Sử liệu ghi chép rằng, đêm Ấn Độ bầu trời trong xanh gió
mát, hoàng hậu Ma Da nằm mộng thấy voi trắng sáu ngà từ hư không giáng
xuống rồi từ đấy hoàng hậu thọ thai thái tử. Sau giấc mộng, Vua và
Hoàng hậu phát nguyện trai giới tuyệt dục. Gần đến ngày mãn nguyệt khai
hoa, đoàn tỳ nữ theo hầu Hoàng hậu dạo cảnh Lâm Tỳ Ni vào một buổi
minh. Đến gốc cây Vô Ưu thấy trên cành có một đóa hoa nở đẹp, Hoàng hậu
đưa tay hái hoa thì chính lúc đó Đản sanh thái tử. Kinh Ưu Bà Di Pháp
Môn Tịnh Hạnh, phẩm Thụy Ứng ghi chép rằng: “Sau khi lọt lòng mẹ,
Thái tử đứng dậy nhìn sáu phương và nói: Phương Đông, Ta là bậc thầy
dẫn đường tối thượng. Phương Nam, Ta là đám ruộng phước tốt lành.
Phương Tây, Ta thị hiện cõi đời này là lần cuối. Phương Bắc, Ta thành
đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác trong đời này. Phương dưới, Ta ra
đời là để hàng phục chúng ma. Phương trên, Ta là nơi nương tựa của trời
người. Nhìn sáu phương xong, Ngài đi bảy bước rồi đứng lại, tay chỉ
lên trời, tay chỉ xuống đất rồi cất tiếng dõng dạc: ‘Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn’; Có nghĩa là trên trời dưới trời chỉ có cái ta chân thật là đáng quý. Nói xong, thái tử trở lại như mọi đứa trẻ bình thường”.
Trong giờ phút này, trời quang mây tận, có mưa hoa muôn sắc tỏa ngát
hương thơm, đại địa chấn động. Trên hư không chư thiên trỗi nhạc đón
chào. Ngài là một bậc đại giác thị hiện giữa cuộc đời một con người bằng
sương bằng thịt cho mắt trần chúng ta thấy được. Ngài đủ ba mươi hai
tướng tốt, tám mươi vẽ đẹp nên tiên A Tư Đà xem tướng rồi cho biết, nếu
thái tử ở đời thì làm một bậc Chuyển luân thánh vương, nếu đi tu sẽ
thành bậc Đại giác.
Thái tử sanh được bảy ngày thì Hoàng hậu Ma Da trút xác phàm sanh về
cõi trời Đao Lợi. Vua Tịnh Phạn giao Thái tử cho bà di mẫu là Ma Ha Bà
Xa Bà Đề nuôi dưỡng. Lớn lên thái tử được Vua cha cho theo học và thông
hiểu các môn học Ngũ minh của thế gian. Vâng lời vua cha, Thái tử kết
hôn với công chúa Da Du Đà La sau một cuộc chiến thắng so tài văn võ và
sinh được một hoàng tử tên La Hầu La. Ngài được Vua cha và triều thần
nuông chiều cho hưởng thụ mọi dục lạc mà thế gian ham muốn như xây cung
điện thích hợp bốn mùa cho Thái tử ở, hàng trăm cung phi mỹ nữ hầu hạ
xướng hát đàn ca. Tuy sống trong nhung lụa êm ấm, vợ đẹp con thơ, ngai
vàng điện ngọc, quyền quý cao sang nhưng Thái tử luôn luôn suy tưởng,
không bằng lòng với hạnh phúc giả dối hiện tại. Và sau khi du hành ra
bốn cửa thành xem dân chúng sinh hoạt, Ngài chứng kiến và thấm thía
những nỗi khổ đau của chúng sanh và cái khổ sanh – già – bệnh – chết. Từ
đó, Thái tử quyết chí xuất gia tìm con đường giải thoát. Đêm mồng 8
tháng 2 âm lịch, sau một cuộc ca vui múa hát kéo dài đầy thấm mệt, Thái
tử vào phòng nghỉ và thiếp đi một hồi lâu, bỗng Ngài hốt nhiên tỉnh
dậy, đêm vắng lặng, mọi người đang chìm trong giấc ngủ say, trên nét
mặt các ca nhi vũ nữ, phấn son nhuễ nhoại, mùi hôi xú uế. Kẻ si mê sống
trong chốn này như voi bị sa lầy, như thiêu thân đâm đầu vào lửa, bao
nhiêu căn lành sẽ rơi rụng hết, Thái tử quán sát hồi lâu, ngài chán
ngán ngắm cảnh ô trược hiện nguyên hình. Ngài vào phòng nhìn mặt vợ con
lần cuối xong rồi đến chuồng ngựa, bảo người tôi trung là Sa Nặc,
thắng ngựa Kiền Trắc vượt hoàng thành ra đi trong đêm mồng 8 tháng 2 âm
lịch. Sao mai đã lên, mặt nước sông A Nô Ma rào rào dậy sóng, Thái tử
gò mạnh dây cương nhảy xuống ngựa, con đường mòn đến đây dứt nẻo, ngài
trao dây cương ngựa cho Sa Nặc, tay cầm kiếm cắt tóc, cỡi bỏ áo hoàng
bào, ngài dặn bảo Sa Nặc đem về triều tâu trình vua cha. Từ đây, một
cuộc đời mới bắt đầu, một cuộc chuyển mình toàn diện đang lớp lớp xảy
ra đưa đến một cuộc thoát xác vĩ đại bi hùng nhất lịch sử con người mà
thái tử sẽ thực hiện được 6 năm sau.
