Giữa cơn lốc biến động xã hội đầy kịch tính của cuối thế kỷ
20, trước sự sụp đổ của con người đối với các vấn đề khủng hoảng sinh
thái tâm linh và môi trường, mùa Phật lại trở về như nguồn suối hạnh
phúc chảy vào tâm thức mọi người.
Thật ra, đấng Thế Tôn không phải Ðản sanh trong vườn Lâm Tỳ Ni xứ
Ấn Ðộ cách đây 2500 năm về trước, mà đức Phật thị hiện trong lòng
chúng ta từng giờ, từng giây phút, mỗi ngày. Bởi vì chúng ta là những
người sinh ra, lớn lên, trưởng thành theo lý tưởng sống với Ngài, cùng
đi chung với Ngài về lộ trình giải thoát mọi sự khổ đau đang đè nặng
lên thân phận kiếp người. Nếu văn hào Shakespeare khởi đầu bằng tiếng
nói con tim: "Yêu và được yêu là điều hạnh phúc nhất đời", thì đức
Phật tuyên bố sự hiện hữu của Ngài giữa cuộc đời với mục đích: "Ta ra đời vì an lạc, lợi ích cho chư Thiên và loài người, vì lòng thương tưởng đời".
Do đó, nơi nào có sự Ðản sanh của đức Phật, nơi đó có tiếng nói yêu
thương, tiếng nói tình người thể hiện. Như con tim nắm giữ sinh mệnh
của một đời người, thì tình người nắm giữ sinh mệnh sự sống, linh hồn
văn hóa của dân tộc, quốc gia. Cho nên, sự kiện đức Phật đản sanh là
dự kiện khởi đầu thông điệp tình thương và hạnh phúc:
"Khó gặp được Như Lai
Không phải đâu cũng có
Chỗ nào đức Phật đản sanh
Nơi đó tất an lạc" (Pháp Cú 193)
Thông điệp ấy đã đi vào tâm thức mỗi người, khi cánh cửa "giải
thoát" bắt đầu mở sau khi 49 ngày đêm tư duy thiền định dưới cột Bồ
đề, Ngài trở thành bậc Chánh đẳng giác. Từ đây, Ngài tuyên bố: "Cửa vô sinh bất diệt, đã mở cho tất cả chúng sanh. Hãy để cho ai có tai muốn nghe được hưởng trọn niềm tin tưởng".
Như vậy, đạo Phật là đạo đến mà thấy, thấy sự thật khổ đau cuộc đời
và con đường đoạn tận khổ đau được khởi đầu bằng những bước chân đầu
tiên:
"Ai quy y đức Phật
Chánh pháp và chư Tăng
Ai dùng Chánh tri kiến
Thấy được bốn Thánh đế
Thấy khổ và khổ tập
Thấy sự khổ vượt qua
Thấy đường Thánh tám ngành
Ðưa đến khổ não tận" (Pháp Cú 190-191)
Ðây chính hiện thực của cuộc đời mà tự thân mỗi người phải vượt qua
lộ trình đi về "Tự ngã" giữa sa mạc hoang vu từ trong tâm tưởng của
cái "Tôi" tràn đầy. Nhũng danh tướng hão huyền hư vô phân biệt, nghĩa
vô nghĩa, những danh sắc, vật chất, tiền tài trói buộc cần được phá vỡ
bằng con đường khởi đầu bằng sự tu tập theo giáo lý của Ngài. Chúng
ta nên biết rằng những sở hữu mà chúng ta nắm giữ là không phải của
chính mình, phải nên biết rằng những cái mà chúng ta đang nắm giữ chỉ
đến với chúng ta khi duyên đến và mất đi khi duyên tan. Chính đức Phật
từng tuyên bố: "Cái này không phải là ta, của ta, và tự ngã của ta".
Từ trong thực tánh duyên khởi đi ra, nhờ công phu tu tập cá nhân,
Ngài đã trở thành bậc giác ngộ hoàn toàn. Chúng ta cũng là con người,
nếu biết nương vào đức Phật, nương vào chánh pháp để tu tập thì cũng
trở thành những con người giác ngộ như Ngài. Bởi vì con người là chủ
nhân ông của mỗi người, tự thân giải quyết sự hạnh phúc an lạc cho
chính mình, không ai có thể thay thế được. Chính đức Phật từng khuyến
cáo các đệ tử của mình:
"Tự mình điều ác làm
Tự mình làm nhiễm ô
Tự mình ác không làm
Tự mình làm thanh tịnh
Tịnh, không tịnh tự mình
Không ai thanh tịnh ai" (Pháp Cú 165)
Tại đây, đức Phật đã khẳng định vai trò và vị trí của con người là
do tự thân cá nhân quyết định. Trong tất cả giá trị có mặt ở đời, con
người là giá trị cao nhất. Mọi thứ giá trị đều là phương tiện cho con
người và cuộc sống của con người. Vấn đề lý tưởng tối cao và ý nghĩa
cuộc sống thực chất là vấn đề hạnh phúc. Hạnh phúc thực sự có mặt khi
tự thân mỗi người phải vắng mặt cội nguồn tham sân si, xuất phát từ
lòng tham dục, như đức Phật dạy:
"Từ tham dục nảy mầm đau khổ
Từ tham dục nảy mầm sợ hãi
Với ai thoát khỏi vòng tham dục
Thì không còn đau khổ, không còn sợ hãi" (Pháp Cú 215-216)
Kinh nghiệm tự than tu tập của đức Phật, chúng ta thấy rõ điều này.
Từ một Thái tử Tất Ðạt Ða sống trong cung vàng điện ngọc, Ngài xả bỏ
tất cả để lên đường tu tập 6 năm khổ hạnh. Từ bỏ lối tu khổ hạnh, tu
tập thiền định phát triển trí tuệ, Ngài đã trở thành bậc Chánh đẳng
giác, giác ngộ hoàn toàn. Trong 45 năm thuyết pháp độ sanh, Ngài từng
tuyên bố: "Chánh pháp còn phải bỏ đi, huống hồ là phi pháp".
Ðây chính là thái độ xả ly hoàn toàn mà mỗi chúng ta cần phải đi qua
trên con đường trở về tự tánh giác ngộ. Thực chất của khổ đau đều bắt
nguồn từ sự khát ái, chấp thủ. Vô minh phiền não, quá khuú u buồn vang
vọng từ cõi lòng sầu bi khổ ưu não được dập tắt, khi tự thân mỗi
người hướng tới sự tu tập tâm thức và hành trì pháp như Ngài:
"Những ai hành trì pháp
Theo chánh pháp thực hành
Sẽ đến bờ bên kia
Vượt ma lực khó thoát" (Pháp Cú 86)
Cho nên, vấn đề hạnh phúc được thực thi bắt nguồn từ sự chuyển hóa
tâm thức để đạt sự bình an nội tại. Tại đây, xu thế nội tại từ trong
tâm tưởng đòi hỏi phải lớn lên, phát triển, mở rộng, vì mỗi tâm hồn
đều có khả năng linh diệu để chuyển hóa, vận hành. Ðức Phật từ một con
người thực tại, nhờ công phu tu tập chuyển hóa nội tâm mà trở thành
con người sống trong thế giới hạnh phúc thực sự, bởi vì Ngài đã tự
chuyển hóa nội tâm của mình:
"Ý dẫn đầu các pháp
Ý làm chủ, ý tạo
Nếu với ý thanh tịnh
Nói lên hay hành động
An lạc bước theo sau
Như bóng không rời hình" (Pháp Cú 2)
Rõ ràng, hạnh phúc mà con người hướng đến không phải là điều gì nằm
ngoài tầm tay con người. Hạnh phúc là sự phát triển hoàn toàn đầy đủ
các đức tánh của con người, thông qua sự tu tập về thân khẩu ý:
"Không làm các điều ác
Thành tựu các việc lành
Giữ tâm ý trong sạch
Ðó là lời Phật dạy" (Pháp Cú 186)
Ðây cũng chính là con đường tu tập theo Giới-Ðịnh-Huệ, hướng tới
những giá trị hạnh phúc đích thực giữa cuộc đời. Sự kiện đức Phật đản
sanh là bức thông điệp hạnh phúc bước ra thế giới khổ đau, đánh thức
sự hướng tâm vào thế giới an lạc của sự vận hành, xa rời sự chấp thủ
và khát ái. Một chân trời tự do mở ra cho những ai còn khát vọng về
hạnh phúc, giải thoát mọi khổ đau cuộc đời. Nơi đây, từ trái tim đến
trái tim trong suối nguồn giáo lý đức Từ phụ thấm nhuần từng cõi lòng
mọi người. Thật đúng là:
"Hạnh phúc thay, đức Phật giáng sinh
Hạnh phúc thay, giáo pháp cao minh
Hạnh phúc thay, chúng Tăng hòa hợp
Hạnh phúc thay, tứ chúng đồng tu". (Pháp Cú 194)
Thích Phước Ðạt