1.
“Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm”, câu kinh Kim Cang có nghĩa cần phải
không trụ vào chỗ nào mới sinh ra tâm. Nhưng tiếp tục hỏi, vậy tâm
thiện bố thí, làm phước được sinh ra từ đâu?
Sẽ có người cho là câu hỏi bắt quàng đang nói chuyện này bắt qua chuyện
kia chẳng dính vô đâu. Thay vì trả lời bằng câu chữ để thấy sợi chỉ đỏ
xuyên qua mọi lời Phật dạy qua những vấn đề khác nhau, đối tượng nghe
cũng khác nhau. Xin kể một câu chuyện dân gian được Huỳnh Tịnh Của ghi
lại trong chuyện giải buồn, có nhan đề: "Ăn mày xin vàng”.
Có một người rất giàu và cũng rất hà tiện keo kiệt không làm phước
cho ai bao giờ. Một hôm có người ăn mày đến xin. Chẳng xin tiền hay xin
gạo, xin món gì hết mà theo nằng nặc xin một nén vàng. Tay nhà giàu
sai đầy tớ đuổi đi nhưng gã ăn mày không chịu đi mà cứ la lết trước cửa
nhà lải nhải rất khó chịu… suốt ba năm trời. Tay nhà giàu nổi máu tò
mò, dù sao nó cũng bỏ công nên chịu cho và sai tên đầy tớ theo dõi – gã
ăn mày được nén vàng đi đâu và làm gì với nén vàng. Tên đầy tớ đi theo
thấy tên ăn mày cầm nén vàng thảy lên thảy xuống nhảy nhót mừng rỡ.
Lát sau đến bên gốc cây chắc là mệt nên nằm xuống ngủ tay cầm nén vàng
để trên bụng. Đứa đầy tớ lén lấy lại nén vàng đem về trả cho chủ. Lát
sau lão ăn mày thức dậy thấy mất của, xăm xăm trở lại xin nén khác.
Người nhà giàu nói “tui mới cho đây làm gì hết mà còn đi xin nữa vậy
cha”. Lão ăn mày nói “tôi – vừa – nhắm – mắt, nó – liền – mất – đi, nên
phải xin ông nén khác thôi”. Nghe nói ông nhà giàu dường như được soi
sáng tấm lòng ngộ ra sự đời. Rõ ràng đời là ảo, con người ta hễ nhắm mắt rồi chẳng còn của cải sự nghiệp.
Bắt đầu từ chỗ nhận thức của cải chỉ là ảo ảnh tiếp đến là suy nghĩ về
cái chết mình để lại gì. Anh nhà giàu bỗng ngộ phát tâm đem tài sản
của cải ra làm phước bù cho bản tánh keo kiệt trước đây. Suy nghĩ lại,
mới hiểu người ăn mày ấy là Bụt hiện ra. Chỉ có Bụt mới thay đổi được
suy nghĩ của những người bảo thủ, trì trệ nhất. Anh nhà giàu đúng là có
duyên gặp được Bụt. Vậy có phải làm phước còn bắt đầu từ chỗ ưng vô sở
trụ…
2. Thứ hai là bố thí, làm phước còn có gốc từ lòng
thương người. Nhưng tình thương ấy xuất phát từ bản năng nên việc so
sánh giữa người này người kia, thấy mình cho, thấy người nhận, không
tránh được. Văn hóa Việt dường như nhìn ra cuộc sống muôn màu nên có
câu "thi ân bất cần báo". Và còn đi xa hơn ngay từ lúc còn thơ ấu trẻ
con đã được người lớn dạy "thương người như thể thương thân". Làm sao
thương người như thương mình được, mấy ai có tấm lòng vàng thể hiện lời
khuyên kia. Đa số lúng túng rồi đọc kinh Phật lại bị sốc thêm khi thấy
Phật tuyên bố “ai chăm sóc cho những kẻ nghèo hèn, bệnh tật, chính là
chăm sóc cho Lhư Lai”. Đức Phật nói vậy chẳng khác nào nói, hãy nghĩ
tới mọi người trước mới mong gặp Phật. Hóa ra việc siêng năng đi chùa
lạy Phật chẳng để ý đến hoàn cảnh xung quanh, đó chỉ là công cốc. Làm
phước gắn liền với vật chất, tiền bạc, lại thêm một ngẩn ngơ khác khi
đọc phúc âm thấy chúa Jêsu dạy “vì con đời này trong việc thông công
với người đồng đời của mình. Ta nói cho các người nghe. Hãy dùng của
bất nghĩa để kết bạn, để khi của ấy hết đi, họ tiếp các người vào nhà
đời đời." Thú thật tôi cảm thấy khó chịu trước tiếng nói lạ. Sao lại
dùng của bất nghĩa đi cho. của làm ra từ mồ hôi thì sao… hóa ra các
chương trình kêu gọi từ thiện, kêu gọi quyên góp xây thánh đường, chùa
chiền có xen vào thứ tiền gọi là bất nghĩa (mà thấy cũng có phần đúng
như vậy làm ăn mà hiền lành quá sao có tiền để cho, nhưng chẳng ai nói
như chúa nghe chói lỗ tai)… Mãi nhiều năm sau này tôi mới hiểu được nhờ
tình cờ tôi đọc “Người Dublin” của nhà văn Ái Nhĩ Lan James Joyce, ông
cũng thú nhận đây là một trong những đoạn khó hiểu nhất trong kinh
thánh để có thể diễn giải cho đúng. Trong khi đức Phật là một nhà thơ
sống nội tâm, lời của Phật như mưa sâu thấm đất. Ngược lại chúa Jêsu là
thầy kế toán khắt khe đếm từng xu trong túi người. Tuy nhiên Jêsu cũng
hiểu được nhược điểm của người đối với tiền bạc đem tiền bất nghĩa đi
cho rõ ràng là khó hiểu nhưng đọc trở lại câu đầu tiên – vì việc thông
công với người – có nghĩa là người còn có mối dây liên hệ với cộng
đồng, cuộc sống không đứng lại bất động mà nó trôi chảy. Hóa ra chúa
Jêsu ngoài kế toán tiền bạc còn là người kế toán về tinh thần. Hãy
trung thực. Hãy trung thực kiểm tra lại tài khoản của mình có, xem nó
có khớp với tinh thần không. Nếu hai cái không ăn khớp nhau hãy điều
chỉnh nó lại cho đúng đắn. Ở đây Phật cũng nói – giàu mà bố thí là một
trong những việc khó ở đời. Tuy nhiên người giàu, các nhà tư bản nếu
hiểu được tiền bỏ ra làm từ thiện, nó chẳng mất đi đâu, mà nó chính là
đồng tiền sống quay vòng trong xã hội, để rồi nó cũng trở lại với mình,
công ty thương hiệu phát triển được nhiều người biết tiếng hơn. có
phải là như vậy.
3. Niệm Phật và làm phước là hai pháp môn cần thiết
để tu tâm, dưỡng tánh phù hợp với căn cơ nhiều người. Tưởng tu là khó,
còn nói tu chỉ cần như vậy thì rất dễ. Có phải ta thường nghe người nói
vậy. Đó là cái nhìn căn cứ vào việc làm bề ngoài, không đi sâu vào bên
trong. Thấy sự việc đơn giản nhưng sự thật phải trải qua quá trình rèn
luyện công phu. Thấy dễ thật ra là khó. Khó ở chỗ niệm Phật, mặc dù
đức Phật từ bi nhưng mọi chuyện lại là do nhân quả, do tâm của người.
Khó ở chỗ làm phước chỉ thấy vật chất của mình bỏ ra nhưng còn chữ
phước. Làm biết được mình có phước hay không, mặc dù có đem tiền triệu
bố thí cúng dường. Phải chăng những việc làm của người chỉ có trời cao,
đôi mắt trí huệ mới biết, ai thật sự là kẻ nhân đức có phước, đời này
còn ở đời sau. Tưởng là dễ thật ra làm phước, tu phước chẳng dễ chút
nào với những ai thật sự có thiện tâm, thương người như thể thương
thân. Kinh Phật đã nói hết, bố thí không hề đơn giản.- cất 100 ngôi
chùa, chẳng bằng cứu sống một người. Mặc dù kinh luật nói từ ngàn xưa, y
như nói với thời hiện tại. Bạn thấy nó dễ hay khó. Nhiều người siêng
năng đi chùa trong lúc xã hội lại có kẻ nằm chờ chết vì không tiền chữa
trị. Tâm lý con người phức tạp. Muốn cho nhưng lại nghĩ “cho hết, lấy
gì để xài”. Đúng ra phải nghĩ ngược lại “xài hết, lấy gì bố thí”. Đức
Phật với đôi mắt nhìn thấu suốt cả người ta nên trong kinh Niết Bàn dạy
có ba việc bố thí không thanh tịnh: a/ trước muốn cho nhiều khi cho
lại rút bớt, a/ chọn vật xấu cho người, vật tốt giữ lại cho mình, c/ đã
cho xong, sinh tâm hối tiếc của đem cho. Chẳng những Đức Phật nói,
giàu khó bố thí như nói ở phần trên, mà nghèo cũng khó bố thí. Khó vì
đâu phải lúc nào mình cũng có sẵn để mang ra cho (thiện tâm của người
chính là ở đây). Lúc nhỏ tôi nhớ má tôi mà một số người lớn ở quê, là
dân miền Tây thấm nhuần văn hóa đạo Phật. Mỗi khi xúc gạo nấu cơm, má
bốc một hai nắm bỏ vô trong cái hũ. Má tôi dạy, buổi cơm thiếu một hai
nắm gạo không sao nhưng nhà lúc nào cũng có thứ để cho người đến xin.
