Kinh Lăng Già
18/03/2013 19:17 (GMT+7)


Kinh Lăng Già nói đủ là Lăng Già A Bạt Đa La Bảo (Lankavatara), nghĩa là Nhập Lăng Già; còn có tên khác là Kinh Đại thừa thể nhập giáo lý thậm thâm của Đại thừa Lăng Già (Arya Sadharma Lankavatara nama Mahayana). Kinh Lăng Già thuộc hệ thống tư tưởng Phật giáo Đại thừa phát triển, là một trong những bộ kinh chủ yếu của Tông pháp tướng và Thiền tông.

Về mặt tư tưởng văn học Phật giáo, Kinh Lăng Già hình thành vào thế kỷ thứ III sau Tây lịch, có nghĩa là sau thời kỳ Bồ tát Long Thọ xuất hiện, mà sau thời kỳ Bồ tát Long Thọ cũng có nghĩa là sau sự xuất hiện của Kinh Bát Nhã. Bởi vì Kinh Tiểu phẩm Bát Nhã xuất hiện vào thế kỷ thứ I trước Tây lịch, Đại phẩm Bát Nhã xuất hiện vào thế kỷ thứ I sau Tây lịch.

Qua đó, chứng minh rằng Kinh Lăng Già đã kế thừa tư tưởng Không của Bát Nhã và kết hợp một cách hài hòa giữa tư tưởng A Lại Đa với tư tưởng Như Lai Tạng. Nói như thế có nghĩa là trong thời kỳ này, chúng hội đã thuần thục chủng tánh Đại thừa, do đó, tư tưởng kinh này chỉ ngay “Chủng tử nghiệp thức thanh tịnh chính là Như Lai Tạng”, là cảnh giới tự giác của Phật, siêu việt Tâm lượng và Tâm thức.

Trên tinh thần, lập trường và tư tưởng A Lại Da duyên khởi nên kinh này đã hình thành hai mặt của tư tưởng. Một mặt y cứ theo nghĩa nhiễm ô của A Lại Da mà trình bày thế giới hiện tượng vật lý, tâm lý nhiễm ô, hữu lậu, rồi hội qui về tự tâm thanh tịnh, Một mặt y cứ vào nghĩa thanh tịnh mà đề cập đến cảnh giới thanh tịnh, giác ngộ, giải thoát, thành Phật hay cảnh giới bất tư nghì, tự giác Tánh trí của Thánh và Phật. Như Kinh Hoa Nghiêm nói: “Mê thì Bồ đề là vọng tưởng, Ngộ thì vọng tưởng là Bồ đề”.

Bằng trí tuệ không của Bát Nhã, hành giả quán sát hiện tượng sẽ thấy là tự tâm hiện lượng không ngoài Tâm thức thanh tịnh. Do đó, một khi không còn thấy có, không đối với cảnh huyễn, huyễn pháp thì Chân như, Niết bàn xuất hiện. Dù xuất hiện nhưng không gì là hiện, vì chỉ là cảnh cũ Tâm xưa, Tâm ấy là Tâm Phật cũng là tâm chúng sinh. Nên Cổ Đức nói: “Khi mê không phải là không có vì đã có, khi ngộ không phải là mới có vì đã có từ vô thỉ đến nay” (Kinh Kim Cang Tam Muội).

Do đó, vấn đề mấu chốt ở đây là tri huyễn tức ly, ly huyễn tức giác không rời tự tánh, Thánh trí hiện tiền, siêu việt các địa vị, thâm nhập cảnh giới Phật. Như Kinh Hoa Nghiêm nói: “Nếu như người muốn biết rõ cảnh giới Phật, thì phải giữ tâm thanh tịnh như hư không. Không có phiền não và các thủ, thì sự hướng tâm đến mọi cảnh giới không có chướng ngại”.

Qua đó, những vấn đề căn bản ấy được trình bày tuần tự theo nội dung và ý nghĩa thể nhập kho tàng giáo pháp cao sâu, vi diệu Đại thừa, là cảnh giới Phật tự chứng, siêu việt tất cả Tướng nhưng là tất cả Pháp.


Các tin đã đăng: