Một năm Phật Giáo có hai lễ hội
thắp nến đó là Pháp Hội Dược Sư thắp đèn Diên mạng cầu an đầu năm, trong
dân gian có Tiết Thượng Nguyên có hội đèn lồng tết Nguyên Tiêu. đến
tháng bảy pháp hội Vu Lan Bồn, thả đèn hoa sen để cầu nguyện cho chư
hương linh siêu sanh cực lạc, trong dân gian gọi là Tiết Trung Nguyên,
Quỷ tiết Phóng Hà Đăng siêu độ âm hồn.
Đốt đèn thả xuống sông cầu nguyện là tập
tục lâu đời có nguồn gốc từ Ấn Độ, những tín đồ của Đạo Bà La Môn, họ
đốt đèn thả xuống sông Hằng và các ao hồ linh thiêng, để cầu nguyện Thần
Linh phù hộ, Phật Giáo tiếp nhận tập tục này đưa vào trong nghi thức
cầu siêu “Vu Lan Bồn” và nghi thức này được các vị truyền giáo đại sư
đem truyền vào Đông Độ.
Tính chất đạo đức và nhân văn của nghi
thức này phù hợp với quan niệm đạo đức của người Đông Độ, nên rất nhanh
chóng được chấp nhận và dần dần trở thành một nghi tiết quan trọng luôn
được thực hiện trong lễ hội “Tiết Trung Nguyên Phổ Độ” đại lễ Vu Lan Báo
Hiếu Phật Giáo Bắc Truyền, trong sách Đế Kinh Tế Thời Kỷ Thắng, phần
Trung Nguyên chép: “Mỗi năm đến tiết trung nguyên khởi kiến Đạo Tràng Vu
Lan Bồn, từ ngày 13 cho đến ngày 15 đều làm lễ đốt đèn thả xuống
sông…”.
Trong sách Đài Loan Đại Bách Khoa Toàn
Thư chép: “Rằm tháng bảy âm lịch, tín đồ Phật Giáo cử hành nghi thức
khánh chúc Pháp hội Vu Lan Bồn, đồng thời đây cũng là lễ tiết trung
nguyên của người Đông Độ cúng tế tổ tiên. Pháp Hội Vu Lan Bồn là kỷ niệm
ngày Mục Kiền Liên Tôn Giả cứu mẹ, đây cũng là ngày hội hoằng dương Đạo
Hiếu, và khuyến tấn Phật tử học tập theo hạnh hiếu của Tôn Giả Mục
Liên. Pháp hội này được dân gian cử hành rất trọng thể và nhiều tiết
mục, như làm Thuyền Pháp, đốt Liên Hoa Đăng, phóng Hà Đăng, cúng bái Tổ
tiên .v.v...”.
Trong Hô Lan Hà Truyện có chép về ý
nghĩa của nghi thức thả đèn liên hoa cầu nguyện trong lễ Vu Lan như:
“ngày rằm tháng bảy là ngày hội của các vong hồn, các oan hồn chết oan
uổng, hay nghiệp báo nặng nề phải thọ khổ ở địa ngục, không thể siêu
thoát được, trong cảnh giới địa ngục âm u đen tối, không tìm được đường
ra, nếu muốn siêu thoát cần phải có ánh sáng trí tuệ để dẫn đường. Đến
ngày rằm tháng bảy, lễ hội Vu Lan, các vong linh nhờ các ngọn đèn liên
hoa dẫn đường, nương theo ánh sánh của Phật mà vãng sanh Tịnh độ.”.
Đèn Hoa Sen là vật cúng dường quan trọng
trong đại lễ này, vì hoa đăng tượng trưng cho trí huệ, diệt trừ u ám,
lấy đèn trí tuệ để chiếu sáng chính mình cũng như mọi người, và đem ánh
sáng trí tuệ của Phật soi sáng cỏi u minh độ cho các âm linh siêu sanh
về cỏi Tịnh độ. Trong Thiên Giám Luận Đàn chép: “Đốt sáng đèn liên hoa
thả xuống nước, để chiếu sáng cỏi u minh, siêu độ các vong hồn ngạ quỷ.”
Đèn để phóng đăng thường làm theo hình
dáng hoa sen nên có tên Liên Hoa Đăng, đây là một kiểu dáng đèn của Phật
Giáo khác với kiểu đốt nến thả trôi sông của Bà La Môn Giáo, vì Phật
Giáo quan niệm “Diệu Pháp Liên Hoa” hoa sen có 4 đức: 1. Hương thơm, 2.
Thanh tịnh không ô nhiễm, 3. Nhu nhã hòa hợp, 4. Khả ái trang nghiêm; vì
hoa sen mang đầy đủ tính chất tượng trưng của Đạo Phật nên dùng hình
dáng này làm hoa đăng.
Trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương Phật dạy:
“Ta là Sa Môn, ở trong đời uế trược, nên phải như hoa sen, không bị ô
nhiễm...”, thứ nữa hoa sen là loại hoa thể hiện đức tính đại từ đại bi
của Quán Thế Âm Bồ Tát, Ngài thường được xưng tán là “Liên Hoa Vương”,
cho nên dùng loại hoa này làm hình dáng của đèn, để thể hiện tinh thần
cứu khổ độ sanh của Đạo Phật.
