"Lòng ấm áp tự nhiên khởi lên khi chúng ta trải qua
kinh nghiệm khổ với tất cả những tính chất đẹp đẽ của con tim: tình
thương, tâm bi mẫn, lòng biết ơn, sự đồng cảm dưới mọi hình thức. Nó
cũng chứa nỗi cô đơn, đau khổ và sợ hãi. Trước khi những tính chất tốt
đẹp không bền vững này được làm cho bền vững, trước khi có những thứ
khác xen vào, những cảm nhận đến tự nhiên này được thai nghén với lòng
lân mẫn, đón nhận và quan tâm. Những cảm nhận mà chúng ta đã cố ý lẩn
tránh này có thể làm cho lòng chúng ta mềm lại và chuyển hóa chúng ta.
Sự mở lòng ra cho sự ấm áp tự nhiên đôi khi dễ chịu, đôi khi gây khó
chịu. Tu tập là không lẩn tránh những cảm nhận không ưa thích khi chúng
khởi lên. Qua thời gian, chúng ta có thể ôm ấp chúng như những cảm nhận
êm ả của tâm từ và lòng biết ơn chân thật". (Sự Ấm Áp Tự Nhiên).
Qua cuộc thiên tai và nhân tai này, thế giới đã chứng
kiến sức sống phi thường của người dân Nhật, cũng như nhìn thấy sự mong
manh của một nền văn minh. Đó cũng là dịp để chúng ta chiêm nghiệm tính
chất phù du, vô thường của đời sống.
Đời sống ngắn ngủi và mong manh. Thế giới biến dịch
vô thường. Được mất, tụ tán là tính chất của thế gian. Cả thế gian như
lúc nào cũng lăng xăng tìm chỗ trốn tránh khổ đau, trong vật chất hay
trong tinh thần, trong bước chân mò mẫm đi tìm thực tại hay trong trí
tưởng tượng mơ hồ để xoa dịu sợ hãi, khổ đau…
Trong khung cảnh đó, hơn hai ngàn năm trăm năm trước,
Đức Phật xuất hiện ở thế gian để xác quyết cho loài người rằng đời là
khổ và có con đường chân thật để thoát khổ. Và con đường thoát khổ không
phải tìm đâu xa, mà ngay tại nơi đây và bây giờ, trong trái tim của mỗi
người.
Đức Phật là người đầu tiên khuyên con người hãy nhìn
thẳng vào tính chất của đời sống. Đó là con đường trung đạo, con đường
không chạy theo cũng không trốn tránh đời sống, con đường đồng hành với
đời sống mà không để bị đời sống nhận chìm. Với đạo Phật, đời sống có
chất liệu để cho hoa sen vươn lên bầu trời, có sức đẩy để cho chiếc bè
tự do nổi được và vươn ra đại dương. Kinh Pháp Hoa nói rằng tháp Đa Bảo bảy báu nổi lên ngay từ mặt đất này, vô số hằng sa Bồ tát xuất thân ngay từ cõi ta bà này.
Do đó, Khổ, một trong bốn chân lý đầu tiên được Đức
Phật nhìn thấy và nói ra, cũng là chất liệu để con người vươn lên. Càng
đối diện, càng thấm nhập vào tính chất vô thường, vô ngã của mọi hiện
tượng, càng thâm hiểu được ý nghĩa đích thực của đời sống, cũng là lúc
con người tiến sâu vào tính vắng lặng của Niết bàn, vào sự ấm áp trong
mối tương liên của vạn pháp. Bà Pema Chodron viết:
Đối diện với khổ, với tính chất phù du vô thường của
thế gian, cũng là đối diện với chính mình, nhìn thấy chính mính. Nhìn
thấy chỉ thật sự là nhìn thấy khi trong và ngoài hợp nhất, khi không có
sự xen vào của tâm phân biệt. Đó là trung đạo, là con đường giữa, con
đường không nghiêng lệch. Chánh tri kiến là trở về với tâm mình, dừng
lại mọi niệm tưởng để thấy được Pháp thân. Chánh tư duy là trở về với
tâm mình, dừng lại mọi phân biệt, để tư duy không bị nghiêng lệch. Chánh
ngữ là trở về tâm mình, dừng lại mọi hý luận và biết rằng mọi ngôn ngữ
đều hàm hồ, khiếm khuyết…
Mọi sự ngăn ngại đều xuất phát từ tâm, mọi chia cắt,
phân biệt, mọi gập ghềnh của đời sống đều xuất phát từ tâm. Tâm dẫn đầu
các pháp.
Dưới con mắt của đạo Phật, sự khổ mà con người cảm
nhận khi đối diện với tính chất phù du, vô thường của đời sống, với tiến
trình sinh lão bịnh tử, thành trụ hoại không của vạn vật đều phát khởi
từ tâm. Những tính chất kia của đời sống vốn không có nội hàm khổ hay
vui. Chúng chỉ biến thành khổ hay vui khi được chiếu rọi qua tấm kính
của tâm, bám víu hay buông bỏ, chạy theo hay dừng lại. Và nhìn một cách
tổng thể, đời sống của con người và của mọi sự vật giống như một lần nhô
lên và chìm xuống của một làn sóng. Làm gì có khổ hay vui trong những
làn sóng đó.
