Lễ Vu Lan bắt nguồn từ sự tích về lòng hiếu thảo của Ông Ma
Ha Một Ðặc Già La, thường gọi là Ðại Mục Kiền Liên, gọi tắt là Mục
Liên. Vốn là một tu sĩ khác đạo, về sau Mục Liên đã quy y và trở thành
một đệ tử lớn của Phật, đạt được sáu phép thần thông rồi được liệt vào
hạng thần thông đệ nhất trong hàng đệ tử của Phật. Sau khi đã chứng
quả A La Hán, Mục Liên ngậm ngùi nhớ đến mẫu thân, bèn dùng huệ nhãn
nhìn xuống các cõi khổ mà tìm thì thấy mẹ đã đọa vào kiếp ngạ quỷ (quỷ
đói) nơi địa ngục A Tì. Thân hình tiều tụy, da bọc xương, bụng ỏng đầu
to, cổ như cọng cỏ. Mẹ Mục Liên đói không được ăn, khát không được
uống. Quá thương cảm xót xa, Mục Liên vận dụng phép thần thông, tức
tốc đến chỗ mẹ. Tay bưng bát cơm dâng mẹ mà nước mắt lưng tròng. Mẹ Mục
Liên vì đói khát lâu ngày nên giật vội bát cơm mà ăn. Tay trái bưng
bát, tay phải bốc cơm nhưng chưa vào đến miệng thì cơm đã hóa thành
lửa. Mục Liên đau đớn vô cùng, khóc than thảm thiết rồi trở về bạch
chuyện với Ðức Phật để xin được chỉ dạy cách cứu mẹ.
Phật
cho Mục Liên biết vì nghiệp chướng của các kiếp trước mà mẹ ông mới
phải sanh vào nơi ác đạo làm loài ngạ quỷ. Một mình Mục Liên thì vô
phương cứu được mẹ dù ông có thần thông đến đâu và dù lòng hiếu thảo
của ông có thấu đến đất trời, động đến thần thánh. Phải nhờ đến uy đức
của chúng tăng khắp các nẻo đồng tâm hiệp ý cầu xin cứu rỗi cho mới
được. Bởi vậy, Phật dạy Mục Liên phải thành kính đi rước chư tăng khắp
mười phương về, đặc biệt là các vị đã chứng được bốn quả thánh hoặc đã
đạt được sáu phép thần thông. Nhờ công đức cầu nguyện của các vị này,
vong linh mẹ Mục Liên mới thoát khỏi khổ đạo. Phật lại dạy Mục Liên
sắm đủ các món để dâng cúng các vị ấy, nào là thức thức thời trân,
hương dâu đèn nến, giường chõng chiếu gối, chăn màn quần áo, thau rửa
mặt, khăn lau tay cùng các món nhật dụng khác. Ðúng vào ngày rằm tháng
7 thì lập trai đàn để cầu nguyện, thiết trai diên để mời chư tăng thọ
thực. Trước khi thọ thực, các vị này sẽ tuân theo lời dạy của Ðức Phật
mà chú tâm cầu nguyện cho cha mẹ và ông bà bảy đời của thí chủ được
siêu thoát. Mục Liên làm đúng như lời Phật dạy. Quả nhiên vong mẫu của
ông được thoát khỏi kiếp ngạ quỷ mà sanh về cảnh giới lành. Cách thức
cúng dường để cầu siêu đó gọi là Vu Lan bồn pháp, lễ cúng đó gọi là Vu
Lan bồn hội, còn bộ kinh ghi chép sự tích trên đây thì gọi là Vu Lan
bồn kinh.
Ngày rằm tháng 7 do đó được gọi là ngày lễ Vu Lan.
Vậy lễ này có phải cũng là lễ cúng cô hồn hay không ? Không ! Ðây là
hai lễ cúng khác nhau được cử hành trong cùng một ngày. Sự tích lễ cúng
cô hồn đại khái như sau : Cứ theo "Phật Thuyết Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ
Quỷ Ðà La Ni Kinh" mà suy thì việc cúng cô hồn có liên quan đến câu
chuyện giữa ông A Nan Ðà, thường gọi tắt là A Nan, với một con quỷ
miệng lửa (diệm khẩu) cũng gọi là quỷ mặt cháy (diệm nhiên). Có một
buổi tối, A Nan đang ngồi trong tịnh thất thì thấy một con ngạ quỷ
thân thể khô gầy, cổ nhỏ mà dài, miệng nhả ra lửa bước vào. Quỷ cho
biết rằng ba ngày sau A Nan sẽ chết và sẽ luân hồi vào cõi ngạ quỷ
miệng lửa mặt cháy như nó. A Nan sợ quá, bèn nhờ quỷ bày cho phương
cách tránh khỏi khổ đồ. Quỷ đói nói : " Ngày mai ông phải thí cho bọn
ngạ quỷ chúng tôi mỗi đứa một hộc thức ăn, lại vì tôi mà cúng dường Tam
Bảo thì ông sẽ được tăng thọ mà tôi đây cũng sẽ được sanh về cõi trên
". A Nan đem chuyện bạch với Ðức Phật. Phật bèn đặt cho bài chú gọi Là
"Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Ðà La Ni", đem tụng trong lễ cúng để được
thêm phước. Phật tử Trung Hoa gọi lễ cúng này là Phóng diệm khẩu, tức
là cúng để bố thí và cầu nguyện cho loài quỷ đói miệng lửa, nhưng dân
gian thì hiểu rộng ra và trại đi thành cúng cô hồn, tức là cúng thí cho
những vong hồn vật vờ không nơi nương tựa vì không có ai là thân nhân
trên trần gian cúng bái. Vì tục cúng cô hồn bắt nguồn từ sự tích này,
cho nên ngày nay người ta vẫn còn nói cúng cô hồn là Phóng diệm khẩu.
Có khi còn nói tắt thành Diệm khẩu nữa. Diệm khẩu, từ cái nghĩa gốc là
(quỷ) miệng lửa, nay lại có nghĩa là cúng cô hồn. Ðiều này góp phần
xác nhận nguồn gốc của lễ cúng cô hồn mà chúng tôi đã trình bày trên
đây. Phóng diệm khẩu mà nghĩa gốc là " thả quỷ miệng lửa ", về sau lại
được hiểu rộng thêm một lần nữa thành " tha tội cho tất cả những người
chết ". Vì vậy, ngày nay mới có câu : " Tháng bảy ngày rằm xá tội
vong nhân ".
Vậy lễ Vu Lan và lễ cúng cô hồn là hai lễ cúng
khác nhau. Một đằng thì liên quan đến chuyện ông Mục Liên, một đằng
lại liên quan đến chuyện ông A Nan. Một đằng là để cầu siêu cho cha mẹ
và ông bà bảy đời, một đằng là để bố thí cho những vong hồn không ai
thờ cúng. Một đằng là báo hiếu, một đằng là làm phước. Sự khác nhau
giữa hai bên là hiển nhiên, nhưng nhiều người vẫn cứ lẫn lộn. Chẳng hạn
trước đây, ông Thái văn Kiểm cho rằng lễ Vu Lan và lễ (xá tội) vong
nhân (fête des Trépassés) là một. Còn lễ cúng cô hồn (fête des âmes
errantes) và lễ xá tội vong nhân (Pardon des Trépassés) chính là một
thì ông lại xem là hai (X. Les fêtes traditionnelles Vietnamiennes,
B.S.E.I., t. XXXVI, no1, 1961, pp. 64-65). Mới đây, hai tác giả Thích
Minh Châu và Minh Chi cho rằng lễ Vu Lan là để cầu nguyện cho vong hồn
những người đã chết (Chúng tôi nhấn mạnh - HT) không còn phải đọa cảnh
khổ nữa (Từ điển Phật học Việt Nam, Hà Nội, 1991, tr. 795, mục Vu Lan
bồn). Nhưng đây không phải là " những người đã chết " nói chung vì như
đã biết, đó chỉ là cha mẹ cùng với ông bà bảy đời mà thôi.
Trở lên là nói về sự khác nhau giữa lễ cúng cô hồn với lễ báo hiếu,
thường gọi là lễ Vu Lan. Vu Lan là dạng tắt của Vu Lan bồn. Nhưng Vu
Lan bồn là gì ? Sau đây là lời giảng của Thích Minh Châu và Minh Chi : "
Bồn là cái chậu đựng thức ăn. Cái chậu đựng thức ăn đem cúng dường
chư tăng vào ngày rằm tháng 7 để cầu nguyện cho vong hồn những người đã
chết không còn phải đọa cảnh khổ nữa. Vu Lan dịch âm từ chữ Sanscrit
Ullabana, là cứu nạn treo ngược. Những người làm nhiều điều ác đức,
sau khi chết, phải thác sinh xuống những cõi sống rất khổ gọi là địa
ngục. Ở đây có một khổ hình là bị treo ngược (Sđd, tr. 795). Chúng tôi
sẽ dựa vào lời giảng này mà tìm hiểu về xuất xứ của mấy tiếng " Vu Lan
" và " Vu Lan bồn ". Lời giảng này có bốn điểm sai mà điểm sai thứ
nhất thì chúng tôi vừa mới chỉ ra ở những dòng cuối của đoạn trên.
Sau đây là điểm sai thứ hai : Nói bồn là cái chậu đựng thức ăn thì
không đúng vì bồn chỉ là một yếu tố phiên âm (sẽ phân tích rõ ở phần
sau) mà thôi. Nói rằng đó là " cái chậu đựng thức ăn đem cúng dường chư
tăng vào ngày rằm tháng 7 " thì lại sai theo một kiểu khác nữa. Chậu
là " đồ dùng thường làm bằng sành sứ hoặc kim loại, miệng rộng, lòng
nông, dùng để đựng nước rửa ráy, tắm giặt hoặc để trồng cây v.v..."
(Từ điển tiếng Việt 1992). Vậy đựng thức ăn trong loại đồ dùng đó mà
dâng lên cho chư tăng thọ thực là một hành động hoàn toàn thất nghi và
thất lễ. Thật ra, Phật đã dạy Mục Liên như sau :
Phải toan sắm sửa chớ chầy
Ðồ ăn trăm món trái cây năm màu
Lại phải sắm giường nằm nệm lót
Cùng thau, bồn, đèn đuốc, nhang dầu
Món ăn tinh sạch báu mầu
Ðựng trong bình bát vọng cầu kính dâng
(Diễn ca kinh Vu Lan bồn)
Thau, bồn (chậu) chỉ là những thứ phải dâng cho chư tăng trong dịp Vu
Lan để dùng trong việc rửa ráy, tắm giặt ... mà thôi. Còn thức ăn thì
phải " tinh sạch báu mầu, đựng trong bình bát " đàng hoàng lịch sự, chứ
có đâu lại đựng trong chậu.
Thật ra, trước Thích Minh Châu
và Minh Chi, cũng có những học giả đã giảng như trên, chẳng hạn Ðoàn
Trung Còn trong bộ từ điển lớn về Phật học hoặc Toan Ánh trong bộ sách
dày về nếp cũ. Ðây là một cách giảng lệ thuộc vào cái sai của sách vở
Trung Hoa. Từ Nguyên chẳng hạn, đã giảng về mấy tiếng Vu Lan bồn như
sau : " Nói lấy chậu đựng trăm thức để cúng dường chư Phật " (Vị dĩ
bồn trữ bách vị cung dưỡng chư Phật).
Ðiểm sai thứ ba là đã
theo cái sai của những người đi trước mà giảng Vu Lan thành " cứu nạn
treo ngược", vì thấy từ điển Trung Hoa giảng Vu Lan bồn là " cứu đảo
huyền ". Thật ra, khi Từ Nguyên chẳng hạn, giảng Vu Lan bồn thành " cứu
đảo huyền " là đã mượn hai tiếng "đảo huyền " trong sách Mạnh Tử.
Trong sách này, có cú đoạn " Dân chi duyệt chi do Giải đảo huyền dã"
nghĩa là "như giải thoát khỏi sự khốn khổ tột cùng vậy ". Chính Từ
Nguyên cũng đã giảng " đảo huyền " là sự khốn khổ tột cùng (khốn khổ
chi thậm). Vậy " cứu đảo huyền " không phải là " cứu nạn treo ngược "
mà lại là " giải thoát khỏi sự khốn khổ tột cùng ". Hai tiếng " đảo
huyền " ở đây không còn được hiểu theo nghĩa đen nữa. Nghĩa của chúng ở
đây cũng giống như nghĩa của chúng trong thành ngữ " đảo huyền chi tế "
là tình cảnh khốn khó, chứ không phải là " cảnh bị treo ngược ".
Ðiểm sai thứ tư là ở chỗ nói rằng danh từ Sanscrit "Ullabana " có
nghĩa là " cứu nạn treo ngược ". Trước nhất, cần nói rằng từ Sanscrit
này đã bị viết sai. Vậy không biết ở đây hai tác giả muốn nói đến danh
từ Sanscrit nào, nhưng cứ theo dạng sai chính tả đã thấy thì có thể
luận ra rằng đó là một trong hai từ sau đây : Ullambana hoặc
Ullambhana. Ở đây, xin phân tích từ thứ nhất: Ullambana gồm có ba hình
vị : ud (trở thành ul do quy tắc biến âm samdhi khi d đứng trước l) là
một tiền tố, thường gọi là tiền động từ (préverbe) chỉ sự vận động từ
dưới lên, lamb là căn tố động từ có nghĩa là treo và ana là hậu tố chỉ
hành động. Vậy Ullambana có nghĩa là sự treo lên. Nhưng tất cả chỉ có
như thế mà thôi ! Từ Sanscrit này không hề diễn đạt cái ý treo ngược
hoặc treo xuôi gì cả. Nó lại càng không thể có nghĩa là " cứu nạn treo
ngược " được.
Trở lên, chúng tôi đã nêu ra những điểm sai
trong lời giảng của Thích Minh Châu và Minh Chi về hai tiếng "Vu Lan
". Vậy đâu là xuất xứ và ý nghĩa đích thực của hai tiếng này ? Trước
nhất, Vu Lan là dạng nói tắt của " Vu Lan bồn ". Ðây là ba tiếng đã
được dùng để phiên âm danh từ Sanscrit Ullambhana. Từ này thoạt đầu đã
được phiên âm bằng bốn tiếng Hán đọc theo âm Hán Việt là Ôlambàna.
Dạng phiên âm cổ xưa này đã được Từ Hải khẳng định. Về sau, Ôlambàna
được thay thế bằng dạng phiên âm mới là " Vu Lan bồn", trong đó Vu
thay thế cho Ô, lan cho lam và bồn cho bà + n (a). Vì " Vu Lan bồn "
chỉ là ba tiếng dùng để phiên âm, cho nên từng tiếng một (Vu, Lan, bồn)
hoàn toàn không có nghĩa gì trong Hán ngữ cả. Do đó, tách bồn ra mà
giảng thành " cái chậu đựng thức ăn " như hai tác giả Thích Minh Châu
và Minh Chi đã làm là hoàn toàn không đúng.
Ullambhana có
nghĩa là sự giải thoát. Danh từ Sanscrit này có ba hình vị: Tiền tố ud
(trở thành ul vì lý do đã nói), căn tố động từ lambh và hậu tố ana. Xin
nói rõ về từng hình vị : Không giống như trong Ullambana, ở đó nó chỉ
sự vận động từ dưới lên. Trong Ullambhana, tiền tố ud chỉ ý phủ định
hoặc đối lập, thí dụ : chad (che, bọc, phủ), dv (đối với), uc-chad (cởi
quần áo), khan (chôn), đv ut-khan (moi lên), gam (đi), đv ud-gam (đi
ra), nah (trói, buộc), đv un-nah (cởi trói) v.v... Trong những thí dụ
trên, ud trở thành uc, ut, un do quy tắc biến âm samdhi. Còn các căn
tố động từ thì được ghi bằng chữ in hoa theo truyền thống khi chúng
được tách riêng. Căn tố động từ lambh là hình thái luân phiên với labh,
có nghĩa là lấy, chiếm lấy, nắm bắt ... Vậy Ul-lambh có nghĩa là giải
thoát. Hậu tố ana chỉ hành động có liên quan đến ý nghĩa mà tiền tố và
căn tố động từ diễn đạt. Vậy Ullambhana có nghĩa là sự giải thoát.
Ullambhana được phiên âm sang Hán ngữ bằng ba tiếng dọc theo âm Hán
Việt là " Vu Lan bồn ". Vu Lan bồn được nói tắt thành Vu Lan. Vậy Vu
Lan là sự giải thoát. Xuất xứ của nó là danh từ Sanscrit Ullambhana.
Ðây là từ thứ hai trong hai từ mà chúng tôi đã suy đoán ở trên. Trong
cấu tạo của từ này, tuyệt nhiên cũng không có một thành tố nào mà về
ngữ nghĩa lại có liên quan đến hiện tượng " treo ngược " cả.
Trở lên, dù sao cũng chỉ là ý kiến thô thiển của một cá nhân. Ðúng hay
sai, xin được sự thẩm xét của các nhà chuyên môn, trước nhất là các
nhà Phật học và các nhà Phạn học.