Nó gọi là tích âm đức. Ngày nay không còn thấy cảnh ăn xin đeo bị bên
hông để xin gạo như ngày xưa… mà xin tiền. Tôi thấy có người gặp tiền
lẻ bỏ vô trong cái hộp để riêng ra dành cho những ai cơ khổ lở đường.
Những người mặc dù chẳng khá giả nhưng có thiện tâm (tôi không được như
vậy) rõ ràng là đã gieo nhân. Và gieo nhân thì gặt quả, mặc dù không
biết kiếp sau người hưởng được quả gì, nhưng người thành hình đức tin
vào luật nhân quả từng kiếp sống nối tiếp nhau và tiếp tục gieo.
4. Ta đã hưởng, đã chịu ơn nhiều của xã hội, việc bố
thí, làm phước của ta dường như đó cũng là bổn phận của con người để
góp phần (trả lại) rất nhiều người không biết việc mình làm là đã tu.
Và trong nhiều pháp môn, có pháp môn chủ yếu thuộc về hành rất ít người
phân tích (ai đem phân tích một mùi hương). Đó là pháp môn tu phước.
Có phải nó bắt đầu từ nhận thức cõi đời là phù du như đã nói người sanh
thiện tâm. Tiếp tục người tu phước cần phải giữ gìn năm giới. Tại sao?
Tại vì không sát sanh là làm phước, bố thí tánh mạng cho tất cả chúng
sanh lớn hoặc nhỏ. Không trộm cắp là bố thí sự an toàn, an lạc cho xã
hội. Không tà dâm, không nói dối cũng như vậy. Uống rượu, dùng chất say
sưa là nguồn gốc gây ra bao tội lỗi. Không uống rượu, dùng các chất
say là mang đến cho xã hội niềm vui. Giữ năm giới còn gọi là năm đại
thí hưởng quả báu không bị oan trái, không ai làm khổ mình, người ái mộ
mình rồi có uy tín với xã hội. Trong lúc bố thí ta cảm thấy không hài
lòng ở người thọ thí (làm biếng chẳng chịu làm lụng chờ người tới
cho.v.v…) do đó người tu phước tiếp tục đồng hành với xả. Đồng hành với
sự hoan hỷ. Trong hai loại này bố thí hoan hỷ bất cứ trường hợp nào vì
vậy phước đức cao hơn bố thí xả. Tu phước dễ hay khó. Dân gian có câu
nói giúp của không giúp đũa ăn cơm. Có nghĩa là anh đói tôi giúp cho
tiền bạc nhưng nghề nghiệp, cách làm ăn lại giấu kín không chỉ. Chẳng
ai chỉ đường đi buôn. Bấy lâu cứ tưởng câu nói cho người một con cá
không bằng cho cần câu là của dân gian không ngờ chính Lão Tử đã nói
câu ấy. Tương tự Đức Phật có dạy ba loại tài thí, vật thí và pháp thí.
Pháp thí được xếp cao hơn cho thấy việc tu phước chẳng dễ. Theo kinh,
Phật dạy vật đem bố thí có mười loại thường thấy như bố thí vật thực,
nước uống, vải, xe cộ, bông hoa, vật thơm, vật để xức, chỗ nằm, chỗ ở,
đèn. Về miền Tây ta thấy ở thôn quê trước cửa mỗi nhà để lu nước uống,
hoặc là ở thành phố Hồ Chí Minh nhiều ngả đường thấy để thùng nước đá
trà dành cho kẻ lở đường – đó là bố thí nước. Ngoài 10 loại vật thí
thường thấy, kinh có dạy nhiều vật thí khác đem lại lợi ích cho cuộc
sống, chẳng những cho kiếp hiện tại mà cho lẫn kiếp vị lai. Nhưng bài
tìm hiểu về tu phước đến đây đã khá dài. Xin phép được nói thêm cái gọi
là trường cửu thí. Tức là bố thí làm phước những vật có tính bền vững
lâu dài. Chừng nào nó còn tồn tại, thì phước thiện của người cũng ngày
đêm tăng trưởng. Trường cửu thí có 6 loại 1- làm phước trồng cây ăn quả
cho bóng mát. 2- làm phước trồng cây gỗ quý, trồng rừng chẳng hạn. 3-
làm phước xây cầu để người qua lại. 4- làm phước đào giếng lấy nước
uống. 5- làm phước xây nhà trọ cho dân nghèo, xây dựng sửa chữa chùa
chiền. 6- xây trường dạy nghề nuôi dưỡng người già, trẻ mồ côi.
Hiện tại xã hội rất cần cái gọi là trường cửu thí như vậy.
Chùa Phúc Lâm tổ chức tặng quà Vu Lan 2012 cho người mù, người nghèo
5. Làm phước, bố thí đứng đầu trong các pháp Ba la
mật và hỗ trợ cho các pháp. Về giới hạnh của người thì hạnh hiếu đứng
đầu. Tháng bảy mưa sụt sùi, đất trời hắt hiu. Tháng này âm dương như
xích lại gần với nhau. Người như cảm nhận được điều này nên tháng bảy
còn là tháng người hướng về nhau. Do đó từ xưa trong tháng bảy có
chuyện Ngưu Lang Chức Nữ gặp nhau qua cầu ô thước. Tích ngài Mục Kiền
Liên tìm mẹ. Tục lệ cúng cô hồn. Cũng không có gì lạ ngày lễ kỷ niệm
thương binh liệt sĩ, chiến sĩ trận vong cũng diễn ra trong tháng này.
Nói về chữ hiếu, tất nhiên là con cái phải phụng dưỡng nuôi nấng cha mẹ
đầy đủ món ngon vật lạ. Nhưng có thật là hiếu thảo không khi cha mẹ vì
món ngon vật lạ kia mà mặt phải xấu hổ cúi đầu xuống không dám nhìn
lên. Hay là hiếu được đánh giá cao nhất là làm những điều để cho cha mẹ
vui, xóm làng ngưỡng mộ. Không biết tục lệ cúng cô hồn xuất phát từ
đâu. Mới nhìn cho nó là dị đoan, xét kỹ mới thấy đó là nét văn hóa tinh
tế của người phương Đông mang tính nhân văn tình thương trải rộng muôn
loài, thập loại chúng sinh. Người đang sống nhớ tới bao vong hồn khác
chết xiêu mồ lạc mả lang thang đầu đường xó chợ đói khát đợi người bố
thí vào ngày này (Mâm cúng cô hồn gồm có gạo muối, mía chặt khúc, áo
giấy, cháo, bộ tam sên, bánh ú, bánh cấp. Sau khi cúng xong chủ nhà xả
giàn cho đám con nít nhảy vô dành lấy đồ cúng). Lúc nhỏ vào tháng bảy
tôi thường hay theo bọn trẻ trong xóm đi cướp xả giàn. Rất là vui nhưng
tôi không hiểu hết ý nghĩa của nó, đôi khi bị người lớn mắng cho - đồ
cô hồn sống. Mãi khi lớn lên nhớ lại thấy vui vui, chợt giật mình trước
mấy tiếng cô hồn sống. Nó mang ý nghĩa không tốt đã đành nhưng cô hồn
sống đặc biệt với tiếng cô nghĩa là sự cô độc không biết nương tựa vô
đâu. Có phải nó còn bao gồm những người đau yếu bệnh tật không tiền
chữa trị, sống vất vưổng ở đâu đó nằm chờ chết. Có phải những đứa trẻ
mồ côi lang thang đầu đường xó chơ kiếm miếng ăn. Có phải và có phải.
Trong tháng bảy tình cờ tục cúng cô hồn trùng với lễ Vu lan tích Mục
Kiền Liên xuống địa ngục tìm cách cứu mẹ. Lần này hầu như ai cũng biết
Bồ tát Mục Kiền Liên vì sự tích rất lôi cuốn hấp dẫn mà không để ý
đến….chính sự cúng dường, làm phước để cứu bà Thanh Đề thoát khỏi địa
ngục là hình thức báo hiếu cao nhất để xây dựng nên câu chuyện, chính
là điều đức Phật muốn dạy chúng ta. Tới đây thì kết luận được rồi. Con
cái có rất nhiều điều làm cho cha mẹ vui. Nhưng rõ ràng điều cha mẹ vui
hơn cả được ai cho vàng là đứa con ăn nên làm ra của mình biết nghĩ
đến người nghèo, người đau khổ xung quanh. Ý nghĩa là cha mẹ được hưởng
phước từ thiện tâm của con cái mình sẽ được sống lâu (phước kia lớn vô
cùng). Làm phước bố thí quanh năm nhưng đặc biệt tới tháng bảy là tháng
hội đủ những điều kiện để người tu phước thể hiện tấm lòng bố thí cúng
dường. Rõ ràng để báo hiếu cha mẹ không gì bằng người làm việc từ
thiện tu phước.
Long Xuyên tháng bảy năm Quý Tỵ (2013)
Ngô Khắc Tài