Mỗi độ hoa sen ngan ngát bên hồ, nắng
vàng tô sắc trên nhánh Bồ đề trước cửa không môn, hẳn là mỗi người con Phật lại
thổn thức nhớ về ngày mà Người Cha Lành, bậc Thầy vĩ đại của chúng ta - Đức Phật
Thích Ca thị hiện ra đời bởi một đại nhân duyên hy hữu. Đó chính là đem ánh
sáng chân lý soi rọi khai phá mọi ngóc ngách nơi tâm hồn mê tối vô minh.
Hơn 2500 năm trở về trước, vào ngày
trăng rằm tháng tư tại vườn Lâm Tỳ Ni, Đức Phật ra đời trong hình hài một tiểu
Thái Tử tên là Tất Đạt Đa, con vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Da, thuộc dòng tộc
Thích Ca, nước Ca Tỳ La Vệ (nay thuộc Nepan). Và sự Đản sinh của ngài đã làm chấn
động tam thiên đại thiên thế giới. Bởi đó là dấu ấn hy hữu khi có một bậc vĩ
nhân xuất hiện ở đời, báo hiệu một tương lai vô cùng kỳ đặc. Trong thời khắc
đó, khi vừa đặt chân xuống đất, Thái tử đã bước đi bảy bước đầu đời với bảy đóa
sen nâng gót, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất rõng rạc khai ngôn:
“Thiên
thượng thiên hạ, Duy ngã độc tôn”.
Nghĩa
là: Trên trời, dưới đất, chỉ có giác ngộ nơi Phật là viên mãn, trân quý nhất.
Hình ảnh minh họa
Suốt một thời niên thiếu sống trong cảnh
vàng son nhung lụa ấm êm, cùng với sự thương yêu hết mực của vua cha, sự kính mến
của nhân dân trăm họ, song Thái tử vẫn luôn thao thức với một ý nguyện chưa
thành. Đó chính là, làm sao để thoát ly sinh, già, bệnh, chết? Làm sao để chúng
sinh hết khổ được vui? Làm sao mới có thể chấm dứt khổ đau phiền não trong ba
cõi?
Giữa độ tuổi xuân xanh tràn đầy nhiệt
huyết ấy, vào ngày mùng 8 tháng 2, Thái tử quyết chí vượt thành xuất gia giữa
đêm trăng thanh vắng. Sau 5 năm du phương tầm đạo, 6 khổ hạnh mien mật chốn rừng
già, vậy mà chưa thể tìm ra câu trả lời rốt ráo cho kiếp nhân sinh khổ ải. Người
quyết định rẽ sang một hướng đi mới, dưới cội Bồ đề thầm nguyện: “Nếu chưa chứng
ngộ chân lý Tối thượng, thì dẫu cho thịt nát xương tan cũng nhất định không rời
chốn này”.
Và rồi, sau 49 ngày đêm thiền quán, chiến
đấu quật cường với hết thảy vọng tâm mê niệm, Ngài chứng Tam minh Lục thông và
giác ngộ thành tựu quả Phật Vô thượng Bồ đề, giải thoát ra ngoài phiền trược
trong ba cõi sáu đường.
Vậy là từ đó, suốt 49 năm trường, đôi
chân trần của Đức Thế Tôn du hóa khắp muôn nẻo đường xứ Ấn, đem sự thật về khổ,
và con đường chấm dứt khổ đau chuyển mê khai ngộ, giáo hóa nhân sinh. Mở ra cho
hết thảy nhân loại hữu tình nguồn ánh sáng trí tuệ soi rọi góc tối của tâm hồn,
bằng đôi tay từ bi làm dịu vơi nỗi niềm đau nhân thế. Để rồi, suốt hơn 2.500
năm qua, nguồn chân lý ấy với chảy mãi, chảy mãi tới khôn cùng, tưới mát cho
bao mảnh tâm cằn cỗi, khô hạn. Và Người miệt mài độ sinh cho đến tận ngày cuối
cùng thị hiện giữa cuộc đời, giữa miền rừng Câu Thi Na, ngàn hoa tuôn rơi
thương tiếc một vị Phật chuẩn bị nhập Niết bàn khi vừa tròn năm 80 năm trụ thế.
Mùa Phật Đản năm nay lại trở về, hẳn là
mỗi người con Phật chúng ta luôn hướng tâm thiện lành về chùa, dấn thân phụng sự
và hy sinh làm những việc giúp người giúp đời để gieo nhân duyên tốt đẹp, mong có
thể dùng trái tim từ bi của mình đem an lành gieo khắp đến mọi người và muôn
loài.
Để hưởng ứng sự kiện trọng đại này của
Phật giáo, Chùa Long Hưng - Đông Anh - Hà Nội long trọng tổ chức Đại Lễ Phật Đản
và quy y Tam Bảo, vào ngày 08/05/2022, tức ngày 08/04/Nhâm Dần. Thời gian diễn
ra từ 15h30’ đến 20h30’ được ấn định gồm hai phần như sau:
- Từ 15h00’ - 16h30’: Lễ quy y Tam Bảo.
- Từ 19h00’ đến 20h30’: Lễ tắm Phật tại chính điện
chùa Long Hưng.
Vậy
Ban tổ chức Đại lễ xin kính mời quý vị Phật tử hoan hỷ đăng ký tham dự cùng chư
Tăng chùa Long Hưng qua đường link: https://forms.gle/HZHPbkQaFEiTBfkx9
Sau đây là một số hình ảnh lễ Phật đản
tại chùa Long Hưng – Đông Anh – Hà Nội:
Đại đức Thích
Quảng Lâm tắm Phật trong lễ Phật Đản năm 2021 tại chùa Long Hưng – Đông Anh – Hà Nội.
Đại đức Thích Vạn Lợi phó giám đốc Trung tâm Biên phiên dịch tư liệu
Phật giáo Quốc tế.
Chư tôn đức tăng ni niêm hương bạch Phật lễ Tắm Phật năm 2021 tại
chùa Long Hưng – Đông Anh – Hà Nội.