Tiếp Xúc Với Tâm Và Nguyện Bồ Đề:
Là đệ tử Phật, chúng ta tiếp xúc với sự ra đời của Đức Phật Bổn Sư
Thích Ca Mâu Ni của chúng ta là chúng ta có cơ hội tiếp xúc với tâm Bồ
đề nơi Ngài và ở nơi mỗi chúng ta.
Nếu Đức Phật không có tâm Bồ đề, thì Ngài đã và sẽ không có mặt với
chúng ta. Vì Ngài đến với chúng ta bằng tâm và nguyện Bồ đề, nên Ngài
có tự do trong khi đến và có tự do trong khi đi. Chúng ta đến với Ngài
cũng bằng tâm và nguyện Bồ đề, nên Ngài mãi mãi có mặt ở trong mỗi
chúng ta và chúng ta cũng mãi mãi có mặt ở trong Ngài.
Học hỏi và nghiên cứu các hệ thống kinh điển đã giúp cho ta biết
rằng, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã phát Bồ đề tâm hành Bồ tát đạo rất
lâu xa. Lâu xa đến nỗi không thể dùng những con số của toán học để ước
lượng hay tính đếm và cũng không thể nào dùng tri thức của con người để
trắc lượng hay suy tưởng. Và cũng vì vậy mà Ngài đã thành Phật lâu lắm
rồi, chứ không phải chỉ mới có đời nầy.
Đức Phật xuất hiện cách đây hơn 26 thế kỷ, tại vườn Lâm tỳ ni, nước
Nepal chỉ là vì bản nguyện độ sanh mà Đức Phật thị hiện đó thôi. Nên
chuyện ghi lại ở trong các kinh điển, Bồ tát Tất đạt đa tức là tiền
thân của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ra đời bên hông phải của hoàng hậu
Maya, đi bảy bước trên bảy hoa sen và nói: “Thiên thượng, thiên hạ, duy
ngã độc tôn”, có chư Thiên trổi nhạc cúng dường và dùng những vòi nước
hoa để phun rửa, khi Bồ tát Tất đạt đa ra đời là chuyện hoàn toàn có
thật, chứ không phải là huyền thoại.
Có thật, vì Ngài xuất hiện giữa cõi đời nầy với tư cách của một vị
Bồ tát Nhất sanh bổ xứ, có đầy đủ đại bi, đại trí, đại nguyện và đại
hạnh của tâm bồ đề, qua hình thức của một người phàm, mà không phải
phàm, để đem lại lợi ích cho cuộc đời, chứ không phải là chuyện của một
người phàm bình thường khi sinh ra giữa cuộc đời.
Nên, những đặc điểm khi Bồ tát Tất đạt đa xuất hiện được ghi chép ở
trong kinh điển là chuyện có thật. Có thật, vì đó là chuyện của một vị
Bồ tát Nhất sanh bổ xứ giáng trần, mà không phải là chuyện của một
người thường. Và đó là chuyện có thật mà không phải là huyền thoại, vì
mọi việc làm và biểu hiện của một người lớn trong đôi mắt trẻ thơ đều
là khó hiểu và đều trở thành huyền thoại đối với chúng cả!
Chúng ta vì nghiệp lực mà sinh ra, nên chúng ta không có được cái
vinh hạnh đó như Bồ tát. Vì vậy, chúng ta không thể dùng con mắt phàm
phu để mà nhìn Bồ tát, hoặc so sánh về một bậc Giác ngộ. Nếu ta đem con
mắt phàm phu, con mắt của nghiệp lực mà nhìn những biểu hiện của bậc
Giác ngộ là chúng ta không thể nào hiểu nổi và hiểu hết. Do không hiểu
nổi và hiểu hết bằng khả năng tri thức của con người, nên chúng ta cho
là huyền thoại. Nhưng, đúng với phẩm chất của một vị bồ tát có đầy đủ
hạnh và nguyện lớn của tâm bồ đề, khi xuất hiện giữa thế gian, để đem
lại lợi ích cho cuộc đời hay cho đa số, thì việc Bồ tát Tất đạt đa, khi
ra đời từ hông phải của hoàng hậu Maya, đi bảy bước trên bảy hoa sen,
tay chỉ lên trời, tay chỉ xuống đất và tuyên bố; “Thiên thượng, thiên
hạ duy ngã độc tôn” là sự kiện chẳng huyền thoại chút nào.
