Hình ảnh lễ rước Phật trên đường phố mùa Phật đản tại Huế năm 2008
* Về tổ chức Đại lễ Phật đản, TƯGH chỉ đạo BTS các tỉnh, thành hội PG
trong cả nước cần xúc tiến xây dựng kế hoạch thực hiện, trên cơ sở đó
đăng ký với UBND địa phương để được hỗ trợ. Địa điểm tổ chức tùy thuộc
vào thực tế tại chỗ, với thời gian kéo dài trong suốt Tuần lễ Phật đản
(từ mùng 8 đến hết ngày rằm tháng 4 ÂL - lễ chính thức). Một số hoạt
động chính như: thuyết giảng, tọa đàm, triển lãm, hội chợ văn hóa-ẩm
thực, văn nghệ, phát quà từ thiện, diễu hành xe hoa, hội hoa đăng... cần
được tổ chức rộng rãi tại các đơn vị tự viện nhằm làm sáng rõ ý nghĩa
ngày Đức Phật xuất thế vì lợi ích của nhân sinh.
Đặc biệt, năm nay Trung ương Giáo hội khuyến khích việc phổ biến tinh
thần, nội dung và các hoạt động chào mừng Đại lễ Phật đản trong các bài
giảng, các hoạt động văn hóa Phật giáo để quần chúng hóa Đại Lễ Phật
đản trong nhân gian; đăng ký với UBND, Sở Nội vụ, Sở VH-TT–DL trong việc
treo cờ Phật giáo và biểu ngữ chào mừng Đại lễ Phật đản tại các khu vực
chính của tỉnh, thành phố; tổ chức xe hoa diễu hành theo từng địa
phương; tổ chức hội chợ văn hóa và hội ẩm thực chay để quần chúng hóa
đại lễ Phật đản.
* Về An cư kiết hạ, thông bạch nêu rõ mỗi tỉnh, thành được phép tổ
chức từ 2 trường hạ tập trung trở lên; nơi nào không đủ điều kiện có thể
phối hợp tổ chức liên trường, và phải đăng ký hợp pháp với các cấp Giáo
hội theo đúng quy định. Nội dung tu học trong 3 tháng an cư nên lồng
vào chương trình bồi dưỡng trụ trì và nghiệp vụ hành chánh Giáo hội, đặc
biệt tích cực phát hiện các nhân tố mới trong Phật giáo thông qua hoạt
động diễn giảng và làm báo tường. Thời gian an cư của hệ phái Bắc tông
và hệ phái Khất sĩ bắt đầu từ ngày 16-4 ÂL, kết thúc vào ngày 16-7 ÂL;
hệ phái Nam tông từ ngày 15-6 ÂL đến hết ngày 15-9 ÂL.
PV (Giác Ngộ)