Thiền
sư Đạo Nguyên (1200-1252) là một trong những nhà tư tưởng lớn nhất của
nước Nhật. Mồ côi cha từ năm hai tuổi, đến năm bảy tuổi thì mẹ lại mất.
Khi nhìn thấy xác mẹ được đưa lên giàn hỏa ông đã khóc, thế nhưng có
thể là ông đã không khóc như một đứa bé.
Nhìn thân xác mẹ cháy trong lửa đỏ và những đám khói bốc lên, có lẽ
ông đã hình dung ra cho mình một con đường. Được một người chú đem về
nuôi, thế nhưng năm mười hai tuổi thì ông bỏ nhà trốn vào vùng núi Hiei
đi tìm một người chú khác là một nhà sư sống trong vùng này, để xin
được vào chùa.
Trong Đại Bát Niết Bàn Kinh (Mahaparinirvana-sutra) có một
câu như sau: "Trong số tất cả các dấu chân, chỉ có dấu chân voi là to
lớn nhất. Trong số tất cả những thứ suy tư, chỉ có sự suy tư về vô
thường là quan trọng nhất". Tất cả mọi sự vật đều phù du. Tất cả các
thứ cấu hợp đều tan rã. Tất cả những gì sinh ra đều sẽ đi đến cái chết,
và cái chết thì cũng chỉ là một sự chuyển hóa trong khung cảnh của vô
thường.
Kinh sách thường nêu lên bốn dấu ấn (caturlaksana) căn bản
của toàn bộ giáo huấn Phật Giáo, đấy là: tất cả mọi hiện tượng cấu hợp
đều vô thường, tất cả những gì hư cấu đều khổ đau, tất cả mọi hiện
tượng đều không có cái ngã, niết-bàn là an bình. Dấu ấn thứ nhất là vô
thường và đấy cũng chính là cái nhìn của Phật Giáo vào thế giới. Cái
nhìn ấy giúp chúng ta nhận ra sự chuyển động thường xuyên và cùng khắp
của mọi hiện tượng trong thế giới, và thật ra thì thế giới cũng chỉ gồm
toàn là hiện tượng. Mọi hiện tượng đều xô đẩy nhau, níu kéo nhau để
cùng chuyển động và xoay vần trong vòng sinh diệt.
Quá trình chuyển động, hủy hoại và sinh thành đó của mọi hiện tượng
thường xuyên tiếp diễn bên ngoài thế giới và cả bên trong tâm thức của
mỗi con người. Sáng sớm mở cửa nhìn ra ngoài trời, mây vẫn bay, chim
vẫn hót, bước ra đường, phố chợ vẫn ồn ào. Thế giới dường như vẫn còn
nguyên, vẫn giống như ngày hôm qua. Thế nhưng thật ra thì mỗi chúng ta
đã lật quyển nhật ký của đời mình sang một trang mới, và pho sách lịch
sử khổng lồ của vũ trụ cũng đã sang trang. Một đêm dài hay cả một kiếp
người cũng chỉ như một dấu phẩy hay một dấu chấm trên dòng chữ bất tận
của vô thường.
Ra đường trông thấy một cô gái thật đẹp, thế nhưng bước thêm vài
bước nữa thì chúng ta cũng có thể bắt gặp một bà lão lưng còm, da nhăn
và tóc bạc. Vô thường đôi khi thật lộ liễu nhưng lắm khi cũng rất kín
đáo, hay ít ra cũng vượt khỏi sự suy nghĩ thường tình của chúng ta.
Phật Giáo phân chia vô thường làm hai thể loại khác nhau: vô thường thô
thiển và vô thường tinh tế. Vô thường thô thiển là đôi má nhăn nheo
trên gương mặt của một bà lão, là tiếng nổ lách tách của những thanh
củi đang cháy trên thân xác người mẹ của Đạo Nguyên, hay những đám khói
đen bốc lên từ giàn hỏa. Vô thường thô thiển cũng có thể rất bình dị
và yên lặng như một bọt bong bóng ở thềm sân vào một buổi sáng trời mưa.