Với đạo Phật, để thấy được tính chất như thật của đời
sống, để giải thoát khổ đau do chính mình tạo ra, con người phải can
đảm đối diện với đời sống.
Thường xuyên đối diện với sự đe dọa của thiên tai,
sóng gió và núi lửa, người Nhật đã sớm có ý niệm coi đời sống mong manh
như những cánh hoa anh đào.
Có người nói rằng trong mỗi tâm hồn của người Nhật
đều có những cánh hoa anh đào. Vâng. Trong mỗi con người Nhật đều có
bóng dáng hoa anh đào và Zen. Hoa anh đào và Zen bàng bạc trong truyện,
trong phim, trong võ đạo, kiếm đạo, hoa đạo, trà đạo, thi đạo… Hoa anh
đào và Zen là cái nền mỹ quan của người Nhật, cũng là sức mạnh để người
Nhật đối diện và vượt qua tính chất vô thường, phù du, như có như không
của thân phận làm người.
Với người Nhật, hoa anh đào được hình dung như những
đám mây. Khi hoa nở thì cả không gian như phủ bằng những tầng mây hồng
ngun ngút. Mây thì tụ tán phù du, đến đi vô định. Trong một bài hát có
tên
"Hoa anh đào hoa anh đào (sakura sakura)" chúng ta đọc được những câu như sau:
Hoa anh đào, hoa anh đào,
Trải dài ngút mắt
Trên núi đồi.
Là sương mù hay là mây?
Thơm ngát trong ánh mặt trời buổi sáng.
Hoa anh đào, hoa anh đào,
Hoa anh đào đang nở rộ.
Hoa anh đào, hoa anh đào,
Xuyên suốt bầu trời mùa Xuân,
Trải dài ngút mắt.
Là sương mù hay là mây?
…
Là sương mù hay là mây? - Chẳng phải sương mù cũng chẳng phải mây. Là hoa anh đào, là hình ảnh của phù du chóng vánh, tụ tán vô thường. Như mây, như sương, như điện, như chớp.
Tính chất phù du, chóng tàn của mọi hiện tượng trong đời sống đó được thể hiện trong ý niệm mono no aware của người Nhật. Mono no aware
là sự cảm thương trước tính chất vô thường của mọi sự vật, mọi hiện
tượng. Cảm thương với tính chất vô thường của cuộc sống cũng là đối diện
với tính chất cô đơn của mỗi con người, đối diện với vực sâu thăm thẳm
trong tâm của mỗi con người, đồng thời cảm nhận sự kết nối vô cùng với
mọi người, mọi sự trong vũ trụ. Và cái đẹp của vô thường là tính chất
cảm thương, kết nối này. Hoa anh đào nở ngút ngàn, rồi rơi rụng ngút
ngàn. Đứng trước trời đất đó, tâm làm sao không cảm khái với cái vô cùng
của không gian và thời gian, với sự biến thiên của đất trời, lịch sử.
Khi hoa anh đào nở rộ cũng là lúc xác hoa bắt đầu
trải hồng mặt đất. Ngườ i ta thưởng thức cái đẹp của hoa anh đào bao
nhiêu, thì người ta cũng trân trọng với những bước chân dẫm trên những
xác hoa. Nở đẹp và tàn cũng đẹp. Chết và sống như nhau. Và thật sự người
Nhật đã coi cái chết như lông hồng, như hoa rơi, cũng như đã coi cuộc
sống là nơi để vẽ nên một bức tranh đẹp cho cuộc đời, dù đó là cái đẹp u
hoài.
Nước Nhật là một trong những nước có nền khoa học kỹ
thuất tiên tiến bậc nhất thế giới, có một nền nghệ thuật cũng thuộc loại
dẫn đầu thế giới, nhưng dường như tâm hồn của người Nhật là những tâm
hồn u hoài. Đọc những tác phẩm của người Nhật, xem những cuốn phim về
nước Nhật, chúng ta cảm nhận điều đó. U hoài không phải là buồn khổ mà
có thể là một cảm giác như ngài Tsoknyi Rinpoche viết:
"Khi mặt trời lặn ở phương Tây, nếu chúng ta bước ra
bên ngoài và ngồi xuống, hướng về phía mặt trời đang lặn, một cảm giác
từ bi sẽ khởi lên một cách dễ dàng, tự phát. Đó là thứ tự do với một
chút vui, một chút nhạy cảm, một chút buồn. Tất cả đều tự đến. Nếu chúng
ta không hoàn toàn mở rộng và tâm không được giải phóng khỏi những điên
đảo, nỗi buồn nhẹ nhàng này sẽ không được cảm nhận một cách chân thật,
ngay cả không được nhận biết (Nước Từ Bi)".
Và tính chất mono no aware không thể thành tựu nếu không có Zen.
Zen phát xuất từ Thiền Đông Độ, tức Thiền của ngài Bồ
Đề Đạt Ma được ngài Huệ Năng phổ vào một sức sống thần kỳ tươi mát,
truyền vào và phát triển ở Nhật. Và nguồn cảm hứng của Zen là satori.
Satori là sự bừng tỉnh về tính chất không sinh không diệt, không tăng không giảm của mọi hiện tượng vô thường, và vì vậy satori là tâm vô niệm trước vô thường. Vô niệm là không khởi tâm, không bám giữ, không trôi theo, cũng không quên lãng.
Zen đã thấm nhập vào đời sống của người Nhật trong
hầu hết các ngành nghệ thuật hay đạo. Với sự thức tỉnh, với sự mở ra cho
sự kết nối, cảm thông, thương cảm trước những hiện tượng vô thường,
những cung bậc tâm hồn trong suốt và nhạy cảm được phổ vào làm nền cho
đời sống, nâng những cái tầm thường của đời sống thành nghệ thuật, thành
cái đẹp. Cái đẹp của người Nhật là cái đẹp của sự cảm nhận về tính chất
vô thường. Đó là chấp nhận vô thường, là wabi-sabi, chấp nhận tính chất phù du của vạn vật.
Với Zen, nhận chân được sự tịch tĩnh của vô thường là
bước đầu của ngộ, tức satori. Cái đẹp của người Nhật là cái đẹp chưa
hoàn tất, đang đổi thay và không toàn hảo. Đó
là cái đang còn lưu chảy trong dòng vô thường bất tận. Sống và chết,
hợp và tan, nở và tàn đều đẹp. Sống và chết đều thơ mộng như nhau. Đến
một mình rồi ra đi một mình, như những kiếm sĩ giang hồ, như thi sĩ
Haiku Basho. Cô đơn và đối diện với cô đơn. Đó là một sự cô đơn mầu
nhiệm, nói như bà Pema Chodron:
"Khi có thể dừng lại ở điểm giữa, trung đạo,
chúng ta bắt đầu có một sự kết nối không sợ hãi với cô đơn, một sự cô
đơn dịu dàng và mầu nhiệm chuyển hóa hoàn toàn mọi sợ hãi của chúng ta.
Sự cô đơn đó cho phép chúng ta nhìn vào tâm chúng
ta một cách trung thực, không vướng ngại. Chúng ta sẽ dần dần dừng lại ý
tưởng về mẫu người mà chúng ta nghĩ chúng ta phải là. Chúng ta xả bỏ
mọi ý niệm và chỉ nhìn thẳng vào chúng ta với lòng từ bi và con mắt khôi
hài. Từ đó, cô đơn sẽ không còn là một sự đe dọa, đau buồn hay trừng
phạt.
Sự cô đơn mầu nhiệm không đem đến cho chúng ta bất
cứ một sự giải quyết nào, cũng không cho chúng ta một điểm tựa nào. Nó
thách thức chúng ta bước vào một thế giới không có điểm quy chiếu. Đó
gọi là con đường giữa, trung đạo, con đường thiêng liêng của người chiến
sĩ. (Sự Cô Đơn Mầu Nhiệm Pema Chodron)"
Nhiều người cho rằng vì đời sống của người Nhật bị
nhiều sức ép nên mức độ tự tử của họ nhiều nhất thế giới, có nghĩa là sự
thỏa mãn đối với đời sống của người Nhật thấp hơn sự thỏa mãn về đời
sống của người dân các nước khác trên thế giới. Điều nầy có thể đúng.
Nhưng như thế không có nghĩa là người Nhật hưởng niềm vui và coi giá trị
của đời sống thấp hơn những người dân xứ khác.
Hơn nhiều dân tộc khác trên thế giới, người Nhật đạt
đến mức độ cao trong việc tiếp cận, triển khai và thưởng ngoạn cái đẹp
của đời sống. Hầu như trong mọi phương diện của đời sống, người Nhật đều
nhìn thấy cái đẹp, ngay cả sự chết. Họ biết dừng lại trong vô thường để
chiêm ngưỡng đời sống cũng như sự chết.
Có thể nói Basho là một điển hình của tâm hồn Nhật.
Ông là tổ của thơ Haiku, một nhà thơ mà cuộc đời gắn liền với những cuộc
hành trình. Chứng kiến bao cuộc chia ly, trải nghiệm bao cuộc đổi dời
của thế sự và vạn vật, không biết từ lúc nào ông đã nhìn thấy được tính
chất chân thật của vô thường, để từ đó, mỗi phút giây của ông là mỗi
phút giây mới mẻ, để có lần, nhìn một thác nước từ trên cao, ông reo
lên:
chỉ một lần
nơi thác nước
mùa hè vừa đến
Và khi đã một lần nhìn thấy phút giây đó rồi thì mỗi
sát na là một đời sống mới, và lúc ra đi cũng nhẹ nhàng như cánh hoa đào
rơi trong nắng Xuân. Ông nhuốm bịnh trên đường và từ giã cõi đời này để
tiếp tục cuộc hành trình vui chơi nhìn ngắm vô thường ở một thế giới
nào đó sau một giấc mơ đẹp:
nhuốm bịnh trên đường lữ khách
tôi mơ cánh đồng khô
đang chạy nhảy.
Thị Giới