tiện ban đầu.
 
TU THIỀN TRỰC CHỈ NƠI TÂM

Sau khi niệm danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm đã thuần thục, chúng ta dùng pháp quán chiếu - tức Thiền quán xem xét, soi sáng các pháp duyên sinh vô ngã, vô thường ngay nơi thân tâm, hoàn cảnh; nhờ vậy hành giả biết được lẽ thật của các pháp không thực thể cố định nên dễ dàng buông xả tâm dính mắc “ta-người” và hoàn cảnh bên ngoài; do đó hằng sống với tâm thanh tịnh sáng suốt, không nhơ, không sạch. 

Muốn vậy Bồ tát phải quán trí tuệ rộng lớn để chuyển hóa tối tăm, si mê và sống với tính biết sáng suốt, nương nơi mắt thấy tai nghe không lầm lẫn, thấy chỉ là thấy, nghe chỉ là nghe, mũi-lưỡi-thân-ý cũng lại như thế; từ đó phát khởi lòng từ bi rộng lớn đi vào đời cứu độ chúng sinh mà không thấy mình ban cho, người được cho và vật đã cho.

Trong Kinh Lăng Nghiêm Phật dạy Nhĩ Căn Viên Thông là thù thắng hơn hết. Một hôm sau khi 25 vị Thánh trình bày sự tu chứng của mình, Phật hỏi Ngài Văn Thù chọn lựa pháp tu Viên Thông để người đời sau bắt chước tu học. Bồ tát Văn Thù chọn lựa pháp tu của Bồ tát Quán Thế Âm là “Phản Văn Văn Tự Tánh”. “Phản” là ngược lại, là xoay cái nghe chạy theo người-vật quay lại chính mình, sống với tánh nghe thường hằng nương nơi tai nên thành tựu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, có tiếng nghe có tiếng, không tiếng nghe không tiếng mà không dính mắc vào âm thanh dù lớn hay nhỏ. Để thể nghiệm tánh nghe của mình có người hỏi: “Bạn đang làm gì đó?” “Tôi đang nghe”. 

Như vậy thì bạn đâu có quên mình theo vật, đâu có bị môi lưỡi của người khác lừa mình; như thế là bạn đang sống với tánh nghe thường hằng của mình, chỉ đơn giản vậy thôi. Người đời vì không biết nên lãng quên chính mình, nếu bạn khi nghe ai hỏi: “Anh đang làm gì đó?” rồi trả lời “Tôi đang rửa chén” hay “Tôi đang xem ti vi” là bạn đang quên mình theo vật, bạn đã chạy theo âm thanh, sắc tướng bên ngoài.

Sau đây xin mời quý vị hãy cùng chúng tôi lắng tâm nghe một câu chuyện nói về tánh nghe. Thiền sư Cảnh Thanh đang ngồi trong thất cùng một vị Tăng đứng kế bên. Sư hỏi: “Bên ngoài có tiếng gì?” Vị Tăng đứng kế thưa: “Tiếng con nhái bị con rắn bắt kêu”. Sư nói: “Sẽ bảo chúng sinh đau khổ, lại có khổ chúng sinh”. Rắn bắt nhái là chúng sinh khổ vì con lớn hiếp con bé, song lại có khổ chúng sinh chính là vị Tăng quên mình chạy theo âm thanh bên ngoài.

Đây là chiêu thuật của các vị Thiền sư để khám phá những người học đạo có sống được với tâm chân thật của mình qua tánh nghe hay không? Hằng ngày từ sáng sớm đến chiều tối, tai chúng ta chỉ chạy theo âm thanh tiếng lớn, tiếng nhỏ êm dịu hay chát chúa bên ngoài, chính vì vậy mà bị âm thanh làm cho khổ não; nghe âm thanh nặng nề ta cảm thấy bực tức, nghe âm thanh vừa ý ta đắm say, dính mắc vào đó do không chịu sống với tánh nghe thường hằng nương nơi tai; vừa nghe tiếng liền khởi niệm phân biệt hay dở, đúng sai rồi sinh tâm ưa thì thích thú bám víu vào đó, sinh tâm ghét thì chán bỏ không thích nghe; cho nên nói “chúng sinh khổ, lại có khổ chúng sinh” là vậy. Người không biết tu thì khổ đã đành, mà người đang tu cũng lại quên mình theo vật, hỏi sao tu hoài không hết phiền não tham-sân-si.

Qua hôm sau, Thiền sư lại hỏi vị Tăng khác: “Bên ngoài có tiếng gì?” Vị Tăng quá thành thật nên trả lời: “Tiếng mưa rơi”. Thiền sư bảo: “Chúng sinh điên đảo quên mình theo vật”. Chỉ có người đã thật sự sống với tâm chân thật, sáng suốt của mình mới không chạy theo âm thanh lớn nhỏ bên ngoài. Tai nghe tiếng thì biết mình đang nghe mà không chạy theo tiếng, có tiếng thì có nghe, không tiếng nghe không tiếng; lại biết mình có tánh nghe thường hằng nương nơi tai là pháp tu của Bồ tát Quán Thế Âm đã thành tựu từ vô số kiếp đến nay, vì thương chúng sinh ở thế giới loài người này mà không thủ chứng ngôi vị Phật để tìm cách chia vui, sớt khổ bằng tình người trong cuộc sống.

Âm thanh lớn nhỏ, xa gần lúc nào cũng có, tánh nghe hằng hiện hữu nên mới thường nghe. Nếu tính nghe không thường hằng thì tai ta có lúc nghe, lúc không. Như trong Kinh Lăng Nghiêm Phật bảo ngài A Nan đánh tiếng chuông rồi hỏi ngài có nghe không, ngài A Nan trả lời có. Đợi khi tiếng chuông im bặt một hồi, Phật hỏi lại ngài A Nan có nghe không. Ngài trả lời không nghe liền bị Phật quở tại sao quên mình theo vật. Phật nói tiếp: “Có tiếng nghe có tiếng, không tiếng nghe không tiếng”. 
 
Tánh nghe luôn thường hằng nên cái gì biết có tiếng, cái gì biết không tiếng? Vậy mà đa số chúng ta không chịu thừa nhận tánh nghe của mình nên luôn sống trong đau khổ lầm mê. Câu chuyện trong Kinh Lăng Nghiêm cho thấy Phật dạy Ngài A Nan và những thiền sư tu theo cách hành thẳng nơi tâm, không thông qua phương tiện, không hai, không khác. Mỗi hành giả tu theo hạnh nguyện Bồ tát Quán Thế Âm cần phải thể nghiệm sâu sắc lời dạy trên để được giác ngộ, giải thoát ngay tại đây và bây giờ.

Trong Thiền môn có một câu chuyện rất nổi tiếng về Bồ tát Quán Thế Âm. Một thiền sinh trên đường đi tham vấn đã đến một chùa nọ có thờ Bồ tát nghìn tay nghìn mắt, thấy vậy anh hỏi thiền sư: “Bồ tát nghìn tay nghìn mắt như vậy thì mắt nào là mắt chánh?” Thiền sư nói: “Như người ngủ ban đêm với tay ra sau tìm chiếc gối, ngay khi đó mắt chánh hiện tiền”. Chỗ này mọi người tự biết, tôi không thể biết “cái gì biết tìm chiếc gối trong đêm tối”. 

Bồ tát nghìn tay là tượng trưng cho sự dấn thân làm việc không biết mệt mỏi, không biết nhàm chán vì lợi ích chúng sinh. Con mắt trong mỗi bàn tay tượng trưng cho trí tuệ thấy biết đúng như thật, nhờ vậy Bồ tát thương yêu bằng trái tim hiểu biết, giúp đỡ chúng sinh một cách bình đẳng, không phân biệt người thân hay kẻ thù. Trong Kinh Lăng Nghiêm Phật dạy: “Phản Văn Văn Tự Tánh” là xoay cái hay nghe nghe lại tự tánh mình thì được đạo vô thượng. 

Hòa Thượng chúng tôi dạy biết vọng không theo, thấy biết là chơn tâm, nghe biết là chơn tâm, mũi-lưỡi-thân-ý cũng lại như thế. Vậy Thiền và Kinh đâu có khác, Phật và Tổ không hai, đồng một con đường hướng thượng để thể nhập tính biết sáng suốt của mình nương nơi mắt-tai-mũi-lưỡi-thân-ý.

Như chúng ta đã biết, Thiền không lệ thuộc vào một tư thế nào hay một hình thức, lễ nghi mà được vận dụng nhuần nhuyễn từ sáng sớm mở mắt thức dậy cho đến khi đi ngủ. Đối với người mới tu Thiền thì ngồi Thiền là tư thế tối ưu trong bốn oai nghi vì tư thế ngồi giúp tâm dễ an định. Thiền sư Đạo Nhất lúc còn là thiền sinh đều ngồi Thiền hằng ngày rất tinh tấn từ sáng sớm cho đến trưa. Một hôm, Thiền sư Nam Nhạc đến hỏi: “Đại đức ngồi Thiền để làm gì?” Ngài Đạo Nhất thưa: “Ngồi Thiền để làm Phật”. 

Ngài Đạo Nhất chỉ chấp vào việc ngồi Thiền của mình mà không chịu Thiền trong các oai nghi khác, do đó khi ngồi thì yên, khi đi đứng hoạt động thì tâm niệm lăng xăng. Thiền sư Nam Nhạc muốn phá chấp và cảnh tỉnh ông nên mỗi ngày đem gạch trước chỗ ngài ngồi Thiền mài sột sạt. “Thầy mài gạch để làm gì?” “Mài gạch để thành gương”. 

À! Tới đây quý vị đã biết ý Tổ sư chưa? Ngài Đạo Nhất chấp vào việc ngồi Thiền và cho đó là cứu cánh, điều này cũng giống như người mài gạch mà muốn thành gương, đem cát nấu mà muốn thành cơm thì không thể được. Sau đó ngài Đạo Nhất thưa, “mài gạch đâu thể thành gương được?” Ngài Nam Nhạc hỏi lại: “Ngồi Thiền đâu thể thành Phật được?” “Vậy con làm thế nào mới đúng?” Thiền sư nói: “Như trâu kéo xe, nếu xe không đi, đánh xe là phải hay đánh trâu là phải?” 

Chiếc xe là vật vô tri, con trâu là vật kéo nên khi bị đánh đau thì nó kéo xe. Cũng vậy, chúng ta ai cũng có tánh biết ngay nơi thân này, như khi gặp lửa ta liền biết nóng, khi gặp gió ta liền biết mát, có khi ta không suy nghĩ nhưng vẫn thấy-nghe rõ ràng. Vậy cái gì biết thấy, biết nghe? Cái biết này luôn hiện hữu nơi ta, mắt thấy tức biết, tai-mũi-lưỡi-thân-ý cũng lại như thế. 

Trâu là dụ cho tâm mình, xe là dụ cho thân, chúng ta Thiền là hành thẳng nơi tâm mọi lúc, mọi nơi chứ không chỉ lúc ngồi Thiền. Người tại gia bận công lên việc xuống làm sao có nhiều thời gian để ngồi Thiền. Nếu ta chấp như vậy thì tu hoài cũng dậm chân tại chỗ, làm sao tu tiến cho được. Cho nên, người tại gia phải biết uyển chuyển tu từ khi mở mắt thức dậy cho đến khi đi ngủ, tu như vậy mới đủ khả năng hoá giải phiền não tham-sân-si. Người tại gia vì phải bận bịu với cơm áo gạo tiền, cha mẹ, vợ chồng, con cái, giao tế bạn bè, giữ mối quan hệ làm ăn nên phải Thiền bằng cách chú tâm, làm việc nào biết việc đó.

MỌI NGƯỜI THIỀN ĐỂ ĐƯỢC BÌNH YÊN HẠNH PHÚC

Chúng tôi hướng dẫn niệm Bồ tát Quán Thế Âm cũng y như niệm Phật cầu vãng sinh, nhưng khác ở chỗ niệm Bồ tát để cầu cứu độ chúng sinh ngay nơi cõi đời này. Phương pháp này thể hiện tình người trong cuộc sống, lòng yêu thương nhân loại để cùng nhau dìu dắt mà vượt qua cạm bẫy cuộc đời, giúp cho nhiều người còn chìm đắm trong biển khổ sông mê thực tâm tỉnh giác, quay về nguồn cội của chính mình, tức tin tâm mình là Phật. 

Phật đã dạy trong bầu vũ trụ bao la này gồm có ba cõi sáu đường luân hồi, sống chết. Trong sáu nẻo luân hồi có ba đường trên là trời, A tu la, người; ba đường dưới là địa ngục, ngã quỷ, súc sinh. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành Phật ở cõi người dưới cội cây Bồ đề tại đất nước Ấn Độ, trong Kinh Người còn thọ ký về sau khi thế giới Ta bà không còn ai biết Phật pháp thì đức Phật Di Lặc sẽ ra đời, cũng nơi cõi người, dưới cội cây Long Hoa.

Tại sao Phật không ra đời ở các cõi khác như cõi trời chẳng hạn? Vì người trời có quá nhiều phước báo nên tất cả đều hưởng lạc thú đầy đủ, không bị khổ não, bức bách nên rất khó tu. Thường con người khi khổ quá mới chịu tu, cụ thể như những người quá giàu có ở thế gian này, nếu có tu họ cũng chỉ làm phước, đóng góp nhiều cho xã hội mà thôi. Người A-tu-la cũng có phước báo hơn người, tương đương với cõi trời nhưng vì tâm sân hận quá mãnh liệt nên lúc nào cũng gây chiến với người trời, do đó cũng không tu được. 

Ba đường dưới cõi địa ngục quá khổ, súc sinh thì si mê, quỷ đói thì khát máu, sống theo nghiệp báo nên không đủ nhận thức sáng suốt để tu. Chĩ có cõi người mới tu được nhờ có suy nghĩ, nhận thức, biết suy xét, quán chiếu, tìm tòi, nếu đi theo chiều hướng thượng thì lợi ích cho người và vật; ngược lại, nếu ác thì cùng hung cực ác không có loài nào bằng. Chính vì lẽ đó nên loài người có đủ điều kiện tu hành vì có buồn vui lẫn lộn với các sự khổ như sinh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, yêu thương xa lìa khổ, oán ghét gặp nhau khổ, mong cầu không như ý khổ, thân này thịnh hay suy đều khổ. Chính những cái khổ này làm cho con người có ý thức tu tâm sửa tính, nếu không biết tu lại càng khổ nhiều hơn.

Người phật tử tại gia do bộn bề công việc nên dính mắc vào gia đình, cha mẹ, vợ con, thân bằng quyến thuộc bị áp lực ngoài xã hội nên phải biết ứng dụng Thiền trong mọi hoàn cảnh thì hoạ may mới có chút phần an lạc trong cuộc sống, nếu không sẽ chịu nhiều phiền muộn khổ đau.

Thiền chỉ là bước đầu để cột tâm con khỉ ý thức của chính mình, xưa nay chúng ta quen chạy rong ruỗi đầu này đầu kia, muốn cho tâm an định thì phải chú tâm vào câu niệm Quán Thế Âm Bồ tát, chú tâm vào mọi oai nghi đi-đứng-nằm-ngồi, nhờ vậy mới từ từ đánh bạt những vọng niệm lăng xăng khác. Thiền Chỉ lâu ngày thuần thục thì phát sinh định tĩnh, nhưng trụ vào đây mãi sẽ trở thành si định vì không có trí tuệ nên không đủ sức hoá giải phiền não tham-sân-si. Do đó ta phải chuyển qua Thiền Quán để thấy rõ thực chất thân tâm và hoàn cảnh. 

Nhờ xem xét, quán chiếu, ta thấy thân này không thật có, do bốn chất đất-nước-gió-lửa hợp thành bởi tinh cha, huyết mẹ cùng với thần thức một chúng sinh. Nếu thân này thiệt thì trước sau như một không biến chuyển, đổi thay, bởi nó giả nên phải già-bệnh-chết. Rồi hằng ngày ta phải vay mượn các thức ăn uống để nuôi thân, mượn vô rồi phải trả ra, cứ như thế hết vay mượn lại trả ra, cho đến khi nào không còn vay mượn nữa thì mạng sống chấm dứt. Nhưng chết không phải là hết, chết chỉ là thay hình đổi dạng, nếu trong đời này ta không biết tu tâm sửa tính để sống có nhân cách đạo đức và giúp đỡ người khác thì mình khó có cơ hội làm người trở lại khi mất thân này.
 
Chính vì vậy, ai biết tu Thiền sẽ sống một đời bình yên, hạnh phúc trong hiện tại và mai sau. Ai không biết tu Thiền khi phước hết hoạ đến sẽ trả quả xấu ác, lúc này dù có ăn năn hối hận cũng đã muộn. Phật dạy: “Giống như con rùa mù 100 năm mới trồi lên trong biển cả, để tìm được bọng cây chui vào rất khó”. Cũng vậy, nếu ngay trong hiện đời ta không biết gieo trồng phước báo thì khó có cơ hội được làm người trở lại. Người tại gia phải cố gắng gia công Thiền định trong bốn oai nghi cho đến khi nào tâm dứt hết các tạp niệm phải quấy, hơn thua, buồn thương, giận ghét mà lặng lẽ, thanh tịnh mới thật là an nhiên, tự tại. 

Có nhiều người nhất là độ tuổi học sinh, sinh viên nói “tu cái gì cũng bỏ hết” thành ra ngu ngốc, không biết gì hay sao? Thật ra không phải vậy, người tu bỏ những niệm lăng xăng tạp loạn để tập trung vào một việc thì sáng thêm chứ làm sao ngu được. Khi làm việc cũng vậy, nếu buông hết chuyện tạp, tập trung, chú tâm vào công việc thì kết quả sẽ tốt hơn. Khi ta càng buông lại càng nhớ, nhớ một cách tự nhiên, trong sáng nên mọi việc hiện ra rất rõ ràng, phân minh. 

Chúng ta thử nghiệm xét lại xem khi nào mình rối mà việc này, việc kia cứ dồn dập đến thì mình quên trước, quên sau, không có đầu đuôi gì hết. Khi ấy chúng ta chỉ cần ngồi Thiền, tập trung lại một chút sẽ nhớ rõ ràng trở lại, chính vì vậy nhiều người mới tập tu Thiền. Nhiều người nói không nhớ gì hết nhưng sao đến lúc ngồi Thiền lại nhớ nghĩ đủ chuyện trên đời. Lúc chưa Thiền ta không có thời gian định tâm nên việc này việc kia chồng chéo lên nhau nên mình không nhớ, khi ngồi Thiền tâm an tịnh nên ta nhớ biết rõ ràng đủ thứ chuyện. 

Xưa nay ta lãng quên không biết ứng dụng Thiền vào cuộc sống nên thấy khó tu, giờ đã tu nên khi ngồi lại thấy rõ ràng từng vọng niệm thương ghét phát sinh nhưng không dính mắc theo, chỉ nhìn chúng rõ ràng thì tự động chúng lặng xuống, ta khỏi cần phải xua đuổi hay đối trị gì hết.

Ngày xưa khi đức Phật ngồi Thiền dưới cội Bồ-đề và chứng được Túc Mạng Minh, Ngài nhớ lại vô số kiếp trước đã làm gì, ở đâu như nhớ chuyện ngày hôm qua. Khi buông hết các tạp niệm lăng xăng ta tưởng như quên hết mọi việc nhưng trái lại càng Thiền càng nhớ rõ nhưng tâm không dính mắc, việc gì cần nhớ thì nhớ, không cần thì thôi. Hiểu như vậy ta mới thấy tâm mình là kho chứa đựng các thứ buồn thương, giận ghét, tốt xấu, phải quấy, hơn thua. Những thứ cần biết thì ta không biết, những thứ không cần biết ta lại tìm tòi để dính mắc vào đó nên sinh ra phiền muộn, khổ đau.

Tóm lại, chúng ta nên nhớ việc gì đáng lo thì mình lo, việc gì không đáng lo thì đừng bận tâm đến. Người khéo tu Thiền trong mọi hoàn cảnh lúc nào cũng nhớ quay lại chính mình, nhận ra và sống được với Phật tính sáng suốt; ngoài ra tất cả đều là vô thường hư ảo nên không cần chú tâm đến làm gì, như thế các tạp niệm lăng xăng từ từ không có chỗ bám víu sẽ tan hoà vào hư không. Đến đây thì:

Ở đời vui đạo hãy tuỳ duyên,
Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền.
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm,
Đối cảnh không tâm chớ hỏi Thiền.

Đây là bài kệ của vua Trần Nhân Tông khi còn làm Thái Thượng Hoàng. Ở giữa cuộc đời này mà ta luôn sống làm tròn trách nhiệm, bổn phận đối với gia đình người thân và còn đóng góp lợi ích cho xã hội. Sống và làm việc như vậy mà không bị dính nhiễm bụi trần nên thân tâm an ổn, nhẹ nhàng. Người đã thể nhập chân lý không còn lo toan, bận bịu một thứ gì. Việc gì cần làm thì làm, làm trong vui vẻ, an nhiên; cho nên đói thì ăn mà không thèm khát, khi mệt thì đi ngủ một giấc ngon lành như Lục tổ nói: “Duỗi thẳng hai chân ngủ”. 
 
Ngay nơi thân này mình đã sống với ông Phật của chính mình nên đâu cần tìm cầu, tìm kiếm nơi khác, khỏi phải lăng xăng chạy tìm Phật pháp ở phương nào. Ý nghĩa câu kệ cuối cùng rất quan trọng, khi làm việc, tiếp xúc, đối duyên chạm cảnh thì tâm hằng biết mà không tính toán so đo, do đó bình an, tự tại nên không cần phải hỏi tới Thiền. Tâm không vướng mắc với trần cảnh, thấy tức là biết mà không dính vào hình ảnh sự vật, như vậy không phải Thiền là gì? Còn đi tìm kiếm, còn hỏi Thiền là dư rồi, tới đó trong nhà đã có báu nên thôi tìm kiếm, đối cảnh đã vô tâm nên không phải hỏi Thiền.

Như vậy, quyền cao chức trọng, địa vị danh vọng, nhà lầu xe hơi, tiền bạc dư dã, vợ đẹp con xinh, những thứ này người thế gian ai cũng ước ao mong muốn; nhưng vị vua Thiền sư Trần Nhân Tông tuy có đầy đủ mà dám bỏ hết để lên núi tu hành và thành tựu đạo pháp. Gương sáng của Phật hoàng Trần Nhân Tông là ông vua thiền sư đã biết áp dụng Thiền khi làm Thái thượng hoàng, đã truyền mãi đến bây giờ hơn 700 năm, chúng ta may mắn là người dân đất Việt nên được thừa hưởng trực tiếp tinh ba của ngài nhờ biết Thiền trong cuộc sống. 

Vua Trần Nhân Tông đã biết áp dụng “Thiền” trong cuộc sống, nên khi xuất gia lên núi Yên Tử tu hành chỉ trong thời gian ngắn đã sáng đạo. Thiền sư xuống núi khuyên dạy mọi người giữ năm giới, tu mười điều thiện và phá bỏ những tập tục mê tín có tính cách làm tổn hại nhân loại. Nhờ vậy Phật giáo đời Trần là một nét son vàng chiếu sáng khắp toàn thể nhân gian nước Việt, phát triển tinh thần làm chủ bản thân nhờ biết “Thiền” trong gia đình và cuộc sống.

Chỉ cần mọi người chúng ta noi theo gương hạnh của người xưa qua sự hướng dẫn của chư Tăng Ni trong thời hiện tại. Chúng ta có đầy đủ lòng kính trọng Tam bảo và tin tâm mình là Phật mà cố gắng kiên trì, bền bỉ, dù không thành tựu trọn vẹn trong kiếp này, ta vẫn là người tốt trong hiện tại và mai sau vì đã ta có chất Thiền trong người. Cứ như thế, ta sẽ hành Bồ tát đạo dưới nhiều hình thức khi thì làm thủ tướng, nữ hoàng, người nam, người nữ để tuỳ duyên hoá độ chúng sinh theo tinh thần của Bồ tát Quán Thế Âm đang đi vào đời để cùng chia vui sớt khổ. 

Muốn được thành tựu viên mãn ta phải dùng cây cung Thiền Định và lưỡi kiếm Trí Tuệ để quét sạch mọi ma mị trong tâm, cho đến khi nào thanh tịnh, sáng suốt, lặng lẽ mà hằng chiếu soi muôn sự vật. Cảnh là cảnh, vật là vật, ta là ta cùng hoà hợp nhịp nhàng với nhau bằng tình người trong cuộc sống với trái tim yêu thương và hiểu biết. Mỗi hành giả tu Thiền nên lấy bài kệ của Thiền sư Huyền Giác để nghiệm xét chính mình:

Tỉnh tỉnh lặng lặng phải,
Vô ký lặng lặng sai,
Lặng lặng tỉnh tỉnh phải,
Loạn tưởng tỉnh tỉnh sai.