Vô thường tinh tế thì giống như một vì sao giữa trời. Hình ảnh và vị
trí của ngôi sao Bắc Đẩu mà chúng ta trông thấy hôm nay là hình ảnh và
vị trí của nó cách đây đã 430 năm ánh sáng. Vô thường tinh tế cũng là
con ruồi đang vờn bay trước mặt, một giấc mơ đêm qua, một thoáng xúc
cảm trong tim hay một niềm hạnh phúc trong lòng. Cái vô thường tinh tế
cũng là những biến đổi trong từng đơn vị của tri thức trên dòng chảy
của nó. Mỗi đơn vị vi tế ấy tiếp nhận các vết hằn đủ loại của nghiệp để
nhào nặn chúng, tiêu hóa chúng và để chuyển sang cho một đơn vị khác.
Những đơn vị ấy của dòng tri thức nối tiếp nhau để đưa chúng ta phiêu
du trong giấc mơ đêm qua và trong những giấc mơ khác vào những đêm hôm
trước và cả trong cơn lốc của thế giới hiện tượng đang diễn biến chung
quanh chúng ta hôm nay.
Như những vì sao, những con ruồi đang bay hay ánh lửa của một ngọn đèn dầu,
Như một ảo giác ma thuật, một giọt sương mai hay một bọt bong bóng,
Một giấc mơ, một tia chớp hay một áng mây bay,
Đấy là cách phải nhìn vào mọi hiện tượng tạo tác từ những điều kiện trói buộc.
Lời Phật dạy - Kinh Kim Cương (Vajracchedika prajnaparamita-sutra)
Riêng vô thường hay là dấu ấn thứ nhất trong số bốn dấu ấn của giáo
huấn Phật Giáo còn được phân chia thành bốn dấu ấn thứ yếu là: tất cả
những gì kết hợp sẽ xa lìa, tất cả những gì sinh ra đều sẽ chết, tất cả
những gì được kiến tạo sẽ sụp đổ, tất cả những gì kết hợp rồi sẽ tan
rã. Tất cả bốn dấu ấn này đều là những nguyên nhân cội rễ mang lại khổ
đau. Vì thế có thể bảo rằng vô thường chính là khổ đau, và nếu vô
thường là bản chất của mọi hiện tượng thì khổ đau cũng sẽ cùng với mọi
hiện tượng và cả vô thường bàng bạc và chuyển động trong thế giới,
trong từng đơn vị vi tế của dòng tri thức cho đến từng tế bào và cả
trong tâm thức của mỗi con người.
Khổ đau lại được kinh sách chia làm ba thể loại: khổ đau của khổ đau (dukkha dukkha), khổ đau vì vô thường (viparinama dukkhata) và khổ đau liên quan đến thể dạng trói buộc của sự hiện hữu (samskaradukkhata). Khổ đau của khổ đau
là những khổ đau lộ liễu nhất và thô thiển nhất: sinh lão bệnh tử và
phải kết hợp với những gì mà mình không muốn. Khổ đau tinh tế nhất và
khó nhận thấy nhất là khổ đau của sự hiện hữu, đấy là khổ đau
vì phải hình thành trong thể dạng trói buộc tạo ra bởi tác động của
nghiệp, một hình thức lo âu mang tính cách hiện sinh hay là một sự bất
toại nguyện sâu xa, thường xuyên và ẩn kín về sự hiện hữu của chính mình
trong thế giới luân hồi (samsara), nói một cách cụ thể hơn
thì đấy là cái khổ đau của sự biến động thường xuyên của năm thứ cấu
hợp còn gọi là ngũ uẩn tạo ra một cá thể.
Khổ đau vì vô thường được xếp vào thể loại thứ hai tức là
nằm vào giữa hai thể loại trên đây, đấy là: phải xa lìa những gì mà
mình yêu thích và không chiếm hữu hay thực hiện được những gì mà mình
thèm muốn. Chúng ta muốn được trẻ mãi, muốn giữ mãi khả năng tinh thần
cũng như sự linh hoạt của thể xác, muốn những người thân sống mãi và
lúc nào cũng yêu thương mình. Thế nhưng tất cả đều sẽ ra đi, tất cả đều
xa lìa, tất cả đều đổ vỡ. Khi ôm hôn một đứa bé hay ẳm một hài nhi vào
lòng và đồng thời nếu chúng ta cũng ý thức được rằng rồi đây chúng
cũng sẽ phải đau yếu và già nua thì chúng ta lại càng cảm thấy yêu
thương chúng hơn và siết chặt chúng hơn vào lòng mình. Khổ đau của vô thường không lộ liễu như khổ đau của khổ đau thế nhưng nó cũng không đến nỗi quá khó để nắm bắt như khổ đau của sự hiện hữu.
Tuy nhiên không mấy khi chúng ta ý thức được những thứ khổ đau ấy một
cách thật minh bạch, đấy chẳng qua là vì thông thường của chúng ta
không chấp nhận hoặc không nhìn thẳng vào mặt loại khổ đau này.
Khổ đau của khổ đau là những gì không lẫn tránh được, thật
vậy nào chúng ta có tránh khỏi được sinh, lão, bệnh, tử và những gì mà
mình không thích đâu. Chúng ta chỉ biết tìm cách làm ngơ hoặc nhẫn nhục
chịu đựng những thứ khổ đau ấy. Do đó khổ đau của khổ đau mang tính
cách "thụ động" một cách khá rõ rệt. Đối với khổ đau của sự hiện hữu
cũng thế, chúng ta không thể chối bỏ ngũ uẩn của mình được, không thể
trút bỏ dễ dàng những lo buồn và ray rứt trong tâm thức mình. Những khổ
đau ấy mang tính tự tại nơi chính sự hiện hữu của chúng ta, vì thế nó
cũng là những gì rất "thụ động" mà chúng ta phải gánh chịu.
Trái lại khổ đau vì vô thường là thứ khổ đau khuấy động
nhất, nguy hiểm nhất vì chính những thứ khổ đau ấy đã tạo ra mọi sự
phức tạp và khó khăn cho toàn thể xã hội con người. Tại sao lại như
thế? Bởi vì con người luôn tìm cách đương đầu với vô thường, không chấp
nhận xa lìa những gì mình yêu thích và phải chiếm hữu cho bằng được
những gì mình ham muốn. Con người luôn tìm cách phấn đấu dưới mọi hình
thức để chống lại vô thường, thế nhưng sự chống chỏi ấy chỉ mang lại
tuyệt vọng mà thôi.
Nếu con người tỏ ra cam phận và nhẫn nhục trước khổ đau của khổ đau và khổ đau vì sự hiện hữu
thì lại phản ứng một cách rất hăng say và tích cực trong việc đương
đầu với vô thường trên mọi lãnh vực. Đây cũng là mối quan tâm và âu lo
chủ yếu nhất trong mọi sinh hoạt của con người, và cũng là nguyên nhân
cội rễ sâu kín nhất mang lại khổ đau cho họ.
Đang dọn bàn ăn ta thấy một con ruồi bay trước mặt, ta bèn cầm ngay
một chiếc quạt và rình rập nó, chờ lúc nó đậu xuống thành bàn thì đập
bẹp nó để bảo vệ lấy cái vô thường của chính mình. Vào một đêm trăng
sao vằng vặc, thay vì thả hồn mình vào vũ trụ để hòa nhập với vô thường
và sự vận hành của các vì tinh tú, thì ta lại cầu khẩn đủ mọi thứ,
chẳng hạn như cầu xin tình yêu của một người nào đó đối với mình luôn
được bền vững, và quên mất rằng các vì sao mà mình trông thấy khi ánh
sáng của nó đến được địa cầu thì một số cũng đã nổ tung và biến mất từ
lâu rồi. Một buổi sáng trời mưa, khi trông thấy những bọt bong bóng
ngoài sân thì thay vì liên tưởng đến cái mong manh của kiếp nhân sinh và
nghĩ rằng mình sẽ có một buổi sáng thanh thản để ngắm nhìn những giọt
mưa vỡ trên thềm cửa để tìm về với chính mình, thì lại càu nhàu oán
trách nếu trời cứ mưa như thế này thì làm sao mà đi dạo phố được!
Những gì vừa nêu trên tuy thật bình dị và tầm thường thế nhưng chúng
đã phản ảnh một cách vô cùng kín đáo sự nắm bắt và bám víu vào "cái
tôi" và cái "của tôi" mà vị đại sư Buddhadasa từng thuyết giảng. Khi
nghe nói đến "cái tôi" hay cái "của tôi" thì phản ứng của chúng ta là
nghĩ ngay đến những gì thật quan trọng và nguy hiểm, thế nhưng thực ra
thì "cái tôi" và cái "của tôi" ấy là những cảm tính tàng ẩn bên trong
những hành động thường nhật thật nhỏ nhặt và bình dị của mình nhằm để
chống lại vô thường.
Chúng ta quên rất nhanh một giấc mơ đêm qua. Thật thế không biết bao
nhiêu chuyện còn đang chờ đợi mình vào ngày hôm nay. Chỉ toàn là bận
rộn. Thế nhưng chúng ta cũng quên rằng tất cả những thứ bận rộn ấy lại
cũng chỉ là một giấc mơ. Sự khác biệt giữa một giấc mơ và những thứ bận
rộn mà chúng ta gọi là hiện thực thì cũng giản dị thôi. Trong giấc mơ
chỉ có phần tri thức vẫn tiếp tục sinh hoạt, ngũ giác "ngủ yên" không
tác động hoặc gần như không tác động đến sự vận hành đó của tri thức.
Dòng tri thức không bao giờ ngưng nghỉ kể cả trong giấc ngủ hay sau khi
chết, những gì tích tụ và lưu giữ trên dòng tri thức luôn tương tác
với nhau qua một quá trình biến đổi liên tục. Trong giấc ngủ thì tâm
thức được thả lỏng vì không bị những sự cảm nhận của ngũ giác tấn công
nó, dòng tri thức nhờ đó sẽ làm hiện ra trong tâm thức những hậu quả
phát sinh từ quá trình tương tác của những gì mà nó ghi nhận và lưu giữ
được. Có những giấc mơ thật đẹp, thế nhưng cũng có những giấc mơ hãi
hùng, tất cả đều phản ảnh những gì mà dòng tri thức đã tồn lưu, nếu nói
theo kinh sách thì đấy là những vết hằn của nghiệp được ghi đậm trên
dòng tri thức. Chúng hiện lên trong giấc mơ như những "tiền vị" của khổ
đau mà chúng ta sẽ nếm được một cách thật sự bằng ngũ giác trong những
bối cảnh thích nghi vào một thời điểm nào đó sau này.
Thật ra thì lúc nào chúng ta cũng sống trong một giấc mơ triền miên
mà thôi, có lúc chỉ có dòng tri thức hoạt động làm hiện ra những giấc mơ
trong khi ngủ, có lúc, chẳng hạn như khi đang thức, thì ngũ giác chen
vào để khuấy động dòng tri thức đó, tấn công nó và tạo ra một trận
chiến thật hỗn loạn. Những lúc mà trận chiến ấy đang bùng lên và tiếp
diễn thì chúng ta gọi đấy là hiện thực. Những người hành thiền thường
bảo rằng khi họ tréo chân ngồi xuống trong yên lặng thì đấy là cách
giúp họ dẹp yên cuộc chiến ấy.
Bảy tuổi đầu khi nhìn xác mẹ trên giàn hỏa và những đám khói bốc lên
thì cuộc chiến ấy cũng đã bùng lên thật mãnh liệt trong lòng cậu bé
Eihei, một cuộc chiến chống lại với vô thường. Năm mười hai tuổi thì
cậu bé đã hiểu được phải làm thế nào để chiến thắng và dẹp yên cuộc
chiến ấy. Cậu bé Eihei sau này chính là vị đại thiền sư Đạo Nguyên.
Mùa Vu Lan 2556, Bures-Sur-Yvette, 02.09.12.
Hoang Phong