Quán niệm về sự mong manh vô thường của thế gian, nhìn ra thân và tâm, lẫn ngoại giới, không có chủ thế nhất định, không có sự thực hữu của một cái ngã cùng những thuộc tính của nó. Nhưng chính vì vô minh, nhận lầm có một tự ngã chân thật mà tạo nên biết bao khổ lụy cho mình, cho người. (1)
Quán niệm về nỗi thống khổ của chúng sinh, nhận chân tất cả đều bắt nguồn từ tham lam, sân hận, si mê (2). Quán niệm về những hệ quả chiến tranh, thù hận, kỳ thị (tôn giáo, sắc tộc, giai cấp), cho đến khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội... đều từ vô minh và lòng tham vô độ của con người.Quán niệm sâu xa về thực trạng và nguyên nhân của cuộc đời (3), để thấy rằng cần nỗ lực thoát ly khổ não, đạt đến niềm an lạc hạnh phúc chân thật cho mình và tha nhân bằng sự thực hành các phương pháp hữu hiệu và hợp lý nhất (4).Một cách cụ thể, mỗi người cần tỉnh thức trước những ảo mộng cuộc đời, giảm thiểu lòng tham muốn, biết bằng lòng với những gì hiện có thì cuộc đời sẽ bớt khổ não, âu lo. Giảm thiểu lòng tham là bước đầu để tiến đến dứt bỏ hoàn toàn tham vọng chiếm hữu, cưỡng đoạt—vốn là đầu mối của chiến tranh, thù hận và cuồng si vọng ảo.Thực hành đạo lý từ bi giác ngộ, người con Phật nếu im lặng không lên án tham-sân-si thì cũng không cổ võ ủng hộ lòng tham, hận thù và vọng tưởng độc tài, độc tôn; không lên án chiến tranh, chiếm đoạt thì cũng không ca tụng ngợi khen sự khích động chiến tranh, giết người, tổn hại sinh mệnh và tài sản của kẻ khác.Người con Phật suy nghĩ, nói năng và hành động cho lẽ thật, vì sự thật và vì lợi ích cho thế gian; không vì lợi dưỡng, danh vị cá nhân mà nói và hành động trái ngược đạo lý như thật; không vì niềm tin và lý tưởng của mình mà làm thương tổn kẻ khác, cũng không vì kẻ khác làm tổn thương mình mà khởi tâm hận thù, đố kỵ, gây chiến. Sống trong chánh pháp là sống trong tỉnh thức, an nhiên, bất bạo động. Người con Phật đi đến đâu mang lại phúc lạc hòa bình cho nơi ấy, không gieo rắc hận thù, không khơi mào mâu thuẫn, xung đột. Người con Phật phải như cam lộ thanh lương, tưới mát những tâm hồn trầm thống, giải thoát những mệnh đời khổ đau.Tưởng niệm bậc Đại giác Thế Tôn nhân mùa Khánh Đản, người con Phật khắp nơi trên thế giới hân hoan xưng tán và tri ân sự giáng trần của ngài, đồng thời không quên hướng về tự tâm, suy nghiệm lời Phật, phát triển trí tuệ, khởi lòng đại bi; sao cho sự hiện diện của mình trong cuộc đời xứng đáng là những người thừa tự chánh pháp (5). Được vậy thì, đức Phật luôn đản sinh và ngự trị trong mỗi chúng ta.______________________________________________(1) Theo kinh Tám Điều Giác Ngộ của bậc Đại nhân (Bát Đại Nhân Giác); điều giác ngộ thứ nhất.(2) Điều giác ngộ thứ hai, thứ ba, thứ năm và thứ sáu (kinh dẫn thượng).(3) Khổ và tập đế.(4) Diệt và đạo đế.(5) “Này các Tỷ-kheo, hãy là người thừa tự Pháp của Ta, đừng là những người thừa tự tài vật.” Cũng trong kinh này, Tôn giả Xá-lợi-phất thay Phật thuyết giảng cho các vị tỳ-kheo, nói về tham, sân và phương cách dứt trừ: “Ở đây, này chư Hiền, tham là ác pháp, và sân cũng là ác pháp, có một con đường Trung đạo diệt trừ tham và diệt trừ sân, khiến (tịnh) nhãn sanh, khiến (chân) trí sanh, hướng đến tịch tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Và này chư Hiền, con đường Trung đạo ấy là gì - (con đường) khiến (tịnh) nhãn sanh, khiến (chân) trí sanh, hướng đến tịch tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn? Đó là con đường Thánh tám ngành, tức là: Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định...” (Trung Bộ Kinh, Kinh Thừa Tự Pháp, HT. Thích Minh Châu dịch)
Vĩnh Hảo
www.vinhhao.info