“Tỉnh tỉnh lặng lặng phải” là sao? “Tỉnh tỉnh” có nghĩa là chúng ta thường biết rõ ràng, “lặng lặng” có nghĩa là không vọng niệm lăng xăng, cho nên “tỉnh tỉnh lặng lặng” là thành tựu viên mãn. Phật đã sống được như vậy trọn vẹn nên không có gì làm cho Ngài dao động, suốt 49 năm giáo hoá bị người mắng chửi, vu oan giá họa bằng mọi thủ đoạn nhưng Phật vẫn an nhiên, tự tại mà chứng minh sự trong sáng của mình. 

“Vô ký lặng lặng sai” là sao? Ở đây ý nói người tu Thiền nhờ chú tâm vào một chỗ nên tâm an định nhưng không có trí tuệ, do đó rơi vào hôn trầm, không biết gì. “Lặng lặng tỉnh tỉnh phải” cũng giống như đã nói, còn “loạn tưởng tỉnh tỉnh sai” ý nói chúng ta sử dụng Thiền quán nhiều mà phát sinh trí tuệ, nhưng có trí tuệ mà cứ nhớ hoài Thiện pháp, không buông xả được nên khi đó chúng là vọng niệm lăng xăng, tức loạn tưởng. Chỉ có “tỉnh tỉnh lặng lặng” là đúng, coi như thành tựu Phật đạo mà bình thản, an nhiên, tự tại.

Chút duyên lành có được ngày hôm nay nhờ ân giáo dưỡng của Hoà thượng Tôn sư Trúc Lâm Phụng Hoàng và sự chỉ dạy trực tiếp của Hoà thượng trụ trì Tổ đình Thiền viện Thường Chiếu. Chúng con nguyện khắc cốt khi tâm, cố gắng tu hành cho đến khi nào viên mãn mới thôi. Công ơn của thầy Tổ bao la, rộng lớn không gì có thể sánh bằng, dù thành Phật vô số kiếp cũng chưa chắc trả hết công lao này. Khi sống được với hương vị của Thiền, mỗi hành giả sẽ dần hồi gột rửa các tập khí, thói quen xấu ác có tính cách hại người hại vật, cho đến khi nào hết sạch vọng niệm thì thành tựu Phật đạo viên mãn.

Mọi người đều có tánh biết sáng suốt của mình, nương nơi mắt thì thấy biết rõ ràng không lầm lẫn, thấy chỉ là thấy, nghe chỉ là nghe, không thêm một niệm nào để phân tích sự vật, tốt hay xấu, đúng hay sai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như thế. Cái thấy biết này nói theo Tổ Huệ Khả ở Trung Hoa là “ thường biết rõ ràng” nói không thể đến. Chỗ đó thấy chỉ là thấy, nghe chỉ là nghe. Như cái hay thấy nương nơi mắt thấy rõ ràng không lầm lẫn, cảnh vật có thể đổi thay trăm ngàn thứ, nhưng cái hay thấy không bao giờ thay đổi.

Cái hay thấy lúc nào cũng hiện tiền, mở mắt thấy sáng, nhắm mắt thấy tối. Thấy tối thấy sáng là do sự nhắm mở của con mắt, chứ không liên quan gì đến cái thấy. Như người có mắt sáng đi vào phòng tối thì sao, thì vẫn thấy tối đen. Như bóng đèn điện chẳng hạn, gắn bóng vào thì điện cháy, mở bóng ra thì điện tắt. Có cháy có tắt là do bóng đèn, chứ điện đâu bao giờ bị mất. 

Như vậy cái hay thấy thì thường hằng, cảnh vật thì khi có khi không, thấy tức là tâm thấy, vì có thấy tức là có biết, biết tức là tâm thấy. Vậy thì rõ ràng trong mỗi người chúng ta ai cũng đều biết, thấy tức biết mình có Phật tính, chỉ tại vì ta không chịu thừa nhận đó thôi.

Có một chú sa di đến tham vấn thiền sư, để tìm ra chân lý sống của chính mình. Một hôm thiền sư gọi chú lại bảo: “Ta nghe Thăng Long rất náo loạn ngươi có biết chăng?” “Kính bạch thầy, nước con an ổn”.
“Vậy ngươi do xem kinh được hay do thưa hỏi được?” – “Con chẳng do xem kinh được, cũng chẳng do thưa hỏi được”.
Thiền sư nói: “Tại sao có nhiều người chẳng xem kinh, chẳng thưa hỏi, mà họ chẳng được?” – “Tại vì họ, chẳng chịu thừa nhận đó thôi”.
Thiền sư nói: “Ông biết ta cũng biết, hãy khéo gìn giữ và bảo trì”.

Bây giờ chúng ta đã thấy chưa, nếu thấy thì hãy ráng gìn giữ và bảo trì. Còn nếu chưa thấy thì phải cố gắng nghiên tầm học hỏi tu tập cho giỏi, để nhận lại cái biết sáng suốt của chính mình. Nếu nhận được thì chúng ta sẽ đi thẳng đến một bầu trời trong sáng, mà các thứ tối tăm khác không thể nào che lấp được. Chúng tôi lúc nào cũng thầm cầu nguyện cho tất cả mọi người đi trọn con đường sáng, để chúng ta được sống yêu thương và hiểu biết, dấn thân và phục vụ, bao dung và tha thứ, độ lượng và cảm thông, lấy niềm vui của tất cả chúng sinh làm niềm vui chính mình.

Bây giờ tất cả mọi người hãy lắng lòng cho trong sạch để cùng chúng tôi nhận lại hòn ngọc vô giá, mà ta đã lãng quên từ lâu nay. Chân thành thay! Chân thành thay! Chú sa di đến học đạo tìm cầu chân lý chưa kịp thưa hỏi, đã bị ông thầy tung ra cái bẫy để thử nghiệm người đệ tử của mình, có bị miệng lưỡi của các vị Hòa thượng lừa hay không?

“Ta nghe Thăng Long rất náo loạn ngươi có biết chăng?” Chú sa di này quả đúng là người có tỉnh giác cho nên không bị thiền sư lừa. “Dạ thưa thầy, nước con an ổn”. Chúng ta nghe chú sa di trả lời như vậy, có thấy lạ kỳ không? Ngày xưa kinh đô của nước Việt Nam là Thăng Long, mà đã là kinh đô thì cuộc sống nơi đây phải ồn ào và náo nhiệt, người đến đi rất là đông đúc phồn vinh. Vậy mà chú đệ tử vẫn sáng suốt trả lời. “Nước con an ổn”.

Chúng ta nghe có điếc tai không? Ông thầy hỏi một đường, đệ tử trả lời một nẻo, sao kỳ lạ quá vậy. Thiền sư mới thầm nghĩ rằng, à thì ra chú mày đã vào đến cổng nhà thiền rồi. Nhưng vào cổng chưa phải là xong, thiền sư sợ đệ tử lọt vào chỗ hiểu biết rồi sinh kiến giải, mà trong nhà thiền thường gọi là khẩu đầu thiền (thiền trên miệng lưỡi) chỉ bắt chước nói lại lời của người xưa, mà mình thực sự không phải chứng đạo hay xong việc.

Tới đây thiền sư bồi thêm một câu, nếu chú sa di ấy không phải là người thứ thiệt, thì sẽ ôm câu này nghi vấn suốt cả đời. “Ngươi do xem kinh được, hay do thưa hỏi được” Chú đệ tử đâu có vừa gì, liền nói một câu chắc nịch, như đinh đóng vào cột. “ Con chẳng do xem kinh được, nhưng cũng chẳng do thưa hỏi được”. Ông thầy lúc này mới thầm khen trong lòng, à thì ra chú mày đã vào đến chùa rồi.

Không ngờ chú sa di quá lợi hại. Câu thứ nhất khi chú trả lời, chú in tuồng như loài sư tử còn ở trong hang, nhưng đã biết gióng lên tiếng gióng của loài sư tử, làm cho muôn loài thú khiếp sợ. Câu thứ hai chú trả lời, để khẳng định rằng mình đang sống với cái tính biết sáng suốt thanh tịnh hằng tri, hằng giác. Nhưng để kiểm chứng người đệ tử của mình đã thật sống với bản tâm chân thật hay chưa, nên thiền sư bồi thêm một câu. “Tại sao có nhiều người chẳng do xem kinh, cũng chẳng do thưa hỏi, vì sao mà họ chẳng được?”

Chú sa di đâu phải là tay vừa, vì mình đã thật sống với bản tâm chân thật rồi, nên mới xác định lại một lần nữa. “Tại vì họ, chẳng chịu thừa nhận đó thôi”.

Tới đây thì thiền sư mới xác nhận: “Ông như thế, ta cũng như thế, hãy khéo gìn giữ và bảo trì”. Cho nên:

Cái biết ai cũng có
Ngay nơi thân mọi người
Chỉ vì ta không nhận
Nên đành chịu khổ đau.
Khi mê thì Phật độ
Khi biết thì tự độ
Đó là lý nhiệm mầu
Của tất cả chư Phật.

Tại vì chúng ta không chịu thừa nhận nên suốt đời sống trong đau khổ lầm mê, thôi thì chỗ này chúng tôi cũng không giúp gì được cho ai, mà chính mọi hành giả phải tự nhận lấy. Nhận được thì chúng ta sẽ một đời sống thánh thiện, đạo đức, luôn vì lợi ích tha nhân lấy niềm vui nhân loại, làm niềm vui chính mình. Phật tính sáng suốt mà chúng tôi đang nói với tất cả mọi người là Phật tại tâm, Phật không có trong núi rừng, chẳng phải tìm cầu bên ngoài mà ngay nơi mình, chúng ta nhận ra.

