Nguồn: http://phatgiaovnn.com (Phật
Giáo Việt Nam Net)Với
trọng trách Hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi bản hoài, ý niệm “Hoằng
pháp là…” luôn được thực hiện, luôn được dẫn giải theo nhiều hướng khác
nhau trên cơ sở đa dạng hóa, xã hội hóa, hiện đại hóa … công tác này.
Trong đó, nhìn vào đời sống của thanh thiếu niên hiện nay, một trong
những mục đích trọng điểm của công tác Hoằng pháp là nuôi dưỡng nếp sống
hạnh phúc cho thanh thiếu niên.
1. Phật giáo với truyền thống hoằng
pháp với tuổi trẻ
Đức Phật ra đời vì hạnh phúc của số đông, vì hạnh phúc cho chư thiên
và loài người. Ngài đã thực hiện trọn vẹn công hạnh đó của mình và để
lại lời di huấn về việc tu tập và hoằng truyền chánh pháp trong kinh Đại
Bát Niết Bàn hay kinh Di giáo. Giới luật hay Giáo pháp của đức Phật chỉ
nhằm đến một mục đích thoát khổ được vui. Đối tượng hoằng hóa của đức
Phật và các đệ tử của Ngài không phân biệt giai cấp, chủng tộc, tôn
giáo, đặc biệt không phân biệt lứa tuổi. Giáo lý của Ngài dù cao thâm vi
diệu, nhưng chẳng phải chỉ dành cho người lớn tuổi. Với lý thuyết duyên
khởi, nghiệp báo, căn bản tánh của chúng sanh là bình đẳng trong vấn đề
tu học theo chánh pháp. Hơn nữa, ý thức rằng các hành là vô thường, các
pháp là vô ngã, việc học đạo của người trẻ tuổi càng cần kíp không kém
những người sắp mãn nhân phần. Như thế, trận mưa pháp trong kinh Pháp
hoa mới trọn vẹn, ánh trăng sáng trên bầu trời vẫn mãi sáng soi không
cho riêng ai.
Quan niệm này cho thấy, trong vô lượng pháp môn tu áp dụng cho các
đối tượng khác nhau, đức Phật và lịch đại tổ sư luôn dành một phần cho
tuổi trẻ. Tuổi trẻ là tương lai của mọi gia đình, của đất nước, của đạo
pháp. Do đó, đức Phật đã quan tâm nhắc nhở đến bốn nhân tố nhỏ nhưng cực
kỳ qua trọng là: Thái tử nhỏ, con rắn nhỏ, đốm lửa nhỏ và Tỳ - kheo
nhỏ. Trong đó, Thái tử nhỏ là nhân tố của lãnh đạo đất nước, còn Tỳ-kheo
nhỏ là mạng mạch truyền thừa của Tăng già. Nhìn vào sự hình thành của
họ như thế nào ngay hiện tại cũng phần nào hình dung được diện mạo của
đất nước, dân tộc, đạo pháp trong nay mai. Điều này, lịch sử đã chứng
minh vai trò của những vị vui trẻ, và những vị Sa-di, Tỳ-kheo trẻ trong
việc xây dựng đất nước và truyền trì mạng mạch chánh pháp.
2. Thanh thiếu niên – những vấn đề
bức thiết hiện nay
Vấn đề thanh thiếu niên hiện nay đang được tất cả mọi gia đình, mọi
quốc gia và mọi tôn giáo đều quan tâm. Trên đại thể, trong sự phát triển
của xã hội, của đất nước, của đạo pháp, vai trò thanh thiếu niên có
khác nhau. Lứa tuổi này trưởng thành tùy vào môi trường giáo dục của
từng gia đình, từng xã hội; và đồng thời tác động trở lại gia đình đó,
xã hội đó theo những cách khác nhau.
Điểm đáng chú ý thanh thiếu niên phần nhiều chẳng phải là thế lực
quyết định lớn nhất của mỗi quốc gia, nhưng luôn là nguồn lực quan trọng
của quốc gia đó. Do vậy, quan tâm đến tâm tư tình cảm, nếp sinh hoạt,
sự phát triển nhân cách, đạo đức, tri thức của thế hệ trẻ là bàn đến
nhân tố con người- nhân tố quan trọng nhất trong vấn đề hộ quốc an dân,
xưng minh chánh pháp mang tính bền vững.
Gần đây tình trạng một bộ phận thanh thiếu niên sống thực dụng, mất
tư cách đạo đức truyền thống cao đẹp, sa đà vào những thú vui làm mất
sức khỏe và tàn phá tâm hồn, chạy theo những hình thức biểu hiện mới có
tính cách nhố nhăng, ý thức hạn hẹp về vai trò và trách nhiệm của mình
trong cuộc sống… đã tạo nên những vấn nạn xã hội thực sự và bức thiết.
Đi sâu về vấn đề này, chúng ta phải đối diện với sự vận động của xã
hội, của mọi người hiện nay. Những thay đổi về mặt xã hội kéo theo sự
thay đổi về nếp sống, tư duy, lý tưởng sống… của thế hệ trẻ. Trong sự
thay đổi đó, nhìn chung phần tích cực vẫn chiếm ưu thế so với phần tiêu
cực. Nhưng vẫn hiện hữu một chân lý là một đốm lửa nhỏ có thể đốt cháy
cả khu rừng, một việc bất thiện có thể hủy hoại nghìn năm công đức. Hơn
thế nửa, tình trạng nếp sống thiếu lành mạnh, tội phạm thanh thiếu niên
đang gia tăng; văn hóa, đạo đức, sức khỏe… của một bộ phận thanh thiếu
niên đang đi xuống.
Tất cả mọi gia đình, đất nước, các nhà giáo dục, trong đó có Phật
giáo đã và đang quan tâm nuôi dưỡng thế hệ thanh thiếu niên mới, nhưng
sự bất cập, bất toàn là lẽ dĩ nhiên. Bởi vì, ngoài vấn đề Tha giáo, mỗi
thanh thiếu niên phải tự ý thức nỗ lực vươn lên bằng phương thức Tự
giáo. Làm sao để thanh thiếu niên biết và tự hành động đúng đắn mà không
bị lệ thuộc vào thế lực nào khác là một điểm rất khó, nhưng phải thực
hiện trong môi trường hoằng pháp hiện nay. Hơn thế nữa, trên cơ sở giáo
lý nghiệp báo – một sự thật về duyên khởi của con người, những hành vi
giáo dục hữu vi còn có nhiều hạn chế trên nguyên lý Duyên, Nghiệp của
Căn; và đặc biệt là Thời gian thích hợp, thời gian chín muồi của từng
căn cơ.
Do vậy, tư thế đối diện của Phật giáo đối với các vấn đề của thanh
thiếu niên luôn được trên một định hướng giáo lý căn bản về vấn đề giáo
dục con người hạnh phúc giải thoát, xây dựng một nếp sống hạnh phúc cho
thanh thiếu niên, chứ không cuống quýt vì hiện trạng xuống cấp, không
chỉ tìm biện pháp cho những phương thức tức thời. Sâu sắc, toàn diện và
bền vững là hướng đi mười năm trồng cây, trăm năm trồng người và… cả
nghìn năm để có những đóa hoa Ưu đàm bát la.
3. Vấn đề tiếp cận thanh thiếu niên
hiện nay trong thời đại mới
Mỗi người, mỗi tập thể có một cách tiếp cận vấn đề khác nhau, hẳn
nhiên phải khế cơ, khế lý, khế thời, khế xứ và phải có hiệu quả. Trong
công tác hoằng pháp hiện nay, một mặt chúng ta đúc kết kinh nghiệm hướng
dẫn tu tập cho thanh thiếu niên mà truyền thống Phật giáo đã thực hiện
qua nhiều thế hệ. Một mặt, chúng ta bình tĩnh, quan sát, lắng nghe để
nhìn nhận sâu sắc, đúng đắn về những biến đổi của thanh thiếu niên trên
các phương diện cơ, thời, xứ; để có những phương thức hoằng hóa thích
hợp.
Nguyên lý là vậy, song việc tiếp cận thế hệ thanh thiếu niên hiện
nay không phải dễ dàng. Nếu chúng ta không thận trọng, không quyết tâm
thì Phật giáo chúng ta ngày càng xa cách tuổi trẻ, để rồi chỉ có già vui
chùa thôi. Thanh thiếu niên ở đây là con cháu người đi theo Phật giáo
và cả những người không theo Phật giáo. Phật giáo chúng ta không nên để
rơi vào tình trạng “con cái không trò chuyện được với cha mẹ”. Huyết
thống còn có khi không thiết lập được truyền thông, huống gì người dưng.
Cho nên, chúng ta phải thiết lập truyền thông trên cơ sở của Pháp thân
cận - một phương pháp được đức Phật sử dụng và giới thiệu nhiều trong
các kinh điển, nhằm giúp mọi người hiểu bậc thánh nhân, chân nhân; hiểu
pháp của bậc thánh nhân, chân nhân; và thực hành theo pháp của bậc thánh
nhân và chân nhân. Khi giữ được truyền thông đó, giữ được mối tương hệ
trong tình thương và nuôi dưỡng, Phật giáo trở thành ngôi nhà hạnh phúc
vĩ đại cho nhân thiên và loài người, giáo lý đạo Phật như chiếc áo giáp
bảo vệ con người trong các trận chiến với ác ma, ngôi chùa trở thành
chốn yên bình nhất trên cõi thế này.
Như thế, chúng ta cần tìm hiểu tâm tư tình cảm, cách sinh hoạt mới
của thanh thiếu niên hiện nay, để lồng ghép truyền thông để đưa nếp sống
văn hóa của Phật giáo vào đời sống của thanh thiếu niên. Vấn đề này đòi
hỏi người hoằng phải có đầy đủ Thật trí và Quyền trí; tình thương và
phương tiện. Thực hiện lý tưởng Thuyền Bát nhã soi tỏ lối mê, nước từ bi
rửa trong dòng tục, không phải chỉ nói, mà hành động. Thân cận, thân
cận và… thân cận thì phương thức dĩ vật truyền tâm hay dĩ tâm truyền tâm
của Phật giáo mới có hiệu quả với thanh thiếu niên nói riêng, mọi người
nói chung.
4. Nghiên cứu và áp dụng các phương
thức tu học cho thanh thiếu niên
Trong lịch sử, Phật giáo chúng ta đã nghiên cứu và áp dụng nhiều
phương thức tu học cho thanh thiếu niên như phương thức kể chuyện đạo,
nêu gương người tốt việc tốt, noi theo những tấm gương mẫu mực, gắn việc
đi chùa với giáo dục con cháu, giáo dục gia phong, tổ chức gia đình
Phật tử, các khóa tu tập cho thanh thiếu niên; và gần đây đã tổ chức các
trại hè, các câu lạc bộ cho thanh thiếu niên… Điều này đã thể hiện
những dấu hiệu tích cực của cộng đồng Phật giáo trong công cuộc hoằng
pháp đối với tuổi trẻ như đã đi sâu vào sự thay đổi hình thức tổ chức,
áp dụng giáo lý thích hợp, thiết lập các hội đoàn Phật giáo trong các
tầng lớp xã hội…
Thiết nghĩ, trong thời gian tới, chúng ta cũng cần có thêm những
nghiên cứu nghiêm túc về công tác hoằng pháp dành cho thanh thiếu niên
và tổ chức thực hiện theo những nguyên tắc căn bản và hiệu quả nhất.
Thí dụ, trong các việc lành mà Phật giáo giới thiệu để đưa đến hạnh
phúc an lạc có cả pháp thiện thế gian và thiện xuất thế gian. Mở rộng
nguyên tắc này, chúng ta phải ưu tiên giáo dục việc thiện giữa đời bên
cạnh việc thiện xuất thế cho các thanh thiếu niên. Như vậy, nhiều khi
không phải chỉ có những nội dung mang hình thức Phật giáo mới là hoằng
pháp, không phải cứ chỉ chú ý đến mục đích cuối cùng là Phật tử hay tu
sĩ. Chúng ta phải làm cho thanh thiếu niên sống hạnh phúc ngay với chính
bản thân họ, hạnh phúc là một người con có hiếu, một người bạn đáng
quý, một người chồng, người vợ chung thủy, một cá nhân tốt của tập thể,
một công dân tốt của xã hội. Đương nhiên, trở thành một Phật tử chân
chính, một Tu sĩ đạt đạo thì mới có đời sống hạnh phúc thực sự vững bền.
Hoặc là nguyên tắc tùng tướng nhập tánh. Giáo dục tuổi trẻ bước đầu
phải giáo dục trực quan, căn bản rồi tiệm cận cái trừu tượng, uyên thâm.
Như vậy cách hoằng pháp mới phù hợp với tâm lý và nhận thức lứa tuổi,
lẽ dĩ nhiên cũng có trường hợp cá biệt. Điều này làm cho việc tổ chức tu
học cho thanh thiếu niên không chạy theo phong trào, hình thức bên
ngoài; mà có định hướng bền vững, có chiều sâu và lâu dài. Theo đó,
chúng ta cũng có thể đi từ những lãnh vực cuộc sống, những nhu cầu vật
chất lẫn tinh thần của thanh thiếu niên. Chúng ta có thể phát hành thích
hợp đến họ bằng những sản phẩm văn hóa Phật giáo như truyện tranh, sách
về gương nhân quả, băng dĩa, các diễn đàn mạng Internet, thư viện điện
tử, phim hoạt hình… đến các diễn đàn hội thảo, tọa đàm liên quan đến các
vấn đề thanh thiếu niên và Phật giáo công khai, các hoạt động từ thiện
xã hội, các hoạt động lao động, giáo dục… Khi thanh thiếu niên thấy rõ,
thấy cụ thể ý nghĩa việc làm của mình có lợi ích cho tự thân và cộng
đồng, thì họ sẵn sàng dấn thân và trở thành chủ nhân cho những hoạt động
lành mạnh và hữu ích đó.
Còn nhiều nguyên tắc khác mà chúng ta có thể nghiên cứu từ nền giáo
lý Phật giáo và truyền thống hoằng truyền chánh pháp của lịch đại Tổ sư
qua hơn hai ngàn rưỡi năm, như tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên;
lấy nền tảng giới luật làm căn bản để xây dựng nếp sống, nêu cao tính tự
giác tự chủ của người tu tập… Thiết nghĩ, những nguyên tắc xuyên thời
đại này mãi mãi có giá trị, và nếu biết ứng dụng, công tác hoằng pháp
đối với thanh thiếu niên hiện nay càng có nhiều hiệu quả hơn nữa.
5. Đẩy mạnh công tác hoằng pháp của
Tứ chúng Phật giáo nhắm đến đối tượng thanh thiếu niên
Hoằng pháp là hành động trên cả ba lãnh vực thân giáo, khẩu giáo và ý
giáo. Nhưng nếu chúng ta thực hiện một cách đơn lẻ thì không có tầm ảnh
hưởng lớn nhằm xây dựng thế gian khổ đau thành cõi hạnh phúc an lạc.
Cộng đồng tứ chúng Phật giáo đã được hình thành từ thời đức Phật cho đến
nay, đã tạo ra một thiết chế xã hội vững chắc. Nhưng tùy vào từng thời
đại mà tiềm lực này được phát huy vào con đường hoằng dương chánh pháp,
xây dựng đời sống an lạc cho mọi người ở những mức độ khác nhau. Những
năm gần đây, Ban Hoằng pháp Trung ương cũng như Ban Hoằng pháp của các
tỉnh, thành đã tích cực vận động phát huy tổng lực năng lực của tứ chúng
Phật giáo trong công tác hoằng pháp. Vấn đề là công tác hoằng pháp diễn
ra quá rộng và không phải ngày một ngày hai, do đó trong thời gian tới
cần tập trung theo những đối tượng, những mục đích căn bản sau đó mở
rộng ra. Trong đó, công tác hoằng pháp đối với vấn thanh thiếu niên phải
được xem là mục tiêu trọng tâm, nhằm tạo ra một diện mạo mới cho Phật
giáo, khai thác tiềm lực về con người lớn mạnh cho đất nước và đạo pháp
trong thời đại mới. Khi ấy, người tu đạo không chỉ là người trung niên
và người già; yếu tố nội sinh vững mạnh thì không sợ những tạp nhiễm từ
các yếu tố văn hóa ngoại lai thiên lệch.
Đầu tư cho công tác này là rất lớn và cần có sự hỗ trợ nhiều của cư
sĩ Phật tử, của các giai tầng xã hội. Thông qua họ và cùng với họ những
người xuất gia nắm vai trò chính trong công tác hoằng pháp mới thực hiện
tốt và rộng khắp vấn đề tác động, giúp đỡ, hướng dẫn, rèn luyện, đào
tạo, nuôi dưỡng những thế hệ thanh niên mới hiện nay. Mặt khác, các ban
ngành Phật giáo từ trung ương đến địa phương càng cần có sự liên kết
chặt chẽ hơn nữa vì Phật sự chung của Giáo hội, vì sự nghiệp hoằng dương
chánh pháp cao đẹp.
6. Kết và chia sẻ kinh nghiệm xung
quanh công tác hoằng pháp đối với thanh thiếu niên
Mỗi người, mỗi địa phương đều có đặc điểm riêng, do đó công tác
hoằng pháp ở các vùng miền, đối với các đối tượng cụ thể luôn có đặc
trưng riêng. Kinh nghiệm hoằng pháp vì vậy không phải là một. Không chỉ
Ban Hoằng pháp Trung ương, các Ban Hoằng pháp tỉnh, thành cũng phải
thường xuyên tổ chức thảo luận về công tác hoằng pháp nói chung và công
tác hoằng pháp đối với thanh thiếu niên nói riêng. Hội họp trong tinh
thần đoàn kết và hòa hiệp để đúc kết và chia sẻ kinh nghiệm cho nhau,
tìm ra những hướng đi có tính chiến lược lâu dài, thiết lập các thiết
chế và áp dụng các phương thức hoằng hóa thích hợp sẽ đưa công tác hoằng
pháp đối với tuổi trẻ đi vào một quỹ đạo mới, có hiệu quả xã hội sâu
sắc. Điểm quan trọng là trong các hội nghị đó phải có tiếng nói từ thanh
thiếu niên. Chúng ta lắng nghe họ và chúng ta làm thì cũng là noi gương
công hạnh của Bồ tát Quán Thế Âm nuôi dưỡng sự sống, nếp sống an lạc
cho mọi người, nuôi dưỡng nếp sống hạnh phúc cho thanh thiếu niên hiện
nay./.
(Trích tham luận Hội thảo Hoằng
pháp
toàn quốc năm 2010 tại Kiên Giang)
ĐĐ. Thích Quang Tư
Thư ký Ban Hoằng Pháp
tỉnh GHPG TT. Huế