Trong kệ Hồi Hướng có câu: “Nguyện sanh
về trong cỏi Tịnh Độ ở Tây Phương, chín phẩm sen vàng là cha mẹ, hoa nở
thấy Phật ngộ được pháp vô sanh, kết bạn cùng với chư vị Bồ Tát bất thối
chuyển.”, và đây cũng là tâm nguyện ý nghĩa chính của nghi thức phóng
liên hoa đăng, cầu nguyện cho người đã khuất, nương theo hoa sen thanh
tịnh thác sanh về cảnh giới của Đức Phật A Di Đà, nên lấy hình dáng hoa
sen làm đèn là cụ túc ý nghĩa nhất.
Nghi thức Phóng Liên Đăng được truyền
vào Đông Độ rất sớm và người khởi xướng hoằng dương nghi thức này là Vua
Lương Võ Đế thời Nam Triều của Trung Quốc, trong sách Đế Vương Dữ Phật
Giáo chép: “Đời Nhà Lương niên hiệu Đại Đồng thứ 4 (538), Vua Lương Võ
Đế đến chùa Đồng Thái, thiết lễ Vu Lan Bồn Trai, cúng dường trai tăng,
siêu độ vong linh, trong lễ Vu Lan này, lần đầu tiên có tổ chức lễ thả
đèn hoa sen xuống phóng sanh trì, để cầu siêu độ cho các vong linh...”,
ban đầu nghi thức này chỉ do chư Tăng trong pháp hội đem đèn thả xuống
ao phóng sanh trong chùa, dần dần được truyền ra dân gian phát triển
thành lễ hội phóng đăng xuống các sông hồ ở các địa phương, từ đó nghi
thức này được lưu hành trong Phật Giáo cũng như dân gian.
Đến thời nhà Đường thì nghi thức Phóng
Đăng trong Phật Giáo đạt đến cực thạnh, truyền đi khắp các nước có Phật
Giáo Bắc Truyền. Trong sách Đế Kinh Cảnh Vật Lược chép: “Ngày 15 tháng
7, các chùa đều mở hội Vu Lan Bồn, buổi tối đều có đốt đèn thả xuống
sông, nghi thức này được gọi là Phóng Hà Đăng…”. Đến đời Tống thì triều
đình quy định trong tiết Trung Nguyên tất cả các nơi đều phải làm lễ đốt
đèn liên hoa thả xuống sông, tế độ cô hồn, chân tế bạc độ chư âm linh,
diễn kịch Mục Liên cứu mẹ.v.v…
Ở Việt Nam trong Đại Lễ Vu Lan, lễ cầu
siêu tháng bảy chúng ta thường thấy có nghi thức đốt đèn cầu nguyện, hay
là pháp hội Phóng Đăng, thả đèn hoa sen xuống sông hồ để cầu siêu cho
người đã khuất, đây là một nghi thức truyền thống có nguồn cội từ Phật
Giáo được truyền vào Việt Nam từ rất sớm theo truyền thuyết cho rằng do
các vị Phạm Tăng truyền đến Việt Nam.
Phong tục đốt đèn quang minh, thả đèn
bay lên trên trời, hay đem đèn thả xuống sông hồ để cầu bình an hay cầu
nguyện cho người đã khuất trong những nghi thức Đại Lễ của Phật Giáo,
nghi thức giàu tính nhân văn này khi được truyền vào Việt Nam nhanh
chóng được Dân tộc Việt chấp nhận và dần trở thành nếp văn hóa truyền
thống mang tính đạo đức dân tộc của người Việt Nam, được lưu truyền rất
là rộng rãi và những phong tục ấy vẫn còn được truyền lại cho đến ngày
nay.
Thời Lý Trần có hội đèn Quảng Chiếu cầu
quốc thái dân an vào đầu năm luôn được triều đình đứng ra tổ chức. Trong
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư cũng có ghi vào năm Canh Tý (1120): “Mùa Xuân,
tháng Hai, mở hội đèn Quảng Chiếu” và vào năm Bính Ngọ (1126) “Mùa Xuân
tháng Giêng, mở hội đèn Quảng Chiếu bảy ngày đêm. Tha người có tội ở phủ
Đô Hộ, xuống chiếu cho sứ thần của Chiêm Thành xem”.
Trong sách Đại Việt Sử Lược ghi vào năm
Canh Dần (1110): “Mùa Xuân tháng Giêng, tổ chức hội đèn Quảng Chiếu ở
ngoài cửa Đại Hưng” và trong văn bia Sùng Thiện Diên Linh cũng có mô tả
khá chi tiết về lễ kỳ an - hội đèn Quảng Chiếu.v.v... qua đó cho ta thấy
phong tục đốt đèn trong các dịp đại lễ đã trở thành nếp văn hóa truyền
thống của dân tộc Việt Nam.
Việt Nam còn có các điệu múa về hoa đăng
như múa “Bài Bông” múa “Lục Cúng Hoa Đăng”.v.v...qua đó cho ta thấy tục
đốt đèn cúng dường hay để cầu nguyện của Phật Giáo đã đi sâu vào truyền
thống Văn hóa nghi thức Phật Giáo Việt Nam và văn hóa truyền thống Dân
Tộc Việt Nam.
Những năm gần đây nghi thức phóng đăng
được phục hồi và được tổ chức quy mô vô cùng hoành tráng trong các dịp
Đại lễ như Đại Lễ Phật Đản, Đại Lễ Vu Lan và trong các Đại lễ kỳ siêu
trong cả nước, “Uống nước nhớ nguồn” thắp nến tri ân, thả hoa đăng cầu
nguyện cho chư anh linh siêu thoát là một trong những nếp văn hóa vô
cùng đẹp của Dân Tộc Việt Nam, đồng thời thể hiện sự tiếp nối nếp đẹp
đạo đức gia phong của Dân Tộc Việt Nam ngàn đời và mãi mãi.
(chuaminhthanh.com)