Chữ Hiếu trong thời đại công nghệ
20/08/2013 23:52 (GMT+7)

Ngày lễ Vu lan là dịp để mọi người lắng lòng như thế, để suy ngẫm từ trong tâm can tiếng thở dài cô đơn của cha mẹ

Đức Phật dạy: "Có hai hạng người, này các Tỷ-kheo, Ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai? Mẹ và Cha. Nếu một bên vai cõng mẹ, này các Tỷ-kheo, một bên vai cõng cha, làm vậy suốt trăm năm, cho đến trăm tuổi; nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gội, và dầu tại đấy, mẹ cha có vãi tiểu tiện đại tiện, như vậy, này các Tỷ-kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha”.

Một bức tranh minh họa về sự mai một của chữ hiếu thời @ - Tranh: LEO (từ internet)

Đạo Phật đã để lại cho đời ngày lễ Vu lan sáng ngời đạo hiếu, do sự tích ngài Mục Kiền Liên đại hiếu với mẹ: Nhờ phép thần thông, ngài thấy rõ mẹ mình phải làm ngạ quỷ, bị đói khát, khổ sở, do trước đây đã gây nhiều nghiệp ác; ngài liền thưa Đức Phật và xin thỉnh ý làm thế nào để mẹ mình được giải thoát, Phật dạy, nghiệp của bà quá nặng, chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư Tăng khắp mười phương chú nguyện mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng Bảy là ngày chư Tăng tự tứ, đó là lúc thích hợp để cung thỉnh chư Tăng, con hãy sắm sửa lễ trai tăng thành kính cúng dường”. Ngài đã thực hiện đúng như thế, và mẹ ngài đã thoát khỏi địa ngục.

Nhìn trong lịch sử, cũng như trong xã hội, rất nhiều gương sáng về thực hiện đạo hiếu. Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, tôi ghi nhớ hạnh hiếu của Tổ Liễu Quán đối với cha. Ngài sớm mồ côi mẹ lúc 6 tuổi. Năm 12 tuổi, ngài được cha dẫn đi lễ Phật tại chùa Hội Tôn (Phú Yên), tại đây Thiền sư Tế Viên (người Trung Hoa) tỏ ra thương mến ngài, và ngài sớm có duyên may cầu đạo. Ngài tu tại chùa Hội Tôn được 7 năm thì bổn sư viên tịch. Ngài lên đường ra Huế tiếp tục tu học, làm đệ tử của Thiền sư Giác Phong (người Trung Hoa) ở chùa Hàm Long (chùa Báo Quốc ngày nay). Một năm sau (1691), được tin cha đau nặng, ngài đi bộ trở về quê Phú Yên nuôi nấng, hết lòng chăm sóc thuốc thang cho cha, lấy nghề kiếm củi sống qua ngày. Bốn năm sau, cha mất. Ngài lại trở ra Huế, tiếp tục cầu sư học đạo, lập thảo am tu thiền tại vùng núi Thiên Thai (Huế), ngộ Chánh pháp, đi khắp nơi hoằng dương Chánh pháp, mở nhiều đại giới đàn, và sáng lập dòng thiền Lâm Tế của Việt Nam, từ đó dòng thiền này phát triển rực rỡ ở miền Trung và miền Nam.

Ngày nay, khoa học và công nghệ phát triển không ngừng, đời sống vật chất và tinh thần được nâng cao, con người hưởng thụ không biết bao nhiêu là tri thức, tiện nghi và khoái cảm. Tuy thế, trước làn sóng văn minh vật chất lôi cuốn con người, trước lối sống công nghiệp đòi hỏi tuân thủ quy trình hoạt động gần như máy móc, trước những tệ nạn xã hội ngày càng phát triển, đời sống gia đình và cá nhân bị xao động, các giá trị truyền thống bị thách thức, các quan hệ tốt đẹp trước đây giữa người và người có phần phai nhạt. Thực tế xảy ra ngoài xã hội được phản ánh trên báo chí và các phương tiện truyền thông đầy những hiện tượng đau lòng như con giết cha, chồng giết vợ, vợ thủ tiêu chồng, con cái xử tệ với cha mẹ, nạn bạo hành trong gia đình… Dư luận chính trực trong xã hội cảnh báo nguy cơ đạo đức suy đồi, tuy nhiên xã hội dầu sao vẫn tồn tại trên cơ sở của cái thiện, và chữ hiếu vẫn là hàng đầu đối với đại đa số người dân. Chỉ có điều, nền tảng gia đình ngày nay đã thay đổi khá nhiều và việc con cái thể hiện đạo hiếu cũng khác trước.