Nên, những biểu hiện khác thường trong ngày đản sanh của Đức Phật,
nếu chúng ta trầm tĩnh một chút là chúng ta có thể thấy, hiểu và tiếp
xúc được. Chúng ta hãy tiếp xúc với những sự kiện đặc thù trong ngày
Đức Phật đản sanh ấy, bằng tâm hạnh và nguyện bồ đề, chứ không nên tiếp
xúc với những sự kiện ấy với tâm và hạnh mang đầy tham dục và tri thức
ngã tính. Nếu chúng ta tiếp xúc với những sự kiện ấy bằng tâm đầy tham
dục và tri thức ngã tính, thì cái thấy và cái biết của chúng ta sẽ
chuyển tải đến cho chúng ta những chất liệu đầy vô minh. Chúng ta sẽ
hiểu Phật Đản theo cách hiểu vô minh của chúng ta và chúng ta sẽ hành
hoạt theo vô minh trong ngày Phật Đản.
Thị Hiện Mà Không Phải Buộc Ràng:
Đức Phật là đấng Giác ngộ, sống đời sống giải thoát, an lạc hoàn
toàn, nhưng vì thương chúng sinh, nên Ngài thị hiện giữa cuộc đời nầy,
rồi cũng phải vào thai mẹ để nằm, chúng ta nằm chín tháng mười ngày,
còn Ngài thì ở trong bụng mẹ đến mười tháng. Nằm mười tháng là biểu
tượng cho viên mãn hạnh nguyện độ sanh của Ngài trong mười pháp giới và
có khả năng đưa chín pháp giới nhập vào nhất chơn pháp giới là Phật
giới.
Ngài nằm trong bụng mẹ với bản nguyện của bồ đề, nên Ngài thấy hạnh
phúc, còn chúng ta nằm trong bụng mẹ bằng nghiệp lực, nên mất tự do và
đau khổ. Không những chúng ta nằm trong bụng mẹ chín tháng mười ngày
mới khổ, mà chỉ nằm một ngày thôi, một giờ thôi, cũng đã thấy khổ rồi,
vì sao? Vì cái khổ của chúng ta là cái khổ do nghiệp bẩm sinh.
Đức Phật nói rằng, cái khổ bị sinh là sự thật của khổ và lại là cái
khổ bậc nhất trong mọi cái khổ. Đức Phật thương cái khổ bị sinh của
chúng sinh, nên Ngài mới thị hiện giữa cuộc đời này đề dạy dỗ chúng
sinh, hướng dẫn cho chúng sinh, cách sống thế nào để thoát ly cái khổ
do nghiệp bảm sinh ấy. Chỉ vì chúng sinh không nghe hoặc nghe mà không
hiểu, không thực tập để sống, không chịu thực hành xả ly, cứ bám víu
hết cái này đến cái khác, nên bị khổ đau mãi hoài; và cũng vì thương
cái khổ của chúng sanh, nên Đức Phật cũng phải kham nhẫn để giáo hóa
chúng sinh, dưới nhiều hình thức và nhiều thời kỳ khác nhau.
Vì vậy, ở trên đời không ai thương chúng ta bằng Phật thương chúng
ta. Cha mẹ chỉ thương chúng ta một đời và có thể giúp ta thoát khỏi khổ
cơm áo, còn Phật thương chúng ta nhiều đời và có rất nhiều phương tiện
giúp cho chúng ta thoát khỏi khổ đau sinh tử, đến chỗ an toàn.
Kinh Pháp Hoa có dạy: Khi Phật giảng kinh Pháp hoa, có năm ngàn vị
Thanh văn bỏ ra về. Phật thương họ, nhưng không cản. Vì Ngài biết nhân
duyên của họ chưa đủ để tiếp nhận diệu pháp trong thời điểm nầy. Nhưng
sau đó, Ngài cũng tìm đủ mọi cách giáo hóa và đưa họ về với Phật đạo,
để tu tập và đều thọ ký cho họ thành những bậc Giác ngộ trong tương
lai. Ngài nói với các vị đó rằng: tôi đã từng giáo hóa các thầy khi các
thầy là những vị Bồ tát, còn tôi là Sadi thời Đức Phật Đại Thông Trí
Thắng Như Lai, vào thời ấy, vì quý vị ham chơi, nên quí vị mãi trôi lăn
cho đến bây giờ. Quý vị cũng đã từng biết ít cho là đủ, bỏ điều cao
quí, thỏa mãn với những thành quả tầm thường. Giờ đây, tôi đã thành
Phật và tiếp tục giáo hóa cho các vị và tôi không hề bỏ quí vị, vì quí
vị là những người rất đáng thương và cần phải quan tâm để dìu dắt.
Chúng ta thấy tình thương của Đức Phật đối với chúng sanh là cao cả
và hiếm có trong đời. Tình thương của Đức Phật do đâu mà có? Do từ nơi
tâm bồ đề mà có; từ nơi trí tuệ mà hiện khởi và từ nơi hạnh kham nhẫn
mà tựu thành. Vì tâm và hạnh của Ngài như vậy, nên Ngài đã được chư
thiên và loài người ca ngợi là đấng Đại Từ, Đại Bi đối với chư thiên,
loài người và hết thảy muôn loài.
Vì vậy, cúng dường Phật Đản là chúng ta tiếp xúc cho được ý nghĩa
cao quí đó nơi tâm và hạnh Bồ Đề của Ngài và mỗi phật tử chúng ta cũng
phải thực tập hạnh thị hiện và kham nhẫn của Ngài để cúng dường Ngài
nhân ngày Phật Đản.
Thuận Theo Chánh Pháp:
Tại sao Đức Phật đản sinh từ hông phải của mẹ là Hoàng hậu Maya?
Sinh ra phía hông phải là tượng trưng cho sự có mặt của Ngài là thuận
theo chánh pháp và dìu dắt chúng sanh đi theo chánh pháp.
Chánh pháp là pháp nêu rõ sự thật về khổ, sự thật về nguyên nhân
sinh khởi khổ, sự thật về khổ chấm dứt và sự thật về con đường thoát
khổ.
Sự thật về khổ là nhân quả của khổ luôn luôn cùng nhau tiếp diễn
trong đời sống của mỗi chúng sanh dưới nhiều hình thức biến hoại và
sinh thành luân chuyển khác nhau. Sự thật nguyên nhân sinh khởi khổ là
tham sân si, vô minh và chấp ngã. Sự thật về khổ chấm dứt là sự an lạc
của Niết bàn. Sự thật về con đường thoát khổ, chính là Bát chánh đạo.
Đi theo con đường diệt khổ, gọi là thuận theo chánh pháp. Do thuận theo
chánh pháp mà mọi khổ đau đều được chấm dứt.
Nên khi nhập thai, Đức Phật đã nhập vào hông phải của hoàng hậu Maya
và khi xuất thai, Ngài cũng xuất thai từ hông phải của hoàng hậu Maya,
nhằm biểu hiện rằng, nhập hay xuất, ẩn hay hiện gì của Đức Phật giữa
cuộc đời đều là thuận theo chánh pháp hay phù hợp với chân lý. Và chỉ
có chánh pháp mới có khả năng dựng đứng lại những gì do mọi tà thuyết
giữa thế gian đã làm cho thế gian nghiêng ngửa, xiêu vẹo; chỉ có chánh
pháp mới có khả năng hàn gắn lại những gì do các tà thuyết giữa thế
gian làm cho thế gian đỗ vỡ, mất đoàn kết; chỉ có chánh pháp mới có khả
năng dẫn đạo thế gian đi lên và chỉ có chánh pháp mới là ánh sáng đích
thật, giúp cho mọi người trong thế gian thấy rõ đâu là sự thật của khổ
đau và hạnh phúc để tự chọn lấy con đường và lên đường.
Bảy Bước Chân Đi:
Bảy bước đi của Bồ tát Tất đạt đa trong ngày thị hiện đản sanh là
tiêu biểu cho bảy yếu tố giác ngộ. Hay nói theo thuật ngữ chuyên môn
của Phật học là Thất giác chi hoặc Thất bồ đề phần. Hễ bất cứ ai thực
tập thành tựu được bảy yếu tố giác ngộ nầy, thì vị đó có cơ hội trở
thành bậc Giác ngộ hay trở thành một vị Phật.
Qua các kinh điển cho chúng ta biết, không riêng gì Đức Phật Thích
Ca Mâu Ni, khi thị hiện đản sinh Ngài đi bảy bước, trên bảy hoa sen, mà
bất cứ Đức Phật nào dù trong quá khứ hay trong tương lai, khi thị hiện
đản sanh với tư cách của một vị Bồ tát Nhất sanh bổ xứ, cũng đều đi
bảy bước trên bảy hoa sen vậy. Hoa sen là tiêu biểu cho sự vô nhiễm.
Nghĩa là Bồ tát Nhất sanh bổ xứ sinh ra giữa thế gian, nhưng không bị
những bụi bặm của thế gian làm cho ô nhiễm, mà trái lại còn có khả năng
chuyển hóa những bụi bặm của thế gian thành hương thơm tinh khiết. Bảy
bước trên bảy hoa sen ấy là tiêu biểu cho bảy yếu tố giác ngộ mà một
vị Bồ tát Nhất sanh bổ xứ thực tập thành công và sẽ thành tựu bậc giác
ngộ ngay trong cuộc đời đầy ô nhiễm nầy. Bảy yếu tố giác ngộ ấy gồm.
1. Trạch pháp giác chi:
Trạch pháp giác chi là chi phần dẫn đến Thánh đạo vô lậu, do nội
dung giác chiếu, chọn lựa gồm có đủ Quán như ý túc, Tuệ căn, Tuệ lực và
có sự quyết trạch giác phần, khiến cho các phiền não đã sanh liền
diệt, những phiền não chưa sanh, thì vĩnh viễn không sanh, khiến bồ đề
chưa sanh thì liền sanh và nếu đã sanh thì sẽ dẫn đến viên mãn.
Nên, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, trước khi có mặt nơi thế giới Ta bà
này là Ngài đã lưu trú nơi cung trời Đâu suất để có cơ hội quán chiếu
và lựa chọn cõi nước, dòng dõi, cha mẹ để giáng thần và vườn Lâm tỳ ni
để đản sanh.
Như vậy, chúng ta thấy, yếu tố trạch pháp rất quan trọng. Khi xuât
hiện nơi thế giới nầy rồi, Ngài chọn tiếp chỗ để Ngài hành thiền và
thành đạo là Bồ đề Đạo tràng, nơi chuyển vận Pháp luân là Lộc Uyển, và
nơi Niết Bàn là rừng Sa la ở Kusinaga.
Như vậy, chúng ta tiếp xúc với Phật đản là chúng ta tiếp xúc với khả
năng trạch pháp của Ngài. Nhờ thực hành trạch pháp mà Đức Phật đã
thành công trên bước đường giác ngộ và giáo hóa chúng sanh.
Do đó, trạch pháp giác chi là tiêu biểu cho bước đi thứ nhất trong ngày thị hiện đản sanh của Ngài.
Vì vậy, là Phật tử chúng ta phải thực tập trạch pháp giác chi, để có
khả năng loại bỏ tham dục, chấp ngã, loại bỏ mê tín, cuồng tín; loại
bỏ những tà sư ác hữu, thân cận những bậc thiện hữu tri thức, xuất hiện
đúng thời, đúng chỗ đã chọn lựa để thăng tiến đời sống giác ngộ, giải
thoát, làm lợi ích cho hết thảy chúng sanh.
Nếu chúng ta sống thiếu trạch pháp, thì chúng ta làm việc không đúng
thời, nói năng không đúng lúc và không đúng chánh pháp, chúng ta sẽ
nhận thầy tà làm thầy chánh, bạn ác làm bạn hiền, làm thân hữu để rồi
đi dần vào con đường lầm lỗi ở trong sanh tử luân hồi, khó mong thoát
khỏi.
Nên, trong mùa Phật Đản, phật tử chúng ta thực hành trạch pháp giác
chi, để khởi sinh chất liệu giác ngộ, nhằm cúng dường Đức Phật và phụng
sự chánh pháp.
2- Tinh tấn giác chi:
Tinh tấn giác chi là nỗ lực biến trạch pháp giác chi, trở thành hiện
thực trong đời sống của mình, nên gọi là Tinh tấn giác chi. Nhờ có
Tinh tấn giác chi mà các điều ác trong tâm đã sanh liền diệt, những
điều ác chưa sanh, thì vĩnh viễn không sanh; những điều thiện nơi tâm
chưa sanh, thì liền sanh; những điều thiện nơi tâm đã sanh, liền thăng
tiến đến chỗ viên mãn. Tinh tấn giác chi là tiêu biểu cho bước chân thứ
hai trong ngày Đức Phật thị hiện đản sanh.
Lễ Phật Đản, chúng ta tổ chức dựng lễ đài để cúng dường là đúng, tổ
chức lạy Phật để cúng dường là đúng, tổ chức tụng kinh để cúng dường là
đúng, nhưng tất cả những tổ chức đó phải có nội dung thật sự của trạch
pháp giác chi và tinh tấn giác chi, chứ không phải chỉ là hình thức
hay đối phó. Nếu ta tổ chức chỉ để đối phó và hình thức, thì ta sẽ bỏ
mất cơ hội tiếp xúc với ý nghĩa đích thật của Phật Đản.
Ngày Phật đản rất nhiều người thiếu may mắn, vì họ phải lao đầu vào
công việc làm ăn vất vả, có những vị đang đắm chìm vào công việc sát
sanh tại các lò mổ, lò quay, hồ cá, hay bận rộn với việc điều khiển đất
nước, tính toán lợi hại ở nơi các doanh nghiệp hoặc ở nơi thương
trường, thì quả thật là không may cho họ. Nhưng cũng có những vị, ngày
Phật đản có cơ hội đến chùa mà không hết lòng thực tập, trạch pháp
giác, tinh tấn giác chi, khiến tâm ý không lắng yên, nói và làm không
đúng chánh pháp, thì quả thật không có sự phí phạm và rủi ro nào có thể
so sánh.
Ngày Phật Đản, ta đã phát tâm đi chùa lạy Phật, tụng kinh thì dứt
khoát ta đi và đến chùa lạy Phật, tụng kinh một cách thấu đáo hết lòng,
để cho cái đi chùa và cái lạy Phật, tụng kinh của ta, có kết quả như
ta mong muốn và việc cúng dường lên Đức Phật của ta có lợi lạc ngay cho
bản thân của ta đời nầy và đời sau.
Nếu ngày Phật đản, ta không đủ điều kiện đến chùa, thì ngày hôm đó
ta lạy Phật ở nhà, nếu ở nhà chưa có thờ Phật, thì ta ngồi thật yên để
lạy Phật mười phương và lạy Phật trong tâm ta, khiến cho mọi ý nghĩ xấu
ác nơi tâm ta rơi rụng. Nếu ta nỗ lực làm được như thế, thì ta vẫn có
cơ hội tiếp xúc với bước chân thứ nhất và thứ hai của Đức Phật trong
ngày đản sanh của Ngài. Đó là ý nghĩa của tinh tấn giác chi. Và ta đem
chất liệu trạch pháp giác chi và tinh tấn giác chi ấy mà dâng lên cúng
dường Phật đản.
3- Hỷ giác chi:
Hỷ giác chi là chi phần giác chiếu đối với hỷ. Hỷ là vui thích. Sự
vui thích do quá trình thực hành trạch pháp giác và tinh tấn giác mà
sinh khởi. Như vậy, hỷ là niềm vui có cơ sở từ giác ngộ và để giác ngộ,
chứ không phải niềm vui sinh khởi từ vô minh và mù quáng. Nói cách
khác, do thực tập đời sống tỉnh giác, khiến niềm vui sinh khởi.
Hỷ giác chi là tiêu biểu bước đi thứ ba của Đức Phật trong ngày Ngài đản sanh.
Nên, ngày Phật Đản, ta hãy thực tập đời sống tỉnh thức và đem niềm
vui do sự tỉnh thức đem lại để cúng dường ngày đản sanh của Đức Phật.
Cúng dường như vậy, gọi là sự cúng dường tối thượng.
Mùa Phật đản các Giáo hội, nên tổ chức những ngày thực tập đời sống
tỉnh thức, đời sống vị tha vô ngã, cho các giới phật tử, để cho các
giới phật tử có niềm vui hỷ lạc ở trong chánh pháp, khiến cho tâm thức
của họ sáng lên ở trong Phật pháp, hơn là tổ chức cúng dường Phật đản
có hình thức khoa trương và bận rộn. Tổ chức Phật đản mang tính hình
thức khoa trương và bận rộn, thì tiêu hao tài lực và nhân lực rất
nhiều, nhưng hiệu quả chuyển hóa tâm thức khổ đau cho chúng sanh cũng
như đóng góp vào sự an bình cho xã hội thì lại rất khiêm tốn.
Vì vậy, hỷ giác chi là tiêu biểu cho bước chân thứ ba, trong ngày thị hiện đản sanh của Đức Phật.
4- Khinh an giác chi:
Khinh an là tâm nhẹ nhàng, thanh thoát do thực hành các pháp phần
giác ngộ đem lại. Trong ngày Phật Đản, ta muốn có tâm nầy để cúng dường
lên Đức Phật, thì ta phải thực tập buông bỏ những lời nói không dễ
thương, những cử chỉ và hành động không dễ thương giữa ta với mọi người
và ngay cả muôn vật nữa. Và quan trọng hơn hết là ta phải thực tập
buông bỏ triệt để những hạt giống tham dục, hận thù, hờn oán, trách
móc, mù quáng, nghi ngờ và ích kỷ ở nơi tâm ta, khiến cho tâm ta nhẹ
nhàng và thanh thoát, ta hãy đem chất liệu nhẹ nhàng và thanh thoát ấy
để cúng dường ngày Phật Đản sanh. Ấy mới là sự cúng dường tối thượng.
Khinh an giác chi là tiêu biểu cho bước chân thứ tư, trong ngày thị hiện đản sanh của Đức Phật.
5. Niệm giác chi:
Niệm giác chi là duy trì năng lượng của ý thức tỉnh giác hiện tiền.
Các yếu tố trạch pháp, tấn giác, hỷ và khinh an được duy trì bởi ý thức
tỉnh giác hiện tiền, ta đem ý thức duy trì năng lượng tỉnh giác hiện
tiền ấy do sự thực tập của ta mà có được, để cúng dường Đức Phật trong
ngày đản sanh của Ngài, ấy là sự cúng dường Phật đản tối thượng.
Niệm giác chi là tiêu biểu cho bước chân thứ năm, trong ngày thị hiện đản sanh của Đức Phật.
6. Định giác chi:
Định giác chi là chi phần giác ngộ ở trong thiền định. Trong chi
phần nầy có mặt của các niệm và định như niệm xứ, niệm như ý túc, niệm
căn, niệm lực, định căn, định lực. Nhờ thực tập các niệm và định nầy
sung mãn, chúng sẽ làm điều kiện để định giác chi sinh khởi.
Mỗi khi trong đời sống của mỗi phật tử chúng ta đã có định giác chi,
thì ta sẽ có những bước đi vững vàng trên con đường giác ngộ. Ta sẽ
không bị các dục thế gian lôi cuốn, không bị mọi luận điểm thị phi của
thế gian chi phối và ngăn cản .
Phật tử chúng ta phải thực tập giác chiếu, để trong đời sống của mỗi
chúng ta có chất liệu của định giác chi và ta đem chất liệu của định
giác chi ấy để cúng dường Phật đản, thì hiệu quả cúng dường của chúng
ta có tác dụng làm cho phật pháp trường tồn để chúng sanh lợi lạc. Cúng
dường như vậy chính là sự cúng dường Phật đản tối thượng.
Định giác chi là tiêu biểu cho bước chân thứ sáu, trong ngày thị hiện đản sanh của Đức Phật.
7-Hành xả giác:
Hành giả giác chi là chi phần giác chiếu đối với xả. Xả là buông bỏ
các tư niệm sai lầm liên hệ đến vô minh, liên hệ đến tham dục, liên hệ
đến nhân duyên của sinh tử luân hồi. Hành xả là không đi theo hành
nghiệp mê lầm của sinh tử, mà đi theo tỉnh giác, đi theo hạnh nguyện
thoát ly sanh tử để độ đời.
Bất cứ ai thực tập được bảy chất liệu hay bảy bước đi trên con đường
giác ngộ như thế một cách trọn vẹn, thì vị ấy có đủ điều kiện để tuyên
bố: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”. Nghĩa trên trời dưới
đất, ta là vị độc tôn đối với bảy chất liệu giác ngộ.
Nên, ai thực hành đời sống giác ngộ viên mãn bảy chất liệu như vậy,
là vị ấy độc tôn trong thế gian, được thế gian tôn kính, vì sao? Vì vị
ấy, sẽ thoát ly sinh tử ngay trong đời nầy, thoát ly hoàn toàn khổ đau
do tham dục đem lại, hoàn toàn không còn bị tái sanh đời sau; có khả
năng chuyển vận bánh xe chánh pháp để độ đời và có khả năng rống lên
tiếng rống sư tử, khiến cho mọi sinh hoạt theo bản năng thú tính giữa
thế gian đều bị rơi rụng, mọi tà kiến đều bị nhiếp phục, chánh kiến
hiển bày.
Như vậy, khi đản sanh, Bồ tát Tất đạt đa, tức là tiền thân của Đức
Phật Thích Ca Mâu Ni tuyên bố “thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”
là có gốc rễ từ sự thực hành ở nơi bảy yếu tố giác ngộ nầy mà thuật ngữ
chuyên môn của Phật học gọi là Thất bồ đề phần hay Thất giác chi.
Bảy yếu tố giác ngộ nầy là bảy tiến trình tu tập thiền định và quán
chiếu dẫn đến đoạn trừ các lậu hoặc ở nơi tâm, khiến thành tựu các chất
liệu của Thánh đạo vô lậu của tâm giác ngộ và giải thoát.
Nên, khi ra đời Bồ tát Tất đạt đa, tức là tiền thân của Đức Phật
Thích Ca Mâu Ni, bước đi bảy bước, trên bảy hoa sen là tiêu biểu cho tư
cách của một vị Bồ tát Nhất sanh bổ xứ, sẽ thành tựu Phật hay bậc Giác
ngộ do bảy yếu tố giác ngộ đem lại, khiến không còn bị nhiễm ô phiền
não ngay trong đời nầy.
Tuy nhiên, ta biết rằng ở trong thế giới trời người không một ai
thành tựu được bảy bước đi giác ngộ ấy một cách dễ dàng, và không một
ai có khả năng tuyên bố “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn” mang
tính thuyết phục và hấp dẫn như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, khi Ngài mới
đản sanh. Vì sao? Vì chính như Ngài đã nói: “Những gì Ngài nói là Ngài
đã làm và những gì Ngài đã làm, thì Ngài mới nói”.
Vậy, mùa Phật Đản trở về, Phật tử chúng ta, cố gắng tu học một cách
hết lòng, sống và thực tập theo lời Phật dạy một cách sâu sắc, để chúng
ta có cơ hội tiếp xúc với những gì mà đức Phật đã hiến tặng cho chúng
ta và chúng ta cũng có cơ hội dâng lên cúng dường Ngài, nhân ngày đản
sanh với những gì mà chúng ta đang có được trong sự thực tập. Và nhất
là chúng ta cần phải thực tập bảy bước đi của Ngài trong đời sống của
mỗi chúng ta, cho đến khi nào chúng ta có khả năng tự do đối với sinh
tử.
Thực tập bảy bước đi của Đức Phật trong đời sống của mỗi chúng ta
dưới nhiều hình thức khác nhau. Chúng ta có thể thực tập trong lúc thở
vào, thở ra hay đi đứng nằm ngồi, nói cười, ăn uống, làm việc và suy
nghĩ. Qua những hành hoạt như thế, chúng ta có thể tiếp xúc với Đức
Phật mỗi ngày và mỗi ngày ta đều cúng dường lên Ngài bằng tất cả sự
thực tập của mỗi chúng ta và chúng ta thực tập như vậy là chúng ta cũng
đã làm cho Đức Phật trong ta đang và sẽ đản sanh vậy.
Vậy, ngày Phật Đản, chúng ta phải làm thế nào, để Đức Phật thật sự
có mặt với chúng ta, ngay trong đời sống qua bảy bước đi của Ngài.
Chúng ta thực tập được như vậy là chúng ta làm lễ kỷ niệm ngày Phật
Đản một cách có ý nghĩa. Trên đài sen, Đức Phật sẽ nhìn chúng ta mà mỉm
cười, tin tưởng và thương quý!