Đức Phật dạy tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật. Lời dạy ấy đã nhắc nhở chúng ta tầm quan trọng của tâm hiếu, hạnh hiếu trên bước đường tu; nhưng thực hiện tâm hiếu, hạnh hiếu như thế nào cho đúng Chánh pháp để cha mẹ và ta đều được lợi lạc.
Rồi sẽ có một ngày ta khóc mẹ, khi áo mình màu trắng được cài lên - Ảnh minh họa
Khi cha mẹ còn tại thế, chúng ta săn sóc, cung phụng đầy đủ những nhu cầu vật chất trong cuộc sống thường nhật. Bên cạnh việc chăm sóc về tiện nghi vật chất, tình thương yêu, lo lắng phát xuất tự đáy lòng của người con hiếu thảo mới thực sự là ngọn lửa sưởi ấm lòng cha mẹ, làm cho cha mẹ an vui trong những tháng ngày còn lại. Vì thực tế, có những gia đình giàu có, cha mẹ nào có thiếu đồ ăn, thức uống; nhưng các cụ hòa cơm với nước mắt, nuốt buồn phiền, đắng cay hàng ngày.
Món ngon vật lạ kèm theo tình cảm lạnh nhạt, hắt hủi của đứa con bất hiếu, có lẽ nếu đánh đổi lấy cuộc sống đạm bạc, nhưng tràn đầy tình thương hiếu thảo, thì bất cứ ai cũng sẵn sàng. Chúng ta cũng từng thấy không ít gia đình khó khăn vật chất, mà cuộc sống đơn sơ của họ vẫn ấm áp tình người, rực sáng hạnh phúc, nhờ ở lòng hiếu thảo và việc làm hiếu đễ của con cái dành trọn vẹn cho cha mẹ, ông bà.
Chăm sóc, thương yêu cha mẹ là điều quý, cần thiết. Nhưng thực hiện tinh thần Phật dạy, làm cho cha mẹ kết duyên với Phật pháp, kính tin Tam bảo, mới thực sự quan trọng và là cách báo hiếu có lợi ích lớn lao, dài lâu cho cha mẹ ta. Thông thường, có người thương cha mẹ, sẵn sàng đáp ứng những gì các cụ muốn, kể cả không từ chối làm các việc ác. Tạo ác nghiệp để có tiền của lo cho cha mẹ, thì càng lo bao nhiêu, càng làm cho cha mẹ tăng trưởng lòng tham, nuôi lớn niệm ác bấy nhiêu. Và đến lúc không đáp ứng nổi đòi hỏi, vì phước báo của ta có giới hạn, mà nghiệp của cha mẹ quá lớn, nên làm họ bực hơn nữa, để rồi chất chứa buồn phiền, khổ đau.
Sống khổ, chết đọa là điều tất yếu, vì ác nghiệp sẽ dẫn thần thức tái sanh vô ba đường ác. Cách báo hiếu như vậy hoàn toàn sai lầm.
Báo hiếu theo Phật dạy, chúng ta tìm cách tác động cho cha mẹ kính tín Tam bảo và phát tâm sống theo Chánh pháp. Nhờ tụng kinh, niệm Phật, nghe pháp, buồn phiền của họ tạm lắng yên, tâm hồn nhẹ nhàng an vui, vì chúng ta biết rõ pháp Phật có công năng rửa sạch phiền não trần lao. Khi đã hướng tâm về Tam bảo, vui được với pháp, với bạn đạo, với cảnh chùa, giúp họ nhận ra những việc làm cần thiết cho quãng đời còn lại, trước khi từ bỏ huyễn thân. Từ đó, ý thức cái vô thường sắp đến, phải lo chuẩn bị hành trang đi về thế giới khác, nên không còn đòi hỏi, ham muốn nhiều, không còn bực bội, khó khăn với con cái.
Nói cách khác, khi cha mẹ phát tâm tu, khắc phục được nghiệp, không buồn phiền, than vãn, thì phước lạc tăng trưởng, tâm hồn vui tươi, chẳng mong cầu mà cuộc sống vẫn dư dả. Sống cuộc đời đạo đức, tâm hồn thanh thản, thì khi nhắm mắt lìa đời, họ có thể sanh về thế giới an lành.
Khi cha mẹ mãn phần, chúng ta báo hiếu bằng cách chuẩn bị vấn đề tái sanh. Thân tứ đại không còn, nên chúng ta chỉ quan tâm đến tinh thần, tức nhắm vô Thức uẩn của họ. Chúng ta dẫn dắt thần thức hay ý niệm của cha mẹ hướng về điều thánh thiện, đó là điều kiện để đưa họ tái sanh vào thế giới an lành. Theo Phật dạy, khi sanh tiền nếu tạo nhiều ác nghiệp, lúc chết, chưa sanh được về thế giới lành, còn hiện hữu ở dạng trung ấm thân.
Tượng Bồ-tát Địa Tạng tại chùa Huê Nghiêm (Q.2) - Ảnh: Bảo Toàn
Trong bốn mươi chín ngày, chúng ta phải dốc lòng chuyên tâm tụng kinh, lễ sám, bố thí, cúng dường, làm các việc phước thiện để cầu nguyện cho hương linh. Dùng tâm an tịnh trong pháp và tâm hoan hỷ với việc thiện để nghĩ tưởng đến hương linh, gợi nhắc họ nhớ đến việc thiện mà họ đã làm trong đời, nhớ lại pháp Phật quý báu, cùng cảnh giới an vui giải thoát. Thần thức nghĩ nhớ được như vậy, chắc chắn sẽ tái sanh về cõi thiện.
Đặc biệt là chúng ta cúng dường các bậc cao tăng, nhờ các ngài chú nguyện để trợ lực, hồi hướng công đức cho trung ấm thân của người quá cố. Nương nơi thần lực gia trì phát xuất từ tâm thanh tịnh và đức độ của các ngài, trung ấm thân dễ xả bỏ được nghiệp ác hơn và vãng sanh về thế giới tốt đẹp. Trái lại, không làm điều thiện hồi hướng cho cha mẹ, mà lại sát sanh hại vật để cúng tế, chẳng lợi ích gì vì tốn kém, nhưng cha mẹ không hưởng được, còn phải gánh thêm ác nghiệp.
Ngoài ra, Đức Phật còn dạy, ngay như đối với cha mẹ quá vãng bảy đời bị đọa vào ba đường ác hay đã sanh lại chốn nhân thiên, việc làm lành, làm phước của chúng ta hồi hướng cho họ vẫn tạo kết quả lợi lạc. Vì trong vô hình, sự liên hệ về tình cảm sâu đậm của ta dồn vào việc thiện để cầu nguyện cho người thân chẳng khác gì hệ nối mạng sẽ tác động đến tâm người thân đã tái sanh, khiến họ cũng hướng về thế giới thiện, thoát khỏi kiếp lầm than.
Tóm lại, mùa Vu lan báo hiếu đã đến, hình ảnh thân thương của cha mẹ, ông bà ngày nào như sống dậy mãnh liệt trong tâm trí những người con hiếu thảo. Người có phước duyên còn được cha mẹ bên cạnh, hãy giữ gìn, chăm sóc tâm hiếu, hạnh hiếu cho đúng pháp Phật dạy để tạo dựng một gia đình phước lạc, đầm ấm. Những người không còn được chở che trong tình thương vô giá của cha mẹ, hãy nỗ lực tu hành, tạo thật nhiều công đức, phước thiện để hồi hướng đến cha mẹ, mới mong cứu vớt họ khỏi chốn tam đồ, hoặc gieo trồng thêm căn lành, phước thiện cho họ ở chốn nhân thiên.
Đối với hàng đệ tử thâm tín Tam bảo, chỉ có con đường duy nhất là tu hành, đắc đạo, mới có khả năng mang lại cuộc sống an vui, giải thoát vĩnh hằng bất tử cho ta, cho người thân và cho tất cả chúng sanh.
HT.Thích Trí Quảng (GNO)