Đức Thế Tôn thành đạo
Thái tử đến tìm hiểu, học đạo với một vị tiên tên là A La Lam, Thái
tử rất hoan hỷ vì A La Lam quả tình là một nhà thông thái, Thái tử chỉ
học một thời gian ngắn, Ngài thâu nhiếp hết các yếu pháp của A La Lam
mà vẫn chưa thỏa mãn, chưa tìm ra con đường sáng tỏ. Trên bước đường
tìm đạo, Thái tử đã gặp nhiều vị đạo sĩ khác nhưng không có vị nào làm
cho Thái tử vừa lòng. Sau cùng, Thái tử đến vườn Lộc Uyển tu khổ hạnh
với năm ông Kiều Trần Như. Ngài ép xác tu luyện suốt sáu năm trời đến
nỗi thân khô sức kiệt nhưng vẫn vô hiệu. Một hôm Thái tử bổng nghĩ
rằng, đại sự giải thoát đâu cần bắt buộc nhục thể phải chịu khổ, đói
ăn, khát uống là việc dĩ nhiên. Điều cần thiết là không nên để ý đến
nhục thể mà nên quên nó đi. Vì nếu không quên nó thì tâm bị ràng buộc,
mà tâm bị ràng buộc thì uế chướng không thể tiêu trừ, uế chướng không
thể tiêu trừ thì làm sao tâm được thanh tịnh, được giải thoát. Nghĩ
thế, Thái tử rời chỗ ngồi, xuống sông Ni Liên Thiền tắm gội sạch sẽ,
đến gốc cây Bồ đề, Thái tử lót cỏ non làm chiếu ngồi rồi thọ dụng bát
sữa của nàng Tu Xà Đề dâng cúng. Thể lực phục hồi, Ngài ngồi điềm tĩnh
phát đại thệ nguyện, “nếu phen này không tìm ra chánh đạo để giải thoát sanh tử, thì thà có thịt nát xương tan, ta cũng không rời khỏi nơi này”. Thái tử thiền định suốt bốn mươi chín ngày đêm, Ngài đã thành Đạo.
Sử liệu ghi chép rằng, trước khi thành đạo, một trận giặc lòng khủng
khiếp đã xảy ra, Thái tử bị ma vương quấy phá dữ dội, cả ma trong lẫn
ma ngoài. Ma trong là phiền não vọng tưởng, ma ngoài là thân sắc, uy
lực. Các loài ma này đã từng khống chế thế gian mà từ ngàn xưa chưa ai
khắc phục nổi. Sau khi hàng phục ma vương, Thái tử bổng thấy lòng mình
tuyệt đối vắng lặng, tâm hồn rực sáng, Ngài nhập đại định an trụ trong
cảnh giới vô niệm, vô tưởng, một thế giới sáng ngời, trong đó hiện cả
một dòng sanh tử lưu chuyển của chính mình. Khi làm cha, khi làm con,
khi làm thầy, khi làm tớ, khi khóc, khi cười, lúc ở địa phương này, lúc
sanh ở nơi khác, không nhất định, không thường còn. Trong dòng sanh tử
ấy, lô nhô lúc nhúc còn có vô số chúng sanh khác khi bạn, khi thù, tất
cả đều bị trói buộc bởi quan hệ nhân duyên sanh khởi. Chính quan hệ
nhân duyên này mê hoặc và giam hảm chúng sanh cùng năm mãn kiếp trong
ái dục lợi danh vô phương giải thoát. Nhìn cảnh oán ân ân oán ấy, Thái
tử thấy thương chúng sanh vô hạn, trong cảnh giới bình đẳng ấy, sanh và
tử hiện ra không hai, sanh là đầu mối của tử và tử cũng lại là đầu mối
của sanh, sanh tử tử sanh tiếp nhau không cùng tận. Mọi phiền não tiêu
tan, lòng tràn ngập hoan hỷ, Thái tử thấy xung quanh Ngài không còn gì
đáng gọi là không gian hay thời gian nữa, mọi phân biệt đều tan biến.
Cảnh giới này không phải là giấc mơ mà là cảnh cảnh giới thực bất khả
tư nghị, chính lúc đó Ngài hoàn thành con đường Giác ngộ, chứng quả Vô
thượng Bồ đề. Ngài đã thành Phật.
Sau khi thành đạo, Phật liền đến hóa độ năm người bạn trước kia đồng
tu khổ hạnh với Ngài tại vườn Lộc Uyển. Phật dạy: “Này Kiều Trần Như!
Hình mà khổ lắm thì tâm dễ rối loạn, thân mà vui lắm thì ý dễ buông
lung. Chạy theo dục lạc hay ép xác khổ hạnh đều chưa phải là lối tu
chân chính. Này Kiều Trần Như! Ta đã xa lìa khổ hạnh cũng như đoạn trừ
dục lạc, Ta tu theo Trung đạo nên đã chứng quả Vô thượng Bồ đề. Bây giờ
ta là một vị Phật, một bậc đã thoát khỏi sanh tử khổ đau. Này Kiều
Trần Như! Đây là bốn sự thật mà Ta đã chứng ngộ được mệnh danh là Tứ
thánh đế. Thứ nhất Khổ đế, những sự thật về đau khổ mà toàn thế gian
đang ngậm chịu. Sanh khổ là cái khổ bị bức bách trong lúc thai nghén,
đau đớn trong lúc lọt lòng mẹ và vất vả khổ cực vì mưu sinh. Lão khổ là
cái khổ bởi thân thể hao mòn, tinh thần suy thoái. Bệnh khổ là cái khổ
bị hành hạ thân xác do bịnh tật. Tử khổ là cái khổ trong giờ phút lâm
chung, nghiệp lực giày xéo, thần thức rời khỏi xác thân, sự đau đớn này
được ví như con rùa còn sống bị lột xác. Ái biệt ly khổ là cái khổ
đang yêu thương nhau mà phải chia lìa. Cầu bất đắc khổ là cái khổ của
sự tham cầu mà không được toái ý. Ngũ ấm sí thạnh khổ là những cái khổ
do năm ấm biến động, bủa vây và giam hãm con người. Thứ hai Tập đế là
các nguyên nhân gây ra đau khổ là do ái động, dục tưởng phát ra dục sự
mà tạo nghiệp trầm luân. Thứ ba Diệt đế là dứt ái, đoạn dục không còn
mảy may phiền não vi tế vô minh, thân tâm được định tĩnh, an lạc tự
tại. Thứ tư Đạo đế là thực hành Bát chánh đạo để đạt quả vị Niết bàn.
Đó là Chánh tri kiến là thấy biết chơn chánh, Chánh tư duy là suy nghĩ
chơn chánh, Chánh Ngữ là lời nói chơn chánh, Chánh nghiệp là hành động
chơn chánh, Chánh mạng là mưu sinh chơn chánh, Chánh tinh tấn là siêng
năng chơn chánh, Chánh niệm là nhiếp tâm chơn chánh, Chánh định là tâm
tư định tĩnh. Này Kiều Trần Như! Tứ thánh đế là như thật, Ta đã chứng
nhập, tâm được tự tại, được giải thoát. Trưởng lão Kiều Trần Như nghe
xong liền đắc quả A La Hán, bốn bị kia về sau cũng lần lượt đắc quả trở
thành đệ tử xuất gia đầu tiên của Phật. Bấy giờ trong thế gian mới có
đủ ba ngôi báu, Phật là Phật bảo, Pháp Tứ đế là Pháp bảo, năm vị Tỳ
kheo là Tăng bảo. Lần khai đạo đầu tiên này được gọi là Sơ chuyển pháp
luân. Sau khi độ nhóm ông Kiều Trần Như xong, đức Phật đem ánh đạo vàng
gieo rắc khắp xứ Ấn Độ, suốt bốn mươi lăm năm hoằng hóa, Ngài thẳng
tay xóa bỏ mọi giai cấp nên đã quy hướng được mọi thành phần trong xã
hội Ấn Độ thời bấy giờ trở về với đạo của Ngài như tôn giả Ưu Ba Ly và
dâm nữ Ma Đăng Già vốn thuộc giai cấp Thủ đà la, về sau tu chứng quả A
La Hán và trường hợp của rất nhiều vị khác nữa. Ngài đã hàng phục được
những tay cự phách của các giáo phái ngoại đạo trở về với chánh đạo và
hướng thiện được những con người tàn ác như vua A Xà Thế và anh chàng
Vô Não v.v… Ở đâu có ánh đạo vàng đến thì tà giáo và ngoại đạo đều lui
xa dần, cũng vì thế mà bên trong cũng có những kẻ hiếu danh ganh ghét
như Đề Bà Đạt Đa mưu toan phản nghịch, bên ngoài làm cho các ngoại đạo
tìm kế chống phá. Song rốt cuộc, họ phải nhượng bộ trước giáo lý viên
dung và nhân cách vô thượng của Ngài. Đạo Bồ đề từ đấy đã ăn sâu gốc rể
và trở thành một tôn giáo chính của các nước lớn nhỏ tại Ấn Độ thời
bấy giờ. Đức Phật sau khi tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn, đến
nay Ngài đã thọ 80 tuổi. sắc thân tứ đại của Ngài cũng theo định luật
vô thường mà biến đổi yếu già. Một hôm ngài gọi ông A Nan, người đệ tử
hầu cận Ngài đến và dạy bảo: “A Nan! Hạnh nguyện Ta nay đã viên mãn
như lời nguyện xưa. Nay Ta đã có một ngàn hai trăm năm mươi vị đệ tử,
có đủ bốn chúng đệ tử Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di. Trong
đó nhiều vị có thể thay ta chuyển xe pháp và đạo ta cũng đã lan truyền
khắp nơi. A Nan! Trong ba tháng nữa ta sẽ nhập Niết bàn”. Năm ấy
Ngài an cư tại rừng Ta La trong xứ Câu Ly cách thành Ba La Nại 120 dặm.
Các đệ tử Ngài đi truyền giáo các nơi nghe tin Ngài sắp nhập Niết bàn
đều kéo nhau về, dân chúng quanh vùng đến kính viếng rất đông. Trong
giờ phút cuối cùng, Ngài đã độ cho ông Tu Bạt Đạt La, người đệ tử xuất
gia sau cùng và thọ dụng bát cháo nấm của ông Thuần Đà dâng cúng. Các
đệ tử của Ngài đã vây quanh đầy đủ, chỉ trừ ông Ca Diếp ở xa chưa về
kịp, Ngài hoan hỷ dặn dò phú chúc lần cuối: Này các đệ tử! Sau khi
ta diệt độ, y bát của ta sẽ truyền lại cho ông Ma Ha Ca Diếp, các ngươi
phải lấy Giới luật làm thầy, ở đầu kinh điển của Ta nên nêu bốn chữ ‘Như thị ngã văn’.
Xá lợi chia ra làm ba phần, một phần cho thiên cung, một phần cho long
cung và một phần chia cho tám vị quốc vương lớn ở Ấn Độ. Này các đệ
tử! Các ngươi hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, các ngươi hãy lấy pháp
của Ta làm đuốc, hãy theo pháp của Ta mà tự giải thoát, đừng tìm sự
giải thoát ở một kẻ nào khác ngoài các ngươi. Này các đệ tử! Các ngươi
đừng nghe theo dục vọng mà quên lời ta dặn, mọi vật ở đời không có gì
quý giá, thân thể rồi sẽ tan rã chỉ có Đạo ta là quý báu, chỉ có Chân
lý đạo ta là bất di bất dịch. Hãy tinh tấn lên để được giải thoát”.
Sau khi dặn dò xong, ngài nhập đại định rồi vào Niết bàn. Lúc ấy nhằm
ngày 15 tháng 2 âm lịch theo giáo sử Trung Hoa. Nhục thân Ngài được các
đệ tử làm lễ trà trì tại chùa Thiền Quang ở thành Câu Ly. Tám vị quốc
vương lớn ở Ấn Độ kéo binh hùng tướng dũng đến chia xá lợi.
Đức Phật đã nhập Niết bàn nhưng gương sáng của đời Ngài vẫn còn chiếu
sáng rực trong tâm của mỗi chúng ta. Suốt tám mươi năm trời, Ngài đã
hy sinh tất cả cuộc đời để hóa độ và dẫn dắt chúng sanh lên con đường
hạnh phúc an vui giải thoát.
Lòng thương của đức Phật thật là vô lượng!
Ân đức của đức Phật thật là vô biên!
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.