Bây giờ chúng ta hãy nghe ông vua Thiền sư Trần Thái Tông, ông Tổ của Phật hoàng Trần Nhân Tông lên núi xin Quốc sư Trúc Lâm làm Phật. Quốc sư ân cần nắm tay vua bảo: “Trong núi vốn không có Phật, Phật ở trong tâm ta, nếu tâm lắng lặng thường biết rõ ràng thì đó chính là tâm Phật. Bệ hạ giác ngộ được tâm ấy thì tức khắc thành Phật, không cần phải khổ nhọc tìm cầu bên ngoài”. 
 
Ngay nơi đây mọi hành giả tu Thiền sẽ nhận lại cái sẵn có nơi mình, cái đó rỗng rang sáng suốt nhiệm mầu nói không thể đến. Trong nhà Phật có nhiều danh từ để chỉ ra cái biết sáng suốt của mình. Để nói lên sự bình đẳng của một chúng sinh, Phật đã từng xác quyết rằng: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”. Phật là danh từ chung, ai cũng có quyền sống với cái biết sáng suốt của mình nương nơi mắt-tai-mũi-lưỡi-thân-ý hay còn gọi là Phật tính. 

Ngày xưa Bồ tát Sĩ Đạt Ta phải bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan, thần dân thiên hạ và quyền uy thế lực. Phải mất mười một năm lao công nhọc sức mới tìm ra chân lý sống cho con người. Chúng ta bây giờ đâu cần khổ nhọc tìm cầu, vì Phật đã chỉ dạy tường tận rõ ràng, chúng ta cứ y như thế mà gìn giữ và hành trì. Giữ tròn năm giới, quán niệm về Phật và biết tu Thiền trong mọi hoàn cảnh, chúng ta sẽ là bậc hiền Thánh trong hiện tại và mai sau, luôn làm lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

Giữ tròn năm giới tôn trọng bảo vệ sự sống chung của muôn loài và thường xuyên tưởng nhớ Phật, là một nhân cách cao đẹp, là mẫu người đạo đức xứng đáng làm bậc hiền Thánh trong hiện tại và mai sau. Không giết hại là đem lại bình an cho tất cả chúng sinh, không sợ oán ghét thù hằn vay trả. Nhưng, hay phóng sinh giúp người cứu vật là tinh thần Bồ tát trong thời hiện đại. 

Sở dĩ thế giới loài người lúc nào cũng xảy ra chiến tranh, binh đao, con người sống tàn nhẫn và độc ác với nhau là do nhân giết hại mà ra. Rồi thiên tai, lũ lụt, hỏa hoạn, sóng thần, động đất, làm tổn hại biết bao con người và tài sản, cũng từ sự phá hủy môi trường thiên nhiên. Cho nên để bảo vệ sự sống chung của cõi Ta bà, mọi người không nên giết hại, lại còn trải rộng lòng từ đến tất cả chúng sinh. 

Không gian tham trộm cướp là đem lại sự an tâm cho con người, không sợ bị chiếm đoạt của cải, nhưng hay bố thí cúng dường, giúp đỡ chia sẻ khi thấy người bất hạnh. Gian tham trộm cướp là nhân dẫn đến nghèo cùng khốn khổ vô số kiếp, vì vậy Bồ tát cần nối vòng tay lớn để giúp đỡ chúng sinh trong cơn hoạn nạn. 

Không tà dâm là bảo vệ hạnh phúc cho gia đình mình và người, đem lại sự yên tâm cho nhân loại không sợ bị mất mát thiệt thòi. Lại hay khuyên người cùng chung thủy, cùng bảo vệ nên không có sự nghi ngờ ghen tuông của vợ hoặc chồng. 

Không nói dối để hại người hại vật, nhưng hay nói lời sự thật để giúp cho người vững niềm tin trong cuộc sống. Vì nhân nói dối làm người mất tin tưởng, nói người không nghe. Do vậy Bồ tát phải học hạnh lắng nghe và nói lời hòa nhã êm dịu để đem niềm vui đến mọi người. 

Không uống rượu và dùng các chất độc hại như xì ke ma túy, vì nó là những thứ làm cho chính mình khổ đau, lại còn ảnh hưởng đến gia đình và xã hội. Nó là nhân dẫn đến bệnh hoạn, si mê trong hiện tại và mai sau sẽ chịu quả nghèo cùng dốt nát tối tăm, bị bệnh tâm thần vô số kiếp. Người cư sĩ tại gia nếu gìn giữ được như vậy và thường xuyên quán tưởng về Phật, biết tu Thiền trong mọi hoàn cảnh chúng ta sẽ là viên ngọc quý cho đời và luôn sống an lạc hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.

Mỗi hành giả tu Thiền hãy nên nhớ bài kệ này mà cùng nhau động viên, tự răn nhắc chính mình, tin tâm mình là Phật, để chúng ta có đầy đủ niềm tin, có đầy đủ dũng lực vươn lên và vượt qua cạm bẫy cuộc đời, để được sống yêu thương với trái tim hiểu biết, bằng tình người trong cuộc sống.

phatgiao.org

Các tin đã đăng: