Mởi
đầu bài thuyết trình, HT. Thích Thiện Nhân đã nhắc nhở chư Tăng Ni
những người kế thừa mạng mạch Phật pháp sau này bằng những lời huấn dụ
sâu sắc và ý nghĩa. Theo Hòa thượng muốn thành công trên con đường hoằng
pháp thì các hoằng pháp viên trước tiên phải thành tựu Giới - Định -
Tuệ thực hành hạnh ly tham, ly sân …
Toàn cảnh phiên thuyết trình chính sáng nay 11-3 - Ảnh: Bảo Toàn
Sau khi điểm qua tình hình Phật giáo ở nước ngoài, Hòa thượng nhấn
mạnh “nhu cầu học Phật, tu Phật của đông đảo quần chúng nhân dân trong
nước cũng như nước ngoài hiện nay rất lớn do đó đòi hỏi Tăng - Ni phải
trang bị cho mình kiến thức nội điển cũng như am hiểu về ngoại điển để
phục vụ tốt công tác hoằng pháp”.
HT. Thích Thiện Nhơn - Ảnh: Bảo Toàn
Trăn trở, ưu tư về sự nghiệp hoằng pháp HT. Thích Giác Toàn cũng chia
sẻ rằng: “Thử thách lớn nhất của công tác hoằng pháp thời hiện đại để
vươn lên tầm cao mới là phải nhận thức rõ những bước phát triển của văn
minh khoa học, nhận thức rõ những vấn đề, nguyên nhân gây nên sự suy
thoái đạo đức tâm linh của con người. Đây không chỉ là một thách thức
lớn lao mà còn là cơ duyên tốt để thẩm định ý chí và đạo lực của sứ giả
Như Lai và sứ giả hoằng pháp trước cuộc sống muôn màu muôn sắc thời hiện
tại”.
HT. Thích Giác Toàn - Ảnh: Bảo Toàn
Qua đây, có thể thấy rằng hoằng pháp là một công việc dài lâu đòi hỏi
tính liên tiếp, cập nhật. Ngoài việc trang bị cho mình kiến thức nội
điển – sự uyên thâm về giáo lý của Phật giáo thì các kiến thức ngoại
điển như ngoại ngữ, văn học, lịch sử, địa lý, y khoa ...đặc biệt là công
nghệ thông tin là điều rất cần thiết. Việc các hãng sản xuất công nghệ
số tiên tiến hiện nay trên thế giới đã cho ra đời hàng loạt sán phẩm
được mang tên điện thoại thông minh - Smart Phone đã giúp cho mọi người
có thể mọi lúc, mọi nơi dễ dàng nối kết và học, đọc, xem, nghe các sản
phẩm Phật giáo trên Mobilet mà không cần phải tốn nhiều thời gian đến
chùa chiền; thiết nghĩ đây cũng là một mảng hoằng pháp mà chúng ta nên
có sự đầu tư trí tuệ, thời gian, nhân lực... để bất cứ quần chúng nhân
dân nào cũng đều có thể học Phật, tu Phật thông qua các sản phẩm công
nghệ số. Tuy nhiên, để các sản phẩm Phật giáo đến được với đại bộ phận
quần chúng nhân dân thì chúng ta cần xây dựng, đào tạo được đội ngũ Tăng
- Ni tài, đức có kiến thức thế học, Phật học uyên thâm giỏi nắm bắt và
làm chủ về công nghệ thông tin. Muốn được như vậy các giảng viên hoằng
pháp ngoài việc có tố chất tốt như nền tảng học vấn đã nêu ở trên thì
điều kiện cần phải có là phẩm hạnh thanh tịnh, khả năng thích ứng, tinh
thần diệu dụng tùy duyên, kiến thức xã hội, khả năng giao tiếp công
chúng và đặc biệt là phải nắm vững được những điều cốt yếu của một nhà
hoằng pháp là: Pháp vô ngại biện (Đối với pháp Phật dạy, thông suốt hết
không còn nghi ngờ gì cả), nghĩa vô ngại biện (Nghĩa lý sâu xa mầu nhiệm
mà Phật dạy trong kinh đều thâm nhập, thấu triệt không còn gì nghi
ngại), từ vô ngại biện (Những ngôn ngữ của từng địa phương đều nói thông
suốt không trở ngại), nhạo thuyết vô ngại biện (Thông suốt nghĩa lý
Phật pháp và ngôn ngữ từng địa phương. Khi giảng nói Phật pháp cho người
nghe, đều khế hợp với căn cơ trình độ khiến họ vui nghe, không chán
ngán.... )
Cung nghinh HT. Thích Giác Toàn vào hội trường - Ảnh: Bảo Toàn
Muốn giáo hóa người, phải thâm hiểu giáo lý Phật dạy,
phải thông thạo ngôn ngữ, sau đó tùy căn cơ tùy hoàn cảnh, mà giảng dạy
hướng dẫn đưa người từ chỗ tối tăm đau khổ đến chỗ sáng suốt an vui có
như vậy quần chúng nhân dân cùng tín đồ Phật tử mới có sự say mê, lôi
cuốn khi tìm hiểu, tu học Phật pháp và vững vàng trước những luận điệu
lôi kéo, ru ngủ, mua chuộc của ngoại đạo, tà giáo.
Đại biểu dự Hội thảo - Ảnh: Bảo Toàn
Theo chư tôn giáo phẩm diễn giả chính, đây là lần thứ năm một cuộc
hội thảo hoằng pháp quy mô được tổ chức tại Bình Dương, trước đó bốn
cuộc hội thảo lần lượt được tổ chức trên khắp ba miền đất nước: Hà Nội,
Đà Nẵng, Daklak, Kiên Giang ...những việc cần nói đã nói, những kế hoạch
lâu dài mang tính vĩ mô chúng ta đã hoạch định. Mong rằng, tại Hội thảo
lần này cần có sự đột phá về phương thức tổ chức cũng như việc xây dựng
kế hoạch đội ngũ kế thừa. Tăng – Ni trẻ có tài, có tâm đang rất cần
được góp sức mình cho tiền đồ Phật pháp nhưng lại chưa có được cơ chế,
cơ hội để phát huy, phát triển.
Linh Thuần (GNO)