Một nhóm trên trang mạng xã hội facebook ủng hộ việc đề cử thiền sư
Thích Nhất Hạnh nhận giải Nobel Hòa bình năm 2010 bắt đầu từ tháng
12/2009 đã có hơn 9000 thành viên trên khắp thế giới. Chuyến hoằng pháp
của thiền sư Thích Nhất Hạnh đến Vương quốc Anh lần này do Hội Từ thiện
Anh quốc (UK Charity), và Cộng đồng Tiếp hiện Vương quốc Anh (Community
of Interbeing UK), một phần của cộng đồng rộng lớn với hàng ngàn hành
giả trên khắp thế giới, tổ chức.
Tại sao lời dạy của thiền sư Nhất Hạnh là quan trọng?
Thiền sư Thích Nhất Hạnh (thường gọi là Thầy) đã và đang dấn thân vào
một số vấn đề bức xúc nhất của thời đại chúng ta – chủ nghĩa khủng bố,
sự nóng ấm toàn cầu, sự suy thoái kinh tế và sự thiết yếu đối với hòa
bình. Sự hiện diện tỏa sáng và sự bình dị của ngài, cũng như lòng từ bi
trong sáng trong những tác phẩm của ngài đã làm rung động vô số chúng
sinh, khiến ngài trở thành nguồn cảm hứng cho các thế hệ những nhà kiến
tạo hòa bình từ mục sư Martin Luther King, nhà hoạt động nhân quyền, đến
Tiến sỹ Joanna Macy, nhà hoạt động bảo vệ môi trường.
Với năng khiếu thuyết giảng đặc biệt đã cho phép thiền sư Nhất Hạnh dấn
thân vào công cuộc hóa độ tất cả mọi người - từ em bé lên 5 đến cụ già
80 tuổi. Chuyến hoằng pháp của ngài là tối quan trọng trong thời điểm
khủng hoảng tài chính. Lời dạy của ngài sẽ truyền cảm hứng cho chúng ta
sống hạnh phúc trong sự ít ham muốn, để nhìn sâu hơn vào nội tâm chúng
ta, ngỏ hầu có thể hành động theo con đường giảm thiểu tối đa việc hủy
hoại sự sống và hàn gắn những rạn nứt mang tính xã hội trong gia đình và
cộng đồng.
Lời dạy và triết lý
Lời dạy quan trọng của thiền sư Nhất Hạnh là, thông qua chính niệm,
chúng ta có thể học sống trong hiện tại, thay vì sống trong quá khứ và
trong tương lai. Ngài khuyên chúng ta dừng cuộc chiến trong chính nội
tâm chúng ta, để tịnh hóa tâm lăng xăng của chúng ta, và để quay về với
giây phút hiện tại. “Nếu chúng ta an lạc, nếu chúng ta hạnh phúc, nếu
chúng ta có thể mỉm cười với thành viên trong gia đình và toàn xã hội,
chúng ta sẽ làm lợi lạc từ sự an lạc của chúng ta.” Theo thiền sư Nhất
Hạnh, an trụ vào giây phút hiện tại là con đường duy nhất dẫn đến sự
phát triển an lạc thật sự cho chính bản thân chúng ta và cho toàn thế
giới.
Triết lý nổi tiếng của thiền sư Nhất Hạnh đó là nhấn mạnh tầm quan trọng
của việc nhập thế và sự kết hợp thực hành chính niệm trong đời sống
hàng ngày. Thực hành chính niệm là để ý thức về cái đang diễn ra trong
thân tâm và thế giới xung quanh chúng ta. Ngài dạy chúng ta tập trung
vào hơi thở một cách có ý thức và tỉnh thức trong mỗi hơi thở. Ngài nhắc
nhở các đồ đệ rằng bất cứ hành động nào cũng là một cơ hội tiếp xúc
nhiệm mầu, dù là lúc đang giặt quần áo hay khi đang lái xe hơi.
Cách thức đăng ký tham dự
Thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ có buổi pháp thoại về “Đạo đức toàn cầu vì
tương lai chúng ta” vào lúc 19h30’, ngày 11/8 tại rạp Apollo ở
Hammersmith, thủ đô Luân Đôn. Pháp thoại sẽ tìm hiểu những cách thức
nuôi dưỡng sự hiểu biết, yêu thương và từ bi trước sự bất ổn và xung
đột.
Từ ngày 13/8 đến ngày 18/8, thiền sư Thích Nhất Hạnh cùng tăng ni Làng
Mai sẽ hướng dẫn một khóa tu gia đình – Sống chính niệm, sống an lạc.
Khóa tu 5 ngày dành cho 900 người trưởng thành và thanh thiếu niên tại
Trung tâm Hội nghị East Midlands sẽ tìm hiểu cách thức thực tập thiền và
chính niệm như thế nào để có thể mang lại an lạc cho tự thân và xã hội.
Khóa tu sẽ có cả chương trình của thanh thiếu niên.
Buổi pháp thoại và khóa tu này phù hợp với mọi đối tượng, bất kể họ
thuộc tín ngưỡng, tôn giáo, văn hóa, và thành phần xã hội nào. Những
người đang làm việc cho hòa bình và công lý, nhà giáo dục, văn nghệ sỹ,
các nhà bảo vệ môi trường và các y bác sỹ, điều dưỡng viên đều sẽ được
truyền cảm hứng từ thiền sư Nhất Hạnh.
Vài trích dẫn nói về thiền sư Thích Nhất Hạnh
Năm 1967, mục sư Martin Luther King đã đề cử thiền sư Thích Nhất Hạnh
nhận giải Nobel Hòa bình. Mục sư nói: “Vị tu sỹ Phật giáo hiền từ
đến từ Việt Nam này là một học giả có khả năng hiểu biết vô biên. Những ý
kiến của thiền sư Nhất Hạnh về hòa bình, nếu được ứng dụng, hẳn sẽ xây
một tòa nhà cho chủ trương chung của Ki-tô giáo, cho tình huynh đệ thế
giới, cho nhân loại.”
Năm 2010, bé Luna, 10 tuổi nói: “Thầy tự tại, an lạc, hiểu biết, yêu
thương và tử tế. Thầy là nhân vật rất quan trọng trong đời cháu vì Thầy
đã tưới tẩm những hạt giống hạnh phúc của cháu.”
Oprah Winfrey, người Mỹ gốc Phi, là người dẫn chương trình trên truyền
hình nói: “Tôi tiếp xúc thiền sư Thích Nhất Hạnh trong giây lát …
tôi cảm thấy ý thức của ngài an nhiên, tự tại và ít căng thẳng. Bộ dạng
hết sức thanh thản dường như vây quanh vị thiền sư Phật giáo này.”
Sita Brand, thành viên phái Tiếp Hiện nói: “Chuyến hoằng pháp này
của thiền sư Thích Nhất Hạnh là cơ hội cho mọi người muốn tìm thấy sự an
lạc nhiều hơn trong chính họ. Một trong những mục tiêu quan trọng của
chuyến hoằng pháp này là đóng góp vào hòa bình và sự hiểu biết lẫn nhau
thông qua sự thực hành chính niệm.”
Blogger chuaphuclam (theo pressdispensary.co.uk)