Trước hết, quy mô gia đình gọn đi, vì số con ít, con trưởng thành thì phần lớn làm ăn xa, và theo trào lưu phương Tây, cha mẹ con cái có khuynh hướng sống biệt lập nhau, dầu là chung mảnh đất, dầu là chung nhà. May mắn lắm, gia đình có ba thế hệ, san sẻ, thương yêu, ông bà vui vầy với con cháu, con cái đi làm vẫn ân cần với cha mẹ và con trẻ là niềm hạnh phúc chung của cha mẹ và ông bà. Trường hợp như thế không nhiều, ngược lại, dễ nhận thấy cha mẹ già sống buồn tẻ trong ngôi nhà mà con cái đi xa, bi đát hơn, một trong hai ông bà quá vãng, để lại ngậm ngùi cho người ở lại nhớ thương người xưa, cảnh cũ. Ngoại trừ con cái đi xa quá sức cực khổ, nói chung, con cái đều lo cho cha mẹ miếng cơm manh áo, che chắn, xây dựng nhà cửa, sắm ti-vi, đầu video để cha mẹ tiêu khiển… và không quên trong thời đại ngày nay, ông bà già cũng cần điện thoại di động lắm chứ!

Hiển nhiên cái a-lô này là trung gian hữu ích vô cùng, là sợi dây liên lạc thiết yếu giữa cha mẹ và con cái ở xa. Nhờ điện thoại di động, cha mẹ biết được hoàn cảnh sinh sống của con cháu, ngược lại con cái phần nào nắm được thông tin về cha mẹ già, nhất là khi gió mùa Đông bắc về, hoặc khi mưa gió lũ lụt, hoặc bất thường có biến chứng. Đáng quý thay cái a-lô chuyên chở giọng nói và tình cảm giữa những người thân, nhờ đó ông bà già nở nụ cười hí hửng suốt ngày. Nhưng dầu sao, cha mẹ vẫn mong ước con trở về đoàn tụ, dầu chỉ trong ba ngày Tết. Mong ước bình thường đó, tiếc thay không phải ai cũng thực hiện được, vì con cái làm ăn chật vật, chưa đủ tiền về quê, hoặc vì lý do cá nhân nào đó. Vậy thì cha mẹ chỉ mong tiếng nói của con từ xa gửi về thăm, chúc Tết. Hình ảnh người cha như thế, may mắn tôi bắt gặp trong truyện ngắn, thật giản dị và cảm động: "Chờ một cuộc gọi”, của tác giả Chí Nhít Phước, được đăng trên báo Tuổi Trẻ  ngày 29-1-2012:

Ông Năm sống một mình. Ba đứa con trưởng thành và đi làm ăn ở Sài Gòn, tất cả đã lập gia đình. Vợ mất sớm, ông Năm nhờ vườn cà-phê mà nuôi con khôn lớn. Ông còn nuôi thêm Túc, con của một người bạn đói nghèo ở tận quê miền Trung. Túc giúp ông Năm chăm sóc vườn cà-phê. Lúc chưa có gia đình thì năm nào các con ông Năm cũng về ăn Tết với cha. Từ lúc chúng lấy vợ lấy chồng, ngày Tết trong nhà ông Năm vắng dần. Đến Tết này anh Thắng đưa vợ con đi Trung Quốc chơi. Chồng chị Thảo trúng thưởng một chuyến du lịch vịnh Hạ Long, bỏ thì phí. Anh Hùng có hứa về nhưng vợ sinh sớm nên không đi đâu được. Tội cho ông Năm, như thế Tết này ông chỉ gặp được các con qua… điện thoại di động. Và ông cứ kè kè chiếc điện thoại bên mình từ 23 tháng Chạp ông Táo về trời, sợ để xa, con gọi mà sơ ý không nghe.

Thời đại công nghệ có làm khoảng cách cha mẹ, con cái xa ra?

Đêm giao thừa, pháo hoa đì đùng và bừng sáng trên ti-vi, tiếp đến là chương trình ca nhạc mừng xuân rộn ràng. Ông Năm chẳng thiết tha gì đến ti-vi, cứ để ý điện thoại di động, rồi nhìn đồng hồ. May có tin nhắn, anh Thắng chúc Tết. Ông tiếp tục chờ hai đứa kia... cho đến một giờ sáng.

 Đến 9 giờ sáng mồng một Tết, chị Thảo nhắn tin, và mãi đến ba giờ chiều mồng một, ông Năm mới nhận được lời chúc Tết của anh Hùng, nhưng cũng chỉ là một tin nhắn. Nhìn vẻ mặt, Túc biết ông không được vui. Có lẽ ông muốn được nghe giọng nói của các con hơn là những tin nhắn. Chần chừ một lúc, Túc gợi ý: "Hay là bác gọi cho mấy anh chị”. Ông Năm cười nhẹ, lấy chiếc điện thoại trong túi áo ra, nghĩ sao rồi lại nhét trở lại. Ông Năm đứng lên: "Tao qua nhà ông Bảy chúc Tết, mày có đi đâu thì khóa cửa lại nha”. Túc nhìn theo dáng ông Năm bước ra ngoài. Tay ông vẫn giữ chặt chiếc điện thoại trong túi áo.

*

Ông Năm điềm tĩnh nuốt nỗi buồn vào trong. Giá như các con hiểu ý ông: khó khăn gì một cuộc điện thoại trong giờ phút giao thừa thiêng liêng? Sao đến sáng và chiều mồng một mới gửi tin nhắn mà không nói điện thoại? Làm sao một vài câu ngắn ngủi trên màn hình điện thoại có thể thay thế câu chuyện, giọng nói và tình cảm giữa cha con, nhất là vào ngày Tết  ấm áp tình gia đình? Không lẽ chúng ngại mất thì giờ, và cho rằng hình thức nào cũng là thăm hỏi? Hay là… giờ cao điểm đêm giao thừa và sáng mồng một, đường truyền bị kẹt?

Khoa học và công nghệ càng phát triển thì khoảng cách giữa cha mẹ già và con cái càng xa. Một bên lững thững lui tới trong nhà với nỗi cô đơn không được con đoái hoài, một bên tất bật lo toan cuộc sống và hưởng thụ tiện ích của internet, laptop, iPad, điện thoại thông minh... để nhìn thế giới và người thân qua trung gian những hiển thị trên màn hình. Những tiện ích như điện thoại, tin nhắn, e-mail, facebook… đem lại niềm vui cho những người kết nối, thu hẹp khoảng cách địa lý giữa những người thân, nhưng lâu ngày dễ khiến cho người trẻ an tâm sử dụng công cụ mà không thấy nhu cầu vô cùng lớn lao của cha mẹ già mong được gặp con, cũng như nhu cầu sống trong giao tiếp thực sự qua lời nói, ánh mắt và nụ cười của những người thân sơ.

Lớp trẻ cứ sống hoài trong thế giới ảo có thể làm cho chúng lạnh nhạt tình cảm với người khác, cũng như thế, những vật vô tri "thông minh” kia không khéo cũng là rào cản giữa con cái và cha mẹ.

Vậy thì, trong cuộc đời bon chen và hối hả này, những giây phút lắng lòng rất cần thiết đối với mọi người, đặc biệt là giới trẻ. Có lắng lòng, có phản tỉnh thì tâm mới bớt quay cuồng, tình cảm mới trong sáng, từ bi mới hé lộ. Ngày lễ Vu lan là dịp để mọi người lắng lòng như thế, để suy ngẫm từ trong tâm can tiếng thở dài cô đơn của cha mẹ, để bậc sinh thành không khỏi bùi ngùi vì vô vọng chờ cuộc gọi của con cái ở xa; và hơn thế nữa, tự hứa với lòng mình: Tết đến con sẽ về!

Cao Huy Hóa

Các tin đã đăng: